Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2617/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 17 tháng 11 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC THU GOM, VẬN CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật tổ chức chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại;

Căn cứ Thông tư số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 của Bộ Xây dựng về quản lý chất thải rắn xây dựng.

Căn cứ Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1390/TTr-SXD ngày 09/9/2019 và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 50/TTr-KHĐT- KTN ngày 27/8/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đề án: Nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Mục tiêu đề án:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Nhằm cải thiện môi trường cuộc sống ngày càng bền vững và góp phần giải quyết an sinh xã hội;

- Xây dựng hệ thống quản lý chất thải rắn với mục tiêu tập trung cho công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhằm giảm thiểu phát thải, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; hạn chế tối đa lượng rác thải chôn lấp, nhằm tiết kiệm quỹ đất, hạn chế ô nhiễm môi trường.

- Nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về việc thu gom và xử lý rác thải; nâng cao nguồn nhân lực về quản lý chất thải; tạo môi trường, cuộc sống ngày càng xanh - sạch - đẹp.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025:

+ Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 95%; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 60%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, tái chế đạt 10%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn đạt 20%.

- Đến năm 2030:

+ Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt trên 97%; chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đạt 80%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại, tái chế đạt 40%.

+ Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn đạt 35%.

3. Quy mô thu gom và xử lý

a) Khối lượng thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị:

- Năm 2025: 1.173 tấn/ngày;

- Năm 2030: 1.510 tấn/ngày;

(khối lượng rác thải thu gom, xử lý tại các địa phương theo biểu kèm theo Đề án).

b) Khối lượng thu gom và xử lý rác thải nông thôn:

- Năm 2025: 294 tấn/ngày;

- Năm 2030: 464 tấn/ngày;

(khối lượng rác thải thu gom, xử lý tại các địa phương theo biểu kèm theo Đề án).

4. Phạm vi thực hiện: Trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

5. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030.

6. Nguồn vốn thực hiện

- Vốn ngân sách trung ương, địa phương và vốn Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam;

- Vốn các chương trình phát triển bền vững, tăng trưởng xanh;

- Vốn hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài;

- Vốn ngoài ngân sách (xã hội hóa).

7. Tổ chức thực hiện

a) Sở Xây dựng

- Tổ chức triển khai Đề án; đôn đốc việc thực hiện, báo cáo UBND tỉnh các vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai thực hiện Đề án;

- Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, vận hành các bãi chôn lấp, các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; rà soát, điều chỉnh, bổ sung phân vùng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh;

- Tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.

b) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý chất thải, bao gồm cả nội dung thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý chất thải của các địa phương để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước;

- Nghiên cứu chính sách ưu đãi về đất đai, bảo vệ môi trường để hỗ trợ cho các hoạt động xử lý rác thải.

- Thực hiện giám sát, quan trắc môi trường và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hoạt động xử lý chất thải;

- Huy động toàn nguồn lực xã hội trong việc giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoat.

c) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp quy, chương trình liên quan tới công tác vệ sinh môi trường nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm bảo vệ môi trường.

d) Sở Khoa học và Công nghệ

- Tổ chức thẩm định công nghệ của các dự án đầu tư xử lý chất thải theo quy định; trong đó kiên quyết loại bỏ máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường;

- Phối hợp kiểm tra việc xây dựng, vận hành dự án xử lý chất thải theo đúng công nghệ đã được chọn.

e) Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu chính sách ưu đãi theo quy định nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trong lĩnh vực quản lý rác thải tại địa phương; đặc biệt hỗ trợ và khuyến khích các dự án đầu tư xử lý, tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt;

- Kêu gọi các nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) ưu tiên cho việc xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

f) Sở Tài chính

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe chuyên dùng phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn;

- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định;

- Cân đối, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án.

g) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc

- Rà soát, phối hợp với các sở, ngành chức năng trong việc xác định địa điểm quy hoạch khu quản lý chất thải rắn tại địa phương để tích hợp với quy hoạch chung của tỉnh; xây dựng, quản lý bãi chôn lấp hợp vệ sinh, trạm trung chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn;

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thí điểm và nhân rộng chương trình phân loại rác thải tại nguồn;

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và vận động nhân dân tham gia, thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn nhằm tái sử dụng, tái chế rác thải sinh hoạt để hạn chế phát thải ra môi trường.

Điều 2. Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 2;
- Lưu: VT, MT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2617/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 2617/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/11/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Văn Yên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản