Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 264/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI VỀ KHÁCH NƯỚC NGOÀI QUÁ CẢNH TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;

- Căn cứ Nghị định số 83/CP ngày 10/6/1961 của Hội đồng Chánh phủ về việc người nước ngoài xin nhập, xuất và quá cảnh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

- Căn cứ Nghị định số 286/TTg ngày 31/7/1959 của Thủ tướng Chánh phủ về đăng ký người ngoại quốc;

- Căn cứ công văn số 4173/VLS-XNC ngày 22/12/1980 của Bộ Ngoại giao hướng dẫn về việc áp dụng thống nhất các dấu thị thực;

- Xét tình hình thực tế về khách nước ngoài quá cảnh thành phố trong thời gian qua, để bảo đảm an ninh chánh trị và trật tự an toàn thành phố, bảo vệ chủ quyền quốc gia;

- Theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Ngoại vụ, Công an thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành, kèm theo quyết định này, bản Quy chế tạm thời về thể lệ quá cảnh của khách nước ngoài tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.- Bản Quy chế này chỉ áp dụng đối với các đối tượng là khách nước ngoài quá cảnh; các đối tượng khách nước ngoài khác phải tuân theo các quy định thể lệ hiện hành về xuất, nhập, quá cảnh của Chánh phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực kể tử ngày được ban hành, những biện pháp được áp dụng trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 4.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 

QUY CHẾ TẠM THỜI

VỀ THỂ LỆ QUÁ CẢNH CỦA KHÁCH NƯỚC NGOÀI TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo quyết định số 264/QĐ-UB ngày 14 tháng 11 năm 1981 của UBND thành phố Hồ Chí Minh)

Chương I

ĐỐI TƯỢNG QUÁ CẢNH

Điều 1.- Những người nước ngoài (mang hộ chiếu không phải là hộ chiếu do nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp, thị thực trong hộ chiếu là thị thực quá cảnh hoặc nhập xuất cảnh do Sứ quán ta ở nước ngoài cấp) hoặc tàu, thuyền, máy bay mang quốc tịch nước ngoài từ một nước thứ nhất xin vào Việt Nam (nước thứ hai) đến thành phố Hồ Chí Minh trong một thời gian có hạn định, không nhằm mục đích hoạt động gì mà chỉ chờ chuyến bay để đi đến một nước thứ ba, các đối tượng này thuộc diện quá cảnh.

Điều 2.- Không được xem là những đối tượng quá cảnh trong các trường hợp sau đây:

- Thương nhân, khách nước ngoài vào thành phố ký kết hợp đồng mua bán do thành phố Hồ Chí Minh mời vào.

- Đoàn thủy thủ các tàu nước ngoài đến cảng Sài Gòn, đoàn lái máy bay của các máy bay Cargo (chở hàng viện trợ, sửa chữa máy bay được phép nhập vào thành phố để chờ chuyến bay đi về nước.

- Tàu thuyền, máy bay đến Cảng hoặc sân bay thành phố chở hàng viện trợ cho Việt Nam hoặc cho bạn Campuchia, và hàng được bốc xếp ở cảng hoặc sân bay của thành phố, sau đó lại đi tiếp đến nước thứ ba.

- Cán bộ nhân viên các tổ chức quốc tế, tổ chức tôn giáo, du lịch, phóng viên nhà báo được nhập vào Việt Nam (thành phố) để tham quan hoạt động… rồi sau đó đi đến nước khác.

- Cán bộ nhân viên các Đại sứ quán đóng tại Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị về nước hoặc đến một nước khác.

Điều 3.- Đối với các đối tượng khách nước ngoài cần tranh thủ, dù ta tổ chức cho họ tiếp xúc, chụp ảnh, quay phim, hoạt động trong thành phố… nhưng thực chất là khách quá cảnh thì vẫn phải chịu quy chế khách quá cảnh của thành phố.

Chương 2

THỦ TỤC QUÁ CẢNH

Mục 1. Việc kiểm soát tại sân bay.

Điều 4.- Mọi chuyến bay khi có người nước ngoài đến thành phố và tàu nước ngoài đến cảng, lực lượng Công an cửa khẩu có trách nhiệm kiểm tra hộ chiếu, nắm danh sách người nước ngoài quá cảnh. Trường hợp không có thị thực nhập, quá cảnh hợp lệ cần liên hệ với Sở Ngoại vụ để giải quyết về mặt thủ tục.

Điều 5.- Sân bay Tân Sơn Nhất phải bố trí một phòng (Transit) dành riêng cho khách quá cảnh. Phòng này phải được cách ly. Cấm người Việt Nam không có trách nhiệm vào phòng này và không được tiếp xúc quan hệ với khách.

Điều 6.- Nếu khách có mang hành lý, vật dụng cồng kềnh sẽ được gửi vào kho hành lý dành riêng cho khách quá cảnh ở tại sân bay trong thời gian lưu lại thành phố để chờ chuyến bay tới.

Mục 2. Việc trú ngụ, đi lại tại thành phố.

Điều 7.- Bộ phận nhập cảnh (Công an cửa khẩu) của sân bay, cảng có trách nhiệm liên hệ với Hàng không Việt Nam hoặc Công ty Du lịch thành phố đến nhận khách quá cảnh và đưa khách về tạm trú tại khách sạn Tân Bình.

Điều 8.- Giá cước chuyên chở khách sẽ do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định. Công ty Du lịch bàn bạc với Hàng không Việt Nam để xác định giá chuyên chở thích đáng đối với người nước ngoài trình Thường trực Ủy ban duyệt.

Điều 9.- Khách sạn Tân Bình được Công ty Du lịch thành phố dành riêng cho khách nước ngoài quá cảnh tại thành phố. Công ty Du lịch có trách nhiệm sửa chữa, trang thiết bị lại cho hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất, để có thể đáp ứng kịp thời chỗ ăn ở của khách quá cảnh.

Điều 10.- Đối với khách đặc biệt vì yêu cầu tranh thủ cần đưa vào một khách sạn khác trong thành phố, đều phải được phép của Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Ngoại vụ xem xét báo cáo Thường trực Ủy ban), và đương sự cũng phải chịu sự quản lý theo quy định người nước ngoài là khách quá cảnh.

Điều 11.- Đối với khách Campuchia quá cảnh thành phố để đi đến một nước thứ ba, có thể bố trí cho ở khách sạn Tân Bình hoặc một khách sạn khác trong thành phố, sau khi tham khảo ý kiến của Sở Ngoại vụ. Mọi chi phí do hãng Hàng không chuyên chở khách đài thọ.

Điều 12.- Trong thời gian chờ đợi chuyến bay, nêu khách có yêu cầu, Công ty Du lịch thành phố có trách nhiệm tổ chức cho khách được đi tham quan một số nơi đã quy định sau khi tham khảo ý kiến Sở Ngoại vụ, Sở Công an và được sự chấp thuận của hai sở này… Khách quá cảnh phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành các luật lệ và quy định của nước ta.

Mục 3. Việc cấp thị thực và đăng ký lưu trú.

Điều 13.- Trong thời gian 48 giờ, sau khi đến thành phố khách quá cảnh cần được truy cấp thị thực quá cảnh phải đến cơ quan ngoại giao (Sở Ngoại vụ) để làm thủ tục. Hồ sơ xin cấp thị thực gồm có:

- Một công hàm (nếu có cơ quan đại diện) hoặc một đơn xin cấp thị thực.

- Hộ chiếu đã được nước sở tại cho xuất cảnh.

- Ba bản khai (theo mẫu in sẵn của ta).

- Ba tấm ảnh 4x6.

Ngoài ra đương sự còn phải nộp tiền thủ tục phí xuất, nhập cảnh theo Thông tư số 1048/LB của Liên Bộ Ngoại giao - Công an - Tài chánh ngày 20 tháng 7 năm 1960.

Điều 14.- Không cấp thị thực quá cảnh cho người Việt Nam.

Điều 15.- Được miễn làm thủ tục quá cảnh trong những trường hợp sau:

- Lưu lại sân bay không quá 24 giờ hay lưu lại tại cảng không quá 48 giờ.

- Trường hợp bị ốm nặng được cơ quan y tế tại sân bay chứng nhận là cần phải điều trị khẩn cấp hoặc vì lý do kỹ thuật của phương tiện giao thông mà thời gian quy định khởi hành bị trở ngại, được chỉ huy sân bay bến cảng chứng nhận thì chỉ có thể được cơ quan công an cho phép đưa vào bệnh viện điều trị, tạm trú tại khách sạn đã quy định.

Điều 16.- Trường hợp khách đi Campuchia có thị thực nhập, quá cảnh thành phố, nhưng chưa có thị thực nhập cảnh của Campuchia thì Sở Ngoại vụ có trách nhiệm liên hệ với Tổng lãnh sự Campuchia ở thành phố để cơ quan này xét cho nhập cảnh.

Sau khi Tổng lãnh sự Campuchia đồng ý cấp thị thực nhập cảnh, Sở Ngoại vụ mới gia hạn hoặc truy cấp thị thực nhập, quá cảnh và giải quyết cho khách đi Campuchia.

Điều 17.- Trường hợp phía Campuchia từ chối cấp thị thực nhập cảnh cho khách, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thông báo cho khách biết và định ngày cho khách rời khỏi thành phố.

Điều 18.- Người nước ngoài nào dùng hoặc làm thị thực giả mạo, dùng thị thực của người khác, tự ý sửa đổi những điều ghi trong thị thực sẽ bị truy tố trước pháp luật (theo điều 7 của Nghị định 390/TTg ngày 27 tháng 10 năm 1959 về việc cấp thị thực trong hộ chiếu).

Điều 19.- Sở Ngoại vụ (Phòng Lễ tân) đăng ký khách quá cảnh có thân phận ngoại giao và tất cả những người nước ngoài khác được Chánh phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối xử như có thân phận ngoại giao. Thể lệ đăng ký những khách này căn cứ trên tinh thần Thông tư số 450/NG ngày 30 tháng 11 năm 1959 của Bộ Ngoại giao về việc đăng ký người ngoại quốc tại Bộ Ngoại giao.

Điều 20.- Công an thành phố (Phòng công tác người nước ngoài) đăng ký khách quá cảnh và tất cả những thành phần khác không thuộc diện nêu trong Điều 19 trên, theo tinh thần Nghị định số 506/ND ngày 6 tháng 8 năm 1959 của Bộ Công an ban hành thể lệ đăng ký cư trú của ngoại kiều và công văn số 1202/VLOP3 ngày 17/8/1959 của Bộ Công an giải thích việc đăng ký cư trú của người ngoại quốc.

Điều 21.- Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thông báo cho Phòng công tác người nước ngoài Công an thành phố biết danh sách những khách quá cảnh đã được đăng ký ở tại Sở Ngoại vụ. Việc quản lý về mặt an ninh thuộc chức năng của Sở Công an thành phố.

Điều 22.- Sở Ngoại vụ có trách nhiệm thông báo với các Công ty Hàng không nước ngoài tại thành phố và các cơ quan có quan hệ với nước ngoài của thành phố và của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố về những quy định của Nhà nước ta về thủ tục nhập, quá cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam, tránh tình trạng chở khách vào Việt Nam khi chưa có đầy đủ thủ tục.

Cơ quan hàng không nào vi phạm trong việc chở người nước ngoài vào thành phố không có thị thực nhập cảnh sẽ bị phạt theo luật lệ hiện hành.

Chương 3

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23.- Tất cả những người nước ngoài thuộc diện khách quá cảnh tại thành phố Hồ Chí Minh đều phải thi hành đầy đủ những điều quy định trong bản Quy chế này.

Điều 24.- Bản Quy chế này được tạm thời áp dụng cho đến khi Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ có quy định mới về khách nước ngoài quá cảnh vào thành phố Hồ Chí Minh.-

ỦY BAN NHÂN DÂN TP HỒ CHÍ MINH