Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2008/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 27 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XỬ LÝ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH TRONG HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Điện lực được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông tư số 06 /2006/TT-BCN ngày 26/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xử lý nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.HĐND, TT. UBND , TTTU;
- Chánh VP.UBND tỉnh;
- Sở Công Thương;
- Sở Tài chính;
- Sở Tư Pháp;
- Sở Xây dựng;
- Sở Thể thao & Du lịch;
- Sở Tài Nguyên – Môi trường;
- Sở Giao Thông Vận tải;
- Điện lực An Giang;
- UBND huyện thị xã thành phố;
- Công ty Điện Nước An Giang;
- Cục kiểm tra văn bản;
- Website Chính phủ;
- Trung tâm Công báo
- Lưu: VT, TH, KT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Kim Yên

 

QUY ĐỊNH

VỀ XỬ LÝ NHÀ Ở, CÔNG TRÌNH TRONG HÀNH LANG BẢO VỆ AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28 /2008/QĐ-UB ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh An Giang)

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về trách nhiệm, hình thức xử lý nhà ở, công trình đang tồn tại hoặc cơi nới, xây mới trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn theo các quy định hiện hành.

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở, công trình đang tồn tại hoặc tự ý cơi nới, xây dựng mới trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý

1. Việc xử lý nhà ở, công trình đang tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp được thực hiện theo các quy định của Luật Điện lực, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, Thông tư số 06/2006/TT-BCN ngày 26 tháng 9 năm 2006 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) hướng dẫn thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Ưu tiên áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: cải tạo mái, vách nhà từ vật liệu dễ cháy thành vật liệu khó cháy, lắp hệ thống nối đất cho các nhà ở, công trình có mái, khung và vách làm bằng vật liệu kim loại; thay dây dẫn điện trần bằng dây bọc, nâng cao, di dời đường dây dẫn điện cao áp ra xa khu dân cư, nhằm hạn chế việc giải toả, di dời nhà ở, công trình và các tài sản khác của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Điều 3. Trách nhiệm và hình thức xử lý

1. Đối với nhà ở, công trình đã có trước khi xây dựng đường dây dẫn điện

a) Chủ đầu tư xây dựng công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm thực hiện và chịu chi phí cho việc cải tạo, nối đất cho nhà ở, công trình của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hành lang bảo vệ an toàn điện cao áp hoặc cải tạo, di dời lưới điện đảm bảo đúng quy định về an toàn lưới điện cao áp theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ. Trường hợp phải giải toả, di dời nhà ở, công trình của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản trên đất và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất.

b) Đối với các trường hợp có thoả thuận khác thì các bên tham gia phải thực hiện đúng theo các thoả thuận đã ký kết.

c) Việc xác định nhà ở, công trình xây dựng hợp pháp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về xây dựng, nhà ở, đất đai và các quy định khác có liên quan.

2. Đối với nhà ở, công trình được cấp giấy phép xây dựng sau khi có đường dây dẫn điện cao áp mà không đáp ứng được các điều kiện để tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp

a) Đơn vị cấp phép xây dựng có trách nhiệm phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp và chủ nhà ở, công trình, tiến hành cải tạo nhà ở, công trình nhằm thỏa mãn các điều kiện an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

b) Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp phép sai theo quy định của pháp luật.

3. Đối với nhà ở, công trình đang tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp có sau khi xây dựng công trình điện

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhà ở, công trình đang tồn tại trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp có sau khi xây dựng công trình điện mà chưa đảm bảo các quy định hiện hành phải có trách nhiệm và chịu chi phí để thực hiện việc cải tạo, tiếp địa nhà ở, công trình đáp ứng các điều kiện để được tiếp tục tồn tại trong hành lang an toàn điện; nếu không thì phải tự tháo dỡ, di dời nhà ở, công trình ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

b) Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, dễ dẫn đến sự cố tai nạn điện thì đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp đề xuất UBND cấp huyện yêu cầu chủ sở hữu nhà ở, công trình phải nhanh chóng tháo dỡ ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn điện trong thời gian nhất định, tùy vào tình hình an toàn cụ thể của lưới điện.

4. Đối với nhà ở, công trình tự ý cơi nới, xây dựng mới vi phạm hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp

a) Khi phát hiện hành vi vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp có trách nhiệm thông báo ngay cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm biết; yêu cầu họ không được tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm; khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm của họ gây ra.

b) Nếu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm hoặc không khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm của họ gây ra, đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực và Thông tư số 03/2003/TT-BCN ngày 19/11/2003 của Bộ Công nghiệp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 74/2003/NĐ-CP ngày 26/6/2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực.

c) Trong trường hợp hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội thì chuyển cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.

5. Đối với công trình là các loại hộp đèn, bảng hiệu, ăng-ten, vật kiến trúc khác

Các loại hộp đèn, bảng hiệu, bảng quảng cáo, ăng-ten, vật kiến trúc khác hiện đang ở trong hay ngoài hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, mà khi đổ ngã có khả năng va quệt vào công trình điện thì xử lý như sau:

a) Trường hợp được cấp phép xây dựng trước khi có đường dây dẫn điện thì chủ đầu tư công trình lưới điện cao áp có trách nhiệm thực hiện và chịu chi phí cho việc cải tạo hoặc di dời nhằm thỏa mãn các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật.

b) Trường hợp được cấp phép xây dựng sau khi có đường dây dẫn điện, thì đơn vị cấp phép xây dựng có trách nhiệm chủ trì phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp và chủ sở hữu tiến hành xử lý các loại hộp đèn, bảng hiệu này nhằm thỏa mãn các điều kiện an toàn theo quy định của pháp luật.

c) Các trường hợp tự ý xây dựng công trình là các loại hộp đèn, bảng hiệu, ăng-ten, vật kiến trúc khác phải có trách nhiệm và chịu chi phí tháo dỡ, di dời ra khỏi hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Điều 4. Đối với việc di dời đường dây dẫn điện

1. Trong trường hợp thực hiện việc cải tạo, di dời đường dây dẫn điện mà không ảnh hưởng nhiều đến việc cung ứng điện và có chi phí thấp hơn hoặc tương đương với việc cải tạo, di dời nhà ở, công trình của người dân trong hành lang an toàn điện, thì cần xem xét đến phương án cải tạo, di dời đường dây điện thay cho phương án cải tạo, di dời nhà ở, công trình của người dân.

2. UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể theo đề nghị của các sở, ngành, địa phương liên quan. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, cần kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để giải quyết

Điều 5. Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư

1. Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí di dời nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp có trước công trình điện và trước ngày 22/11/2002. Việc hỗ trợ chi phí di dời, giải toả nhà ở, công trình được tổ chức thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND huyện) lập đoàn công tác để thực hiện việc kiểm kê, giám định hiện trạng, các sở, ngành cấp tỉnh (Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Giao thông - Vận tải, Điện lực, Công ty Điện Nước) hướng dẫn về chuyên môn để đoàn công tác của huyện thực hiện.

b) Sở Tài chính hướng dẫn cho đoàn công tác của huyện lập phương án hỗ trợ chi tiết, trình tự thủ tục nhận và quyết toán kinh phí để thực hiện đúng với các quy định của ngành tài chính.

c) Sau khi hoàn thành công tác kiểm kê, giám định và phương án hỗ trợ chi tiết, UBND huyện báo cáo về Sở Tài chính và Sở Công Thương.

d) Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định phương án trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

đ) Sau khi phương án được phê duyệt, UBND huyện thực hiện các thủ tục nhận kinh phí, tổ chức chi hỗ trợ di dời, giải toả nhà ở, công trình cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước. Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, thông qua Sở Tài chính và Sở Công thương.

2. Đối với công trình, nhà ở còn lại thực hiện tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 thuộc Điều 03 của Quyết định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 28/2008/QĐ-UBND về quy định xử lý nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 28/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/08/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Phạm Kim Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản