Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2545/QĐ-UBND

Kiên Giang, ngày 11 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ HỆ SINH THÁI ĐẶC THÙ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 08 tháng 3 năm 2016 của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 -2020;

Căn cứ Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 07 tháng 4 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang phân công xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang tại Tờ trình số 614/TTr-STNMT ngày 19 tháng 10 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc thù giai đoạn 2017 - 2020” (đính kèm Đề án).

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức có liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 của Quyết định;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- LĐVP, P.KTCN;
- Lưu: VT, dtnha (3b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Anh Nhịn

 

ĐỀ ÁN

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ HỆ SINH THÁI ĐẶC THÙ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 2545/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang)

Tỉnh Kiên Giang được UNESCO công nhận là một trong 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, gồm có nhiều khu bảo tồn như: Vườn Quốc gia Phú Quốc; Vườn Quốc gia U Minh Thượng; Khu rừng đặc dụng Hòn Chông - Kiên Lương; Khu bảo tồn biển Phú Quốc; Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ. Các khu bảo tồn này chứa đựng sự phong phú, đa dạng và đặc sắc về cảnh quan và hệ sinh thái. Trong đó, về đa dạng các hệ sinh thái, có 6 hệ sinh thái với 22 dạng sinh cảnh khác nhau. Đặc biệt có 5 hệ sinh thái (HST) đặc thù trong tỉnh, đại diện cho khu vực ĐBSCL là: HST rừng tràm trên đất than bùn, HST núi đá vôi, HST rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh ưu thế cây họ dầu, HST đồng cỏ ngập nước theo mùa, HST rạn san hô, cỏ biển.

Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường và hệ sinh thái ở tỉnh tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đầu tư cho xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường, chất lượng môi trường ở một số khu vực được cải thiện. Các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập và công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên tại các khu bảo tồn cũng dần dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc chưa được khắc phục, diện tích rừng ngày càng giảm, đa dạng sinh học tiếp tục bị suy thoái do chuyển mục đích sử dụng đất và khai thác quá mức tài nguyên; ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã được nâng lên, nhưng còn mang tính chất đối phó, tính chất vi phạm ngày càng phức tạp, ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng và khó kiểm soát.

Vấn đề bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường là một trong những nội dung quan trọng để góp phần phát triển bền vững. Chương trình hành động số 06- CTr/TU của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 cũng đã đặt ra nhiều chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020, trong đó có các chỉ tiêu về tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường như: Tỷ lệ che phủ rừng lên 12%; các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; xử lý chất thải đạt 75%, chất thải y tế đạt 95- 100%.

Để góp phần đạt được các chỉ tiêu của Tỉnh ủy đề ra và ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường trước những tác động của quá trình phát triển kinh tế, cần phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và đặc biệt là cần có sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Đề án bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2017 - 2020 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách cần ưu tiên giải quyết và huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân vào công tác bảo vệ môi trường; chỉ rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp, các tổ chức, doanh nghiệp để chủ động xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện.

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH CHUNG

1. Hiện trạng và diễn biến môi trường ở tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2011-2015

1.1. Diễn biến chất lượng môi trường nước giai đoạn 2011 - 2015:

1.1.1. Môi trường nước biển:

Do đặc trưng về sinh thái, đất, nước,...nên Kiên Giang được chia ra 4 vùng rõ rệt, gồm vùng Tây Sông Hậu, U Minh Thượng, Tứ giác Long Xuyên và Biển - Hải đảo. Tổng số điểm quan trắc nước biển ven bờ là 26 điểm, trên 8 huyện, thị xã, thành phố (trừ các huyện Châu Thành, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Giang Thành, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận).

Theo kết quả phân tích diễn biến chất lượng nước biển ven bờ từ năm 2010 đến năm 2014 tại các điểm đại diện trong toàn tỉnh cho ta thấy: Chất lượng nước biển ven bờ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tương đối tốt, chỉ xảy ra ô nhiễm cục bộ chủ yếu là nhiễm bẩn do vi sinh, sắt và một số vị trí còn có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Nguyên nhân là do chất thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh ven biển và từ các khu đô thị tập trung đông dân cư, từ bệnh viện, từ các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ven biển. Ngoài ra, sông rạch chảy qua các khu vực có cơ cấu địa chất tự nhiên là đất phèn, cuốn theo một lượng phèn sắt đổ ra biển. Đây là những nguyên nhân làm tăng lượng phèn sắt, hữu cơ, vi sinh và chất rắn lơ lửng trong nước. Cụ thể diễn biến chất lượng môi trường từng vùng như sau:

Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX): Ô nhiễm chính trong nước biển ven bờ vùng TGLX là nhiễm phèn sắt và nhiễm bẩn bởi vi sinh. Giá trị của sắt tổng và Coliforms trong nước vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, hàm lượng chất hữu cơ, vi sinh, rắn lơ lửng và pH nước cũng có xu hướng tăng theo thời gian, đồng thời DO cũng giảm theo thời gian trong cả mùa mưa và mùa khô. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu lại dao động theo mùa như nhiệt độ và sắt tổng. Riêng Amoni, nồng độ lại có xu hướng giảm theo thời gian quan trắc trong cả hai mùa. Các vị trí quan trắc trong khu vực thành phố Rạch Giá cần được chú ý cảnh báo vì giá trị các chỉ tiêu ô nhiễm tại các vị trí này hầu như vượt hoặc cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép và với các vị trí còn lại.

Vùng U Minh Thượng (UMT): Tương tự vùng TGLX, ô nhiễm chính trong nước biển ven bờ vùng UMT cũng là nhiễm phèn sắt và nhiễm bẩn bởi vi sinh. Giá trị của sắt tổng và Coliforms trong nước vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép. Ngoài ra, hàm lượng chất hữu cơ cũng có xu hướng tăng theo thời gian cả hai mùa (mưa và khô). Một số chỉ tiêu dao động theo mùa như nhiệt độ, pH, sắt tổng. Trong khi đó, Amoni lại có xu hướng giảm trong cả hai mùa theo thời gian. So với vùng TGLX, chất lượng nước biển ven bờ khu vực này tương đối tốt hơn.

Vùng Biển và Hải đảo (B&HĐ): Nước biển ven bờ tại các bãi tắm đảo Phú Quốc có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Giá trị COD của nước biển tại các bãi tắm đều vượt quy chuẩn nhưng mức độ vượt thấp. Ngoài ra, giá trị pH cũng có xu hướng tăng theo thời gian, đồng thời sắt tổng và TSS lại có xu hướng giảm trong cả hai mùa mưa và khô. Nhìn chung, chất lượng nước biển ven bờ tại đảo Phú Quốc tương đối tốt.

Kết quả quan trắc hàng năm cho thấy chất lượng nước biển ven bờ tại Kiên Hải và Phú Quốc (khu vực không phải bãi tắm) có dấu hiệu ô nhiễm bởi phèn sắt và vi sinh. Tuy nhiên, ô nhiễm này chỉ mang tính thời điểm và cục bộ tại một vài vị trí. Qua diễn biến chất lượng nước theo thời gian và theo mùa cho thấy giá trị pH và COD có xu hướng tăng trong khi hàm lượng DO có xu hướng giảm. Điều này cho thấy chất lượng nước biển ven bờ nhóm 2 đang chiều hướng dẫn xấu đi.

Nhận xét chung: Chất lượng nước biển ven bờ tỉnh Kiên Giang tương đối tốt, chủ yếu là ô nhiễm cục bộ và mang tính thời điểm. Ô nhiễm chủ yếu là phèn sắt và nhiễm bẩn vi sinh. Một số vị trí có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ. Tuy nhiên, giá trị các chất ô nhiễm vượt quy chuẩn không lớn. Một số điểm quan trắc có chỉ số cao hơn tiêu chuẩn cho phép như COD, TSS,...chỉ xảy ra cục bộ, tại một thời gian ngắn. Riêng chỉ tiêu sắt tổng tại hầu hết các vị trí quan trắc trong vùng TGLX và UMT đều vượt mức cho phép nhiều lần. Nguyên nhân là do các điểm này nằm gần khu dân cư, khu chế xuất,...có lượng chất thải lớn đổ ra cửa sông, đặc biệt là vào những tháng mùa mưa, nước mang theo lượng phù sa, chất thải hữu cơ trong nội địa ra biển. Bên cạnh đó, khu vực TGLX là vùng nhiễm phèn tự nhiên cùng với hoạt động thoát lũ đã làm gia tăng lượng sắt trong nước mặt. Ngoài ra, các hoạt động hàng hải, khai thác, nuôi trồng thủy sản,… cũng gây nên sự gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong nước biển ven bờ.

1.1.2. Môi trường nước mặt lục địa:

Vị trí quan trắc được phân làm 4 vùng: Vùng Tứ giác Long Xuyên; vùng U Minh Thượng; vùng Tây sông Hậu và vùng Biển Hải đảo. Tổng số điểm quan trắc nước mặt lục địa là 39 điểm, trên 14 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Kiên Hải). Thu mẫu tại các vị trí cửa sông, điểm đầu, điểm giữa, điểm cuối dòng chảy sông quan trắc và hợp lưu giữa chi lưu với lưu vực chính.

Vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX): Ô nhiễm chính trong nước mặt lục địa vùng TGLX là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Ngoài ra, nước trong vùng còn bị nhiễm phèn do hàm lượng phèn tiềm tàng trong đất của Vùng theo nước chảy vào môi trường và từ các hoạt động rửa phèn đất nông nghiệp. Hàm lượng rắn lơ lửng trong nước cũng cao do các đợt lũ trong năm mang về một lượng lớn phù sa lưu lại trong nước mặt của vùng. Hơn nữa, vào mùa khô nước mặt trong vùng bị nhiễm mặn cao do thời tiết khô hạn cùng với triều cường đã làm xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Các vị trí quan trắc trong khu vực thành phố Rạch Giá và huyện Kiên Lương cần được chú ý cảnh báo vì giá trị các chỉ tiêu ô nhiễm tại các vị trí này hầu như vượt hoặc cao hơn nhiều lần so với Quy chuẩn cho phép và với các vị trí còn lại.

Vùng Tây Sông Hậu (TSH): Tương tự vùng TGLX, ô nhiễm chính trong nước mặt lục địa vùng TSH là ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh và có xu hướng bị nhiễm phèn. Ngoài ra, hàm lượng rắn lơ lửng trong nước cũng cao do nước mặt trong vùng chứa một lượng lớn phù sa từ các đợt lũ trong năm mang về. Tuy nhiên, chất lượng nước mặt của vùng này nhìn chung tốt hơn vùng TGLX. Các vị trí quan trắc trong khu vực huyện Châu Thành (sông Cái Bé - đoạn chảy qua khu cảng cá Tắc Cậu) cần được chú ý cảnh báo vì giá trị các chỉ tiêu ô nhiễm tại các vị trí này hầu như vượt hoặc cao hơn nhiều lần so với Quy chuẩn cho phép và với các vị trí còn lại. Điều này cho thấy nước mặt trong vùng đã bị ảnh hưởng bởi chất thải từ các nhà máy cơ sở chế biến trong khu vực và từ sinh hoạt từ các khu dân cư.

Vùng U Minh Thượng (UMT): Nguồn nước mặt trong vùng có dấu hiệu ô nhiễm, chủ yếu là ô nhiễm do các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Ngoài ra, nước mặt vùng cũng bị nhiễm mặn và nhiễm phèn do hiện tượng rửa phèn phục vụ sản xuất lúa cũng như việc cải tạo ao đầm nuôi tôm, đồng thời hàm lượng rắn lơ lửng trong nước cũng cao.

Vùng Biển và Hải Đảo (B&HĐ): Ô nhiễm nước mặt vùng biển-hải đảo chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ, vi sinh và nhiễm mặn. So với các vùng còn lại, chất lượng nước mặt khu vực này còn tương đối tốt.

Nhìn chung chất lượng nước mặt tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang phần lớn đã bị ô nhiễm. Nguồn nước mặt chủ yếu bị ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh. Nguyên nhân là do nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nước thải sinh hoạt không được xử lý đã và đang thải trực tiếp ra các dòng sông. Chất lượng nước suy giảm mạnh, nhiều chỉ tiêu như BOD5, COD, NH4, Coliforms cao hơn tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.

1.1.3. Diễn biến ô nhiễm và mực nước dưới đất:

Kết quả đánh giá chất lượng nước tại các công trình nghiên cứu gồm 10 công trình tại tỉnh Kiên Giang của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước miền Nam phân tích cho thấy: Nguồn nước ngầm có pH từ trung tính đến bazơ nhẹ, độ cứng của nước lớn. Nước ngầm bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn với giá trị Clorua khá cao. Nước ngầm trong vùng không bị nhiễm phèn, hàm lượng chất dinh dưỡng trong nước cao.

Từ năm 2010 đến năm 2014 mực nước ngầm tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu giảm, mực nước suy giảm cao nhất -1,8m (tại công trình Q104030 ở tầng chứa nước Pleistocen dưới, trung bình 0,36m/năm). Sự suy giảm này liên quan chung đến quá trình suy giảm mực nước của hệ thống nước dưới đất toàn đồng bằng nam bộ và đặc biệt do khai thác tại chỗ. Riêng mực nước tại công trình Q40101T thuộc tầng chứa nước Holocen (qh) có xu thế tăng đáng kể. Do các tác động rất lớn đến động thái của nước dưới đất từ các con sông lớn trong khu vực nên chất lượng nước ngầm tại đây thường rất kém, vì thế lượng nước khai thác là không nhiều, bên cạnh đó mực nước tại công trình được cung cấp bởi nguồn nước mưa ngấm trực tiếp trên bề mặt diện phân bố của tầng chứa nước và đặc biệt là một lượng nước lớn được cung cấp từ nước của các con sông tại khu vực nên mực nước ngầm tại đây có xu thế tăng.

1.2. Diễn biến chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2011 - 2015:

Tỉnh Kiên Giang có các cụm công nghiệp chính đặt tại Ba Hòn - Hòn Chông thuộc huyện Kiên Lương; Khu cảng cá Tắc Cậu huyện Châu Thành và phần đông là các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 32 điểm quan trắc chất lượng không khí được phân bố đều trên các huyện, thị, thành phố (trừ huyện Kiên Hải). Thu mẫu khí ở nơi giao tuyến giữa các tuyến đường, điểm nút giao thông, khu dân cư tập trung, khu đô thị, nông thôn và cụm công nghiệp. Thời gian quan trắc vào các tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 đặc trưng cho mùa khô và mùa mưa trong năm. Nhiệt độ và độ ẩm không khí trung bình năm dao động lần lượt là 29,91 - 33,21°C và 63,1 - 71,61%. Tốc độ gió trong không khí trung bình năm đo được dao động trong khoảng 0,32 - 1,03 m/s.

Theo kết quả phân tích diễn biến chất lượng không khí từ năm 2010 đến năm 2014 tại các điểm đại diện trong toàn tỉnh cho ta thấy: nhìn chung hiện nay, chất lượng môi trường của địa bàn tỉnh Kiên Giang bị ô nhiễm cục bộ trong vùng hoạt động của các cụm công nghiệp, và các cụm dân cư, các ngã ba, ngã tư đường. Nguyên nhân là do việc vận chuyển các nguyên vật liệu và hoạt động của các nhà máy ảnh hưởng đáng kể đến môi trường.

Cụ thể diễn biến thành phần các chất ô nhiễm không khí tại các vị trí quan trắc trên toàn tỉnh được thể hiện như sau:

1.2.1. Các khu vực công nghiệp:

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí tại một số vị trí trong các khu vực công nghiệp cho thấy ô nhiễm không khí đặc trưng trong vùng là ô nhiễm bụi và các khí độc hại (NO2, SO2, H2S) với giá trị đo được hầu hết đều vượt QCVN 05:2013/BTNMT, QCVN 06:2009/BTNMT. Mức ồn tối đa trong khu vực nhìn chung đều đạt QCVN 26:2010/BTNMT. Các vị trí quan trắc như ngã ba vào Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành và Cống Lung Lớn 2 (Nhà máy Xi măng Hà Tiên - Kiên Giang), xã Bình An, huyện Kiên Lương cần được chú ý cảnh báo vì giá trị các chỉ tiêu ô nhiễm tại các vị trí này hầu như vượt hoặc cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép và với các vị trí còn lại. Nguyên nhân do các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm khí thải chưa đạt hiệu quả của các nhà máy, cơ sở trong khu vực, phát thải và làm gia tăng lượng bụi và các khí độc hại trong không khí. Ngoài ra, các phương tiện vận tải, lưu thông trong các nhà máy cũng là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm.

1.2.2. Các khu vực đô thị:

Kết quả quan trắc cho thấy ô nhiễm không khí đặc trưng trong các khu vực đô thị là ô nhiễm bụi, khí độc hại (NO2, SO2, H2S) với giá trị đo được đa số đều vượt QCVN 05:2013/BTNMT nhiều lần. Độ ồn trong khu vực đa số đạt QCVN 26:2010/BTNMT. Các vị trí quan trắc như vòng xuyến trước chợ Rạch Sỏi, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá; ngã ba trước Công ty Khai thác đá Hòn Sóc, xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất và Chợ Kinh 8, xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp cần được chú ý cảnh báo vì giá trị các chỉ tiêu ô nhiễm tại các vị trí này hầu như vượt hoặc cao hơn nhiều lần so với quy chuẩn cho phép và với các vị trí còn lại. Nguyên nhân do hoạt động của các phương tiện giao thông đã phát thải một lượng chất ô nhiễm vào không khí. Ngoài ra, chất thải từ các khu vực chợ không được dọn dẹp và xử lý triệt để và các bãi rác lộ thiên đã góp phần gia tăng khí độc hại trong không khí.

2. Hiện trạng và diễn biến các hệ sinh thái đặc thù

2.1. Hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn - Vườn Quốc gia U Minh Thượng:

VQG U Minh thượng có tổng diện tích là 21.122 ha. Trong đó, diện tích vùng lõi là 8.038 ha, diện tích vùng đệm là 13.069 ha. Trong VQG U Minh Thượng, đất than bùn có diện tích khoảng 4.000 ha.

Bảng 01. Hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp năm 2012:

ĐVT: ha

TT

Loại đất, loại rừng

Trong VQG

Ngoài VQG

Tổng

PK BVNN

PK PHST

PK HCDV

1

Rừng tràm tự nhiên

3.591,3

262,2

3.329,1

 

2

Rừng tràm trồng

414,2

413,3

0,9

 

3

Đất trống

3.876,8

2.783,6

1.093,2

 

4

Đất khác (kênh, đê, hồ, ...)

155,7

91,9

63,8

59,4

Tổng cộng:

8.038,0

3.551,0

4.487,0

59,4

Diện tích đất có rừng của Vườn Quốc gia là 4.005,5 ha chiếm 49,8% diện tích tự nhiên. Diện tích đất trống chủ yếu là các trảng sậy và các khu ngập nước mở như: Đất ngập nước Súng ma (Nymphaea nouchali); đất ngập nước Bèo cái/Bèo tai chuột (Pistia stratiotes/Salvinia cucullata) và đất ngập nước Bồn bồn (Typha domingensis), đây là các sinh cảnh đặc trưng của Vườn Quốc gia, có giá trị đa dạng sinh học cao và có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học.

2.1.1. Thảm thực vật rừng:

Thảm thực vật ngập nước của Vườn Quốc gia bao gồm 243 loài thực vật có mạch tự nhiên, thuộc bốn nhóm chính (Trần Triết, 2001). Đó là nhóm thực vật rừng Tràm, nhóm thực vật đồng cỏ, nhóm thực vật đầm lầy và nhóm thực vật ở các dòng chảy.

Một số loài thực vật được xem là hiếm chỉ được tìm thấy trong rừng Tràm trên than bùn ở U Minh Thượng là Mớp (Alstonia spathulata); bèo Tấm nhọn (Lemna tenera); Nắp ấm, Bình nước kỳ quan (Nepenthes mirabilis); Tổ điểu nhầm (Asplenium confusum); Mật cật (Licuala spinosa) và Bí kỳ nam (Hydnophytum formicarum). Hai loài địa lan cũng được phát hiện ở U Minh Thượng bao gồm Luân lan (Eulophia graminea) tìm thấy trên đất than bùn dưới tán rừng Tràm và Bàng long sâm (Spiranthes sinensis) tìm thấy ở một trảng trống. Đây là những loài lan đầu tiên được tìm thấy ở rừng trên than bùn của vùng U Minh - Việt Nam. Trong các kênh của vùng đệm có loài bèo Tấm nhọn (Lemna tenera) là loài rất hiếm. Loại bèo này là một loài sống trên đất than bùn, đặc hữu của rừng tràm trên vùng đầm lầy than bùn của Đông Nam Á và Bắc Úc (Landolt, 1992).

2.1.2. Động vật:

Vườn Quốc gia có tài nguyên động vật phong phú vào bậc nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhiều loài đặc hữu thích nghi với sinh cảnh rừng tràm ngập úng, trảng cỏ ngập nước, đầm lầy.

- Về thú: Kết quả điều tra sau trận cháy rừng năm 2002 đã ghi nhận có 32 loài thú thuộc 13 họ, 8 bộ hiện đang sinh sống. Các loài thú quý hiếm có tên trong danh mục Sách đỏ Việt Nam - Phần động vật và sách đỏ thế giới (IUCN) ở Vườn Quốc gia gồm: Tê tê (Manis javanica), Rái cá vuốt bé (Aonyx cinerea), Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana), Cầy giông (Viverra zibetha), Cầy giông đốm lớn (Viverra megaspila), Cầy hương (Viverricula indica), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Mèo cá (Prionailurus viverinus) Dơi chó tai ngắn (Cynopterus branchyotis), Dơi ngựa lớn (Pteropus vampirus)...

- Về chim: VQG U Minh Thượng có khu hệ chim phong phú và đa dạng, năm 2004 các nhà khoa học đã nhận biết được 185 loài chim thuộc 39 họ, 12 bộ chiếm 16,6% so với 828 loài chim được ghi nhận tại Việt Nam. Trong đó có 4 loài chiếm 0,1% trở lên trong tổng số cá thể trên toàn cầu. Những loài chim có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng ở Việt Nam và trên thế giới đã quan sát được ở các sinh cảnh khác nhau như Điên điển, Cổ rắn (Anhinga melagonater); Giang sen (Mycteria leucocophala); Cò nhạn, Cò ốc (Arastonus leucocephala); Quắm đen (Plegadis falcinellus); Đại bàng đen (Aquda clanga); Cồng cộc, Cốc đế (Phala crocorax niger); Rồng rộc vàng (Pioceus hypoxanthus); Diệc lửa (Ardea purpurea); Chàng bè (Pelecanus philippensis); Diều ăn cá (Ichthyophaga ichthyaetus); Hạc cổ trắng, Hạc khoang (Ciconia episcopus). Tháng 11 năm 2004, các nhà khoa học đã phát hiện ra giống chim quý hiếm có tên là Già sói, Già đẩy Java (Leptoptilos javanicus) có hoạt động sinh sản tại Vườn Quốc gia. Đây là giống chim đang có nguy cơ tuyệt chủng trên phạm vi toàn cầu.

- Về lưỡng cư bò sát: Kết quả điều tra khu hệ bò sát ếch nhái tại Vườn Quốc gia (năm 2004) đã ghi nhận được 44 loài trong đó có 8 loài có tên trong danh mục các loài quý hiếm của Sách đỏ Việt Nam như: Trăn mốc (Python molurus); Rắn cạp nong (Bulgarus fasciatus); Rắn hổ mang (Naja naja); Rắn ráo trâu (Ptyas mucosus); Tắc kè (Gekko gecko); Rùa răng, Càng đước (Hieremys anncmdalei); Rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga); Rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis).

2.1.3. Tài nguyên thủy sản:

Khu hệ cá ở U Minh Thượng bao gồm 60 loài, trong đó: Họ cá Chép (Cyprinidae) 9 loài; họ cá Sặc (Belontiidae) 6 loài; họ cá Lóc (Channidae) 3 loài; họ cá Lăng (Bagridae), họ cá Trê (Clariidae) và họ cá Thát lát (Notopteridae) gồm 2 loài; các họ còn lại chỉ có 1 loài (Nguyễn Thanh Tùng, 2002).

- Có 9 loài cá kinh tế là các loài cá thuộc lớp có xương có trữ lượng rất phong phú thuộc vào hạng bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long như: cá Rô đồng (Anabas testudineus); Thát lát (Notopterus notopterus); Lóc (Channa striata); dày (Channa lucius); Lóc bông (Channa micropeltes), Sặc rằn (Trichogastes pectoralis); Sặc bướm (Trichopterus trichopterus); Trê vàng (Clarias macrocephalus); Trê trắng (Clarias batrachus).

- Có 4 loài được xếp vào Sách đỏ Việt Nam - Phần động vật, gồm cá Trê trắng (Clarias batrachus); cá Thát lát còm (Chitala ornata), cá Lóc (Channa striata) và cá Lóc bông (Channa micropeltes). Mức độ đe dọa các loài nói trên ở bậc T (bị đe dọa), cần có biện pháp bảo vệ và khai thác hợp lý các đối tượng này. Giảm hoặc cấm khai thác chúng trong mùa sinh sản, bảo vệ vùng cư trú, cấm khai thác trong mùa khô nhằm giữ gìn nguồn cá bố mẹ cho mùa vụ sinh sản sau.

2.2. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh ưu thế cây họ dầu - Vườn Quốc gia Phú Quốc:

2.2.1. Thảm thực vật:

Thảm và hệ thực vật ở VQG Phú Quốc bị chi phối sâu sắc bởi yếu tố độ cao, khí hậu đại dương và hoạt động kinh tế của con người. VQG Phú Quốc có 6 kiểu thảm thực vật chính: Rừng trên núi cao; Rừng nguyên sinh cây họ Dầu; Rừng thứ sinh; Rừng tràm phát triển trên đất chua phèn; Rừng ngập mặn ven cửa sông ven biển; rú lùn trên cồn cát ven biển. Trong đó, rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh ưu thế cây họ dầu là một trong những hệ sinh thái độc đáo của vùng ĐBSCL.

- Rừng nguyên sinh cây họ Dầu (Dipterocarpaceae): Từ độ cao trên dưới 100 m tới 300 - 350m là sự phân bố của rừng nguyên sinh. Ở kiểu rừng này, cây họ dầu chiếm ưu thế cả về số lượng cá thể và độ che phủ trong quần xã. Cây cao tới 20 - 25 m, thân thẳng, đường kính lớn 40 - 60 cm, có cây ≈ 1m; phân bố tập trung thành từng cụm. Ở những khoảng trống lớn khác là sự phát triển của các loài cây gỗ thuộc nhiều họ như: Trôm (Sterculiaceae); họ Bồ hòn (Sapindceae), họ Xoan (Meliaceae); với nhiều loài cây gỗ có giá trị thuộc chi Gội (Aglaia), chi Huỳnh đường (Dysoxylum),... Cấu trúc rừng gồm 5 tầng.

- Rừng thứ sinh: Chiếm diện tích khá lớn ở VQG Phú Quốc. Có sự khác nhau ít nhiều giữa rừng thứ sinh phục hồi sau khai thác kiệt với rừng thứ sinh phục hồi trên đất canh tác nương rẫy. Sự khác biệt chủ yếu ở thành phần thực vật cấu thành. Kiểu rừng thứ sinh phân bố từ độ cao dưới 100 m tới những vùng thấp 30 - 40 m. Cấu trúc tầng đơn giản gồm 3 tầng.

- Rừng tràm phát triển đất chua phèn: Rừng tràm tự nhiên phát triển trên đất chua phèn, có diện tích kế tiếp với rừng thứ sinh ra tới mép sông Rạch Tràm, có độ cao 20 - 30m so với mặt biển. Rừng tràm trên đất chua phèn là kiểu rừng chuyển tiếp từ hệ sinh thái rừng trên núi xuống thung lũng bằng, thấp. Khu vực này ngập úng vào mùa mưa, nhiều khu vực luôn ngập nước, cấu trúc tầng tán đơn điệu, 2 tầng.

- Rừng ngập mặn cửa sông ven biển: Khác biệt xa với các kiểu thảm thực vật nói trên, về điều kiện sinh thái: địa chất, thủy văn; đất ở những khu vực này được bồi tụ, do phù sa lắng đọng, bị nước mặn thủy triều ngập úng theo chu kỳ. Khu vực này là rừng ngập mặn nhiều loài cây ngập mặn phát triển: Đước (Elaeocarpus tectorius), Mắm (Avicennia spp.), Bần (Sonneratia spp.), Vẹt, Giá, Cóc, Xú, Tra....

Đặc biệt, Rừng ngập mặn ven cửa sông Rạch Tràm có những nét khá đặc biệt; hiện khu vực này còn sót lại loài cóc đỏ Lumnitzera littorea (Jack). Voigt, mọc gần như thuần loại thành quần thụ cây gỗ lớn, thường cao 10- 15m, đường kính lớn từ 0,3 - 0,6m, có cây có đường kính ≈ 1m. Chúng không mọc lẫn với đước và cũng ít khi mọc lẫn với tràm dọc ven sông Rạch Tràm dài khoảng 4 km. Rừng ngập mặn cửa sông Rạch Tràm cũng khác với những khu vực rừng nước mặn khác: không gặp loài đước đôi (Rhizophora apiculatabe) chỉ gặp đâng - đước vòi (R. stylosa Griff) và đưng - đước bộp (R. mucronata Poir.in Lamk).

Đước mọc sát mép nước dọc theo sông, bên trong là Cóc đỏ và phía trong nữa là Tràm. Chưa gặp một quần thụ Cóc đỏ, cây gỗ to, tập trung thuần loại như khu vực này. Cóc Đỏ là loại thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam cấp VU (sẽ nguy cấp), cần được nghiên cứu sâu hơn và có biện pháp bảo vệ, bảo tồn.

- Rú lùn trên cồn cát ven biển: Khu vực từ điểm tọa độ: 0428736/1142035; độ cao 9m so với mặt biển tới tọa độ: 0433075/ 113787, độ cao 10m svmb là nơi phân bố của kiểu thảm rú lùn trên cồn cát. Đây là một kiểu thảm đặc biệt đã có một tiến trình phát triển chọn lọc lâu dài thích nghi với những yếu tố khắc nghiệt của môi trường: Đất, nước, không khí, ánh sáng, gió. Khu vực thảm thực vật này là ranh giới của lục địa và đại dương sát mép biển có độ cao từ 5 - 10m.

2.2.2. Hệ thực vật:

Tại VQG Phú Quốc, cho đến nay, đã ghi nhận được 1.172 loài thực vật bậc cao thuộc 562 chi, 137 họ, 66 bộ, 6 ngành. Tuy vậy, đây chỉ là danh lục chưa đầy đủ và chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, bổ sung, chỉnh lý những sai sót.

Ngoài tính đa dạng cao về thành phần loài, tại VQG Phú Quốc đã ghi nhận 25 loài thực vật đang bị đe dọa diệt vong trong nước (SĐVN, 2007) và 9 loài đang bị đe dọa diệt vong trên thế giới (DLĐ IUCN 2009). Số loài bị đe dọa trên thế giới có thể còn cao hơn, nếu có thời gian xem xét kỹ hơn về tất cả các loài đã ghi nhận được.

2.2.3 Động vật:

- Về thú: Vườn quốc gia Phú Quốc có 28 loài thú, thuộc 14 họ, 06 bộ (bộ gặm nhắm có 9 loài; bộ Dơi có 5 loài; bộ thú lớn, bộ linh trưởng và bộ ăn thịt cùng có 4 loài; bộ guốc chẳn có 2 loài). Mặc dù có thành phần loài tương đối nghèo, nhưng loài thú Vườn quốc gia Phú Quốc vẫn có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học cao với 8 loài quí hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu, đáng chú ý là loài Sóc đỏ Phú Quốc. Trong đó, có 5 loài ghi trong “Sách đỏ Việt Nam” (2000), 6 loài ghi trong Danh lục đỏ của IUCN (2004) và 7 loài ghi trong Danh lục của Nghị Định 48/2002/NĐCP (2002).

- Về chim: ở khu vực VQG Phú Quốc có 134 loài, thuộc 37 họ và 11 bộ, chiếm 16,18% so với tổng số loài chim ở Việt Nam. Nhìn chung, khu vực VQG Phú Quốc do được bảo vệ tốt nên nhiều loài có số lượng cá thể của loài tương đối phong phú, như: Hồng hoàng (Buceros bicornis), Cao cát bụng trắng (Anthracoceros albiros tris), các loài thuộc nhóm cu xanh... Đã thống kê được 5 loài chim có tầm quan trọng bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, có 3 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (2007): 2 loài bậc VU và 1 loài bậc LR; 5 loài được ghi trong Danh Lục Đỏ IUCN (2009): 1 loài bậc VU và 4 loài bậc NT. Đáng chú ý là loài Hồng hoàng Buceros bicornis, hiện số lượng và vùng sống đang giảm sút do khai thác rừng và săn bắn lấy thịt và lấy mỏ làm cảnh.

- Về lưỡng cư, bò sát: Do có sự đa dạng có sự đa dạng cao về sinh cảnh nên khu vực Phú Quốc có số loài lưỡng cư bò sát cao nhất với 72 loài, chiếm 69,2 % tổng số loài đã ghi nhận trên toàn Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang, bao gồm 17 loài lưỡng cư và 55 loài bò sát. Đặc biệt, 2 loài nhông cát rivơ và ô rô capra chỉ gặp ở dải cát ven biển xóm Chài gần Suối Cái, Phú Quốc mà chưa gặp ở các nơi khác. Tuy nhiên, đây chưa phải là danh lục đầy đủ, số loài sẽ tăng lên nếu được khảo sát kỹ hơn. Trong số 72 loài ghi nhận được ở đây có 23 loài đang đe dọa diệt vong trong nước và trên thế giới. Các loài cần đặc biệt ưu tiên bảo tồn ở đây gồm: Trăn gấm, rắn hổ chúa, rùa răng, rùa ba gờ, cua đinh; vích và đồi.

2.3. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển - Khu Bảo tồn biển Phú Quốc:

Khu Bảo tồn biển Phú Quốc gồm 2 khu vực Phía Đông Bắc, Đông Nam đảo Phú Quốc và khu phía Nam quần đảo Nam An Thới với tổng diện tích mặt nước biển của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc là 26.863,17 ha, bao gồm khu vực bảo vệ rạn san hô và khu vực bảo vệ cỏ biển.

2.3.1. Rạn san hô:

Phạm vi diện tích Khu bảo tồn san hô Phú Quốc 9.720 ha, vùng lõi 757,45 ha, vùng đệm 8.962,95 ha. Kết quả từ các cuộc điều tra được tiến hành tới thời điểm này đã xác định được diện tích san hô của vùng biển Phú Quốc có 473,9 ha, trong đó quần đảo Nam An Thới có 362,2 ha thuộc cả hai nhóm san hô cứng và san hô mềm, 135 loài cá rạn san hô, 3 loài cá di cư, 132 loài thân mềm lớn sinh sống trong rạn san hô, 9 loài giáp xác, 32 loài da gai và 6 loài thú biển sinh sống và kiếm ăn. Đặc biệt còn có loài Dugong (bò biển, cá cúi), Rùa biển, cá heo có trong danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ.

2.3.2. Thảm cỏ biển:

Thảm cỏ biển ở vùng biển Kiên Giang tương đối lớn gồm 12.000 ha thảm cỏ biển, là nơi cư trú, nguồn thức ăn của nhiều loài cá biển, loài động vật biển quý hiếm, tạo ra nguồn sinh cảnh biển rất đa dạng và hấp dẫn để khai thác du lịch. Thảm cỏ biển ở Kiên Giang khá phong phú đa dạng, theo thống kê có tới 10 loài trong 16 loài được công bố của toàn vùng biển Việt Nam.

Vùng biển ven bờ Phú Quốc còn là nơi phân bố phong phú và quan trọng của các thảm cỏ biển với tổng diện tích của Khu bảo tồn biển Phú Quốc 6.825 ha, vùng lõi 2.195 ha, vùng đệm 4.630 ha, từ bờ biển ra 3 km từ xã Bãi Thơm đến xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc với 9 loài cỏ biển được ghi nhận: Cỏ Lá dừa (Enhalus acoroides), cỏ Kiệu tròn (Cymodocea rotundata), cỏ Kiệu răng cưa (Cymodocea serrulata), cỏ Xoan (Halophila ovalis), cỏ Xoan nhỏ (Halophila minor), cỏ Dương thảo (Thalassia hemprichii), cỏ Kim biển (Halodule pinifolia), cỏ Hẹ răng cưa (Halodule uninervis) và cỏ Lăng biển (Syringodium isoetifolium).

Các thảm cỏ biển ở Phú Quốc thường được hình thành từ những loài cỏ biển có kích thước lớn như: cỏ Lá dừa (Enhalus acoroides), cỏ Dương thảo (Thalassia hemprichii), cỏ Kiệu răng cưa (Cymodocea serrulata) nên có sinh lượng cao. Các thảm cỏ biển góp phần quan trọng làm phong phú tính đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản của vùng biển đảo Phú Quốc. Những điều tra ban đầu cho thấy ở Phú Quốc sản lượng đánh bắt hàng năm (ngoài cá) các đối tượng có giá trị kinh tế cao như tôm, ghẹ, ốc nhảy, cá Ngựa...trong vùng phân bố cỏ biển và vùng nước lân cận là rất lớn. Đây là nguồn thu nhập chính của đa số hộ gia đình sống ở các làng chài ven biển. Tuy nhiên, do khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản trong các thảm cỏ biển đang ngày càng suy giảm.

3. Tình hình nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và hệ sinh thái

3.1. Nguồn lực con người:

3.1.1. Công tác bảo vệ môi trường:

- Cấp tỉnh:

Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, Chi cục Bảo vệ môi trường chuyên trách về các vấn đề môi trường của tỉnh.

- Cấp huyện: Gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường 14 huyện, thị, thành phố và Phòng Công thương - Tài nguyên và Môi trường huyện Kiên Hải. Hiện nay mỗi huyện có từ 1 - 2 chuyên viên hoặc nhân viên hợp đồng theo dõi công tác bảo vệ môi trường, công tác truyền thông về bảo vệ môi trường, kiểm tra tình hình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất tại địa phương.

- Cấp xã, phường: Cán bộ địa chính kiêm nhiệm công tác quản lý môi trường, có nhiệm vụ theo dõi, thực hiện các công việc được chỉ đạo.

Cơ cấu, bộ máy tổ chức quản lý môi trường đã được thành lập ở các cấp theo quy định. Tuy nhiên, bộ máy quản lý môi trường chưa tương xứng với khối lượng công việc. Cán bộ quản lý môi trường còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là cán bộ ở cấp xã, phường là cán bộ kiêm nhiệm, phần lớn chưa được đào tạo về chuyên môn nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Cán bộ phụ trách về môi trường ở Phòng Tài nguyên và Môi trường ở nhiều huyện còn là nhân viên hợp đồng, chưa phải là công chức nhà nước.

3.2.2 Công tác bảo vệ hệ sinh thái đặc thù:

- Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Kiên Giang: Năm 2010 BQL Khu DTSQ Kiên Giang được thành lập và đã ban hành quy chế làm việc nhằm giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và đơn vị thành viên tùy theo chức năng nhiệm vụ quản lý của ngành mà chỉ đạo tham gia vào công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát huy các giá trị của các HST trong tỉnh.

- VQG U Minh Thượng: Tổng số cán bộ công nhân viên của VQG hiện nay là 65 người, bao gồm: Trên đại học (thạc sỹ): 03 người; Đại học: 21 người; Cao đẳng: 02 người; Trung cấp: 34 người; Sơ cấp: 01 người; lao động chưa qua đào tạo: 04 người.

Trình độ và năng lực chuyên môn, trình độ chính trị và kiến thức quản lý nhà nước của cán bộ công nhân viên trước mắt có thể hoàn thành chức trách nhiệm vụ. Tuy nhiên, về lâu dài chưa thể đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu, ứng dụng các thành tựu khoa học trong công tác bảo tồn và phát triển các loại hình du lịch, cần thiết phải đào tạo nâng cao và/hoặc tuyển dụng bổ sung cán bộ có trình độ cao, trình độ trên đại học mới có thể đảm trách các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học...

- VQG Phú Quốc: VQG Phú Quốc hiện có 86 biên chế, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ sau: Bảo tồn, phục hồi hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, tài nguyên động, thực vật rừng quý hiếm và có giá trị, các sinh cảnh rừng tự nhiên độc đáo của rừng đảo Phú Quốc như một đặc trưng của hệ sinh thái rừng đồng bằng sông Cửu Long; duy trì và phát triển độ che phủ của thảm thực vật rừng để đảm bảo chức năng phòng hộ đầu nguồn nước, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của nhân dân và các hoạt động phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc; bố trí lại dân cư xung quanh Vườn Quốc gia Phú Quốc một cách hợp lý, tạo sự ổn định về đất ở, đất canh tác và ổn định cuộc sống; vận động nhân dân tự nguyện tham gia vào việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Vườn Quốc gia Phú Quốc; quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được UBND tỉnh phê duyệt để bảo vệ Vườn Quốc gia Phú Quốc và phát triển du lịch sinh thái mang lại lợi ích cho cộng đồng dân cư và xã hội; góp phần củng cố quốc phòng, tăng cường sức mạnh cho tuyến phòng thủ phía Tây Nam của tổ quốc. Tuy nhiên, công tác tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ điều hành hoạt động của đơn vị trên một số lĩnh vực còn bất cập, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của ngành.

- Khu Bảo tồn biển Phú Quốc: Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Phú Quốc là một đơn vị sự nghiệp có thu với số lượng biên chế được giao trong những năm qua là 08 biên chế, kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho BQL được sử dụng công tác tuần tra, bảo dưỡng, lắp đặt phao neo, truyền thông giáo dục,...

Hiện nay, lực lượng cán bộ của Khu Bảo tồn biển Phú Quốc ít mà phạm vi quản lý rất rộng, nên công tác tuần tra, kiểm soát còn gặp rất nhiều khó khăn, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

3.2. Tài chính, đầu tư:

3.2.1 Công tác bảo vệ môi trường:

Về bố trí chi ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo bố trí kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường hàng năm là 1% tổng chi ngân sách đúng như hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm được sử dụng chủ yếu cho các nhiệm vụ như: Đảm bảo hoạt động quan trắc môi trường; tuyên truyền chính sách, pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; thực hiện đầu tư khắc phục ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công ích như bệnh viện, bãi rác, thoát nước đô thị, nạo vét kênh, rạch; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường; thực hiện các kế hoạch liên tịch với các cơ quan đoàn thể và các hoạt động khác liên quan đến lĩnh vực môi trường; hợp đồng thêm cán bộ môi trường cấp huyện,... Trong các năm qua, ngân sách sự nghiệp môi trường được phân bổ cụ thể như sau:

- Năm 2010: Kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ trên toàn tỉnh là 30.405.441.0 đồng (Ba mươi tỉ, bốn trăm lẻ năm triệu, bốn trăm bốn mươi mốt ngàn đồng), trong đó cấp tỉnh là 17.145.441.000 đồng, cấp huyện là 13.260.000.000 đồng.

- Năm 2011: Kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ trên toàn tỉnh là 53.217.000.000 đồng (Năm mươi ba tỉ, hai trăm mười bảy triệu đồng), trong đó cấp tỉnh là 4.460.000.000 đồng, cấp huyện là 48.757.000.000 đồng.

- Năm 2012: Kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ trên toàn tỉnh là 63.569.000.000 đồng (Sáu mươi ba tỉ năm trăm sáu mươi chín triệu đồng), trong đó cấp tỉnh là 6.839.000.000 đồng, cấp huyện là 56.730.000.000 đồng.

- Năm 2013: Kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ trên toàn tỉnh là 76.610.000.000 đồng (Bảy mươi sáu tỉ, sáu trăm mười triệu đồng), trong đó cấp tỉnh là 8.587.000.000 đồng, cấp huyện là 68.023.000.000 đồng.

- Năm 2014: Kinh phí sự nghiệp môi trường được phân bổ trên toàn tỉnh là 80.504.000.000 đồng (Tám mươi tỉ, năm trăm lẻ bốn triệu đồng), trong đó cấp tỉnh là 12.481.000.000 đồng, cấp huyện là 68.023.000.000 đồng.

Do ngân sách có hạn nên chưa ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường so với đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm chỉ được bố trí bằng 1% tổng chi ngân sách của tỉnh. Mức chi này chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, nhất là trong việc đầu tư các công trình khắc phục ô nhiễm môi trường công cộng.

Việc thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách, xã hội hóa trong việc cải thiện ô nhiễm và bảo vệ môi trường còn hạn chế.

3.2.2. Công tác bảo vệ hệ sinh thái đặc thù:

- VQG U Minh Thượng:

Từ năm 2003 đến nay VQG U Minh Thượng đã huy động nguồn lực tài chính từ nhiều nguồn như: Ngân sách tỉnh, nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, hỗ trợ của Dự án GIZ, nguồn VCF...Tuy nhiên, số tiền đầu tư vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu để phát triển.

Từ năm 2003 đến năm 2013, Ban Quản lý VQG U Minh Thượng đã được cấp 50.461.307.976 đồng để thực hiện Dự án đầu tư khôi phục, bảo vệ và phát triển VQG. Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện dự án gặp khó khăn về nguồn vốn, công tác quy hoạch phải bổ sung, thay đổi nhiều nên tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra dẫn đến một số hạng mục công việc chưa hoàn thành. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư, các dự án phi chính phủ cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn.

- KBT biển Phú Quốc:

Nguồn kinh phí hoạt động do ngân sách cấp, nguồn thu phí tham quan và vốn tài trợ của nước ngoài.

Hàng năm, ngân sách nhà nước cấp cho BQL KBT biển PQ kinh phí tuần tra, bảo dưỡng, lắp đặt phao neo; truyền thông giáo dục môi trường; tài liệu tuyên truyền....

Vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài: Từ năm 2007 - 2011 được sự hỗ trợ thành lập và phát triển của “Hợp phần sinh kế bền vững trong và xung quanh các khu bảo tồn biển”. Từ năm 2013 đến nay được sự hỗ trợ tài chính của WAR tập trung vào các lĩnh vực tuyên truyền nâng cao nhận thức và giáo dục môi trường.

Ngoài ra, Ban Quản lý đã tiến hành thu phí tham quan khu bảo tồn với mức thu 5.000đồng/người/lượt. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên nguồn thu chưa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

- VQG Phú Quốc:

Nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo tồn của VQG hiện nay.

4. Thực trạng các vấn đề môi trường và hệ sinh thái đặc thù cấp bách cần ưu tiên giải quyết ở tỉnh đến năm 2020

4.1. Các vấn đề chất thải rắn:

4.1.1. Thực trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn:

Thực trạng phát sinh chất thải rắn (CTR) sinh hoạt ở đô thị và nông thôn trên toàn tỉnh Kiên Giang được thống kê và ước lượng như sau:

Bảng 02. Chất thải rắn phát sinh qua các năm:

 

Năm 2013 (tấn/ngày)

Năm 2014 (tấn/ngày)

Năm 2015 (tấn/ngày)

Đô thị

Lượng CTR phát sinh

252,30

373,18

516,00

Lượng CTR được thu gom, xử lý

184,33 (73%)

322,22 (86%)

396,17 (77%)

Lượng CTR được xử lý đạt tiêu chuẩn/QC

12,33 (5%)

252,22 (66%)

341,00 (66%)

Lượng CTR chưa được quản lý

55.64 (22%)

50.96 (14%)

119,83 (23%)

Nông thôn

Dân số (người)

1.263.340

1.272.837

1.278.668

Ước lượng CTR phát sinh (0,315kg/người/ngày)

398

401

403

Lượng CTR được thu gom, xử lý (theo các báo cáo xã được công nhận NTM)

-

-

13 (3%)

Lượng CTR được xử lý đạt tiêu chuẩn/QC

-

-

-

Lượng CTR chưa được quản lý

398 (100%)

401 (100%)

390 (97%)

CTR đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng theo thời gian. Hiện nay, trung bình mỗi ngày tất cả các đô thị từ loại II đến loại IV trên toàn tỉnh thải ra 516 tấn/ngày (năm 2014). Trong đó, tỷ lệ CTR được thu gom, xử lý chiếm 77%, xử lý đạt tiêu chuẩn chiếm 66%. Còn lại 23% chưa được quản lý, gần 120 tấn CTR/ngày. Khả năng lượng CTR này được vứt xuống kênh, rạch, sông, biển là rất lớn.

CTR nông thôn hầu hết chưa được quản lý. Ngoại trừ một vài xã đã được công nhận xã nông thôn mới có tổ chức thu gom và xử lý bằng bãi rác lộ thiên (chiếm 3%), còn lại do hộ dân tự xử lý theo cách riêng (chiếm 97%). Hiện nay, CTR ở nông thôn chưa được điều tra, thống kê. Tuy nhiên, lượng CTR sinh hoạt ở vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang là 0,315kg/người/ngày (theo ThS. Đoàn Hữu Thắng và ctv.2015), Do đó, có thể ước tính được hiện nay, vùng nông thôn toàn tỉnh thải ra 403 tấn CTR mỗi ngày. Trong đó chỉ có khoảng 13 tấn CTR/ngày được thu gom, xử lý. Lượng còn lại (khoảng 390 tấn/ngày) chưa có biện pháp quản lý.

Ý thức bảo vệ môi trường nói chung và ý thức quản lý CTR của người dân vùng nông thôn còn nhiều hạn chế, có đến 45% hộ dân ở các xã xây dựng nông thôn mới đổ CTR xuống sông, biển hoặc bất kỳ nơi nào nếu thuận tiện (theo Đoàn Hữu Thắng và ctv.2015). Nếu tạm tính 45% của 390 tấn CTR/ngày thì mỗi ngày có khoảng 175 tân CTR được đổ bừa bãi, đổ xuống sông, biển.

4.1.2. Thực trạng phát sinh chất thải rắn nguy hại:

- Chất thải rắn y tế nguy hại:

Theo số liệu báo cáo từ các cơ sở y tế trên toàn tỉnh, có từ 60 - 65 tấn chất thải rắn y tế (CTRYT) nguy hại phát sinh mỗi năm. CTRYT nguy hại được thu gom và xử lý chiếm từ 70 - 99%. Tuy nhiên, số liệu ghi nhận được trong quá trình thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế có sự chênh lệch rất lớn so với số liệu báo cáo của các cơ sở y tế. Số liệu ghi nhận được vào năm 2014 là 386 tấn. Tổng lượng CTRYT nguy hại phát sinh trên toàn tỉnh được trình bày chi tiết trong Bảng 03.

Bảng 03. Chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh qua các năm:

 

Năm 2013 (tấn/năm)

Năm 2014 (tấn/năm)

Năm 2015 (tấn/năm)

Tổng lượng CTRYT nguy hại phát sinh (theo số liệu thống kê)

65.2

-

60,54

Lượng CTRYT nguy hại được thu gom

64.7 (99%)

-

50,3 (83%)

Lượng CTRYT nguy hại được xử lý

64.7 (99%)

-

42,5 (70%)

Tổng lượng CTRYT nguy hại phát sinh (theo số liệu thanh, kiểm tra)

-

386

-

Lượng CTRYT nguy hại được xử lý (theo số liệu thanh, kiểm tra)

-

347 (90%)

-

Hiện nay, CTRYT nguy hại được thu gom, xử lý tại chỗ (trong khuôn viên của các cơ sở y tế) là chính. Việc thuê đơn vị khác vận chuyển, xử lý ở nơi khác chỉ là tình huống xử lý khi lò đốt CTRYT của cơ sở bị hư hỏng.

Toàn tỉnh có 17 bệnh viện đa khoa và trung tâm y tế (hoạt động giống bệnh viện) đang hoạt động. Có 15 bệnh viện, TTYT (hoạt động giống bệnh viện) đã được đầu tư lò đốt CTRYT để xử lý CTRYT tại chỗ. Còn lại, 1 bệnh viện (bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh KG) chuyển CTRYT sang BVĐK tỉnh xử lý; 01 bệnh viện (BVĐK Hà Tiên) vận chuyển đến bãi rác Hà Tiên xử lý.

Đối với các cơ sở y tế nhỏ (các phòng khám tư nhân, các trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế tuyến xã): Chất thải y tế nguy hại phát sinh rất ít và đang được xử lý bằng cách gửi vào các bệnh viện, TTYT có lò đốt CTRYT để xử lý.

Việc vận hành lò đốt CTRYT nguy hại của các cơ sở y tế hiện nay còn nhiều vấn đề tồn tại. Công nghệ của các lò đốt chưa tiên tiến. Nhiều nơi, lò đốt đã xuống cấp hoặc hư hỏng thường xuyên. Kỹ thuật vận hành lò cũng chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức nên đốt không cháy được hoàn toàn chất thải cần đốt. Nhìn chung, tình trạng hoạt động của đa số lò đốt CTRYT hiện nay rất kém hiệu quả, không đảm bảo quy chuẩn môi trường.

- Chất thải rắn công nghiệp nguy hại:

Bảng 04. Tổng lượng CTRCN nguy hại phát sinh trên toàn tỉnh qua các năm:

 

Năm 2013 (tấn/năm)

Năm 2014 (tấn/năm)

Năm 2015 (tấn/năm)

Lượng CTRCN nguy hại phát sinh (theo số liệu thống kê)

140,039

54,2

152,36

Lượng CTRCN nguy hại được thu gom

58,227

54,2

141,7

Lượng CTRCN nguy hại được xử lý

58,227

52,3

133,9

Theo số liệu báo cáo từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có đăng ký chủ nguồn thải CTNH, tổng lượng CTRCN nguy hại phát sinh trên toàn tỉnh là 152,36 tấn (năm 2015). CTNH này được lưu giữ tại cơ sở của chủ nguồn thải. CTCN nguy hại bước đầu đã được các chủ nguồn thải thu gom, phân loại và quản lý theo quy định, nhưng chưa triệt để, vẫn còn tình trạng đổ thải và bán chất thải nguy hại không theo quy định (dầu nhớt thải thường được bán không theo quy định).

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 01 cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại (Công ty TNHH Holcim Việt Nam thực hiện đồng xử lý CTNH trong lò nung xi măng). Tuy nhiên, vì đồng xử lý trong lò nung xi măng nên không phải CTNH nào cũng xử lý được. Vì vậy, đa số các chủ nguồn thải CTNH trong tỉnh (với lượng CTNH ít) hợp đồng xử lý CTNH với các công ty xử lý CTNH ngoài tỉnh.

4.2. Ô nhiễm môi trường tại các khu sản xuất công nghiệp, khu dân cư và đô thị:

4.2.1. Vấn đề môi trường ở các khu công nghiệp:

Tỉnh Kiên Giang có 2 Khu công nghiệp (Khu công nghiệp Thạnh Lộc và Hà Tiên), 1 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (Cụm CN-TTCN Gò Quao), 2 cụm công nghiệp (Khu Cảng cá Tắc Cậu và khu vực Kiên Lương) đang hoạt động. Tất cả các khu, cụm này không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, kể cả KCN Thạnh Lộc mới đi vào hoạt động trong thời gian gần đây. Các cơ sở sản xuất trong các cụm, khu này phải tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chịu trách nhiệm xử lý đạt quy chuẩn môi trường. Theo số liệu thống kê từ chứng từ kê khai nộp phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp, tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh (của các doanh nghiệp có nộp phí BVMT) trong 1 năm là 3.364.580 m3 (năm 2015). Trong đó, 100% được thu gom, xử lý; lượng nước thải được xử lý đạt quy chuẩn là 2.885.568m3 (chiếm 86%).

Hiện nay, chưa tổ chức điều tra, thống kê lượng nước phát thải, cũng như tải lượng ô nhiễm của tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên toàn tỉnh. Nhưng nhìn chung, ngoài các số liệu đã ghi nhận được trong chứng từ thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp, thì hầu hết lượng nước thải còn lại chưa được thu gom, xử lý trước khi thải vào môi trường.

4.2.2. Vấn đề môi trường khu dân cư, đô thị:

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại các khu vực đô thị trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay ngày càng tăng do hoạt động phát triển kinh tế và dân số tập trung ở đô thị ngày càng tăng trong khi chưa có hệ thống xử lý nước thải đô thị nào. Nước thải của 100% các đô thị trong tỉnh chưa được xử lý. Một vài khu đô thị mới hình thành trong thời gian gần đây (như Khu đô thị Phú Cường - thành phố Rạch Giá) có cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, nhưng vẫn chưa thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước đô thị cũng đang xuống cấp, quá tải và tình hình quản lý, sử dụng chưa tốt.

4.3. Các vấn đề về bảo vệ các hệ sinh thái đặc thù của tỉnh:

Các Ban Quản lý VQG Phú Quốc, VQG U Minh Thượng, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động tích cực nhằm bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên ở những diện tích được Nhà nước giao. Tuy nhiên tại những khu vực nói trên còn nhiều vấn đề hạn chế trong công tác bảo tồn.

4.3.1. Giữ nước chống cháy rừng ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển của rừng tràm:

Vấn đề giữ nước phòng chống cháy đối với rừng tràm nguyên sinh tại VQG U Minh Thượng là những biện pháp triệt để chống cháy rừng với hệ thống kênh, đê bao kiên cố có chi phí lớn, nhưng mục tiêu duy trì để bảo tồn hệ sinh thái rừng tràm tự nhiên còn hạn chế và cần được nghiên cứu để có những giải pháp thỏa đáng.

Cây tràm là loài thực vật phát triển tốt trên đất chua phèn, than bùn chỉ chịu úng ngập theo mùa ở một thời gian ngắn (mùa mưa) với mực nước thấp 0,2 - 0,4m; việc đào kênh đắp đê bao duy trì mức nước cao 0,8 - 1,2m trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của kiểu rừng này.

Khả năng tái sinh phục hồi thế hệ mới của rừng tràm tại nhiều khu vực là hoàn toàn không có vì mực nước sâu trong một thời gian dài, hạt tràm khi rơi rụng không tiếp cận được với đất do lớp thực bì dày của sậy, dương sỉ, các loài cỏ dại, bèo. Mặt khác những hạt nằm trong đất bị ngâm lâu trong nước hết khả năng nảy mầm.

4.3.2. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của VQG Phú Quốc:

Khu vực từ trạm Gành Dầu (tọa độ: 0428736; 1142035. Độ cao 9m) tới trạm Bãi Dài (tọa độ: 0429482; 1140017) là khu vực đã được quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái Starbay với diện tích 541,79 ha và một vài khu đất khác giành cho phát triển du lịch. Như thế toàn bộ khu vực kiểu Rú lùn trên cồn cát ven biển phía Tây Nam của VQG Phú Quốc có diện tích khá lớn (khoảng 1000ha) sẽ không còn nếu khu vực này triển khai xây dựng các dự án trên.

Đây là kiểu thảm thực vật đặc biệt ít gặp, có diện tích không nhiều ở Việt Nam. Quá trình hình thành thảm thực vật này có lịch sử phát triển trải qua hàng trăm năm. Việc phục hồi tái tạo là không có khả năng nếu diện tích này bị tác động. Việc chuyển đổi mục đích những diện tích này phải được cân nhắc vì chính kiểu thảm thực vật độc đáo này mới có sức hấp dẫn cho khách thăm quan du lịch. Nếu diện tích rừng Rú lùn này bị mất thì du lịch sinh thái ít còn ý nghĩa.

Một số khu vực khác có những kiểu thảm thực vật đặc biệt nơi hiện có những loài quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Quần thụ cóc đỏ tại cửa sông Rạch tràm... không nên chuyển đổi mục đích sử dụng và hạn chế khách thăm quan du lịch.

4.3.3. Săn bắt buôn bán động vật hoang dã:

Còn phổ biến trong vùng. Các loài động vật bị săn bắt để tiêu dùng tại chỗ và vận chuyển buôn bán tại các đô thị lớn. Nguyên nhân là do tình trạng đói nghèo của người dân trong vùng và sự kích thích của thị trường.

4.3.4. Các sinh cảnh của thú, chim bị xâm phạm và quấy nhiễu:

Do mật độ dân cư cao nên các sinh cảnh của thú luôn bị con người xâm nhập để canh tác nông nghiệp và thực hiện các hoạt động khác. Hoạt động này đặc biệt cao ở những khu vực không phải là rừng đặc dụng. Bên cạnh sự quấy nhiễu làm mất an ninh của môi trường sống các hoạt động này cũng gây nên sự suy giảm sinh cảnh do mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản và diện tích đất canh tác nông nghiệp.

4.3.5. Tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội và du lịch:

Trong vùng dự án có rất nhiều các dự án phát triển kinh tế xã hội như: xây dựng nhà máy xi măng, nhà máy nhiệt điện, khu du lịch,...Các hoạt động này thường gây nên các tác động đáng kể đến môi trường sống và bản thân các loài động vật nếu không được đánh giá tác động môi trường, giám sát và thực thi các hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ HỆ SINH THÁI ĐẶC THÙ

1. Mục đích, yêu cầu:

Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện, giám sát việc bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái là mục tiêu, là nội dung cơ bản của phát triển bền vững, được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của ngành, địa phương trong tỉnh.

Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nội lực kết hợp với việc tăng cường quản lý nhà nước; tranh thủ nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế, đầu tư cho bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến kết hợp với các giải pháp truyền thống để bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Đối với chất thải rắn:

- Chất thải sinh hoạt: 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường.

- Chất thải rắn công nghiệp: 90% tổng lượng chất chất thải rắn công nghiệp nguy hại và không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường.

- Chất thải rắn y tế: 100% tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại và không nguy hại phát sinh tại các cơ sở y tế, bệnh viện được thu gom và xử lý đảm bảo quy chuẩn môi trường.

- Bùn thải đô thị và công nghiệp: Quy hoạch khu xử lý bùn thải và triển khai thực hiện quy hoạch, đến 2020 bắt đầu triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý bùn thải theo quy hoạch.

2.2. Đối với môi trường xung quanh các khu sản xuất công nghiệp, khu đô thị, dân cư:

- Phấn đấu 100% các khu, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp phải thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường theo quy định trước khi đầu tư và thu hút đầu tư thứ cấp và đặc biệt phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Thạnh Lộc và thực hiện đấu nối, thu gom toàn bộ nước thải của các nhà máy sản xuất trong Khu để xử lý đạt quy chuẩn môi trường theo quy định.

- Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Đến năm 2020, có ít nhất 1 trong 3 đô thị lớn của tỉnh (Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc) xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị.

2.3. Đối với môi trường nông thôn:

- Từng bước thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi và xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường; xóa bỏ cầu tiêu trên sông và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Quy hoạch vùng chăn nuôi đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường; từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

- Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thu hồi bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp.

2.4. Bảo vệ hệ sinh thái đặc thù:

2.4.1. VQG U Minh Thượng:

- Rà soát điều chỉnh quy hoạch các phân khu chức năng của Vườn Quốc gia theo Quy chế quản lý rừng tại Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng và Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP.

- Quy hoạch các chương trình hoạt động và các giải pháp đồng bộ về quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, phát triển rừng và phục hồi sinh thái, bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử, xây dựng cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất ngập nước, phát triển du lịch sinh thái trong giai đoạn đến năm 2020.

- Ổn định dân cư, hỗ trợ cải thiện sinh kế để nâng cao mức sống của người dân trên vùng đệm, giảm sức ép đến công tác quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng của Vườn Quốc gia.

2.4.2. VQG Phú Quốc:

- Bảo vệ nguyên vẹn diện tích rừng tự nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các nguồn gen động, thực vật đặc hữu, quý, hiếm trong phạm vi 29.420,6 ha của VQG Phú Quốc.

- Các hoạt động khoán bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phục hồi rừng, cứu hộ và bảo tồn sinh vật, trang bị và nâng cấp phương tiện, thiết bị kỹ thuật được đầu tư đầy đủ và sử dụng có hiệu quả nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế, nhất là những khu vực kinh doanh du lịch giáp ranh với VQG Phú Quốc.

- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ được thực hiện đối với các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch và các cơ sở kinh doanh du lịch để tạo nguồn thu và chi trả cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, xây dựng các mô hình sinh kế bền vững dựa trên cơ chế sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, góp phần cải thiện thu nhập cho 105 hộ dân nghèo trong vùng đệm.

- Các hoạt động phát triển du lịch sinh thái do VQG Phú Quốc tự thực hiện hoặc liên kết với các nhà đầu tư, các hoạt động nghiên cứu khoa học, tham quan, học tập được đầu tư và triển khai để kết nối với các hoạt động dịch vụ của thành phố Phú Quốc, trực tiếp là đô thị khoa học trong khu vực trụ sở của VQG Phú Quốc.

- Cơ cấu tổ chức của VQG Phú Quốc được điều chỉnh theo quy định tại Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng và các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho CBCNV được đầu tư thực hiện để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững VQG.

- Dự án đầu tư phát triển vùng đệm được xây dựng và đầu tư, quy chế phối hợp quản lý vùng đệm được xây dựng và thực hiện gắn với khoán bảo vệ rừng và phát triển các mô hình sinh kế cho các hộ dân để tăng hiệu quả của công tác bảo vệ rừng.

2.4.3. KBT biển Phú Quốc:

- Bảo vệ nguyên vẹn diện tích cỏ biển trong vùng lõi, 80% diện tích cỏ biển trong vùng phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển không bị hư hại do hoạt động khai thác thủy sản. Duy trì và bảo vệ diện tích san hô hiện có và trồng mới thêm 500m2 san hô vùng lõi.

- Không còn khai thác thủy sản trong vùng lõi, không còn số vụ vi phạm săn bắt động vật biển quý hiếm trong vùng bảo tồn.

- Thực hiện tốt công tác thu phí đối với các tổ chức, cá nhân khai thác du lịch trong KBT.

3. Nhiệm vụ:

3.1. Đối với chất thải rắn:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025. Trong đó, cần xem xét tính khả thi của quy hoạch hiện tại theo điều kiện, tình hình thực tế để điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể cần quan tâm đến các vấn đề sau:

+ Vấn đề vận chuyển toàn bộ chất thải nguy hại (gồm CTYT và CTCN) phát sinh trên địa bàn tỉnh xử lý tập trung tại cơ sở xử lý CTR nguy hại Vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long trong khu liên hợp xử lý CTR Cà Mau.

+ Vấn đề thu gom, vận chuyển CTR nông thôn đi xử lý tập trung tại các cơ sở xử lý CTR cấp tỉnh và liên huyện.

- Bổ sung quy hoạch 01 khu xử lý bùn thải và 01 khu xử lý chất thải nguy hại tập trung cấp tỉnh vào quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025.

- Xây dựng và đưa vào hoạt động khu xử lý CTNH tập trung của tỉnh; đầu tư phương tiện vận chuyển CTNH chuyên dùng để vận chuyển CTNH an toàn đến khu xử lý.

- Tăng tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở những địa bàn đã có dịch vụ thu gom rác. Thành phố Rạch Giá mở rộng địa bàn thu gom CTR đến các xã ngoại thành của thành phố.

- Quan tâm thu hút thêm các nhà đầu tư đầu tư vào các khu xử lý CTR vùng tỉnh và vùng huyện trên địa bàn tỉnh (Khu xử lý CTR Giang Thành và U Minh Thượng).

- Ưu tiên ngân sách nhà nước đầu tư lò đốt CTR sinh hoạt cho các xã đảo. Đồng thời ban hành cơ chế, chính sách thu hút thành phần tư nhân tham gia thu gom và quản lý, vận hành các lò đốt CTR do ngân sách đầu tư.

- Tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt cho các huyện, thành phố, thị xã đáp ứng nhu cầu tổ chức thực hiện thu gom cho các xã, phường, thị trấn.

3.2. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh các khu sản xuất công nghiệp, khu đô thị, dân cư:

- Tăng cường quy hoạch và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đảm bảo đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi thu hút các dự án đầu tư thứ cấp.

- Kêu gọi nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN Thạnh Lộc và hoàn thành hạ tầng kỹ thuật bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong KCN.

- Xây dựng, phê duyệt và thực hiện Đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố Rạch Giá vào các khu, cụm công nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất chấp hành đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

3.3. Bảo vệ và cải thiện môi trường nông thôn:

- Xây dựng, phê duyệt và đưa vào thực hiện đề án truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn, đề án thu hồi vỏ chai thuốc BVTV và đề án xóa cầu tiêu trên sông và xây nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Nghiên cứu ứng dụng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi sau hệ thống biogas nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong các cơ sở chăn nuôi, quy hoạch các vùng chăn nuôi tập trung đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường; xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình; thu gom xử lý vỏ bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật; xử lý chất thải của các làng nghề.

3.4. Bảo vệ hệ sinh thái đặc thù

3.4.1. HST rừng tràm trên đất than bùn - VQG U Minh Thượng:

Tập trung bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tràm trên đất than bùn, trồng mới rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung đảm bảo thành rừng.

Bảo vệ nghiêm ngặt các loài động vật hoang dã trong rừng, nhất là các loài đặc hữu và loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.

Nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn về hệ thống điều tiết nước, giữ nước phòng cháy chữa cháy rừng hiện nay của VQG U Minh Thượng, trên cơ sở đó đánh giá sự thay đổi về động, thực vật cũng như sự phát triển của một số loài động thực vật đặc hữu của U Minh Thượng.

Tiếp tục thực hiện và phát triển du lịch sinh thái mà VQG U Minh Thượng đang triển khai, việc tổ chức câu cá giải trí cũng cần chú ý hạn chế khai thác thủy sản vào mùa sinh sản và khoanh vùng khai thác du lịch hợp lý. Việc tổ chức du lịch sinh thái phải gắn liền với tôn tạo Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy.

Tiếp tục nghiên cứu mô hình cải thiện sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân vùng đệm, xây dựng Đề án hỗ trợ trồng rừng sản xuất mỗi hộ 01 ha ở khu vực vùng đệm nhằm tăng độ che phủ của rừng, đồng thời chọn loại cây trồng phù hợp để nâng cao giá trị kinh tế hộ gia đình và tăng năng suất, sản phẩm cho xã hội.

Thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhất là việc hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm khu rừng đặc dụng.

3.4.2. Hệ sinh thái rừng nguyên sinh và rừng thứ sinh ưu thế cây họ dầu - VQG Phú Quốc:

Tập trung bảo vệ và phát triển diện tích rừng hiện có, xác định ranh giới, cắm mốc rõ ràng trên bản đồ và ngoài thực địa, hoàn thiện hệ thống đường tuần tra, bố trí các trạm, chốt bảo vệ rừng ở các tuyến đường trọng yếu, hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy rừng (bao gồm: Các trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện và hạ tầng phòng cháy chữa cháy rừng).

Xây dựng hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (xây dựng ô định vị theo dõi dài hạn, xây dựng cơ sở dữ liệu về rừng đặc dụng Phú Quốc).

Sớm triển khai và hoạt động có hiệu quả các dự án thí điểm liên doanh, liên kết, thuê môi trường rừng để bảo vệ rừng kết hợp với du lịch sinh thái.

Thực hiện chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng nhất là việc hỗ trợ phát triển cộng đồng vùng đệm khu rừng đặc dụng.

3.4.3. HST san hô, thảm cỏ biển - Khu Bảo tồn biển Phú Quốc:

- Đánh giá Kế hoạch số 22/KH-SNN của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc đến năm 2015. Đồng thời tổ chức xây dựng Kế hoạch mới cho giai đoạn đến 2020.

- Tăng cường phối hợp hoạt động tuần tra kiểm soát thực thi pháp luật trong Khu bảo tồn biển. Nhất là tình trạng vi phạm khai thác thủy sản trái phép trong vùng lõi Khu bảo tồn và việc gian lận gây thất thu phí tham quan bảo tồn biển; chú trọng việc thực hiện tuần tra kiểm soát đối với vùng bảo tồn thảm cỏ biển ở khu vực Đông Bắc đảo.

- Tiếp tục thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn; theo dõi diễn tiến kết quả trồng san hô.

- Tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để tăng cường công tác truyền thông, giáo dục môi trường và công tác phát triển cộng đồng, hỗ trợ sinh kế bền vững.

- Phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trong KBT trong việc phát triển du lịch sinh thái kết hợp với hoạt động quản lý bảo tồn biển, nâng cao trách nhiệm đóng góp phí khai thác du lịch trong KBT.

4. Giải pháp thực hiện đề án:

4.1. Giải pháp về tuyên truyền, giáo dục:

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức môi trường và bảo vệ hệ sinh thái đặc thù; kết hợp công cụ truyền thông với các công cụ quản lý môi trường khác (công cụ: Kinh tế, kỹ thuật quản lý, luật pháp và chính sách) để giáo dục nâng cao nhận thức và từng bước làm thay đổi hành vi của cộng đồng thân thiện với môi trường.

- Tăng cường phối hợp liên ngành; phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp nhằm thực hiện tốt, hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học sâu rộng trong nhân dân.

- Tăng cường sức mạnh của các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo nên sức mạnh tổng hợp của lực lượng thông tin, làm cho các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường đến với mọi người dân, đến với từng địa bàn dân cư,...qua đó, tạo được sự đồng thuận mạnh mẽ của nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

- Vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều kênh và hình thức khác nhau. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn, tổ chức để nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường: Con người phải biết ứng xử với môi trường bằng phương châm lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là chính, tích cực xử lý ô nhiễm, suy thoái môi trường, bảo tồn thế giới tự nhiên; tránh thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, tránh những hành vi tiêu cực dẫn đến vi phạm những quy định về bảo vệ môi trường.

- Tiêu chí hóa và phối hợp lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ môi trường với các . phong trào, các cuộc vận động như cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm gắn công tác bảo vệ môi trường với phát triển bền vững; góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, các gương điển hình bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, cảnh quan môi trường khu dân cư và giáo dục để người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đấu tranh khắc phục các tập tục, thói quen xâm hại đến môi trường, tài nguyên; đồng thời, phê phán mạnh mẽ các hành vi, thói quen, tập quán sinh hoạt lạc hậu gây tác hại đến môi trường.

4.2. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực:

- Tăng cường biên chế cán bộ quản lý tài nguyên và môi trường, cán bộ chuyên môn các KBT thiên nhiên. Trong đó, đặc biệt quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách quản lý tài nguyên khoáng sản, nước và môi trường ở cấp xã, trước hết ưu tiên cho các xã có nhiều vấn đề môi trường bức xúc.

- Hàng năm, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về môi trường cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường cấp huyện và cấp xã nhằm cập nhật các văn bản pháp luật và nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường.

- Đào tạo, nâng cao năng lực một số cán bộ chủ chốt của tỉnh về công nghệ xử lý nước thải, về quản lý và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị để tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị phù hợp với địa phương và để quản lý tốt việc hoạt động của các hệ thống xử lý nước thải.

4.3. Giải pháp về quản lý:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường và khai thác trái phép nguồn lợi thủy hải sản, động vật hoang dã.

- Tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường theo bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi chính thức đi vào hoạt động sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

- Tập trung tuần tra, thanh tra về bảo vệ rừng, về khai thác, đánh bắt nguồn lợi thủy, hải sản và động vật hoang dã.

- Tăng cường công tác giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường: Phát triển thêm mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường hiện có; đầu tư trạm quan trắc tự động tại các khu vực nhạy cảm như Rạch Giá, Phú Quốc; tiến tới đầu tư quản lý môi trường thông minh.

4.4. Giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ:

Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, đề xuất ứng dụng tiến bộ khoa học trong xử lý ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn: Xử lý chất thải trong chăn nuôi, xử lý ô nhiễm ở các làng nghề, xử lý chất thải rắn sinh hoạt...; xử lý ô nhiễm môi trường ở đô thị (bùn thải công nghiệp và dân sinh, nước thải đô thị).

4.5. Giải pháp về tài chính:

Nâng cao năng lực quản lý môi trường đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; bố trí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích; đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường:

- Bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường và kiểm tra việc sử dụng của các ngành, các cấp theo quy định.

- Tăng cường huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp, xã hội hóa, nguồn vốn trung ương, địa phương; tích cực vận động các tổ chức quốc tế đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ưu tiên bố trí nguồn vốn cho đầu tư thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, y tế, khắc phục, xử lý ô nhiễm, xây dựng hạ tầng về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học; đẩy mạnh thu phí bảo vệ môi trường. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển của các ngành và địa phương.

- Tập trung đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường đối với công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; khắc phục ô nhiễm môi trường.

- Lựa chọn và xây dựng các mô hình tổ chức tự quản môi trường ở một số xã, phường, thị trấn và triển khai nhân rộng tới các xã, phường, thị trấn nhất là ở địa bàn nông thôn, trước hết ưu tiên lựa chọn xây dựng mô hình, triển khai nhân rộng ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu phát triển các loại hình dịch vụ môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án ưu tiên thực hiện đến năm 2020 (Danh mục kèm theo Đề án bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc thù giai đoạn 2017 - 2020) chủ động dự trù kinh phí và xây dựng kế hoạch, đề án, dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

Các cấp, các ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành và địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao trong Đề án. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện hàng năm, kết quả thực hiện 5 năm (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường).

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã trong việc triển khai thực hiện Đề án; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện đề án của các ngành, các cấp. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường. Kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cụ thể để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Cân đối nguồn vốn đầu tư cho việc xây dựng và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường theo kế hoạch của các ngành, các cấp; vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường; tích cực vận động các tổ chức quốc tế đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở tỉnh.

Tham mưu xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.

3. Sở Tài chính:

Cân đối kinh phí sự nghiệp môi trường và các nguồn kinh phí khác đáp ứng yêu cầu đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, các cấp theo quy định và đảm bảo kinh phí thực hiện các dự án theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Kiểm tra việc bố trí và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường ở các ngành và các cấp.

4. Sở Xây dựng:

Hàng năm nghiên cứu, rà soát tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Kiên Giang cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Chủ trì phối hợp với UBND thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Phú Quốc, Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc và các sở, ngành liên quan quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên, huyện Phú Quốc.

Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, xây dựng và xử lý nước thải. Hướng dẫn các huyện, các chủ đầu tư, triển khai các dự án đã và đang đầu tư xây dựng khu xử lý rác theo đúng trình tự quy định.

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng, lựa chọn địa điểm xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong đô thị để tiếp nhận nước thải trong các đô thị, khu dân cư, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị, khu du lịch.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, như: Đảm bảo an toàn trong sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thu gom và xử lý bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật; kiểm soát ô nhiễm chất thải nông nghiệp, nhất là chất thải từ các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...

Phối hợp với UBND các huyện quy hoạch các khu vực phát triển trang trại chăn nuôi, đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường và khoảng cách vệ sinh đối với khu dân cư, nguồn nước. Thực hiện các chương trình khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ đạt mục tiêu kế hoạch; chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường.

6. Sở Công Thương:

Hướng dẫn, chỉ đạo các cụm công nghiệp, làng nghề thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Kiểm tra, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm. Triển khai nhân rộng chương trình sản xuất sạch hơn, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn môi trường ISO 14000.

Kiểm soát các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp nhằm hạn chế các dự án đầu tư có công nghệ, thiết bị lạc hậu, có tiềm năng ô nhiễm. Nghiên cứu tham mưu phát triển các ngành công nghiệp môi trường.

7. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh:

Kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật bảo vệ môi trường trong các KCN. Hướng dẫn, yêu cầu các dự án xây dựng kinh doanh hạ tầng KCN phải thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo vệ môi trường trước khi đầu tư xây dựng và thu hút đầu tư.

Chỉ được cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư thứ cấp vào KCN khi KCN đó đã được cơ quan chức năng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận hoàn thành các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, đặc biệt là công trình bảo vệ môi trường; kiểm soát và hạn chế thu hút các dự án đầu tư có tiềm năng ô nhiễm cao vào các khu công nghiệp.

8. Sở Y tế:

Xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu nhiệm vụ về xử lý ô nhiễm môi trường trong các cơ sở y tế. Hướng dẫn các chủ đầu tư thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm các thủ tục lập và trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường.

Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng và ban hành cơ chế, hướng dẫn các bệnh viện sử dụng kinh phí đảm bảo duy trì vận hành hệ thống xử lý chất thải đã đầu tư, xây dựng. Vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư để xây dựng và thực hiện các dự án về xử lý chất thải y tế.

9. Công an tỉnh:

Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã và chỉ đạo Cảnh sát môi trường, Công an các huyện, thị xã trực thuộc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh môi trường, vi phạm các quy định về quản lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

10. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì thẩm định công nghệ các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách nhà nước, dự án thực nghiệm và lựa chọn công nghệ ưu tiên thuộc các đề tài, dự án nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ về xử lý ô nhiễm. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý chất thải phù hợp với tính chất, đặc trưng ô nhiễm của các nguồn thải ở tỉnh.

11. Sở Nội vụ:

Rà soát, xác định nhu cầu cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở cấp tỉnh, huyện và xã để xây dựng phương án bổ sung biên chế cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường các cấp. Kiểm tra việc bố trí sắp xếp cán bộ làm công tác quản lý môi trường ở các cấp. Nghiên cứu, đề xuất về việc bố trí cán bộ làm công tác quản lý môi trường tại cấp phường, xã, thị trấn.

12. BQL Khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang:

Phối hợp với các ngành chức năng, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, đơn vị hữu quan, các địa phương điều phối các hoạt động về quản lý bền vững nguồn tài nguyên trong tỉnh, đặc biệt là các VQG và các Khu bảo tồn trong việc nghiên cứu bảo tồn, bảo vệ môi trường, phát triển tài nguyên, giám sát đa dạng sinh học và các hệ sinh thái.

13. VQG U Minh Thượng, VQG Phú Quốc, BQL KBT biển Phú Quốc:

Chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất dự án và tìm nguồn hỗ trợ tài chính, đặc biệt là các nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách, các nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt nhiệm vụ của Đề án đặt ra, nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát triển hệ sinh thái đặc thù.

14. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa, không xả rác, xả nước thải bẩn ra đường, nơi công cộng, gắn với duy trì thực hiện các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa do Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phát động.

15. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- UBND thành phố Rạch Giá:

+ Xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đề án, trong đó tập trung công tác thu gom, xử lý rác thải hợp vệ sinh, đảm bảo vệ sinh môi trường đô thị, kè bờ, khơi thông cống rãnh và các kênh thoát nước tự nhiên trong thành phố. Tăng cường trang thiết bị thu gom, vận chuyển rác thải, mở rộng địa bàn thu gom.

+ Tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm và lập danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để yêu cầu biện pháp xử lý.

+ Chủ trì thực hiện Đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố Rạch Giá vào các khu, cụm công nghiệp.

- UBND các huyện, thị xã:

Khẩn trương lập dự án đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng các khu xử lý rác; thiết lập mạng lưới các điểm các tổ chức thu gom rác thải và vệ sinh môi trường trong các khu chợ, khu dân cư tập trung; xác định các vấn đề môi trường cần ưu tiên thực hiện của địa phương và xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu của đề án.

Trên đây là Đề án “Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc thù giai đoạn 2017 - 2020” của tỉnh Kiên Giang. Đề nghị các sở, ngành và các tổ chức có liên quan tổ chức thực hiện tốt Đề án này./.

 

 

 

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ, ĐỀ ÁN, DỰ ÁN ƯU TIÊN THỰC HIỆN ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Đề án bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc thù giai đoạn 2017 - 2020)

STT

Tên nhiệm vụ, đề án, dự án

Mục tiêu

Nội dung chính

Cơ quan chủ trì thực hiện

Thời gian thực hiện

1

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý CTR vùng tỉnh Kiên Giang đến năm 2025

- Điều chỉnh quy hoạch mang tính khả thi cao

- Điều chỉnh các nội dung đã được quy hoạch nhưng không thực hiện được: vận chuyển CTNH đi xử lý ở Cà Mau; xử lý CTSH nông thôn liên huyện.

- Bổ sung vào quy hoạch khu xử lý bùn thải, khu xử lý CTNH.

Sở Xây dựng

2017

2

Đề án thu gom và xử lý rác sinh hoạt đô thị và nông thôn

- Tăng tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt đạt 90% ở đô thị, 70% ở nông thôn

- Tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt cho các huyện, thành phố, thị xã đáp ứng nhu cầu tổ chức thực hiện thu gom cho các xã, phường, thị trấn.

- Thu gom triệt để rác thải phát sinh ở những địa bàn đã có tổ chức thu gom; Mở rộng địa bàn thu gom rác ở các đô thị

- Truyền thông, giáo dục cộng đồng dân cư thu gom và bỏ rác đúng quy định, kết hợp xử lý vi phạm hành chính nếu không tuân thủ quy định.

UBND các huyện, thị xã, thành phố

2017-2020

3

Dự án đầu tư lò đốt CTR sinh hoạt cho các xã đảo trên địa bàn tỉnh và ban hành cơ chế chính sách thu hút thành phần tư nhân tham gia vào thu gom, vận hành hệ thống thu gom và xử lý rác ở các xã đảo

- Quản lý được rác thải ở các xã đảo

- Phối hợp các Sở, ngành liên quan đầu tư mua sắm lò đốt rác và xây dựng khu xử lý rác.

- Ban hành cơ chế phối hợp giữa nhà nước và tư nhân (nhà nước đầu tư, tư nhân quản lý, vận hành)

Sở Khoa học và Công nghệ

2017-2020

4

Đề án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố Rạch Giá vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Di dời được các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố Rạch Giá vào cụm công nghiệp - TTCN.

- Không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong thành phố Rạch Giá.

- Lập và phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách và thiết lập lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong nội ô thành phố Rạch Giá vào cụm công nghiệp -TTCN.

UBND thành phố Rạch Giá

2017

5

Đề án truyền thông về bảo vệ môi trường nông thôn

- Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư vùng nông thôn

- Xây dựng lối sinh hoạt văn minh

- Sử dụng nguồn nước và bảo vệ nguồn nước.

- Xóa cầu tiêu trên sông và xây dựng, sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

- Phân loại, thu gom và xử lý rác thải.

Sở Tài nguyên và Môi trường

2017-2020

6

Đề án thu hồi vỏ chai thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp

- Nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nguy hại.

- Nâng cao trách nhiệm của người dân và nhà sản xuất, phân phối thuốc BVTV về xử lý chất thải từ thuốc BVTV

- Tổ chức thực hiện thí điểm trước ở một số địa điểm.

- Rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2017-2020

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2545/QĐ-UBND năm 2016 về phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc thù giai đoạn 2017-2020 do tỉnh Kiên Giang ban hành

  • Số hiệu: 2545/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Anh Nhịn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/11/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản