Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2778/2007/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 3 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN DUY TRÌ, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC CƠ SỞ VÀ TỪNG BƯỚC PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRUNG HỌC TỈNH QUẢNG NINH GIAI ĐOẠN 2007 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 16/6/2005;

Căn cứ Quyết định số 201/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 - 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2007/NQ-HĐND ngày 04/7/2007 của Hội đồng Nhân dân tỉnh khoá XI, Kỳ họp thứ 10 về “chính sách thực hiện đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2006 - 2015”;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 1397/SGD&ĐT-GDTrH ngày 18/7/2007 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 266/BC-STP-KTVB ngày 14/02/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và từng bước phổ cập giáo dục trung học tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2007 - 2015 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Mục tiêu.

1. Mục tiêu tổng quát:

1.1. Duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS): Đến năm 2010, huy động 95% (đối với vùng thuận lợi), 85% (đối với vùng khó khăn) trẻ 6 tuổi vào lớp 1; không có trẻ 11 - 14 tuổi bỏ học tiểu học; huy động 100% (đối với vùng thuận lợi), 90% (đối với vùng khó khăn) số trẻ đã hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 và 90% (đối với vùng thuận lợi), 80% (đối vùng khó khăn) thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS (2 hệ). Duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng các lớp THCS.

1.2. Thực hiện phổ cập giáo dục trung học: Phấn đấu đến năm 2010 có 3 huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là huyện) đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; đến năm 2015 có 80% số huyện trong tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học; phấn đấu hầu hết công dân đến hết tuổi 21 đạt trình độ học vấn trung học (trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp hoặc đào tạo nghề dài hạn), góp phần nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Về cá nhân:

Phấn đấu đến năm 2015 có 85% (đối với vùng thuận lợi), 75% (đối với vùng khó khăn) thanh niên (18 - 21 tuổi) có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) hoặc bổ túc THPT hoặc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hoặc đào tạo nghề dài hạn.

2.2. Đối với xã, phường, thị trấn:

- 100% xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.

- Huy động ít nhất 95% (đối với vùng thuận lợi), 85% (đối với vùng khó khăn) số đối tượng phổ cập đã tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, TCCN và dạy nghề. Trong đó có ít nhất 15% (đối với vùng thuận lợi), 10% (đối với vùng khó khăn) vào học nghề dài hạn và ít nhất 15% (đối với vùng thuận lợi), 10% (đối với vùng khó khăn) vào học các trường TCCN.

- Nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu tăng tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 18 đến hết 21 có bằng tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT hoặc bằng tốt nghiệp TCCN hoặc bằng tốt nghiệp đào tạo nghề dài hạn.

2.3. Đối với huyện, thị xã, thành phố:

- 100% số huyện duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

- Đến năm 2015 có ít nhất 90% (đối với vùng thuận lợi), 75% (đối với vùng khó khăn) số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học.

- Có ít nhất 50% (đối với vùng thuận lợi), 40% (đối với vùng khó khăn) số trường tiểu học; 40% (đối với vùng thuận lợi), 30% (đối với vùng khó khăn) số trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

- Mỗi huyện có ít nhất 02 trường THPT (đối với vùng thuận lợi), 01 trường THPT (đối với vùng khó khăn) đạt chuẩn quốc gia, 01 Trung tâm Hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên (HN&GDTX).

2.4. Đối với tỉnh:

- Toàn tỉnh duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

- Đến năm 2010 có 3 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

- Đến năm 2015 có 80% số huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

II. Nhiệm vụ và giải pháp.

1. Tích cực tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức về công tác phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục trung học, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, các dân cư thuộc vùng núi cao, hải đảo làm cho mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và trách nhiệm thực hiện công tác phổ cập giáo dục.

2. Tiếp tục mở các lớp bổ túc THCS ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn để huy động thanh thiếu niên 11 - 18 tuổi đã bỏ học vào các lớp bổ túc THCS; có biện pháp tích cực để duy trì sĩ số, vận động học sinh đã bỏ học trở lại trường, phụ đạo học sinh yếu kém. Tổ chức và quản lý tốt học sinh tại các khu nội trú dân nuôi đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS:

- Phân luồng số học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT, bổ túc THPT, trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề. Duy trì sĩ số, đảm bảo chất lượng dạy và học, nâng cao hiệu quả đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Tạo việc làm cho học sinh tốt nghiệp TCCN và đào tạo nghề; gắn đào tạo TCCN, đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Mở rộng liên kết đào tạo giữa các trường TCCN, trường (trung tâm) dạy nghề với các trung tâm HN&GDTX ở các huyện khó khăn để tạo điều kiện cho các em sau khi tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề.

- Ưu tiên đầu tư xây dựng trường, trung tâm có ngành nghề “trọng điểm”, những ngành nghề phục vụ vùng sâu, vùng xa.

- Xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo đã có về phòng học, phòng thí nghiệm, nhà xưởng; xây dựng thêm phòng ở nội trú ở các trường TCCN, trường (trung tâm) dạy nghề để có chỗ ở cho học sinh vùng sâu, vùng xa đến học; kết hợp với các Trung tâm Chính trị, các trường Phổ thông dân tộc nội trú để tận dụng cơ sở vật chất cho việc đào tạo nghề. Đầu tư và nâng cấp trang thiết bị cho các trường có đào tạo hệ TCCN và dạy nghề, phát triển các trung tâm làm nhiệm vụ dạy nghề nhằm tạo cho các trường và các cở sở đào tạo có đủ năng lực đào tạo TCCN và dạy nghề dài hạn cho học sinh tốt nghiệp THCS.

- Tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào học các hệ TCCN và dạy nghề cho các trường trên địa bàn tỉnh đối với học sinh tốt nghiệp THCS.

- Đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường TCCN, trường đào tạo nghề với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Củng cố phát triển và đa dạng hoá các loại hình trường có đào tạo TCCN và dạy nghề dài hạn ở các địa bàn trung tâm và phát triển các trường hoặc cơ sở đào tạo tại các địa bàn mới.

- Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, có chế độ ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các trường TCCN và cơ sở dạy nghề tư thục và dân lập.

- Xây dựng cơ chế phối hợp với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tìm hiểu về nhu cầu lao động, tạo việc làm cho người lao động đã được đào tạo nghề ở các trường với các doanh nghiệp trong tỉnh và các khu công nghiệp, hướng tới đào tạo nghề để xuất khẩu lao động (kết hợp chặt chẽ giữa việc dạy bổ túc THPT, dạy nghề với dạy ngoại ngữ cho người học).

4. Tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên THCS, THPT, bổ túc THPT, giáo viên các trường TCCN, trường dạy nghề để thực hiện việc đổi mới nội dung chương trình, thay sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện chương trình phân ban, nâng cao chất lượng đào tạo; bồi dưỡng công tác quản lý giáo dục, bồi dưỡng trình độ chính trị, ngoại ngữ, tin học cho giáo viên nói chung và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nói riêng; xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh yếu kém để nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp thực chất THCS, THPT, bổ túc THPT, TCCN và dạy nghề.

5. Đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng trường chuẩn quốc gia; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo các Đề án đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

6. Củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên, tăng cường điều kiện phục vụ các hoạt động dạy và học đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập liên tục, học suốt đời của mọi người dân trong cộng đồng; nghiên cứu, xây dựng các trung tâm HN&GDTX ở các huyện còn lại.

7. Thực hiện một số cơ chế, chính sách:

- Nâng mức trợ cấp cho học sinh trong các cơ sở nội trú dân nuôi từ 90.000 đồng lên 140.000 đồng/học sinh/tháng (trong 9 tháng của năm học).

- Trợ cấp cho giáo viên và nhân viên hợp đồng lao động làm công tác quản lý, phục vụ và tổ chức các hoạt động tại khu nội trú dân nuôi. Mức phụ cấp cụ thể như sau:

+ Đối với giáo viên trực tiếp quản lý được hưởng hệ số 0,3 x với mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.

+ Đối với hợp đồng lao động được hưởng theo hợp đồng thuê khoán bằng mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.

- Thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh 15 - 18 tuổi tốt nghiệp THCS vào học nghề dài hạn và trung cấp chuyên nghiệp cho các đối tượng theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Riêng học sinh con thương binh, con liệt sĩ, con gia đình có công với cách mạng vào học nghề dài hạn hoặc TCCN thực hiện theo Nghị định 28 của Chính phủ.

- Nâng mức kinh phí để mở các lớp bổ túc trung học cơ sở từ 9 triệu đồng lên 10 triệu đồng/lớp học 6 tháng để duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

- Trợ cấp 140.000 đồng/học sinh/tháng cho học sinh thuộc các xã khó khăn theo Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn, tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các lớp bổ túc trung học phổ thông kết hợp với học nghề, học nghề dài hạn hoặc vào học các trường trung cấp chuyên nghiệp.

- Tiếp tục duy trì chế độ kinh phí chi cho việc điều tra phổ cập và các hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục trung học đến năm 2015 theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao:

- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện, thường xuyên báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh.

- Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn; thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện; có biện pháp tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân cùng thực hiện, huy động số đối tượng phổ cập ra lớp, đặc biệt là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và tài chính cho các cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ của mình.

- Sở Nội vụ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo bồi dưỡng, sàng lọc và tuyển dụng cán bộ, giáo viên, nhân viên, đảm bảo có đội ngũ đủ về số lượng, chủng loại, có trình độ chuyên môn tốt; đề xuất chính sách hỗ trợ các đối tượng trong độ tuổi phổ cập thuộc khu vực khó khăn đi học để duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS.

- Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề mở rộng quy mô, đa dạng các loại hình đào tạo phù hợp với điều kiện địa phương nhằm khuyến khích đối tượng phổ cập (15 - 18 tuổi) tốt nghiệp THCS (2 hệ) vào học nghề; đề xuất với UBND tỉnh giao thêm chỉ tiêu đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS cho các trường dạy nghề; đề xuất hỗ trợ kinh phí hợp đồng giáo viên dạy nghề ngoài các lớp theo chỉ tiêu nhà nước đã quy định; đề xuất kế hoạch xây thêm khu nội trú ở các trường (trung tâm) dạy nghề, cho học sinh vùng sâu, vùng xa đến học.

- Sở Xây dựng chỉ đạo công tác xây dựng các trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên, các trường TCCN, dạy nghề trực thuộc tỉnh, trung tâm dạy nghề và xây dựng trường chuẩn quốc gia.

- Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt quy hoạch quỹ đất để xây trường tiểu học, THCS, THPT, trung tâm HN&GDTX, các trường TCCN, dạy nghề trực thuộc tỉnh, trung tâm dạy nghề, nâng cấp trường lớp đảm bảo theo các quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ninh tuyên truyền sâu rộng bằng các phương tiện thông tin đại chúng trong quần chúng nhân dân để mọi người hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục THCS, phổ cập giáo dục trung học, hiểu rõ chính sách phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS của Đảng và Nhà nước để đáp ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Vận động thanh thiếu niên 15 - 18 tuổi đến trường để đạt trình độ chuẩn phổ cập giáo dục trung học.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Các ông, bà Chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các ngành có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
 - Như điều 3 (thực hiện);
- V0, V1, VX1, TH1;
- Lưu: VX1, VT.
 60bản, QD41

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2778/2007/QĐ-UBND phê duyệt Đề án duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở và từng bước phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2007 - 2015 do tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 2778/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 03/08/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản