Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 27/2010/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 29 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, VIÊN CHỨC Y TẾ CÔNG TÁC Ở VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22 tháng 3 năm 2010 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 310/TTr-SNV ngày 29 tháng 9 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quyết định này quy định chế độ phụ cấp ưu đãi; phụ cấp thu hút; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức, lao động hợp đồng và cán bộ, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế đã được xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định tại các văn bản sau đây:

a) Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);

b) Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1995-2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;

c) Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

d) Các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung, sửa đổi danh sách các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Viên chức, lao động hợp đồng (bao gồm cả viên chức y tế được tăng cường, luân phiên, biệt phái từ 01 tháng liên tục trở lên) trực tiếp làm chuyên môn y tế (sau đây gọi chung là viên chức y tế) tại các cơ sở y tế của Nhà nước, bao gồm: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm y tế cơ quan, trường học; phòng khám đa khoa khu vực; nhà hộ sinh; trung tâm y tế; bệnh viện và các cơ sở y tế khác của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng là bác sỹ, dược sỹ, y sỹ, điều dưỡng (y tá), kỹ thuật viên y, kỹ thuật viên dược, dược tá (sau đây gọi chung là cán bộ, nhân viên quân y) trực tiếp làm chuyên môn y tế tại các cơ sở y tế của Nhà nước bao gồm: bệnh xá quân dân y, trạm y tế quân dân y, phòng khám quân dân y, phòng khám đa khoa quân dân y theo quyết định của cấp có thẩm quyền, xã chưa có trạm y tế mà đơn vị quân đội có chương trình kết hợp quân dân y do cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân công cán bộ, nhân viên quân y thường xuyên trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyên môn y tế gồm các công việc sau: khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh; xét nghiệm phục vụ cho công tác chuyên môn y tế; chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng; bào chế, cấp phát: thuốc, vắc xin và sinh phẩm, hóa chất, môi trường nuôi cấy; phòng, chống dịch bệnh; y học lao động và vệ sinh môi trường; chỉ đạo tuyến; tuyên truyền giáo dục sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình; kiểm dịch y tế biên giới, kiểm nghiệm, kiểm định, giám định; nghiên cứu kỹ thuật y, dược học; bảo quản, trông coi xác và nhà xác; sửa chữa thiết bị y tế; súc rửa, hấp sấy tiệt trùng dụng cụ y tế và lái xe cứu thương.

4. Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này công tác tại các xã thuộc các huyện nghèo (không gồm các xã quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này) theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo được áp dụng các chế độ trợ cấp, phụ cấp quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Đối tượng không áp dụng

Quyết định này không áp dụng đối với viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y không trực tiếp làm chuyên môn y tế.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng

1. Đối với phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút

1.1. Viên chức y tế, cán bộ nhân viên quân y được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Quyết định này không hưởng phụ cấp ưu đãi quy định tại Quyết định số 200/2007/QĐ-UBND ngày 07 tháng 02 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về sửa đổi Quyết định số 498/2006/QĐ-UBND ngày 13 tháng 12 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ, viên chức các cơ sở y tế của nhà nước tại tỉnh Yên Bái.

1.2. Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y không được hưởng phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thu hút tại Điều 5 Quyết định này trong thời gian sau :

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

b) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở trong nước không trực tiếp làm chuyên môn y tế liên tục trên 3 tháng (trừ các trường hợp đi học về chuyên môn y tế);

c) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

d) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định hiện hành của Nhà nước;

e) Thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị đình chỉ làm chuyên môn y tế.

2. Đối với trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y được hưởng trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ khi được cấp có thẩm quyền gửi đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo công lập.

Điều 5. Mức phụ cấp, trợ cấp và mức chi trả

1. Phụ cấp ưu đãi: Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y đang công tác tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hoặc cấp bậc quân hàm hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

2. Phụ cấp thu hút: Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y hiện đang công tác hoặc được cấp có thẩm quyền điều động đến công tác (kể cả những người mới tốt nghiệp được cấp có thẩm quyền tuyển dụng) tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hoặc cấp bậc quân hàm hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thời gian hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.

3. Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ:

3.1. Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y đang công tác tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cấp có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ tại các cơ sở đào tạo công lập được hỗ trợ:

a) Tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo);

b) 100% tiền học phí theo hóa đơn hoặc phiếu thu tiền của cơ sở đào tạo;

c) Chi phí đi lại từ cơ quan đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ, tết);

d) Hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian học tập trung;

đ) Tiền thuê chỗ nghỉ trong những ngày đi học tập trung tại cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ).

Các khoản chi này không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

3.2. Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y đang công tác tại các cơ sở y tế của Nhà nước ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo kết quả phân loại đánh giá hàng năm của cơ quan có thẩm quyền thì được đơn vị tổ chức đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước mỗi năm 1 lần, tối đa không quá 15 ngày và được thanh toán tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở và phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí hiện hành và các chi phí phát sinh từ việc tổ chức đi tham quan thực tế, có đủ chứng từ hợp lệ và trong phạm vi dự toán được duyệt.

3.3. Viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y công tác tại các vùng dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tự học và sử dụng thành thạo tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương (bao gồm cả người dân tộc thiểu số tự học và sử dụng tiếng dân tộc thiểu số khác) để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp chứng chỉ hoặc xác nhận thì được hỗ trợ 01 lần tiền mua tài liệu và trợ cấp tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số.

Mức chi 3.000.000 đồng/người đối với việc tự học 01 loại chữ viết và tiếng dân tộc thiểu số.

Mức chi 5.000.000 đồng/người đối với việc tự học 02 loại chữ viết và tiếng dân tộc thiểu số.

Điều 6. Nguồn kinh phí và phương thức chi trả

1. Nguồn kinh phí để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, trợ cấp đối với viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y được bố trí trong dự toán ngân sách của tỉnh hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu của các cơ sở y tế từ các hoạt động sự nghiệp của đơn vị theo quy định và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Phương thức chi trả:

a) Chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút quy định tại Quyết định này được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng; các chế độ trợ cấp được trả một lần trong năm.

b) Các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Quyết định này không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

c) Đơn vị trực tiếp quản lý, trả lương cho viên chức y tế, cán bộ, nhân viên quân y có trách nhiệm chi trả các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Quyết định này.

Điều 7. Thời điểm áp dụng

Các chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Quyết định này được tính hưởng kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2009.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan

1. Sở Y tế có trách nhiệm:

a) Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ và Sở Tài chính hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này;

b) Trực tiếp thẩm định và tổng hợp nhu cầu kinh phí tăng thêm của các cơ sở y tế quy định tại Điều 1 Quyết định này gửi Sở Tài chính.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Thẩm định và tổng hợp nhu cầu kinh phí trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định;

b) Phối hợp với Sở Y tế tổng hợp, lập báo cáo theo các biểu mẫu quy định trình Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 10. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nội vụ, Y tế, Tài chính; Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Y tế, các tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Y tế;
- Bộ Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh uỷ;
- TT.HĐND tỉnh;
- TT.UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Ban Dân tộc;
- Như Điều 10 QĐ;
- Phó VP UBND tỉnh (NC, TH)
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Cổng giao tiếp điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VX, TC, NC.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thị Thanh Trà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 27/2010/QĐ-UBND Quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành

  • Số hiệu: 27/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/10/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
  • Người ký: Phạm Thị Thanh Trà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản