Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2009/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 09 tháng 9 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 143/2009/NQ-HĐND ngày 22/7/2009 của HĐND tỉnh Quảng Nam về phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2010-2015;
Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại tờ trình số 1068/TTr-SGTVT ngày 27 tháng 8 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2015 kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm triển khai thực hiện quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM.ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
( Ban hành kèm theo Quyết định số 27 /2009/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam )
SỰ CẦN THIẾT VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN:
Giao thông nông thôn (GTNT) là kết cấu quan trọng của mạng lưới giao thông đường bộ, là hệ thống các mao mạch kết nối cộng đồng dân cư khu vực nông thôn với nhau và nông thôn với đô thị; phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt và đảm bảo an ninh trật tự của cư dân, khu vực nông thôn.
Đối với tỉnh Quảng Nam, khu vực nông thôn chiếm đến 97% diện tích lãnh thổ; bằng nhiều giải pháp, giai đoạn từ năm 1997 đến nay toàn tỉnh đã dành nguồn vốn đầu tư phát triển GTNT. Chương trình kiên cố hoá GTNT giai đoạn 2001-2008 đã tạo bước đột phá, trên 2.100 km đường được kiên cố hoá trong giai đoạn này tạo nên bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp, đời sống người dân được nâng lên, sản xuất thuận lợi, kinh tế xã hội có những chuyển biến rõ rệt.
Do không có đề án phát triển cụ thể nên giai đoạn 2001-2008 chương trình kiên cố hoá GTNT còn một số tồn tại như: phát triển không đều, lúc mạnh lúc yếu; không có kế hoạch nên một số thời điểm không kiểm soát được, ngân sách các cấp mất cân đối; không xác định được thực trạng và mục tiêu phát triển tại các thời điểm nên công tác chỉ đạo, lãnh đạo còn lúng túng.
Đến nay, hạ tầng GTNT của tỉnh đã được nâng lên một bước nhưng vẫn còn yếu kém với 70% đường đất cần tiếp tục kiên cố hoá. Do vậy cần xây dựng đề án, kế hoạch phát triển cho giai đoạn tiếp theo làm cơ sở cho việc huy động các nguồn lực và tổ chức thực hiện.
II. CÁC CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;
Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 10/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020.
Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường GTNT, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015;
Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế giám sát đầu tư cộng đồng;
Thông tư số 75/2008/TT-BTC ngày 28/8/2008 của Bộ Tài Chính hướng dẫn quản lý vốn đầu tư thuộc ngân sách xã, phường, thị trấn;
Quyết định số 56/2007/QĐ-UBND ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh ban hành Quy định tổ chức quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;
Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 06/02/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các đề án năm 2009 của UBND tỉnh;
Quyết định số 19/2001/QĐ-UB ngày 13/4/2001, số 29/2006/QĐ-UBND ngày 07/7/2006, số 2769/QĐ-UBND ngày 20/8/2008 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc ban hành, sửa đổi Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hoá kênh mương và GTNT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;
Kết quả thực hiện chương trình kiên cố hoá GTNT giai đoạn 2001-2008, kế hoạch năm 2009, định hướng giải pháp phát triển giai đoạn 2009-2015 tại Hội nghị sơ kết tổ chức ngày 13/3/2009;
Kết quả điều tra hiện trạng, nhu cầu phát triển GTNT giai đoạn 2009-2015 của UBND các huyện, thành phố.
III. PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN GTNT:
1. Đặc điểm tình hình:
Địa hình tỉnh Quảng Nam được phân chia thành 2 khu vực miền núi và đồng bằng có các điều kiện tự nhiên, xã hội khác biệt nhau.
1.1. Khu vực miền núi:
Địa hình núi dốc, hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế xã hội kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn, nhiều nơi chưa có đường giao thông để tiếp cận với khu vực khác. Giai đoạn 2001-2008 chương trình kiên cố hoá GTNT không phát triển được, nhiều tuyến chưa có nền đường nên không thể kiên cố hoá mặt đường; không thể huy động các nguồn vốn trong dân do đời sống còn khó khăn, dân cư thưa, phân bố rải rác, cách xa nhau; nhu cầu nguồn vốn để phát triển giao thông rất lớn do địa hình phức tạp.
Giai đoạn vừa qua và sắp đến, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội cho khu vực miền núi như chương trình 135, 134, chương trình hỗ trợ các huyện nghèo đặc biệt khó khăn, chương trình xây dựng đường ô tô đến trung tâm các xã...trong các chương trình đó phát triển hạ tầng GTNT miền núi luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
1.2. Khu vực đồng bằng:
Địa hình thuận lợi, các thôn xóm được hình thành từ lâu đời, dân cư đông đúc, sinh sống ổn định qua nhiều thế hệ nên hệ thống GTNT đã hình thành. Giai đoạn 2001-2008 chương trình kiên cố hoá GTNT khu vực này phát triển khá mạnh vì là khu vực có nhiều tiềm năng để huy động các nguồn vốn trong dân, cơ chế nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ đã phát huy được hiệu quả.
2. Phạm vi của đề án:
Mục tiêu chính của đề án phát triển GTNT đến năm 2015 là kiên cố hoá GTNT, thực hiện theo phương châm nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ; do vậy chỉ phù hợp với khu vực đồng bằng và miền núi thấp, là nơi nhân dân có thể tự thực hiện kiên cố hoá mặt đường, có các điều kiện để huy động đóng góp trong dân, mạng lưới GTNT đã hình thành được nền đường. Không phù hợp với khu vực miền núi cao không thể huy động đóng góp của nhân dân, mạng lưới GTNT chưa hình thành.
Do vậy, phạm vi của đề án là chương trình kiên cố hoá mặt đường GTNT; đối tượng của chương trình chủ yếu là các tuyến đường GTNT ở các huyện, thành phố khu vực đồng bằng và miền núi thấp; cơ chế thực hiện theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.
Đối với khu vực miền núi phải có những chương trình riêng và thực hiện theo cơ chế Nhà nước đầu tư là chủ yếu. Khuyến khích các huyện miền núi cao sử dụng cơ chế của đề án để kiên cố hoá các tuyến GTNT có đủ điều kiện.
HIỆN TRẠNG, MỤC TIÊU VÀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
I. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
1. Hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ
Quảng Nam có đủ các loại hình giao thông đường biển, hàng không, đường sắt, đường bộ và đường thuỷ nội địa, trong đó giao thông đường bộ là loại hình quan trọng nhất. Sau hơn 12 năm đầu tư xây dựng, cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh Quảng Nam đã tạo được mạng lưới liên hoàn từ quốc lộ đến tỉnh lộ, đường huyện, đường xã và đường dân sinh với chiều dài gần 10.000km được phân loại như sau:
Hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ tỉnh Quảng Nam (Bảng 1)
Loại đường | Số tuyến | Chiều dài (km) | Chất lượng (km) | Ghi chú | |||
Tốt | Trung bình | Xấu | Rất xấu | ||||
QL | 05 | 469,8 | 317 | 152,8 |
|
|
|
ĐT | 19 | 473 | 71,8 | 252,2 | 132 | 17 |
|
ĐH | 140 | 1.300,7 | 71,7 | 239 | 242 | 748 |
|
ĐĐT | 165 | 166,4 | 111,1 | 46,4 |
| 8,9 |
|
Đường ĐX và dân sinh |
| 6.893,3 | 2.326,7 |
| 4.566,6 |
|
|
Tổng | 329 | 9.215,9 | 2.889,1 | 690 | 4.704,2 | 774 |
|
Tỷ lệ |
| 100% | 31,3% | 2,6% | 52,7% | 8,3% |
|
Loại đường giao thông nông thôn (gồm đường ĐX và đường dân sinh) chiếm trên 73% tổng chiều dài mạng lưới đường bộ, có tỷ lệ đường xấu và rất xấu khá lớn (66%). Do vậy bên cạnh việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường QL, ĐT, phát triển GTNT là nhu cầu bức bách cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn sắp đến.
2. Kết quả phát triển GTNT giai đoạn 1997-2008
Giai đoạn từ năm 1997-2000, mặc dù còn nhiều khó khăn do mới chia tách nhưng UBND tỉnh đã ưu tiên nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh các tuyến đường tỉnh lộ quan trọng được đầu tư nâng cấp, đảm bảo giao thông thông suốt từ trung tâm tỉnh đến trung tâm các huyện, hệ thống giao thông nông thôn bắt đầu được đầu tư, cải thiện điều kiện đi lại của cư dân khu vực nông thôn. Tại một số địa phương đã hình thành cơ chế huy động nhiều nguồn lực đóng góp trong dân cùng với nhà nước đầu tư. Tuy nhiên giai đoạn này do kinh tế còn khó khăn, cơ chế còn tự phát, chưa phù hợp nên mức độ phát triển GTNT còn thấp.
Đến năm 2001: Quyết định số 19/2001/QĐ-UB được bàn hành, đã cụ thể hoá những chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh; kịp thời khơi dậy tiềm năng về sức dân, khai thác có hiệu quả nguồn vật liệu tại địa phương, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, phong trào kiên cố hoá GTNT phát triển mạnh. Kết quả đạt được trong giai đoạn từ năm 2001-2008 như sau:
- Kiên cố hoá 2.096 km đường các loại.
- Kinh phí đầu tư 572 tỷ đồng, trong đó:
+ Nhân dân đóng góp: 287 tỷ đồng.
+ Ngân sách tỉnh hỗ trợ: 165 tỷ đồng.
+ Ngân sách huyện hỗ trợ: 120 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện chương trình kiên cố hoá GTNT, toàn tỉnh đã huy động các nguồn vốn khác như: Vốn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, vốn vay Ngân hàng thế giới (các dự án GTNT2, GTNT3 của Bộ GTVT; dự án xây dựng hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng của tỉnh); các chương trình 135 của Chính phủ, xây dựng trung tâm cụm xã miền núi...để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn.
3. Hiện trạng hạ tầng giao thông nông thôn
3.1. Khu vực đồng bằng và miền núi thấp:
Hệ thống đường cơ bản đã hình thành, tại một số địa phương chất lượng khá tốt như Điện Bàn (72% đã kiên cố hoá), Hội An (76%), Duy Xuyên (63%) ... tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương tỷ lệ đường đất còn nhiều như Thăng Bình (79%), Hiệp Đức (95%), Tiên Phước (83%), Quế Sơn (72%), Phú Ninh (72%)...
Giai đoạn 2001-2008 phong trào kiên cố hoá GTNT khu vực này phát triển khá mạnh, đã xây dựng được nhiều tuyến đường nông thôn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tuyến chưa được kiên cố hoá do nguồn vốn không đáp ứng được.
3.2. Khu vực miền núi cao:
Là khu vực kinh tế xã hội kém phát triển do địa hình khó khăn, hệ thống đường GTNT yếu kém; ngoại trừ các khu vực có các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, các khu vực còn lại điều kiện đi lại rất khó khăn do hệ thống đường huyện và GTNT chưa hình thành như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My ... Toàn tỉnh hiện vẫn còn 29 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm (đang xây dựng), một số xã có đường ô tô đến nhưng do kết cấu mặt đường còn đơn giản nên chỉ lưu thông được về mùa nắng, mùa mưa hầu như chỉ đi bộ.
Hệ thống đường huyện chưa phát triển nên các loại đường ĐX, đường dân sinh chưa hình thành; đường từ xã đến các thôn, đường dân sinh trong các cụm dân cư chủ yếu là đường mòn, chỉ sử dụng cho đi bộ.
Giai đoạn 2001-2008 mặc dù đã có cơ chế hỗ trợ phát triển kiên cố hoá GTNT nhưng do đặc điểm địa hình khó khăn, nền đường chưa được xây dựng, phân bố dân cư thưa thớt, thu nhập nhân dân còn thấp nên GTNT miền núi phát triển chậm.
Bằng một số chương trình hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, các địa phương đã tập trung vốn cho hạ tầng giao thông như xây dựng cầu cống, làm nền đường GTNT. Do địa hình khó khăn nên nhu cầu vốn đầu tư/km đường rất lớn trong lúc nguồn vốn hạn chế nên các công trình thiếu kiên cố, qua các mùa mưa lũ bị hư hỏng, hiệu quả đầu tư còn hạn chế.
Tổng hợp hiện trạng hạ tầng GTNT các huyện, thành phố (Bảng 2)
STT | Huyện/TP | Số lượng (km) | ||||
Tổng | Tốt | Tỷ lệ (%) | Xấu | Tỷ lệ (%) | ||
| Tổng | 6,893.. | 2,326.7 | 33.8 | 4,566.6 | 66.2 |
I | Đồng bằng và miền núi thấp | 6,115.1 | 2,197.3 | 35.9 | 3,917.8 | 64.1 |
1 | Duy Xuyên | 469.6 | 296.4 | 63.1 | 173.2 | 36.9 |
2 | Đại Lộc | 515.4 | 279.0 | 54.1 | 236.4 | 45.9 |
3 | Điện Bàn | 680.4 | 489.9 | 72.0 | 190.5 | 28.0 |
4 | Hội An | 148.0 | 113.0 | 76.4 | 35.0 | 23.6 |
5 | Hiệp Đức | 466.6 | 23.8 | 5.1 | 442.8 | 94.9 |
6 | Nông Sơn | 147.4 | 52.3 | 35.5 | 95.1 | 64.5 |
7 | Núi Thành | 397.0 | 116.0 | 29.2 | 281.0 | 70.8 |
8 | Phú Ninh | 572.7 | 159.5 | 27.9 | 413.2 | 72.1 |
9 | Quế Sơn | 676.8 | 192.3 | 28.4 | 484.5 | 71.6 |
10 | Thăng Bình | 1,482.4 | 305.0 | 20.6 | 1,177.4 | 79.4 |
11 | Tam Kỳ | 167.5 | 103.0 | 61.5 | 64.5 | 38.5 |
12 | Tiên Phước | 391.4 | 67.1 | 17.1 | 324.3 | 82.9 |
II | Miền núi cao | 778.2 | 129.4 | 16.6 | 648.8 | 83.4 |
13 | Bắc Trà My | 219.6 | 47.0 | 21.4 | 172.6 | 78.6 |
14 | Đông Giang | 67.6 | 12.2 | 18.0 | 55.4 | 82.0 |
15 | Nam Giang | 109.3 | 16.4 | 15.0 | 92.9 | 85.0 |
16 | Nam Trà My | 228.7 | 12.2 | 5.3 | 216.5 | 94.7 |
17 | Phước Sơn | 85.4 | 29.8 | 34.9 | 55.6 | 65.1 |
18 | Tây Giang | 67.6 | 11.8 | 17.5 | 55.8 | 82.5 |
II. NHU CẦU PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN
Với tỷ lệ đường đất chiếm 66% trong tổng số hệ thống đường GTNT hiện có, nhu cầu phát triển GTNT tại các địa phương trong tỉnh là rất lớn. Căn cứ vào hiện trạng GTNT và điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông được phân thành các nhóm sau:
- Các loại đường GTNT đã có nền đường, cần kiên cố hoá để đảm bảo đi lại quanh năm: Đây là các loại đường ĐX và đường dân sinh phân bố chủ yếu ở khu vực đồng bằng, miền núi thấp.
- Các khu vực chưa có đường GTNT cần đầu tư xây dựng mới: Nhu cầu này tập trung ở khu vực miền núi, chủ yếu các loại đường ĐX nối trung tâm các thôn đến trung tâm xã và đường nội bộ trong các khu dân cư.
1. Khối lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật phát triển đường GTNT:
Hiện tại toàn tỉnh có 6.806 km đường GTNT, phân bố ở khu vực đồng bằng và miền núi thấp là 6.113 km, ở các huyện miền núi cao 778 km. Nhu cầu đầu tư phát triển của mỗi khu vực trong giai đoạn sắp đến như sau:
1.1. Các huyện đồng bằng và trung du:
Mạng lưới đường GTNT đã được hình thành, nền đường đã đã được xây dựng và khai thác qua nhiều năm. Do vậy nhu cầu trong thời gian đến là xây dựng lớp mặt đường trên nền đường đã có, kết cấu chủ yếu bằng bê tông xi măng, đây là đối tượng nghiên cứu chính của đề án lần này.
a. Đối với loại đường ĐX:
- Hiện có 1.860 km, đã kiên cố hoá 819km, còn 1.041,3 km cần kiên cố mặt đường;
- Tiêu chuẩn kỹ thuật: Các tuyến ĐX được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2010 - 2015 là mặt đường bê tông xi măng đáp ứng tải trọng xe 13 tấn; tiêu chuẩn đường GTNT loại A:
- Bề rộng nền đường: 5,0m.
- Bề rộng mặt đường: 3,0 đến 3,5; những tuyến có yêu cầu đặc biệt có thể mở rộng đến 4,5m.
Đối với những tuyến có nền đường nhỏ không thể mở rộng có thể giảm bề rộng còn từ 2,5 đến 3,0m nhưng cứ 100m hoặc tại các vị trí giao nhau phải bố trí các đoạn tránh xe rộng 3,0m dài 15m.
b. Loại đường dân sinh:
- Khối lượng: Đường dân sinh là loại đường chủ yếu của mạng lưới GTNT, phủ khắp địa bàn, với chiều dài 4.253 km; hiện đã kiên cố hoá 1.380 km, còn 2.873 km đã có nền đường, cần tiếp tục kiên cố hoá mặt đường.
- Tiêu chuẩn kỹ thuật: Loại đường dân sinh được xây dựng để đáp ứng tải trọng xe 10 tấn; bề rộng mặt đường từ 2,0 đến 3,0m; những tuyến đường có mật độ phương tiện thấp có thể giảm xuống từ 1,5-2,0m, chỉ phục vụ cho xe thô sơ, xe máy; tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể của từng công trình do nhân dân lựa chọn.
Để đảm bảo các yêu cầu phát triển, khuyến khích mở rộng mặt đường nhưng phải cân nhắc đến các hiệu quả kinh tế vì sẽ làm tăng kinh phí đầu tư. Các tuyến đường có bề rộng nhỏ, cứ 100m hoặc tại các vị trí giao nhau phải mở rộng để bố trí đoạn tránh xe có bề rộng 3,0m dài 10m.
c. Ngoài ra, trong số 2.197 km đường đã được kiên cố hoá giai đoạn 2001-2008 nhiều tuyến đường rất nhỏ, khó khăn khi vận chuyển nông sản do các phương tiện không tránh nhau được: Giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần xây dựng bổ sung các điểm tránh xe bên cạnh các tuyến đã kiên cố hoá hoặc mở rộng các ngã ba, ngã tư. Khối lượng dự kiến 10.000 điểm, mỗi điểm dài 10m, rộng 3m, tương đương 100km
2.2. Các huyện miền núi cao:
Mạng lưới đường GTNT chưa phát triển, nhiều địa phương chưa có đường, một số tuyến mới được xây dựng có tiêu chuẩn rất thấp chủ yếu là nền đường, mặt đường chưa được xây dựng. Do vậy nhu cầu xây dựng trong giai đoạn tiếp theo là rất lớn.
a. Loại đường ĐX (chủ yếu là các tuyến đường nối trung tâm xã đến trung tâm các thôn, các khu vực dân cư): Hiện có 552 km, trong đó chỉ có 73 km đã kiên cố hoá mặt đường, 90 km đã có nền đường chưa được kiên cố hoá, phần còn lại 383 km chỉ là đường mòn cần phải đầu tư xây dựng nền đường, công trình thoát nước và mặt đường.
Đối với các tuyến đường chưa có nền đường do kinh phí đầu tư lớn nên không thể thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm mà phải xây dựng các chương trình khác để đầu tư xây dựng, do đó không đưa vào chương trình kiên cố hoá mặt đường. Vốn cho các dự án này chủ yếu do Nhà nước đầu tư.
b. Loại đường dân sinh: Mạng lưới đường dân sinh khu vực miền núi chỉ có ở các khu trung tâm huyện và các trung tâm cụm xã; tại các địa bàn khó khăn chưa hình thành mạng lưới đường dân sinh.
Hiện tại chỉ có 256 km đường dân sinh, đã kiên cố hoá 56 km, 78 km đã có nền đường chưa kiên cố hoá, 140 km chỉ là đường mòn, cần đầu tư xây dựng nền, mặt đường và công trình thoát nước.
Việc kiên cố hoá mặt đường các tuyến dân sinh chỉ triển khai được ở một số tuyến có chiều dài ngắn nối các khu dân cư với hệ thống đường QL, ĐT, ĐH. Các tuyến dân sinh trong các khu dân cư chưa có đường ô tô đến hoặc các tuyến có chiều dài lớn chưa thể kiên cố hoá được được do địa bàn miền núi giao thông khó khăn, không có đường để vận chuyển vật tư, suất đầu tư trên đầu người rất cao.
Đời sống dân cư khu vực miền núi cao có nhiều khó khăn, không thể huy động các nguồn vốn nên không thể thực hiện phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Do vậy các tuyến đường này không phải là đối tượng nghiên cứu chính của đề án này mà phải bằng các chương trình khác, theo phương châm Nhà nước đầu tư là chủ yếu.
3. Nhu cầu nguồn vốn kiên cố hoá mặt đường GTNT
(Bảng 3)
STT | Loại đường | Chiều dài (km) | Đơn giá (triệu đồng/km) | Nhu cầu nguồn vốn (tỷ đồng) |
1 | Đường ĐX | 1,131.3 |
| 755.7 |
a | Khu vực đồng bằng, miền núi thấp | 1,041.3 | 660.0 | 687.3 |
b | Khu vực miền núi cao | 90.0 | 760.0 | 68.4 |
2 | Đường dân sinh | 2,951.2 |
| 1,335.9 |
a | Khu vực đồng bằng, miền núi thấp | 2,873.0 | 450.0 | 1,292.9 |
b | Khu vực miền núi cao | 78.2 | 550.0 | 43.0 |
3 | Bổ sung các điểm tránh xe trên các tuyến đã kiên cố | 100.0 | 480.0 | 48.0 |
| Tổng cộng | 4,182.5 |
| 2,139.5 |
Ghi chú: Đơn giá nêu trên là ước tính tại thời điểm lập đề án, sẽ thay dổi do biến động giá nguyên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công. Bao gồm chi phí xây dựng mặt đường và các cống thoát nước nhỏ (ước tính 10 cái/km kinh phí 100 triệu).
III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN GTNT GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
1. Quan điểm phát triển:
Phát triển GTNT phải gắn liền với phục vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh, trật tự;
Đảm bảo phát triển bền vững, theo đó ưu tiên các khu vực dân cư ổn định (không thuộc các khu vực quy hoạch di dời, giải toả), giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế;
Phát triển phải có quy hoạch, kế hoạch; đồng bộ với phát triển các loại kết cấu hạ tầng khác và đảm bảo đồng bộ với mạng lưới giao thông liên vùng, liên khu vực. Ưu tiên cho những khu vực có khả năng tiếp cận cao, là những tuyến đường nối với mạng lưới đường đã được kiên cố hoá và ưu tiên cho những tuyến đường có mật độ dân cư đông đúc, suất đầu tư trên đầu người cũng như suất đầu tư trên 01 km đường GTNT thấp.
Quá trình thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
2. Mục tiêu phát triển:
2.1. Mục tiêu phát triển chung trong toàn tỉnh:
Giai đoạn đến năm 2015: 66% đường GTNT hiện đã có nền đường được kiên cố hoá (4.225km); trong đó có 3 huyện, thành phố đạt 100%; 5 huyện đạt 70-80%.
- Đã kiên cố hoá trước năm 2009: 2.328,6 km
- Tiếp tục thực hiện trong năm 2009: 419,4 km.
- Giai đoạn 2010-2015: Kiên cố hoá 1.477,3 km với kinh phí đầu tư 751tỷ đồng, bình quân 117 tỷ đồng/năm.
Giai đoạn 2016-2020: Tiếp tục kiên cố hoá phần còn lại (2.185,6km)
(Chi tiết xem bảng 4).
2.2. Mục tiêu cụ thể của từng huyện: (bảng 5).
Do hiện trạng giao thông giữa các địa phương khác nhau nên nhu cầu phát triển cho giai đoạn sắp đến có sự chênh lệch khá lớn giữa các huyện, thành phố. Để phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực, mục tiêu phát triển đến năm 2015 giữa các huyện được phân thành các nhóm như sau:
a. Nhóm 1.
Các huyện, thành phố có nhu cầu kiên cố hoá mặt đường GTNT thấp, kinh tế phát triển khá.
Mục tiêu đến năm 2013: Hoàn thành chương trình kiên cố hoá mặt đường GTNT.
Gồm có các thành phố: Tam Kỳ, Hội An và huyện Điện Bàn.
b. Nhóm 2:
Các huyện, thành phố có nhu cầu kiên cố hoá mặt đường GTNT khá cao, kinh tế phát triển khá, các huyện được lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm nông thôn mới (Phú Ninh).
Mục tiêu đến năm 2015: 70-80% đường GTNT được kiên cố hoá, nếu điều kiện cho phép, phấn đấu đạt 100% đường GTNT đựoc kiên cố hoá.
Gồm có các huyện: Duy Xuyên, Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành và Phú Ninh.
c. Nhóm 3.
Các huyện có khối lượng đường GTNT cần kiên cố hoá rất lớn, điều kiện kinh tế khó khăn; các huyện miền núi cao, kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp, không có khả năng huy động vốn trong dân.
Đến năm 2015: Kiên cố hoá được 40-60% các tuyến GTNT hiện đã có nền đường. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục kiên cố hoá số lượng đường GTNT còn lại. Đến năm 2020 đạt mục tiêu 100% đường GTNT được kiên cố hoá.
Nhóm này gồm có các huyện: Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước; Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My và Nam Trà My.
3. Chương trình kiên cố hoá GTNT giai đoạn 2010-2015:
Trên cơ sở mục tiêu và quan điểm phát triển GTNT trong thời gian đến chương trình kiên cố hoá GTNT giai đoạn 2010 - 2015 được xây dựng như sau:
3.1. Phạm vi của chương trình:
Là các tuyến đã có nền đường, có khả năng huy động đóng góp của nhân dân, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng.
3.2. Cơ chế đầu tư:
Thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó nhân dân là yếu tố quan trọng vừa đóng góp vốn đầu tư vừa quyết định các vấn đề về kế hoạch đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức thực hiện, quản lý chất lượng, giá thành công trình. Nhà nước hỗ trợ một phần vốn đầu tư, ban hành các khung tiêu chuẩn kỹ thuật, trình tự, thủ tục triển khai các bước và các biểu mẫu.
3.3. Cơ cấu nguồn vốn đầu tư:
a. Sự cần thiết sửa đổi, bổ sung cơ chế huy động vốn:
Kiên cố hoá GTNT là chương trình thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn tiếp theo vẫn giống như giai đoạn 2001-2008, tuy nhiên cần điều chỉnh tỷ lệ để khắc phục một số nội dung sau:
- Nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh: Giai đoạn 2001-2008 ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% giá trị công trình đường đối với huyện đồng bằng, 70% đối với huyện miền núi; không phân biệt đến các xã. Cơ chế này làm cho một số xã miền núi thuộc huyện đồng bằng khó thực hiện chương trình do không huy động được nguồn vốn.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, phần hỗ trợ ngân sách huyện, xã và đóng góp của nhân dân do UBND huyện ban hành trên cơ sở Nghị quyết của HĐND huyện nhưng phải đảm bảo không dưới 20%.
- Các công trình đường GTNT chưa được kiên cố hoá trong giai đoạn 2001-2008 phần lớn là các tuyến đường đi qua khu vực có dân cư đông đúc, thu nhập khá. Những công trình còn lại phải thực hiện trong giai đoạn 2009-2015 và đến năm 2020 là những tuyến đường khó thực hiện do đi qua khu vực địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt và thu nhập không cao. Do vậy giai đoạn tiếp theo cần có sự điều chỉnh tăng hỗ trợ của ngân sách để giảm bớt đóng góp của nhân dân.
- Đối với công trình cống, trong giai đoạn 2001-2008 ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%, ngân sách huyện 50%. Giai đoạn tiếp theo phân thành 02 loại như sau: Công trình có khẩu độ nhỏ, nhân dân có thể tự thi công theo thiết kế mẫu được tính vào đơn giá đường và hỗ trợ vốn đầu tư theo cơ chế kiên cố hoá mặt đường. Công trình cầu, cống có khẩu độ lớn, thiết kế và thi công phức tạp do Nhà nước đầu tư, không thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, vốn đầu tư cho các công trình này từ nguồn xây dựng cơ bản tập trung hàng năm và các nguồn vốn khác. Không đưa vào chương trình kiên cố hoá GTNT.
- Giai đoạn từ năm 2001-2008, định mức hỗ trợ vốn ngân sách được điều chỉnh 2 lần vào các năm 2006 và 2008. Do ít được điều chỉnh nên tại nhiều thời điểm tỷ lệ vốn hỗ trợ của tỉnh và huyện không đạt mức quy định, giá trị công trình thực tế cao hơn giá trị định mức. Để khắc phục, giai đoạn tiếp theo cần điều chỉnh đơn giá theo từng năm; việc điều chỉnh được thực hiện xong trước ngày 30/10 hàng năm để có cơ sở xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo.
b. Cơ cấu nguồn vốn cho chương trình kiên cố hoá GTNT giai đoạn 2010-2015:
+ Khu vực I:
Các xã, phường, thị trấn ở các huyện, thành phố: Tam Kỳ, Hội An (trừ xã đảo Tân Hiệp), Điện Bàn, Đại Lộc (trừ các xã: Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Đồng, Đại Quang và Đại Tân), Duy Xuyên (trừ 2 xã Duy Sơn, Duy Phú), Thăng Bình (trừ 2 xã Bình Lãnh, Bình Phú), Quế Sơn (trừ xã Quế Phong), Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh), Núi Thành (trừ 4 xã: Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây).
Ngân sách tỉnh hỗ trợ 35%; ngân sách huyện, xã và đóng góp của nhân dân là 65%. Trong đó ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối thiểu là 20%, còn lại huy động, đóng góp của nhân dân. Tỷ lệ hỗ trợ cụ thể của ngân sách cấp huyện, xã do UBND cấp huyện ban hành trên cơ sở thống nhất của HĐND cấp huyện.
+ Khu vực II:
Các xã, thị trấn thuộc các huyện Hiệp Đức, Tiên Phước, Nông Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My; các xã, xã đảo ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh và Núi Thành không nằm trong khu vực I.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%; ngân sách huyện, xã và đóng góp của nhân dân là 30%. Trong đó ngân sách huyện, xã hỗ trợ tối thiểu là 20%, còn lại huy động, đóng góp của nhân dân. Tỷ lệ hỗ trợ cụ thể của ngân sách cấp huyện, xã do UBND cấp huyện ban hành trên cơ sở thống nhất của HĐND cấp huyện.
4. Kế hoạch phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015 và kế hoạch hàng năm
4.1. Kế hoạch phát triển GTNT giai đoạn 2010 - 2015:
- Tổng số km GTNT cần đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 - 2015: 1477,3km. Trong đó:
+ Khu vực I: 993,9 km
+ Khu vực II: 483,4 km
- Tổng kinh phí đầu tư : 750,80 tỷ đồng. Trong đó:
+ Khu vực I : 487,24 tỷ đồng
+ Khu vực II: 263,56 tỷ đồng
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư : 355,03 tỷ đồng. Trong đó:
+ Khu vực I : 170,53 tỷ đồng
+ Khu vực II: 184,50 tỷ đồng
- Ngân sách huyện, xã hỗ trợ đầu tư (tính theo mức tối thiểu 20%) là 150,16 tỷ đồng. Trong đó:
+ Khu vực I : 97,45 tỷ đồng
+ Khu vực II: 52,71 tỷ đồng
- Đóng góp của nhân dân: 245,61 tỷ đồng. Trong đó:
+ Khu vực I : 219,26 tỷ đồng
+ Khu vực II: 26,36 tỷ đồng
4.2. Dự kiến kế hoạch hàng năm:
- Kế hoạch phát triển GTNT bình quân hàng năm:
+ Số km bình quân một năm: 246,2km. Trong đó: Khu vực I là 165,6km; khu vực II là 80,6km.
+ Nhu cầu vốn đầu tư phát triển bình quân một năm: 125,13 tỷ đồng. Trong đó:
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư bình quân một năm: 59,17 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực I là 28,42 tỷ đồng; khu vực II là 30,75 tỷ đồng.
- Ngân sách huyện, xã hỗ trợ đầu tư bình quân một năm (tính theo mức tối thiểu): 25,03 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực I là 16,24 tỷ đồng; khu vực II là 8,79 tỷ đồng.
- Đóng góp của nhân dân bình quân một năm: 40,94 tỷ đồng. Trong đó: Khu vực I là 36,54tỷ đồng; khu vực II là 4,39 tỷ đồng.
Kế hoạch hàng năm được xây dựng cho giai đoạn 2010-2015 để đưa ra lộ trình phát triển, làm cơ sở cho việc cân đối các nguồn vốn.
4.3. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch chung và kế hoạch hàng năm:
Để khắc phục những tồn tại của giai đoạn 2001-2008 do phát triển theo phong trào, không đồng đều giữa các khu vực, chương trình kiên cố hóa GTNT giai đoạn 2010 - 2015 phải có quy hoạch, kế hoạch cụ thể.
UBND tỉnh xây dựng kế hoạch khung, dự kiến kế hoạch phát triển chung hàng năm của toàn tỉnh, từng huyện. Có danh mục cụ thể các công trình đưa vào chương trình phát triển đến năm 2015 phân theo từng huyện, từng xã (xem phần phụ lục của đề án).
Căn cứ danh mục công trình được đưa vào đề án, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức cho nhân dân xây dựng kế hoạch phát triển từng năm; sau khi lập xong kế hoạch năm gần nhất sẽ cập nhật lại kế hoạch phát triển cho những năm còn lại.
Một số lưu ý khi xây dựng kế hoạch:
Khi xây dựng kế hoạch, cần xem xét đến các yếu tố sau:
+ Không dàn đều, phải có trọng tâm, trọng điểm; theo đó các huyện có khối lượng thực hiện ít có thể hoàn thành sớm mục tiêu đã đề ra.
+ Những địa phương có yêu cầu đặc biệt được ưu tiên phát triển trong giai đoạn đầu như huyện Phú Ninh (xây dựng mô hình nông thôn mới).
+ Không tập trung phát triển quá nóng vào một thời điểm để đảm bảo cơ chế nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ được vận hành có hiệu quả.
+ Kế hoạch hàng năm trong đề án này chỉ là dự kiến, phụ thuộc vào sự hưởng ứng của nhân dân và khả năng huy động các nguồn lực.
4.4. Cơ chế xác định đơn giá hỗ trợ:
a. Đơn giá xây dựng các loại mặt đường bê tông GTNT trên địa bàn tỉnh được xây dựng để:
- Khái toán chi phí đầu tư xây dựng các loại đường, phục vụ công tác xây dựng kế hoạch hàng năm.
- Làm định mức để lập kế hoạch hỗ trợ ngân sách tỉnh hàng năm cho các huyện, thành phố phát triển GTNT trên địa bàn.
- UBND cấp huyện có thể vận dụng để lập và phân bổ kế hoạch ngân sách cấp huyện hỗ trợ cho các địa phương.
b. Đơn giá xây dựng các tuyến đường bao gồm những hạng mục sau:
- Chi phí vật liệu, nhân công và máy móc phục vụ thi công mặt đường.
- Chi phí vật liệu, nhân công và máy móc phục vụ thi công các công trình cống thoát nước có khẩu độ nhỏ, nhân dân có thể tự xây dựng theo thiết kế mẫu.
- Khối lượng để tính đơn giá: Theo bảng tính khối lượng của thiết kế mẫu, vị trí công trình đặt tại thành phố Tam Kỳ (đối với các huyện đồng bằng, miền núi thấp) và đặt tại Khâm Đức huyện Phước Sơn (đối với 6 huyện miền núi cao).
Không tính vào đơn giá các chi phí:
- Chi phí xây dựng các công trình cống có khẩu độ lớn, kỹ thuật thi công phức tạp, nhân dân không thể tự thực hiện theo thiết kế mẫu.
- Các khoản thu nhập chịu thuế, thuế giá trị gia tăng đầu ra, chi phí tư vấn, chi phí quản lý và chi phí khác.
c. Lập và ban hành đơn giá:
Sở Giao thông vận tải là cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm lập, trình UBND tỉnh phê duyệt ban hành đơn giá vào tháng 10 hàng năm hoặc những thời điểm cụ thể khi có biến động lớn về giá thị trường.
5. Giải pháp huy động các nguồn vốn:
5.1. Đóng góp của nhân dân:
Với phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, tuỳ theo điều kiện, mỗi địa phương có các hình thưc huy động khác nhau gồm các loại đóng góp:
- Đóng góp bằng ngày công lao động: Công lao động chiếm gần 30% trong cấu thành đơn giá mặt đường bê tông xi măng. Huy động được ngày công của nhân dân sẽ tạo việc làm lúc nông nhàn, giảm sự đóng góp bằng tiền mặt; do vậy khi triển xây dựng cần chọn đúng thời điểm thích hợp trong năm.
- Đóng góp bằng vật liệu cát, sỏi: Chỉ huy động được ở những địa phương có sẵn nguồn vật liệu tại chỗ. Huy động được nguồn đóng góp này sẽ tận dụng tốt vật liệu địa phương làm giảm giá thành công trình.
- Đóng góp bằng tiền: Đây là giải pháp thay thế trong các trường hợp không thể đóng góp ngày công và vật liệu. Hình thức này có thể áp dụng ở tất các các khu vực nhưng thuận lợi hơn cả là ở những khu vực đô thị, thu nhập người dân khá.
- Huy động các nguồn vốn khác: Vận động bà con xa quê hương, các doanh nghiệp trên địa bàn ...
Sử dụng hình thức đóng góp nào do người dân quyết định nhưng phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, tự nguyện, có miễn giảm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, neo đơn...
Không huy động sức dân quá mức gây ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất, giảm hiệu quả của chương trình.
5.2. Ngân sách huyện, xã:
Giai đoạn 2010 - 2015, vốn hỗ trợ của ngân sách cấp huyện, xã tối thiểu là 20%, do đó UBND các huyện phải xây dựng cơ chế phù hợp để cân đối được nguồn vốn phục vụ phát triển GTNT trên địa bàn. Trong đó ưu tiên các nguồn khai thác quỹ đất để phát triển GTNT.
Để nguồn hỗ trợ của ngân sách huyện, thành phố phù hợp với thực tế tại các địa phương, giai đoạn tiếp theo UBND tỉnh không quy định cụ thể tỷ lệ hỗ trợ của ngân sách huyện, xã cho chương trình mà do UBND các huyện, thành phố ban hành trên cơ sở Nghị quyết của HĐND.
5.3. Ngân sách tỉnh:
Nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh để phát triển GTNT được bố trí có kế hoạch hàng năm, lồng ghép từ các nguồn vốn khác nhau. Các giải pháp tạo nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh gồm:
- Cân đối một phần nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung hàng năm, đồng thời ưu tiên sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước theo Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày 21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường GTNT, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015;
- Bố trí các nguồn vượt thu ngân sách hàng năm, nguồn khai thác quỹ đất, các nguồn thu phát sinh khác để trả nợ vay.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề nghị Trung ương có các cơ chế hỗ trợ thêm cho ngân sách tính.
Trong quá trình thực hiện đề án, tuỳ thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế về ngân sách hàng năm có thể điều chỉnh tăng hoặc giảm mục tiêu của chương trình, đảm bảo cân đối ngân sách, không làm phát sinh các khoản nợ ngoài tầm kiểm soát.
1. Sở Giao thông Vận tải:
Là cơ quan chủ trì, tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, danh mục công trình và kế hoạch đầu tư xây dựng cho từng năm; theo dõi và giải quyết những vấn đề phát sinh, tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ cho UBND tỉnh và gửi các ngành liên quan theo dõi.
Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh đơn giá xây dựng mặt đường GTNT hàng năm làm cơ sở cho việc lập kế hoạch, phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ phát triển GTNT.
Soạn thảo, ban hành sổ tay bê tông hoá GTNT gồm các nội dung:
- Mẫu hỗ sơ Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình gồm: Thuyết minh, dự toán, các biên bản hội họp bàn về kế hoạch, phương án huy động vốn đóng góp của nhân dân, phương án sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ, phương án tổ chức thi công.
- Thiết kế mẫu về mặt đường, cống thoát nước.
- Quy trình thi công, giám sát, kiểm tra và nghiệm thu.
- Biểu mẫu kiểm tra, nghiệm thu.
- Phối hợp với Sở Tài chính ban hành mẫu quyết toán công trình.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Tài Chính tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ nguồn vốn hỗ trợ hàng năm của ngân sách tỉnh cho UBND các huyện, thành phố để thực hiện chương trình kiên cố hóa mặt đường GTNT.
3. Sở Tài Chính:
Cân đối nguồn vốn của tỉnh trong kế hoạch ngân sách hàng năm để phân bổ hỗ trợ cho các địa phương; theo dõi, tổng hợp số liệu cấp phát vốn đầu tư, quyết toán công trình tại các địa phương.
Ban hành các hướng dẫn về thanh toán, quyết toán các nguồn vốn, mẫu biểu hồ sơ quyết toán; phối hợp với Sở Giao thông vận tải đưa các biểu mẫu vào Sổ tay xây dựng kiên cố hoá mặt đường GTNT.
Hướng dẫn UBND các huyện cân đối các nguồn vốn hỗ trợ thuộc ngân sách tỉnh, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các đề nghị của địa phương về vấn đề tài chính.
4. UBND các huyện, thành phố:
Thành lập Ban chỉ đạo phát triển GTNT để triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt được mục tiêu Đề án đề ra.
Xây dựng, trình HĐND cấp huyện thông qua đề án kiên cố hoá giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, thành phố và cơ chế hỗ trợ ngân sách cấp huyện cho các xã, phường, thị trấn.
Xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm trên địa bàn huyện, gửi cho Sở Giao thông vận tảitrước ngày 01 tháng 10 hàng năm để tổng hợp, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh có kế hoạch phân bổ vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh cho địa phương thực hiện.
Hướng dẫn UBND cấp xã trong việc lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình và dự toán theo đúng biểu mẫu hướng dẫn của các ngành chức năng liên quan; phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình. Hướng dẫn UBND cấp xã trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp vật liệu đảm bảo tiến độ, chất lượng, giá cả hợp lý, tiết kiệm chi phí xây dựng công trình.
Theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kiên cố hóa GTNT ở các xã, phường, thị trấn, định kỳ tổng hợp báo cáo cho các Sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính.
5. Phòng Công Thương (hoặc Phòng Quản lý đô thị):
Chủ trì, tham mưu UBND cấp huyện:
- Xây dựng và triển khai đề án phát triển GTNT trên địa bàn;
- Lập kế hoạch, lập danh mục công trình đầu tư hàng năm; lập báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu;
- Hướng dẫn UBND các xã tổ chức thực hiện;
- Tham gia kiểm tra, nghiệm thu công trình tại địa phương.
6. Phòng Kế hoạch - Tài Chính:
Chủ trì, phối hợp với Phòng Công thương tham mưu UBND cấp huyện cân đối, phân bổ, cấp phát nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách tỉnh, ngân sách huyện cho UBND các xã, phường, thị trấn.
Theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý tài chính của UBND cấp xã; thẩm tra quyết toán các nguồn vốn ngân sách.
7. UBND cấp xã:
Làm Chủ đầu tư các công trình kiên cố hoá mặt đường GTNT theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, có trách nhiệm:
- Quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo đúng quy định; chịu trách nhiệm quyết toán các nguồn vốn ngân sách với cơ quan có thẩm quyền.
- Thành lập các Ban Quản lý công trình, Ban Giám sát tại các thôn, khu vực dân cư để triển khai thực hiện các công trình cụ thể; phân công nhiệm vụ, chỉ đạo hoạt động của Ban Quản lý công trình, Ban Giám sát.
Xây dựng đề án, kế hoạch hàng năm tại địa phương, triển khai lấy ý kiến của cộng đồng; tổ chức thực hiện đề án theo kế hoạch được giao.
Lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình.
Quản lý tài chính, tư vấn cho nhân dân trong việc xây dựng kế hoạch, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng phương án huy động nguồn vốn của nhân dân, phương án sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ, phương án tổ chức thi công xây dựng, giám sát chất lượng công trình.
Kiểm tra, giám sát quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công xây dựng, sử dụng các nguồn vốn của các Ban Quản lý công trình.
Định kỳ công khai hoá kế hoạch huy động, tổ chức thực hiện và kết quả đầu tư kiên cố hoá mặt đường GTNT trên địa bàn để nhân dân biết, đồng thời tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia quản lý, giám sát triển khai thực hiện.
8. Ban Quản lý công trình:
Mỗi công trình có một Ban Quản lý công trình (Ban QLCT) do UBND cấp xã thành lập để giúp UBND xã triển khai thực hiện các công trình tại khu vực dân cư. Ban QLCT có nhiệm vụ:
- Xây dựng phương án sử dụng vốn Nhà nước, phương án huy động vốn đóng góp của nhân dân, phương án tổ chức thi công; thông qua cộng đồng, trình UBND cấp xã đưa vào Báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình.
- Quản lý và sử dụng nguồn vốn đóng góp của nhân dân đúng mục đích, hiệu quả.
- Công khai phương án sử dụng các nguồn vốn để cộng đồng biết, thực hiện và giám sát.
- Thực hiện các nội dung do UBND xã uỷ quyền như ký kết các hợp đồng mua bán vật tư, thuê nhân công, thuê thiết bị ...theo phương án sử dụng vốn Nhà nước, lập hoá đơn, chứng từ nộp cho UBND cấp xã.
- Tổ chức thi công, quản lý chất lượng công trình.
9. Ban Giám sát:
Do UBND cấp xã thành lập trên cơ sở giới thiệu của nhân dân, có nhiệm vụ giám sát, tổ chức cho công động giám sát tất cả các khâu trong quá trình chuẩn bị, tổ chức xây dựng công trình.
10. Các Hội, đoàn thể:
Phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, phổ biến chủ trương phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh theo nội dung Đề án được UBND tỉnh phê duyệt và vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện./.
- 1Quyết định 39/2012/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn thuộc 65 xã đạt tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015
- 2Quyết định 2724/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3Quyết định 438/QĐ-UBND năm 2016 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần trong năm 2015
- 4Quyết định 737/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 438/QĐ-UBND năm 2016 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần trong năm 2015
- 2Quyết định 737/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, kỳ 2014-2018
- 1Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 2Quyết định 206/2004/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Phát triển Giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 80/2005/QĐ-TTg về Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông tư 75/2008/TT-BTC hướng dẫn quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách xã, phường, thị trấn do Bộ Tài chính ban hành
- 5Quyết định 13/2009/QĐ-TTg về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 56/2007/QĐ-UBND về Quy định quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- 7Quyết định 19/2001/QĐ-UB về Quy chế quản lý tài chính đối với kiên cố hoá kênh mương và giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- 8Quyết định 2769/QĐ-UBND năm 2008 điều chỉnh định mức bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo chuẩn đường và thiết kế dự toán mẫu tại Quyết định 29/2006/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- 9Quyết định 29/2006/QĐ-UBND sửa đổi Quy chế về quản lý tài chính đối với kiên cố hoá kênh mương và giao thông nông thôn kèm theo Quyết định 19/2001/QĐ-UB do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- 10Quyết định 39/2012/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn thuộc 65 xã đạt tiêu chí về giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2013 - 2015
- 11Quyết định 2724/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề án xây dựng và phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Quyết định 27/2009/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành
- Số hiệu: 27/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/09/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
- Người ký: Đinh Văn Thu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra