Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 04 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2018-2020 TRÊN ĐIẠ BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Xét đề nghị của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại Tờ trình số 82/TTr-PCTT ngày 13 tháng 12 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Kế hoạch số 81/KH-PCTT ngày 13 tháng 12 năm 2017 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn về kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp cùng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Các Thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- BCĐ TW về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia TKCN;
- Cục PCTT;
- Chi cục PCTT KV Miền Nam;
- TT.TU, TTHĐND tỉnh (thay b/c);
- Chủ tịch, các phó CT. UBND tỉnh;
- Ban LĐVP;
- TT. TTĐT;
- Phòng NCTH, KT (NKL);
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Lập

 

UBND TỈNH BẾN TRE
BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-PCTT

Bến Tre , ngày 13 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2018 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Công văn số 5080/BNN-TCTL ngày 20 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương,

Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Bến Tre  giai đoạn 2018 - 2020 với những nội dung sau:

Phần 1

MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ CƠ SỞ LẬP KẾ HOẠCH

I. Mục đích, yêu cầu

1. Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả.

2. Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật.

3. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) góp phần nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; kịp thời chi viện cho các địa phương trong công tác ứng phó thiên tai, lụt bão và cứu nạn, cứu hộ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

4. Tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai và tác động của nó đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân; Nâng cao nhận thức cộng đồng trong “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

5. Lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai.

II. Cơ sở lập Kế hoạch

1. Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai số 33/2013/QH13 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2013 và các văn bản có liên quan.

2. Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

3. Căn cứ Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về Cấp độ rủi ro thiên tai.

4. Căn cứ Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai.

5. Căn cứ Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 26/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

6. Căn cứ Thông tư số 05/2016/TT-BKHĐT ngày 06/6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội.

7. Căn cứ Quyết định số 1857/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 8 năm 2014 của Bộ tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả phân vùng bão và xác định nguy cơ bão, nước dâng do bão cho khu vực ven biển Việt Nam.

8. Căn cứ Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre  về việc phê duyệt Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Bến Tre .

9. Căn cứ Quyết định số 2517/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre .

10. Căn cứ Quyết định số 854/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

11. Căn cứ Kế hoạch số 76/KH-PCTT ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre  về việc Phòng, chống thiên tai giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre .

12. Kế hoạch số 4712/KH-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Bến Tre năm 2018.

13. Căn cứ Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão của Trung ương ban hành và chuyển giao năm 2016 theo 05 kịch bản:

- Kịch bản 1 : Bão cấp 13, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 2: Bão cấp 12, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 3 : Bão cấp 11, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 4: Bão cấp 10, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 5 : Bão cấp 10, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,3m.

Phần 2

NHẬN ĐỊNH, PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH

I. Đặc điểm tự nhiên, dân sinh, kinh tế - xã hội

1. Đặc điểm tự nhiên

Bến Tre là một tỉnh ven biển, nằm ở phía Đông Đông Nam Đồng bằng sông Cửu Long, giữa hạ lưu các sông Tiền, Ba lai, Hầm Luông và sông Cổ Chiên; diện tích tự nhiên 236.020 ha; phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65 km. Bốn con sông lớn: Tiền, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên bao bọc và chia Bến Tre thành ba phần: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh.

- Điểm cực Nam nằm trên vĩ độ 9°48’ Bắc.

- Điểm cực Bắc nằm trên vĩ độ 10°20’ Bắc.

- Điểm cực Đông nằm trên kinh độ 106°48’ Đông.

- Điểm cực Tây nằm trên kinh độ 105°57’ Đông.

Toàn Tỉnh được chia thành 9 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm 1 thành phố Bến Tre là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh và 8 huyện, với 164 xã, phường, thị trấn.

Do ảnh hưởng giao thoa giữa Sông và Biển nên địa hình tỉnh Bến Tre mang tính chất đồng bằng ven biển, địa hình nhìn chung bằng phẳng và có khuynh hướng thấp dần từ hướng Tây Bắc xuống Đông Nam với những giồng cát hình cánh cung trên địa bàn ven biển được hình thành chủ yếu qua quá trình bồi lắng trầm tích biển; độ cao trung bình khoảng từ 1,0 - 2,0m.

Tổng diện tích đất: 235.981 ha. Trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 143.980 ha (chiếm 61,01%); đất lâm nghiệp 7.055 ha (chiếm 2,99%); đất chuyên dùng 10.627 ha (chiếm 4,5%); đất ở 7.728 ha (chiếm 3,27%).

2. Đặc điểm dân sinh, kinh tế - xã hội

Dân số toàn tỉnh là 1.262.035 người, mật độ dân số là 535 người/km2. Trong đó:

- Chia theo giới tính: Nam 618.841 người, Nữ 643.194 người.

- Chia theo thành thị, nông thôn: thành thị 126.840 người (chiếm 10,05%); Nông thôn 1.135.195 người (chiếm 89,95%).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 770.296 người. Trong đó:

- Chia theo giới tính: Nam 399.689 người, Nữ 370.607 người.

- Chia theo thành thị, nông thôn: thành thị 72.104 người; Nông thôn 698.192 người.

Kinh tế tỉnh Bến Tre phát triển với cơ cấu Nông nghiệp - Thương mại Dịch vụ và Công Nghiệp, trong đó Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế, với trọng tâm là phát triển kinh tế vườn (dừa, cây ăn trái) và kinh tế biển (nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản).

Cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh: nông nghiệp 42,9%; công nghiệp và xây dựng 20,8%; dịch vụ 36,3%.

II. Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai trong những năm qua

1. Lịch sử thiên tai trên địa bàn tỉnh

Giai đoạn từ năm 1998 đến nay, tỉnh Bến Tre đã chịu ảnh hưởng bởi các loại hình thiên tai: Bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ); Giông, lốc xoáy; Hạn hán và xâm nhập mặn; Lũ và triều cường; Sạt lở bờ sông, bờ biển,... Hàng năm, các loại hình thiên tai nói trên đã gây tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

1.1. Bão

Tỉnh Bến Tre thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên ít bị ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới. Theo thống kê trong những năm gần đây, các cơn bão hoạt động trên biển Đông diễn biến không theo quy luật vốn có và đang có xu hướng dịch chuyển sự ảnh hưởng xuống phía Nam, số các cơn bão mạnh xuất hiện ngày càng nhiều với những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; đáng chú ý gần đây nhất là siêu bão Haiyan năm 2013.

Theo số liệu thống kê, bão, áp thấp nhiệt đới đã làm chết 19 người, 671 người bị thương, 26.679 căn nhà ở bị sập, 93.589 căn nhà ở bị hư hỏng, tốc mái,... Ước tổng thiệt hại khoảng 3.224 tỷ đồng. Trong đó, cơn bão số 9 - Durian năm 2006 đã đổ bộ trực tiếp vào đất liền tỉnh Bến Tre và gây thiệt hại trên 3.182,0 tỷ đồng.

1.2. Giông, lốc xoáy

Đây là một một hiện tượng khí tượng nguy hiểm và rất khó phòng tránh. Hàng năm, giông lốc thường xảy ra và mùa mưa gây thiệt hại rất lớn đến tính mạng và tài sản của người dân (chủ yếu gây sập, tốc mái nhà ở).

Theo số liệu thống kê, lốc xoáy đã làm 77 người bị thương, 346 căn nhà ở bị sập, 1.531 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái,... Ước tổng thiệt hại khoảng 52 tỷ đồng.

1.3. Hạn và xâm nhập mặn

Thường xảy ra hàng năm vào mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 6 năm sau. Có 3 nguyên nhân chính:

+ Dòng chảy kiệt trên sông Tiền (lượng nước ngọt mùa khô) ở mức thấp (lũ thượng nguồn không xảy ra).

+ Sự xuất hiện gió chướng nhiều đợt trong mùa khô và mỗi đợt trên 5 ngày.

+ Thủy triều biển Đông vào những ngày mùa khô ở mức cao.

Sự tác động mạnh mẽ và đồng bộ của 3 nguyên nhân trên hàng năm xâm nhập mặn sâu, ranh mặn 4 ‰ trên các sông chính cách cửa sông khoảng 50 - 70 km.

Đặc biệt là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khô năm 2016 diễn biến hết sức gay gắt, khốc liệt, mặn xuất hiện sớm hơn khoảng 02 tháng và xâm nhập ở mức rất sâu, độ mặn đo được tại các trạm ở mức cao hơn rất nhiều so với lịch sử quan trắc. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập sâu cách các cửa sông từ 50-70km và ranh mặn 1‰ hầu như đã bao trùm trên phạm vi toàn tỉnh (thời điểm mặn diễn biến gay gắt nhất là vào tháng 3/2016 toàn chỉ còn lại 02 xã Vĩnh Bình và Phú Phụng thuộc huyện Chợ Lách là có khả năng lấy được nước ngọt).

Theo số liệu thống kê, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng 45.482 ha lúa, 5.639ha hoa màu, 71.819 ha cây ăn trái, 7.853 ha nuôi trồng thủy sản,... Ước tổng thiệt hại khoảng 1.695 tỷ đồng.

Đầu năm 2016, hạn hán, xâm nhập mặn đã gây thiệt hại: 20.356 ha lúa; 458 ha hoa màu; 151.357 cây giống; 5.240 ha cây ăn trái; 1.302 ha cây công nghiệp; 1.380.115 cây hoa kiểng các loại; 1.783 ha thủy sản; 41.325 hộ dân bị thiếu nước ngọt,... Chỉ ước tính giá trị thiệt hại của ngành nông nghiệp do hạn mặn năm 2016 đã lên đến 1.497 tỷ đồng.

1.4. Triều cường

Tỉnh Bến Tre chủ yếu bị ảnh hưởng bởi triều cường kết hợp với lũ thượng nguồn đổ về, hoặc kết hợp do mưa bão, ATNĐ, làm cho việc tiêu thoát nước chậm gây ngập úng.

Do địa hình của Bến Tre có nhiều sông rạch nên phạm vi ảnh hưởng của triều cường là tương đối lớn như các xã đầu nguồn của huyện Chợ Lách và Châu Thành, nhất là các cồn trên sông; triều cường gây ngập úng cục bộ, sạt lở đê bao, hư hỏng đường giao thông, thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp (đặc biệt vườn cây ăn trái) và nhiều công trình khác.

Theo số liệu thống kê, triều cường đã làm 7.806 căn nhà bị ngập, gây ảnh hưởng đến 539 ha lúa, 5.900 ha cây ăn trái, 238 ha nuôi trồng thủy sản, sạt lở 60km đê bao,... Ước thiệt hại khoảng 84 tỷ đồng.

1.5. Sạt lở bờ sông, bờ biển

Do đặc điểm địa hình của tỉnh có hệ thống sông ngòi dày đặc, bờ biển dài dẫn đến thường xuyên chịu ảnh hưởng sạt lở. Theo kết quả rà soát, thống kê của các địa phương, trong khoảng thời gian từ 5 năm trở lại đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn, gây thiệt hại lớn đối với sản xuất, dân sinh. Cụ thể như sau:

a) Sạt lở bờ sông: tổng chiều dài khoảng 114,5 km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Trong đó: sông Hàm Luông 50,0 km; sông Tiền 11,0 km; sông Cửa Đại 2,3 km; sông Cổ Chiên 20,7 km; sông Ba Lai 1,3 km; kênh Giao Hòa 3,1 km và 26,1 km đê bao nội đồng, bờ bao cục bộ, đường giao thông nông thôn,...

Theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, sạt lở bờ sông ở mỗi khu vực có nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân chủ yếu, thứ yếu như sau:

- Thứ nhất là do các bậc thang thủy điện trên thượng nguồn đã làm thay đổi dòng chảy (chủ yếu là phân bố theo thời gian ) và giảm khối lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn khoảng 25 -35% so với trước đây dẫn đến xói lở sẽ gia tăng do thiếu hụt lượng bùn cát trong lòng dẫn.

- Do đặc điểm hình thái sông (các đoạn sông cong, các sông rạch bị chia cắt nhiều,...) tạo ra hiện tượng dòng chảy xoáy, co hẹp dòng chảy,.... gây xói lòng sông.

- Việc xây dựng nhà và công trình lấn sông rạch làm tải trọng ven bờ sông tăng lên, đất bờ sông yếu không chịu được tải trọng lớn gây sạt lở bờ.

- Sóng do gió, do giao thông thủy gây xói lở bờ sông.

- Khai thác cát gây mất cân bằng bùn cát cũng là một trong những nguyên nhân gây xói lở bờ sông.

b) Sạt lở bờ biển: tổng chiều dài khoảng 19 km đã làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 03 huyện ven biển. Trong đó: huyện Ba Tri chiều dài sạt lở khoảng 4,0km làm mất khoảng 45 ha đất và 09 ha rừng phòng hộ; huyện Thạnh Phú chiều dài sạt lở khoảng 10,0km làm mất khoảng 56 ha đất và 37 ha rừng phòng hộ; huyện Bình Đại chiều dài sạt lở trên 5,0km làm mất khoảng 100 ha đất và 08 ha rừng phòng hộ.

2. Những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai trong tỉnh

Các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai là: 03 huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; khu vực ven sông và các cồn trên sông thuộc các huyện: Giồng Trôm, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc và Chợ Lách.

3. Đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trong những năm qua

3.1. Những kết quả đạt được

Công tác củng cố, kiện toàn. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai (kế hoạch thực hiện phương châm 4 tại chỗ, kế hoạch sơ tán di dời dân,...) trong những năm qua đã được các ngành, các cấp địa phương quan tâm thực hiện.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, đồng thời tận dụng mọi nguồn lực để thực hiện công tác tuyên truyền, tập huấn đã từng bước nâng cao năng lực cán bộ của chính quyền địa phương các cấp và nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Công tác diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, vai trò trách nhiệm, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong ứng phó với tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra trên địa bàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre được sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, Ngành Trung ương đã đầu tư xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai như: nâng cấp được 61,526 km đê biển thuộc 03 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; đầu tư xây dựng 02 khu neo đậu tàu thuyền thuộc huyện Bình Đại và Thạnh Phú và các nhà tránh bão tại 03 huyện ven biển,.... đồng thời hệ thống đê sông, đê cục bộ, khu vực và các cống dưới đê được đầu tư, xây dựng trong thời gian qua đã phát huy tác dụng trong việc ngăn triều cường và xâm nhập mặn góp phần rất lớn trong việc phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân.

3.2. Khó khăn, hạn chế

Hầu hết cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai tại các cấp địa phương đều kiêm nhiệm, công việc chuyên môn nhiều nên thời gian dành cho công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế.

Còn một bộ phận người dân chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, chưa phối hợp trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương.

Kinh phí phục vụ công tác phòng chống thiên tai của tỉnh còn hạn chế dẫn đến một số khó khăn trong việc trang bị cơ sở vật chất phục vụ văn phòng thường trực Ban Chỉ huy các cấp; các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực chính quyền địa phương các cấp và nhận thức người dân còn hạn chế,…; mua sắm vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ.

Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa khép kín, các tuyến đê biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống dưới đê và nhiều tuyến đê sông, đê cục bộ và khu vực sau khi xây dựng đưa vào khai thác sử dụng đến nay cao trình hiện trạng và bề rộng mặt đê đã giảm so với thiết kế,... Từ những hạn chế nêu trên kết hợp với đặc điểm địa hình tỉnh Bến Tre có nhiều sông ngòi chằn chịt, tình hình sạt lở bờ sông diễn biến ngày nghiêm trọng hơn,... dẫn đến khả năng phòng chống, ứng phó với triều cường, bão của hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong tình huống bão mạnh, siêu bão.

III. Nhận định, phân tích tình hình

1. Các loại hình thiên tai có khả năng gây ảnh hưởng đến tỉnh Bến Tre

Gió mạnh trên biển, áp thấp nhiệt đới, bão, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng, ngập lụt, lốc, sét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy.

2. Nhận định tình hình thiên tai trong thời gian tới

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong thời gian tới tình hình bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng sẽ gia tăng về cường độ, số lượng, mùa mưa bão diễn biến không theo quy luật, đường di chuyển của bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn có khả năng diễn biến ngày càng gay gắt, khốc liệt hơn do nước biển dâng và lượng dòng chảy từ sông MêKông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt.

Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển do ảnh hưởng của triều cường, sự thay đổi dòng chảy vẫn tiếp diễn.

3. Phân tích tác động của thiên tai

3.1. Đối với bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc và sét

a) Khu vực có khả năng bị ảnh hưởng: các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là 03 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú; khu vực ven sông, ngoài đê và các cồn.

b) Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc và sét có thể gây ra các thiệt hại sau:

- Thiệt hại về người: do các mảnh vỡ bị thổi bay; các công trình, nhà bị sập đổ hoặc bị nước cuốn trôi có thể gây thương tích về người; người chết do sét đánh; ngư dân hoạt động trên biển bị sóng to, gió lớn đánh chìm; do không có đủ lương thực dự trữ hoặc không được tiếp tế lương thực,...

- Thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng: nhà ở, các công trình công cộng (trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi,...) bị hư hỏng, hoặc bị phá hủy do gió lốc; tàu thuyền đánh bắt hải sản bị chìm hoặc hư hỏng;...

- Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: gió lốc và mưa có thể gây thiệt hại trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; đất sản xuất nông nghiệp bị ô nhiễm;...

- Gió lốc có thể làm gãy, đổ cột, đường dây điện, đường dây thông tin liên lạc, gây gián đoạn thông tin và mất điện ở các khu vực bị ảnh hưởng.

- Giao thông có thể bị gián đoạn do cây cối ngã đỗ, các cầu giao thông bị đổ sập,...

- Thiệt hại lĩnh vực cấp nước sinh hoạt: gây hư hại các công trình cấp nước và ô nhiễm nguồn nước,...

- Mưa bão có thể gây hư hỏng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm dự trữ,...

- Đặc biệt là yếu tố nước dâng do bão sẽ làm gia tăng các rủi ro thiên tai.

3.2. Đối với nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn

a) Khu vực có khả năng bị ảnh hưởng: các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là 03 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

b) Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn có thể gây ra các thiệt hại sau:

- Gây khan hiếm nguồn nước ngọt phục vụ ăn uống, sinh hoạt và sản xuất.

- Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do thiếu nước, nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc do dịch bệnh; đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn,...

- Gây thiếu lương thực, ảnh hưởng sức khỏe người dân đặc biệt là đối với trẻ em và người già;

- Làm giảm thu nhập của người nông dân; tăng giá lương thực, nguyên liệu; gây ra tình trạng thất nghiệp,...

3.3. Đối với ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy

a) Khu vực có khả năng bị ảnh hưởng: các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là sạt lở bờ sông ở các huyện đầu nguồn Chợ Lách, Châu Thành; các cồn; khu vực bờ biển thuộc 03 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

b) Ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy có thể gây ra các thiệt hại sau:

Thiệt hại về người: do chết đuối, ngập lụt có thể gây ra dịch bệnh do ô nhiễm nguồn nước.

- Thiệt hại về cơ sở vật chất, hạ tầng: nhà ở, các công trình công cộng (trụ sở cơ quan, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi,...) bị hư hỏng do ngập lụt hoặc do sạt lở.

- Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

- Thiệt hại lĩnh vực cấp nước sinh hoạt: gây hư hại các công trình cấp nước và ô nhiễm nguồn nước,...

- Gây sạt lở bờ sông, bờ biển, mất đất của người dân và diện tích rừng phòng hộ,...

4. Các yếu tố dễ bị tổn thương

- Con người: trên địa bàn tỉnh có khoảng 8,59% hộ nghèo (khoảng 28.000 hộ); các hộ dân sống ở khu vực ven sông, ngoài đê, khu vực các cồn,...; ngư dân đánh bắt trên biển; người dân sống trong các khu vực khan hiếm nước ngọt và không có hệ thống cấp nước;...

- Các nhà tạm, bán kiên cố; công trình công cộng bị hư hỏng, xuống cấp.

- Khoảng 5.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó trên 2.000 tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

- Chưa có hệ thống cấp cho dân cư khu vực Cù lao Minh (các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú) trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa khép kín, nhất là dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre (các cống Giao Hòa, Bến Tre , Bến Rớ, Tân Phú, Cái Quao,...); Dự án Nam Bến Tre ;... dẫn đến hàng năm tỉnh thường xuyên chịu tác động của xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

- Nhiều tuyến đê sông, đê cục bộ và khu vực sau khi xây dựng đưa vào khai thác sử dụng đến nay cao trình hiện trạng và bề rộng mặt đê đã giảm so với thiết kế do ảnh hưởng sạt lở.

- Các tuyến đê biển chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống cống dưới đê: tuyến đê biển huyện Bình Đại còn 06 vị trí cống; tuyến đê biển huyện Thạnh Phú còn 06 vị trí cống; tuyến đê biển huyện Ba Tri còn 09 vị trí cống. Riêng tuyến đê biển huyện Ba Tri chưa được củng cố nâng cấp theo Quyết định 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

- Tình hình sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong những năm gần đây diễn biến rất trọng, làm mất rừng phòng hộ, đây là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến an toàn của các tuyến đê biển và khả năng phòng chống bão, áp thấp nhiệt đới. Bờ sông bị sạt lở dẫn đến nhiều tuyến đê bao bị sạt lở mái đê, thân đê và hành lang bảo vệ của hầu hết các tuyến đê sông, đê cục bộ ngày càng bị thu hẹp, thậm chí sạt lở sát chân đê,... do đó hàng năm phải thực hiện biện pháp lăn đê vào trong.

- Hầu hết những khu vực được khuyến cáo không sản xuất vụ Đông Xuân gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang cây trồng khác do không có nguồn nước ngọt gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và thiếu nguồn thức ăn phục vụ cho chăn nuôi.

- Theo kết quả tổng hợp, đánh giá về năng lực của các điểm tiếp nhận so với số lượng người cần sơ tán khi có tình huống bão cấp 13, kết hợp với yếu tố nước dâng do bão (theo Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão của Trung ương ban hành) thì năng lực các điểm tiếp nhận sơ tán của tỉnh không đảm bảo nhu cầu: còn khoảng 2.500 người trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nước dâng do bão không còn nơi để bố trí sơ tán đến.

5. Đánh giá năng lực phòng chống, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh

5.1. Nhân lực

a) Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp địa phương đã được tổ chức, kiện toàn theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

b) Lực lượng huy động phòng chống, ứng phó khi có thiên tai xảy ra:

- Lực lượng cấp tỉnh:

+ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh: 432 người. Ngoài ra Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hiệp đồng với các đơn vị bạn, cấp trên để hỗ trợ lực lượng ứng cứu khi có tình huống xảy ra: Quân đoàn 4 - Sư đoàn 9: 350 người; các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 9: 703 người.

+ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: 165 người.

+ Các lực lượng khác: 751 người.

- Lực lượng cấp huyện, thành phố:

+ Ban chỉ huy Quân sự các huyện, thành phố: 9.266 người.

+ Công an: 1.736 người.

+ Bộ đội Biên phòng: 269 người.

+ Y tế: 1.759 người.

+ Hội Chữ thập đỏ: 1.389 người.

+ Hội Phụ nữ: 5.445 người.

+ Thanh niên tình nguyện: 2.866 người.

+ Dân quân tự vệ: 2.913 người.

- Và một số lực lượng khác.

(Chi tiết kèm theo Phụ lục 1)

5.2. Phương tiện, trang thiết bị

Các phương tiện, trang thiết bị huy động phục vụ công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai:

- Phương tiện phục vụ công tác sơ tán dân: Phương tiện giao thông bộ (xe khách 16-30 chỗ, xe Hoa Lâm, mô tô,...): 1.530 chiếc; Phương tiện giao thông thủy (Tàu, ghe, ca nô,...): 2.878 chiếc.

- Phương tiện phục vụ bảo vệ các công trình trọng điểm (xe ben, máy đào, xáng dây,...): 862 chiếc.

(Chi tiết kèm theo Phụ lục 2)

5.3. Vật tư, lương thực, nhu yếu phẩm

Vật tư, lương thực, nhu yếu phẩm được dự trữ tại các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tại địa phương,...

+ Gạo: 2.502 tấn.

+ Lương khô: 45 tấn.

+ Xăng dầu các loại: 2.366 m3.

Và các nhu yếu phẩm cần thiết khác.

(Chi tiết kèm theo Phụ lục 3)

5.4. Khu neo đậu cho tàu cá

Tỉnh đã đầu tư xây dựng 02 khu neo đậu cho tàu cá: khu neo đậu huyện Bình Đại (trên rạch Bình Châu thuộc xã Bình Thắng) có sức chứa khoảng 1.000 tàu có công suất từ 60 - 600 CV; khu neo đậu huyện Thạnh Phú (trên vàm Eo Lói thuộc xã Giao Thạnh) có sức chứa 1.000 tàu có công suất từ 60 - 600 CV; các điểm neo đậu trên sông, rạch,...

5.5. Cơ sở hạ tầng, công trình phòng chống thiên tai

a) Giáo dục: toàn tỉnh có khoảng 357 trường học/159 xã, phường, thị trấn với 5.621 phòng học. Trong đó: có 3.714 phòng học kiên cố.

b) Y tế: tổng số cơ sở y tế 188 cơ sở với 3.800 giường bệnh và 3.223 bác sĩ, y sĩ, y tá,... 100% xã, phường, thị trấn có cơ sở y tế. Trong đó: 9,8% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế.

c) Hệ thống thông tin liên lạc: hệ thống thông tin liên lạc, truyền thanh trên địa bàn tỉnh đã được nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa; hệ thống truyền thanh, điện thoại không dây và có dây đã được phủ khắp các xã, phường, thị trấn, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT đến các cấp các ngành và mọi người dân. Theo phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành Viễn thông tỉnh, với phương châm “ Đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cho các cấp chính quyền địa phương trong mọi tình huống”, ngành đã chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu sử dụng cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh, kể cả các máy điện thoại vệ tinh, cáp quang, vô tuyến lưu động dự phòng khi tình huống xấu xảy ra. Ngoài ra, các đơn vị trên địa bàn, như: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và Điện lực Bến Tre đều sẵn sàng các thiết bị thông tin liên lạc vô tuyến dự phòng phối hợp đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.

d) Giao thông: hệ thống giao thông trong tỉnh đã được cải thiện với các tuyến giao thông chính, như: Quốc lộ 57, 60; tỉnh lộ 882, 883, 884, 885, 886, 887. Theo phương án ứng phó của ngành Giao thông tỉnh, ngoài việc đảm bảo an toàn các công trình giao thông phục vụ PCTT và TKCN khi có bão mạnh, siêu bão xảy ra trên địa bàn, nhất là các trục giao thông huyết mạch từ vùng ven biển vào sâu trong đất liền, các bến tàu, bến phà...ngành còn huy động trên 3.000 phương tiện vận chuyển thủy, bộ và thiết bị chuyên dụng khác của Sở và các địa phương để phục vụ công tác sơ tán dân và phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

e) Công trình thủy lợi: đã thực hiện đầu tư 61,526km đê biển, trong đó có 30,5km đê biển đã được củng cố, nâng cấp theo Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ với cao trình +4,0m, bề rộng mặt đê 8,0m; 469km đê bao, bờ bao cục bộ,... các công trình cống đầu mối: cống đập Ba Lai và các cống ngăn mặn, trữ ngọt,...

f) Cấp nước sinh hoạt: Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 58.000 hộ dân khu vực thành thị; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý khai thác 42 nhà máy nước phục vụ cấp nước cho khoảng 54.320 hộ dân khu vực nông thôn.

5.6. Nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ thiên tai

Trong những năm qua, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai đã tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, đồng thời tận dụng mọi nguồn lực để thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng,... đã giúp người dân nâng cao nhận thức, có chuyển biến tích cực trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai.

Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận người dân còn chủ quan, trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, chưa phối hợp trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng chống thiên tai tại địa phương.

Phần 3

KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ VÀ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ THIÊN TAI

I. Các hoạt động phòng ngừa thiên tai

1. Giải pháp phi công trình

- Hàng năm tổ chức rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên.

- Tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các cấp địa phương theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai và Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

- Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; nghiên cứu các loại cây, con giống thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Rà soát, có kế hoạch di dời dân cư vùng có rủi ro thiên tai rất cao.

- Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai;

- Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; kịp thời ban hành các công văn thông báo, cảnh báo thiên tai;

- Tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai.

- Triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 2016-2020 của tỉnh theo Kế hoạch số 5944/KH-UBND ngày 13/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre với kinh phí 19,8 tỷ đồng.

- Triển khai Chương trình hành động và Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre .

- Tăng cường công tác bảo vệ, khôi phục và trồng mới rừng phòng hộ.

- Triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh theo quy định.

2. Giải pháp công trình

Từng bước đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; xây dựng nhà tránh trú bão; kiên cố hóa trường học; công trình cấp nước; các khu tái định cư;...

Trong đó, dự kiến đầu tư một số dự án, công trình thủy lợi, cấp nước như sau:

- Thực hiện đầu tư các công trình thủy lợi nội đồng để ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ sản xuất; nâng cấp, sửa chữa đê bao tạm vùng cây ăn quả, các cống và nạo vét kênh mương,... với kinh phí: 132 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn lưu vực cống Thủ Cửu và cống Thủ Cửu với kinh phí 460 tỷ đồng.

- Đầu tư Dự án Nam Bến Tre: bổ sung thêm các cống: Giồng Luông, Cái Hàn, Cái Lân, Vàm Mơn,...) với kinh phí 399 tỷ đồng.

- Đầu tư Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre - Dự án Jica (các cống: Giao Hòa, Bến Tre, Bến Rớ, Tân Phú, Cái Quao, vàm Nước trong, vàm Thơm) giai đoạn đến năm 2023 với kinh phí 5.273 tỷ đồng.

- Đầu tư Dự án hỗ trợ hạ tầng bảo vệ gây bồi, tạo bãi rừng phòng hộ giai đoạn 2018-2020 với kinh phí 92 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng các công trình xử lý, khắc phục sạt lở cấp bách: Xây dựng kè chống xói lở 03 km hai bên bờ sông Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, kinh phí 250 tỷ đồng; Gây bồi tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ bờ biển Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri và cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, kinh phí 190 tỷ đồng; Kè chống sạt lở hai bên bờ sông Giao Hòa đoạn tiếp giáp sông Ba Lai, huyện Châu Thành, huyện Bình Đại, kinh phí 65 tỷ đồng.

- Đầu tư xây dựng các công trình cấp nước phục vụ dân sinh:

+ Xây dựng hồ chứa nước ngọt tại 03 huyện ven biển với kinh phí 290 tỷ đồng.

+ Hỗ trợ dụng cụ chứa nước cho 25.000 hộ nghèo không có điều kiện trang bị với kinh phí 25 tỷ đồng.

+ Trang bị Máy lọc nước mặn thành nước ngọt công suất khoảng 6m3/ngày đêm với kinh phí 14 tỷ đồng.

+ Đầu tư Dự án cấp nước cho dân cư khu vực Cù lao Minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng với kinh phí 753 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre đến năm 2020 cũng góp phần rất lớn trong việc nâng cao năng lực trong phòng chống, ứng phó thiên tai ở các lĩnh vực như: giao thông, điện, trường học, y tế, nhà ở, bưu điện, môi trường,...

3. Công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai

Xây dựng phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể.

Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai.

Tổ chức thường trực, cập nhật thông tin diễn biến thiên tai; tổ chức dự báo, cảnh báo thiên tai.

Tổ chức và tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập kỹ năng phòng, chống thiên tai.

II. Các hoạt động ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai

1. Cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ

Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định cho từng loại thiên tai căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai; cấp độ rủi ro thiên tai được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, làm cơ sở cho việc phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với thiên tai.

Rủi ro thiên tai được phân thành 05 cấp tăng dần về mức độ rủi ro, bao gồm: Cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3, cấp độ 4 và cấp độ 5 (tình trạng khẩn cấp về thiên tai). Cụ thể:

- Đối với áp thấp nhiệt đới và bão: có 3 cấp, thấp nhất là cấp 3 và cao nhất là cấp 5.

- Đối với gió mạnh trên biển: có 3 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 3.

- Đối với nắng nóng: có 3 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 3.

- Đối với hạn hán: có 4 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 4.

- Đối với xâm nhập mặn: có 2 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 2.

- Đối với ngập lụt, nước dâng: có 5 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 5.

- Đối với lốc, sét: có 2 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 2.

- Đối với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy: có 2 cấp, từ cấp độ 1 đến cấp độ 2.

2. Phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai

Căn cứ vào cấp độ rủi ro thiên tai được công bố cùng nội dung bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp địa phương thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Cụ thể như sau:

2.1. Phân cấp trực tiếp chỉ huy ứng phó theo các cấp độ rủi ro thiên tai

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã, phường thị trấn: có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy ứng phó trong trường hợp rủi ro thiên tai cấp độ 1 trên địa bàn phụ trách.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, thành phố: có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy ứng phó trong trường hợp rủi ro thiên tai cấp độ 1 xảy ra trong phạm vi từ hai xã trở lên hoặc khi nhận được yêu cầu trợ giúp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh: có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai ứng phó trong trường hợp rủi ro thiên tai cấp độ 2.

- Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai chỉ đạo các địa phương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai; quyết định các biện pháp cấp bách và huy động nguồn lực theo thẩm quyền để hỗ trợ các địa phương ứng phó thiên tai khi có yêu cầu trong trường hợp rủi ro thiên tai cấp độ 3.

- Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương liên quan triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trong trường hợp rủi ro thiên tai cấp độ 4.

2.2. Trách nhiệm trong ứng phó thiên tai

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp chủ động huy động các nguồn lực theo thẩm quyền (nhân lực, vật tư, trang thiết bị, phương tiện,...) và triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai trên địa bàn.

- Tuân thủ sự chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan cấp trên.

- Hướng dẫn và tổ chức sơ tán người đến nơi an toàn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố quyết định tổ chức cưỡng chế sơ tán trường hợp tổ chức, cá nhân không tự giác chấp hành chỉ đạo, chỉ huy, hướng dẫn sơ tán phòng, tránh thiên tai vì mục đích an toàn cho người dân.

- Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó phải kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên để được hỗ trợ.

3. Căn cứ vào các loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, các ngành, các cấp địa phương quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp ứng phó phù hợp theo quy định tại Điều 26 Luật Phòng, chống thiên tai và các biện pháp sau đây:

3.1. Phương án phòng, chống, ứng phó với gió mạnh trên biển, áp thấp nhiệt đới và bão

Triển khai thực hiện theo Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Bến Tre được ban hành tại Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre bao gồm:

- Kế hoạch sơ tán dân tránh bão, nước dâng do bão trên cơ sở Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão của Trung ương ban hành và chuyển giao năm 2016 theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc rà soát, cập nhật Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão đính kèm.

- Kế hoạch đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; (Chi tiết kèm theo Phụ lục 4)

- Kế hoạch bảo vệ các công trình phòng chống thiên tai và công trình trọng điểm;

- Kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc;

- Kế hoạch huy động nguồn nhân lực, phương tiện ứng phó;

- Kế hoạch dự trữ vật tư, lương thực, nhu yếu phẩm.

3.2. Phương án phòng, chống, ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức xây dựng kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn ngay từ cuối năm trước để chuẩn bị phòng chống, ứng phó cho năm tiếp theo, đồng thời tổ chức triển khai kế hoạch đến các xã, phường, thị trấn. Trong đó cần tập trung thực hiện một số biện pháp phòng chống, ứng phó cụ thể như sau:

a) Phương án quản lý, vận hành công trình thủy lợi:

Quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát, trong đó cần ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao và các khu công nghiệp khi hạn hán xảy ra.

Thường xuyên kiểm tra kênh mương nội đồng, kiểm tra các cống và bờ bao, kịp thời sửa chữa nếu có xảy ra hư hỏng đột xuất; thực hiện nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, khơi thông dòng chảy; đắp đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt.

Đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt tại 03 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.

Thống nhất với chính quyền địa phương (cấp huyện, xã) để có kế hoạch vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra.

Đối với các hệ thống công trình đã được đầu tư khép kín: chú trọng việc vận hành các cửa cống theo hướng tăng cường trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt; thường xuyên kiểm tra các cửa cống để kịp thời phát hiện, sửa chữa hư hỏng hạn chế thất thoát nước và xâm nhập mặn vào trong nội đồng.

Đối với các hệ thống công trình chưa được đầu tư khép kín: tổ chức vận động người dân đắp kín bờ bao từng tiểu vùng, đắp đập tạm để ngăn mặn, trữ ngọt

b) Phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp:

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn; chuyển đổi cơ cấu mùa vụ chỉ còn sản xuất 02 vụ lúa Đông Xuân sớm và Hè Thu muộn để tránh ảnh hưởng của hạn mặn.

Kiên quyết không sản xuất ở những nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt.

Phối hợp với các Trường, Viện nghiên cứu để đánh giá mức độ ảnh hưởng của hạn mặn đối với các loại cây ăn trái để có giải pháp khắc phục hiệu quả, đồng thời nghiên cứu các loại cây, con giống có khả năng chịu mặn.

Đối với cây lúa: tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như giải pháp “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” nhằm giảm giá thành, bảo đảm chất lượng, an toàn sản phẩm lúa gạo, sản xuất bền vững và bảo vệ môi trường; giám sát dịch hại, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương thường xuyên thông tin, phổ biến để nông dân biết khả năng bộc phát sâu bệnh, có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đối với cây ăn trái: không sử dụng nước có độ mặn > 2‰ tưới cho cây, dùng cỏ, rơm rạ, lục bình,... tủ gốc giữ ẩm cho cây; hạn chế để trái trong giai đoạn hạn mặn và tăng cường bón phân hữu cơ, Kali cho cây nhằm tăng khả năng chịu hạn của cây.

Đối với chăn nuôi cần dự trữ nước ngọt, thức ăn thô (rơm, cỏ khô; các loại thức ăn tỉnh: bắp, tấm, cám,...), chế biến, bảo quản thức ăn bằng các phương pháp ủ chua, ủ urê; vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại và đề phòng dịch bệnh (vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát hoặc có thể làm mát bằng hệ thống quạt, phun sương; định kỳ thực hiện việc tiêu độc, sát trùng chuồng trại (thực hiện tối thiểu 02 tuần/lần) bằng các loại hóa chất như: BKA, BenKocide, Biodine; tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên các loại vật nuôi như: bệnh Dịch tả, Tai xanh, Lở mồm long móng đối với heo; bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng đối với trâu bò; bệnh Cúm gia cầm).

Đối với thủy sản: tăng cường thực hiện quan trắc môi trường để khuyến cáo kịp thời cho người dân có biện pháp phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn theo lịch thời vụ, độ mặn tăng dần theo từng vùng (mặn, lợ, ngọt), cho từng đối tượng nuôi thủy sản.

c) Phương án đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân:

Tăng cường công tác kiểm tra, duy tu bảo dưỡng các hệ thống cấp nước tại các nhà máy nước; chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng kịp thời khắc phục những hư hỏng trên tuyến, đảm bảo vận hành các nhà máy nước liên tục phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

Đầu tư nâng công suất và mở rộng tuyến ống đối với những Nhà máy nước còn công suất hoạt động.

Nạo vét các ao chứa nước thô nhằm tăng lượng dự trữ nước ngọt để phục vụ cho công tác vận hành cấp nước.

Thường xuyên đo kiểm tra độ mặn và có kế hoạch lấy nước hợp lý để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân (có thể lấy nước vào thời điểm chân triều khi độ mặn thấp nhất).

Xây dựng các điểm cấp nước tập trung để phục vụ cho nhân dân trong vùng khan hiếm nước và khu công nghiệp của tỉnh.

Huy động phương tiện để vận chuyển nước phục vụ người dân, các bệnh viện, doanh nghiệp, khu công nghiệp, trường học, khách sạn,... trong giai đoạn hạn mặn diễn biến gay gắt.

d) Tăng cường quan trắc, theo dõi tình hình xâm nhập mặn:

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre đã tổ chức đo kiểm tra độ mặn thường xuyên tại 16 trạm đo trên địa bàn tỉnh và phát hành các bản tin độ mặn 02 lần/tuần, đồng thời tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo để phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống ứng phó hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Công ty cổ phần cấp thoát nước tỉnh thường xuyên đo kiểm tra độ mặn để có kế hoạch lấy nước, trữ nước khi độ mặn ở mức cho phép.

e) Công tác thông tin, tuyên truyền:

Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng: phổ biến, tư vấn trực tiếp cho người nông dân các biện pháp phòng chống, ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản,... và thông tin về tình hình diễn biến xâm nhập mặn, lịch đóng mở cống để người dân biết và tăng cường lấy nước, trữ nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt khi độ mặn ở mức cho phép.

Tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ và nạo vét kênh mương để ngăn mặn, trữ ngọt.

Phát động nhân dân nâng cao tính chủ động, tích cực trong việc trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức, phương tiện (ống hồ, lu, chứa nước ngọt trong ao mương, đắp đập cục bộ,...) ngày trong mùa mưa để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và chăn nuôi trong mùa hạn mặn.

Vận động, huy động các nguồn lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ một phần dụng cụ, phương tiện chứa nước cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách khó khăn để có điều kiện trữ nước.

3.3. Phương án phòng, chống, ứng phó với ngập lụt, nước dâng

Tăng cường lực lượng kiểm tra, rà soát các tuyến đê bao, đặc biệt là đê bao các cồn, đê bao vườn cây ăn trái, đê bao ao cá, ngư trường.... Cho lực lượng gia cố, tôn cao ngay những nơi còn thấp, xung yếu; khắc phục ngay những đoạn đê đã và đang có nguy cơ sạt lở.

Thường xuyên kiểm tra các cửa cống, kịp thời khắc phục, sửa chữa nếu có hư hỏng, đồng thời có kế hoạch đóng, mở điều tiết nước thích hợp hạn chế thiệt hại.

Triển khai các phương án đảm bảo an toàn sản xuất lúa, cây ăn trái và sản phẩm sau thu hoạch.

Kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sinh sống ven sông, rạch, đặc biệt những khu vực đang có diễn biến sạt lở và có nguy cơ sạt lở, có kế hoạch sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Kiểm tra, quản lý chặt chẽ về an toàn giao thông đường thủy; các bến đò; đối với các phương tiện không đảm bảo an toàn, không có thiết bị cứu sinh phải đình chỉ hoạt động tránh để xảy ra tai nạn.

3.4. Phương án phòng, chống, ứng phó với sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chy

Thực hiện theo Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển ban hành kèm theo Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như sau:

a) Phân loại mức độ sạt lở:

Sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn, gồm:

- Sát chân đê hoặc trong phạm vi bảo vệ đê từ cấp đặc biệt đến cấp III, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê.

- Gây nguy hiểm trực tiếp đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan từ cấp huyện trở lên.

- Đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng gồm quốc lộ, trường học, bệnh viện từ tuyến huyện trở lên.

Sạt lở nguy hiểm, gồm:

- Có nguy cơ ảnh hưởng đến đê nhưng còn ngoài phạm vi bảo vệ đê từ cấp đặc biệt đến cấp III hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến đê dưới cấp III.

- Ảnh hưởng đến các khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan.

- Có nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng gồm: quốc lộ, tỉnh lộ; di tích lịch sử, văn hóa; trường học, bệnh viện, trạm y tế.

Sạt lở bình thường: những sạt lở khác, không thuộc 02 trường hợp nêu trên.

b) Thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở:

Theo mức độ sạt lở, thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở như sau:

- Sạt lở đặc biệt nguy hiểm;

- Sạt lở nguy hiểm;

- Sạt lở bình thường.

Theo đối tượng cần bảo vệ, thứ tự ưu tiên xử lý sạt lở như sau:

- Sạt lở ảnh hưởng đến an toàn đê, nhất là hệ thống đê từ cấp đặc biệt đến cấp III.

- Sạt lở trực tiếp đe dọa an toàn khu đô thị, khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan;

- Sạt lở ảnh hưởng đến công trình hạ tầng quan trọng đang sử dụng.

- Sạt lở ảnh hưởng đến các công trình, đối tượng khác.

c) Trình tự xử lý sạt lở:

Khi xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến phạm vi, trách nhiệm quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương nào, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chủ động chỉ đạo xử lý theo trình tự các bước sau:

Xử lý sạt lở đặc biệt nguy hiểm:

- Sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm;

- Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, bố trí cán bộ trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở;

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, đơn vị thuộc thẩm quyền xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở;

- Tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn đê, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

Xử lý sạt lở nguy hiểm:

- Tổ chức ngay việc di dời để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước;

- Thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở, theo dõi diễn biến sạt lở;

- Chỉ đạo việc xử lý bước đầu để hạn chế sạt lở;

- Chỉ đạo cơ quan liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá để lập dự án đầu tư xử lý sạt lở trong trường hợp cần thiết;

- Tổ chức lập, phê duyệt dự án đầu tư (nếu có) và triển khai xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Xử lý sạt lở bình thường:

- Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, chủ động di dời dân cư đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi cần thiết;

- Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở; thực hiện các biện pháp xử lý để hạn chế sạt lở trong trường hợp cần thiết;

- Tổ chức lập, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

d) Biện pháp xử lý sạt lở:

Biện pháp phi công trình

- Tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa và xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Nghiên cứu, quan trắc, thông báo diễn biến sạt lở; cảnh báo vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở cao để có các biện pháp thích hợp phòng tránh, hoặc giảm thiểu thiệt hại.

- Di dời dự án, nhà cửa, công trình ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; lập quy hoạch, kế hoạch và phương án di dời dân cư, công trình trong vùng sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; không quy hoạch, xây dựng mới công trình dân dụng hoặc bố trí dân cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở.

- Kiểm tra, ngăn chặn khai thác cát, sỏi, khoáng sản, xây dựng công trình, nhà cửa hoặc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái phép, sai phép làm ảnh hưởng hoặc gây sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Trồng cây chắn sóng, trồng cỏ mái bờ sông, bờ biển để hạn chế sạt lở.

- Nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển.

Biện pháp công trình

- Biện pháp xây dựng kè phòng, chống sạt lở chỉ được áp dụng trong các trường hợp không thực hiện được biện pháp phi công trình, hoặc có thể thực hiện được nhưng không đảm bảo hiệu quả, hoặc đã thực hiện các giải pháp phi công trình nhưng sạt lở vẫn xảy ra và có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng.

- Việc xây dựng công trình phòng, chống sạt lở phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng công trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3.5. Phương án phòng, chống, ứng phó với lốc, sét

a) Trên đất liền

Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng giông gió, lốc xoáy, ở các cửa biển, ven biển, nơi trống trải, nếu nhà ở lợp bằng lá, tôn tráng kẽm, fibroximăng, ngói có thể dằn lên mái nhà các loại thanh nẹp bằng gỗ, sắt, dây kẽm cỡ lớn hoặc các bao chứa cát để hạn chế tốc mái khi có giông gió, lốc xoáy;

Chặt tỉa cành, nhánh của các cây cao, dễ gãy đổ, cây nằm gần nhà ở, lưới điện...; kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, pa nô, áp phích; các khu vực nhà lá, nhà tạm bợ và các giàn giáo của công trình cao tầng đang thi công;

Kiểm tra hệ thống chống sét các nhà cao tầng, công trình công cộng, đồng thời khắc phục sửa chữa ngay những hư hỏng (nếu có); khuyến cáo những hộ dân có điều kiện nên lắp đặt hệ thống chống sét để bảo vệ.

Khi có mưa kèm theo giông, cần sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những căn nhà tạm bợ, đến những nơi an toàn, vững chắc hơn; tránh núp dưới bóng cây, trú ẩn trong nhà tạm bợ dễ bị ngã đổ gây tai nạn;

Khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời có biện pháp phòng, tránh và ứng phó hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn một số biện pháp phòng tránh sét đánh như:

- Khi đang ở nhà: khi có mưa giông, lốc xảy ra nên tránh xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, nơi ẩm ướt; tránh sử dụng điện thoại và các thiết bị điện; nên rút phích cấm các thiết bị điện.

- Khi đang ở ngoài trời: tìm chỗ trú ẩn an toàn; không trú dưới tàn cây cao, không đứng ở những khoảng đất trống, rộng rãi như cánh đồng, sân chơi, tránh xa các vật kim loại, những nơi có nhiều nước như sông, rạch, ao, hồ,...; không nên đứng thành từng nhóm người gần nhau. Không nên ra ngoài lúc trời có mưa kèm theo sấm sét.

b) Trên sông, biển

Các cơ quan chức năng thông báo, yêu cầu và kiểm tra các chủ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển phải đảm bảo các yêu cầu sau:

Toàn bộ thủy thủ, thuyền viên phải mặc áo phao và chuẩn bị đầy đủ phao cứu sinh trên thuyền khi đang ở trên sông, trên biển;

Khi thấy ổ mây giông thì phải nhanh chóng trở vào bờ hoặc di chuyển tìm nơi tránh, trú an toàn;

Tổ chức hợp lý đội hình khai thác trên biển theo tổ, nhóm, trong đó đảm bảo cự ly, khoảng cách hợp lý giữa các tàu thuyền kịp thời hỗ trợ nhau khi gặp nạn;

Thường xuyên kiểm tra hệ thống, thiết bị thông tin liên lạc, đảm bảo luôn hoạt động hiệu quả để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi gặp sự cố, tình huống nguy hiểm, bất lợi.

III. Các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai

Thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương II Luật Phòng, chống thiên tai, cụ thể như sau:

- Tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân;

- Thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ và đề xuất phương án khắc phục hậu quả theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu khác để phục hồi sản xuất;

- Cung ứng vật tư, hàng hóa thiết yếu và thực hiện biện pháp quản lý giá, bình ổn thị trường;

- Thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh ở khu vực bị tác động của thiên tai;

- Sửa chữa, khôi phục, nâng cấp công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng công cộng; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

- Tổ chức huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ

IV. Nguồn lực để thực hiện Kế hoạch phòng, chống thiên tai

- Ngân sách nhà nước.

- Quỹ phòng, chống thiên tai.

- Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.

Phần 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào nội dung Kế hoạch, Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão của Trung ương ban hành và chuyển giao năm 2016 đề nghị các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung sau:

- Rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và tình hình thiên tai thực tế tại địa phương trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh.

- Cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án hàng năm theo quy định.

- Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch của ngành, đơn vị mình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các huyện, thành phố được phân công phụ trách.

- Chủ động trong công tác phòng ngừa, ứng phó và tổ chức khắc phục hậu quả thiên tai theo trách nhiệm và phạm vi quản lý, đồng thời chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, vật tư chủ động tham gia ứng cứu khi có yêu cầu.

- Thực hiện lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, của địa phương thuộc phạm vi quản lý.

- Hàng năm tổ chức củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp và thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống thiên tai; Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

- Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

- Tổ chức tốt công tác trực ban, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

- Tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu thiệt hại theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh)

- Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 và Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của tỉnh.

- Cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai của tỉnh hàng năm theo quy định.

- Kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai của các ngành, địa phương;

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

- Khuyến cáo người dân tuân thủ lịch thời vụ; xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với thiên tai.

- Theo dõi, tổng hợp tình hình thiên tai và thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh theo quy định.

3. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Điều 9 Quyết định số 854/QĐ- UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

- Trực tiếp chỉ đạo, điều phối ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai và các lĩnh vực khác liên quan đến thiên tai thuộc trách nhiệm của đơn vị.

- Xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch huấn luyện, đào tạo, diễn tập, kế hoạch mua sắm, dự trữ phương tiện, vật tư phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn.

- Lập phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hộ đê, hộ đập, tìm kiếm, cứu nạn khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn (Quân sự, Biên phòng, Công an, Chi cục Thủy sản,...). Bao gồm cả việc hiệp đồng với các lực lượng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các tổ chức tìm kiếm cứu nạn; Phối hợp cùng với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác sơ tán, di dời dân, công tác giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án và triển khai lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời dân để đối phó với các tình huống khẩn cấp do thiên tai, tai nạn gây ra; phối hợp các lực lượng giúp dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện nhiệm vụ thường trực về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời chủ trì phối hợp với đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

- Sẵn sàng và cơ động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh của Trưởng ban; cất giữ, bảo quản và sử dụng phương tiện, trang thiết bị cho nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được cấp phát để thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

4. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Trực tiếp chỉ đạo, điều phối ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai và các lĩnh vực khác liên quan đến thiên tai trên địa bàn các xã khu vực biên giới biển thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị.

- Xây dựng kế hoạch phát triển dài hạn, kế hoạch huấn luyện, đào tạo, diễn tập, kế hoạch mua sắm, dự trữ phương tiện, vật tư phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển.

- Lập phương án bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia hộ đê, hộ đập, tìm kiếm, cứu nạn; phối hợp giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn (Quân sự, Biên phòng, Công an, Chi cục Thủy sản,...). Bao gồm cả việc hiệp đồng với các lực lượng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển; Bắn pháo hiệu báo bão theo quy định; Phối hợp ngành Nông nghiệp & PTNT thực hiện kiểm tra an toàn các phương tiện hành nghề trên biển, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới.

- Phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng, triển khai phương án sơ tán, di dời dân; chủ trì huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn trên sông, trên biển theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định để ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do thiên tai; tham mưu cho địa phương có phương án tiếp nhận, bàn giao người và phương tiện nước ngoài bị nạn được cứu vớt trên biển theo quy định hiện hành; phối hợp với các lực lượng liên quan tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả tràn dầu theo quy chế, kế hoạch.

- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương thực hiện công tác kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền khi có bão, áp thấp nhiệt đới.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng có kế hoạch tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phụ trách trong ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai.

5. Công an tỉnh

Lập kế hoạch và phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra, phối hợp ngành, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc bảo đảm an toàn, thông suốt cho mạng thông tin của tỉnh.

- Chuẩn bị dự phòng trang thiết bị thông tin chuyên dùng phục vụ phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống thiên tai xảy ra.

7. Sở Giao thông Vận tải

- Lập quy hoạch, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện về phát triển giao thông vận tải phù hợp với chiến lược và kế hoạch phòng, chống thiên tai.

- Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cứu hộ giao thông, bảo đảm an toàn giao thông vận tải khi thiên tai xảy ra;

- Xây dựng phương án huy động đảm bảo phương tiện thủy, bộ đáp ứng yêu cầu sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị sạt lở, đảm bảo lưu thông thông suốt, nhất là các tuyến lộ chính trong tỉnh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn đối với các phương tiện giao thông thủy, tàu thuyền du lịch, các bến đò ngang, đò dọc,... trước mùa mưa bão hàng năm.

8. Sở Công Thương

Phối hợp với các ngành, địa phương có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho nhân dân, đặc biệt là các vùng thường xuyên bị thiên tai; phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt việc dự phòng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

9. Sở Xây dựng

- Rà soát yêu cầu các đơn vị quản lý sử dụng công trình tổ chức kiểm định các công trình cũ, nguy hiểm để có biện pháp xử lý đảm bảo hạn chế tác hại khi xảy ra thiên tai.

- Thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp kỹ thuật chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn khi có thiên tai xảy ra.

10. Sở Tài chính

- Cân đối, đảm bảo ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Phối hợp với các ngành, địa phương thẩm định thiệt hại do thiên tai và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định.

- Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh theo quy định.

11. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương, triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh theo quy định.

12. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo lập quy hoạch xây dựng các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo kết hợp phòng, chống thiên tai phù hợp với đặc điểm thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm an toàn cho người và công trình;

- Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống, ứng phó thiên tai đối với giáo viên và học sinh.

13. Sở Y tế

- Dự trữ thuốc, phương tiện y tế, hướng dẫn cho cán bộ y tế và cộng đồng về kỹ thuật cấp cứu thông thường, biện pháp vệ sinh môi trường;

- Chỉ đạo việc cấp cứu nạn nhân, phòng, chống bệnh dịch trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

14. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương thực hiện hỗ trợ đối với các gia đình có người chết, bị thương, bị thiệt hại về nhà ở,... do thiên tai gây theo quy định.

15. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức để phòng ngừa, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu.

- Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Phối hợp với các địa phương tổ chức cứu trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và kinh phí cho người dân bị thiệt hại do thiên tai có điều kiện sớm ổn định cuộc sống, nhất là hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn; vận động hỗ trợ, cứu trợ đồng bào khi có thiên tai xảy ra; tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ kịp thời đến tay người dân.

17. Điện lực Bến Tre

Hàng năm có kế hoạch kiểm tra, sửa chữa lưới điện trước mùa mưa bão, đồng thời có phương án khắc phục hậu quả sau thiên tai đảm bảo cung cấp điện phục vụ người dân trong thời gian nhanh nhất.

18. Viễn thông Bến Tre

Có phương án đảm bảo thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cho các cấp chính quyền địa phương trong mọi tình huống; sẵn sàng lực lượng, phương tiện sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu sử dụng cho Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của tỉnh, kể cả các máy điện thoại vệ tinh, cáp quang, vô tuyến lưu động dự phòng khi có tình huống thiên tai xảy ra.

19. Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bến Tre

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai; thông báo nhanh chóng, kịp thời tình hình thiên tai để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và đến người dân để chủ động phòng, chống.

20. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh

Phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan và địa phương xây dựng và phát sóng các chương trình nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa, ứng phó thiên tai; đồng thời phát sóng các bản tin, thông báo, cảnh báo và văn bản chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai của Trung ương và của tỉnh theo quy định.

21. Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

- Các thành viên thuộc các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh có trách nhiệm trực tiếp chỉ huy, điều phối ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của Sở, ngành, đơn vị và lĩnh vực chuyên ngành phụ trách; điều phối, hỗ trợ các địa phương được phân công phụ trách ứng phó thiên tai cấp độ 1; tham gia chỉ huy, ứng phó thiên tai cấp độ 2, 3, 4.

- Chỉ huy thống kê số liệu thiệt hại, nhu cầu cứu trợ của Sở, ngành, đơn vị và lĩnh vực chuyên ngành phụ trách;

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các huyện, thành phố được phân công;

- Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được ban hành theo Quyết định số 854/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre;

22. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Rà soát, tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai trên cơ sở Kế hoạch của tỉnh tùy theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị và tình hình thiên tai thực tế tại địa phương.

Cập nhật, bổ sung kế hoạch, phương án hàng năm theo quy định.

Căn cứ vào dự báo, cảnh báo, cấp độ rủi ro thiên tai, diễn biến thiên tai, sự chỉ đạo, chỉ huy của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau:

- Thực hiện phân công, phân cấp trách nhiệm và phối hợp trong ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai theo quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

- Quyết định lựa chọn phương án, biện pháp và tổ chức thực hiện ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện thực tế của địa bàn.

- Chủ động huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm đã được chuẩn bị theo phương châm bốn tại chỗ để ứng phó thiên tai và cứu trợ khẩn cấp tại địa phương; có trách nhiệm quyết định việc hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được huy động theo quy định của Luật này, pháp luật có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Tiếp nhận thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh; chỉ đạo các Đài phát thanh huyện, thị xã thực hiện các quy định truyền tin về thiên tai có liên quan trực tiếp đến địa phương. Đồng thời chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến đến từng cộng đồng dân cư để chủ động trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục thiệt hại do thiên tai trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện công tác trực ban và chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

- Chỉ đạo cơ quan chức năng tổng hợp và báo cáo kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu thiệt hại theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT- BKHĐT ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Trường hợp vượt quá khả năng phòng chống, ứng phó, phải báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để xem xét, hỗ trợ.

- Tổ chức tập huấn, diễn tập theo các phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

- Phối hợp với các ngành tỉnh có liên quan để triển khai công tác thu Quỹ Phòng, chống thiên tai của địa phương theo quy định.

23. Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Bến Tre: phối hợp với các địa phương triển khai biện pháp chặt tỉa cây xanh dễ đổ ngã, kiểm tra các pano, bản hiệu,... trước mùa mưa bão; sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông, đặc biệt là các tuyến đường chính khi có tình huống thiên tai.

24. Công ty cổ phần cấp thoát nước Bến Tre: Chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt, cho các bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn,... các khu công nghiệp trong mùa khô. Đồng thời có phương án hỗ trợ các nhà máy nước nông thôn đấu nối nguồn nước của Công ty để kịp thời cung cấp nước cho người dân trong trường hợp tình hình xâm nhập mặn diễn biến gay gắt, ảnh hưởng đến nguồn nước thô tại các nhà máy.

25. Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh

Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Điều 5 Quyết định số 854/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Trong đó:

- Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh được quy định tại Điều 4 Quyết định số 854/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh;

- Tổ chức trực ban theo quy định. Tiếp nhận và triển khai thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn. Thu thập và xử lý kịp thời những thông tin có liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn;

- Chủ động thông tin, hướng dẫn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các ngành, địa phương triển khai phương án phòng chống khi có sự cố xảy ra. Chủ động triển khai các phương án phòng, chống thiên tai; kết nối thông tin giúp cho các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh triển khai các phương án một cách hiệu quả.

- Cập nhật, tổng hợp các thông tin về khí tượng, thủy văn. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành quyết định, công điện, thông báo, cảnh báo, báo động và các biện pháp thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn;

- Tổng hợp, báo cáo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo quy định;

- Quản lý, sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, được cấp kinh phí và mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre đề nghị các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ TW về PCTT;
- UBQG TKCN;
- Cục PCTT;
- Chi cục PCTT KV Miền Nam;
- VP TU, UBND tỉnh (thay b/c);
- Trưởng ban và các Phó Trưởng ban (báo cáo);
- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, QLĐĐ.TT55.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Giám đốc Sở NN và PTNT
Bùi Văn Lâm

 


PHỤ LỤC 1

LỰC LƯỢNG DỰ KIẾN HUY ĐỘNG ỨNG PHÓ KHI CÓ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Kế hoạch số 81/KH-PCTT ngày 13 tháng 12 năm 2017)

TT

Tỉnh/Huyện/Xã

Quân Sự (người)

Công an (người)

Biên phòng (người)

Chữ Thập đỏ (người)

Y tế (người)

Hội LHPN (người)

DQTV/BVDP (người)

Hội Cựu chiến binh (người)

Thanh niên tình nguyện

(người)

Doanh nghiệp huy động (người)

Hội Nông dân (người)

Khác (người)

Tổng (người)

 

CP TỈNH

432

 

165

 

 

 

 

 

 

 

 

751

1.348

 

CP HUYN, THÀNH PHỐ

8.834

1.736

104

1.389

1.759

5.445

2.913

3.024

2.866

704

721

4.466

33.961

1

TP Bến Tre

804

204

-

322

190

371

140

-

553

399

-

1.663

4.646

 

Cấp thành phố

130

30

 

20

28

5

-

 

15

-

 

1.140

1.368

 

Cấp xã/phường

674

174

-

302

162

366

140

-

538

399

-

523

3.278

2

Huyn Ba Tri

2.488

351

42

329

478

66

1.560

1.749

221

-

273

10

7.567

 

Cấp huyện

205

110

42

15

310

3

 

29

7

 

7

10

738

 

Cấp xã/Thị trấn

2.283

241

-

314

168

63

1.560

1.720

214

-

266

-

6.829

3

Huyn Bình Đại

20

35

30

-

117

7

-

2

200

-

5

2.701

3.117

 

Cấp huyện

20

35

30

 

117

7

 

2

200

 

5

 

416

 

Cấp xã/Thị trấn

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

2701

2.701

4

Huyện Châu Thành

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

 

Cấp huyện

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

-

 

Cấp xã/Thị trấn

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

-

5

Huyện Ch Lách

458

280

-

33

77

-

-

-

295

30

-

-

1.173

 

Cấp huyện

150

55

 

11

55

 

 

 

55

 

 

 

326

 

Cấp xã/Thị trấn

308

225

-

22

22

-

-

-

240

30

-

-

847

6

Huyện Ging Trôm

1.010

250

-

223

368

210

-

-

270

-

-

-

2.331

 

Cấp huyện

20

30

 

3

214

7

-

 

50

 

 

 

324

 

Cấp xã/Thị trấn

990

220

-

220

154

203

-

-

220

-

-

-

2.007

7

Huyện M Cày Bc

1.509

184

-

151

116

796

-

-

853

-

-

92

3.701

 

Cấp huyện

15

17

 

13

10

102

 

 

175

 

 

92

424

 

Cấp Xã/Thị trấn

1.494

167

-

138

106

694

-

-

678

-

-

-

3.277

8

Huyện Mỏ Cày Nam

2.011

301

-

177

102

3.773

-

1.017

240

135

226

-

7.982

 

Cấp huyện

171

17

 

10

31

3

 

3

7

 

7

 

249

 

Cấp xã/Thị trấn

1.840

284

-

167

71

3.770

-

1.014

233

135

219

-

7.733

9

Huyện Thạnh Phú

534

131

32

154

311

222

1.213

256

234

140

217

-

3.444

 

Cấp huyện

30

67

6

3

193

4

-

3

18

4

4

 

332

 

Cấp Xã/Thị trấn

504

64

26

151

118

218

1.213

253

216

136

213

-

3.112

 

TNG

9.266

1.736

269

1.389

1.759

5.445

2.913

3.024

2.866

704

721

5.217

35.309

 

PHỤ LỤC 2

PHƯƠNG TIỆN, TRANG THIẾT BỊ DỰ KIẾN HUY ĐỘNG KHI CÓ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Kế hoạch số 81/KH-PCTT ngày 13 tháng 12 năm 2017)

TT

Huyện, phường/xã

Phương tiện phục vụ sơ tán dân

Phương tiện phục vụ bảo vệ công trình trọng điểm

Máy phát điện

Phao, loa tay, dụng cụ sơ cấp cứu, bộ đàm thông tin liên lạc, cưa tay

Xe <16 ch(chiếc)

Xe 16 chỗ (chiếc)

Xe 25- 29 chỗ (chiếc)

Xe >=30 chỗ (chiếc)

Xe cứu thương (chiếc)

Xe tải (chiếc)

Xe máy kéo (chiếc)

Xe Hoa Lâm, mô tô (chiếc)

Tàu chở hàng hóa và chở khách hơn 50 tấn

Phà, thuyền máy (500Kg) và các loại tàu khác

Ghe, xuồng máy, ca nô các loại (Sức chở/ công suất)

Máy xúc, máy đào

Máy kéo

Xáng cạp (gàu dây) (chiếc)

Ô tô tải từ 2-10 tấn (sức tải)

Xe ben 5- 8 tn

Xe cẩu (25-45 tấn)

1

TP Bến Tre

53

 

26

 

 

 

 

160

 

 

-

2

 

 

44

 

1

2

40

2

Huyện Ba Tri

51

 

51

13

 

-

-

-

-

-

-

19

186

 

73

 

4

-

-

3

Huyện Bình Đại

34

 

25

27

 

162

186

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

Huyện Châu Thành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

5

Huyện Chợ Lách

36

20

15

22

3

-

-

-

-

-

-

16

-

14

53

 

4

-

-

6

Huyện Giồng Trôm

5

15

5

 

 

30

 

100

 

50

411

10

 

 

15

20

 

1

772

7

Huyện Mỏ Cày Bắc

 

20

2

 

 

 

 

 

 

 

 

19

 

 

118

 

 

 

 

8

Huyện Mỏ Cày Nam

-

47

43

-

-

-

-

-

-

-

275

18

-

-

117

-

-

-

-

9

Huyện Thạnh Phú

99

 

63

-

 

-

-

217

186

784

572

39

 

 

76

 

14

-

 

 

TNG

278

102

230

62

3

192

186

477

186

834

1.258

123

186

14

496

20

23

7

812

 

PHỤ LỤC 3

TỔNG HỢP DỰ TRỮ VẬT TƯ, LƯƠNG THỰC, NƯỚC UỐNG, NHU YẾU PHẨM THIẾT YẾU KHI CÓ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Kế hoạch số 81/KH-PCTT ngày 13 tháng 12 năm 2017)

TT

Huyện, phường/xã

Lương thực, thực phm

Nhiên liệu

Vật liệu

ăn liền (thùng)

Lương khô (Kg)

Gạo (tấn)

Nước uống đóng chai (thùng 20 lít)

Nơi dự trữ

Xăng (lít)

Dầu diezen (lít)

Dầu hỏa (lít)

i dự trữ

Tôn lợp (tấm)

Sắt các loại (tấn)

cát (m3)

xi măng (bao)

Đá (m3)

Gạch (1000v)

Nơi dự trữ

1

TP Bến Tre

7661

700

75

11.340

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

13.030

1.953

6.780

Các cây xăng trên địa bàn

2.230

-

-

145

 

 

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

2

Huyện Ba Tri

21.406

-

97

32.111

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

5.040

5.040

-

Các cây xăng trên địa bàn

 

-

-

-

-

-

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

3

Huyện Bình Đại

45.000

4.500

166

95.819

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

430.000

410.000

51.000

Các cây xăng trên địa bàn

28.000

 

 

1.000.000

 

 

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

4

Huyện Châu Thành

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

Huyện Chợ Lách

3.210

 

203

1.190

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

155.100

97.625

1.020

Các cây xăng trên địa bàn

8.400

79

 

 

 

 

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

6

Huyện Giồng Trôm

6.278

-

1.537

7.300

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

34.200

-

-

Các cây xăng trên địa bàn

19.900

1.200

1.100

11.200

1.000

-

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

7

Huyện Mỏ Cày Bắc

3.200

-

43

3.250

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

11.000

7.350

2.500

Các cây xăng trên địa bàn

46.000

-

-

-

-

-

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

8

Huyện Mỏ Cày Nam

72.800

11.860

316

36.500

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

345.000

172.500

86.250

Các cây xăng trên địa bàn

-

-

-

-

-

-

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

9

Huyện Thạnh Phú

18.600

27.900

66

2.325

Trong dân, trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm

280.000

220.000

31.000

Các cây xăng trên địa bàn

33.000

495

6.600

99.000

4.950

9.900

Các cửa hàng vật liệu xây dựng

 

TNG

178.155

44.960

2.502

189.835

 

1.273.370

914.468

178.550

 

137.530

1.774

7.700

1.110.345

5.950

9.900

 

 

PHỤ LỤC 4

DANH SÁCH CÁC ĐIỂM NEO ĐẬU TÀU THUYỀN TRÁNH TRÚ BÃO KHI CÓ BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Kèm theo Kế hoạch số 81/KH-PCTT ngày 13 tháng 12 năm 2017

TT

Huyện, phường/xã

Điểm neo đậu

Mô tả

Sức chứa của điểm neo đậu

Ghi chú

I

TP Bến Tre

 

 

178

 

1

Phường 1

Bến sông Hùng Vương

Khu vực bến lở, cầu tạm cũ

8

 

2

Phường 2

Sông Bến Tre vị trí chợ

Ghe đi buôn neo đậu

1

 

3

Phường 3

Sông Bến Tre

Ghe (7 tấn, 3 tấn), cano

6

 

4

Phường 7

 

 

20

 

 

 

- Cặp sông Bến Tre

- Điểm lên xuống bờ sông, đối diện CH xăng dầu Hàm Luông

8

 

 

 

- Cặp sông Bến Tre

- Điểm lên xuống bờ sông, đối diện nhà 252D - KP4, P7

12

 

5.

Xã Sơn Đông

Kênh Sông Mã

Cách cầu Sơn Đông 20m có thuyền máy, ghe

5

 

6

Xã Phú Hưng

 

 

23

 

 

 

- Sông Chẹt Sậy

- Gần cầu Kênh Chẹt Sậy, chiều dài 100m

18

 

 

 

- Rạch cầu Gò Đàn, ấp Phú Chiến

- Gần cầu Gò Đàn

5

 

7

Xã Mỹ Thạnh An

 

 

80

 

 

 

- Rạch Cái Cối

- Đến cầu An Thuận, chiều dài 500m

30

 

 

 

- Rạch Thơm

- Đến cầu Thơm, chiều dài 200m

20

 

 

 

- Rạch Vông

- Đến cầu Ba Mọi, chiều dài 500m

30

 

8

Xã Mỹ Thành

Khu vực cầu Kênh Sông Mã

Nhánh tẻ sông Hàm Luông, Kênh có chiều rộng khoảng 70m, chiều dài: 1500m

35

 

II

Huyện Ba Tri

 

 

1.450

 

 

 

Rạch Bắc Kỳ xã An Thủy

Rạch tự nhiên có rừng phòng hộ che chắn.

500

 

 

 

Rạch Châu Ngao

Rạch tự nhiên có rừng phòng hộ che chắn.

50

 

 

 

Rạch Bà Hiền, Cảng cá xã An Thủy, Tân Thủy

Rạch tự nhiên.

300

 

 

 

Rạch Tràng nước, lộ D1 xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh

Rạch tự nhiên, neo đậu ghe tàu nhỏ đánh bắt gần bờ.

400

 

 

 

Rạch Ba Tri

Rạch tự nhiên.

200

 

III

Huyện Đình Đại

 

 

2.000

 

1

Bình Thắng

 

 

1500

 

 

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Sông Cửa Đại

Có thể neo đậu tàu với công suất từ 60-600 cv

1000

 

 

 

Sông Bình Châu

Chiều dài 5,100m, tàu có công suất từ 60Cv trở lên, có 147 trụ neo tàu

500

 

2

Thừa Đức

Sông Thừa Mỹ

Chiều dài 1.850m tàu có công suất dưới 60Cv

500

 

IV

Huyện Châu Thành

 

 

 

 

V

Huyện Chợ Lách

 

 

 

 

1

TT Chợ Lách

Rạch Thầy Cai, Rạch Cái Cách

Rạch Thầy Cai nối liền Sông Tiền và Rạch Cái Cách. Rạch Cái Cách nối liền Rạch Cái Sức đến thị trấn Chợ Lách

 

 

2

Xã Hòa Nghĩa

Rạch Hòa Nghĩa, Rạch Cái Cách, Kênh Bình Phụng

Rạch Hòa Nghĩa nối liền Rạch Cầu Quan và Kênh Chợ Lách. Sông Dọc nối liền Sông Hàm Luông đến thị trấn Chợ Lách. Kênh Bình Phụng nối liền Kênh Chợ Lách và Sông Cái Gà

 

 

3

Xã Hưng Khánh Trung B

Rạch Cái Hàn, Sông Cái Mơn Lớn, Sông Thanh Điền

Rạch Cái Hàn nối liền với Sông Cổ Chiên. Sông Thanh Điền nối liền Rạch Cái Hàn và Quốc Lộ 57.

 

 

4

Xã Long Thới

Sông Cái Gà, Rạch Cái Nhum

Sông Cái Gà nối liền Sông Hàm Luông và Sông Cổ Chiên, Rạch Cái Nhum nối liền Sông Cái Gà và Rạch Cái Sức

 

 

5

Xã Phú Phụng

Rạch Phú Phụng, Rạch Vong, Sông Thông Lưu

Rạch Phú Phụng nối liền Sông Tiền và Sông Cổ Chiên chiều rộng sông 40m, Rạch Vong nối trực tiếp vào Sông Tiền, Sông Thông Lưu nối Kênh Chợ lách và rạch Phú Phụng cách Sông Cổ Chiên khoản 01 km thích hợp cho tàu thuyền trú ẩn khi xảy ra bão

 

 

6

Xã Phú Sơn

Sông Cái Mơn Lớn, Rạch Cầu Tiệm, Kênh Bảo Vàng

Rạch Cầu Tiệm nối liền Sông Hàm Luông và Sông Kênh Gãy. Kênh Bảo Vàng nối liền Sông cái Mơn Lớn và Sông Kênh Gãy

 

 

7

Xã Sơn Định

Rạch Cái Ớt, Sông Thông Lưu, Sông Sụp,Rạch Sép

Sông Thông Lưu nối Kênh Chợ lách và rạch Phú Phụng cách Sông Cổ Chiên khoảng 01 km thích hợp cho tàu thuyền trú ẩn khi xảy ra bão.

Rạch Cái Ớt nối liền với Kênh Chợ Lách Sông Sụp nối liền Kênh Chợ Lách và sông Cổ Chiên cách sông Cổ Chiên khoản 500m rất thích hợp cho tàu thuyền neo đậu khi có bão

Rạch Sép nối liền Sông Sụp và Sông Thông Lưu cách Sông Cổ Chiên khoảng 150m

 

 

8

Xã Tân Thiềng

Sông Cái Gà, Sông Cái Mơn Lớn, Rạch Bộ Pháo, Rạch Cái Sơn Lớn

Rạch Bộ Pháo nối liền Sông Cái Mơn Lớn và Rạch Đìa Cừ. Rạch Cái Sơn Lớn nối liền Sông Cổ Chiên và Rạch Đìa Cừ.

 

 

9

Xã Vĩnh Bình

Sông Thông Lưu,

Sông Thông Lưu nối Kênh Chợ lách và rạch Phú Phụng cách Sông Cổ Chiên khoảng 01 km thích hợp cho tàu thuyền trú ẩn khi xảy ra bão

 

 

10

Xã Vĩnh Hòa

Sông Cột Dây Thép, Sông Vĩnh Hòa

Sông Cột Dây Thép nối liền Sông cái Mơn Lớn và Sông và Sông Vĩnh Hòa. Sông Vĩnh Hòa nối liền Sông Cột Dây Thép, Rạch Sâu và Sông Kênh Gãy

 

 

11

Xã Vĩnh Thành

Sông Cái Mơn Lớn, Sông Vĩnh Chính,

Sông Cái Mơn Lớn nối liền Sông Hàm Luông và Sông Cổ Chiên. Sông Vĩnh Chính nối liền Sông Cột Dây Thép giáp với Hưng Khánh trung A.

 

 

VI

Huyện Giồng Trôm

 

 

 

 

VII

Huyện Mỏ Cày Bắc

 

 

 

 

1

Xã Nhuận Phú Tân

Bến đò Bang tra

Sông rộng, chiều dài neo đậu dài

 

 

2

Xã Thanh Tân

Bến phà Hàm Luông cũ

Sông rộng, chiều dài neo đậu dài

 

 

 

 

Bến Thanh Tân - Châu Thành

Sông rộng, chiều dài neo đậu dài

 

 

3

Xã Hòa Lộc

Bến đò Hòa Lộc - Định thủy

Sông rộng, chiều dài neo đậu dài

 

 

4

Xã Khánh Thạnh Tân

Bến đò Khánh Thạnh Tân - Thành Thới B

Sông rộng, chiều dài neo đậu dài

 

 

VIII

Huyên Mỏ Cày Nam

 

 

 

 

IX

Huyên Thạnh Phú

 

 

2.375

 

1

Xã Phú Khánh

Sông Giồng luông

Dài 2km, rộng 30 m

100

Công suất <=90CV

2

Xã Đại Điền

 

3

Xã Tân Phong

 

4

Xã Thới Thạnh

- Sông Cả Lức, sông Bến Luông, sông Tổng Can thuộc xã Thới Thạnh;

- Mặt đập: D3, 7 Cung;

- Chiều dài 02km, rộng 60m;

150

 

5

Xã Quới Điền

 

 

6

Xã Hòa Lợi

- Dài 2km, rộng 40 m

Công suất <=90CV

7

Xã Mỹ Hưng

- Sông Băng Cung, thuộc xã Mỹ Hưng;

- Ấp Thạnh trị hạ;

Bến đò thủy sản củ

50

 

8

Thị Trấn

Công suất <=90CV

9

Xã Bình Thạnh

Bến đò Thạnh An, cống cả ráng sâu

Gần khu vực cống bến dông nhỏ ấp Thạnh An, trong khu vực cống cả ráng sâu

75

Công suất <=90CV

10

Xã An Thuận

- Sông Bến Trại;

- Rạch Ớt;

Chiều dài 2,5 Km; rộng 100 m

150

Công suất <=90CV

11

Xã An Thạnh

Sông Băng Cung, vàm Rạch Cừ, vàm Rỗng.

Chiều dài 2 Km; rộng 100 m

100

Công suất <=90CV

12

Xã Mỹ An

Sông Băng Cung

Sông đảm bảo cho tàu, thuyền neo đậu an toàn, lòng sông dài 150m, độ sâu đáy sông khi nước lớn đầy 12m

200

Công suất <=90CV

13

Xã An Qui

Rạch Bến Chổi

Rạch có chiều dài từ bến đò An Thủy đến giáp ấp An Huề, rộng 15 m

100

Công suất <=90CV

14

Xã An Điền

Sông Băng Cung

Chiều dài 3 Km; rộng 100 m

100

Công suất >90CV

15

Xã An Nhơn

 

 

1050

 

 

 

Khu vực Cảng cá

Xây dựng cho ghe tàu cặp bến buôn bán cá

50

Công suất <=90CV

 

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá

Sông Cổ Chiên

Có thể neo đậu tàu với công suất từ 60-600 cv

1000

 

16

Xã Giao Thạnh

Khu vực Ụ neo trú bão (rạch Eo Lói)

Chiều dài 2 Km; rộng 100 m; 135 trụ

100

Công suất >90CV

17

Xã Thạnh Phong

Khâu băng

Chiều dài 2 Km; rộng 100 m

100

Công suất >90CV

18

Xã Thạnh Hải

Rạch cây dừa

Chiều dài 2 Km; rộng 100 m

100

Công suất <=90CV

 

TỔNG

 

 

6.003

 


UBND TỈNH BẾN TRE
BAN CHỈ HUY PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/PCTT
Về việc rà soát, cập nhật Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão

Bến Tre, ngày 11 tháng 10 năm 2016

 

Kính gửi:

- Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai;
- Các Sở, Ban ngành, Đoàn thể tỉnh;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Công văn số 112/TWPCTT ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về việc rà soát, cập nhật phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão;

Căn cứ Công văn số 137/TWPCTT ngày 30 tháng 9 năm 2016 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai về việc đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão;

Căn cứ Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015;

Thực hiện Công văn số 5235/UBND-KT ngày 05 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cập nhật phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão,

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre  rà soát, cập nhật Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão với những nội dung sau:

I. Nội dung rà soát, cập nhật Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão

Rà soát, cập nhật Kế hoạch sơ tán dân tránh bão, nước dâng do bão trên cơ sở Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão của Trung ương ban hành và chuyển giao năm 2016 theo 05 kịch bản:

- Kịch bản 1: Bão cấp 13, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 2: Bão cấp 12, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 3: Bão cấp 11, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 4: Bão cấp 10, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m;

- Kịch bản 5: Bão cấp 10, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,3m.

Những nội dung khác theo Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Bến Tre  không thay đổi.

II. Kết quả rà soát, cập nhật Kế hoạch sơ tán dân tránh bão, nước dâng do bão

Phương án sơ tán dân tránh bão, nước dâng do bão được rà soát, cập nhật trên cơ sở Bản ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão tỉnh Bến Tre tương ứng với 05 kịch bản, cụ thể như sau:

1. Số người cần di dời, sơ tán tương ứng với từng kịch bản

1.1. Kịch bản 1: Bão cấp 13, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1.7m

Tổng số người cần di dời, sơ tán: 573.245 người (di dời tại chỗ: 210.165 người; sơ tán: 363.080 người). Trong đó:

a) Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m: số người cần di dời, sơ tán: 186.248 người (di dời tại chỗ: 124.165 người; sơ tán: 62.083 người).

b) Độ ngập sâu từ 1,0m trở lên: số người cần di dời, sơ tán: 386.997 người (di dời tại chỗ: 85.999 người; sơ tán: 300.998 người).

1.2. Kịch bản 2: Bão cấp 12, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m

Tổng số người cần di dời, sơ tán: 456.040 người (di dời tại chỗ: 183.944 người; sơ tán: 272.096 người). Trong đó:

a) Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m: số người cần di dời, sơ tán: 185.853 người (di dời tại chỗ: 123.902 người; sơ tán: 61.951 người).

b) Độ ngập sâu từ 1,0m trở lên: số người cần di dời, sơ tán: 270.187 người (di dời tại chỗ: 60.042 người; sơ tán: 210.145 người).

1.3. Kịch bản 3: Bão cấp 11, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1,7m

Tổng số người cần di dời, sơ tán: 362.968 người (di dời tại chỗ: 153.351 người; sơ tán: 209.616 người). Trong đó:

a) Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m: số người cần di dời, sơ tán: 163.557 người (di dời tại chỗ: 109.038 người; sơ tán: 54.519 người).

b) Độ ngập sâu từ 1,0m trở lên: số người cần di dời, sơ tán: 199.411 người (di dời tại chỗ: 44.314 người; sơ tán: 155.097 người).

1.4. Kịch bản 4: Bão cấp 10, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1.7m

Tổng số người cần di dời, sơ tán: 274.958 người (di dời tại chỗ: 113.092 người; sơ tán: 161.865 người). Trong đó:

a) Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m: số người cần di dời, sơ tán: 116.979 người (di dời tại chỗ: 77.986 người; sơ tán: 38.993 người).

b) Độ ngập sâu từ 1.0m trở lên: số người cần di dời, sơ tán: 157.978 người (di dời tại chỗ: 35.106 người; sơ tán: 122.872 người).

1.5. Kịch bản 5: Bão cấp 10, mực nước tại An Thuận thời điểm bão đổ bộ +1.3m

Tổng số người cần di dời, sơ tán: 266.789 người (di dời tại chỗ: 113.052 người; sơ tán: 153.737 người). Trong đó:

a) Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m: số người cần di dời, sơ tán: 120.972 người (di dời tại chỗ: 80.648 người; sơ tán: 40.324 người).

b) Độ ngập sâu từ 1,0m trở lên: số người cần di dời, sơ tán: 145.817 người (di dời tại chỗ: 32.404 người; sơ tán: 113.413 người).

(Đính kèm các Phụ lục 1, 2, 3, 4, 5)

2. Phương án di dời, sơ tán dân

2.1. Trong khu vực độ ngập sâu từ 0,5-1,0m

- Di dời tại chỗ: người dân tự di dời đến các nhà ở kiên cố hoặc nhà ở có tầng lầu trong khu vực. Vận động người dân tự kê kích, bảo vệ tài sản và bố trí, sắp xếp nơi ở để tránh gió bão, nước dâng.

- Sơ tán: đến các nhà ở của dân trong khu vực có độ ngập sâu dưới 0,5m và các trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

2.2. Trong khu vực độ ngập sâu từ 1,0m trở lên

- Di dời tại chỗ: người dân tự di dời đến các nhà ở có tầng lầu trong khu vực.

- Sơ tán: đến các nhà ở của dân trong khu vực có độ ngập sâu dưới 0,5m và các trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu

2.3. Tận dụng tối đa năng lực các điểm tiếp nhận sơ tán trên địa bàn tỉnh: thực hiện việc sơ tán dân từ địa phương có năng lực các điểm tiếp nhận không đảm bảo sang địa phương khác còn khả năng tiếp nhận (giữa các xã, phường, thị trấn trong cùng huyện, thành phố hoặc giữa các huyện, thành phố trong tỉnh).

3. Địa điểm tiếp nhập sơ tán

- Chất lượng các điểm tiếp nhận sơ tán phải đảm bảo 02 yếu tố: tránh được gió bão và nước dâng do bão.

- Địa điểm tiếp nhận di dời tại chỗ chủ yếu là nhà ở của dân có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu trong khu vực.

- Địa điểm tiếp nhận sơ tán chủ yếu là các nhà ở của dân trong khu vực có độ ngập sâu dưới 0,5m và các trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

- Kết quả tổng hợp, đánh giá về năng lực của các điểm tiếp nhận so với số lượng người cần sơ tán đối với 05 kịch bản cụ thể như sau:

+ Các kịch bản 2, 3, 4, 5 (bão từ cấp 12 trở xuống): năng lực của các điểm tiếp nhận sơ tán đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sơ tán dân.

+ Riêng đối với kịch bản 1 (bão cấp 13): năng lực của các điểm tiếp nhận sơ tán không đảm bảo nhu cầu sơ tán dân, theo kết quả tổng hợp còn khoảng 2.500 người trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nước dâng do bão không còn nơi để bố trí sơ tán đến.

(Đính kèm theo các Phụ lục số 6, 7, 8, 9, 10)

4. Lực lượng và phương tiện, trang thiết bị huy động hỗ trợ sơ tán dân

Thực hiện theo Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1409/QĐ- UBND ngày 22 tháng 7 năm 2015.

III. Đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở kết quả rà soát, cập nhật Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão theo Bản ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão như trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị:

1. Các Sở, Ngành, Đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện, đồng thời tiến hành rà soát, cập nhật Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão của ngành, đơn vị, địa phương mình thật chặt chẽ, để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ huy công tác sơ tán dân tránh bão, nước dâng do bão tại địa phương; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ trong việc huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ công tác di dời, sơ tán dân, trong đó lấy lực vũ trang làm nòng cốt. Trong chỉ đạo, điều hành ứng phó bão cần tập trung lực lượng, phương tiện ứng cứu hiệu quả các khu vực xung yếu, di dời dân đến nơi an toàn để tránh xảy ra thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản.

3. Lãnh đạo các Sở, Ban ngành, Đoàn thể là Thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của các địa phương được phân công phụ trách.

4. Theo kết quả tổng hợp, đánh giá về năng lực của các điểm tiếp nhận so với số lượng người cần sơ tán đối với kịch bản 1 (bão cấp 13) thì năng lực các điểm tiếp nhận sơ tán của tỉnh không đảm bảo nhu cầu (còn khoảng 2.500 người trong khu vực bị ảnh hưởng bởi nước dâng do bão không còn nơi để bố trí sơ tán đến), do đó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai xem xét, có phương án hỗ trợ di dời dân khi có tình huống xảy ra.

Trên đây là kết quả rà soát, cập nhật Phương án ứng phó bão mạnh, siêu bão của tỉnh năm 2016 trên cơ sở Bản ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UB Quốc gia TKCN; (báo cáo)
- Cục PCTT; (báo cáo)
- Chi cục PCTT khu vực Miền Nam; (báo cáo)
- VP. Tỉnh ủy; (báo cáo)
- Ủy ban nhân dân tỉnh; (báo cáo)
- Ông Nguyễn Hữu Lập-PCT UBND tỉnh; (báo cáo)
- Trưởng ban, các phó Trưởng ban; (báo cáo)
- Lưu: VT, QLĐĐ.TT60

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN




Giám đốc Sở NN và PTNT
Bùi Văn Lâm

 


PHỤ LỤC 1

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 1: BÃO CẤP 13, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m

Độ ngập sâu từ 1,0 đến trên 2,5m

Tổng số người cần phải di dời, sơ tán theo kịch bản 1

Địa điểm dự kiến sơ tán

Phương tiện di chuyển

Số người cần di dời, sơ tán

Số người cần di dời, sơ tán

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

I

Huyện Ba Tri

15.618

7.809

23.427

14.730

51.556

66.287

30.348

59.365

89.714

- Địa điểm tiếp nhận di dời tại chỗ chủ yếu là các nhà ở kiên cố, nhà có tầng lầu,...

- Địa điểm tiếp nhận sơ tán chủ yếu là các trụ sở, cơ quan, trường học kiên cố và có tầng lầu; các nhà ở kiên cố, nhà ở có tầng lầu trong khu vực mức độ ngập sâu dưới 0,5m.

Chủ yếu là các loại xe khách, xe lôi, xe mô tô, xuồng, ghe các loại,... tại Phụ lục 4 - Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão được ban hành theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22/7/2015.

II

Huyện Bình Đại

11.723

5.862

17.585

9.633

33.716

43.350

21.356

39.578

60.934

III

Huyện Châu Thành

26.091

13.046

39.137

9.879

34.575

44.454

35.970

47.621

83.591

IV

Huyện Chợ Lách

10.533

5.267

15.800

7.219

25.265

32.484

17.752

30.532

48.283

V

Huyện Giồng Trôm

18.131

9.065

27.196

5.816

20.355

26.171

23.947

29.420

53.367

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

11.707

5.853

17.560

3.476

12.164

15.640

15.182

18.018

33.200

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

12.253

6.127

18.380

11.954

41.839

53.793

24.207

47.965

72.172

VIII

Huyện Thạnh Phú

6.734

3.367

10.101

14.862

52.018

66.880

21.597

55.385

76.982

IX

Thành phố Bến Tre

11.375

5.687

17.062

8.431

29.509

37.940

19.806

35.196

55.002

 

TỔNG CỘNG:

124.165

62.083

186.248

85.999

300.998

386.997

210.165

363.080

573.245

 

 

 

PHỤ LỤC 2

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI KỊCH BẢN 2: BÃO CẤP 12, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M
(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m

Độ ngập sâu từ 1,0 đến trên 2,5m

Tổng số người cần phải di dời, sơ tán theo kịch bản 2

Địa điểm dự kiến sơ tán đến

Phương tiện di chuyển

Số người cần di dời, sơ tán

Số người cần di dời, sơ tán

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

I

Huyện Ba Tri

13.865

6.932

20.797

9.638

33.731

43.369

23.502

40.664

64.166

- Địa điểm tiếp nhận di dời tại chỗ chủ yếu là các nhà ở kiên cố, nhà có tầng lầu,...

- Địa điểm tiếp nhận sơ tán chủ yếu là các trụ sở, cơ quan, trường học kiên cố và có tầng lầu; các nhà ở kiên cố, nhà ở có tầng lầu trong khu vực mức độ ngập sâu dưới 0,5m.

Chủ yếu là các loại xe khách, xe lôi, xe mô tô, xuồng, ghe các loại,... tại Phụ lục 4 - Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão được ban hành theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22/7/2015.

II

Huyện Bình Đại

11.106

5.553

16.660

6.336

22.175

28.511

17.442

27.728

45.171

III

Huyện Châu Thành

26.051

13.025

39.076

6.767

23.684

30.450

32.817

36.709

69.526

IV

Huyện Chợ Lách

11.085

5.543

16.628

5.481

19.183

24.664

16.566

24.726

41.292

V

Huyện Giồng Trôm

13.938

6.969

20.907

4.151

14.528

18.678

18.089

21.497

39.585

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

6.407

3.203

9.610

2.537

 8.880

11.417

8.944

12.083

21.027

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

15.345

7.673

23.018

8.513

29.795

38.308

23.858

37.468

61.326

VIII

Huyện Thạnh Phú

13.398

6.699

20.097

10.116

35.404

45.520

23.514

42.103

65.617

IX

Thành phố Bến Tre

12.707

6.354

19.061

6.504

22.765

29.269

19.211

29.118

48.330

 

TỔNG CỘNG:

123.902

61.951

185.853

60.042

210.145

270.187

183.944

272.096

456.040

 

 

 

PHỤ LỤC 3

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI KỊCH BẢN 3: BÃO CẤP 11, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M
(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m

Độ ngập sâu từ 1,0 đến trên 2,5m

Tổng số người cần phải di dời, sơ tán theo kịch bản 3

Địa điểm dự kiến sơ tán đến

Phương tiện di chuyển

Số người cần di dời, sơ tán

Số người cần di dời, sơ tán

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

I

Huyện Ba Tri

13.570

6.785

20.355

10.006

35.022

45.028

23.577

41.807

65.384

- Địa điểm tiếp nhận di dời tại chỗ chủ yếu là các nhà ở kiên cố, nhà có tầng lầu,...

- Địa điểm tiếp nhận sơ tán chủ yếu là các trụ sở, cơ quan, trường học kiên cố và có tầng lầu; các nhà ở kiên cố, nhà ở có tầng lầu trong khu vực mức độ ngập sâu dưới 0,5m.

Chủ yếu là các loại xe khách, xe lôi, xe mô tô, xuồng, ghe các loại,... tại Phụ lục 4 - Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão được ban hành theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22/7/2015.

II

Huyện Bình Đại

8.860

4.430

13.290

4.430

15.506

19.936

13.291

19.936

33.227

III

Huyện Châu Thành

17.976

8.988

26.965

5.408

18.928

24.336

23.384

27.916

51.301

IV

Huyện Chợ Lách

10.433

5.216

15.649

4.480

15.678

20.158

14.912

20.895

35.807

V

Huyện Giồng Trôm

10.226

5.113

15.338

3.094

10.827

13.921

13.319

15.940

29.259

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

3.208

1.604

4.812

2.076

7.267

9.343

5.284

8.871

14.155

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

15.179

7.590

22.769

5.200

18.200

23.400

20.379

25.790

46.169

VIII

Huyện Thạnh Phú

16.588

8.294

24.883

5.017

17.560

22.577

21.606

25.854

47.460

IX

Thành phố Bến Tre

12.997

6.498

19.495

4.602

16.108

20.711

17.599

22.607

40.206

 

TỔNG CỘNG:

109.038

54.519

163.557

44.314

155.097

199.411

153.351

209.616

362.968

 

 

 

PHỤ LỤC 4

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 4: BÃO CẤP 10, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m

Độ ngập sâu từ 1,0 đến trên 2,5m

Tổng số người cần phải di dời, sơ tán theo kịch bản 4

Địa điểm dự kiến sơ tán đến

Phương tiện di chuyển

Số người cần di dời, sơ tán

Số người cần di dời, sơ tán

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

I

Huyện Ba Tri

12.112

6.056

18.168

7.412

25.942

33.354

19.524

31.998

51.522

- Địa điểm tiếp nhận di dời tại chỗ chủ yếu là các nhà ở kiên cố, nhà có tầng lầu,...

- Địa điểm tiếp nhận sơ tán chủ yếu là các trụ sở, cơ quan, trường học kiên cố và có tầng lầu; các nhà ở kiên cố, nhà ở có tầng lầu trong khu vực mức độ ngập sâu dưới 0,5m.

Chủ yếu là các loại xe khách, xe lôi, xe mô tô, xuồng, ghe các loại,… tại Phụ lục 4 - Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão được ban hành theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22/7/2015.

II

Huyện Bình Đại

6.660

3.330

9.990

3.702

12.959

16.661

10.362

16.288

26.651

III

Huyện Châu Thành

10.868

5.434

16.302

4.709

16.480

21.189

15.577

21.914

37.491

IV

Huyện Chợ Lách

7.490

3.745

11.235

4.173

14.606

18.779

11.663

18.351

30.014

V

Huyện Giồng Trôm

7.716

3.858

11.575

2.621

9.172

11.793

10.337

13.031

23.368

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

1.778

889

2.667

1.890

16.613

8.503

3.667

7.502

11.170

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

9.212

4.606

13.818

3.590

12.564

16.153

12.802

17.170

29.972

VIII

Huyện Thạnh Phú

11.128

5.564

16.691

3.808

13.327

17.135

14.935

18.891

33.826

IX

Thành phố Bến Tre

11.023

5.511

16.534

3.202

11.209

14.411

14.225

16.720

30.945

 

TỔNG CỘNG:

77.986

38.993

116.979

35.106

122.872

157.978

113.092

161.865

274.958

 

 

 

PHỤ LỤC 5

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 5: BÃO CẤP 10, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.3M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Độ ngập sâu từ 0,5-1,0m

Độ ngập sâu từ 1,0 đến trên 2,5m

Tổng số người cần phải dì dời, sơ tán theo kịch bản 5

Địa điểm dự kiến sơ tán đến

Phương tiện di chuyển

Số người cần di dời, sơ tán

Số người cần di dời, sơ tán

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

Di dời tại chỗ

Số người sơ tán

Tổng

I

Huyện Ba Tri

12.342

6.171

18.513

5.978

20.922

26.900

18.320

27.093

45.413

- Địa điểm tiếp nhận di dời tại chỗ chủ yếu là các nhà ở kiên cố, nhà có tầng lầu,...

- Địa điểm tiếp nhận sơ tán chủ yếu là các trụ sở, cơ quan, trường học kiên cố và có tầng lầu; các nhà ở kiên cố, nhà ở có tầng lầu trong khu vực mức độ ngập sâu dưới 0,5m.

Chủ yếu là các loại xe khách, xe lôi, xe mô tô, xuồng, ghe các loại,… tại Phụ lục 4 - Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão được ban hành theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 22/7/2015.

II

Huyện Bình Đại

5.618

2.809

8.428

3.355

11.744

15.099

8.974

14.553

23.527

III

Huyện Châu Thành

11.932

5.966

17.898

4.982

17.436

22.418

16.914

23.402

40.316

IV

Huyện Chợ Lách

9.444

4.722

14.166

3.799

13.297

17.096

13.243

18.019

31.262

V

Huyện Giồng Trôm

7.919

3.960

11.879

2.648

9.268

11.916

10.567

13.227

23.794

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

2.082

1.041

3.123

1.691

5.917

7.608

3.773

6.958

10.731

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

9.370

4.685

14.055

3.286

11.502

14.789

12.657

16.187

28.844

VIII

Huyện Thạnh Phú

9.362

4.681

14.043

2.902

10.156

13.058

12.264

14.837

27.101

IX

Thành phố Bến Tre

12.578

6.289

18.867

3.763

13.171

16.934

16.341

19.460

35.802

 

TỔNG CỘNG:

80.648

40.324

120.972

32.404

113.413

145.817

113.052

153.737

266.789

 

 

 

PHỤ LỤC 6

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 1: BÃO CẤP 13, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Tên địa điểm

Mô tả quy mô, kết cấu

Đánh giá chất lượng đảm bảo sơ tán dân

Số lượng người có thể sơ tán đến

Số người cần sơ tán

Ghi chú

Nhà dân

Trường học

Trụ sở, cơ quan

Tổng năng lực

I

Huyện Ba Tri

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m;

- Trường học;

- Trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão.

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m phải có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu;

- Trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

Đảm bảo chịu được gió bão và tránh nước dâng do bão.

8.623

27.885

14.500

51.009

59.365

Không đảm bảo

II

Huyện Bình Đại

5.706

23.238

12.500

41.444

39.578

Đảm bảo

III

Huyện Châu Thành

2.838

25.562

13.500

41.899

47.621

Không đảm bảo

IV

Huyện Chợ Lách

7.174

12.781

8.000

27.955

30.532

Không đảm bảo

V

Huyện Giồng Trôm

16.145

25.562

13.500

55.207

29.420

Đảm bảo

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

12.685

15.105

9.000

36.790

18.018

Đảm bảo

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

2.403

19.752

11.000

33.155

47.965

Không đảm bảo

VIII

Huyện Thạnh Phú

1.746

20.914

11.500

34.160

55.385

Không đảm bảo

IX

Thành phố Bến Tre

5.252

19.752

14.000

39.004

35.196

Đảm bảo

 

TỔNG CỘNG:

 

 

 

62.574

190.550

107.500

360.624

363.080

 

 

PHỤ LỤC 7

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 2: BÃO CẤP 12, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Tên địa điểm

Mô tả quy mô, kết cấu

Đánh giá chất lượng đảm bảo sơ tán dân

Số lượng người có thể sơ tán đến

Số người cần sơ tán

Ghi chú

Nhà dân

Trường học

Trụ sở, cơ quan

Tổng năng lực

I

Huyện Ba Tri

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m;

- Trường học;

- Trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão.

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m phải có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu;

- Trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

Đảm bảo chịu được gió bão và tránh nước dâng do bão.

11.522

27.885

14.500

53.907

40.664

Đảm bảo

II

Huyện Bình Đại

8.752

23.238

12.500

44.490

27.728

Đảm bảo

III

Huyện Châu Thành

10.214

25.562

13.500

49.275

36.709

Đảm bảo

IV

Huyện Chợ Lách

7.268

12.781

8.000

28.049

24.726

Đảm bảo

V

Huyện Giồng Trôm

15.903

25.562

13.500

54.965

21.497

Đảm bảo

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

13.724

15.105

9.000

37.828

12.083

Đảm bảo

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

5.666

19.752

11.000

36.418

37.468

Không đảm bảo

VIII

Huyện Thạnh Phú

4.182

20.914

11.500

36.596

42.103

Không đảm bảo

IX

Thành phố Bến Tre

6.967

19.752

14.000

40.719

29.118

Đảm bảo

 

TỔNG CỘNG:

 

 

 

84.197

190.550

107.500

382.247

272.096

 

 

PHỤ LỤC 8

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 3: BÃO CẤP 11, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Tên địa điểm

Mô tả quy mô, kết cấu

Đánh giá chất lượng đảm bảo sơ tán dân

Số lượng người có thể sơ tán đến

Số người cần sơ tán

Ghi chú

Nhà dân

Trường học

Trụ sở, cơ quan

Tổng năng lực

I

Huyện Ba Tri

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m;

- Trường học;

- Trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão.

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m phải có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu;

- Trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

Đảm bảo chịu được gió bão và tránh nước dâng do bão.

8.882

27.885

14.500

51.267

41.807

Đảm bảo

II

Huyện Bình Đại

9.305

23.238

12.500

45.043

19.936

Đảm bảo

III

Huyện Châu Thành

20.772

25.562

13.500

59.833

27.916

Đảm bảo

IV

Huyện Chợ Lách

8.232

12.781

8.000

29.013

20.895

Đảm bảo

V

Huyện Giồng Trôm

16.240

25.562

13.500

55.301

15.940

Đảm bảo

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

8.689

15.105

9.000

32.793

8.871

Đảm bảo

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

11.862

19.752

11.000

42.614

25.790

Đảm bảo

VIII

Huyện Thạnh Phú

9.398

20.914

11.500

41.812

25.854

Đảm bảo

IX

Thành phố Bến Tre

8.482

19.752

14.000

42.234

22.607

Đảm bảo

 

TỔNG CỘNG:

 

 

101.861

190.550

107.500

399.911

209.616

 

 

PHỤ LỤC 9

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂN
THEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI
KỊCH BẢN 4: BÃO CẤP 10, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M

(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Tên địa điểm

Mô tả quy mô, kết cấu

Đánh giá chất lượng đảm bảo sơ tán dân

Số lượng người có thể sơ tán đến

Số người cần sơ tán

Ghi chú

Nhà dân

Trường học

Trụ sở, cơ quan

Tổng năng lực

I

Huyện Ba Tri

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m;

- Trường học;

- Trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão.

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m phải có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu;

- Trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

Đảm bảo chịu được gió bão và tránh nước dâng do bão.

8.252

27.885

14.500

50.638

31.998

Đảm bảo

II

Huyện Bình Đại

8.977

23.238

12.500

44.715

16.288

Đảm bảo

III

Huyện Châu Thành

25.474

25.562

13.500

64.535

21.914

Đảm bảo

IV

Huyện Chợ Lách

10.148

12.781

8.000

30.929

18.351

Đảm bảo

V

Huyện Giồng Trôm

15.442

25.562

13.500

54.504

13.031

Đảm bảo

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

5.399

15.105

9.000

29.504

7.502

Đảm bảo

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

14.407

19.752

11.000

45.160

17.170

Đảm bảo

VIII

Huyện Thạnh Phú

13.527

20.914

11.500

45.941

18.891

Đảm bảo

IX

Thành phố Bến Tre

9.122

19.752

14.000

42.874

16.720

Đảm bảo

 

TỔNG CỘNG:

 

 

 

110.750

190.550

107.500

408.800

161.865

 

 

PHỤ LỤC 10

TỔNG HỢP SỐ LIỆU PHƯƠNG ÁN SƠ TÁN DÂNTHEO BẢN ĐỒ NGẬP LỤT DO NƯỚC BIỂN DÂNG TRONG TÌNH HUỐNG BÃO MẠNH, SIÊU BÃO TƯƠNG ỨNG VỚI KỊCH BẢN 5: BÃO CẤP 10, MỰC NƯỚC TẠI AN THUẬN THỜI ĐIỂM BÃO ĐỔ BỘ +1.7M
(Kèm theo Công văn số 77/PCTT ngày 11 tháng 10 năm 2016)

STT

Tên xã, phường, thị trấn

Tên địa điểm

Mô tả quy mô, kết cấu

Đánh giá chất lượng đảm bảo sơ tán dân

Số lượng người có thể sơ tán đến

Số người cần sơ tán

Ghi chú

Nhà dân

Trường học

Trụ sở, cơ quan

Tổng năng lực

I

Huyện Ba Tri

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m;

- Trường học;

- Trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão.

- Nhà ở của dân trong khu vực ngập dưới 0,5m phải có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu;

- Trường học, trụ sở, cơ quan, nhà tránh bão,... có kết cấu kiên cố hoặc có tầng lầu.

Đảm bảo chịu được gió bão và tránh nước dâng do bão.

8.554

27.885

14.500

50.939

27.093

Đảm bảo

II

Huyện Bình Đại

9.186

23.238

12.500

44.924

14.553

Đảm bảo

III

Huyện Châu Thành

24.614

25.562

13.500

63.676

23.402

Đảm bảo

IV

Huyện Chợ Lách

8.814

12.781

8.000

29.594

18.019

Đảm bảo

V

Huyện Giồng Trôm

15.844

25.562

13.500

54.906

13.227

Đảm bảo

VI

Huyện Mỏ Cày Bắc

5.966

15.105

9.000

30.070

6.958

Đảm bảo

VII

Huyện Mỏ Cày Nam

14.281

19.752

11.000

45.033

16.187

Đảm bảo

VIII

Huyện Thạnh Phú

12.917

20.914

11.500

45.332

14.837

Đảm bảo

IX

Thành phố Bến Tre

8.236

19.752

14.000

41.988

19.460

Đảm bảo

 

TỔNG CỘNG:

 

 

 

108.413

190.550

107.500

406.463

153.737

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt Kế hoạch Phòng chống thiên tai giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

  • Số hiệu: 26/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Nguyễn Hữu Lập
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản