Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2796/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 03 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA MẠNG LƯỚI THÚ Y CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2011- 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh thú y;

Căn cứ Văn bản số 1569/TTg-NN ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản số 16311/BTC-NSNN ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ đối với nhân viên thú y cấp xã;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Sở Tài chính tại Văn bản liên sở số 2023/STC-SNN&PTNT ngày 19/11/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức hoạt động của mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011- 2015 với nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi: Toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Mục tiêu:

- Mở rộng mạng lưới thú y tại các xã, phường, thị trấn (gọi chung là mạng lưới thú y cấp xã) đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có 01 nhân viên thú y và các cộng tác viên thú y (gọi chung là thú y viên);

- Từng bước nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ thú y viên nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật trên địa bàn tỉnh;

- Động viên, khuyến khích đội ngũ thú y viên gắn bó với nghề nghiệp, yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

3. Nội dung:

a) Tổ chức hoạt động của mạng lưới thú y cấp xã.

- Mỗi xã, phường, thị trấn có 01 nhân viên thú y được tuyển chọn, nằm trong hệ thống thú y chuyên ngành của tỉnh. Nhân viên thú y cấp xã chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện các hoạt động thú y trên địa bàn.

- Ở toàn bộ các thôn, buôn, tổ dân phố, các công ty, trang trại chăn nuôi đều có cộng tác viên thú y. Cộng tác viên thú y hoạt động theo hướng xã hội hóa, tự trang trải và hưởng thù lao từ các hoạt động dịch vụ kỹ thuật về chăn nuôi thú y mà pháp luật không cấm, có sự theo dõi của nhân viên thú y cấp xã và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện.

b) Đào tạo, tập huấn mạng lưới thú y cấp xã.

- Tập huấn cho nhân viên thú y cấp xã để phổ biến, cập nhật những quy định mới của pháp luật thú y, những kiến thức mới về nghiệp vụ chuyên ngành thú y; tập huấn kỹ năng tuyên truyền, viết tin, phát hiện và báo cáo khi có dịch bệnh xảy ra tại địa phương; phổ biến thông tin khoa học- kỹ thuật về các loại dịch bệnh nguy hiểm và biện pháp phòng trừ, dập dịch.

- Tập huấn, đào tạo cho cộng tác viên thú y theo Chương trình đào tạo nghề thú y.

c) Thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động của mạng lưới thú y cấp xã.

- Nhân viên thú y cấp xã được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng hệ số 1,0 so với mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định;

- Nhân viên thú y cấp xã và cộng tác viên thú y được cung cấp tài liệu kỹ thuật chăn nuôi thú y, được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo về chuyên môn nghiệp vụ do Chi cục Thú y và Trung tâm Nông nghiệp cấp huyện tổ chức; được thực hiện các hoạt động dịch vụ kỹ thuật tư vấn về chăn nuôi thú y tại cơ sở theo quy định của pháp luật.

4. Kinh phí thực hiện:

a) Tổng dự toán kinh phí: 7.482,40 triệu đồng, cụ thể như sau:

Diễn giải

Tổng số (triệu đồng)

Phụ cấp nhân viên thú y cấp xã (triệu đồng)

Đào tạo, tập huấn (triệu đồng)

Quản lý đề án (triệu đồng)

Năm 2011

1.496,48

1.296,48

155,00

45,00

Năm 2012

1.496,48

1.296,48

155,00

45,00

Năm 2013

1.496,48

1.296,48

155,00

45,00

Năm 2014

1.496,48

1.296,48

155,00

45,00

Năm 2015

1.496,48

1.296,48

155,00

45,00

Tổng cộng

7.482,40

6.482,40

775,00

225,00

b) Nguồn kinh phí: Ngân sách địa phương.

c) Phương thức bố trí kinh phí phụ cấp: bố trí nguồn kinh phí trong kế hoạch ngân sách hàng năm của cấp huyện để Trung tâm Nông nghiệp huyện chi trả phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã và quyết toán theo quy định tài chính hiện hành.

5. Thời gian thực hiện: từ năm 2011- 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, các ngành liên quan và UBND các địa phương:

- Hướng dẫn, xây dựng kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện Đề án;

- Chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện hướng dẫn, kiểm tra việc tuyển chọn chọn, bố trí nhân viên thú y và tổ chức đào tạo, tập huấn mạng lưới thú y viên; theo dõi, kiểm tra và tổng hợp tình hình thực hiện tại các địa phương;

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hàng năm và báo cáo tổng kết Đề án về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Sở Tài chính tham mưu cân đối kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm, đảm bảo kinh phí thực hiện Đề án theo tiến độ.

3. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc có trách nhiệm:

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ theo mục tiêu, nội dung Đề án;

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn triển khai kịp thời công tác thú y tại địa bàn; tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện hoạt động cho nhân viên thú y cấp xã.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc; Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2796/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án tổ chức hoạt động của mạng lưới thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011- 2015

  • Số hiệu: 2796/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/12/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản