Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2630/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP KHU BẢO TỒN BIỂN BẠCH LONG VĨ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật thủy sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 57/2008/NĐ-CP ngày 02 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý các khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế;

Căn cứ Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc hướng dẫn chi tiết một số điều Luật đa dạng sinh học;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, gồm những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên gọi: Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, tên tiếng Anh "Bach Long Vi National Marine protected areas".

- Loại hình bảo tồn: Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh.

- Đối tượng bảo tồn: Hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rong - cỏ biển, bãi giống, bãi đẻ và các loài thủy sinh vật sinh sống trong khu vực.

2. Phạm vi, tọa độ khu bảo tồn

Phạm vi khu bảo tồn là vùng đất liền trên đảo và ven bờ biển có ranh giới bên ngoài xác định theo đường nối các điểm lồi của đường đẳng sâu 30m.

Tọa độ địa lý (Phụ lục I)

- Kinh độ: 107º42'20" đến 107º44'15"

- Vĩ độ: 20º07'35" đến 20º08'36"

3. Tổ chức: Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ được tổ chức quản lý theo quy định tại Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020.

4. Mục tiêu và nhiệm vụ

- Bảo tồn và phát triển bền vững các loài động, thực vật sống và phát triển trong khu bảo tồn, các loài động vật thủy sinh hoang dã, các loài đặc hữu và quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đặc biệt là các loài: Bào ngư (Haliotis diversicolor), Ốc đụn cái (Trochus maculatus), Ốc đụn đực (T.pyramis), Ốc hương (Nerita albicilla), Ốc xà cừ (Turbo marmoratus), Ốc sứ trắng nhỏ (Ovula costellata), Trai ngọc (Pinctada martensii), Trai ngọc nữ (Pteria pinguin), Vẹm xanh (Mytilus edulis), Vọp tím (Asaphis dichotoma), Sút (Anomalocardia squamosa), Mực thước (Loligo formosana), Mực nang vân hổ (Sepia tigris), Tôm hùm đỏ (Panulirus longipes), Tôm hùm bông (Ρ.ornatus), Sam đuôi tam giác (Tachypleus tridentatus), Hải sâm trắng (Holothuria scabra), Cá mú (Cephalopholis miniatus), Cá song (Epinephelus towvina), Cá ngừ chấm (Euthynuus offinis), Rong đông (Hypnea panosa), Rong guột chùm (Caulerpa racemosa).

- Góp phần tăng cường công tác bảo vệ quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

- Phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế; xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái trong và xung quanh khu bảo tồn.

- Duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học biển, bao gồm hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rong - cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều và hệ sinh thái rừng.

- Phát huy vai trò bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên trên đảo, môi trường gắn liền với bảo vệ và phát triển văn hóa truyền thống dân tộc, các di tích lịch sử, giá trị nhân văn, góp phần ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân các vùng xung quanh khu bảo tồn.

- Cải thiện cơ sở hạ tầng khu bảo tồn và vùng phụ cận nhằm không ngừng cải thiện điều kiện sinh sống của ngư dân trên và ven đảo. Nâng cao nhận thức của cộng đồng về các giá trị của khu bảo tồn, hệ sinh thái và các phương pháp sử dụng bền vững tài nguyên thủy sinh.

5. Quy mô diện tích và các phân khu chức năng

Tổng diện tích khu bảo tồn là 27.008,93 ha (Phụ lục II); trong đó:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 2.570,15 ha;

- Phân khu phục hồi sinh thái: 4.599,96 ha;

- Phân khu phát triển: 6.887,44 ha;

- Vùng biển phía ngoài khu bảo tồn: 9.673,55 ha;

- Vành đai bảo vệ: 3.277,84 ha.

6. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của khu bảo tồn

a) Các cơ sở hạ tầng thiết yếu:

- Hoàn thiện khu hành chính cho khu bảo tồn, bao gồm: Xây dựng nhà làm việc và các công trình phụ trợ cho Ban quản lý khu bảo tồn, nhà bảo tàng, bến đậu tàu thuyền, đường giao thông, nạo vét bến đậu tàu thuyền.

- Cắm mốc, đặt phao, biển báo các phân khu chức năng, xây dựng các trạm bảo vệ, lựa chọn địa điểm để xây dựng khu cứu hộ động vật thủy sinh hoang dã, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, loài di cư quốc tế.

- Trang bị các trang thiết bị cho hoạt động kiểm tra, giám sát và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên cho lực lượng chuyên môn. Tăng cường năng lực quản lý để đáp ứng mục tiêu phục hồi sinh thái, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sinh và tài nguyên biển đảo.

b) Kinh phí đầu tư xây dựng khu bảo tồn biển:

Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện trên cơ sở rà soát quy mô các dự án và phân kỳ đầu tư phù hợp với khả năng bố trí vốn, tránh dàn trải, lãng phí.

Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, sẽ được xem xét bố trí trên cơ sở khả năng cân đối của ngân sách trung ương.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng: Thiết lập và xây dựng cơ sở hạ tầng của khu bảo tồn; đầu tư các trang thiết bị để vận hành và đưa vào hoạt động khu bảo tồn; thành lập Ban quản lý, bố trí nhân sự quản lý và tổ chức quản lý khu bảo tồn theo quy định.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến cộng đồng ngư dân sinh sống bên trong và xung quanh khu bảo tồn; xây dựng mô hình quản lý với sự tham gia của cộng đồng các địa phương bảo đảm phát triển bền vững của khu bảo tồn.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn hàng năm theo quy định để hỗ trợ thực hiện khu bảo tồn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tư pháp, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- UBND thành phố Hải Phòng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KGVX, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2630/QĐ-TTg năm 2013 thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2630/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 109 đến số 110
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản