Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2669/QĐ-UBND

a Bình, ngày 09 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

n cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 23/2011/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về trình tự lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1350/TTr-SCT ngày 26 tháng 11 năm 2015 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

Phát triển công nghiệp Hòa Bình phải đặt trong mối quan hệ tổng thể và phù hợp với phát triển công nghiệp cả nước, công nghiệp vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp với vai trò là động lực quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; đảm bảo hiệu quả KT-XH và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập.

Phát triển công nghiệp theo vùng, lãnh thổ một cách hợp lý. Hướng các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản lý.

Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp và liên kết hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước và khu vực đầu tư nước ngoài cần tiếp tục đẩy mạnh, tạo sự ổn định, bền vững trong phát triển công nghiệp toàn tỉnh.

Phát triển công nghiệp cần gắn kết hài hòa với hoạt động thương mại-dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và môi trường sinh thái. Kết hợp chặt chẽ phát triển công nghiệp với đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và giải quyết các vấn đề xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

- Giai đoạn từ nay đến năm 2020

+ Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp.

+ Tiếp tục thu hút đầu tư mới và mở rộng các cơ sở công nghiệp trong ngành cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may, sản xuất VLXD, công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp công nghệ cao.

+ Tiếp tục thu hút đầu tư theo hướng chuyển các ngành công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và phát triển bền vững.

+ Khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống, đặc sản địa phương trong mối liên hệ chặt chẽ với ngành Dịch vụ, thương mại và du lịch trên địa bàn.

- Giai đoạn 2021-2025

+ Tiếp tục tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

+ Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại và từng bước chuyên môn hóa cao; chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp hướng đến các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ gắn kết với phát triển các ngành công nghiệp của tỉnh và trong toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

+ Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất một số ngành, sản phẩm công nghiệp theo hướng đảm bảo phát triển sản xuất ổn định, bền vững, xử lý triệt để các vấn đề về môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Tăng trưởng công nghiệp

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 12-15%/năm trong giai đoạn 2016-2020, đạt 9-10%/năm trong giai đoạn 2021-2025;

- Phấn đấu cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh đến năm 2020 đạt khoảng 57,8% và đến năm 2025 đạt khoảng 60% (Trong đó ngành công nghiệp đạt tương ứng là 52% và 53%).

2.2. Cơ cấu ngành công nghiệp

- Năm 2020: Dự kiến cơ cấu ngành công nghiệp khai thác chiếm 0,7%; ngành chế biến thực phẩm, đồ uống chiếm 12,6%; ngành chế biến gỗ, giấy chiếm 4,7%; ngành sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 14,6%; ngành hóa chất, hóa dược chiếm 0,53%; ngành công nghiệp dệt may - da giày chiếm 9,1%; ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại chiếm 26,4%; ngành sản xuất và phân phối điện, ga, nước chiếm 31,3% và ngành công nghiệp khác chiếm 0,12%.

- Năm 2025: Dự kiến cơ cấu ngành công nghiệp khai thác chiếm 0,6%; ngành chế biến thực phẩm, đồ uống chiếm 13,9%; ngành chế biến gỗ, giấy chiếm 4,0%; ngành sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 18,1%; ngành hóa chất, hóa dược chiếm 0,57%; ngành công nghiệp dệt may - da giày chiếm 11,0%; ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại chiếm 31,9%; ngành sản xuất và phân phối điện, ga, nước chiếm 19,7% và ngành công nghiệp khác chiếm 0,1%.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh; chú trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

Tập trung nguồn lực phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, có lợi thế về tài nguyên như: sản xuất VLXD; chế biến nông, lâm sản... có lợi thế về thị trường và lao động như: điện tử; may mặc; lắp ráp cơ khí; sản phẩm bia, rượu, nước giải khát; dược phẩm; ...

Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp từ hình thức gia công, từng bước chuyển sang sản xuất thành phẩm xuất khẩu trực tiếp, nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành và sản phẩm.

Khuyến khích phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp nông thôn; tập trung hỗ trợ các lĩnh vực có thế mạnh gắn với công nghiệp chế biến, sản xuất ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh.

Thu hút các dự án đầu tư công nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các địa bàn nông thôn. Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu.

Lựa chọn ngành, sản phẩm công nghiệp

- Nhóm các ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn

+ Sản phẩm xi măng.

+ Cơ khí, sản xuất kim loại, điện tử.

+ Chế biến thực phẩm (bia, rượu, nước giải khát).

+ Sản phẩm may mặc.

+ Chế biến nông, lâm sản.

- Nhóm các ngành, sản phẩm CN dự kiến phát triển và mở rộng

+ Sản xuất VLXD (xi măng, gạch xây dựng các loại, VLXD không nung,...).

+ Công nghiệp hỗ trợ (ngành chế biến gỗ; cơ khí, cơ khí sửa chữa; ngành dệt may; thức ăn chăn nuôi; năng lượng điện; bao bì các loại...).

- Nhóm ngành, sản phẩm duy trì phát triển và mở rộng hợp lý

+ Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản.

+ Chế biến gỗ (sản phẩm gỗ gia dụng, gỗ ván công nghiệp...).

+ Công nghiệp năng lượng điện.

+ Các ngành tiểu thủ công nghiệp

+ Chế biến nông sản, thực phẩm (chế biến chè; rau quả chế biến; giết mổ gia súc; thức ăn chăn nuôi...).

IV. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHỦ YẾU

1. Nhóm ngành công nghiệp khai thác

Phát triển ngành khai thác và chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu cho các ngành sản xuất VLXD và sản xuất công nghiệp khác trên địa bàn. Tiếp tục khai thác các loại đá vôi, đá ốp lát, đá xây dựng...

Đầu tư ngành khai thác và chế biến khoáng sản với quy mô và công nghệ thích hợp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Chú trọng công tác tìm kiếm, điều tra cơ bản, đánh giá chi tiết, cụ thể chất lượng, trữ lượng các loại khoáng sản như: sắt, đồng, chì, kẽm, than đá... để làm căn cứ xây dựng kế hoạch, đầu tư khai thác và chế biến có hiệu quả.

2. Nhóm ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống

Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống trên cơ sở gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ và vừa đổi mới công nghệ và thiết bị, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn, với các doanh nghiệp trong vùng và cả nước.

Việc phát triển, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo, theo hướng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh để mở rộng thị trường xuất khẩu, gắn kết chặt chẽ lợi ích người chế biến với người sản xuất nguyên liệu.

Tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng đổi mới công nghệ. Mở rộng quy mô sản xuất một số sản phẩm như: đường và sau đường (cồn, CO2, bánh kẹo,...); chế biến thịt gia súc; thức ăn chăn nuôi; chế biến hoa quả;...

3. Nhóm ngành chế biến gỗ, giấy

Khuyến khích phát triển trên cơ sở công nghệ tiên tiến, nâng cao tối đa hiệu suất sử dụng lâm sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến và sản xuất sản phẩm gỗ: sản xuất sơ chế gỗ đầu vào, cung cấp các nguyên phụ liệu cho sản xuất gỗ, giảm nhập khẩu.

Duy trì số lượng nhà máy, các xưởng, cơ sở chế biến gỗ và lâm sản hiện có theo hướng tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, mở rộng quy mô, công suất; đầu tư xây dựng mới một số cơ sở chế biến gỗ có quy mô, ứng dụng công nghệ cao.

Trong tình hình nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ các quy định quốc tế và giá cũng tăng cao, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản tham gia trồng rừng, phát triển vùng nguyên liệu tại địa phương.

4. Nhóm ngành công nghiệp sản xuất VLXD

Phát triển công nghiệp VLXD trên cơ sở sử dụng tài nguyên tiết kiệm và hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển sản xuất VLXD đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh, các khu vực công nghiệp lân cận và thị trường Hà Nội.

Nghiên cứu và khuyến khích phát triển các loại vật liệu mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, từng bước nâng cấp và thay thế công nghệ tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, nâng cao năng lượng sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Tập trung phát triển sản phẩm xi măng, vật liệu xây các loại, đá các loại..., xem đây là hướng đầu tư chính của ngành sản xuất VLXD của tỉnh trong giai đoạn tới. Khuyến khích phát triển một số chủng loại VLXD mới, công nghệ cao phục vụ cho xây dựng đô thị; khu, cụm công nghiệp như gạch không nung, gạch block cốt liệu nhẹ, bê tông nhẹ, bê tông khí trưng áp, vật liệu nội thất...

Quan tâm phát triển một số sản phẩm VLXD giá thành thấp phục vụ phát triển nông thôn và miền núi như vật liệu xây, lợp nhà, VLXD đường giao thông, kênh mương, thủy lợi...

5. Nhóm ngành hóa chất, hóa dược

Chú trọng thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất - dược phẩm. Thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển trên cơ sở công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh.

Sắp xếp và mở rộng các cơ sở sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất. Ưu tiên phát triển sản xuất các sản phẩm dược liệu, thuốc chữa bệnh...

Khuyến khích phát triển các nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa, ốp trần, ốp tường, ống nhựa... bằng vật liệu composite đáp ứng nhu cầu xây dựng công nghiệp và dân dụng.

6. Nhóm ngành công nghiệp dệt may - da giày

Phương hướng phát triển của ngành dệt may - da giày của tỉnh là hướng vào xuất khẩu. Tổ chức sản xuất và nâng cao công nghệ nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và giảm dần tỷ lệ gia công.

Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành dệt may - da giày trong và ngoài nước. Ưu tiên đầu tư từ doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khuyến khích phát triển các dự án sản xuất nguyên, phụ liệu và công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành dệt may - da giày, từng bước tăng tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới giảm dần tình trạng phụ thuộc nguyên, phụ liệu nhập khẩu. Quan tâm việc đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

7. Nhóm ngành cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại

Đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Khuyến khích và huy động nguồn lực của mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành cơ khí phục vụ các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Nâng cao năng lực cơ khí chế tạo, sửa chữa và sản xuất phụ tùng thay thế để phục vụ các ngành kinh tế.

Quan tâm phát triển các mạng lưới dịch vụ sửa chữa cơ khí, điện tử, điện lạnh; gia công lắp đặt các thiết bị cơ khí trên địa bàn các địa phương trong tỉnh, để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn. Khuyến khích phát triển các cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông trên các tuyến đường giao thông.

Tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án sản xuất kim loại và điện tử trên địa bàn, đặc biệt là những dự án lớn. Tạo dựng môi trường thuận lợi để tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất kim loại, cơ khí chế tạo, lắp ráp sản phẩm điện tử, đồ điện gia dụng.

8. Ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện

Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối gắn với định hướng phát triển KT-XH của vùng phụ tải và của từng địa phương, đảm bảo chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.

Từng bước thực hiện đầu tư và cải tạo lưới điện theo quy hoạch. Ưu tiên nguồn điện phục vụ cho sản xuất và cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Phát triển mạng lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng, gắn kết lưới điện của huyện với các huyện/thành phố lân cận, từng bước hiện đại hóa lưới điện, xây dựng lưới điện phù hợp với Quy hoạch xây dựng của huyện và các quy hoạch ngành kinh tế.

Phấn đấu giảm tổn thất điện năng từ 8,3% hiện nay, xuống còn 6,5% năm 2020 và 5,8% vào năm 2025.

(Thực hiện theo “Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035”).

V. ĐỊNH HƯỚNG PHÂN BỐ KHÔNG GIAN CÔNG NGHIỆP

Định hướng chung: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quy hoạch để thu hút mạnh đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy. Hạn chế phát triển công nghiệp ở bên ngoài khu, cụm công nghiệp.

Chú trọng quy hoạch và phát triển cụm công nghiệp ở các huyện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

- Tiểu vùng 1 (Thành phố Hòa Bình, các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn và Bắc Lạc Thủy): Là vùng động lực phát triển KT-XH và công nghiệp của tỉnh có vai trò là đầu tầu kéo theo các vùng khác phát triển.

Phát triển tiểu vùng đô thị - công nghiệp - dịch vụ thành phố Hòa Bình - Kỳ Sơn - Lương Sơn tạo thành trục phát triển của tỉnh gắn với hình thành và phát triển hành lang kinh tế Quốc lộ 6 và đường cao tốc Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình, liên kết với thủ đô Hà Nội. Phấn đấu vùng có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của tỉnh.

Đến nay, vùng đã tích lũy được một số tiềm lực nhất định về kinh tế, cơ sở hạ tầng... và có các công trình công nghiệp có quy mô trên địa bàn. Trên địa bàn vùng cũng đang có các khu công nghiệp như khu công nghiệp Lương Sơn (diện tích 81 ha), khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (77 ha), khu công nghiệp Mông Hóa (235,5 ha)... đã và đang thu hút đầu tư nhiều dự án công nghiệp.

Định hướng trong thời gian tới tiếp tục thu hút đầu tư lấp đầy diện tích các khu, cụm công nghiệp. Khuyến khích thu hút các dự án đầu tư công nghiệp có trình độ công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường trong các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất kim loại, điện tử... thu hút các dự án thu hút lao động hợp lý như dệt may, da giày; chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; sản xuất VLXD; chế biến gỗ; công nghiệp hỗ trợ...

Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển các ngành công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp truyền thống của địa phương theo hướng tiếp tục xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

- Tiểu vùng 2 (gồm các huyện Kim Bôi, Nam Lạc Thủy, Yên Thủy và Lạc Sơn): Đây là khu vực phía Đông và phía Nam của tỉnh. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Lạc Thịnh (huyện Yên Thủy). Tập trung xây dựng và thu hút đầu tư công nghiệp vào các cụm công nghiệp dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; các ngành nghề nông thôn và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống kết hợp với phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Ngoài ra, Vùng cũng được định hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, hình thành các trung tâm thương mại vùng, các thị trấn, thị tứ làm động lực phát triển cho từng khu vực.

- Tiểu vùng 3 (gồm các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc và Cao Phong): Là khu vực hiện có sức thu hút đầu tư còn thấp do hạ tầng còn kém phát triển, tuy nhiên vẫn có những tiềm năng và sức hút nhất định trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp.

Định hướng công nghiệp vùng trong thời gian tới tiếp tục phát triển gắn với nông, lâm nghiệp và cây công nghiệp tập trung như: mía, cam, chè... trồng rừng, kết hợp với khai thác thủy sản, vận tải thủy và các ngành nghề truyền thống.

Song song với việc phát triển các ngành công nghiệp như chế biến nông sản, thực phẩm; sản xuất VLXD; điện tử; may mặc; lắp ráp, cơ khí sửa chữa; khai thác và chế biến khoáng sản... cần tiếp tục chú ý phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp ở các thị trấn và khu vực nông thôn nhằm thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thu hút lao động và giải quyết việc làm cho nhân dân và sản xuất hàng hóa xuất khẩu.

VI. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KCCN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

1. Quan điểm phát triển khu, cụm công nghiệp

Theo NQ số 09-NQ/TƯ ngày 26/5/2014 của Tỉnh ủy Hòa Bình về đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2014-2020, trong đó các quan điểm phát triển đã được xây dựng như sau:

Phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh phải đặt trong tổng thể mục tiêu, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả KT-XH, môi trường là mục tiêu cao nhất.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp với nhiều hình thức đầu tư; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, bao gồm cả đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp.

Phát triển các khu, cụm công nghiệp phải đi liền với đổi mới, hoàn thiện các biện pháp quản lý; gắn liền với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh, chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

2. Quy hoạch phát triển khu công nghiệp

2.1. Phương hướng phát triển

Tập trung đầu tư và hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật chủ yếu cho các khu công nghiệp đang hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thu hút các dự án phát triển công nghiệp.

Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các khu công nghiệp có khả năng cao hơn trong việc thu hút các dự án đầu tư. Quan tâm đầu tư kết nối khu công nghiệp với các công trình bên ngoài hàng rào có liên quan.

Phấn đấu 30% các khu công nghiệp có khu nhà ở cho công nhân và người lao động trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

2.2. Quy hoạch và mục tiêu phát triển

- Giai đoạn từ nay đến năm 2020

Có 05 khu công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Các khu công nghiệp còn lại có chủ đầu tư hạ tầng đang triển khai đầu tư. Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt trên 60%.

Hai khu công nghiệp Lương Sơn (huyện Lương Sơn) và Bờ trái sông Đà (TP. Hòa Bình) đạt tỷ lệ lấp đầy 100%.

Các khu công nghiệp Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn), Yên Quang (huyện Kỳ Sơn), Nam Lương Sơn (huyện Lương Sơn) và Lạc Thịnh (huyện Yên Thủy) đạt tỷ lệ lấp đầy 50% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê.

- Giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thu hút lấp đầy diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước. Chú trọng công tác đầu tư xử lý chất thải, nước thải, phát sinh trong quá trình sản xuất tại khu công nghiệp.

Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp đã quy hoạch và phấn đấu thu hút đầu tư và phát triển sản xuất từ doanh nghiệp nhằm nâng cao tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp.

3. Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp

3.1. Phương hướng phát triển

Đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương có nhiều lợi thế và gắn việc phát triển với việc liên kết các ngành kinh tế khác trong phát triển.

Phân bố hợp lý các cụm công nghiệp, đảm bảo phát triển với ổn định đời sống xã hội và dân cư, đồng thời tạo động lực, từng bước thúc đẩy quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn tại Hòa Bình, góp phần giảm bớt mức chênh lệch kinh tế giữa các vùng, khu vực và góp phần tăng trưởng kinh tế và công nghiệp toàn tỉnh.

Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư để thúc đẩy phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp.

3.2. Quy hoạch và mục tiêu phát triển

Theo Quy hoạch sử dụng đất và phân bổ quỹ đất cho phát triển cụm công nghiệp của tỉnh Hòa Bình được xác định tại Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ, theo đó thì diện tích đất dành cho phát triển cụm công nghiệp của tỉnh đến năm 2020 được xác định là 813 ha.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hồ sơ báo cáo rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (Công văn số 2167/VPCP-KTN ngày 31 tháng 3 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ).

Với mục tiêu khai thác hiệu quả các nguồn lực về tài nguyên, lao động, vốn... cũng như phân bổ và sắp xếp lại lực lượng sản xuất trên từng địa bàn. Định hướng quy hoạch các cụm công nghiệp từ nay đến năm 2020 như sau:

- Không thành lập và đầu tư phát triển cụm công nghiệp Cao Thắng (huyện Lương Sơn), diện tích 30,3 ha, do vị trí của cụm công nghiệp nằm trong khu vực không thuận lợi (nằm trong hành lang lưới điện cao áp) và đang trong khu vực điều chỉnh chung đô thị Chợ Bến (huyện Lương Sơn).

- Điều chỉnh không phát triển cụm công nghiệp Yên Lạc, diện tích 18 ha (huyện Yên Thủy) và bổ sung, thay thế bằng cụm công nghiệp thị trấn Hàng Trạm (huyện Yên Thủy) với diện tích 18 ha. Vị trí của cụm công nghiệp này giáp với khu công nghiệp Lạc Thịnh.

- Quy hoạch bổ sung cụm công nghiệp Xăm Khòe (huyện Mai Châu) diện tích 25 ha, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của huyện và doanh nghiệp.

- Quy hoạch bổ sung cụm công nghiệp Chăm Mát - Dân Chủ (TP. Hòa Bình) với diện tích 15 ha. Vị trí nằm ven Quốc lộ 6 mới, thuộc phường Chăm Mát và xã Dân Chủ (TP. Hòa Bình).

- Quy hoạch bổ sung cụm công nghiệp Yên Mông với diện tích 42 ha, thuộc xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình.

Trên cơ sở đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Hòa Bình sẽ quy hoạch và phát triển 21 cụm công nghiệp với tổng diện tích 663,4 ha. Bao gồm tại Lạc Thủy (05 cụm công nghiệp); Mai Châu (03 cụm công nghiệp); Lương Sơn (03 cụm công nghiệp); TP. Hòa Bình và các huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, mỗi huyện 02 cụm công nghiệp và các huyện Đà Bắc, Yên Thủy, Kỳ Sơn, Cao Phong mỗi huyện 01 cụm công nghiệp.

Cụ thể danh mục các cụm công nghiệp được quy hoạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020 như sau:

- Giai đoạn từ nay đến năm 2020

Phấn đấu đến năm 2020, có 06 cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật.

Phấn đấu nâng tỷ lệ lấp đầy đạt 60% diện tích của 06 cụm công nghiệp đã được triển khai đầu tư đồng bộ hạ tầng. Bao gồm:

+ 100% diện tích cụm công nghiệp Chiềng Châu (huyện Mai Châu); cụm công nghiệp Đông Lai - Thanh Hối (huyện Tân Lạc); cụm công nghiệp Phú Thành II (huyện Lạc Thủy).

+ 20% đối với các cụm công nghiệp Hòa Sơn (huyện Lương Sơn); cụm công nghiệp Đồng Tâm (huyện Lạc Thủy) và cụm công nghiệp Khoang U (huyện Lạc Sơn).

Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư các cụm công nghiệp còn lại.

- Giai đoạn 2021-2025

Tiếp tục thu hút đầu tư và doanh nghiệp phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch đã được duyệt.

VII. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TTCN VÀ NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN

1. Phương hướng và mục tiêu phát triển

Củng cố và phát triển các làng nghề và ngành nghề nông thôn hiện có, phát triển các ngành nghề mới và đặt trong mối liên kết, hợp tác giữa các ngành công nghiệp, các thành phần kinh tế, các hộ kinh tế để giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Khuyến khích liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ thành cụm, nhóm cơ sở để tăng khả năng huy động vốn, đầu tư phát triển và hình thành mạng lưới vệ tinh cho các ngành công nghiệp của tỉnh.

Tạo được sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động khu vực nông thôn, hạn chế sự mất cân đối về lực lượng lao động, về phân bố lực lượng sản xuất trên địa bàn, giảm bớt sự chênh lệch trong thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, giữa các địa phương trong tỉnh.

Đầu tư cho tiểu thủ công nghiệp nhằm phục vụ các hoạt động du lịch và các điểm du lịch. Khôi phục một số ngành nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, mây tre đan, chế biến chè, đường mật, làm đồ mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng, rượu cần... hoặc các đồ lưu niệm mang đặc trưng của Hòa Bình như: búp bê dân tộc, mô hình nhà sàn, nhạc cụ dân tộc...

Phấn đấu đến năm 2020 có từ 80 - 85% và đến năm 2030 có 100% các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, sản xuất VLXD, các cơ sở chế biến nguyên vật liệu phục vụ ngành nghề nông thôn, các công đoạn phụ trợ trong ngành nghề nông thôn, ngành nghề truyền thống... được cơ giới hóa.

2. Định hướng phát triển

Giai đoạn từ nay đến năm 2020: Tập trung phát triển các nhóm ngành: (1) chế biến nông, lâm sản, thủy sản; (2) sản xuất VLXD; (3) Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; (4) Xây dựng, vận tải ...

Giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2030: Tập trung phát triển các nhóm ngành: (1) chế biến nông, lâm sản, thủy sản (chủ yếu chế biến tinh); (2) Phát triển ngành nghề cơ khí phục vụ nông nghiệp; (3) Phát triển các làng nghề gắn với du lịch cộng đồng và (4) Phát triển ngành nghề, dịch vụ.

VIII. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

Trong giai đoạn 2016 - 2020, dự báo nhu cầu vốn đầu tư phát triển khoảng 10.800 - 12.500 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 16.100 - 18.200 tỷ đồng.

(Danh mục các dự án đầu tư công nghiệp chủ yếu kèm theo)

IX. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Công bố điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Làm đầu mối chủ trì triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch trên cơ sở phối hợp với các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh. Chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Hòa Bình cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch nếu có những vướng mắc, khó khăn, Sở Công Thương chủ trì phối hợp cùng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tham mưu báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết.

2. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các công việc liên quan đến quy hoạch ngành công nghiệp thuộc trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời phối hợp với Sở Công Thương để xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất của Sở Công Thương.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm

Trên cơ sở các định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp trong quy hoạch này tiến hành cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn.

Đưa các nội dung triển khai quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm của từng địa phương.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Ban quản lý các khu công nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Thường trực TU;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Kho bạc NN Hòa Bình;
- VP/UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Lưu VT, CNXD (M.40b)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Khánh

 

TỔNG HỢP MỘT SỐ DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG NGHIỆP CHỦ YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN ĐẾN 2025

(Kèm theo Quyết định số 2669/QĐ-UBND ngày 09/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Công suất

VĐT
(tỷ đồng)

Công suất

VĐT
(tỷ đồng)

Ghi chú

 

 

 

GĐ Đến 2020

GĐ 2021-2025

 

 

CN Chế biến nông, thủy hải sản và TP

 

 

354.6

 

0

 

1

Nhà máy bia Tiệp

KCN Lạc Thịnh

 

 

190 triệu lít/năm

 

DA đang thực hiện

2

Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Hòa Bình (Cty CP Japfa Comfeed Việt Nam)

 

300.000 tấn/năm

 

400.000-500.000 tấn/năm

 

DA đã đầu tư

3

Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng mộc gia dụng cao cấp

các khu CN

 

 

 

 

DA bổ sung

4

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (Cty TNHH Tongwei Hòa Bình)

KCN Lương Sơn

200.000 tấn/năm

210

 

 

DA đang đầu tư

5

Cơ sở sơ chế, chế biến rau an toàn

huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn, Tân Lạc...).

1.500 tấn/năm

 

 

 

DA thu hút đầu tư

6

Xây dựng nhà máy chế biến cây ăn quả

 

 

 

 

 

DA thu hút đầu tư

7

Xây dựng 12 cơ sở giết mổ tập trung có quy mô vừa

 

 

19.6

 

 

DA bổ  sung

8

Nhà máy giết mổ và chế biến thịt gia súc, gia cầm

các khu CN

 

125

 

 

DA bổ sung

9

Cơ sở chế biến thịt (sản phẩm thịt đông lạnh, thịt chế biến sẵn, xúc xích, giăm bông...)

Tp Hòa Bình hoặc huyện Lương Sơn

 

 

1.000 tấn/năm

 

DA bổ sung

 

CN Chế biến Gỗ Giấy

 

 

0

 

55

 

 

1

Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, hàng mộc gia dụng cao cấp

các cụm CN

 

 

3.000-5.000 sản phẩm/năm

35

DA thu hút đầu tư

2

Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu

các cụm CN

 

 

1.500 tấn/năm

20

DA thu hút đầu tư

3

Nhà máy bao bì, bìa caton

các cụm CN

 

 

15-20 triệu sản phẩm/năm

 

DA thu hút đầu tư

 

CN SX Vật liệu xây dựng

 

 

75

 

0

 

1

Đầu tư và mở rộng nâng công suất Nhà máy xi măng Trung Sơn

huyện Lương Sơn

5,5 triệu tấn/năm

 

 

 

DA bổ sung

2

Nhà máy SX gạch tuynel Lương Sơn

huyện Lương Sơn

45 triệu viên/năm

60

 

 

DA đã thực hiện

3

Nhà máy SX gạch tuynel Phong Phú

huyện Tân Lạc

9 triệu viên/năm

15

 

 

DA đã thực hiện

4

Nhà máy sản xuất vữa khô trộn sẵn tại

các khu CN

 

 

200.000 tấn/năm

 

DA bổ sung

 

CN Hóa chất

 

 

860

 

0

 

1

Nhà máy SX sản phẩm nhựa cao cấp

các khu, cụm công nghiệp

 

430

 

 

DA thu hút đầu tư

2

Nhà máy bao bì tráng ni lông

các khu, cụm công nghiệp

15 triệu SP/năm

430

 

 

DA thu hút đầu tư

 

CN Dệt may - da giày

 

 

755

 

430

 

1

Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu GGS (Cty Global Garment Sourcing Co.LTD)

KCN Bờ trái sông Đà

900.000 SP/năm

 

 

 

DA đã đầu tư

2

Nhà máy SX hàng may mặc xuất khẩu ESQUEL VN-Hòa Bình (giai đoạn II)

Khu CN Lương Sơn

 

 

11,5 tr.SP may mặc dệt thoi - dệt kim/n

 

DA đã đầu tư

3

Nhà máy sản xuất hàng dệt kim XK (Cty CP may Hòa Bình)

KCN Bờ trái sông Đà

8 triệu SP /năm

25

 

 

DA đã đầu tư

4

Dự án sản xuất sợi cho ngành dệt (Sợi xơ dài, Sợi hóa học)

các khu CN

5.500 tấn/năm

700

 

 

DA thu hút đầu tư

5

Nhà máy sản xuất vali, túi sách, cặp nhựa...

Các khu CN

1 triệu SP/năm

30

 

 

DA thu hút đầu tư

6

Cơ sở gia công các mặt hàng giày thể thao cao cấp, liên doanh với các hãng nổi tiếng (Nike, Reebok hoặc Tacyoung)

Các khu CN

 

 

 

430

DA thu hút đầu tư

 

CN Chế tạo máy

 

 

2,765

 

 

 

1

Nhà máy sản xuất sản phẩm camera dùng cho điện thoại di động (Cty TNHH HNT Vina)

KCN Lương Sơn

120 triệu SP/năm

430

 

 

DA đã đầu tư

2

Nhà máy sản xuất các bộ phận của máy móc thiết bị vận tải (Cty TNHH Nissin Manufacturing Việt Nam)

KCN Lương Sơn

 

1600

23 triệu SP/năm

 

DA đã đầu tư

3

Nhà máy sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử và di động (Cty TNHH DoosungTech VN)

KCN Lương Sơn

48 Tr.SP/n 450 tấn SP/n

270

 

 

DA đã đầu tư

4

Xưởng sửa chữa và bảo dưỡng ô tô, máy thiết bị công trình .....

các khu CN

 

15-20

 

 

DA thu hút đầu tư

5

Cơ sở sản xuất và gia công cơ khí dân dụng và công nghiệp

các khu CN

500 tấn SP/năm

15-20

 

 

DA thu  hút đầu tư

6

Nhà máy lắp ráp, sửa chữa ô tô và máy công cụ

các khu CN

 

430

 

 

DA thu hút đầu tư

7

Xí nghiệp cơ khí đóng tàu, thuyền

huyện Kỳ Sơn

100 chiếc/năm

 

 

 

DA thu hút đầu tư

 

TỔNG

 

 

4,809.6

 

485.0

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2669/QĐ-UBND năm 2015 về phê duyệt điều chỉnh hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do tỉnh Hòa Bình ban hành

  • Số hiệu: 2669/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/12/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/12/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản