Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2718/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH THẨM QUYỀN VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỐI VỚI LĨNH VỰC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, KIỂM TRA NỘI BỘ VÀ LỰA CHỌN NHÀ THẦU TRONG CÁC ĐƠN VỊ THUỘC VÀ TRỰC THUỘC TỔNG CỤC HẢI QUAN

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25/6/2015;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 ngày 21/6/2017;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí số 44/2013/QH13 ngày 26/11/2013;

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công;

Căn cứ Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 và Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

Căn cứ Quyết định số 65/2015/QĐ-TTg ngày 17/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 30/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng máy móc thiết bị;

Căn cứ Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 1206/QĐ-BTC ngày 26/07/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp, ủy quyền quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin và kiểm tra, kiểm toán nội bộ trong các đơn vị dự toán ngân sách thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 2468/QĐ-BTC ngày 23/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số quy định của pháp luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu trong nội bộ ngành Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-BTC ngày 27/03/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp thẩm quyền quyết định việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 372/QĐ-BTC ngày 21/03/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các đơn vị, hệ thống thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Công văn số 7559/BTC-QLCS ngày 25/6/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn triển khai Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm, thuê tài sản;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đầu tư xây dựng; kế hoạch, danh mục dự toán ứng dụng công nghệ thông tin; danh mục dự toán mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

a) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan;

b) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án công nghệ thông tin và các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin không phải lập dự án công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan (trừ trường hợp đã có trong kế hoạch 5 năm quy định tại điểm a) khoản 1 Điều này hoặc các nhiệm vụ cấp bách, đột xuất phải triển khai gấp theo yêu cầu, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao và đơn vị đã đảm bảo cân đối được nguồn kinh phí thực hiện);

c) Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch, danh mục dự toán ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm của Tổng cục Hải quan;

d) Phê duyệt kế hoạch (vốn đầu tư và danh mục dự án) đầu tư hàng năm đối với nguồn vốn chi hỗ trợ đầu tư xây dựng và các nguồn vốn hợp pháp khác của Tổng cục Hải quan thực hiện các dự án đầu tư và các dự án cải tạo sửa chữa trong phạm vi quản lý trừ các dự án có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên;

e) Phê duyệt danh mục dự toán mua sắm hàng năm của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan đối với các tài sản, hàng hóa, dịch vụ sau:

e.1) Mô tô;

e.2) Tàu, ca nô và phương tiện thủy các loại;

e.3) Máy soi container các loại, máy soi hành lý, hàng hóa các loại, máy soi kiểm thể các loại trừ mua sắm, lắp đặt gắn với dự án đầu tư xây dựng công trình;

e.4) Hệ thống camera giám sát hải quan trừ mua sắm, lắp đặt gắn với dự án đầu tư xây dựng công trình; phòng quan sát camera; hệ thống giao ban trực tuyến; kênh truyền kết nối camera về phòng chỉ huy giám sát trực tuyến tại Tổng cục Hải quan;

e.5) Vũ khí, công cụ hỗ trợ;

e.6) In, mua: Ấn chỉ, niêm phong, lịch, sách, sổ tay công tác và tài liệu phục vụ tuyên truyền toàn Ngành;

e.7) Trang phục hải quan (bao gồm cả may sắm);

e.8) Cân ô tô;

e.9) Thiết bị phân tích, phân loại, kiểm định;

e.10) Thiết bị kiểm tra phát hiện phóng xạ;

e.11) Hệ thống kiểm tra giám sát đối với hành lý, hàng hóa xuất nhập khẩu: hệ thống RFID, GPS;

e.12) Các thiết bị phục vụ công tác kiểm soát chống buôn lậu: thiết bị phát hiện ma túy, thiết bị điều khiển không người lái, valy thuốc thử ma túy;

e.13) Máy phát điện từ 25kVA trở lên trừ mua sắm, lắp đặt gắn với dự án đầu tư xây dựng công trình;

e.14) Chi đoàn ra và đào tạo tập trung.

g) Phê duyệt danh mục dự toán nâng cấp, sửa chữa lớn, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm đối với các tài sản của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có dự toán đề nghị từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản gồm:

g.1) Xe ô tô;

g.2) Tàu, ca nô và phương tiện thủy các loại;

g.3) Máy soi các loại;

g.4) Hệ thống camera giám sát hải quan; phòng quan sát camera; hệ thống giao ban trực tuyến;

g.5) Thiết bị phân tích, phân loại, kiểm định;

g.6) Các thiết bị phục vụ công tác kiểm soát chống buôn lậu: thiết bị phát hiện ma túy, thiết bị điều khiển không người lái;

g.7) Hệ thống kiểm tra giám sát đối với hành lý, hàng hóa xuất nhập khẩu: hệ thống RFID, GPS;

g.8) Thiết bị kiểm tra phát hiện phóng xạ.

Cục Tài vụ - Quản trị chủ trì thẩm định trình Tổng cục trưởng xem xét, quyết định hoặc báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với các nội dung nêu tại điểm c, d, e (trừ e.14), g khoản 1 Điều này.

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan chủ trì, phối hợp với Cục Tài vụ Quản trị tham mưu, thẩm định, tổng hợp trình Tổng cục trưởng báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt các nội dung nêu tại điểm a, b Khoản 1 Điều này.

Trong khả năng bố trí kinh phí hàng năm, Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì thẩm định báo cáo Tổng cục trưởng xem xét phê duyệt danh mục dự toán đào tạo tập trung; Vụ Hợp tác quốc tế chủ trì thẩm định báo cáo Tổng cục trưởng xem xét phê duyệt danh mục dự toán đoàn ra.

2. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc Tổng cục Hải quan gồm Văn phòng Tổng cục Hải quan, Cục Tài vụ - Quản trị, Cục Quản lý rủi ro, Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Cục Kiểm định Hải quan, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành của Tổng cục Hải quan trực thuộc Cục Tài vụ Quản trị, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước do Tổng cục trưởng quyết định thành lập, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng cục Hải quan (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc Tổng cục Hải quan) sau đây gọi là thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan

a) Phê duyệt danh mục dự toán mua sắm hàng năm của đơn vị đối với các tài sản, hàng hóa, dịch vụ ngoài danh mục quy định tại điểm e khoản 1 Điều này;

b) Phê duyệt danh mục dự toán nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng đối với các tài sản của đơn vị trừ nội dung quy định tại điểm g khoản 1 Điều này.

Các văn bản phê duyệt nêu trên phải gửi Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) để theo dõi, kiểm tra, giám sát và quản lý.

Điều 2. Thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý tài chính

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

a) Hướng dẫn, cụ thể hóa văn bản của Bộ Tài chính hướng dẫn các cơ chế, chính sách, chế độ, định mức do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực tài chính để thực hiện thống nhất trong các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

b) Báo cáo dự toán thu, chi ngân sách hàng năm và báo cáo tài chính ngân sách nhà nước 3 năm của Tổng cục Hải quan;

c) Phê duyệt phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của Tổng cục Hải quan cho các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan đảm bảo trong phạm vi dự toán ngân sách được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao và không làm thay đổi dự toán các nội dung, nhiệm vụ chi đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;

d) Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm của Tổng cục Hải quan;

e) Tổng cục trưởng ủy quyền cho Cục trưởng Cục Tài vụ Quản trị quyết định giao dự toán, điều chỉnh dự toán, bổ sung dự toán cho các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo phương án phân bổ dự toán đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt.

Cục Tài vụ - Quản trị có nhiệm vụ tổng hợp, thẩm tra, thẩm định, xây dựng phương án báo cáo Tổng cục trưởng xem xét phê duyệt, quyết định những nội dung trên.

2. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị

a) Quyết định công khai dự toán, quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước hàng năm của Tổng cục Hải quan;

b) Nhập số liệu phân bổ ngân sách của toàn bộ các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan vào hệ thống Tabmis theo đúng quy định của Bộ Tài chính;

c) Báo cáo Bộ Tài chính (qua Cục Kế hoạch Tài chính) về tổng hợp dự toán đã phân bổ, giao, điều chỉnh của các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan (kèm theo các tài liệu có liên quan theo quy định của pháp luật ngân sách) để Bộ Tài chính (cấp I) tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính (cơ quan tài chính) kiểm tra phân bổ, điều chỉnh dự toán và phê duyệt dự toán trên hệ thống TABMIS;

d) Báo cáo tình hình thực hiện công khai dự toán giao đầu năm và quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Tổng cục Hải quan theo quy định của pháp luật ngân sách;

e) Báo cáo công khai tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước của Tổng cục Hải quan theo quy định của pháp luật ngân sách;

g) Báo cáo tình hình thực hiện dự toán chi ngân sách nhà nước của Tổng cục Hải quan gửi các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định;

h) Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, dự toán chi ngân sách hàng năm của các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

i) Thực hiện thẩm tra, xét duyệt và thông báo xét duyệt quyết toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

k) Báo cáo khác của Tổng cục Hải quan theo quy định của pháp luật ngân sách.

3. Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan

a) Cụ thể hóa cơ chế, chính sách, chế độ, mức chi do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực tài chính cho phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị để thống nhất thực hiện trong toàn đơn vị;

b) Thực hiện công tác lập và chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách, chấp hành chế độ báo cáo, công khai tài chính theo quy định của pháp luật ngân sách, hướng dẫn của Bộ Tài chính và của Tổng cục Hải quan.

Điều 3. Thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý tài sản công

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan:

a) Ban hành, hướng dẫn, cụ thể hóa các quy định về tiêu chuẩn, định mức, quản lý và sử dụng, xử lý tài sản công theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

2. Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan:

a) Cụ thể hóa các quy định về tiêu chuẩn, định mức, quản lý và sử dụng, xử lý tài sản công cho phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị để thống nhất thực hiện trong toàn đơn vị;

b) Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công trong phạm vi quản lý của đơn vị;

c) Chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan.

Điều 4. Thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

a) Hướng dẫn, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, chế độ, định mức do các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ban hành trong lĩnh vực đầu tư xây dựng để thực hiện thống nhất trong phạm vi Tổng cục Hải quan;

b) Quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm B phù hợp với quy hoạch đầu tư xây dựng và chủ trương đầu tư xây dựng dự án đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Cục Tài vụ - Quản trị là đơn vị tham mưu, thẩm định và tổng hợp báo cáo Tổng cục trưởng xem xét quyết định.

2. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị:

a) Tổng cục trưởng ủy quyền quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án nhóm C có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên (trừ các nội dung quy định tại điểm b khoản 3 Điều này) phù hợp với quy hoạch đầu tư xây dựng và chủ trương đầu tư xây dựng dự án đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Trước khi quyết định đầu tư, Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị phải báo cáo và được Tổng cục trưởng chấp thuận về nguồn vốn đầu tư và phương án quy hoạch, kiến trúc;

b) Thực hiện công tác giám sát đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật.

3. Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ủy quyền quyết định đầu tư xây dựng và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, các dự án án cải tạo sửa chữa phù hợp với quy hoạch đầu tư xây dựng và chủ trương đầu tư xây dựng dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có). Trước khi quyết định đầu tư, Thủ trưởng đơn vị dự toán phải có văn bản báo cáo và được Tổng cục trưởng chấp thuận bằng văn bản về nguồn vốn đầu tư và phương án quy hoạch, kiến trúc;

b) Đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên: Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị dự toán phê duyệt: dự toán chi phí quản lý dự án, điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng được chủ đầu tư và nhà thầu ký kết khi không vượt tiến độ thực hiện dự án.

4. Chủ đầu tư xây dựng công trình

a) Tổng cục Hải quan là chủ đầu tư đối với các dự án quan trọng thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng đến dưới 800 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

b) Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành của Tổng cục Hải quan thuộc Cục Tài vụ - Quản trị là chủ đầu tư đối với các dự án quan trọng thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có tổng mức đầu tư từ 80 tỷ đồng đến dưới 500 tỷ đồng thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;

c) Đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là chủ đầu tư đối với các dự án của đơn vị dự toán có tổng mức đầu tư dưới 80 tỷ đồng.

Trong trường hợp cần thiết, Cục Tài vụ - Quản trị báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét điều chỉnh Chủ đầu tư xây dựng công trình cho phù hợp.

Điều 5. Thẩm quyền trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin

1. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

a.1) Thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định đầu tư đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin có tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng trở xuống trong phạm vi Tổng cục Hải quan phù hợp với kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin hoặc chủ trương đầu tư đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt;

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan là đơn vị thẩm định dự án, tổng hợp báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt. Trường hợp Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan là chủ đầu tư dự án công nghệ thông tin: Cục Tài vụ Quản trị thẩm định dự án trên cơ sở thiết kế sơ bộ dự án đã được cơ quan/đơn vị chuyên môn thẩm định theo quy định báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt.

a.2) Thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phê duyệt quyết toán hoàn thành đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin quy định tại điểm a.1 khoản 1 Điều này.

Cục Tài vụ Quản trị là đơn vị chủ trì thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt.

b) Chủ đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan là Chủ đầu tư đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Tổng cục trưởng quyết định đầu tư theo ủy quyền quy định tại điểm a.1 khoản 1 Điều này.

Trường hợp do mục tiêu, yêu cầu, tính chất của dự án và các điều kiện khác, Tổng cục trưởng lựa chọn đơn vị khác thuộc Tổng cục Hải quan là Chủ đầu tư hoặc Tổng cục Hải quan là Chủ đầu tư và trình Bộ trưởng xem xét, quyết định khi báo cáo phê duyệt kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư (đối với các dự án chưa phê duyệt trong kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin).

2. Thuê dịch vụ công nghệ thông tin

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin triển khai tại các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có dự toán thuê dịch vụ từ 100 tỷ đồng trở xuống.

Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin có dự toán thuê dịch vụ từ trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng: Cục Tài vụ Quản trị chủ trì soạn thảo văn bản báo cáo Tổng cục trưởng lấy ý kiến tham vấn của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính (ý kiến của Cục Kế hoạch - Tài chính về dự toán thuê dịch vụ và ý kiến của Cục Tin học và Thống kê tài chính về nội dung thuyết minh kế hoạch thuê dịch vụ) để xem xét, quyết định.

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan là đơn vị chủ trì thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

Cục Tài vụ - Quản trị là đơn vị thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt.

3. Đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết

a) Thẩm quyền phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết: Tổng cục trưởng ủy quyền Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan quyết định phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

b) Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan quyết định mua sắm tài sản đối với các nội dung mua sắm tài sản phải lập đề cương và dự toán chi tiết của các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan (trừ hoạt động nâng cấp, chỉnh sửa, phát triển phần mềm nội bộ trên cơ sở phần mềm đang sử dụng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp, lắp đặt, cài đặt thiết bị công nghệ thông tin trên cơ sở thiết bị công nghệ thông tin đang sử dụng không phải việc mua sắm mới tài sản và các nội dung mua sắm/thuê dịch vụ bảo hành, bảo trì, dịch vụ khác mà không hình thành tài sản (không hạch toán tăng nguyên giá, giá trị tài sản) quy định tại điểm c Khoản 4 và Khoản 5 Công văn số 7559/BTC-QLCS ngày 25/6/2018 của Bộ Tài chính).

4. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết (trừ: thuê dịch vụ công nghệ thông tin; hoạt động nâng cấp, chỉnh sửa, phát triển phần mềm nội bộ trên cơ sở phần mềm đang sử dụng để đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ nâng cấp, lắp đặt, cài đặt thiết bị công nghệ thông tin trên cơ sở thiết bị công nghệ thông tin đang sử dụng không phải việc mua sắm mới tài sản; các nội dung mua sắm/thuê dịch vụ bảo hành, bảo trì, dịch vụ khác mà không hình thành tài sản (không hạch toán tăng nguyên giá, giá trị tài sản) quy định tại điểm c Khoản 4 và Khoản 5 Công văn số 7559/BTC-QLCS ngày 25/6/2018 của Bộ Tài chính).

a) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định mua sắm tài sản đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết có tính chất ngành (từ 02 đơn vị dự toán trở lên) trừ quy định tại Khoản 5 Điều này.

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan chủ trì lập hồ sơ đề nghị mua sắm tài sản báo cáo Tổng cục trưởng xem xét quyết định mua sắm.

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan chịu trách nhiệm về sự cần thiết mua sắm và lấy ý kiến Cục Tài vụ-Quản trị về sự phù hợp của đề nghị mua sắm với tiêu chuẩn định mức, sử dụng tài sản công trước khi báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt quyết định mua sắm.

b) Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan quyết định mua sắm tài sản đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết trong phạm vi quản lý của đơn vị.

Phòng/Ban/bộ phận công nghệ thông tin thuộc đơn vị dự toán chủ trì lập hồ sơ đề nghị mua sắm tài sản báo cáo Thủ trưởng đơn vị xem xét quyết định mua sắm.

Phòng/Ban/Bộ phận công nghệ thông tin chịu trách nhiệm về sự cần thiết mua sắm và lấy ý kiến Phòng/Ban/Bộ phận Tài vụ Quản trị về sự phù hợp của đề nghị mua sắm với tiêu chuẩn định mức, sử dụng tài sản công trước khi báo cáo Thủ trưởng đơn vị phê duyệt quyết định mua sắm.

5. Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan quyết định mua sắm tài sản công nghệ thông tin từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Điều 6. Thẩm quyền trong lĩnh vực kiểm tra nội bộ

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

a) Phê duyệt kế hoạch chi tiết kiểm tra nội bộ hàng năm của các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan do Cục Tài vụ - Quản trị chủ trì theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt;

b) Quyết định kiểm tra nội bộ đột xuất các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.

2. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị

a) Quyết định thành lập đoàn kiểm tra nội bộ hàng năm theo kế hoạch đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt;

b) Thực hiện kiểm tra nội bộ về quản lý tài chính, kế toán, quản lý và sử dụng tài sản công, đấu thầu, ấn chỉ và quản lý đầu tư xây dựng tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan theo kế hoạch chi tiết đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phê duyệt;

c) Ban hành thông báo kết quả kiểm tra nội bộ đối với các đơn vị dự toán được kiểm tra do Cục Tài vụ - Quản trị tổ chức thực hiện;

d) Kiểm tra công tác thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm tra nội bộ tại các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan do Cục Tài vụ - Quản trị chủ trì thực hiện kiểm tra nội bộ.

3. Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan

Lập kế hoạch tự kiểm tra nội bộ, thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ hàng năm tại đơn vị theo quy định và báo cáo kết quả tự kiểm tra nội bộ về Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị).

Điều 7. Đối với lựa chọn nhà thầu

1. Người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

a) Người có thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

a.1) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với dự án nhóm B.

a.2) Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với dự án nhóm C có tổng mức đầu tư từ 15 tỷ đồng trở lên.

a.3) Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, các dự án cải tạo, sửa chữa.

b) Người có thẩm quyền trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin.

b.1) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với:

b.1.1) Dự án ứng dụng công nghệ quy định tại điểm a.1 Khoản 1 Điều 5;

b.1.2) Các gói thầu thuê dịch vụ công nghệ thông tin quy định tại khoản 2 Điều 5;

b.1.3) Các gói thầu mua sắm đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết có tính chất ngành (từ 02 đơn vị dự toán trở lên).

b.2) Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết của các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5;

b.3) Thủ trưởng đơn vị dự toán là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết trong phạm vi đơn vị quản lý trừ thuê dịch vụ công nghệ thông tin;

b.4) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản thuộc hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

c) Người có thẩm quyền trong lĩnh vực mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ, thuê tài sản

c.1) Đối với mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ

c.1.1) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1610/QĐ-TCHQ ngày 31/5/2018 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc quy định thẩm quyền quyết định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công (không bao gồm mua sắm tài sản công nghệ thông tin) tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan trừ quy định tại điểm c.1.3 khoản 1 Điều này;

c.1.2) Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của đơn vị;

c.1.3) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 37 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

c.2) Đối với thuê tài sản.

c.2.1) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuê tài sản có mức tiền đề nghị thuê từ 20 tỷ đồng trở lên/01 lần thuê (trừ trường hợp quy định tại điểm c.2.3 khoản 1 Điều này);

c.2.2) Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuê tài sản có mức tiền đề nghị thuê dưới 20 tỷ đồng/01 lần thuê;

c.2.3) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là người có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuê tài sản từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

2. Đơn vị, tổ chức, bộ phận thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014.

a) Cục Tài vụ - Quản trị là đơn vị thẩm định báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu do Tổng cục trưởng là người có thẩm quyền quy định, tại khoản 1 Điều này trừ các gói thầu quy định tại điểm c.1.1 khoản 1 Điều này và các gói thầu thuộc dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan không là Chủ đầu tư;

Tổng cục trưởng ủy quyền Cục trưởng Cục Tài vụ Quản trị thành lập bộ phận thẩm định thực hiện nhiệm vụ thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu quy định tại điểm c.1.1 khoản 1 Điều này.

b) Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan là đơn vị thẩm định báo cáo Tổng cục trưởng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan không là Chủ đầu tư;

c) Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đơn vị mình để quyết định đơn vị, tổ chức, bộ phận thuộc bộ máy quản lý của đơn vị dự toán thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu do thủ trưởng đơn vị dự toán là người có thẩm quyền theo quy định tại quyết định này để xem xét, phê duyệt.

3. Bên mời thầu trong lựa chọn nhà thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

a) Tổng cục Hải quan là bên mời thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết có tính chất ngành (từ 02 đơn vị dự toán trở lên);

Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan chủ trì thực hiện các công việc liên quan trong quy trình lựa chọn nhà thầu; thực hiện ký kết hợp đồng và tổ chức thực hiện hợp đồng; cung cấp thông tin trong đấu thầu; lưu trữ thông tin, tài liệu; cung cấp thông tin, tài liệu và thực hiện giải trình các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan có thẩm quyền; báo cáo công tác đấu thầu hàng năm và các nội dung khác được giao.

Cục Tài vụ - Quản trị thực hiện nhiệm vụ thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu.

b) Cục Tài vụ Quản trị là bên mời thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ quy định tại điểm c.1.1 khoản 1 Điều này trừ quy định tại điểm e khoản 3 Điều này;

c) Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan là bên mời thầu đối với các gói thầu thuê dịch vụ công nghệ thông tin và các gói thầu mua sắm thuộc hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết có tính chất ngành (từ 02 đơn vị dự toán trở lên);

d) Đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là bên mời thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ không phải lập dự án; hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin phải lập đề cương và dự toán chi tiết; thuê tài sản (không bao gồm thuê dịch vụ công nghệ thông tin) trong phạm vi quản lý của đơn vị.

e) Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan là bên mời thầu đối với các gói thầu mua sắm tài sản (trừ cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô), thuê tài sản từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp và nguồn vốn vay, vốn huy động theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

4. Đơn vị thực hiện trách nhiệm giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 73 và khoản 3 Điều 87 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Điều 126 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

a) Cục Tài vụ - Quản trị thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu do Tổng cục trưởng là người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này trừ các gói thầu thuộc dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan không là Chủ đầu tư.

b) Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư đối với các gói thầu thuộc dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan không là Chủ đầu tư và thực hiện giám sát theo dõi hoạt động đấu thầu của bên mời thầu đối với các gói thầu do Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan là người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Khi thấy cần thiết phải thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu do mình là người có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2, Điều 126 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP: Thủ trưởng đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đơn vị để phân công, giao nhiệm vụ cho một cá nhân hoặc đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý của đơn vị thực hiện trong quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc thông báo bằng văn bản (trường hợp trong quá trình đấu thầu) để các chủ đầu tư, bên mời thầu biết và phối hợp thực hiện.

Điều 8. Tổ chức thực hiện.

1. Cục Tài vụ - Quản trị:

1.1. Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan;

1.2. Kịp thời đề xuất báo cáo Tổng cục trưởng xem xét, điều chỉnh, bổ sung quy định về thẩm quyền trong các lĩnh vực quản lý cho phù hợp;

1.3. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị được thực hiện một số nội dung đã được Tổng cục trưởng ủy quyền theo Quy chế làm việc do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành.

2. Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan:

2.1. Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và Tổng cục trưởng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định;

2.2. Chịu trách nhiệm cá nhân trước Tổng cục trưởng về việc khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo trong việc thực hiện các lĩnh vực quản lý của đơn vị;

2.3. Nghiêm túc chấp hành chế độ báo cáo theo quy định của Tổng cục Hải quan;

2.4. Kịp thời đề xuất báo cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (qua Cục Tài vụ - Quản trị) xem xét, điều chỉnh, bổ sung quy định về thẩm quyền cho phù hợp quy định của pháp luật.

Điều 9. Hiệu lực thi hành.

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký;

2. Bãi bỏ Quyết định số 2900/QĐ-TCHQ ngày 1/10/2014 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về việc phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, kiểm tra nội bộ, ứng dụng công nghệ thông tin, đấu thầu, mua sắm tập trung trong các đơn vị thuộc ngành Hải quan và Công văn số 3882/TCHQ-TVQT ngày 9/5/2016 của Tổng cục Hải quan về phân cấp, ủy quyền trong lĩnh vực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Các quy định trước đây của Tổng cục Hải quan trái với Quyết định này đều bị bãi bỏ;

3. Cục trưởng Cục Tài vụ - Quản trị, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 9;
- Cục KHTC - Bộ Tài Chính (để b/c);
- Các PTCT (để chỉ đạo);
- Trang Website Hải quan;
- Lưu: VT, TVQT (10b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Cẩn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2718/QĐ-TCHQ năm 2018 quy định về thẩm quyền và tổ chức thực hiện đối với lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng, ứng dụng công nghệ thông tin, kiểm tra nội bộ và lựa chọn nhà thầu trong đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan

  • Số hiệu: 2718/QĐ-TCHQ
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/09/2018
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Nguyễn Văn Cẩn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/09/2018
  • Ngày hết hiệu lực: 03/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản