- 1Thông tư 19/2017/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo đảm hoạt động bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Quyết định 152/QĐ-BGTVT năm 2018 về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2017 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 380/QĐ-BGTVT năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông Vận tải kỳ 2014-2018
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI******
Số: 26/2007/QĐ-BGTVT |
| CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ******** Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2007 |
BAN HÀNH “QUY CHẾ TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG”
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 4 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế Tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.
Bãi bỏ Quyết định số 05/2004/QĐ-BGTVT ngày 6 tháng 4 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc ban hành “Quy chế Tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng Việt Nam”.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG |
TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26 /2007/QĐ-BGTVT ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Quy chế này quy định hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tàu bay lâm nguy, lâm nạn trong lãnh thổ Việt Nam và phần vùng thông báo bay trên biển quốc tế do Việt Nam quản lý, tại cảng hàng không, sân bay (bao gồm cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay).
1. Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn (Seach and Rescue services unit) là cơ sở hiệp đồng hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.
2. Công tác báo động (Alerting service) là hoạt động thông báo cho các cơ quan có liên quan về tàu bay cần sự giúp đỡ và sự hỗ trợ của Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
3. Giai đoạn hồ nghi (Uncertainty phase) là thời gian bắt đầu phát sinh có nghi ngờ về sự an toàn của tàu bay hoặc những người trên tàu bay.
4. Giai đoạn báo động (Alert phase) là thời gian bắt đầu phát sinh sự mất an toàn của tàu bay hoặc những người trên tàu bay.
5. Giai đoạn khẩn nguy (Distress phase) là thời gian bắt đầu từ khi có cơ sở cho rằng tàu bay hoặc những người trên tàu bay bị nguy hiểm nghiêm trọng trực tiếp hoặc cần trợ giúp khẩn cấp.
6. Tàu bay tìm kiếm, cứu nạn (Search and rescue aircraft) là tàu bay được lắp đặt các thiết bị chuyên dụng phù hợp để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.
7. Thời gian bay dự tính (Estimated elapsed time) là thời gian theo tính toán chủ quan để tàu bay có thể bay từ một điểm xác định này đến một điểm xác định khác.
8. Trạm báo động(Alerting post) là trạm được trang bị các phương tiện cần thiết nhằm thu thập thông tin liên quan đến tàu bay trong giai đoạn hồ nghi, giai đoạn báo động, giai đoạn khẩn nguy và chuyển thông tin đó tới các Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm-cứu nạn có liên quan.
9. Trạm vô tuyến định hướng (Radio direction-finding station) là trạm vô tuyến có tính năng xác định được hướng khi sử dụng đài vô tuyến đó.
10. Vùng tìm kiếm, cứu nạn (Search and rescue region) là khu vực có kích thước xác định trong đó được cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 3. Quy định chung đối với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không
Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không phải tuân thủ theo các quy định của:
1. Công ước về hàng không dân dụng quốc tế, Phụ lục 12 về tìm kiếm, cứu nạn (The Seach and Rescue);
2. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 06 năm 2006;
3. Pháp luật liên quan đến tìm kiếm, cứu nạn.
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN ĐẾN TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG
Điều 4. Trách nhiệm thông báo thông tin của tổ chức, cá nhân
Mọi tổ chức, cá nhân nếu phát hiện tàu bay lâm nguy, lâm nạn hoặc có lý do tin rằng tàu bay đang trong tình trạng khẩn nguy phải thông báo ngay cho trạm báo động hoặc cơ sở dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
Điều 5. Trách nhiệm của Cục Hàng không Việt Nam
1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về tìm kiếm, cứu nạn hàng không để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
2. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
3. Thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn hàng không; chỉ đạo xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng không bảo đảm khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
4. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn hàng không, kế hoạch đào tạo, huấn luyện, diễn tập; phân công vùng tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
5. Tổ chức nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao khả năng dự báo, đưa ra các biện pháp, giải pháp nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các tình huống đe dọa an toàn của tàu bay và những người trên tàu bay.
6. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm, cứu nạn; chỉ đạo phối hợp hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn với các quốc gia có liên quan trong khu vực; thông báo cho Quốc gia đăng ký tàu bay bị lâm nguy, lâm nạn.
7. Công bố và cập nhật tên, địa chỉ, phương tiện liên lạc của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
8. Phổ biến, tuyên truyền pháp luật và giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
Điều 6. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu
1. Thiết lập các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không trực thuộc bao gồm:
a) Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn (Rescue Coordination Centre) chịu trách nhiệm triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và hiệp đồng chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn;
b) Trung tâm Phụ cứu nạn (Rescue Subcentre) thuộc Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn thực hiện các nhiệm vụ cứu nạn trong một khu vực của vùng tìm kiếm, cứu nạn;
c) Đơn vị Tìm kiếm, cứu nạn (Seach and Rescue Unit) thuộc Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn;
d) Trạm báo động (Alerting Post) thuộc Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn, thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến tàu bay trong giai đoạn hồ nghi, giai đoạn báo động, giai đoạn khẩn nguy và chuyển thông tin đó tới Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn và các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan.
2. Thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hàng không, xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng không của doanh nghiệp bảo đảm khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
3. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống lụt bão.
4. Lập kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn, kế hoạch đào tạo, huấn luyện, diễn tập trình Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện.
5. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn trực thuộc.
6. Thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Trách nhiệm của doanh nghiệp cảng hàng không
1. Thiết lập các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không trực thuộc bao gồm:
a) Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy sân bay (Airport Emergency Coordination Centre) chịu trách nhiệm triển khai hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và hiệp đồng chỉ huy tìm kiếm, cứu nạn tại cảng hàng không, sân bay;
b) Trạm báo động (Airport Alerting Post) thuộc Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy sân bay, thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến tàu bay lâm nguy, lâm nạn trong khu vực sân bay và chuyển thông tin đó tới Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy sân bay và các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan;
c) Đơn vị Khẩn nguy, cứu nạn sân bay (Airport Emergency Rescue Unit) thuộc Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy sân bay, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại cảng hàng không, sân bay.
2. Thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn hàng không, xây dựng lực lượng tìm kiếm, cứu nạn hàng không của doanh nghiệp bảo đảm khả năng sẵn sàng cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn.
3. Chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Cục Hàng không Việt Nam về việc thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống lụt bão tại cảng hàng không, sân bay.
4. Lập kế hoạch khẩn nguy sân bay, kế hoạch đào tạo, huấn luyện, diễn tập trình Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt và tổ chức thực hiện.
5. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn trực thuộc.
6. Thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khác theo quy định của pháp luật.
Điều 8. Trách nhiệm của Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn, Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy sân bay
1. Lập phương án tìm kiếm, cứu nạn hàng không, phương án khẩn nguy sân bay tương ứng bao gồm các nội dung cụ thể sau đây:
a. Phương thức tiến hành tìm kiếm, cứu nạn; phương thức nhận, phát tin tức liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; phương thức hiệp đồng với cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không kế cận; phương thức nhận trợ giúp từ các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn khác; phương thức trợ giúp tàu bay lâm nguy, lâm nạn đang hạ cánh bắt buộc, phương thức trợ giúp tàu bay tìm kiếm, cứu nạn hoặc tàu bay khác đang trợ giúp tàu bay lâm nguy, lâm nạn;
b. Duy trì, bảo đảm bổ sung lương thực, y tế, thiết bị phát tín hiệu, phương tiện cứu nguy, cứu hộ, cứu nạn; bố trí và sử dụng phương tiện, hệ thống thông tin liên lạc phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; phương pháp báo động trong vùng tìm kiếm, cứu nạn;
c. Trách nhiệm và quyền hạn của nhân viên được giao nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn.
2. Chịu sự chỉ đạo tương ứng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, huấn luyện, diễn tập; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kế hoạch đào tạo, huấn luyện, diễn tập.
3. Chịu sự chỉ đạo trực tiếp tương ứng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn; hiệp đồng chặt chẽ với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay liên quan, các cơ sở tìm kiếm, cứu nạn khác để trợ giúp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không.
4. Bảo đảm lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn 24/24 giờ.
5. Bảo đảm các cơ sở trực thuộc được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc đủ khả năng nhận và xử lý thông tin khi có tai nạn xảy ra trong vùng hoặc khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn; bảo đảm thông tin thông suốt, nhanh chóng phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
6. Bảo đảm các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn, đơn vị khẩn nguy, cứu nạn sân bay trực thuộc được cung cấp đủ các phương tiện, thiết bị để nhanh chóng tới được hiện trường và trợ giúp, cứu nạn kịp thời tàu bay lâm nguy, lâm nạn và người trên tàu bay.
7. Bảo đảm sẵn có tại các cơ sở trực thuộc các thông tin sau đây: vị trí, tên, số máy điện thoại, tần số liên lạc vô tuyến của các Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn hàng không, Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn hàng không, Trung tâm Hiệp đồng khẩn nguy sân bay, Cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; địa chỉ, số máy điện thoại, tần số liên lạc vô tuyến của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người khai thác tàu bay, các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn khác; tần số báo động và bản đồ phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn.
8. Triển khai kịp thời phương án tìm kiếm, cứu nạn hàng không, phương án khẩn nguy sân bay tương ứng; cung cấp đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin có liên quan cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không tương ứng.
9. Đội tìm kiếm, cứu nạn tại hiện trường phải ưu tiên cấp cứu người sống sót, dập và phòng chống cháy, nổ; bảo vệ hiện trường, cung cấp đầy đủ thông tin để chuẩn bị cho công tác điều tra tai nạn.
10. Thường xuyên đánh giá hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong phạm vi trách nhiệm.
11. Lưu trữ hồ sơ, kết quả hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của mình.
Điều 9. Trách nhiệm của người khai thác tàu bay tìm kiếm, cứu nạn
1. Tàu bay tìm kiếm, cứu nạn phải được trang bị các phương tiện liên lạc trên các tần số khẩn nguy hàng không và các tần số khác phù hợp với hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng không, cụ thể như sau:
a) Trang bị máy thu, phát khẩn cấp trên tần số 121.5 MHZ; tần số 406 MHZ sử dụng từ 02/2009.
b) Trang bị máy thông tin liên lạc hai chiều trên tần số 2182 KHZ khi thực hiện tìm kiếm, cứu nạn trên biển.
2. Ngoài quy định tại khoản 1 của Điều này, tàu bay tìm kiếm, cứu nạn phải được trang bị một bản các ký hiệu mã, cốt quốc tế liên quan đến hoạt động bay dân dụng và hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.
3. Thiết bị cứu nạn, cứu sinh phải được mang theo trên tàu bay tìm kiếm. cứu nạn để trợ giúp người bị nạn. Thiết bị cứu trợ, cứu nạn, cứu sinh phải được đóng gói phù hợp, phân biệt rõ tính chất hàng hoá bên trong bằng mầu sắc, chỉ dẫn và các ký hiệu, có bản hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Vật dụng trong thùng đựng hàng hay gói đựng hàng có hình cờ đuôi nheo theo các màu sắc sau:
a) Màu đỏ: thiết bị y tế cứu trợ ban đầu;
b) Màu xanh da trời: thức ăn và nước uống;
c) Màu vàng: thức ăn và quần áo bảo vệ;
d) Mầu đen: các thiết bị khác nhau như lò sấy, rìu, la bàn, đồ dùng nhà bếp và các thiết bị cần thiết khác.
Điều 10. Trách nhiệm của người chỉ huy tàu bay đang bay
1. Người chỉ huy tàu bay đang bay phát hiện thấy tàu bay khác hay tầu biển đang ở trong tình trạng lâm nguy, lâm nạn phải thông báo ngay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan các thông tin sau đây:
a) Kiểu, loại tàu bay, tầu biển lâm nạn, nhận dạng và các điều kiện của tàu bay lâm nạn;
b) Toạ độ tai nạn, địa hình hoặc hướng so với đài dẫn đường;
c) Thời gian quan sát thấy;
d) Tình trạng hiện tại, số lượng người quan sát được;
đ) Những thông tin cần thiết khác.
2. Nếu điều kiện cho phép, người chỉ huy tàu bay đang bay tiếp tục quan sát tàu bay, tầu biển lâm nạn, xác định vị trí tàu bay, tầu biển lâm nạn để trợ giúp cho việc tìm kiếm, cứu nạn, hướng dẫn cho tàu bay tìm kiếm cứu nạn tới khi không thể kéo dài thêm hoặc không cần thiết nữa.
3. Khi nhận được tín hiệu, điện văn thông báo khẩn nguy trên sóng vô tuyến, điện thoại hay bất cứ phương tiện liên lạc nào khác, người chỉ huy tàu bay đang bay có trách nhiệm:
a) Ghi lại vị trí tàu bay lâm nạn;
b) Thông báo tin tức có được tới cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu hoặc Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn;
c) Chuyển hướng bay về vị trí phát tín hiệu khẩn nguy hoặc vị trí tàu bay lâm nạn theo yêu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu nếu điều kiện cho phép.
HIỆP ĐỒNG TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG
Điều 11. Phương thức hiệp đồng cho mỗi giai đoạn khẩn nguy
1. Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không khi nhận được thông tin tàu bay đang trong giai đoạn hồ nghi, giai đoạn báo động, giai đoạn khẩn nguy hoặc tai nạn phải nhanh chóng đánh giá, phân tích, xử lý thông tin và quyết định hành động phù hợp.
2. Trong trường hợp thông tin nhận được không phải từ cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không phải đánh giá, xác định giai đoạn tương ứng và phải thực hiện phương thức áp dụng cho từng giai đoạn quy định tại các khoản 3, 4 và 5 của Điều này.
3. Đối với giai đoạn hồ nghi, Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không phải phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, cơ quan và lực lượng khác có liên quan nhằm nhanh chóng đánh giá chính xác thông tin nhận được.
4. Đối với giai đoạn báo động, Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không phải thông báo ngay cho các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn hàng không tương ứng, báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam và triển khai kế hoạch hành động tương ứng.
5. Đối với giai đoạn khẩn nguy, Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không phải thực hiện các công việc sau:
a) Thông báo và phối hợp với các đơn vị tìm kiếm, cứu nạn hàng không triển khai lực lượng, phương tiện theo kế hoạch đã được phê duyệt;
b) Thực hiện kỹ thuật tìm kiếm; phối hợp với các cơ sở liên quan nghiên cứu, xác định vị trí tàu bay lâm nạn, xác định phạm vi khu vực tìm kiếm;
c) Thông báo cho người khai thác tàu bay và giữ liên lạc thường xuyên trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn; thông báo cho các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn kế cận, nếu thấy cần thiết;
d) Thông báo cho cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có liên quan khi nhận được thông tin từ những nguồn khác; chuyển thông tin liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tới cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu trong khu vực tàu bay lâm nạn để thông báo cho các tàu bay đang hoạt động trong khu vực biết và trợ giúp tìm kiếm, cứu nạn;
đ) Yêu cầu tàu bay đang bay, tầu thuyền, tầu biển và các phương tiện khác trong khu vực tàu bay lâm nạn tham gia vào công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng không;
e) Duy trì canh nghe tín hiệu phát ra từ tàu bay lâm nạn hoặc từ máy phát định vị khẩn nguy; lập kế hoạch hướng dẫn tìm kiếm, cứu nạn tàu bay lâm nạn;
g) Thông báo thường xuyên mọi tin tức cho Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng không có liên quan;
h) Báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam.
Điều 12. Chỉ định Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn chủ trì thực hiện tìm kiếm, cứu nạn
1. Khi giai đoạn khẩn nguy chưa kết thúc đối với tàu bay lâm nạn mà chưa xác định được vị trí và có thể ở một hoặc nhiều vùng tìm kiếm, cứu nạn, Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn phải triển khai hành động theo quy định tại khoản 5 Điều 11 của Quy chế này và thống nhất với Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn kế cận để chỉ định Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn chủ trì thực hiện trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn.
2. Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn chủ trì thực hiện tìm kiếm, cứu nạn phải là cơ sở chịu trách nhiệm ở một trong các vùng sau:
a) Vùng mà trong đó tàu bay báo cáo lần cuối cùng;
b) Vùng mà trong đó tàu bay sẽ tới khi điểm báo cáo cuối cùng là ranh giới của hai vùng tìm kiếm, cứu nạn;
c) Vùng mà tàu bay đã tới nhưng tàu bay không được trang bị vô tuyến liên lạc hai chiều thích hợp hoặc không bắt buộc giữ liên lạc vô tuyến.
3. Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn chủ trì phải thông báo tới các Cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn tham gia tìm kiếm, cứu nạn về diễn biến và kết quả trong quá trình tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 13. Tín hiệu tìm kiếm, cứu nạn
1. Hệ thống tín hiệu tìm kiếm, cứu nạn được quy định tại Phụ lục của Quy chế này.
2. Việc sử dụng tín hiệu tìm kiếm, cứu nạn phải rõ ràng, không được nhầm lẫn với tín hiệu khác.
Điều 14. Hiệp đồng với quốc gia lân cận trong việc tìm kiếm, cứu nạn
1. Cục Hàng không Việt Nam thống nhất với các cơ quan liên quan thuộc Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng trong việc cấp phép cho người, tàu bay, phương tiện của nước ngoài vào tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong thời gian sớm nhất theo quy định của pháp luật trong các trường hợp sau đây:
a) Vùng tìm kiếm, cứu nạn là vùng giáp ranh với quốc gia lân cận;
b) Theo đề nghị của quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia khai thác tàu bay.
2. Trong trường hợp cần thiết, sau khi xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các quốc gia có vùng tìm kiếm, cứu nạn liền kề đưa người, tàu bay, phương tiện vào trợ giúp tìm kiếm, cứu nạn.
Điều 15. Kết thúc tình trạng khẩn cấp, hoạt động tìm kiếm, cứu nạn
1. Trong giai đoạn hồ nghi hoặc giai đoạn báo động, khi có cơ sở xác định không còn tình trạng khẩn cấp nữa, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không phải thông báo kết thúc tình trạng khẩn cấp tới các cơ quan, đơn vị, cơ sở, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
2. Trong giai đoạn khẩn nguy, trong trường hợp tìm thấy tàu bay lâm nạn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không phải thông báo cho Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm, cứu nạn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam để quyết định kết thúc hoạt động tìm kiếm và thông báo đến các đơn vị, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
3. Sau khi hoàn tất việc cứu nạn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không báo cáo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam để quyết định kết thúc hoạt động cứu nạn và thông báo đến các đơn vị, lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn. Sau khi có quyết định kết thúc hoạt động cứu nạn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu, doanh nghiệp cảng hàng không bảo vệ hiện trường, bàn giao cho cơ quan điều tra tai nạn tàu bay.
4. Trong giai đoạn khẩn nguy, việc triển khai công tác tìm kiếm tàu bay lâm nạn đã thực hiện quá 6 tháng tính từ ngày công bố giai đoạn khẩn nguy mà không có kết quả, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét và tuyên bố kết thúc việc tìm kiếm.
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này.
Điều 17. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung Quy chế này khi cần thiết.
HỆ THỐNG TÍN HIỆU TÌM KIẾM, CỨU NẠN HÀNG KHÔNG
I. TÍN HIỆU CỦA TẦU BIỂN CỨU HỘ BÁO NHẬN:
1. Báo hiệu đã nhận được tín hiệu và có khả năng thực hiện được:
a) Ban ngày kéo cờ đuôi nheo có sọc trắng đỏ theo chiều thẳng đứng;
b) Ban đêm phát liên tiếp tín hiệu morse chữ “T”;
c) Ban ngày thay đổi hướng mũi để đi theo tàu bay.
2. Báo hiệu nhận được tín hiệu và không có khả năng thực hiện được:
a) Ban ngày: kéo cờ Quốc tế "N" (hình vuông bàn cờ màu trắng và xanh nước biển);
b) Ban đêm: phát liên tiếp tín hiệu more chữ “N”.
II. TÀU BAY ĐANG BAY THỰC HIỆN CÁC ĐỘNG TÁC SAU CÓ NGHĨA LÀ YÊU CẦU TẦU BIỂN CỨU HỘ HƯỚNG TỚI TÀU BAY BỊ NẠN:
1. Bay quanh tầu biển cứu hộ ít nhất là một lần.
2. Bay cắt hướng đi của tầu biển cứu hộ ở cự ly gần với độ cao thấp nhất và:
a) Lắc cánh hoặc;
b) Tăng, giảm tốc độ hoặc;
c) Thay đổi vòng quay cánh quạt tàu bay.
3. Hướng mũi tàu bay theo hướng yêu cầu tầu biển cứu hộ đi tới hoặc thực hiện lại các động tác trên.
Chú ý: Do tiếng ồn cao trên sàn tầu biển cứu hộ nên các tín hiệu âm thanh của việc tăng, giảm tốc độ không hiệu quả bằng tín hiệu nhìn thấy của việc lắc cánh, vì vậy tín hiệu âm thanh được coi như là phương tiện dự phòng để tập trung sự chú ý.
III. TÀU BAY ĐANG BAY THỰC HIỆN CÁC ĐỘNG TÁC SAU ĐÂY CÓ NGHĨA LÀ KHÔNG CẦN SỰ TRỢ GIÚP CỦA TẦU BIỂN CỨU HỘ NỮA:
1. Bay cắt vệt nước phía sau đuôi tầu ở độ cao thấp và
a) Lắc cánh; hoặc
b) Tăng giảm tốc độ; hoặc
c) Thay đổi tốc độ cánh quạt tàu bay.
IV. TÍN HIỆU NHẬN BIẾT TỪ TRÊN KHÔNG VÀ Ý NGHĨA CỦA NÓ:
1. Tín hiệu nhận biết từ trên không do những người sống sót thực hiện:
Số thứ tự | Điện văn | Ký hiệu |
1 | Yêu cầu trợ giúp | V |
2 | Yêu cầu trợ giúp y tế | X |
3 | Không hoặc không được | N |
4 | Được hoặc khẳng định | Y |
5 | Tiến về hướng này | |
2. Tín hiệu nhận biết từ trên không dùng cho đội tìm kiếm, cứu nạn:
Số thứ tự | Điện văn | Ký hiệu |
1 | Kết thúc cứu nạn | LLL |
2 | Đã tìm thấy mọi người | LL |
3 | Chỉ tìm thấy một số người | ++ |
4 | Không thể tiếp tục được, đang trở lại căn cứ | XX |
5 | Đã chia thành hai nhóm, mỗi nhóm đi theo hướng chỉ định |
|
6 | Nhận được thông tin tàu bay đang ở hướng này | ® ® |
7 | Không tìm thấy gì, sẽ tiếp tục tìm kiếm | N N |
Mỗi dấu hiệu trong Mục IV phải dài ít nhất 2,5 m (8 feet), dễ nhìn thấy từ trên không và bằng tất cả các vật liệu có sẵn.
V. TÍN HIỆU ĐÃ NHẬN BIẾT ĐƯỢC TÍN HIỆU TỪ MẶT ĐẤT:
1. Các tín hiệu sau có nghĩa là đã hiểu tín hiệu từ mặt đất:
a) Ban ngày: lắc cánh tàu bay;
b) Ban đêm: tắt, mở hai lần đèn pha hạ cánh; nếu không có đèn hạ cánh thì tắt mở hai lần đèn dẫn đường.
2. Nếu mặt đất không nhận được tín hiệu trên thì coi như tàu bay không hiểu tín hiệu từ mặt đất.
- 1Quyết định 05/2004/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế tìm kiếm - cứu nạn hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Nghị định 11/2000/NĐ-CP ban hành Quy chế bảo đảm an ninh hàng không dân dụng
- 3Quyết định 103/2007/QĐ-TTg về quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 33/2012/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 7Thông tư 19/2017/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo đảm hoạt động bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Quyết định 152/QĐ-BGTVT năm 2018 về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2017 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9Quyết định 380/QĐ-BGTVT năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông Vận tải kỳ 2014-2018
- 1Quyết định 05/2004/QĐ-BGTVT ban hành Quy chế tìm kiếm - cứu nạn hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Quyết định 4194/QĐ-BGTVT năm 2007 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Giao thông vận tải ban hành và liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 1291/QĐ-BGTVT năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải đến hết ngày 31/01/2014
- 4Thông tư 19/2017/TT-BGTVT quy định về quản lý và bảo đảm hoạt động bay do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Quyết định 152/QĐ-BGTVT năm 2018 về công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật về giao thông vận tải hết hiệu lực thi hành 6 tháng cuối năm 2017 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 6Quyết định 380/QĐ-BGTVT năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông Vận tải kỳ 2014-2018
- 1Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006
- 2Nghị định 11/2000/NĐ-CP ban hành Quy chế bảo đảm an ninh hàng không dân dụng
- 3Nghị định 34/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 4Quyết định 103/2007/QĐ-TTg về quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 33/2012/QĐ-TTg về Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 26/2007/QĐ-BGTVT về Quy chế tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
- Số hiệu: 26/2007/QĐ-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 23/05/2007
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Hồ Nghĩa Dũng
- Ngày công báo: 13/06/2007
- Số công báo: Từ số 362 đến số 363
- Ngày hiệu lực: 28/06/2007
- Ngày hết hiệu lực: 01/08/2017
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực