Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2013/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 30 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 16/2012/QĐ-UBND NGÀY 06 THÁNG 4 NĂM 2012 CỦA UBND TỈNH KIÊN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 562/TTr-STNMT ngày 30 tháng 9 năm 2013 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi Khoản 1, Điều 10 như sau:

“1. Đối với các tài sản hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất,… có thể tháo dỡ và di chuyển được thì được bồi thường các chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt. Chi phí trên do Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quyết định, nhưng không được vượt quá 30% giá trị còn lại của tài sản đó”.

2. Sửa đổi Khoản 2, Khoản 3, Điều 15 như sau:

“2. Hộ gia đình, cá nhân nhận đất ở, nhà ở tái định cư mà số tiền được bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu thì được hỗ trợ khoản chênh lệch đó; trường hợp không nhận đất ở, nhà ở tại khu tái định cư thì được nhận tiền tương đương với khoản chênh lệch đó. Giá suất tái định cư tối thiểu như sau:

a) Khu vực nông thôn (đối với các xã): Huyện Phú Quốc, huyện Kiên Hải và các xã đảo của thị xã Hà Tiên, các xã đảo của huyện Kiên Lương: 110 triệu đồng/suất; các huyện, thị xã, thành phố còn lại: 99 triệu đồng/suất;

b) Khu vực đô thị (đối với phường, thị trấn): Đối với đô thị ở huyện đảo: 150 triệu đồng/suất; đối với đô thị các huyện, thị xã, thành phố còn lại: 135 triệu đồng/suất;

c) Suất tái định cư tối thiểu là suất đất ở có đầu tư cơ sở hạ tầng mà diện tích suất đất ở này không được nhỏ hơn 100 mét vuông đối với khu vực nông thôn và 80 mét vuông đối với khu vực đô thị.

3. Đối với những hộ không nhận đất ở, nhà ở hoặc phải di chuyển mà tự lo chỗ ở thì được hỗ trợ một khoản tiền bằng một suất đầu tư hạ tầng tính cho một hộ gia đình tại khu tái định cư tập trung trừ trường hợp đã được nhận khoản tiền hỗ trợ tái định cư quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 2 Điều này. Giá suất đầu tư hạ tầng như sau:

a) Đối với huyện Phú Quốc, huyện Kiên Hải và các xã đảo của thị xã Hà Tiên, các xã đảo của huyện Kiên Lương: 80 triệu đồng/suất;

b) Các huyện, thị xã, thành phố còn lại: 72 triệu đồng/suất;

c) Suất đầu tư hạ tầng được tính bằng tổng chi phí đầu tư hạ tầng trên một suất đất ở và diện tích suất đất ở không được nhỏ hơn diện tích của suất tái định cư tối thiểu quy định tại Điểm c, Khoản 2 Điều này”.

3. Sửa đổi Khoản 2, bổ sung Khoản 3, Điều 18 như sau:

“2. Các thành viên trong độ tuổi lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này có nhu cầu đào tạo, học nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo cho một khóa học. Mức học phí được miễn được tính bằng mức học phí của khóa học nghề tùy theo trình độ, cấp đào tạo của từng đối tượng học nghề tại địa phương;

Kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các đối tượng chuyển đổi nghề nằm trong phương án đào tạo, chuyển đổi nghề của địa phương và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt;

Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề phải lấy ý kiến của người bị thu hồi đất thuộc đối tượng chuyển đổi nghề.

3. Đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại Khoản 1, Điều 14 Thông tư số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà đất nông nghiệp bị thu hồi đó không thuộc trường hợp quy định tại Điều 21, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP; trường hợp hộ gia đình bị thu hồi đất mà trong hộ vừa có nhân khẩu phi nông nghiệp vừa có nhân khẩu trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp pháp đất nông nghiệp ở địa phương khác mà hộ gia đình, cá nhân này thuộc đối tượng đủ điều kiện giao đất nông nghiệp quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 14 Thông tư 14/2009/TT- BTNMT nhưng chưa được giao đất nông nghiệp và được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đất nhận chuyển nhượng đó, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương thì khi Nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định tại Điều này.

Đối với các trường hợp có thời điểm sử dụng đất sau ngày 12 tháng 9 năm 1999 (ngày Nghị định số 85/1999/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành) ngoài điều kiện trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương còn phải có nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất nông nghiệp đó”.

4. Sửa đổi Khoản 3, Điều 22 như sau:

“3. Đối với hộ gia đình, cá nhân cất nhà ở trên đất nông nghiệp, ở nhờ, ở thuê trên đất của người khác mà được chủ đất đồng ý trước ngày công bố quy hoạch để thực hiện dự án, khi bị giải tỏa mà không còn đất và không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thì được bồi thường vật kiến trúc và bố trí tái định cư”.

5. Bổ sung Khoản 4, Điều 24 như sau:

“4. Giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ gia đình, cá nhân bị thiệt hại về đất đai, hoa màu, vật kiến trúc trong khu vực dự án trên địa phương mình quản lý”.

6. Xử lý một số vấn đề phát sinh khi ban hành quyết định

1. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì không áp dụng hoặc không điều chỉnh theo Quyết định này.

2. Đối với những dự án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước khi Quyết định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng theo Quyết định này.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, hướng dẫn thi hành, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và bãi bỏ Khoản 1 Điều 10, Khoản 2, Khoản 3 Điều 15, Khoản 2 Điều 18 và Khoản 3 Điều 22 Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang ban hành kèm theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Văn Thi