Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2797/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 17 tháng 12 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DỮ LIỆU SỐ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ ngành địa phương;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 112/TTr-STTTT ngày 05 tháng 12 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030.

Điều 2. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, hướng dẫn, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo đúng quy định; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- TT: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;.
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VP1, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lê Đoài

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG DỮ LIỆU SỐ PHỤC VỤ CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH

1. Kết quả thực hiện chuyển đổi số tỉnh Nam Định

Tỉnh Nam Định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 03 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Nam Định đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp công nghệ số, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của tỉnh được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã. Các hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân. Công tác đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật kỹ năng số cho các cơ quan, đơn vị, người dân được triển khai đẩy mạnh.

Công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới phát triển chính quyền số và đạt nhiều kết quả nổi bật, các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đều đạt hoặc vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 17/NQ-CP, Quyết định số 749/QĐ-TTg; Quyết định số 942/QĐ-TTg; Quyết định số 411/QĐ- TTg; Nghị quyết số 09-NQ/TU; chỉ số xếp hạng chuyển đổi số (DTI Index) của tỉnh được Bộ TTTT xếp hạng thứ 10/ 63 tỉnh, thành phố. Chỉ tiêu thành phần về Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong bộ chỉ số CCHC (Par Index) Nam Định được Bộ Nội vụ xếp thứ 06/ 63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân doanh nghiệp về TTHC trên Cổng dịch vụ công Quốc gia luôn đứng trong Top 10 tỉnh dẫn đầu trên toàn quốc, trong đó có nhiều tháng, nhiều quý. Kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh Nam Định được đánh giá là điểm sáng trên toàn quốc, là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu của toàn quốc về triển khai thực hiện, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, trong đó nổi bật như: là một trong trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên hoàn thành việc kết nối và khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư; là 01 trong 4 đơn vị dẫn đầu toàn quốc về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ 02 nhóm dịch vụ công liên thông: (1) Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế; (2) Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Kinh tế số tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó tỉnh Nam Định được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những điểm sáng về triển khai thương mại điện tử, hiện nay tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt khoảng 9%, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử. Phát triển xã hội số đạt nhiều kết quả nổi trội, hoàn thành việc kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử (đạt 156% chỉ tiêu Bộ Công an giao) là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu của toàn quốc về triển khai các tiện ích phục vụ phát triển công dân số. Đặc biệt, kết quả phát triển xã hội số đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đến nay đã có 09 xã hoàn thành việc xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về Chuyển đổi số và 01 huyện (huyện Giao Thủy) đang định hướng xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.

2. Tồn tại, hạn chế

- Nhận thức của một số người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức về chuyển đổi số nhất là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ.

- Nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số còn hạn chế và chưa đáp ứng được sự đổi mới liên tục của công nghệ.

- Hạ tầng kỹ thuật thông tin và truyền thông, hệ thống cơ sở dữ liệu còn thiếu và chưa đồng bộ.

- Một số doanh nghiệp chưa tích cực ứng dụng, phát triển công nghệ số; nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số còn hạn chế.

- Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng còn nhiều khó khăn, thách thức.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

- Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức làm việc tại cơ quan, đơn vị mình.

- Đầu tư cho chuyển đổi số là đầu tư để thay đổi từ nhận thức, chiến lược, nhân lực, kết cấu hạ tầng tới giải pháp công nghệ, vì vậy, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và phải có lộ trình để bố trí nguồn lực.

- Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nguồn nhân lực, vật lực còn hạn chế để có thể áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Xây dựng Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024; là một trong những mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương để sớm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 góp phần sớm hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và tiến tới góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI.

Xây dựng và triển khai Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030 là cần thiết và hướng đến:

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ về triển khai kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định; số hóa dữ liệu, tạo lập các cơ sở dữ liệu và khai phá tiềm năng của dữ liệu số, sử dụng hiệu quả dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh.

- Cung cấp dữ liệu mở thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị mới, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Chuẩn hóa các nhóm dữ liệu đảm bảo kết nối, chia sẻ, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai Quyết định số 06/QĐ- TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

- Thúc đẩy trao đổi, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu.

- Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của từng đơn vị trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu số. Nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ cán bộ công chức về quản trị dữ liệu.

III. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

- Luật Giao dịch điện tử ngày 22 tháng 6 năm 2023

- Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

- Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

- Nghị định số 137/2024/NĐ-CP ngày 23/10/2024 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử;

- Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

- Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030;

- Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các Bộ ngành địa phương;

- Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phần II

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

- Việc phát triển dữ liệu số phải được thực hiện một cách bền vững, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm; kế thừa những thành tựu đã có, đi đôi với đổi mới sáng tạo, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội.

- Dữ liệu số là tài nguyên mới quan trọng, là yếu tố then chốt cho tiến trình thực hiện chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Nam Định, tạo ra giá trị mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và phục vụ lợi ích của người dân, doanh nghiệp.

- Dữ liệu số được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị. Cơ quan nhà nước đóng vai trò tiên phong trong việc thu thập, xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, ứng dụng dữ liệu số để đổi mới phương thức trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc; chuyển đổi nhận thức từ tra cứu dữ liệu sang chia sẻ, tích hợp, tái sử dụng dữ liệu, từ sở hữu riêng dữ liệu sang chia sẻ dữ liệu sử dụng chung và cùng hưởng các lợi ích mà dữ liệu mang lại.

- Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia thu thập, xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu dữ liệu số để xây dựng nền hành chính chủ động tương tác với người dân, doanh nghiệp; người dân chỉ phải cung cấp thông tin, giấy tờ một lần cho các cơ quan nhà nước khi thực hiện giao dịch với cơ quan nhà nước.

- Khuyến khích ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động,... để nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ.

- Phát triển, sử dụng, kết nối, chia sẻ dữ liệu số phải đi đôi với đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, phát triển, khai thác, sử dụng và làm giàu dữ liệu một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định cơ bản hoàn thành chuyển đổi số dựa trên nền tảng dữ liệu số gắn với các dịch vụ đô thị thông minh ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động,...

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 100% các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung được quản lý, vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định và được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- 100% các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung, 50% các nền tảng, hệ thống thông tin chuyên ngành được kết nối đến kho Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định, Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định, Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung (IOC) tỉnh Nam Định thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh Nam Định.

- 100% Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước đã được UBND tỉnh công bố được cập nhật vào Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định.

- 100% Danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước đã được UBND tỉnh công bố được cập nhật và công bố trên Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định.

- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh, Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung (IOC) tỉnh Nam Định.

- 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký Doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối chia sẻ với các nền tảng, hệ thống thông tin của tỉnh.

- 20% các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung được thí điểm triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT).

- 100% hệ thống thông tin, nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số được trang bị các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng và được phê duyệt hồ sơ cấp độ về an toàn thông tin.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Phát triển Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định dựa trên các công nghệ tiên tiến như nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, dữ liệu lớn (Big Data) kết nối Trung tâm dữ liệu quốc gia, Trung tâm dữ liệu vùng, khu vực, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động,... đảm bảo sẵn sàng đáp ứng 100% nhu cầu lưu trữ, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhu cầu đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo mật thông tin theo cấp độ an toàn thông tin mạng.

- 100% các cơ sở dữ liệu quốc gia trong danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hoàn thành việc số hóa, cập nhật và đưa vào sử dụng hiệu quả; được kết nối, chia sẻ với Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định và kết nối, chia sẻ trên phạm vi toàn quốc.

- Xây dựng và hoàn thành 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của các cơ quan nhà nước (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) được hoàn thành, cập nhật vào Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định và kết nối, khai thác, tích hợp, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

- 100% các cơ quan nhà nước mở và cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng (không trùng lắp, dư thừa, không tốn công sức và chi phí để xử lý lại dữ liệu, hoặc thu thập lại dữ liệu), đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo điều hành, ban hành chính sách của cơ quan nhà nước và phục vụ phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế số, xã hội số.

- 100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính.

- Tích hợp kết quả xử lý công việc của cán bộ, công chức, viên chức vào phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của từng đơn vị; tỷ lệ áp dụng dữ liệu trong phục vụ quản lý điều hành công việc trên môi trường số, trong kiểm tra, đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đạt tối thiểu 70%.

- 100% các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung được thí điểm triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT).

- Kết hợp khai thác sử dụng dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đối với 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp trực tuyến, nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp.

- 100% các cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quan trọng của các cơ quan nhà nước được triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ và mô hình bảo vệ 4 lớp, đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Xây dựng quy chế, quy định

- Cập nhật, sửa đổi bổ sung Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nam Định, Danh mục dữ liệu mở tỉnh Nam Định.

- Ban hành Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trên môi trường điện tử.

- Ban hành Danh mục dữ liệu lớn và Kế hoạch phát triển dữ liệu lớn tỉnh Nam Định.

- Xây dựng và ban hành quy chuẩn đối với từng loại dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu lớn của các cơ quan nhà nước; quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu, quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nam Định.

- Xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin.

- Xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động,...

2. Nâng cao nhận thức; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người dân về vai trò, tầm quan trọng của giá trị dữ liệu, phát triển, khai thác sử dụng, chia sẻ dữ liệu hiệu quả.

- Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách về dữ liệu của các cơ quan nhà nước; xây dựng các chương trình bồi dưỡng, nâng cao trình độ về quản trị, phân tích, lưu trữ, kết nối, chia sẻ dữ liệu để thông qua các khóa bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ chuyên gia về dữ liệu tạo lực lượng nòng cốt, lan tỏa kiến thức, kỹ năng phát triển dữ liệu cho các cơ quan nhà nước.

- Tổ chức tập huấn, phổ biến, diễn tập thường xuyên về đảm bảo an toàn dữ liệu, an ninh thông tin, bảo vệ hạ tầng dữ liệu.

3. Phát triển hạ tầng dữ liệu

- Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định dựa trên các công nghệ tiên tiến như nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, dữ liệu lớn (Big Data),...

- Xây dựng Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định; Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định; Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung (IOC) tỉnh Nam Định.

- Xây dựng và củng cố, hoàn thiện các hạ tầng thu thập và truyền tải dữ liệu. Phát triển hạ tầng Internet vạn vật (IoT) phục vụ các ứng dụng nghiệp vụ, chuyên ngành trong triển khai Chính phủ số gắn kết với phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, quan trắc tài nguyên, môi trường,...

- Triển khai kết nối Nền tảng điện toán đám mây của các cơ quan nhà nước tỉnh Nam Định với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn đồng thời kết nối với đám mây của các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ Chính phủ số để đảm bảo việc lưu trữ, liên thông chia sẻ dữ liệu sử dụng chung của các bộ, ngành, địa phương.

4. Phát triển dữ liệu

- Thu thập, củng cố và hoàn thiện dữ liệu chủ, cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nam Định, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng dịch vụ Chính quyền số trong cơ quan nhà nước tỉnh Nam Định.

- Xây dựng, cung cấp các nền tảng số tổng hợp, phân tích dữ liệu cấp tỉnh để lưu trữ tập trung, hướng tới việc hình thành kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định phục vụ chuyển đổi số và phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, phát triển kinh tế xã hội, phát triển ngành, lĩnh vực.

- Phát triển nguồn dữ liệu lớn và xây dựng hồ dữ liệu. Thu thập và khai thác, làm giàu nguồn dữ liệu lớn phát sinh trong các hoạt động tại các cơ quan nhà nước.

- Thực hiện việc số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành và cập nhật vào Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định; Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định.

- Thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; thu thập, phát triển dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh..

5. Phát triển kết nối, chia sẻ dữ liệu

- Nâng cấp hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh Nam Định kết nối liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

- Hợp tác xây dựng các bộ dữ liệu lớn theo vùng, miền để cùng tích hợp, chia sẻ, tận dụng tài nguyên dữ liệu dùng chung với các tỉnh, thành phố thuộc vùng, miền có những đặc trưng và lợi thế tương đồng. Thiết lập các chuỗi giá trị trên cơ sở khai thác dữ liệu liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế.

- Thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu lớn với các bộ, ngành, các địa phương khác và từng bước đưa dữ liệu lớn vào ứng dụng trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.

- Thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thuộc phạm vi quản lý cho các bộ ngành, địa phương khai thác, sử dụng phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành khi có yêu cầu.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố:

- Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại danh mục các nhiệm vụ trọng tâm (chi tiết tại phụ lục kèm theo).

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách và nội dung được giao tại Đề án này, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 10/12) báo cáo kết quả thực hiện các nội dung theo Đề án này gửi về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Là cơ quan Thường trực tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án này. Chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Đề án của các cơ quan, đơn vị, địa phương, định kỳ báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

- Tham mưu các giải pháp tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả và phù hợp với việc thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

3. Công an tỉnh

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung Đề án phù hợp với việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo khả năng cân đối để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách địa phương.

5. Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về các nội dung và kết quả triển khai thực hiện Đề án này./.

 

PHỤ LỤC

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
(Kèm theo Đề án phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 2797/QĐ-UBND ngày 17/12/2024 của UBND tỉnh)

STT

Nhiệm vụ

Cơ quan thực hiện

Cơ quan phối hợp

Thời gian thực hiện

I

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2025

1

Xây dựng CSDL ngành, lĩnh vực (mỗi sở, ban, ngành của tỉnh triển khai xây dựng ít nhất 01 Bộ CSDL thuộc ngành, lĩnh vực quản lý)

Các sở, ban, ngành

Sở TTTT

Năm 2025

2

Cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nam Định, Danh mục dữ liệu mở tỉnh Nam Định.

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Quý I năm 2025

3

Ban hành Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh môi trường điện tử.

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Quý I năm 2025

4

Xây dựng Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2025

5

Xây dựng Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2025

6

Xây dựng Hệ thống thông tin, chỉ đạo, điều hành tập trung (IOC) tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Quý I năm 2025

7

Nâng cấp Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2025

8

Triển khai thí điểm việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT),... trên các nền tảng số, dịch vụ số, ứng dụng số quan trọng dùng chung

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2025

9

Cập nhật Cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung vào Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Sở TTTT

Năm 2025

10

Cập nhật Danh mục dữ liệu mở và công bố trên Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Sở TTTT

Năm 2025

11

Kết nối, tích hợp các Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh Nam Định, các Hệ thống thông tin, phần mềm của Trung ương, địa phương khác

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Thường xuyên

II

Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2026-2030

1

Cập nhật, sửa đổi, bổ sung Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nam Định, Danh mục dữ liệu mở tỉnh Nam Định.

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Thường xuyên

2

Cập nhật, sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh môi trường điện tử.

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Thường xuyên

3

Xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây Chính phủ, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT), Nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động,...

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2026

4

Ban hành quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2026

5

Ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin.

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2026

6

Nâng cấp hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Nam Định phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh môi trường điện tử

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2026

7

Nâng cấp nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2026

8

Ban hành Danh mục dữ liệu lớn và Kế hoạch phát triển dữ liệu lớn tỉnh Nam Định; Quy chuẩn đối với từng loại dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu lớn của các cơ quan nhà nước.

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2027

9

Nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Nam Định dựa trên các công nghệ tiên tiến như nền tảng điện toán đám mây Chính phủ, dữ liệu lớn (Big Data),...

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2027

10

Hoàn thiện Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Nam Định

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2028

11

Xây dựng Nền tảng chính phủ số dựa trên ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain, và Internet vạn vật (IoT),...

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Năm 2028

12

Xây dựng CSDL các ngành, các lĩnh vực phục vụ phát triển CSDL dùng chung, dữ liệu mở tỉnh Nam Định

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Sở TTTT

2026-2030

13

Cập nhật Cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực thuộc Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung vào Kho dữ liệu điện tử dùng chung tỉnh Nam Định

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Sở TTTT

Thường xuyên

14

Cập nhật Danh mục dữ liệu mở và công bố trên Cổng dữ liệu mở tỉnh Nam Định

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Sở TTTT

Thường xuyên

15

Kết nối, tích hợp các Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung (LGSP) tỉnh Nam Định, các Hệ thống thông tin, phần mềm của Trung ương, địa phương khác

Sở TTTT

- Các sở, ban, ngành;

- UBND các huyện, TP

Thường xuyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2797/QĐ-UBND năm 2024 về Đề án Phát triển hệ thống dữ liệu số phục vụ Chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2030

  • Số hiệu: 2797/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/12/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định
  • Người ký: Trần Lê Đoài
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản