Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2625/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT, XỬ LÝ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI BẮC HƯNG HẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 499/NQ-UBTVQH15 ngày 28 tháng 3 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VX về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng CP Lê Văn Thành (để báo cáo);
- Bộ trưởng Trần Hồng Hà (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: XD, KH&ĐT,TC, NN&PTNT, CA;
- UBKHCNMTQH;
- Đài THVN, Đài TNVN;
- Bộ TN&MT: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các đơn vị trực thuộc Bộ, Cổng TTĐT Bộ;
- UBND, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh và Hải Dương;
- Lưu: VT, TCMT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Tuấn Nhân

 

KẾ HOẠCH

KIỂM SOÁT, XỬ LÝ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC HỆ THỐNG CÔNG TRÌNH THỦY LỢI BẮC HƯNG HẢI
(Kèm theo Quyết định số: 2625/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Quan điểm

- Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải) có tầm quan trọng đặc biệt đối với phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại 04 tỉnh, thành phố trên lưu vực; là nhiệm vụ thường xuyên, đòi hỏi tập trung các nguồn lực đầu tư với quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân địa phương trên lưu vực; có sự hỗ trợ của cơ quan Trung ương.

- Kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần được giải quyết tổng thể trên toàn hệ thống theo địa giới hành chính của 04 tỉnh, thành phố; duy trì chất lượng nước và bảo đảm đủ khối lượng nước; lấy phòng ngừa, giảm thiểu và ngăn chặn suy thoái là chủ yếu, kết hợp xử lý, khắc phục những điểm nóng về ô nhiễm.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nội lực, kết hợp với việc tăng cường quản lý nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ và phát huy giải pháp truyền thông.

2. Mục tiêu

- Kiểm soát có hiệu quả ngay tại nguồn các đối tượng có hoạt động xả nước thải, góp phần từng bước ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị có liên quan trong bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng và quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư đẩy nhanh việc cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có tính khả thi cao hướng tới mục tiêu đạt yêu cầu sử dụng về chất lượng và trữ lượng của nguồn nước, phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3. Yêu cầu

- Nội dung của Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, hướng tới mục tiêu kiểm soát, xử lý có hiệu quả ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Việc xây dựng Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải phải gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan .

- Xác định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương (các tỉnh, thành phố) trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

- Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc bảo đảm tiến độ theo nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu của Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH

1. Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn thải nước thải và hiện trạng môi trường nước mặt (nhiệm vụ 1) làm căn cứ đề xuất các giải pháp xử lý, cải thiện nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

1.1. Thời gian: Từ đầu quý IV/2022 và năm 2023.

1.2. Địa điểm/Cơ quan làm việc:

- Sở TN&MT và các đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Đối tượng có xả nước thải vào hệ thống sông nhánh và sông chính hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

1.3. Đơn vị thực hiện:

- Bộ TN&MT (Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý tài nguyên nước).

- UBND các tỉnh, thành phố (Sở TN&MT, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, UBND cấp huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp và các đơn vị có liên quan).

1.4. Nội dung:

a) Đối với đối tượng có phát sinh nước thải:

- Thu thập, tổng hợp thông tin có liên quan về các nguồn xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;

- Thu thập, tổng hợp thông tin có liên quan về ô nhiễm môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;

- Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải về loại hình, quy mô hoạt động; hiện trạng xả nước thải vào nguồn nước (xả thải lớn nhất và xả thải tại thời điểm khảo sát); hiện trạng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp (đã được đầu tư, đã đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; đã đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, chưa được đầu tư); thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải; các hồ sơ về môi trường (Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy phép môi trường); kết luận thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường gần nhất; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường gần nhất; lấy và phân tích mẫu trước khi thải vào nguồn tiếp nhận trong trường hợp cần thiết;

- Đối tượng khảo sát: tất cả các đối tượng có phát sinh nước thải thải vào hệ thống sông chính, hệ thống sông nhánh của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, bao gồm: các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế); cụm công nghiệp, làng nghề; khu đô thị, khu dân cư tập trung; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; hoạt động sản xuất nông nghiệp và các nguồn thải khác;

- Lấy, phân tích mẫu đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; đánh giá chất lượng nước thải của các nguồn thải chính vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại các điểm hợp lưu vào dòng chính, các điểm giáp ranh giữa các địa phương, nguồn thải có lưu lượng xả nước thải lớn.

b) Đối với cơ quan nhà nước có liên quan:

- Tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan đến trách nhiệm quản lý, bảo vệ môi trường; khai thác, quản lý tài nguyên nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, bao gồm: Sở TN&MT, các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và các đơn vị có liên quan của các tỉnh, thành phố.

- Xử lý số liệu, phân tích, tổng hợp báo cáo về tổng lượng nước thải xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; phát thải, đóng góp của từng nguồn thải chính vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; hiện trạng đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp); các hoạt động đã và đang triển khai thực hiện kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; xác định các vấn đề cấn tiếp tục triển khai trong thời gian tới để kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Xử lý số liệu, phân tích, tổng hợp, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương; trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ sở, sản xuất, kinh doanh dịch vụ tập trung; trách nhiệm của các cơ quan có xả nước thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trong việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; cũng như công tác quản lý, kiểm so át ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

1.5. Kết quả/Sản phẩm:

- Báo cáo đánh giá tổng thể nguồn nước thải xả vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải làm căn cứ đề xuất các giải pháp xử lý, cải thiện nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Báo cáo đánh giá, phân định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

2. Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải (nhiệm vụ 2)

2.1. Thời gian: Từ đầu quý IV/2022.

2.2. Đối tượng: Toàn bộ các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông nhánh, sông chính của hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

2.3. Đơn vị thực hiện:

- Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C05) và các đơn vị liên quan của các tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải do Bộ T&MT cấp Giấy phép môi trường, Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Giấy phép xả nước thải vào công trình thuỷ lợi.

- Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, UBND cấp huyện phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các đối tượng có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn (không bao gồm các đối tượng do Bộ TN&MT chủ trì thanh tra)

2.4. Nội dung:

- Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9 của các cơ quan liên quan của Trung ương và địa phương; Tổng cục Môi trường phối hợp với các Sở TN&MT 04 địa phương rà soát, xác định các đối tượng có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đảm bảo xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chuyển hồ sơ cho đơn vị có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện hoạt động tội phạm về bảo vệ môi trường.

- Ban hành kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn quy định.

- Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, thông báo kết quả kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

- Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường.

2.5. Kết quả/Sản phẩm:

- Báo cáo Đoàn thanh tra, các kết luận thanh tra.

- Báo cáo Đoàn kiểm tra, các thông báo kết quả kiểm tra.

- Các đề xuất kiến nghị về cơ chế chính sách, công tác quản lý về bảo vệ môi trường hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

3. Quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải1 (Nhiệm vụ 3)

3.1. Thời gian: Từ quý IV/2022.

3.2. Địa điểm: hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại các tỉnh, thành phố.

3.3. Đơn vị thực hiện:

- Tổng cục Môi trường thực hiện quan trắc chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải theo Đề án quan trắc môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Bộ TN&MT phê duyệt.

- UBND các tỉnh, thành phố thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thực hiện quan trắc chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, chất lượng nguồn thải chính vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại các điểm còn lại theo Đề án quan trắc môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Bộ TN&MT phê duyệt.

3.4. Nội dung:

- Xây dựng mạng lưới quan trắc chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải về số lượng, vị trí quan trắc, thông số phân tích, thời gian, tần suất. Phân định trách nhiệm quan trắc chất lượng nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải giữa Bộ TN&MT với từng địa phương có liên quan.

- Tổ chức thực hiện quan trắc chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên cơ sở mạng lưới quan trắc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xử lý số liệu, phân tích, đánh giá, tổng hợp số liệu báo cáo về diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

3.5. Kết quả/Sản phẩm:

- Đề án quan trắc môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trình Bộ TN&MT phê duyệt.

- Báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

4. Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải và cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (nhiệm vụ 4)

4.1. Thời gian: Từ Quý IV/2022 và năm 2023.

4.2. Địa điểm: hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại các tỉnh, thành phố.

4.3. Đơn vị thực hiện: Bộ Tài nguyên và Môi trường (Cục Quản lý tài nguyên nước).

4.4. Nội dung:

a) Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải:

- Tổ chức điều tra, khảo sát bổ sung về nguyên nhân suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và các nội dung có liên quan2 trong trường hợp cần thiết trên cơ sở kế thừa kết quả điều tra, khảo sát ở nhiệm vụ 1.

- Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải với các nội dung chính sau:

Đánh giá, dự báo xu hướng thay đổi chất lượng môi trường nước mặt; mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, hành lang bảo vệ nguồn nước mặt; xác định khu vực sinh thủy;

Thực trạng phân bố các nguồn ô nhiễm điểm và nguồn ô nhiễm diện phát sinh chất ô nhiễm môi trường nước trong vùng tác động;

Loại và tổng lượng chất ô nhiễm thải vào môi trường nước mặt;

Đánh giá khả năng chịu tải, phân vùng xả thải, hạn ngạch xả nước thải; xác định mục tiêu và lộ trình giảm xả thải vào môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải;

Biện pháp phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt;

Giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng nước mặt và tổ chức thực hiện.

b) Xây dựng cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải:

Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị suy thoái, ô nhiễm, cạn kiệt.

4.5. Kết quả/Sản phẩm:

- Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải được Bộ trưởng ký trình Thủ tướng Chính phủ năm 2023.

- Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát bổ sung về đánh giá thực trạng, nguyên nhân suy thoái, cạn kiệt nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

- Các cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Bộ trưởng ký ban hành theo thẩm quyền hoặc được Bộ trưởng ký trình cấp có thẩm quyền ban hành.

5. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy (nhiệm vụ 5)

5.1. Thời gian: từ năm 2022 đến năm 2025.

5.2. Địa điểm: Chủ đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các tỉnh, thành phố.

5.3. Đơn vị thực hiện:

- Các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế), cụm công nghiệp (đối với cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng); khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông nhánh, sông chính hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nhưng chưa có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông nhánh, sông chính hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nhưng chưa có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

- UBND các tỉnh, thành phố có cụm công nghiệp (đối với cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư hạ tầng), làng nghề đang hoạt động… nhưng chưa có công trình xử lý nước thải hoặc công trình xử lý nước thải không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Các công ty, đơn vị khai thác công trình thủy lợi thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố.

5.4. Nội dung:

- Xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng sản xuất công nghiệp của khu kinh tế), cụm công nghiệp, làng nghề; khu đô thị, khu dân cư tập trung thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo đủ năng lực để xử lý toàn bộ nước thải phát sinh, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Xây dựng mới hoặc nâng cấp cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả nước thải vào hệ thống sông nhánh, sông chính thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo đủ năng lực để xử lý toàn bộ nước thải phát sinh, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

- Đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc nước mặt liên tục, tự động trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng nước, diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn của địa phương mình.

- Xử lý dứt điểm các đoạn sông bị ô nhiễm nghiêm trọng trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; nạo vét, duy tu, khơi thông dòng chảy, cải tạo, nâng cấp toàn hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn của địa phương mình; thực hiện điều phối có hiệu quả việc khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

5.5. Kết quả/Sản phẩm:

- Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đủ năng lực để xử lý toàn bộ nước thải thải phát sinh, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Trạm quan trắc nước mặt liên tục, tự động, đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng nước, diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Báo cáo kết quả khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

6. Tổ chức cuộc họp về tổ chức thực hiện, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (nhiệm vụ 6)

6.1. Tổ chức cuộc họp về tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

a) Thời gian: từ quý IV năm 2022.

b) Địa điểm: Trụ sở Bộ TN&MT, số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

c) Thành phần:

Chủ trì: Bộ trưởng Bộ TN&MT;

Lãnh đạo các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các đơn vị tham mưu; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị tham mưu; các chuyên gia/nhà khoa học thuộc một số lĩnh vực liên quan.

d) Nội dung:

- Báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải kể từ sau cuộc họp ngày 05/9/2019 và các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện;

- Tham vấn ý kiến các cơ quan, chuyên gia/nhà khoa học về các giải pháp kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;

- Trao đổi, phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trong kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

e) Kết quả/Sản phẩm:

Thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp.

6.2. Tổ chức cuộc họp định kỳ về kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

a) Thời gian: tháng 6 và/hoặc tháng 12 hàng năm.

b) Địa điểm: Trụ sở Bộ TN&MT, số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

c) Thành phần:

Chủ trì: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Lãnh đạo các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các đơn vị tham mưu; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị tham mưu; các chuyên gia/nhà khoa học thuộc một số lĩnh vực liên quan.

d) Nội dung:

Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và các đề xuất, kiến nghị nhắm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

e) Kết quả/Sản phẩm:

Thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp.

(Đề xuất các nhiệm vụ tại Phụ lục kèm theo)

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường

1.1. Tổng cục Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng thuyết minh đề cương, dự toán kinh phí phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Bộ phê duyệt; tổ chức thực hiện các Nhiệm vụ 1, 2, 3 và 6 của Kế hoạch này.

- Là đơn vị đầu mối tổng hợp chung, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng kết quả, những khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ.

1.2. Cục Quản lý tài nguyên nước

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động xây dựng thuyết minh đề cương, dự toán kinh phí phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình Bộ phê duyệt; tổ chức thực hiện Nhiệm vụ 4 của Kế hoạch này.

- Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất gửi báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ về Tổng cục Môi trường để tổng hợp chung.

1.3. Vụ Kế hoạch - Tài chính có trách nhiệm tham mưu trình Lãnh đạo Bộ bố trí kịp thời và đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ TN&MT tại Phụ lục kèm theo.

1.4. Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức phổ biến và tuyên truyền về Kế hoạch này, kết quả triển khai thực hiện.

2. UBND các tỉnh, thành phố

Trên cơ sở Kế hoạch này, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các nội dung sau:

- Chỉ đạo, phân công, giao các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung được nêu các nhiệm vụ của Kế hoạch này, đảm bảo chất lượng, tiến độ; tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân nhằm tăng cường tính tự giác, chủ động thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường.

- Bố trí kịp thời và đủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thuộc trách nhiệm của địa phương tại Phụ lục kèm theo.

- Cử Lãnh đạo UBND, Lãnh đạo Sở TN&MT và các đơn vị có liên quan tham gia các hội thảo, cuộc họp do Bộ TN&MT tổ chức, mời.

- Giao Sở TN&MT là đơn vị đầu mối tổng hợp báo cáo, định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất trình UBND tỉnh kết quả thực hiện, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ , kịp thời gửi về Tổng cục Môi trường để tổng hợp chung.

 

PHỤ LỤC

ĐỀ XUẤT CÁC NHIỆM VỤ, DỰ ÁN THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KIỂM SOÁT, XỬ LÝ Ô NHIỄM NGUỒN NƯỚC HỆ THỐNG THỦY LỢI BẮC HƯNG HẢI
(Ban hành kèm theo tại Quyết định số 2625/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

TT

Nội dung thực hiện

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Nguồn kinh phí

Thời gian thực hiện

Sản phẩm dự kiến hoàn thành

1.

Tổ chức khảo sát, thống kê, đánh giá nguồn thải nước thải và hiện trạng môi trường nước mặt

Tổng cục Môi trường

- Cục Quản lý tài nguyên nước,

- UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương và các đơn vị tham mưu; Sở TN&MT, BQL các KCN, PC05…;

- Các đơn vị liên quan khác.

Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương và địa phương

Từ quý IV/2022 và năm 2023

- Báo cáo đánh giá tổng thể nguồn nước thải xả vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải làm căn cứ đề xuất các giải pháp xử lý, cải thiện nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Báo cáo đánh giá, phân định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, khai thác, quản lý, sử dụng tài nguyên nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

2.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra toàn diện về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải

Tổng cục Môi trường

- Bộ TN&MT: Thanh tra Bộ, Cục Quản lý tài nguyên nước;

- Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương: Sở TN&MT, PC05, BQL các KCN ….;

- Các đơn vị liên quan khác.

Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương và địa phương

Từ quý II/2022

- Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có hoạt động xả nước thải vào hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

- Báo cáo kết quả kiểm tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

3.

Quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Tổng cục Môi trường

- Cục Quản lý tài nguyên nước;

- Các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương: Sở TN&MT, BQL các KCN, PC05 ….

- Các đơn vị liên quan khác.

Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương và địa phương

Từ quý IV/2022

- Đề án quan trắc môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

- Báo cáo kết quả quan trắc, đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

4.

Xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống Bắc Hưng Hải và cơ chế chính sách cải tạo, phục hồi nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Cục Quản lý Tài nguyên nước

- Sở TN&MT và các đơn vị liên quan tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

- Các đơn vị liên quan khác.

Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương

Từ quý IV/2022 và năm 2023

- Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải được Bộ trưởng ký trình Thủ tướng Chính phủ năm 2023.

- Báo cáo kết quả điều tra, khảo sát bổ sung về đánh giá thực trạng, nguyên nhân suy thoái, cạn kiệt nguồn nước hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải.

- Các cơ chế, chính sách cải tạo, phục hồi hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải được Bộ trưởng ký ban hành theo thẩm quyền hoặc được Bộ trưởng ký trình cấp có thẩm quyền ban hành.

5.

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: công trình thu gom, xử lý nước thải; trạm quan trắc nước thải liên tục tự động, nạo vét, khơi thông dòng chảy

- UBND các tỉnh, thành phố

- Các công ty, đơn vị khai thác công trình thủy lợi

- Các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

- Bộ TN&MT: Tổng cục Môi trường.

- Các Bộ, ngành liên quan

Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương, địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác

2022 - 2025

- Hệ thống thu gom, xử lý nước thải đủ năng lực để xử lý toàn bộ nước thải thải phát sinh, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Trạm quan trắc nước mặt liên tục, tự động, đảm bảo đánh giá chính xác chất lượng nước, diễn biến chất lượng nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

- Báo cáo kết quả khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.

6.

Tổ chức cuộc họp về tổ chức thực hiện, đánh giá định kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

Tổng cục Môi trường

- Bộ TN&MT: Tổng cục Môi trường; Vụ Pháp chế và các đơn vị trực thuộc có liên quan

- Các Bộ; Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Công Thương,

- UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương

- Các Bộ, ngành liên quan

Kinh phí sự nghiệp môi trường Trung ương

Từ quý II/2022

Thông báo kết luận ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp

 



1 Bộ trưởng đồng ý chủ trương bổ sung Chương trình quan trắc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tại Công văn số 1627/TCMT-QTMB ngày 17/6/2021 của Tổng cục Môi trường.

2 Bộ trưởng đồng ý chủ trương thực hiện Dự án tại Phiếu trình số 117/PTr-TNN, ngày 07/4/2022 của Cục Quản lý Tài nguyên nước.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2625/QĐ-BTNMT năm 2022 về Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 2625/QĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Võ Tuấn Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản