Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 261-CP

Hà Nội, ngày 14 tháng 09 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BỔ SUNG NHIỆM VỤ CỦA BAN THỐNG NHẤT QUẢN LÝ VIỆN TRỢ

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ ngày 14-07-1960;
Xét yêu cầu về việc tăng cường quản lý của Nhà nước đối với các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế và các đoàn thể nhân dân nước ngoài,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay thành lập Ban thống nhất quản lý viện trợ trực thuộc Hội đồng Chính phủ thay thế Ban thống nhất quản lý viện trợ  nhân dân được thành lập theo quyết định số 135-CP ngày 25-08-1967 của Hội đồng Chính phủ.

Điều 2. Ban thống nhất quản lý viện trợ có nhiệm vụ giúp Hội đồng Chính phủ:

1. Tổ chức việc nghiên cứu, tìm hiểu các khả năng tranh thủ viện trợ của các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên chính phủ (trong và ngoài Liên hợp quốc), các đoàn thể nhân dân thế giới, các đoàn thể nhân dân các nước, các cá nhân ở nước ngoài có thiện chí giúp ta khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lại đất nước.

2. Hướng dẫn các ngành và các địa phương lập các dự án tranh thủ viện trợ nhằm sử dụng một cách thiết thực và hợp lý các nguồn viện trợ nói trên; giúp Chính phủ thẩm tra các đề án trước khi xét duyệt.

3. Phối hợp với các ngành có liên quan, nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ về quản lý việc sử dụng các nguồn viện trợ và quản lý việc tiếp nhận, phân phối hàng viện trợ; theo dõi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chế độ và thể lệ đó.

Điều 3. Thành phần của Ban thống nhất quản lý viện trợ gồm có:

1. Ban lãnh đạo:

- Trưởng ban: đồng chí Vũ Tuân, Bộ trưởng Phủ thủ tướng;

- Phó trưởng ban:

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,

Đồng chí Đào Thiện Thi, Thứ trưởng Bộ Tài chính,

Đồng chí Nguyễn Chanh, Thứ trưởng Bộ Ngoại thương;

- Các Ủy viên:

Đồng chí Lê Toàn Thư, Phó trưởng Ban quốc tế nhân dân,

Đồng chí Hoàng Du, Phó chủ nhiệm Văn phòng Phủ thủ tướng,

Đồng chí Nguyễn Tu, Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước,

2. Bộ máy giúp việc ban: một tổ chuyên viên đặt tại Văn phòng Phủ thủ tướng.

Điều 4. Ban thống nhất quản lý viện trợ làm việc theo tính chất hội đồng. Đối với những vấn đề có liên quan đến các Bộ, các đoàn thể và các địa phương, Ban thống nhất quản lý viện trợ sẽ mời đại diện của các tổ chức đó tham gia bàn bạc.

Hàng tháng, ba tháng, sáu tháng, cuối năm và tùy theo sự cần thiết, Ban thống nhất quản lý viện trợ họp kiểm điểm, nhận định tình hình và đề ra phương hướng, biện pháp tranh thủ viện trợ cho thời kỳ tới, trình Thủ tướng Chính phủ xét duyệt.

Các thành viên của Ban thống nhất quản lý viện trợ sử dụng bộ máy của cơ quan mình để thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trong công tác nhận viện trợ và phối hợp với Văn phòng Phủ thủ tướng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc chức năng của cơ quan mình.

Điều 5. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các yêu cầu viện trợ và tham gia ý kiến với các ngành để lập các đề án về việc sử dụng các nguồn viện trợ, sau khi các dự án đã được  Chính phủ xét duyệt.

Bộ Ngoại giao và Ban quốc tế nhân dân (tùy theo tính chất của tổ chức viện trợ), tổ chức các cuộc tiếp xúc tìm hiểu, thăm dò các nguồn viện trợ và đàm phán, ký kết các văn kiện cần thiết về mặt đối ngoại. Tùy theo sự cần thiết, Ban thống nhất quản lý viện trợ, Ban tiếp nhận viện trợ và các ngành, các địa phương được sử dụng nguồn viện trợ có thể cử người tham gia các cuộc đàm phán, ký kết ấy với tư cách là chuyên viên.

Điều 6. Việc tiếp nhận, phân phối hàng viện trợ do một tổ chức chuyên trách thuộc Bộ Tài chính, với danh nghĩa Ban tiếp nhận viện trợ. Bộ phận này có trách nhiệm giúp Ban thống nhất quản lý viện trợ tổ chức việc thực hiện các phương thức viện trợ đã được xác nhận hoặc ký kết, chịu sự chỉ đạo về quản lý nghiệp vụ của Bộ Tài chính và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban thống nhất quản lý viện trợ về nội dung thực hiện việc tiếp nhận viện trợ.

Ban tiếp nhận viện trợ có tư cách pháp nhân ký hợp đồng về giao dịch với các cơ quan có liên quan đến việc tiếp nhận hàng viện trợ như kiểm nghiệm hàng hóa, vận chuyển hàng viện trợ về nước, v.v…

Chế độ về giao nhận, thanh toán hàng viện trợ áp dụng theo quy chế hàng nhập đã được quy định ở nghị định số 200-CP  ngày 31-12-1973 của Hội đồng Chính phủ. Ban thống nhất quản lý viện trợ căn cứ vào đặc điểm của công tác quản lý hàng viện trợ, có trách nhiệm nghiên cứu và đề nghị với Thủ tướng Chính phủ các điều quy định bổ sung và hướng dẫn cụ thể việc áp dụng nghị định này cho thích hợp.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 135-CP ngày 25-08-1967 và các văn bản trước đây về tổ chức quản lý viện trợ.

Điều 8. Các thành viên của Ban thống nhất quản lý viện trợ, các thủ trưởng các Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, Văn phòng Phủ thủ tướng có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 261-CP năm 1977 sửa đổi nhiệm vụ của Ban thống nhất quản lý viện trợ do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 261-CP
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/09/1977
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 14/09/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản