Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2601/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ CƠ QUAN THUẾ LẤY Ý KIẾN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN TRƯỚC KHI THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THUẾ QUA KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP CÒN VƯỚNG MẮC

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành luật quản lý thuế;

Căn cứ các Luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra;

Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Thanh tra - Tổng cục Thuế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy chế cơ quan thuế lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra đối với các trường hợp còn vướng mắc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1276/QĐ-TCT ngày 16/7/2015 của Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy chế giải quyết trước khi ký biên bản thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với những trường hợp có khả năng khiếu nại. Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp, Trưởng đơn vị thuộc cơ quan Thuế các cấp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế;
- Thanh tra Bộ Tài chính;
- Lưu VT, TTR (3b).

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Bùi Văn Nam

 

QUY CHẾ

VỀ VIỆC CƠ QUAN THUẾ LẤY Ý KIẾN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN TRƯỚC KHI THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THUẾ QUA KIỂM TRA ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG HỢP CÒN VƯỚNG MẮC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2601/QĐ-TCT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc cơ quan thuế lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các trường hợp sau:

1. Việc xác định nghĩa vụ thuế liên quan hoặc phụ thuộc các văn bản quy phạm pháp luật quản lý nhà nước chuyên ngành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Có khả năng khiếu nại về thuế trước khi thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra đối với người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan thuế xét thấy tính phức tạp, vướng mắc cần xin ý kiến để kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra đối với người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan thuế các cấp.

2. Người nộp thuế.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc cơ quan thuế lấy ý kiến tư vấn trước khi thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra gồm: Cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước có liên quan; tổ chức, cá nhân đại diện cho người nộp thuế; Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các hiệp hội doanh nghiệp; các tổ chức đại diện quyền lợi cho doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ quan thuế các cấp bao gồm: Tổng cục Thuế; Cục Thuế; Chi cục Thuế.

2. Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp bao gồm: Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế; Chi cục trưởng Chi cục Thuế.

3. Lãnh đạo cơ quan Thuế bao gồm: Tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng; Cục trưởng, phó cục trưởng; Chi cục trưởng, phó chi cục trưởng.

4. Các đơn vị thuộc cơ quan Thuế các cấp bao gồm: Các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế; các Phòng thuộc Cục Thuế; các Đội thuộc Chi cục Thuế.

5. Trường hợp thời hạn được tính bằng “ngày làm việc” thì tính theo ngày làm việc của cơ quan hành chính nhà nước trừ ngày nghỉ theo quy định.

6. Trước khi cơ quan thuế thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra là trước thời điểm cơ quan thuế ban hành kết luận thanh tra hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra theo quy định.

7. Lãnh đạo của Bộ phận thanh tra, kiểm tra được hiểu là cấp trên của trưởng đoàn thanh tra theo quyết định của người ra quyết định thanh tra hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra ở ba cấp của Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế.

Điều 4. Các trường hợp vướng mắc về cơ chế, chính sách thuế, hoặc có liên quan đến ngành, lĩnh vực chuyên môn khác phải lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Trường hợp có khả năng khiếu nại về thuế trước khi cơ quan thuế ban hành kết luận thanh tra, xử lý vi phạm hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra:

a) Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa rõ.

b) Trường hợp cơ quan thuế các cấp xử lý theo kiến nghị hoặc kết luận của các cơ quan chức năng nhưng người nộp thuế chưa thống nhất các căn cứ quy phạm pháp luật mà các cơ quan này kiến nghị xử lý.

c) Trường hợp người nộp thuế không ký biên bản kiểm tra, thanh tra do gặp phải vướng mắc về chính sách, chế độ trong quá trình thực hiện.

2. Trường hợp hồ sơ vụ việc đã chuyển cơ quan điều tra thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra và không áp dụng trình tự thủ tục theo hướng dẫn tại Quy chế này.

Điều 5. Các nguyên tắc lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Cơ quan thuế các cấp khi phát sinh các trường hợp vướng mắc có khả năng khiếu nại khi thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại Điều 4 Quy chế này lấy ý kiến cơ quan thuế cấp trên; cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp vướng mắc phát sinh tại Tổng cục Thuế thì lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan thuộc các Bộ; đối với vướng mắc phát sinh tại cơ quan thuế địa phương thì lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan cùng cấp (các Sở, Ban ngành ...) với cơ quan thuế giải quyết vụ việc. Đối với những vụ việc có vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách thuế hoặc liên quan đến lĩnh vực chuyên môn khác chưa được quy định hoặc quy định không rõ ràng thì cơ quan thuế địa phương báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan.

2. Cơ quan thuế các cấp khi lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan phải thu thập hồ sơ đầy đủ liên quan đến nội dung vướng mắc. Tại văn bản lấy ý kiến nêu rõ các nội dung gồm: Vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra; ý kiến của người nộp thuế (nếu có); căn cứ pháp lý để đề xuất hướng giải quyết vướng mắc; thời hạn đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan có văn bản trả lời.

Trường hợp, cơ quan thuế cấp dưới sau khi lấy ý kiến cơ quan tổ chức có liên quan còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan không có ý kiến đối với vướng mắc của cơ quan thuế thì tổng hợp, báo cáo thủ trưởng cơ quan thuế hoặc lấy ý kiến cơ quan thuế cấp trên (Chi cục Thuế lấy ý kiến Cục Thuế, Cục Thuế lấy ý kiến Tổng cục Thuế, Tổng cục Thuế lấy ý kiến Bộ Tài chính) xem xét quyết định.

3. Việc xin ý kiến của cơ quan thuế các cấp phải thực hiện ngay khi có phát sinh vướng mắc trong quá trình kiểm tra, thanh tra và phải đảm bảo theo đúng quy định về thời hạn theo quy định của pháp luật về kiểm tra, thanh tra.

Điều 6. Các hình thức lấy ý kiến tư vấn cơ quan, tổ chức có liên quan

1. Hình thức lấy ý kiến bằng văn bản là việc cơ quan thuế các cấp khi phát sinh vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra có văn bản để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong văn bản lấy ý kiến tham gia phải kèm theo đầy đủ hồ sơ có liên quan, nội dung vụ việc, quan điểm xử lý và thời hạn đề nghị tham gia ý kiến không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan thuế. Văn bản xin ý kiến tham gia phải được giao nhận trực tiếp có ký nhận hoặc chuyển qua đường bưu chính có hồi báo của bên nhận. Quá thời hạn trên, cơ quan thuế chưa nhận được ý kiến tư vấn thì cơ quan thuế có trách nhiệm gửi văn bản nhắc cơ quan, tổ chức có liên quan có ý kiến tư vấn kịp thời để cơ quan thuế có căn cứ thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra của người nộp thuế. Trường hợp sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đôn đốc mà cơ quan thuế không nhận được ý kiến tư vấn thì bộ phận được giao nhiệm vụ xử lý vướng mắc báo cáo Thủ trưởng cơ quan thuế cùng cấp hoặc lấy ý kiến cơ quan cấp trên xem xét quyết định.

2. Lấy ý kiến bằng hình thức cơ quan thuế tổ chức họp để lấy ý kiến trực tiếp của cơ quan, tổ chức có liên quan. Đối với hình thức lấy ý kiến tư vấn tổ chức họp đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan cử đúng người có trách nhiệm, chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến nội dung công việc mà cơ quan thuế đề nghị có ý kiến tư vấn. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm gửi tài liệu cho cơ quan tổ chức có liên quan trước khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến.

Các ý kiến tư vấn trực tiếp theo hình thức tổ chức họp được ghi nhận bằng biên bản. Trong biên bản ghi rõ địa điểm, thời gian, thành phần tham gia, ý kiến tư vấn của các cơ quan, tổ chức có liên quan; những nội dung đã được thống nhất, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau và có chữ ký của các bên tham dự họp.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THỜI HẠN CƠ QUAN THUẾ LẤY Ý KIẾN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ LIÊN QUAN

Điều 7. Trình tự, thời hạn thủ tục lấy ý kiến các nội dung vướng mắc phát sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra

1. Đối với các trường hợp vướng mắc phát sinh khi thanh tra, kiểm tra

a) Ban hành văn bản lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan:

- Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra: Trong phạm vi, quyền hạn của mình kịp thời báo cáo bằng văn bản với Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra, về các nội dung vướng mắc có khả năng khiếu nại về thuế để trình Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra phải có văn bản trình Lãnh đạo cơ quan lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Lãnh đạo cơ quan Thuế trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trình của Lãnh đạo bộ phận thanh tra, kiểm tra ký văn bản lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan.

Trong thời hạn thanh tra, kiểm tra theo quy định (kể cả trường hợp gia hạn thời gian thanh tra, kiểm tra), khi nhận được ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan về nội dung vướng mắc, Lãnh đạo cơ quan Thuế kịp thời yêu cầu Lãnh đạo Bộ phận thanh tra, kiểm tra đề nghị Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tổng hợp ý kiến tham gia để lập biên bản thanh tra, kiểm tra và thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý vi phạm về thuế đối với kiểm tra theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

b) Trường hợp sắp hết thời hạn thanh tra, kiểm tra theo quy định (kể cả trường hợp gia hạn thời gian thanh tra, kiểm tra) nhưng chưa nhận được ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan:

- Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện lập biên bản thanh tra, kiểm tra, ghi nhận thành mục riêng tại biên bản thanh tra, kiểm tra phần vướng mắc đang chờ lấy ý kiến. Đối với các nội dung còn lại Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thực hiện lập biên bản thanh tra, kiểm tra và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra để trình Lãnh đạo cơ quan Thuế xử lý theo đúng quy định và trình tự thủ tục về thanh tra, kiểm tra.

- Sau khi nhận được ý kiến tham gia chậm nhất 03 ngày làm việc, Người ra quyết định thanh tra, kiểm tra kịp thời yêu cầu Lãnh đạo Bộ phận thanh tra, kiểm tra đề nghị Trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra tổng hợp ý kiến tham gia để lập phụ lục biên bản với người nộp thuế, và tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.

Điều 8. Trách nhiệm của các đơn vị trong việc lấy ý kiến các nội dung vướng mắc của cơ quan thuế

1. Cơ quan thuế các cấp khi thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế hoặc cơ quan thuế ban hành quyết định xử lý về thuế đối với kiểm tra phát sinh các vướng mắc quy định tại Điều 4 Quy chế này có trách nhiệm kịp thời báo cáo Lãnh đạo cơ quan thuế để lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài nội dung vướng mắc cần lấy ý kiến, các nội dung khác cần được nhanh chóng giải quyết đảm bảo việc thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

2. Người nộp thuế được cơ quan thuế đang thanh tra, kiểm tra phải kịp thời giải trình vướng mắc để cơ quan, tổ chức có liên quan có cơ sở tham gia ý kiến.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Tổ chức thực hiện

Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp, Trưởng đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Thuế các cấp có trách nhiệm hướng dẫn, triển khai thực hiện Quy chế này trong phạm vi trách nhiệm của mình.

Điều 10. Báo cáo thực hiện

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Thủ trưởng cơ quan Thuế các cấp, Trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Thuế các cấp báo cáo Tổng cục Thuế (qua Vụ Thanh tra) nghiên cứu bổ sung, sửa đổi./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2601/QĐ-TCT năm 2016 quy chế cơ quan thuế lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan trước khi thực hiện kết luận thanh tra, xử lý vi phạm về thuế qua kiểm tra đối với trường hợp còn vướng mắc do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2601/QĐ-TCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2016
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Bùi Văn Nam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản