Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2556/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 29 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KHU VỰC CẤM VÀ TẠM THỜI CẤM HOẠT ĐỘNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ V/v quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30/11/2007 của Chính phủ về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;
Căn cứ các ý kiến thỏa thuận của: Bộ Văn hóa - Thông tin tại Văn bản số 50/BVHTT-DSVH ngày 09/01/2006, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 3394/BKH-KTCN ngày 18/5/2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1405/BNN-LN ngày 24/5/2007, Bộ Xây dựng tại Văn bản số 1184/BXD-VLXD ngày 05/6/2007, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tại Văn bản số 1038/ĐCKS-KS ngày 12/6/2007 và Bộ Quốc phòng tại Văn bản số 877/QP ngày 28/02/2006 và số 2136/BQP-TM ngày 01/5/2008;
Xét Tờ trình số 716/TTr-TN&MT ngày 17/9/2008 của Sở Tài Nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lâm Đồng với nội dung chủ yếu sau:

1. Tổng diện tích khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là: 1.924,36 km², bao gồm 88 khu vực. Vị trí các khu vực được xác định trên “ Bản đồ khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lâm Đồng” tỷ lệ 1/200.000 (đính kèm).

Trong đó:

- Diện tích khu vực cấm: 1826,94 km².

- Diện tích khu vực tạm thời cấm: 97,42 km².

2. Các khu vực cấm hoạt động khoáng sản

a) Rừng đặc dụng: gồm 02 khu vực là Vườn Quốc gia Bi Đúp - Núi Bà và Vườn Quốc gia Cát Tiên, có tổng diện tích 836,74 km².

b) Rừng phòng hộ: gồm 09 khu vực là rừng phòng hộ đầu nguồn các công trình thủy điện quan trọng Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 và các vị trí rừng phòng hộ rất xung yếu tại ranh giới giữa huyện Lạc Dương và huyện Đam Rông, có tổng diện tích 396,17 km².

c) Các khu vực an ninh quốc phòng: gồm 49 khu vực, có tổng diện tích 430,28 km².

d) Các khu vực di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh: gồm 24 khu vực đã được phê duyệt, xếp hạng theo quy định và khu quy hoạch du lịch Đan Kia - Suối Vàng, có tổng diện tích 107,25 km².

đ) Các khu công nghiệp: gồm 02 khu công nghiệp Phú Hội và Lộc Sơn, tổng diện tích 5,55 km².

e) Các khu vực đô thị: gồm một phần của thị xã Bảo Lộc và khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, tổng diện tích 50,95 km².

g) Các khu vực chưa xác định được diện tích và chưa thể hiện trên bản đồ khoanh định cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, nhưng sẽ được xác định cụ thể trong quá trình quản lý, thuộc diện cấm hoạt động khoáng sản, bao gồm:

- Các khu vực thuộc hành lang an toàn đường bộ, cầu cống được xác định cụ thể theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ quy định về Quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Các khu vực thuộc hành lang bảo vệ an toàn đê điều, đập công trình thủy lợi, xác định theo quy định tại Điều 25 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

- Các khu vực thuộc hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không: thực hiện theo quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

3. Các khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản

- Khu vực phòng chống lũ đầu nguồn: 43,22 km².

- Vùng đệm Vườn Quốc gia Cát Tiên: 54,2 km².

4. Các địa danh, vị trí, tọa độ, diện tích cụ thể của mỗi khu vực được xác định trên bản đồ chi tiết (hệ tọa độ VN 2000, tỷ lệ 1/50.000) và phiếu xác nhận của các ngành quản lý chức năng liên quan, được lưu giữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt và đơn vị có liên quan trong quá trình kiểm tra, tham mưu, xác nhận hoặc thỏa thuận để trình cấp có thẩm quyền xem xét cấp phép hoạt động khoáng sản phải căn cứ các nội dung khoanh định vùng cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản quy định tại Điều 1 và bản đồ khoanh định ( đính kèm) để thực hiện.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình triển khai có trách nhiệm tổng hợp, rà soát trình UBND xem xét, xin ý kiến của các Bộ, ngành liên quan để bổ sung, điều chỉnh các khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lâm Đồng khi cần thiết.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở , ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký ban hành./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2556/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 2556/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/09/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Huỳnh Đức Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản