Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 27/2010/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÃ HỘI HOÁ MỘT SỐ LĨNH VỰC CỦA HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2010-2015 VÀ ĐỊNH HUỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
Căn cứ Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn;
Căn cứ Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ quyết định về danh mục chi tiết loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;
Căn cứ Quyết định số 129/2009/QĐ-TTg ngày 29/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường”;
Căn cứ Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 10/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2009/NQ-HĐND ngày 18/9/2009 của HĐND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2010/NQ-HĐND ngày 09/4/2010 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1870/TTr-STNMT ngày 10/9/2010 về việc phê duyệt Đề án thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 với một số nội dung chính sau đây:

1. Một số nội dung, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020:

a) Giai đoạn 2010-2015:

- 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 60% cơ sở sản xuất đã hoạt động phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải và thay đổi công nghệ sản xuất đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Phấn đấu 30% hộ gia đình ở khu vực đô thị cũ, 80% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng chứa chất thải rắn.

- Thu gom và xử lý 85-90% chất thải rắn sinh hoạt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trên 85% các loại rác thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung, trên 95% chất thải nguy hại;

- Trên 40% chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý theo hướng tạo ra năng lượng, thân thiện môi trường.

- 40-50% khu đô thị cũ, 100% khu dân cư mới có nhà vệ sinh công cộng.

- Xử lý 100% chất thải y tế.

- 30 - 40% các khu đô thị cũ, 100% các khu công nghiệp, 50% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Trên 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 90% trung tâm các huyện có hệ thống cấp nước tập trung; tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/người/ngày đêm.

b) Giai đoạn 2016-2020.

- Phấn đấu 50% hộ gia đình ở khu vực đô thị, 100% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn tại nguồn, 100% khu vực công cộng có đặt thiết bị chứa chất thải rắn.

- Thu gom và xử lý trên 95% chất thải rắn sinh hoạt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trên 95% các loại rác thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung, 100% chất thải nguy hại.

- Trên 60% chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý theo hướng tạo ra năng lượng, thân thiện môi trường.

- Trên 90% khu đô thị cũ có nhà vệ sinh công cộng.

- 70% các khu đô thị cũ, 100% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% trung tâm các huyện có hệ thống cấp nước tập trung; tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/người/ngày đêm.

- Triển khai thực hiện tốt các dự án xã hội hoá trồng rừng để đảm bảo đạt tỉ lệ che phủ rừng trên 50%.

2. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

a) Nhiệm vụ: Triển khai thực hiện các dự án như Phụ lục Đề án kèm theo.

b) Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng để các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu công tác xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, nhằm huy động toàn xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia bảo vệ môi trường góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

- Hoàn thiện và cụ thể hoá cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường:

Các dự án bảo vệ môi trường được phân loại thực hiện theo hai khu vực: khu vực công và khu vực tư nhân. Đối với các dự án thuộc khu vực công trước hết sẽ do Nhà nước đầu tư và kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ tham gia một phần hoặc tham gia toàn phần. Các dự án thuộc khu vực tư nhân thì Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư hoàn toàn.

Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xã hội hoá về môi trường được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và đất đai; về vốn, thuế, phí; trợ giá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Thông tư 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi; Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; các quy định khác có liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT.

Hàng năm các cấp ngân sách nhà nước của tỉnh trích 1% tổng chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường.

- Tăng cường quản lý nhà nước về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường:

Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực môi trường theo đúng quy định của Nhà nước về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường trên địa bàn, kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định hiện hành của Pháp luật.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ cấp tỉnh đến cơ sở để vừa làm tốt công tác chuyên môn vừa đủ khả năng tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở thực hiện xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường tổ chức và hoạt động theo đúng luật định.

Lập quy hoạch và công bố quy hoạch kêu gọi đầu tư về hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

- Giải pháp thực hiện đối với Phụ lục danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích xã hội hoá của tỉnh kèm theo Đề án này:

Đối với các dự án thuộc khu vực công (theo Mục A của Phụ lục kèm theo Đề án) trước hết sẽ do Nhà nước đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư. Các dự án thuộc khu vực tư nhân (theo Mục B của Phụ lục kèm theo Đề án) thì Nhà nước khuyến khích các tổ chức, tư nhân đầu tư hoàn toàn.

Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích xã hội hoá sẽ được điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với dự án bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước phải thông qua HĐND tỉnh trước khi triển khai thực hiện.

Điều 2. Phân giao nhiệm vụ:

1. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cân đối vốn ngân sách Nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí các nguồn vốn đảm bảo thực hiện đề án xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường của tỉnh.

3. Cục Thuế Quảng Ngãi: Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy trình lập hồ sơ, thủ tục thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho các cơ sở thực hiện xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội vụ: Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện xã hội các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; bổ sung thêm nhân sự, nhiệm vụ về hoạt động môi trường để chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án.

5. Sở Xây dựng: Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch các bãi xử lý, chôn lấp rác thải hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND ban hành chính sách ưu đãi về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất trong lĩnh vực xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường; thực hiện công tác giám sát, quản lý đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường đảm bảo chất lượng và đúng quy định của nhà nước.

6. Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tham gia hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về chủ trương, chính sách khuyến khích xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường.

8. Các Hội, đoàn thể: Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Đề án xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

9. UBND các huyện, thành phố: Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban, ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn quản lý.

(Có nội dung Đề án kèm theo)

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN XÃ HỘI HOÁ MỘT SỐ LĨNH VỰC CỦA HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2010-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Những căn cứ pháp lý:

- Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

- Nghị Quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước;

- Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21/01/2009 của Ban chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;

- Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

- Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;

- Thông tư số 121/2008/TT-BTC ngày 12/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư cho quản lý chất thải rắn;

- Thông tư số 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

- Quyết định số 129/2009/QĐ-TTg ngày 29/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên và môi trường”;

- Nghị quyết số 10/2009/NQ-HĐND ngày 24/7/2009 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi;

- Nghị quyết số 12/2009/NQ-HĐND ngày 18/9/2009 của HĐND tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025;

- Nghị quyết số 04/2010/NQ-HĐND ngày 16/4/2010 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020;

- Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi.

- Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

- Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

II. Sự cần thiết xây dựng đề án:

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với sự phát triển chung của cả nước, tỉnh Quảng Ngãi đã có những bước phát triển đáng kể, đặc biệt là từ sau khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều dự án khác cũng được đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp của tỉnh, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ngày được nâng cao, cuộc sống của đại bộ phận nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển KT-XH là sức ép lên môi trường: khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, lượng chất thải ra môi trường ngày càng nhiều và đa dạng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ngày càng cao, đòi hỏi công tác bảo vệ môi trường (BVMT) cần được tăng cường hơn nữa. Với tỉnh nghèo như Quảng Ngãi, nếu chỉ dựa vào nguồn lực của nhà nước (nhân lực và vật lực) thì không đủ để thực hiện tốt các mục tiêu quản lý và BVMT. Vấn đề đặt ra là tập trung khuyến khích, huy động các nguồn lực khác tham gia vào hoạt động BVMT nhằm triển khai hoạt động BVMT đạt hiệu quả cao.

Xã hội hoá (XHH) hoạt động BVMT là một trong các giải pháp chính mang tính chủ đạo của Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Chiến lược Quốc gia về BVMT đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Với những quan điểm chỉ đạo của Nhà nước và tình hình thực tế tại tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng Đề án thực hiện xã hội hoá một số lĩnh vực của hoạt động BVMT tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 là rất cần thiết, tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia hoạt động BVMT, đáp ứng yêu cầu BVMT trong thời kỳ mới.

Chương II

DỰ BÁO Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC XHH HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI GIAN QUA

I. Dự báo ô nhiễm môi trường đến năm 2015 và 2020:

Dựa trên các căn cứ sau đây để tính tải lượng các chất ô nhiễm trong không khí, nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, y tế, nguy hại: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010; Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020; Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2006-2010; Phê duyệt thành lập cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Phổ Phong, huyện Đức Phổ; quy hoạch tổng thể môi trường Khu kinh tế Dung Quất; căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; Các hệ số phát thải của các tổ chức trên thế giới và các hệ số ô nhiễm thống kê được tại Việt Nam:

1. Dự báo ô nhiễm do khí thải:

Dự báo tải lượng khí thải phát sinh từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và KKT Dung Quất đến năm 2015 và năm 2020 phát sinh như sau:

Đến năm 2015: Bụi khoảng 81 tấn/ngày; SO2 khoảng 773 tấn/ngày; NO2 khoảng 50,5 tấn/ngày và CO khoảng 24 tấn/ngày .

Đến năm 2020: Bụi khoảng 107 tấn/ngày; SO2 khoảng 1.020 tấn/ngày; NO2 khoảng 67 tấn/ngày và CO khoảng 32 tấn/ngày.

Tóm lại: Tải lượng khí thải phát sinh từ hoạt động công nghiệp được dự báo đến năm 2020 rất lớn, vì vậy các biện pháp kiểm soát khí thải tại nguồn cần phải được quan tâm đặc biệt.

2. Dự báo ô nhiễm do nước thải:

Việc dự báo ô nhiễm do nước thải phát sinh trên địa bàn tỉnh được tập trung vào các nguồn vào nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt.

a) Nước thải công nghiệp.

Chỉ tính riêng hoạt động của các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và KKT Dung Quất, dự báo lưu lượng và tải lượng nước thải phát sinh đến năm 2015 và 2020 như sau:

Đến năm 2015: Lưu lượng khoảng 296.190 m3/ngày; BOD khoảng 118,45 tấn/ngày; COD khoảng 177,7 tấn/ngày; N khoảng 17,8 tấn/ngày; P khoảng 1,75 tấn/ngày.

Đến năm 2020: Lưu lượng khoảng 390.840 m3/ngày; BOD khoảng 156,3 tấn/ngày; COD khoảng 234,5 tấn/ngày; N khoảng 23,5 tấn/ngày; P khoảng 2,3 tấn/ngày.

b) Nước thải sinh hoạt

Nước thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý theo biện pháp cho chảy xuống hầm tự thấm xuống mương cống, chảy ra vườn. Đây là một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường nước mặt.

Lưu lượng và tải lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh được dự báo như sau:

Năm 2010: Lưu lượng khoảng 215.704 m3/ngày; BOD khoảng 47,5 tấn/ngày; COD khoảng 75,5 tấn/ngày; N khoảng 8,6 tấn/ngày; P khoảng 1,3 tấn/ngày.

Đến năm 2015: Lưu lượng khoảng 275.671 m3/ngày; BOD khoảng 60,7 tấn/ngày; COD khoảng 96,5 tấn/ngày; N khoảng 11 tấn/ngày; P khoảng 1,7 tấn/ngày.

Đến năm 2020: Lưu lượng khoảng 335.637 m3/ngày; BOD khoảng 73,8 tấn/ngày; COD khoảng 117,5 tấn/ngày; N khoảng 13,4 tấn/ngày; P khoảng 2,0 tấn/ngày.

3. Dự báo ô nhiễm do chất thải rắn và chất thải nguy hại:

Việc dự báo ô nhiễm do chất thải rắn và chất thải nguy hại (CTNH) phát sinh trên địa bàn tỉnh được tập trung vào các nguồn sau: chất thải rắn và chất thải nguy hại công nghiệp; chất thải rắn đô thị; chất thải rắn y tế.

a) Chất thải rắn và chất thải nguy hại (CTNH) công nghiệp:

Hiện nay, ngoại trừ khu phức hợp xử lý chất thải rắn Dung Quất xây dựng theo mô hình chôn lấp hợp vệ sinh, tất cả các bãi rác còn lại là đổ lộ thiên hoặc đào hố chôn lấp. Ngay cả khu xử lý chất thải rắn Quảng Ngãi cũng chỉ thực hiện theo mô hình đào hố với nền đất sét và đổ rác vào chôn, sau đó lấp lại và đào hố khác.

Dự báo đến năm 2010 và 2020 khối lượng chất thải rắn và CTNH phát sinh từ các KCN như sau:

Năm 2010: Chất thải rắn công nghiệp khoảng 517 tấn/ngày; CTNH khoảng 97 tấn/ngày.

Đến năm 2015: Chất thải rắn công nghiệp khoảng 812 tấn/ngày; CTNH khoảng 142,5 tấn/ngày.

Đến năm 2020: Chất thải rắn công nghiệp khoảng 1.107 tấn/ngày; CTNH khoảng 188 tấn/ngày.

b) Chất thải rắn đô thị

Tỉ lệ thu gom rác thải rắn mới đạt 50-60% ở một số đô thị và khu dân cư. Công tác thu gom chất thải rắn được thực hiện theo mô hình địa phương. Chỉ có thành phố Quảng Ngãi là có Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đảm nhận công tác thu gom rác trên địa bàn thành phố, các địa phương còn lại hiện do các đội/tổ thu gom rác dân lập dưới sự quản lý của UBND địa phương thực hiện.

Dự báo năm 2010 và 2020 khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh như sau:

Năm 2010: Tổng khối lượng chất thải rắn đô thị dự báo khoảng 272 tấn/ngày;

Đến năm 2015: Tổng khối lượng chất thải rắn đô thị dự báo khoảng 354,5 tấn/ngày.

Đến năm 2020: Tổng khối lượng chất thải rắn đô thị dự báo khoảng 437 tấn/ngày;

c) Chất thải rắn y tế.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 cơ sở bệnh viện công lập với tổng số giường bệnh là 1.910 gường bệnh. Theo ước tính mỗi ngày mỗi gường bệnh phát sinh 2,2 kg/ngày thì khối lượng chất thải phát sinh từ các bệnh viện trên địa bàn tỉnh là 4202 kg/ngày, trong đó chất thải y tế ước tính khoảng 1400 kg/ngày (1/3 tổng lượng chất thải thải ra). Chất thải rắn y tế được thu gom và xử lý theo chương trình riêng của ngành y tế.

Dự báo đến năm 2015 và 2020 khối lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh như sau:

Đến năm 2015: Chất thải rắn y tế khoảng 2024 kg/ngày, chất thải rắn thông thường khoảng 4048 kg/ngày.

Đến năm 2020: Chất thải rắn y tế khoảng 2574 kg/ngày, chất thải rắn thông thường khoảng 6813 kg/ngày.

Như vậy, đến năm 2015, 2020 lượng chất thải là rất lớn, tác động nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, hệ sinh thái, sức khỏe cộng đồng nếu không có những giải pháp hữu hiệu ngay từ bây giờ. Ngoài ra, nhiều công trình nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu cho biết Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn do sự biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, Quảng Ngãi là một trong những tỉnh chịu tác động lớn của vấn đề này.

II. Thực trạng công tác XHH hoạt động bảo vệ môi trường:

1. Những kết quả đạt được:

Từ khi Luật BVMT có hiệu lực và đi vào cuộc sống, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối kết hợp của các ngành, các cấp, đoàn thể và cả cộng đồng, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức về BVMT của cộng đồng đã được nâng lên; việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được chú trọng và có kế hoạch, các điểm ô nhiễm, bức xúc về môi trường được khoanh vùng, xử lý; công tác quản lý Nhà nước về môi trường từng bước nâng cao; hiệu lực, hiệu quả, kinh phí nhà nước đầu tư cho môi trường được tăng lên; chất lượng môi trường sống ngày càng được cải thiện.

Công tác XHH hoạt động BVMT ở tỉnh Quảng Ngãi bước đầu hình thành mang tính tự phát, qui mô nhỏ lẻ như: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, hình thành tổ tự quản giữ gìn vệ sinh công cộng; đội vệ sinh môi trường, huy động nhân dân tham gia các hoạt động BVMT nhân các ngày về môi trường trong năm như “Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường”, Ngày môi trường thế giới.... Các hoạt động này đã giúp cho cộng đồng thay đổi về nhận thức, trách nhiệm trong BVMT và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Thực hiện Nghị Quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính Trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ký nghị quyết liên tịch phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mở chuyên mục về môi trường.

Ở các huyện, thành phố, các cấp uỷ đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với các đoàn thể nhân dân nói trên trong công tác BVMT. Một số huyện cũng đã ký kết nghị quyết liên tịch với các tổ chức nói trên để phối hợp hành động trong công tác BVMT như thành phố Quảng Ngãi, Bình Sơn... Ở hầu hết các xã, phường, thị trấn đã thành lập các mô hình tự quản BVMT trong cộng đồng dân cư. Việc phối hợp hành động này nhằm tăng cường trách nhiệm và huy động mạnh mẽ mọi lực lượng, thành phần xã hội và cá nhân tham gia BVMT.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đưa nhiệm vụ BVMT vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin... trong hoạt động của mình cũng đã thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 41.

Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc xã hội hoá đầu tư cho BVMT cũng đang được thực hiện. Nhiều dự án lớn đã được đầu tư từ nguồn vốn ODA như Dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Quảng Ngãi là 15,4 triệu USD; Công ty CP Cơ điện và Môi trường Lilama đang thực hiện xử lý chất thải rắn trên địa bàn KKT Dung Quất và thị trấn Bình Sơn cũng như một số xã lân cận; Công ty Hoàng Long tham gia xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn tại Nghĩa Hành; hệ thống xử lý nước thải khu Công nghiệp Sài Gòn - Dung Quất, Nhà máy Chế biến tinh bột mỳ Quảng Ngãi...

Nhìn chung, xã hội hoá hoạt động BVMT từng bước được quan tâm và đẩy mạnh; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng, cộng đồng dân cư tham gia và giám sát trong công tác BVMT bước đầu đã được phát huy. Một số các tổ chức, đội thu gom rác thải ở các địa phương do chính quyền cơ sở tổ chức, phần còn lại do nhân dân tự nguyện đứng ra tổ chức.

2. Tồn tại và nguyên nhân

a) Tồn tại, hạn chế:

Bên cạnh những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội đã đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường có nơi, có lúc vẫn xảy ra, ý thức trách nhiệm về BVMT của một số bộ phận dân cư chưa cao, xem đó là trách nhiệm của chính quyền và cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó với nguồn nhân lực hiện có không đáp ứng yêu cầu hoạt động BVMT hiện tại và thời gian đến, cụ thể :

Hàng năm trung bình có khoảng 63.000 tấn chất thải rắn phát sinh, dự báo trong những năm đến lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh tăng nhanh (năm 2010: 320.400 tấn/năm; 2015: 473.436 tấn/năm; 2020: 626.904 tấn/năm). Hoạt động xử lý chất thải rắn mới đáp ứng thu gom, xử lý khoảng 70-75% lượng rác thải phát sinh trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi; 20 - 35 % lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn các huyện.

Đối với chất thải rắn y tế: Tuyến tỉnh có 02/14 bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tỉnh được đầu tư xây lò đốt (Bệnh viện Quảng Ngãi, Dung Quất); tuyến huyện có 4/14 được đầu tư lắp đặt lò đốt chất thải y tế (Bệnh viện Đặng Thùy Trâm, Mộ Đức, Sơn Tịnh, Bình Sơn). 3 bệnh viện khác đang chuẩn bị đầu tư; 180 trạm y tế xã áp dụng biện pháp chôn lấp và đốt tại chỗ.

Trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, toàn bộ nước thải sinh hoạt của các đô thị kể cả thành phố Quảng Ngãi chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Qua tính toán, hàng ngày lượng nước thải sinh hoạt thải vào các lưu vực sông như sau: Sông Trà khúc tiếp nhận 57.956 m3 /ngày; Sông Vệ: 22.538 m3/ngày.

Khối lượng chất thải này thải thẳng ra môi trường gây ô nhiễm môi trường là điều không tránh khỏi.

Hàng năm, kinh phí sự nghiệp môi trường chủ yếu hỗ trợ bước đầu các trang thiết bị thu gom, vận chuyển và chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương, trong khi đó hoạt động BVMT cần nguồn lực lớn để các đầu tư có trọng điểm các công trình cung cấp nước sạch tại các đô thị, công trình xử lý triệt để chất thải rắn (kể cả chất thải nguy hại), hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng... Nếu chỉ dựa vào nguồn lực hiện tại thì chưa đáp ứng các hoạt động đầu tư phòng ngừa ô nhiễm, kiểm soát, xử lý ô nhiễm khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Do đó, cần đẩy mạnh XHH hoạt động BVMT, huy động các nguồn lực khác tham gia BVMT, đáp ứng yêu cầu công tác BVMT trên địa bàn tỉnh.

b) Nguyên nhân:

Vấn đề XHH hoạt động BVMT đã có nhưng chưa cao, do:

- Kinh tế chất thải chưa được đánh giá đúng mức;

- Chưa có hướng dẫn về định mức kinh tế thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải;

- Cơ chế, chính sách, tổ chức chưa được tổng kết, đánh giá để nhân rộng điển hình và rút kinh nghiệm.

- Hiện tại, hoạt động BVMT chủ yếu từ nguồn kinh phí của Nhà nước nên chưa thể đáp ứng tốt các mục tiêu quản lý về môi trường. Các ngành, các cấp, đoàn thể và cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của XHH hoạt động BVMT.

- Trong triển khai thực hiện chủ trương XHH hoạt động BVMT còn chậm, và không đồng bộ, chưa có cơ chế, giải pháp cụ thể thu hút, huy động tối đa các nguồn lực khác ngoài công lập tham gia hoạt động BVMT.

Chương III

MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP XHH HOẠT ĐỘNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2010-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

I. Mục tiêu chung:

Huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài tham gia hoạt động BVMT, góp phần BVMT và phát triển bền vững .

Tạo điều kiện để cộng đồng được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng ở mức độ ngày càng cao, đảm bảo chất lượng sống ngày được nâng cao.

II. Quan điểm, định hướng, nội dung thực hiện XHH hoạt động BVMT:

1. Quan điểm:

Theo Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội theo phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; kết hợp giữa sự đầu tư của Nhà nước với đẩy mạnh huy động nguồn lực trong xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế.

XHH hoạt động BVMT tại tất cả các vùng, địa phương trong tỉnh, nông thôn, biển và ven biển, miền núi, đô thị.

2. Định hướng:

Nhà nước chỉ nắm giữ qui hoạch, kế hoạch, xây dựng các hệ thống xử lý tập trung (cuối nguồn), đầu tư những vấn đề lớn về kỹ thuật, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ xử lý môi trường.

Tất cả chất thải được xử lý theo hướng giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế (chất thải của nhà máy, cơ sở này là nguyên, nhiên liệu của nhà máy kia), biến chất thải thành năng lượng sạch.

UBND tỉnh sẽ tìm các biện pháp, xây dựng các cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động XHH môi trường đảm bảo đứng vững trong thời gian ban đầu cũng như đảm bảo lợi ích hợp pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

3. Một số nội dung, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020:

Môi trường bao gồm rất nhiều yếu tố, thành phần khác nhau. Tuy nhiên, tuân thủ theo nội dung Quyết định 1466/QĐ-TTg, ngày 10/10/2008 của Thủ Tướng Chính phủ về “Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường” cho nên trong đề án XHH này chỉ giới hạn, tập trung một số lĩnh vực như xử lý chất thải rắn, nước thải trong y tế, sinh hoạt, công nghiệp, khu đô thị...Một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

a) Giai đoạn 2010-2015:

- 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới phải áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 60% cơ sở sản xuất đã hoạt động phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải và thay đổi công nghệ sản xuất đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Phấn đấu 30% hộ gia đình ở khu vực đô thị cũ (Đô thị cũ là điểm dân cư đã tập trung sinh sống, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của một vùng lãnh thổ, có cơ sở hạ tầng đô thị thích hợp và có quy mô dân số thành thị tối thiểu là 4.000 người (đối với miền núi tối thiểu là 2.800 người) với tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu là 65%), 80% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn tại nguồn, 80% khu vực công cộng có thùng chứa chất thải rắn.

- Thu gom và xử lý 85-90% chất thải rắn sinh hoạt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trên 85% các loại rác thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung, trên 95% chất thải nguy hại;

- Trên 40 % chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý theo hướng tạo ra năng lượng, thân thiện môi trường.

- 40-50 % khu đô thị cũ, 100% khu dân cư mới có nhà vệ sinh công cộng.

- Xử lý 100% chất thải y tế.

- 30 - 40% các khu đô thị cũ, 100% các khu công nghiệp, 50% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Trên 95% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 90% trung tâm các huyện có hệ thống cấp nước tập trung; tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/người/ngày đêm.

b) Giai đoạn 2016-2020.

- Phấn đấu 50% hộ gia đình ở khu vực đô thị, 100% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn tại nguồn, 100% khu vực công cộng có đặt thiết bị chứa chất thải rắn.

- Thu gom và xử lý trên 95% chất thải rắn sinh hoạt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trên 95% các loại rác thải sinh hoạt đô thị và khu dân cư tập trung, 100% chất thải nguy hại.

- Trên 60% chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn được xử lý theo hướng tạo ra năng lượng, thân thiện môi trường.

- Trên 90% khu đô thị cũ có nhà vệ sinh công cộng.

- 70% các khu đô thị cũ, 100% các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% trung tâm các huyện có hệ thống cấp nước tập trung; tiêu chuẩn cấp nước 120-150 lít/người/ngày đêm.

- Triển khai thực hiện tốt các dự án XHH trồng rừng để đảm bảo đạt tỉ lệ che phủ rừng trên 50%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện:

1. Nhiệm vụ: Triển khai thực hiện các dự án như Phụ lục Đề án kèm theo.

2. Giải pháp thực hiện:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về XHH hoạt động BVMT:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XHH hoạt động BVMT trong cộng đồng để các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đoàn thể và nhân dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục tiêu công tác XHH hoạt động BVMT, nhằm huy động toàn xã hội, các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia BVMT góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH của tỉnh.

b) Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển XHH hoạt động BVMT.

Các dự án BVMT được phân loại thực hiện theo hai khu vực: khu vực công và khu vực tư nhân. Đối với các dự án thuộc khu vực công trước hết sẽ do Nhà nước đầu tư và kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng hỗ trợ tham gia một phần hoặc tham gia toàn phần. Các dự án thuộc khu vực tư nhân thì Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư hoàn toàn.

Các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động XHH về môi trường được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng và đất đai; về vốn, thuế, phí; trợ giá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ; Thông tư 135/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích XHH đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Quyết định số 42/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND tỉnh ban hành quy định về một số chính sách khuyến khích thực hiện xã hội hóa thuộc lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao và môi trường của tỉnh Quảng Ngãi; Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Thông tư số 230/2009/TT-BTC ngày 08/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi về thuế đối với hoạt động bảo vệ môi trường quy định tại nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường; các quy định khác có liên quan đến ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT.

Hàng năm các cấp ngân sách nhà nước của tỉnh đều phải trích 1% tổng chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường.

c) Tăng cường quản lý nhà nước về XHH hoạt động BVMT:

Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực vào lĩnh vực môi trường theo đúng quy định của Nhà nước về XHH hoạt động BVMT.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực môi trường trên địa bàn, kịp thời động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác BVMT; đồng thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm theo quy định hiện hành của Pháp luật.

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về BVMT từ cấp tỉnh đến cơ sở để vừa làm tốt công tác chuyên môn vừa đủ khả năng tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở thực hiện XHH hoạt động BVMT tổ chức và hoạt động theo đúng luật định.

Nhà nước có trách nhiệm lập quy hoạch và công bố quy hoạch kêu gọi đầu tư về hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

d) Giải pháp thực hiện đối với Phụ lục Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích XHH của tỉnh kèm theo Đề án này:

Đối với các dự án thuộc khu vực công (theo Mục A của Phụ lục kèm theo Đề án) trước hết sẽ do Nhà nước đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư. Các dự án thuộc khu vực tư nhân (theo Mục B của Phụ lục kèm theo Đề án) thì Nhà nước khuyến khích các tổ chức, tư nhân đầu tư hoàn toàn.

Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích XHH sẽ được điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế. Đối với dự án bố trí vốn từ ngân sách Nhà nước phải thông qua HĐND tỉnh trước khi triển khai thực hiện.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Là cơ quan chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành liên quan giúp UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án XHH hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng, chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý thực hiện các mô hình XHH về môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến lĩnh vực BVMT trên địa bàn tỉnh.

II. Các Sở, ban, ngành, hội đoàn thể, UBND các huyện, thành phố :

Tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về XHH hoạt động BVMT đến cán bộ, công chức - viên chức và cộng đồng dân cư để nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tự nguyện, tích cực của toàn xã hội vào hoạt động XHH hoạt động BVMT. Tùy theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai Đề án, tham mưu UBND tỉnh quy định cụ thể các chính sách khuyến khích XHH hoạt động BVMT theo quy định hiện hành của Nhà nước.

1. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh cân đối vốn ngân sách Nhà nước hàng năm để triển khai thực hiện Đề án.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh trong việc bố trí các nguồn vốn đảm bảo thực hiện đề án XHH hoạt động BVMT của tỉnh.

3. Cục Thuế tỉnh:

Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy trình lập hồ sơ, thủ tục thực hiện chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho các cơ sở thực hiện XHH hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội Vụ:

Tham mưu UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện XHH các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; bổ sung thêm nhân sự, nhiệm vụ về hoạt động môi trường để chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND các huyện thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án.

5. Sở Xây dựng:

Tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch khu chôn lấp rác thải hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND ban hành chính sách ưu đãi về cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất trong lĩnh vực XHH hoạt động BVMT; thực hiện công tác giám sát, quản lý đầu tư xây dựng các công trình BVMT đảm bảo chất lượng và đúng quy định của nhà nước.

6. Sở Ngoại vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh hoạt động kêu gọi đầu tư, tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư tham gia hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về chủ trương, chính sách khuyến khích XHH hoạt động BVMT.

8. Các Hội, đoàn thể:

Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước về XHH hoạt động BVMT, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện Đề án XHH hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

9. UBND các huyện, thành phố :

Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Đề án XHH hoạt động BVMT theo thẩm quyền; phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban, ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn quản lý.

Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có gì vướng mắc hoặc chưa phù hợp, đề nghị các sở, ban, ngành, UBND huyện,thành phố, các hội đoàn thể phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHUYẾN KHÍCH XÃ HỘI HÓA CỦA TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 27/2010/QĐ-UBND ngày 18/10/2010 của UBND tỉnh)

Danh mục các dự án bảo vệ môi trường khuyến khích XHH được phân loại thực hiện theo hai khu vực: khu vực công và khu vực tư nhân.

Dự án thuộc khu vực công được hiểu là những dự án đầu tư kinh phí lớn, lâu thu hồi vốn; bức xúc về ô nhiễm môi trường cũng như tác động rộng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Những dự án này Nhà nước đầu tư, đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân cùng tham gia đầu tư.

Dự án thuộc khu vực tư nhân được hiểu là những dự án có kinh phí đầu tư tương đối, có thể chia nhiều giai đoạn để đầu tư, khả năng thu hồi vốn nhanh hơn. Những dự án này tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư hoàn toàn.

A. Các dự án thuộc khu vực công:

I. Giai đoạn 2010-2015

1. Chất thải rắn:

Hệ thống lò đốt chất thải rắn y tế cho tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh.

2. Nước thải:

a) Hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường cho tất cả các bệnh viện, trung tâm y tế trong toàn tỉnh.

b) Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho thành phố Quảng Ngãi, thành phố Vạn Tường.

c) Hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các Khu Công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong, Khu Kinh tế Dung Quất.

d) Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở khu đô thị cũ, khu dân cư mới.

II Giai đoạn 2015-2020

1. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại các thị trấn: Châu Ổ, Sơn Tịnh, La Hà, Sông Vệ, Mộ Đức, Đức Phổ, Sa Huỳnh.

2. Hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề còn lại.

3. Xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở khu đô thị cũ.

B. Các dự án thuộc khu vực tư nhân:

I. Giai đoạn 2010-2015

1. Chất thải rắn:

a) Xây dựng các khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện trong tỉnh.

- Ưu tiên đầu tư xây dựng khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện: Bình Sơn (Cỏ Huê); Sơn Tịnh (Đồng Nà); thành phố Quảng Ngãi (Nghĩa Kỳ); Mộ Đức (Đức Lân); Đức phổ (thị trấn Đức Phổ, Sa Huỳnh); Lý Sơn.

- Khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh tại các huyện miền núi: Sơn Hà, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Tây, Tây Trà, Minh Long.

b) Khu xử lý chất thải rắn tại khu vực Đồng Nà, huyện Sơn Tịnh.

c) Xây dựng lò đốt rác thải nguy hại tại khu vực Bình Nguyên, Bình Sơn (Công ty cổ phần Cơ-điện-Môi trường Lilama).

d) Xây dựng nhà máy tái chế rác của Công ty Hoàng Long tại huyện Nghĩa Hành để xử lý rác bãi chôn lấp Nghĩa kỳ.

e) Xây dựng công viên nghĩa trang tại xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa (khu vực lân cận nghĩa địa Trung Ổi)

g) Xây dựng nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại, quy mô lớn tại thành phố Quảng Ngãi, thành phố Vạn Tường.

2. Nước thải:

Xây dựng hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi tôm trên cát tại huyện Mộ Đức, Đức Phổ.

3. Cung cấp nước sinh hoạt:

a) Xây dựng và triển khai dự án cấp nước sinh hoạt cho tất cả các trung tâm huyện lỵ, khu dân cư tại các huyện đồng bằng.

b) Nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước của thành phố Quảng Ngãi, một số trung tâm huyện đã có hệ thống cấp nước.

II. Giai đoạn 2015-2020

1. Chất thải rắn:

a) Nâng cấp, mở rộng các khu chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh ở các huyện,thành phố: Bình Sơn (Bình Nguyên; Cỏ Huê); Sơn Tịnh (Đồng Nà); thành phố Quảng Ngãi (Nghĩa Kỳ); Mộ Đức (Đức Lân); Đức Phổ (thị trấn Đức Phổ, Sa Huỳnh); Lý Sơn.

b) Mở rộng dịch vụ xử lý chất thải hiện có đến các lĩnh vực nông nghiệp cũng như các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

c) Thực hiện phân loại rác đô thị tại thành phố Quảng Ngãi, đô thị Vạn Tường.

d) Xây dựng một lò hỏa thiêu phục vụ cho khu vực thành phố Quảng Ngãi và chuỗi đô thị Vạn Tường - Dốc Sỏi.

2. Nước thải: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải vùng nuôi tôm trên cát tại huyện Bình Sơn.

3. Cung cấp nước sinh hoạt:

Xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp tất cả các hệ thống cấp nước tập trung đảm bảo đạt tỉ lệ 100% dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 27/2010/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xã hội hóa lĩnh vực của hoạt động bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 27/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Nguyễn Xuân Huế
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản