Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2622/2009/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 07 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DI DÂN VÀ TÁI ĐỊNH CƯ ÁP DỤNG CHO KHU KINH TẾ NGHI SƠN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai; Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số: 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về Khu công nghiệp, khu chế xuất và Khu kinh tế; Quyết định số 102/QĐ-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá; Quyết định số 1364/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn tỉnh Thanh Hoá; Công văn số 277/TTg-KKT ngày 25/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện các dự án tại Khu kinh tế Nghi Sơn;

Căn cứ Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 và Thông tư số 69/2006/TT-BTC ngày 02/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ- CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị quyết số 128/2009/NQ-HĐND ngày 15/7/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá khoá XV, kỳ họp thứ 13 về chính sách hỗ trợ di dân và tái định cư áp dụng cho Khu kinh tế Nghi Sơn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ di dân và tái định cư áp dụng cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá; cụ thể như sau:

I. Phạm vi và đối tượng áp dụng.

1. Phạm vi áp dụng: Chính sách này áp dụng cho việc hỗ trợ di dân, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Tổ chức, hộ gia đình bị thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

b) Tổ chức, hộ gia đình ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn bị thu hồi đất phục vụ các dự án đầu tư trong Khu kinh tế Nghi Sơn.

c) Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn khi tiếp nhận các hộ tự liên hệ đến tái định cư.

II. Các Chính sách hỗ trợ.

1. Hỗ trợ di chuyển:

1.1. Hộ gia đình khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ; di chuyển sang tỉnh khác được hỗ trợ 5.000.000 đồng/hộ.

1.2. Các dòng họ có nhà thờ họ riêng biệt với nhà ở và phải di chuyển được hỗ trợ 2.000.000 đồng/nhà thờ họ.

1.3. Tổ chức có đủ điều kiện được bồi thường thiệt hại về đất và tài sản khi bị thu hồi mà phải di chuyển cơ sở, được hỗ trợ toàn bộ chi phí thực tế về di chuyển, tháo dỡ và lắp đặt.

2. Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất:

2.1. Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sản xuất muối khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất làm muối được giao, được hỗ trợ 06 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; mức hỗ trợ bằng tiền cho 01 nhân khẩu/tháng (theo sổ hộ khẩu), tương đương 30 kg gạo tẻ tính theo thời giá trung bình tại địa phương.

Trường hợp hộ gia đình bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp, đất làm muối được giao bởi nhiều dự án thì dự án sau phải thực hiện hỗ trợ theo quy định trên.

2.2. Hộ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, khi nhà nước thu hồi đất phải ngừng sản xuất kinh doanh cũng được hỗ trợ như hộ sản xuất nông nghiệp và sản xuất muối quy định tại điểm 2.1 nêu trên.

2.3. Hộ gia đình phải di chuyển đến các khu tái định cư tập trung theo quy hoạch, hết thời gian hỗ trợ theo quy định tại điểm 2.1 nêu trên, nếu đời sống vẫn còn khó khăn theo kết quả bình xét tại thôn, xã, thì trong thời gian không quá 5 năm tiếp theo, hàng năm sẽ được xem xét hỗ trợ, mức hỗ trợ bằng tiền cho 01 nhân khẩu/tháng (theo sổ hộ khẩu) tương đương 15 kg gạo tẻ tính theo thời giá trung bình tại địa phương.

3. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm:

3.1. Hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo mức sau:

- Bị thu hồi trên 30% đến dưới 50%: Mức hỗ trợ 5.400 đồng/m2 .

- Bị thu hồi từ 50% đến dưới 70% : Mức hỗ trợ 8.100 đồng/m2 .

- Bị thu hồi từ 70% trở lên: Mức hỗ trợ 10.800 đồng/m2 .

3.2. Trường hợp hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% đất sản xuất nông nghiệp được giao bởi nhiều dự án thì dự án sau phải thực hiện hỗ trợ theo các mức quy định tại điểm 3.1.

3.3. Hộ gia đình thuộc các xã trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thu hồi 100% đất sản xuất nông nghiệp, nhưng thực hiện thu hồi từng phần theo dự án thì áp dụng mức hỗ trợ 10.800 đ/m2.

3.4. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho hộ gia đình sản xuất muối.

Hộ gia đình trực tiếp sản xuất muối khi bị thu hồi trên 30% diện tích đất làm muối trở lên, thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; mức hỗ trợ là 10.800 đồng/m2 đất làm muối bị thu hồi.

3.5. Hỗ trợ chuyển đổi nghề đánh bắt thuỷ sản.

Hộ gia đình làm nghề đánh bắt thuỷ sản phải di chuyển đến khu tái định cư tập trung theo quy hoạch, không tiếp tục làm nghề cũ, phải thanh lý phương tiện sản xuất, được hỗ trợ theo phương tiện đánh bắt của hộ đang sử dụng như sau:

- Tàu có động cơ từ 150CV trở lên: 30.000.000 đồng/phương tiện.

- Tàu có động cơ từ 90CV đến dưới 150CV: 25.000.000 đồng/phương tiện.

- Tàu có động cơ từ 50CV đến dưới 90CV: 20.000.000 đồng/phương tiện.

- Tàu có động cơ từ 20CV đến dưới 50CV: 15.000.000 đồng/phương tiện.

- Tàu có động cơ dưới 20CV: 10.000.000 đồng/phương tiện.

- Thuyền có gắn động cơ: 5.000.000 đồng/phương tiện.

- Thuyền nan hành nghề: 3.000.000 đồng/phương tiện.

4. Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo nghề:

4.1. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bàn giao đất cho dự án, học sinh đang học tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và bổ túc THPT thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất ở phải di chuyển đến các khu tái định cư tập trung theo quy hoạch, được hỗ trợ 100% tiền học phí và các khoản đóng góp do cấp có thẩm quyền quy định phù hợp với quy định của pháp luật.

4.2. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày bàn giao đất cho dự án, các thành viên thuộc các hộ bị thu hồi đất và chuyển đến các khu tái định cư tập trung theo quy hoạch có nhu cầu học nghề, được tiếp nhận vào học tại các cơ sở dạy nghề được thành lập theo quy định của pháp luật, được hỗ trợ:

- Hỗ trợ 100% tiền học phí theo mức thu của từng cơ sở dạy nghề theo đúng quy định của pháp luật.

- Hỗ trợ tiền ăn ở với mức: 80% mức lương tối thiểu/người/tháng.

- Số tháng được tính hỗ trợ là số tháng thực học tại cơ sở dạy nghề.

5. Khuyến khích việc di dời trước thời hạn:

Hộ gia đình thuộc diện phải di chuyển chỗ ở, nếu di chuyển và bàn giao mặt bằng trước thời hạn quy định (theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền) được thưởng 5.000.000 đồng/hộ.

6. Hỗ trợ tiền thuê nhà hoặc làm nhà tạm:

Hộ gia đình bị thu hồi đất phải di chuyển đến khu tái định cư tập trung theo quy hoạch, được hỗ trợ tiền để thuê nhà ở hoặc làm nhà ở tạm trong thời gian xây dựng nhà mới, mức hỗ trợ là 12.000.000 đồng/hộ. Các hộ được nhận tiền theo chính sách này sau khi đã bàn giao mặt bằng cho dự án đúng thời hạn quy định.

7. Hỗ trợ tiền mua vật liệu và tiền công xây dựng nhà ở:

Hộ gia đình bị thu hồi đất phải di chuyển đến khu tái định cư tập trung theo quy hoạch, được hỗ trợ tiền mua vật liệu và tiền công xây nhà ở tại khu tái định cư, mức hỗ trợ là 10.000.000 đồng/hộ.

8. Hỗ trợ di dân theo hình thức tự liên hệ địa bàn tái định cư:

8.1. Khuyến khích các hộ gia đình trong Khu kinh tế Nghi Sơn thuộc diện di dời, nếu tự liên hệ địa bàn tái định cư ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn, được hỗ trợ một lần với mức 160.000.000 đồng/hộ (có đơn đăng ký và cam kết bàn giao mặt bằng theo đúng thời gian quy định). Các hộ gia đình hưởng chính sách này thì không được hưởng các chính sách quy định tại điểm 3.5, khoản 3 và các khoản 4, 6, 7, phần II chính sách này.

8.2. Các xã, phường, thị trấn trong tỉnh (ngoài Khu kinh tế Nghi Sơn) tiếp nhận từ 05 hộ tự liên hệ địa bàn tái định cư trở lên thì được hỗ trợ 20.000.000 đồng/hộ. Số tiền hỗ trợ được chuyển vào ngân sách xã, phường, thị trấn để sử dụng vào mục đích cải tạo và mở rộng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở địa phương đáp ứng việc tăng dân cư trên địa bàn.

9. Hỗ trợ khi thu hồi đất công ích của xã, thị trấn.

Trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, thị trấn thì được hỗ trợ bằng 70% mức bồi thường theo loại đất bị thu hồi; tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách nhà nước và cân đối vào dự toán ngân sách hàng năm của xã, thị trấn; tiền hỗ trợ chỉ được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, sử dụng vào mục đích công ích của xã, thị trấn.

III. Tái định cư.

1. Xây dựng khu tái định cư.

Việc xây dựng khu tái định cư được thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng.

2. Điều kiện được giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư.

Hộ gia đình có đủ các điều kiện sau đây mới được giao đất ở tại khu tái định cư tập trung: Có đất ở (mà trên đó có nhà ở) bị thu hồi, có hộ khẩu thường trú tại nơi bị thu hồi đất và phải di chuyển chỗ ở.

- Trường hợp hộ gia đình có nhiều thửa đất ở bị thu hồi thì chỉ được giao 01 lô đất ở tại khu tái định cư.

- Trường hợp trong một gia đình có từ 02 cặp vợ chồng trở lên, sống chung với bố mẹ trong một ngôi nhà ở nơi đi, được giao đất ở tại khu tái định cư như sau:

+ Cặp vợ chồng và bố mẹ sống chung tại khu tái định cư thì được giao 01 lô đất có diện tích tối đa.

+ Các cặp vợ chồng còn lại, mỗi cặp được giao 01 lô đất có diện tích tối thiểu tại khu tái định cư.

3. Nguyên tắc bố trí đất tại khu tái định cư.

3.1. Đất ở:

- Đất ở tại khu tái định cư được bố trí theo từng lô, diện tích tối đa của một lô là 150m2 và tối thiểu là 80m2.

- Vị trí các lô đất ở của các hộ tại khu tái định cư được bố trí tương ứng với vị trí đất ở tại nơi đi.

- Các hộ gia đình có diện tích đất ở thu hồi nhỏ hơn lô đất tối thiểu tại khu tái định cư sẽ được bố trí vào lô đất có diện tích tối thiểu tại khu tái định cư theo quy định.

- Hộ gia đình có cùng 1 vị trí đất ở được xác định tại khu tái định cư thì việc giao đất được thực hiện theo phương thức bốc thăm ngẫu nhiên.

3.2. Đất dịch vụ:

- Đất dịch vụ được bố trí nhằm mục đích tạo việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất và phải di dời đến khu tái định cư tập trung, được bố trí thành khu riêng trong khu tái định cư.

- Hộ gia đình khi chuyển đến khu tái định cư nếu có nhu cầu sẽ được giao đất dịch vụ, mức đất được giao bằng 50% diện tích đất ở được giao tại khu tái định cư.

- Đất dịch vụ tại khu tái định cư được sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; được bồi thường về đất theo giá đất ở khi Nhà nước thu hồi đất.

3.3. Các dòng họ có Nhà thờ họ riêng biệt với nhà ở phải di dời thì được bố trí 150 m2 đất tại khu tái định cư tập trung theo quy hoạch được duyệt để làm Nhà thờ họ.

4. Giá đất tại khu tái định cư.

4.1. Đối với đất ở: Giá 01m2 đất ở các hộ gia đình phải nộp tại khu tái định cư bằng giá 01 m2 đất ở bồi thường tại nơi đi.

4.2. Đối với đất dịch vụ: Giá 01m2 đất dịch vụ các hộ gia đình phải nộp tại khu tái định cư bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất, nhưng không cao hơn giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của khu vực xây dựng khu tái định cư tại thời điểm do cấp có thẩm quyền công bố.

4.3. Đất Nhà thờ họ: Giá 01m2 đất làm Nhà thờ họ tại khu tái định cư bằng giá 01m2 đất được bồi thường tại nơi đi.

IV. Nguồn vốn thực hiện.

- Vốn ngân sách Nhà nước.

- Vốn của các Nhà đầu tư có dự án đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn.

- Các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

Căn cứ Quyết định này và các quy định của Pháp luật;

1. Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở: Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tư pháp, Công an tỉnh và UBND huyện Tĩnh Gia có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các chính sách quy định tại khoản 2, 3, 4, phần II và khoản 2, phần III, Điều 1 khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.

2. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn phối hợp với UBND huyện Tĩnh Gia, và UBND các xã trong Khu kinh tế Nghi Sơn tiến hành triển khai phương án tái định cư; chỉ đạo các phòng chức năng lập thiết kế mẫu nhà để cung cấp cho các hộ.

3. UBND huyện Tĩnh Gia phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thể Chính trị - Xã hội của huyện, chỉ đạo UBND các xã có dân đi và dân đến tái định cư, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương di dân tái định cư, bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định; thành lập Ban chỉ đạo GPMB di dân tái định cư cấp huyện; tổ chức lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảo an ninh trật tự nơi dân đi và dân đến tái định cư; chủ trì tổ chức lực lượng tiến hành cưỡng chế đối với các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân không thực hiện bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định.

4. UBND các xã có dân đi và dân đến tái định cư có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách di dân tái định cư GPMB đúng kế hoạch và thời gian theo quy định; phân công cán bộ Lãnh đạo của xã để lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý bộ phận dân cư của xã đã di chuyển trước lên khu tái định cư trong các giai đoạn; bố trí lực lượng để giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để tự tổ chức việc xây dựng nhà ở tại khu tái định cư (người già neo đơn, tàn tật) và đảm bảo các điều kiện về học tập cho con em các hộ gia đình đến tái định cư, điều kiện khám chữa bệnh và ổn định sản xuất, đời sống, an ninh trật tự xã hội.

5. Các tổ chức, hộ gia đình có trách nhiệm chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; thực hiện tốt kế hoạch GPMB và di dân tái định cư đúng thời gian quy định; nếu tổ chức, hộ gia đình nào cố tình vi phạm và không bàn giao mặt bằng đúng thời gian quy định thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

6. Chủ đầu tư các dự án trong Khu kinh tế Nghi Sơn có trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện chính sách. Làm việc với cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm tại địa phương, thông báo nhu cầu về lao động cần tuyển dụng, ngành nghề cần đào tạo; cam kết sử dụng lao động trong vùng dự án trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, để địa phương có kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động.

7. Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, hướng dẫn và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện tại Khu kinh tế Nghi Sơn, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết những vướng mắc vượt thẩm quyền; UBND huyện Tĩnh Gia phối hợp với Chủ đầu tư các dự án báo cáo kịp thời những phát sinh vượt thẩm quyền trong quá trình thực hiện chính sách GPMB để được xem xét giải quyết.

Sở Tài chính thường xuyên theo dõi tình hình thực hiện chính sách, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 2531/2008/QĐ-UBND ngày 18/8/2008 và các quy định khác có liên quan của UBND tỉnh Thanh Hoá.

Những dự án, hạng mục đó phờ duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi quy định này có hiệu lực thi hành thỡ thực hiện theo phương án đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo quy định này.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Giám đốc Sở Tài chính; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia; Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3, Quyết định;
- Bộ Tài chính(báo cáo);
- Bộ TNMT, Bộ Xdựng (báo cáo);
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Các Đại biểu QH tỉnh;
- TT Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh;
- Các Đại biểu HĐND tỉnh;
- MTTQ tỉnh và các đoàn thể;
- VP Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTC.
QĐCĐ 9013

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mai Văn Ninh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2622/2009/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ di dân và tái định cư áp dụng cho khu kinh tế Nghi Sơn do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 2622/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/08/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Mai Văn Ninh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/08/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 19/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản