Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2011/QĐ-UBND | Tiền Giang, ngày 19 tháng 9 năm 2011 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Cán bộ, Công chức năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27 tháng 5 năm 2010 của Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 19 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)
Quy định này quy định tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức cấp xã) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP và Điều 3 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, bao gồm các chức danh: Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy (Bí thư, Phó Bí thư chi bộ nơi chưa thành lập Đảng ủy cấp xã); Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Tài chính - Kế toán; Tư pháp - Hộ tịch; Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã); Văn phòng - Thống kê; Văn hóa - Xã hội; Trưởng Công an xã; Chỉ huy Trưởng Quân sự.
Cán bộ, công chức cấp xã phải đáp ứng những tiêu chuẩn sau đây:
1. Có tinh thần yêu nước sâu sắc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có năng lực tổ chức vận động nhân dân thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
2. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, công tâm thạo việc, tận tụy với dân. Không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Có ý thức kỷ luật trong công tác. Trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
3. Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ học vấn, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Mục đích của việc xác định tiêu chuẩn
Tiêu chuẩn cụ thể của cán bộ, công chức cấp xã là căn cứ để cấp huyện, cấp xã thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch, bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, xếp lương, nâng bậc lương và các chế độ, chính sách khác.
TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Mục 1. TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CẤP XÃ
Điều 5. Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy
1. Chức trách là cán bộ chuyên trách công tác đảng ở Đảng bộ, chi bộ (nơi chưa thành lập Đảng bộ); có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cùng tập thể Đảng ủy, chi ủy lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.
2. Nhiệm vụ của Bí thư:
- Nắm vững Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết và chỉ thị của cấp trên và chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cấp mình; nắm vững nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết có hiệu quả công việc đột xuất; nắm chắc và sát tình hình Đảng bộ, tổ chức Đảng trực thuộc và nhân dân trên địa bàn; chịu trách nhiệm chủ yếu về các mặt công tác của Đảng bộ.
- Chủ trì cuộc họp của Ban chấp hành, Ban Thường vụ và chỉ đạo về việc chuẩn bị xây dựng nghị quyết của Đảng bộ, của Ban chấp hành, Ban Thường vụ và tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết đó.
- Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động và giữ vai trò trung tâm đoàn kết; giữ vai trò lãnh đạo toàn diện đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn.
- Lãnh đạo, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, của Đảng bộ, của Ban chấp hành và Ban Thường vụ Đảng ủy.
3. Nhiệm vụ của Phó Bí thư:
- Giúp Bí thư Đảng bộ chuẩn bị nội dung các cuộc họp và dự thảo nghị quyết của Ban chấp hành và Ban Thường vụ về các mặt công tác của Đảng bộ.
- Tổ chức việc thông tin tình hình và chủ trương của Ban chấp hành, Ban Thường vụ cho các ủy viên Ban chấp hành và tổ chức Đảng trực thuộc.
- Tổ chức kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên, của Ban chấp hành và Ban Thường vụ.
4. Tiêu chuẩn:
- Tuổi đời: không quá 45 tuổi đối với nam, không quá 40 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu (trừ trường hợp đã được phân công giữ chức vụ tương đương trở lên) và chỉ giữ chức vụ đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Riêng Bí thư Đảng ủy giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tục.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: có trình độ trung cấp lý luận chính trị (hoặc trung cấp lý luận chính trị - hành chính) trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: có trình độ trung cấp trở lên; đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, kiến thức quản lý hành chính nhà nước, kiến thức quản lý kinh tế.
1. Chức trách: là cán bộ chuyên trách đứng đầu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức mình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của điều lệ của tổ chức đoàn thể; chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
2. Nhiệm vụ:
- Chuẩn bị nội dung, triệu tập và chủ trì các kỳ họp của tổ chức mình.
- Cùng tập thể Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban thường vụ của tổ chức: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động đối với Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở ấp, khu phố.
- Phối hợp với chính quyền, các đoàn thể cùng cấp vận động, hướng dẫn cán bộ đoàn viên, hội viên tổ chức mình, các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, hiệp thương bầu cử xây dựng chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ tại xã, phường, thị trấn và các phong trào thi đua của tổ chức mình theo chương trình, nghị quyết của tổ chức chính trị - xã hội cấp trên.
- Tổ chức, chỉ đạo việc học tập chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước; các chủ trương, nghị quyết đối với đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.
- Chỉ đạo việc lập kế hoạch kinh phí, thực hiện có hiệu quả và quyết toán kinh phí hoạt động của tổ chức mình theo qui định của pháp luật.
- Tham mưu đối với cấp ủy Đảng cùng cấp trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của tổ chức mình.
- Bám sát hoạt động các phong trào, định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá và báo cáo với cấp ủy cùng cấp và các tổ chức đoàn thể cấp trên về hoạt động của tổ chức mình.
- Chỉ đạo việc xây dựng qui chế hoạt động của Ban Thường vụ, Ban chấp hành cấp cơ sở của tổ chức mình; chỉ đạo hoạt động của Ban thường vụ, Ban chấp hành đảm bảo theo đúng quy chế đã xây dựng.
3. Tiêu chuẩn:
- Tuổi đời: không quá 45 tuổi đối với nam, không quá 40 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu (trừ trường hợp đã được phân công giữ chức vụ tương đương trở lên) và chỉ giữ chức vụ đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.
Riêng Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giữ chức vụ lần đầu không quá 28 tuổi và chỉ giữ chức vụ không quá 35 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam giữ chức vụ không quá 65 tuổi.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên.
Riêng Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: có trình độ sơ cấp và tương đương trở lên.
- Chuyên môn, nghiệp vụ: đã được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ lĩnh vực công tác mà cán bộ đang đảm nhiệm tương đương trình độ sơ cấp trở lên.
Riêng Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên.
Điều 7. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân
1. Chức trách: là cán bộ chuyên trách của Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
2. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng nhân dân
- Triệu tập, chủ tọa các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, phối hợp với Ủy ban nhân dân trong việc chuẩn bị kỳ họp Hội đồng nhân dân; chủ trì trong việc tham gia xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
- Giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân.
- Tổ chức tiếp dân, đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
- Giữ mối quan hệ với đại biểu Hội đồng nhân dân, phối hợp công tác với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, thông báo hoạt động của Hội đồng nhân dân với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
- Báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân lên Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp trên.
- Chủ trì và phối hợp với Ủy ban nhân dân trong việc quyết định đưa ra bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
3. Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng nhân dân phân công cụ thể và thay mặt Chủ tịch Hội đồng nhân dân giải quyết công việc khi Chủ tịch Hội đồng nhân dân vắng mặt.
4. Tiêu chuẩn:
- Tuổi đời: không quá 45 tuổi đối với nam, không quá 40 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu (trừ trường hợp đã được phân công giữ chức vụ tương đương trở lên) và chỉ giữ chức vụ đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Riêng Chủ tịch Hội đồng nhân dân giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tục.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: có trình độ trung cấp chính trị trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của loại hình đơn vị hành chính (xã, phường, thị trấn). Đã qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế, kiến thức và kỹ năng hoạt động đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Điều 8. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chức trách: là cán bộ chuyên trách lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của Ủy ban nhân dân và hoạt động quản lý Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đã được phân công, phân cấp trên địa bàn.
2. Nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Lãnh đạo phân công công tác của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân, công tác chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân, gồm:
- Tổ chức chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra đối với công tác chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân và các quyết định của Ủy ban nhân dân.
- Quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tham gia quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền tập thể Ủy ban nhân dân.
- Áp dụng các biện pháp cải tiến lề lối làm việc, quản lý và điều hành bộ máy hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động.
- Ngăn ngừa, đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, công chức nhà nước và trong bộ máy chính quyền xã; tiếp dân, xét và giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật; giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn.
- Trực tiếp quản lý, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của Trưởng, Phó Trưởng ấp (khu phố).
- Báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên.
- Triệu tập và chủ tọa phiên họp của Ủy ban nhân dân.
- Thực hiện việc bố trí sử dụng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức theo phân cấp.
- Đình chỉ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật của Trưởng ấp, Phó Trưởng ấp (khu phố).
3. Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
Tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và những công việc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân ủy nhiệm khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân đi vắng.
4. Tiêu chuẩn:
- Tuổi đời: không quá 45 tuổi đối với nam và 40 tuổi đối với nữ khi tham gia giữ chức vụ lần đầu (trừ trường hợp đã được phân công giữ chức vụ tương đương trở lên) và chỉ giữ chức vụ đến 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ. Riêng Chủ tịch Ủy ban nhân dân giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ liên tục.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: có trình độ trung cấp chính trị trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: có trình độ trung cấp chuyên môn (luật, hành chính, nông nghiệp, kinh tế…) trở lên. Đã qua lớp bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước, quản lý kinh tế.
Mục 2. TIÊU CHUẨN CỤ THỂ ĐỐI VỚI CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Là công chức làm công tác chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã; có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác: tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch, địa chính - nông nghiệp - xây dựng - tài nguyên và môi trường, văn phòng - thống kê, văn hóa - xã hội, công an, quân sự và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
Điều 10. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Tài chính - Kế toán
1. Nhiệm vụ:
- Xây dựng dự toán thu chi ngân sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, giúp Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách, quyết toán ngân sách, kiểm tra hoạt động tài chính khác của xã.
- Thực hiện quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tài sản công theo quy định.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong khai thác nguồn thu, thực hiện các hoạt động tài chính ngân sách đúng quy định của pháp luật.
- Kiểm tra các hoạt động tài chính, ngân sách theo đúng quy định, tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan tài chính cấp trên.
- Thực hiện chi tiền theo lệnh chuẩn chi; thực hiện theo quy định về quản lý quỹ tiền mặt và giao dịch đối với kho bạc Nhà nước về xuất nhập quỹ.
- Báo cáo tài chính, ngân sách đúng quy định.
2. Tiêu chuẩn:
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị với trình độ tương đương sơ cấp trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ ngành tài chính - kế toán trở lên; sau khi tuyển dụng phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước; sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 11. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Tư pháp - Hộ tịch
1. Nhiệm vụ:
- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã soạn thảo, ban hành các văn bản quản lý theo quy định của pháp luật; giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật, pháp lệnh theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân cấp xã và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân.
- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, hướng dẫn cộng đồng dân cư ở các ấp, khu phố xây dựng quy ước đúng pháp luật và kiểm tra việc thực hiện quy ước; thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật; quản lý tủ sách pháp luật, tổ chức phục vụ nhân dân nghiên cứu pháp luật, phối hợp hướng dẫn hoạt động đối với các tổ hòa giải. Phối hợp với Trưởng ấp (khu phố) sơ kết, tổng kết công tác hòa giải, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan tư pháp cấp trên.
- Thực hiện việc đăng ký và quản lý hộ tịch theo các nhiệm vụ cụ thể được phân cấp quản lý và đúng thẩm quyền được giao.
- Thực hiện việc chứng thực theo thẩm quyền đối với các công việc thuộc nhiệm vụ được pháp luật quy định.
- Giúp Ủy ban nhân dân thực hiện một số công việc về quốc tịch theo quy định của pháp luật.
- Quản lý lý lịch tư pháp, thống kê tư pháp.
- Giúp Ủy ban nhân dân xã về công tác thi hành án theo nhiệm vụ cụ thể được phân cấp.
- Giúp Ủy ban nhân dân trong việc phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định việc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
- Giúp Ủy ban nhân dân thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm về quyền sử dụng đất, bất động sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
- Chấp hành quy chế làm việc của cơ quan, các chế độ quản lý hồ sơ tài liệu, chế độ báo cáo công tác theo quy định.
- Thực hiện các nhiệm vụ Tư pháp khác theo quy định của pháp luật.
2. Tiêu chuẩn:
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị với trình độ tương đương sơ cấp trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: có trình độ trung cấp luật trở lên, sau khi tuyển dụng phải qua bồi dưỡng nghiệp vụ tư pháp cấp xã và bồi dưỡng quản lý hành chính Nhà nước, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 12. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Địa chính - Xây dựng -
Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn); Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã)
1. Nhiệm vụ:
a) Về lĩnh vực địa chính và lĩnh vực môi trường:
- Lập sổ địa chính đối với chủ sử dụng đất hợp pháp, lập sổ mục kê toàn bộ đất của xã, phường, thị trấn.
- Giúp Ủy ban nhân dân hướng dẫn thủ tục, thẩm tra để xác nhận việc tổ chức, hộ gia đình đăng ký đất ban đầu, thực hiện các quyền công dân liên quan tới đất trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn tất các thủ tục có trách nhiệm chỉnh lý sự biến động đất đai trên sổ và bản đồ địa chính đã được phê duyệt.
- Thẩm tra, lập văn bản để Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp trên quyết định về giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình và cá nhân và tổ chức thực hiện quyết định đó.
- Thu thập tài liệu số liệu về số lượng, chất lượng đất đai; tham gia xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê đất đai theo thời gian và mẫu quy định.
- Bảo quản hồ sơ địa giới hành chính, bản đồ địa giới địa chính, bản đồ chuyên ngành, sổ địa chính, sổ mục kê, sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ theo dõi biến động đất đai, số liệu thống kê, kiểm kê, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, các mốc địa giới…
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý công tác xây dựng, giám sát về kỹ thuật trong việc xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương.
- Tuyên truyền giải thích, hòa giải tranh chấp về đất đai, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của dân về đất đai để giúp Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết, thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai để kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý.
- Phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp trên trong việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, bản đồ địa giới hành chính, giải phóng mặt bằng.
- Tham gia tuyên truyền, phổ biến về chính sách pháp luật đất đai.
- Thống kê, theo dõi, giám sát tình hình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên; tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả nước gây ra trên địa bàn xã.
- Thực hiện việc đăng ký, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện cam kết bảo vệ môi trường theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Triển khai thực hiện và các nhiệm vụ cụ thể về giữ gìn vệ sinh môi trường đối với các khu dân cư, hộ gia đình và các hoạt động bảo vệ môi trường nơi công cộng trên địa bàn theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Tham gia hòa giải, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo quy định của pháp luật; phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
- Báo cáo công tác về lĩnh vực tài nguyên môi trường và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
b) Về lĩnh vực xây dựng:
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành xây dựng cho các tổ chức và nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành xây dựng theo thẩm quyền.
- Tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy họach xây dựng các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã;
- Tham gia đóng góp ý kiến về quy hoạch xây dựng trên địa bàn phường, thị trấn.
- Cấp, thu hồi giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc các điểm dân cư nông thôn; kiểm tra việc xây dựng công trình theo giấy phép được cấp trên địa bàn xã, phường, thị trấn; tiếp nhận, xác nhận hồ sơ để cấp có thẩm quyền thực hiện việc xác lập quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
- Quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo quy chế quản lý kiến trúc đô thị (đối với phường, thị trấn) và quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cung cấp thông tin về lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch xây dựng theo phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Tổ chức thực hiện việc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, duy tu, bảo trì, quản lý, khai thác, sử dụng các công trình xây dựng, công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Tổ chức thực hiện việc giao nộp và lưu trữ hồ sơ, tài liệu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, hồ sơ, tài liệu hoàn công công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật.
- Thanh tra, kiểm tra việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành xây dựng, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng chống tham nhũng, lãng phí trong ngành xây dựng theo quy định của pháp luật.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm và đột xuất với Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình phát triển và quản lý các lĩnh vực thuộc ngành xây dựng trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc ngành xây dựng theo sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã và theo quy định của pháp luật.
c) Về lĩnh vực nông nghiệp:
- Trực tiếp làm Phó Trưởng Ban Nông nghiệp xã;
- Tổ chức và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Chỉ đạo kế hoạch sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, phát triển rừng hàng năm; tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt.
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức huy động lực lượng và thực hiện phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, thủy sản; tổ chức thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, bờ vùng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành, bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng và khắc phục hậu quả thiên tai hạn hán, bão, lũ, úng, lụt, sạt, lở, cháy rừng; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng, công trình và cơ sở hậu cần chuyên ngành tại địa phương.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và mạng lưới thủy nông; giám sát, kiểm tra, bảo vệ việc sử dụng nước trong công trình thủy lợi và nước sạch nông thôn trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thống kê diễn biến số lượng gia súc, gia cầm trên địa bàn cấp xã theo quy định; tổng hợp tình hình thực hiện tiến độ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.
- Tổ chức việc khai thác và phát triển các ngành, nghề, làng nghề truyền thống nông thôn; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và phát triển các ngành, nghề mới trên địa bàn cấp xã.
- Tổ chức thực hiện công tác quản lý chất lượng sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp xã theo quy định.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ công về nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp xã.
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, công tác thủy lợi và phát triển nông thôn trên địa bàn cấp xã theo quy định.
2. Tiêu chuẩn:
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị với trình độ tương đương sơ cấp trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ:
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực địa chính (hoặc địa chính - xây dựng): phải có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ một trong các ngành địa chính, quản lý đất đai, trắc địa bản đồ hoặc trung cấp xây dựng trở lên; sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng về quản lý hành chính Nhà nước; sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực nông nghiệp (hoặc nông nghiệp - môi trường): phải có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ thuộc một trong các ngành chăn nuôi, thú y; trồng trọt, bảo vệ thực vật; thủy sản; thủy lợi; phát triển nông thôn, môi trường trở lên. Sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng về quản lý hành chính Nhà nước, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực đô thị - môi trường: phải có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ thuộc một trong các ngành môi trường, quản lý đô thị; sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 13. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Văn phòng - Thống kê
1. Nhiệm vụ:
a) Đối với công chức phụ trách lĩnh vực hành chính văn phòng:
- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng chương trình công tác, lịch làm việc và theo dõi việc thực hiện chương trình, lịch làm việc đó; tổng hợp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân trong chỉ đạo thực hiện.
- Giúp Ủy ban nhân dân dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền; làm báo cáo gửi lên cấp trên.
- Quản lý công văn, sổ sách, giấy tờ, quản lý việc lập hồ sơ lưu trữ, biểu báo cáo thống kê, theo dõi biến động số lượng, chất lượng cán bộ, công chức cấp xã.
- Giúp Hội đồng nhân dân tổ chức kỳ họp, giúp Ủy ban nhân dân tổ chức tiếp dân, tiếp khách, nhận đơn từ khiếu nại của nhân dân chuyển đến Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hoặc lên cấp có thẩm quyền giải quyết.
- Đảm bảo điều kiện vật chất phục vụ cho các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, cho công việc của Ủy ban nhân dân.
- Giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo quy định của pháp luật và công tác được giao.
- Giúp Ủy ban nhân dân về công tác cải cách hành chính.
b) Đối với công chức phụ trách lĩnh vực thống kê:
- Đảm bảo thực hiện những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thống kê.
- Thực hiện các cuộc điều tra và chế độ báo cáo thống kê của nhà nước thông qua chương trình công tác của phòng thống kê huyện.
- Thực hiện công tác thống kê phục vụ yêu cầu quản lý của xã, phường, thị trấn.
- Giữ bí mật thông tin thống kê theo quy định của luật thống kê.
- Tuân thủ các quy định của pháp luật thống kê, chịu trách nhiệm về công việc được phân công.
- Thường xuyên củng cố, giữ mối quan hệ mật thiết với các ngành chuyên môn của xã và mạng lưới các hộ điều tra mẫu (nếu có).
- Giúp Ủy ban nhân dân về công tác thi đua khen thưởng.
2. Tiêu chuẩn:
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị với trình độ tương đương sơ cấp trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ:
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực hành chính Văn phòng: phải có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ ngành văn thư - lưu trữ hoặc trung cấp hành chính, trung cấp Luật trở lên. Sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước, ứng dụng được tin học trong công tác chuyên môn.
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực thống kê: phải có trình độ trung cấp chuyên môn nghiệp vụ ngành thống kê hoặc thống kê - kế toán, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 14. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Văn hóa - Xã hội
1. Nhiệm vụ:
a) Đối với công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch:
- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thông tin tuyên truyền giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - chính trị ở địa phương và đấu tranh chống âm mưu truyên truyền phá hoại của địch; báo cáo thông tin về dư luận quần chúng và tình hình môi trường văn hóa ở địa phương lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
- Giúp Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức vận động để xã hội hóa các nguồn lực nhằm xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các điểm vui chơi giải trí ở địa phương.
- Hướng dẫn, kiểm tra đối với tổ chức và công dân chấp hành pháp luật trong hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao.
- Lập chương trình, kế hoạch công tác văn hóa, văn nghệ, thông tin tuyên truyền, thể dục thể thao trình Ủy ban nhân dân và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt.
b) Đối với công chức phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội:
- Thống kê dân số, lao động, tình hình việc làm, ngành nghề trên địa bàn; nắm số lượng và tình hình các đối tượng hưởng chính sách lao động - thương binh và xã hội.
- Hướng dẫn và nhận hồ sơ của người xin học nghề, tìm việc làm, người được hưởng chính sách ưu đãi, chính sách xã hội trình Ủy ban nhân dân xã giải quyết theo thẩm quyền.
- Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện chi trả trợ cấp cho người hưởng chính sách lao động, thương binh và xã hội.
- Phối hợp các đoàn thể trong việc chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách, quản lý các nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ và bảo trợ xã hội, việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng xã hội ở cộng đồng.
- Theo dõi việc thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo.
- Phụ trách công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
- Giúp Ủy ban nhân dân cấp xã lập kế hoạch công tác lao động, thương binh và xã hội, thực hiện sơ kết, tổng kết báo cáo công tác lao động - thương binh và xã hội.
2. Tiêu chuẩn:
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải được bồi dưỡng lý luận chính trị với trình độ tương đương sơ cấp trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ:
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch: phải đạt trung cấp chuyên môn nghiệp vụ các ngành văn hóa nghệ thuật, quản lý văn hóa, phát thanh truyền hình trở lên. Sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và ngành chuyên môn liên quan tới nhiệm vụ được giao, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
+ Đối với công chức phụ trách lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: phải đạt trung cấp chuyên môn nghiệp vụ các ngành lao động xã hội hoặc cử nhân xã hội học, đại học kinh tế công cộng. Sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước và ngành chuyên môn liên quan tới nhiệm vụ được giao, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 15. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Trưởng Công an xã
1. Nhiệm vụ:
- Tổ chức lực lượng công an xã, nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã và cơ quan công an cấp trên về chủ trương, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Phối hợp với cơ quan, đoàn thể tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan tới an ninh trật tự cho nhân dân, hướng dẫn tổ chức quần chúng làm công tác an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý.
- Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác trên địa bàn theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của công an cấp trên.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, giữ trật tự công cộng và an toàn giao thông, quản lý vũ khí, chất nổ dễ cháy; quản lý hộ khẩu; kiểm tra các quy định về an ninh trật tự trên địa bàn theo thẩm quyền.
- Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; tổ chức việc quản lý, giáo dục đối tượng trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo việc bảo vệ hiện trường, bắt người phạm tội quả tang, tổ chức bắt người có lệnh truy nã, người có lệnh truy tìm hành chính theo quy định của pháp luật; tiếp nhận và dẫn giải người bị bắt lên công an cấp trên; cấp cứu người bị nạn.
- Tuần tra, bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng ở địa bàn theo hướng dẫn của Công an cấp trên.
- Xây dựng nội bộ lực lượng Công an xã, trong sạch, vững mạnh và thực hiện một số nhiệm vụ khác do cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân xã, công an cấp trên giao.
2. Tiêu chuẩn:
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: phải có trình độ trung cấp ngành quản lý trật tự xã hội ở địa bàn cơ sở hoặc trung cấp ngành công an trở lên. Sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng quản lý hành chính nhà nước, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 16. Nhiệm vụ và tiêu chuẩn của công chức Chỉ huy trưởng Quân sự
1. Nhiệm vụ:
- Quán triệt chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ công tác quốc phòng, phòng thủ dân sự và công tác dân quân tự vệ; báo cáo, đề đạt với cấp ủy Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã những chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện;
- Tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về công tác quốc phòng, phòng thủ dân sự và công tác dân quân tự vệ; chủ trì xây dựng kế hoạch, huấn luyện và hoạt động của dân quân; kế hoạch phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cấp xã; kế hoạch phòng thủ dân sự của cấp xã theo sự chỉ đạo của cơ quan quân sự địa phương cấp trên; chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nhiệm vụ có liên quan công tác quốc phòng, quân sự địa phương ở cấp xã;
- Cùng với Chính trị viên đề đạt với cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự, chỉ huy đơn vị dân quân, có kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức và năng lực tổ chức, quản lý, chỉ huy cho đội ngũ cán bộ cấp dưới thuộc quyền; củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế các đơn vị dân quân thuộc quyền nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và an ninh ở cấp xã;
- Hàng năm, chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện việc đăng ký công dân trong độ tuổi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, nam công dân trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; quản lý chặt chẽ số lượng và chất lượng lực lượng dân quân nòng cốt, dân quân rộng rãi, quân nhân dự bị, nam công dân trong độ tuổi nhập ngũ;
- Tổ chức giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho lực lượng dân quân theo chương trình huấn luyện của cơ quan quân sự địa phương cấp trên và thực hiện nhiệm vụ đột xuất của cấp trên; tổ chức kiểm tra, hội thảo, hội thi đánh giá kết quả công tác huấn luyện của cấp mình và tham gia hội thảo, hội thi theo yêu cầu của cơ quan quân sự địa phương các cấp;
- Tổ chức, chỉ huy dân quân phối hợp với Công an cấp xã và các lực lượng khác hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức lực lượng dân quân tham gia làm công tác vận động quần chúng, các phong trào, chương trình hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện;
- Chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu giúp cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức giáo dục quốc phòng toàn dân; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quốc phòng an ninh, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của nhân dân về xây dựng nên quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng các tình huống phức tạp xảy ra;
- Tham mưu cho cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn cấp xã;
- Nắm chắc tình hình, cùng Chính trị viên đề xuất với cấp ủy Đảng, Ủy ban nhân dân cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội;
- Duy trì nề nếp chế độ sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu; đăng ký và bảo quản vũ khí trang bị; thực hiện chế độ kiểm tra, báo cáo theo định kỳ và đột xuất, tiến hành giao ban, sơ kết, tổng kết về công tác quốc phòng, quân sự theo quy định.
- Độ tuổi: không quá 35 tuổi khi tuyển dụng lần đầu.
- Học vấn: tốt nghiệp trung học phổ thông.
- Lý luận chính trị: sau khi được tuyển dụng phải có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
- Chuyên môn nghiệp vụ: phải có trình độ trung cấp quân sự cơ sở hoặc trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở và sĩ quan dự bị cấp phân đội trở lên. Sau khi được tuyển dụng phải qua bồi dưỡng quản lý Nhà nước về quốc phòng cấp xã, sử dụng thành thạo các trang thiết bị phù hợp với ngành chuyên môn, kỹ thuật tin học trong công tác.
Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công có trách nhiệm căn cứ các quy định nêu trên và tình hình thực tế ở địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện quy định về tiêu chuẩn đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý của cấp mình.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Cán bộ, công chức chưa đạt chuẩn mà có thời gian công tác trước ngày 01/01/2011, phải có kế hoạch hoàn chỉnh kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ.
Ủy ban nhân dân cấp xã tạo điều kiện thuận lợi để các cán bộ, công chức chưa đủ chuẩn phấn đấu học tập đạt chuẩn quy định.
2. Xây dựng kế hoạch đưa cán bộ, công chức có đủ điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm đến năm 2013, cán bộ cấp xã đạt trình độ trung học phổ thông và được đào tạo từ trung cấp chuyên môn trở lên (chú ý các cán bộ đã được vận dụng bằng tốt nghiệp lý luận chính trị để xếp lương).
c) Kể từ 01/01/2012, chỉ bố trí, tuyển dụng những người đã đủ tiêu chuẩn theo quy định vào các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức trong bộ máy xã, phường, thị trấn.
d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trong việc bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức cấp xã.
Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã tổ chức thực hiện quy định này. Trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để nghiên cứu và giải quyết./.
- 1Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2012 công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành và bãi bỏ văn bản không còn phù hợp do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 2Quyết định 12/2013/QĐ-UBND về Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 3Quyết định 615/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần
- 4Quyết định 473/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 02/2012/QĐ-UBND quy định chế độ phụ cấp, hỗ trợ kiêm nhiệm, trợ cấp cho chức danh ở cấp xã, ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và sửa đổi quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang kèm theo Quyết định 26/2011/QĐ-UBND do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- 2Quyết định 1146/QĐ-UBND năm 2012 công bố Danh mục văn bản hết hiệu lực thi hành và bãi bỏ văn bản không còn phù hợp do tỉnh Tiền Giang ban hành
- 3Quyết định 12/2013/QĐ-UBND về Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
- 4Quyết định 615/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần
- 5Quyết định 473/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Tiền Giang kỳ 2014-2018
- 1Nghị định 114/2003/NĐ-CP về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Quyết định 04/2004/QĐ-BNV Quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 5Luật cán bộ, công chức 2008
- 6Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
- 7Thông tư liên tịch 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 92/2009/NĐ-CP chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Quyết định 26/2011/QĐ-UBND quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành
- Số hiệu: 26/2011/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 19/09/2011
- Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
- Người ký: Nguyễn Văn Khang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra