Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2574 /QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 05 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TÔN VINH, KHEN THƯỞNG CÁC CÁ NHÂN, TẬP THỂ CÓ THÀNH TÍCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN VÀ VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Xét đề nghị của Hội Chữ thập đỏ tỉnh tại Công văn số 381/CTĐ-BT ngày 21/7/2017 và ý kiến của Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tại Công văn số 364/BTĐKT-NVII ngày 15/8/2017;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế Tôn vinh, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Mặt trận và các Đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin;
- Báo Bình Thuận;
- Lưu: VT, KGVX. Bùi Vy

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY CHẾ

TÔN VINH, KHEN THƯỞNG CÁC CÁ NHÂN, TẬP THỂ CÓ THÀNH TÍCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN VÀ VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành theo Quyết định số: 2574 QĐ/UBND ngày 05 tháng 9 năm 2017 của ỦY ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể là gia đình có thành tích hiến máu tình nguyện.

2. Khen thưởng cá nhân, tập thể là tổ chức có thành tích trong vận động hiến máu tình nguyện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, gia đình (bao gồm cả cá nhân, gia đình người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam) có thành tích hiến máu tình nguyện.

Gia đình có ít nhất từ 2 người trở lên có quan hệ ruột thịt (ông bà, bố mẹ, con cháu), không nhất thiết cùng chung một hộ khẩu. Ngoài phần thưởng riêng dành cho các cá nhân trong gia đình, gia đình có nhiều người tham gia hiến máu nhiều lần còn được tôn vinh thành tích chung theo quy định của Quy định này.

2. Cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác vận động hiến máu tình nguyện.

Điều 3. Mục đích của tôn vinh khen thưởng

1. Tạo động lực tinh thần mạnh mẽ đối với cá nhân, gia đình hiến máu tình nguyện và những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia vận động hiến máu tình nguyện.

2. Nâng cao lòng tự hào về nghĩa cử cao đẹp, nhằm động viên người có đủ điều kiện sức khoẻ tham gia hiến máu, vận động nhiều người hiến máu hơn nữa và tiếp tục hiến máu thường xuyên.

Điều 4. Nguyên tắc tôn vinh, khen thưởng

1. Tôn vinh những giá trị nhân đạo, nghĩa cử cao đẹp của những cá nhân, tập thể cống hiến cho cộng đồng, qua đó động viên, khuyến khích mọi người trong cộng đồng tham gia hiến máu.

2. Khen thưởng cá nhân, tổ chức có thành tích cao trong công tác vận động hiến máu tình nguyện.

3. Mối quan hệ giữa tôn vinh, khen thưởng và quà tặng mang đậm nét văn hoá truyền thống của nhân dân Việt Nam. Không có sự liên quan trực tiếp giữa hiện vật quà tặng và ràng buộc phải hiến máu.

Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể được tôn vinh, khen thưởng

1. Cá nhân, tập thể được tôn vinh, khen thưởng có quyền lưu trữ, trưng bày và sử dụng hiện vật, danh hiệu được tặng.

2. Cá nhân, tập thể được tôn vinh, khen thưởng có nghĩa vụ bảo quản hiện vật, giải thưởng được tặng, không được cho người khác mượn để mưu cầu mục đích riêng.

Điều 6. Hình thức, thẩm quyền quyết định tôn vinh, khen thưởng:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng Giấy khen.

2. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng Giấy khen.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.

4. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động Hiến máu Nhân đạo tặng Khánh màu vàng, bạc, đồng; Đĩa màu vàng, bạc, đồng; Phù hiệu cá nhân có 20, 30, 40, 50, 70, 100 lần hiến máu; Phù hiệu gia đình có 20, 30, 40, 50, 70, 100 lần hiến máu hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam.

Chương II

TIÊU CHUẨN VÀ HÌNH THỨC TÔN VINH, KHEN THƯỞNG THÀNH TÍCH HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

Điều 7. Tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh, khen thưởng cá nhân:

1. Cá nhân hiến máu lần thứ mười (10): Hội Chữ thập đỏ cấp huyện đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh xem xét tặng Giấy khen.

2. Cá nhân hiến máu lần thứ hai mươi (20): Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét tặng Bằng khen.

3. Cá nhân hiến máu lần thứ ba mươi (30): Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

4. Cá nhân hiến máu lần thứ bốn mươi (40): Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Kỷ niệm chương.

5. Cá nhân hiến máu lần thứ bảy mươi (70): Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động Hiến máu Nhân đạo xét tặng Khánh màu bạc, Phù hiệu cá nhân 70 lần hiến máu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

6. Cá nhân hiến máu lần thứ một trăm (100): Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động Hiến máu Nhân đạo xét tặng Khánh màu vàng, Phù hiệu cá nhân 100 lần hiến máu và đề nghị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt, tuyên dương thành tích.

Điều 8. Tiêu chuẩn, hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với gia đình

1. Gia đình có tổng số 30 lần hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xét tặng Bằng khen và Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Phù hiệu gia đình 30 lần hiến máu.

2. Gia đình có tổng số 40 lần hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia xét tặng Phù hiệu gia đình 40 lần hiến máu và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế xét tặng Bằng khen.

3. Gia đình có tổng số 70 lần hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia xét tặng Khánh màu bạc và Phù hiệu gia đình 70 lần hiến máu và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

4. Gia đình có tổng số 100 lần hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia xem xét tặng Khánh màu vàng và Phù hiệu gia đình 100 lần hiến máu và đề nghị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp mặt, tuyên dương thành tích.

Điều 9. Tôn vinh, khen thưởng đột xuất

Trong trường hợp phục vụ cấp cứu, tai nạn lớn, thảm họa, quốc phòng - an ninh có huy động cá nhân, tập thể tham gia hiến máu, Hội Chữ thập đỏ tỉnh báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia để xem xét tôn vinh, khen thưởng kịp thời và xứng đáng với sự đóng góp của cá nhân và tập thể.

Chương III

KHEN THƯỞNG TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CÓ THÀNH TÍCH VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

Điều 10. Tiêu chuẩn khen thưởng tổ chức, cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn vượt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng hiến máu tình nguyện:

1. Vượt chỉ tiêu trên 30%: Đối với xã, phường, thị trấn thì tổng số đơn vị máu vận động được phải đạt từ 30 đvm/năm. Hội Chữ thập đỏ cấp huyện đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh xem xét tặng Giấy khen và Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động Hiến máu Nhân đạo xét tặng Đĩa màu đồng.

2. Vượt chỉ tiêu trên 50%: Đối với xã, phường, thị trấn thì tổng số đơn vị máu vận động được phải đạt từ 30 đvm/năm. Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét tặng Bằng khen và Ban Chỉ đạo Quốc gia Vận động Hiến máu Nhân đạo xét tặng Đĩa màu bạc (nếu vượt 50%), tặng Đĩa màu vàng (nếu vượt 100%).

Điều 11. Tiêu chuẩn khen thưởng cá nhân có thành tích vận động hiến máu tình nguyện

1. Vận động được trên 100 lượt người hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ cấp huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh xem xét tặng Giấy khen.

2. Vận động được trên 200 lượt người hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét tặng Bằng khen.

3. Vận động được trên 300 lượt người hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện thủ tục đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu đồng và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Bằng khen.

4. Vận động được trên 400 lượt người hiến máu:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện thủ tục đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia xét tặng Đĩa màu bạc và đề nghị Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xem xét tặng Kỷ niệm chương.

5. Liên tục 3 năm liền vận động được 500 lượt người hiến máu trong mỗi năm:

Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện thủ tục đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia xét tặng Đĩa màu vàng và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng Bằng khen.

Điều 12. Tiêu chuẩn khen thưởng đối với Hội Chữ thập đỏ cấp huyện

1. Đạt 105 - 120% chỉ tiêu được giao trong năm thì được xét đề nghị Giám đốc Sở Y tế hoặc Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh tặng Giấy khen.

2. Đạt trên 150% chỉ tiêu được giao trong năm (300 đv/năm) thì được xét, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen.

3. Đạt trên 120% chỉ tiêu được giao trong 3 năm liên tiếp thì được xét đề nghị Bộ Y tế hoặc Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen.

4. Đạt từ 150% chỉ tiêu được giao trong 5 năm liên tục thì được xét đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Chương IV

THỦ TỤC XÉT TÔN VINH, KHEN THƯỞNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN

Điều 13. Thủ tục

Thực hiện theo các quy định hiện hành, gồm:

1. Hồ sơ đề nghị:

a) Văn bản đề nghị tôn vinh, khen thưởng của đơn vị làm đầu mối.

b) Bản tóm tắt thành tích của tập thể, cá nhân có xác nhận của đơn vị quản lý hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú.

c) Biên bản họp xét tôn vinh, khen thưởng của Hội Chữ thập đỏ cấp huyện đối với Hồ sơ đề nghị cấp tỉnh tôn vinh, khen thưởng; Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh đối với hồ sơ đề nghị các hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

2. Tiến trình:

a) Hồ sơ đề nghị hình thức tôn vinh, khen thưởng thuộc thẩm quyền của cấp huyện, đề nghị gửi hồ sơ về Hội Chữ thập đỏ cấp huyện để tổng hợp xem xét đề nghị khen thưởng theo quy định.

b) Hồ sơ đề nghị các hình thức tôn vinh, khen thưởng thuộc thẩm quyền của Hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh được gửi về Văn phòng Hội Chữ thập đỏ tỉnh để tập hợp, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét khen thưởng (thông qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh).

c) Hồ sơ đề nghị các hình thức tôn vinh, khen thưởng thuộc thẩm quyền của cấp Trung ương: Thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện.

Điều 14. Kinh phí

Kinh phí chi tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện được thực hiện theo quy định hiện hành.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ chức trao tặng danh hiệu tôn vinh, khen thưởng

1. Việc công bố, trao tặng các danh hiệu tôn vinh, khen thưởng phải tổ chức trang trọng, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương hình thức, lãng phí.

2. Cấp ra quyết định tôn vinh, khen thưởng trao tặng hoặc Ủy quyền cho cấp dưới tổ chức trao tặng.

3. Nghi thức trao tặng thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 16. Địa điểm tổ chức tôn vinh, khen thưởng

1. Đề kịp thời động viên người vận động và người hiến máu, lễ trao tặng có thể được tổ chức tại những nơi có quy mô nhỏ, trung bình hoặc ở những Hội nghị có quy mô lớn.

2. Tùy thuộc vào đơn vị tổ chức, hình thức sinh hoạt và đối tượng tham gia buổi lễ tôn vinh khen thưởng có quy mô khác nhau được tổ chức tại những địa điểm khác nhau.

a) Hoạt động quy mô nhỏ

- Sinh hoạt đội, nhóm.

- Giao lưu, họp mặt, toạ đàm.

- Các loại hình thức Câu lạc bộ người hiến máu.

- Các buổi mít tinh tuyên truyền vận động. b) Hoạt động quy mô trung bình

- Các ngày hội hiến máu.

- Sơ kết hoạt động.

- Buổi trình diễn văn nghệ.

c) Hoạt động quy mô lớn

- Hội nghị tổng kết công tác.

- Hội nghị khu vực.

- Hội nghị toàn quốc.

- Lễ kỷ niệm ngày thành lập các ban, ngành, đoàn thể: Ngày sinh viên học sinh 9/1; Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2; Ngày thành lập đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26/3; Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10; Ngày phụ nữ Việt Nam 20/12; Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11; Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 23/11…

- Các ngày Lễ quốc tế như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Ngày thành lập Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5. d) Hoạt động quy mô lớn nhất Ngày Toàn dân tham gia hiến máu 7/4 (Ngày Sức khoẻ Thế giới 7/4); Ngày Thế giới tôn vinh những người hiến máu 14/6 (Ngày Quốc tế Người hiến máu).

Điều 17. Trách nhiệm của Hội Chữ thập đỏ tỉnh

1. Đánh giá, nhận xét đúng thành tích hiến máu và thành tích vận động. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hồ sơ đề xuất.

2. Rà soát, đối chiếu đúng đối tượng đề nghị tôn vinh, khen thưởng, bảo đảm không trùng lắp về đối tượng đối với các hình thức tôn vinh, khen thưởng.

3. Thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền những tấm gương điển hình trong công tác vận động và hiến máu tình nguyện.

4. Tổ chức tốt và kịp thời các buổi lễ trao tặng.

5. Hướng dẫn thực hiện tốt Quy chế này./.

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2574/QĐ-UBND năm 2017 về Quy chế Tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích hiến máu tình nguyện và vận động hiến máu tình nguyện do tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 2574/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/09/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản