Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2002/QĐ-UB

Lạng Sơn, ngày 19 tháng 6 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TIN HỌC HOÁ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2001- 2005.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Quyết định số: 112/2001/QĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2005;

Căn cứ công văn số: 156/VPCP-BĐH112 ngày 03 tháng 6 năm 2002 của Ban Điều hành Đề án 112 của Chính phủ về việc thẩm định Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2001-2005;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số: 10/TTr-VP ngày 14 tháng 6 năm 2002,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2001-2005 với những nội dung chủ yếu sau:

I- Mục tiêu Đề án

1- Xây dựng các hệ thống tin học hoá quản lý hành chính nhà nước, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Hoàn thiện và thống nhất áp dụng các chương trình ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành (thư tín điện tử, gửi nhận văn bản điện tử, quản lý hồ sơ công việc, quản lý cán bộ, công chức...).

2- Tổ chức xây dựng và tích hợp các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành và sử dụng chung trên địa bàn tỉnh; cho phép trao đổi thông tin dễ dàng theo các chuẩn quy định với mạng diện rộng của Chính phủ.

3- Tin học hoá một số dịch vụ công có chọn lọc nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, phục vụ tốt yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.

4- Xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh, đặc biệt là xây dựng mạng Intranet kết nối tất cả các Sở, Ban, ngành, huyện, thị xã tạo ra môi trường trao đổi thông tin nhanh chóng trên địa bàn tỉnh và kết nối với mạng diện rộng Cpnet của Chính phủ.

5- Đào tạo ứng dụng tin học cho cán bộ, công chức. Từng bước chắc chắn và hợp lý phổ cập kiến thức chung về công nghệ thông tin và kỹ năng sử dụng máy tính được kết nối mạng cho cán bộ lãnh đạo, chuyên viên và cán bộ nghiệp vụ, bảo đảm đáp ứng nhu cầu xử lý tác nghiệp của từng chức danh trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.

6- Trên cơ sở gắn mục tiêu tin học hoá quản lý hành chính nhà nước với Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải cách bộ máy tổ chức và lề lối làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước trong phạm vi thẩm quyền của tỉnh theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ.

II- Các hệ thống thông tin cần tin học hoá

Trong giai đoạn 2001-2005, sẽ nâng cấp và triển khai xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin chính sau:

1- Phân hệ thông tin điều hành tác nghiệp:

Phân hệ thông tin điều hành tác nghiệp bao gồm các chương trình ứng dụng sau:

- Chương trình quản lý văn bản, hồ sơ công việc.

- Chương trình tổng hợp thông tin báo cáo.

- Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh.

- Hệ quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo.

- Hệ thư tín điện tử.

- Trang thông tin điện tử (Web site) phục vụ điều hành tác nghiệp của tỉnh; Trang Web phục vụ cho công tác giới thiệu, quảng cáo về hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ; phục vụ việc phổ biến pháp luật, dịch vụ công...

Tất cả các chương trình ứng dụng trong Phân hệ thông tin điều hành tác nghiệp nâng cấp và xây dựng trong giai đoạn 2002-2003.

2- Phân hệ ứng dụng và các cơ sở dữ liệu:

Các ứng dụng và các cơ sở dữ liệu cần xây dựng:

- Cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội.

- Cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ, công chức.

- Cơ sở dữ liệu đất đai.

- Cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin địa lý (GIS).

- Cơ sở dữ liệu về các Dự án trọng điểm.

- Các phân hệ ứng dụng chuyên ngành khác (được xây dựng tại các Sở, Ban, ngành, các huyện, thị xã), như: Quản lý các doanh nghiệp, Quản lý các dự án đầu tư, Quản lý kinh tế cửa khẩu....

Xây dựng một cách hệ thống và đồng bộ các hệ cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở một số Sở, Ban, ngành để đáp ứng nhu cầu xử lý, khai thác thông tin của các đơn vị và cung cấp dữ liệu cho Kho cơ sở dữ liệu dùng chung.

Trong năm 2002 triển khai thí điểm tại một số Sở, sau đó rút kinh nghiệm triển khai rộng tại các Sở, Ban, ngành khác và các huyện, thị xã trong hai năm 2003-2004.

3- Phân hệ thông tin dịch vụ công:

Các phân hệ thông tin dịch vụ công nhằm hỗ trợ việc cung cấp các dịch vụ giải quyết các thủ tục hành chính cho các đối tượng nhân dân và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, tự động hoá, đơn giản hoá và làm gọn nhẹ các quy trình giải quyết các thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính và sự nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp xúc với những thông tin cần thiết để thực hiện các dịch vụ công.

Trong giai đoạn 2001-2005, sẽ triển khai các nội dung sau:

- Xây dựng phân hệ thông tin dịch vụ công các lĩnh vực:

+ Cung cấp thông tin công cộng cho các đối tượng nhân dân;

+ Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà;

+ Cấp phép đầu tư;

+ Cấp phép xây dựng;

+ Đăng ký kinh doanh;

+ Cấp giấy phép hành nghề y, dược;

+ Đăng ký hộ khẩu, hộ tịch,

Tiến độ xây dựng Web-site bắt đầu từ năm 2002. Trong năm 2002-2003, xây dựng thí điểm một số phân hệ thông tin dịch vụ công không đòi hỏi nhiều việc khai thác thông tin từ các hệ thông tin ứng dụng và hệ cơ sở dữ liệu khác chưa xây dựng xong, tổng kết và rút kinh nghiệm cho việc triển khai tiếp. Trong năm 2004-2005, triển khai xây dựng các phân hệ thông tin dịch vụ công còn lại, tuyên truyền, phổ biến việc khai thác các ứng dụng một cách rộng rãi trong năm 2005 và các năm tiếp theo.

4. Tích hợp các ứng dụng và Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu:

Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu là nơi tập trung lưu trữ và khai thác các cơ sở dữ liệu dùng chung, có chức năng cung cấp, chia sẻ thông tin chung, là hạt nhân của cơ sở hạ tầng thông tin của tỉnh. Các ứng dụng và cơ sở dữ liệu được liên kết chặt chẽ với nhau và được xây dựng trên cơ sở cùng một giải pháp, cùng một công cụ phát triển sau khi đã được chuẩn hoá về thông tin và công nghệ.

Việc nâng cấp hay xây dựng mới các chương trình ứng dụng cần phải chú ý đến tính tổng thể, đồng bộ, chuẩn hoá các dạng dữ liệu để bảo đảm quản lý có hiệu quả và an toàn khối lượng dữ liệu lớn, thực hiện các chế độ bảo mật, tích hợp được các ứng dụng, dễ nâng cấp, mở rộng và bảo trì.

Về công nghệ, lựa chọn công nghệ Web-Internet với giao thức chuẩn truyền thông TCP/IP. Hệ quản trị cơ sở dữ liệu dựa trên các công cụ tin cậy như Lotus Domino, Oracle, DB2 hoặc Microsoft SQL Server 2000.

III- Hạ tầng cơ sở kỹ thuật công nghệ thông tin

1- Các nhiệm vụ chủ yếu:

- Nâng cấp hoàn thiện các mạng LAN hiện có của các Sở, Ban, ngành đã được xây dựng trong giai đoạn 1996-2000.

- Xây dựng mới các mạng LAN của các Sở, Ban, ngành còn lại và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã.

- Xây dựng Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu đặt tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Xây dựng mạng INTRANET của tỉnh bao gồm các đường trục truyền thông kết nối các mạng LAN với Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu.

2. Giải pháp kỹ thuật mạng INTRANET:

a- Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu:

- Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu đặt tại Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh. Đây là trung tâm lưu trữ dữ liệu và tính toán phục vụ dùng chung cho tỉnh, đồng thời là trung tâm điều hành và kiểm soát hệ thống.

- Trang thiết bị bao gồm:

+ Các máy chủ cơ sở dữ liệu (Database Server),

+ Máy chủ chạy các ứng dụng (Application Server),

+ Máy chủ thư tín điện tử (Mailserver),

+ Máy chủ sao lưu (Backup Server),

+ Firewall và các thành phần phục vụ việc bảo mật, truy nhập từ xa, an toàn hệ thống...

- Hệ điều hành được lựa chọn trong các sản phẩm Windows 2000 server và sử dụng phần mềm Microsoft ISA làm phần mềm bảo mật.

b- Xây dựng mạng Intranet Lạng Sơn:

- Phân nhóm mạng để kết nối: để tối ưu về khoảng cách kết nối, các mạng cục bộ của các Sở, Ban, ngành sẽ có 3 nhóm và mỗi nhóm sẽ chọn một mạng cục bộ làm một điểm truy cập chung của nhóm.

+ Điểm truy cập tại nhóm 1 là Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời là trung tâm quản trị và kiểm soát mạng,

+ Điểm truy cập của nhóm 2 là Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

+ Điểm truy cập của nhóm 3 là Uỷ ban nhân dân thị xã Lạng Sơn.

- Sau đó nối trực tiếp điểm truy cập của nhóm 2, nhóm 3 với Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu.

Tất cả có trên 33 mạng cục bộ của các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân thị xã Lạng Sơn được nối trực tiếp tới Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu bằng cáp đồng. Các Sở, Ban, ngành còn lại và Uỷ ban nhân dân các huyện sẽ kết nối với Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu thông qua đường điện thoại.

c- Xây dựng mạng cục bộ ở các Sở, Ban, ngành và huyện, thị xã:

- Mỗi Sở, Ban, ngành là một mạng LAN riêng lẻ với một số lượng nhất định các máy trạm và các thiết bị khác như máy in..., tuỳ thuộc vào nhu cầu của từng đơn vị. Các máy tính trong mạng LAN nối với nhau bằng HUB hoặc Switch tốc độ 10/100 Mbps bằng cáp xoắn đôi UTP Cat-5.

Trong giai đoạn 2001-2005, sẽ xây dựng mới 16 mạng LAN cho các Sở, Ban, ngành và nâng cấp các mạng cục bộ của các Sở, Ban, ngành còn lại. Trung bình mỗi mạng có các thành phần chủ yếu sau: 01 máy chủ Server; bổ sung 5 máy trạm cho mỗi mạng cục bộ xây dựng mới; 01 máy in mạng; các thiết bị kết nối mạng; 10 UPS.

- Mạng LAN tại các huyện: mỗi huyện sẽ có một mạng, bao gồm 01 máy chủ, 20 máy trạm, 01 modem, 20 UPS và 10-11 máy in. Các mạng này sẽ được kết nối lên tỉnh qua đường điện thoại (Dial up). Tổng số mạng là 11 mạng cho 10 huyện và thị xã Lạng Sơn. Do kết nối bằng đường điện thoại (Dial-up) nên số liệu phải phân tán xuống các máy chủ để giảm thời gian kết nối truy xuất dữ liệu, do đó máy chủ có cấu hình mạnh hơn so với máy chủ của các Sở, Ban, ngành.

IV - Đào tạo ứng dụng tin học

Bên cạnh nhiệm vụ lâu dài nhằm phát triển đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin của tỉnh, nhiệm vụ trước mắt của việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong giai đoạn 2001-2005 là dựa trên mục tiêu của Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước đã đặt ra. Cụ thể:

1- Đào tạo phổ cập công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên nghiệp vụ. Phấn đấu đến năm 2005, 100% cán bộ, công chức hành chính từ cấp huyện trở lên có kiến thức tin học cơ bản (giai đoạn 1996-1999 có khoảng 30%).

2- Đào tạo chuyên sâu đội ngũ chuyên viên tin học của các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trở thành lực lượng nòng cốt để quản trị và phát triển hệ thống.

3- Đào tạo quản lý và điều hành dự án công nghệ thông tin đối với các cán bộ lãnh đạo phụ trách thông tin và công nghệ thông tin, các chủ dự án ứng dụng công nghệ thông tin.

V - Dự toán kinh phí và cơ chế đầu tư

1- Tổng mức vốn đầu tư: 28.059 triệu đồng.

a- Phân theo các hạng mục lớn:

- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin: 12.828 triệu đồng, chiếm 45,72% tổng mức đầu tư.

- Đầu tư xây dựng các phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu: 10.697 triệu đồng, chiếm 38,12% tổng mức đầu tư.

- Chi phí đào tạo ứng dụng tin học (gồm cả phần đào tạo đi kèm dự án): 4.016 triệu đồng, chiếm 14,31 % tổng mức đầu tư.

- Chi phí quản lý các dự án: 518 triệu đồng, chiếm 1,85% tổng mức đầu tư.

b- Nguồn vốn đầu tư:

- Vốn ngân sách Trung ương: 14.352 triệu đồng, chiếm 51%. Vốn ngân sách Trung ương đầu tư các hạng mục chính, gồm: Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu, các chương trình ứng dụng dùng chung, đào tạo quản lý dự án, quản trị và sử dụng mạng, chuẩn hoá thông tin, bảo mật, chứng thực thông tin điện tử, dịch vụ công, chi phí truyền thông với mạng diện rộng của Chính phủ.

- Vốn ngân sách địa phương: 13.707 triệu đồng, chiếm 49%. Vốn ngân sách địa phương đầu tư mở rộng hệ thống, gồm: xây dựng mạng LAN các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, trục truyền thông chính của mạng INTRANET, xây dựng thông tin dữ liệu, đào tạo ứng dụng tin học.

2- Cơ chế đầu tư:

a- Đề án 112 là Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Đề án được quản lý theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số: 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 1999, Nghị định số: 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ, Thông tư số: 34/2002/TT-BTC ngày 17 tháng 4 năm 2002 của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án 112 của Chính phủ.

Đề án bao gồm 22 dự án thành phần. Mỗi dự án thành phần phải được thiết kế kỹ thuật-dự toán, hoặc thiết kế kỹ thuật-thi công để triển khai thi công các hạng mục của Đề án.

b- Thực hiện cơ chế đấu thầu đối với việc lập thiết kế kỹ thuật-dự toán và thi công các dự án thành phần. Đối với một số dự án phần mềm có vốn đầu tư không lớn, yêu cầu kỹ thuật và dữ liệu thông tin không phức tạp, thì Chủ dự án có thể báo cáo Ban Điều hành Đề án 112 của tỉnh xem xét, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định việc chỉ định thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu cung ứng phần mềm.

VI- Tổ chức thực hiện đề án

1- Tổ chức quản lý Đề án:

a- Thành lập Ban Điều hành Đề án 112 của tỉnh:

Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2281/QĐ-UB ngày 13/11/2001 về việc thành lập Ban Điều hành Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2001-2005, gồm: một đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng Ban, các Uỷ viên là lãnh đạo Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tổ chức chính quyền. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan thường trực Ban Điều hành.

Ban Điều hành Đề án 112 có nhiệm vụ: tổ chức thực hiện Đề án 112 của tỉnh; kiểm tra việc thực hiện tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; đề xuất các biện pháp, chính sách để bảo đảm xây dựng và tích hợp được các nguồn thông tin dữ liệu trong quá trình quản lý, điều hành; xây dựng quy chế khai thác thông tin; tổ chức thẩm định các dự án thành phần của Đề án 112, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

b- Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh là Chủ đầu tư Đề án, có nhiệm vụ:

Khảo sát đánh giá hiện trạng tin học hoá của các đơn vị trong tỉnh; lập nội dung, yêu cầu tin học hoá quản lý hành chính nhà nước dưới dạng các dự án tin học hoá cụ thể; xây dựng Đề án 112 của tỉnh dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án 112 của Chính phủ và Ban Điều hành của tỉnh.

c- Thành lập Trung tâm Tin học thuộc Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trung tâm có nhiệm vụ:

- Quản lý, vận hành Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu.

- Quản lý, điều hành và kiểm soát mạng LAN của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh và mạng INTRANET của tỉnh.

- Quản lý về mặt kỹ thuật hệ thống tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của tỉnh.

- Tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh về quy hoạch, kế hoạch, các chính sách, biện pháp bảo trì, phát triển và nâng cấp hệ thống tin học hoá quản lý hành chính nhà nước của tỉnh.

- Hỗ trợ công nghệ-kỹ thuật cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trong quá trình chuyển giao, vận hành, bảo trì công nghệ và các chương trình ứng dụng.

2- Phân công trách nhiệm:

Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong việc tổ chức thực hiện Đề án 112 được phân công như sau:

- Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan thường trực của Ban Điều hành Đề án 112 của tỉnh, chịu trách nhiệm giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh và Ban Điều hành tổ chức điều phối, hướng dẫn xây dựng và triển khai Đề án 112 tại các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã; chủ trì phối hợp với Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Thống kê xác định chuẩn thông tin cấp tỉnh trên cơ sở hướng dẫn của Ban Điều hành Đề án 112 của Chính phủ; xây dựng hệ thống bảo vệ an toàn cho mạng INTRANET và các mạng LAN; tích hợp các cơ sở dữ liệu để cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước và các đối tượng nghiên cứu khác; chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh để bảo đảm căn cứ pháp lý cho việc trao đổi, khai thác thông tin điện tử trên mạng INTRANET và CPNET.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính-Vật giá đưa Đề án 112 vào kế hoạch nhà nước hàng năm để bảo đảm cơ sở thực hiện Đề án.

- Sở Tài chính-Vật giá chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh cân đối ngân sách dành cho Đề án 112 trong tổng dự toán ngân sách để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; cấp phát kinh phí hàng năm cho từng dự án, hạng mục thành phần đã được phê duyệt; tổng hợp tình hình cấp phát kinh phí hàng năm và thẩm tra quyết toán kinh phí các dự án đã kết thúc, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Ban Tổ chức chính quyền chủ trì phối hợp với Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường xây dựng kế hoạch đào tạo ứng dụng tin học trong toàn tỉnh; căn cứ hướng dẫn của Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định về tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác tin học; phối hợp chung để gắn việc triển khai thực hiện Đề án 112 với Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.

- Các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án 112 tại ngành mình, cấp mình; chủ trì xây dựng một số chương trình ứng dụng dùng chung và một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo sự chỉ đạo của Ban Điều hành Đề án 112 của tỉnh.

Điều 2. Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính-Vật giá, Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban Tổ chức chính quyền hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, các thành viên Ban Điều hành Đề án 112 của tỉnh, các Giám đốc Sở, Trưởng Ban, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Điều hành 112 CP,
- Văn phòng Chính phủ,
- Thường trực Tỉnh uỷ,
- Thường trực HĐND tỉnh,
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh,
- Các Ban Đảng, đoàn thể,
- HĐND huyện, thị xã,
- Như điều 2
- CPVP, các tổ CV,
- Lưu: QTM, VT.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
CHỦ TỊCH




Đoàn Bá Nhiên

 

PHỤ LỤC

CÁC DỰ ÁN THÀNH PHẦN CỦA ĐỀ ÁN TIN HỌC HOÁ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2001-2005.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 26/2002/QĐ-UB ngày 19/6/2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn).

TT

Tên dự án

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Loại dự án

Thời gian triển khai thực hiện

I

Nhóm dự án:

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.

 

 

 

 

1

Xây dựng Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu và mạng Intranet

Văn phòng UBND tỉnh

 

Xây dựng mới

2002-2004

2

Xây dựng mạng LAN tại sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã

Văn phòng UBND tỉnh

Các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã

Nâng cấp và xây dựng mới

2002-2004

II

Nhóm dự án:

Phân hệ thông tin điều hành tác nghiệp

 

 

 

 

3

Chương trình quản lý văn bản và hồ sơ công việc.

Văn phòng UBND tỉnh

 

Phát triển mở rộng

2002-2004

4

Chương trình tổng hợp thông tin, báo cáo

Văn phòng UBND tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê

Xây dựng mới

2002-2004

5

CSDL văn bản quy phạm pháp luật

Văn phòng UBND tỉnh

 

Phát triển mở rộng

2003-2005

6

Phân hệ xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo

Thanh tra tỉnh

Văn phòng UBND tỉnh

Xây dựng mới

2003-2005

7

Phân hệ thư tín điện tử

Văn phòng UBND tỉnh

 

Nâng cấp

2002-2003

8

Trang thông tin điện tử điều hành tác nghiệp

Văn phòng UBND tỉnh

 

Xây dựng mới

2003-2005

III

Nhóm dự án:

Xây dựng các CSDL chuyên ngành

 

 

 

 

9

Xây dựng CSDL tổng hợp thông tin kinh tế-xã hội

Văn phòng UBND tỉnh

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thống kê

Xây dựng mới

2002-2005

10

Xây dựng CSDL quản lý doanh nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cục Thuế, UBND các huyện, thị

Xây dựng mới

2003-2004

11

CSDL đầu tư xây dựng cơ bản

Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

Xây dựng mới

2002-2003

12

Thông tin địa lý (GIS)

Sở Khoa học-CNMT

Sở Địa chính, Sở NN và PT nông thôn, Sở CN-TCN

Nâng cấp và phát triển

2003-2005

13

Phân hệ quản lý kinh tế cửa khẩu

Sở Kế hoạch và Đầu tư

BCĐ 53, Sở Thương mại và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh

Xây dựng mới

2004-2005

IV

Nhóm dự án:

Dịch vụ công

 

 

 

 

14

Trang thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Văn phòng UBND tỉnh

Các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã

Xây dựng mới

2003-2004

15

Cải cách thủ tục hành chính tại thị xã Lạng Sơn

UBND thị xã Lạng sơn

Ban Tổ chức chính quyền, Văn phòng UBND tỉnh

Xây dựng mới

2002-2005

16

Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Sở Kế hoạch và Đầu tư

 

Xây dựng mới

2003-2005

17

Chương trình cấp phép xây dựng

Sở Xây dựng

 

Xây dựng mới

2003-2005

18

Hệ thống cấp phép hành nghề y, dược

Sở Y tế

 

Xây dựng mới

2004-2005

19

Hệ thống đăng ký hộ khẩu, quản lý nhân khẩu

Công an tỉnh

Công an thị xã Lạng Sơn

Xây dựng mới

2002-2005

V

Nhóm dự án:

Quản lý nội bộ

 

 

 

 

20

Quản lý cán bộ, công chức

Ban TCCQ tỉnh

Văn phòng UBND tỉnh

Nâng cấp, mở rộng

2003-2004

21

Quản lý thi đua khen thưởng

Văn phòng UBND tỉnh

 

Nâng cấp, phát triển

2002-2003

VI

22

Dự án:

Đào tạo ứng dụng tin học

Ban Tổ chức chính quyền

Văn phòng UBND tỉnh, Sở KH-CNMT, Sở GD-ĐT

Xây dựng mới

 

2002-2005