Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2737/QĐ-UBND.VX | Vinh, ngày 12 tháng 6 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND - UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1181/TTr-SVHTTDL ngày 22 tháng 05 năm 2009; Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo số 423/SKHĐT-CNDV ngày 25 tháng 05 năm 2009 thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020; Tờ trình số 944/SKHĐT-CNDV ngày 25 tháng 5 năm 2009 xin phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau đây:
I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:
- Phát triển các sản phẩm du lịch, gắn liền với tiềm năng, tài nguyên du lịch;
- Tiếp tục tạo ra sự đột phá sản phẩm du lịch để trở thành điểm đến hấp dẫn du khách; Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái và du lịch vào cộng đồng mang tính bền vững;
- Phát triển du lịch gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành, nghề khác phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Phát triển du lịch đi đôi với giải quyết công ăn việc làm.
- Phát triển du lịch kết hợp chặt chẽ với bảo vệ an ninh, chính trị, củng cố quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
II. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát: Phấn đấu đưa du lịch Nghệ An thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững; Phấn đấu đến năm 2020 Nghệ An trở thành trung tâm du lịch khu vực Bắc Trung Bộ và là trọng điểm du lịch của cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Mục tiêu kinh tế
- Về khách du lịch:
+ Phấn đấu đến năm 2015: Đón 4.815 ngàn lượt khách, trong đó: đón 341 ngàn lượt khách quốc tế, 4.474 ngàn lượt khách nội địa.
Đến năm 2020: đón 8.764 ngàn lượt khách, trong đó: đón 701 ngàn khách quốc tế, 8.063 ngàn lượt khách du lịch nội địa.
+ Giai đoạn 2006 - 2010: Tăng trưởng bình quân về khách du lịch đạt 12,94%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,34%; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,72%. Trong đó: Mức độ tăng bình quân về khách du lịch quốc tế giai đoạn 2009 - 2015 đạt 18,5%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15,5%.
Khách du lịch nội địa giai đoạn 2009 - 2015 đạt 13%; giai đoạn 2015 - 2020 đạt 12,5%.
- Thu nhập từ du lịch:
+ Năm 2010 đạt 126,4 triệu USD, trong đó từ khách quốc tế là 23,4 triệu USD, đến năm 2015 đạt 460,6 triệu USD; Trong đó: từ khách du lịch quốc tế đạt 95,6 triệu USD, đến năm 2020 đạt 1.172,4 triệu USD, trong đó thu từ khách du lịch quốc tế là 296,4 triệu USD.
+ Tổng giá trị GDP du lịch năm 2010 đạt 86,1 triệu USD, đến năm 2015 đạt 308,7 triệu USD, đến năm 2020 đạt 762,1 triệu USD. Nhịp độ tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2008 - 2010 là 16,29%/năm; giai đoạn 2010 - 2015 là 29,1%/năm, giai đoạn 2015 - 2020 là 19,81%/năm.
b) Mục tiêu xã hội:
Phấn đấu đến năm 2010 thu hút được 49.262 người lao động trong đó lao động trực tiếp là 15.394 người; đến năm 2015 thu hút được 132.074 người, trong đó lao động trực tiếp là 41.273 người; đến năm 2020 thu hút được 310.876 người, trong đó lao động trực tiếp là 213.727 người.
c) Mục tiêu phát triển bền vững: Phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn và làm tăng giá trị tài nguyên.
d) Mục tiêu an ninh - quốc phòng: Góp phần giảm các tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh biên giới, hải đảo.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH ĐẾN NĂM 2020
1. Định hướng về các chỉ tiêu phát triển: Tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn trong khu vực và tạo đà cho khu vực dịch vụ - du lịch đạt cao hơn mức 43% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2020 mà Quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã đề ra.
2. Định hướng thị trường khách du lịch:
a) Thị trường Quốc tế:
- Thị trường ASEAN
- Thị trường Đông Á - Thái Bình Dương
- Thị trường Tây Âu
- Thị trường nội địa theo thứ tự ưu tiên là:
+ Khách du lịch tham quan thắng cảnh, các di tích văn hoá, lịch sử
+ Khách du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh
+ Khách du lịch Lễ hội - Tâm linh
+ Khách du lịch thương mại, du lịch công vụ
+ Khách du lịch sinh thái
+ Khách du lịch đi tour trên tuyến du lịch Bắc Nam
+ Khách du lịch cuối tuần
3. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch:
- Du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử và văn hoá,
- Du lịch tham quan nghỉ dưỡng,
- Du lịch sinh thái gắn với cộng đồng,
- Du lịch thể thao mạo hiểm,
- Du lịch tàu biển,
- Du lịch thương mại công vụ,
- Du lịch thăm thân,
4. Tổ chức không gian phát triển du lịch: Theo 5 hướng chính:
- Tổ chức phát triển thành phố Vinh trở thành Trung tâm du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ với nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch chất lượng cao;
- Phát triển theo trục Quốc lộ 1A gắn với tài nguyên du lịch biển
- Phát triển dọc theo quốc lộ 15A, đường Hồ Chí Minh, đồng thời tạo mối liên hệ giữa hai tuyến du lịch theo Quốc lộ 7 và tỉnh lộ 48. Chủ yếu khai thác tài nguyên khu di tích lịch sử Kim Liên và tài nguyên du lịch các huyện miền Tây Nghệ An.
- Phát triển du lịch theo hướng Tây, dọc Quốc lộ 7, gắn với phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An và các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan thông qua các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn Nghệ An.
- Phát triển du lịch về phía Tây Bắc dọc theo tỉnh lộ 48.
5. Định hướng đầu tư phát triển du lịch
5.1. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư
a) Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch
- Giao thông
- Hệ thống điện
- Cấp thoát nước
- Hệ thống xử lý rác thải
- Thông tin liên lạc
b) Đầu tư bảo tồn tôn tạo tài nguyên du lịch
- Bảo tồn hệ thống tài nguyên nhân văn
- Khôi phục, phát triển lễ hội truyền thống
- Khai thác và bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên
c) Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch
d) Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch
e) Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
f) Đầu tư xúc tiến quảng bá du lịch
5.2. Các dự án đầu tư
5.2.1. Giai đoạn 2008 - 2010: Tập trung đầu tư và kêu gọi đầu tư vào các dự án Kim Liên, Bãi biển du lịch Cửa Lò, thành phố Vinh, như:
- Khu Lâm viên Núi Quyết - Bến Thuỷ và các công viên, khu vui chơi giải trí tại thành phố Vinh
- Sân golf Cửa Lò
- Khu du lịch Đền Cuông - Cửa Hiền
- Khu du lịch Bãi Lữ, Mũi Rồng (Nghi Lộc)
- Khu du lịch suối nước khoáng nóng Giang Sơn (Đô Lương)
5.2.2. Giai đoạn 2011 - 2015: Nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi đầu tư xây dựng các khu du lịch, đồng thời phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các điểm du lịch địa phương như:
- Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát
- Khu du lịch Vườn quốc gia Pù Huống, Pù Hoạt
- Khu du lịch sinh thái - văn hoá Quỳ Châu - Quế Phong
- Khu du lịch tại Biển Quỳnh
5.2.3. Giai đoạn 2016 - 2020: Tập trung đầu tư các dự án phát triển du lịch vùng cửa khẩu biên giới, phục vụ cho hoạt động du lịch và thương mại tại các cửa khẩu, các dự án phát triển du lịch vùng cửa khẩu bao gồm:
- Khu du lịch, thương mại cửa khẩu Nậm Cắn - Kỳ Sơn
- Khu du lịch, thương mại cửa khẩu Thanh Thuỷ - Thanh chương
- Khu du lịch, thương mại cửa khẩu Thông Thụ - Quế Phong.
6. Định hướng quy hoạch sử dụng đất cho các dự án phát triển du lịch: ưu tiên quỹ đất cho các dự án phát triển du lịch:
- Thành phố Vinh: Tạo ra sản phẩm gắn liền với khu vực Núi Quyết - Bến Thuỷ và các khu vui chơi giải trí.
- Du lịch văn hoá lịch sử: Khu du lịch Kim Liên, khu Đền Cuông - Cửa Hiền.
- Du lịch biển: Tập trung cho các dự án phát triển du lịch biển tại Cửa Lò, bãi biển Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
- Các khu du lịch sinh thái: Khu du lịch quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt, Khu du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn (Đô Lương), khu du lịch sinh thái văn hoá tại Quỳ Châu - Quế Phong.
IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH:
1. Giải pháp về công tác tổ chức thực hiện quy hoạch:
- Triển khai việc công bố quy hoạch tổng thể trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và các nhà đầu tư du lịch biết, giám sát.
- Triển khai việc xây dựng quy hoạch chi tiết tại các điểm, khu du lịch và công bố rộng rãi.
- Giám sát việc triển khai thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt.
Tiến hành xây dựng các quy hoạch chi tiết, cắm mốc để bảo vệ đất đai và tài nguyên du lịch. Có kế hoạch xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư, các dự án có tầm cỡ tại các khu du lịch đã có quy hoạch chi tiết.
2. Giải pháp quản lý nhà nước thực hiện quy hoạch:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý của địa phương về quản lý du lịch, đề xuất việc xây dựng tiêu chuẩn quy phạm về quản lý quy hoạch, đầu tư du lịch, công tác quản lý tài nguyên môi trường du lịch.
- Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về công tác du lịch tại các huyện, thành phố, thị xã.
- Cổ phần hoá các doanh nghiệp du lịch, tăng cường công tác xã hội hoá về hoạt động du lịch.
- Phát huy vai trò Ban chỉ đạo phát triển Du lịch của tỉnh Nghệ An.
3. Giải pháp về cơ chế, chính sách:
- Xây dựng, cơ chế chính sách đầu tư, tạo các quy chế để huy động tối đa các nguồn lực nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh du lịch.
- Về chính sách thuế: Ưu tiên, miễn giảm đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án mới theo quy định hiện hành.
- Cơ chế chính sách giá ưu đãi về điện, nước, phí dịch vụ tại các khu, điểm du lịch.
- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội hoá vào đầu tư du lịch.
4. Giải pháp về nguồn vốn: Tập trung huy động vốn từ tất cả các nguồn để đầu tư cho phát triển các khu, điểm du lịch, chú trọng vào việc xã hội hoá trong đầu tư phát triển du lịch.
5. Giải pháp về chính sách phát triển sản phẩm du lịch: Tạo cơ chế, chính sách để phát triển và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Nghệ An để thu hút du khách.
6. Giải pháp phát triển thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch:
- Xác định đúng thị trường du lịch để định hướng phát triển nhanh và bền vững.
- Đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch Nghệ An trên thị trường trong nước và quốc tế.
7. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
- Phối hợp thường xuyên với Tổng cục Du lịch và các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch.
- Thường xuyên đào tạo, tập huấn để nâng cao trình độ quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý du lịch.
8. Giải pháp hợp tác quốc tế:
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư, kinh nghiệm xây dựng, phát triển các điểm, khu du lịch có nhiều tiềm năng, tạo ra các sản phẩm du lịch có chất lượng cao.
- Phối hợp với các nhà tư vấn, quảng cáo quốc tế xây dựng các chương trình quảng cáo tiềm năng, tài nguyên tại các điểm du lịch nhằm phục vụ công tác kêu gọi đầu tư.
Điều 2. - Giao Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tiến hành công bố Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020; Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển du lịch của tỉnh nêu trong Quy hoạch được phê duyệt, phối hợp với các sở, ngành và các địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch có hiệu quả.
Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất và xây dựng các dự án cụ thể theo từng vùng, từng giai đoạn theo quy hoạch được phê duyệt.
- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư: Thực hiện việc giám sát, kiểm tra thực hiện Quy hoạch. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch của từng giai đoạn, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu của từng thời kỳ cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Giao các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng nhiệm vụ để triển khai thực hiện quy hoạch đạt hiệu quả.
Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Giám đốc các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 1113/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch liên tịch phối hợp trong công tác phát triển hệ thống dịch vụ thương mại và kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020
- 2Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2017 thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”
- 3Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 4Quyết định 1113/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch liên tịch phối hợp trong công tác phát triển hệ thống dịch vụ thương mại và kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2017-2020
- 5Kế hoạch 36/KH-UBND năm 2017 thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030”
- 6Kế hoạch 42/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quy hoạch phát triển Điểm du lịch quốc gia Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030
Quyết định 2737/QĐ-UBND.VX năm 2009 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2020
- Số hiệu: 2737/QĐ-UBND.VX
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/06/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Xuân Đường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/06/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra