Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 254/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 11 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGHỀ LUẬT SƯ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cá nhân, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- TAND, VKSND, Cục THADS tỉnh;
- Lưu VT, NC4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGHỀ LUẬT SƯ ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-UBND ngày 11/4/2013 của UBND tỉnh)

Thực hiện Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (sau đây gọi là Chiến lược); Quyết định số 2320/QĐ-BTP ngày 13/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 (sau đây gọi là Quyết định 2320/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp); Công văn số 7491/BTP-BTTP ngày 14/9/2012 của Bộ Tư pháp về việc thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. Mục đích

1. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược; Quyết định số 2320/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Bộ Chính trị;

2. Xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với các hoạt động để triển khai thực hiện, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các giải pháp của Chiến lược và Quyết định số 2320/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp.

II. Yêu cầu

1. Thực hiện đúng, đầy đủ và kịp thời những nội dung đã được quy định trong Chiến lược và Quyết định số 2320/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp;

2. Các hoạt động đề ra phải phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh và hoạt động của nghề luật sư;

3. Các nhiệm vụ, giải pháp đề ra phải có tính khả thi, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu của Chiến lược và Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược.

B. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

I. Giai đoạn 2013 - 2015

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và các chính sách về luật sư và hành nghề luật sư.

Xây dựng Đề án thu hút các luật sư có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, phẩm chất chính trị để tạo nguồn tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp và các vị trí khác trong cơ quan nhà nước.

- Cơ quan thực hiện: Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015.

2. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015.

3. Phát triển số lượng luật sư

Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển luật sư trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đến năm 2015 phát triển được số lượng luật sư khoảng 12 người, mỗi năm phát triển được từ 1 đến 2 luật sư trở lên.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng hành nghề và đạo đức ứng xử nghề nghiệp cho luật sư, bảo đảm đến năm 2015 có ít nhất 50% số lượng luật sư được bồi dưỡng thường xuyên.

- Cơ quan thực hiện: Đoàn Luật sư tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015.

5. Phát triển tổ chức hành nghề luật sư.

Xây dựng chính sách phát triển tổ chức hành nghề luật sư phù hợp với nhu cầu của xã hội về dịch vụ pháp lý, phát triển tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại quốc tế, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan có liên quan.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2014 - 2015.

6. Phát triển hoạt động hành nghề luật sư; phát huy vai trò của luật sư trong đổi mới hoạt động tố tụng, góp phần đẩy mạnh cải cách tư pháp.

a) Xây dựng kế hoạch tăng cường sự tham gia của luật sư vào các dự án công.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan có liên quan.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2014.

b) Xây dựng Đề án tăng cường sự tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách của luật sư.

- Cơ quan thực hiện: Đoàn Luật sư tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: năm 2013.

7. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư; nâng cao tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.

a) Đổi mới, kiện toàn, nâng cao năng lực, nhân lực của đội ngũ cán bộ tư pháp, bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư; tăng cường cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh và các tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tập sự hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh và các tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015.

c) Xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TW ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức, hoạt động luật sư; thực hiện việc thành lập tổ chức đảng trong Đoàn Luật sư.

- Cơ quan thực hiện: Đoàn Luật sư tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

- Thời gian thực hiện: giai đoạn 2013 - 2015.

II. Giai đoạn 2016 - 2020

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách về luật sư và hành nghề luật sư.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, cơ chế, chính sách... liên quan đến tổ chức và hoạt động luật sư đã được xây dựng và ban hành trong giai đoạn năm 2013 - 2015; thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược.

- Cơ quan thực hiện: các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

2. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp Đoàn Luật sư, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

3. Phát triển số lượng luật sư.

Tiếp tục triển khai Đề án phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, đến năm 2020 phát triển số lượng khoảng 15 - 20 luật sư trở lên.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện; hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

4. Nâng cao chất lượng luật sư.

a) Tiếp tục thực hiện bồi dưỡng bắt buộc; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề và đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư, bảo đảm đến năm 2020, 100% số lượng luật sư được bồi dưỡng thường xuyên.

- Cơ quan thực hiện: Đoàn Luật sư tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

b) Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng tập sự hành nghề luật sư

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

5. Phát triển tổ chức hành nghề luật sư.

Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển tổ chức hành nghề luật sư, phát triển số lượng từ 5 - 7 tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

6. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về luật sư và hành nghề luật sư; nâng cao tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư.

a) Hoàn thiện, nâng cao năng lực, nhân lực của bộ máy quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ tư pháp thực hiện công tác quản lý luật sư và hành nghề luật sư, kiện toàn về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh và các tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tập sự hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư tỉnh và các tổ chức có liên quan.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

c) Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức đảng trong Đoàn Luật sư tỉnh.

- Cơ quan thực hiện: Đoàn Luật sư tỉnh.

- Thời gian thực hiện: hằng năm, bắt đầu từ năm 2016 đến năm 2020.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Trách nhiệm thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện Chiến lược và Kế hoạch triển khai Chiến lược; chủ trì, phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh, các sở, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật trong việc triển khai Kế hoạch này; xây dựng chính sách để huy động, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư vào việc triển khai thực hiện Chiến lược;

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai Kế hoạch này và Chiến lược;

- Tổng hợp tình hình, tiến hành sơ kết, tổng kết và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương.

3. Trách nhiệm của các sở, ngành khác:

Các sở, ngành, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020; phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện các công việc tại Kế hoạch này; đề nghị Sở Tư pháp các vấn đề liên quan nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược và Kế hoạch này; hàng năm, từng giai đoạn tổng hợp kết quả triển khai Chiến lược gửi UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.

4. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh:

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh, các sở, ngành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 và Kế hoạch này; đề nghị Sở Tư pháp các vấn đề liên quan nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược và Kế hoạch này; hằng năm, từng giai đoạn tổng hợp kết quả triển khai Chiến lược gửi UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.

5. Trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội:

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Đoàn Luật sư tỉnh, các sở, ngành có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020 và Kế hoạch này; đề nghị Sở Tư pháp các vấn đề liên quan nhằm triển khai có hiệu quả Chiến lược; hằng năm, từng giai đoạn tổng hợp kết quả triển khai Chiến lược gửi UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp,

6. Trách nhiệm của Đoàn Luật sư tỉnh:

- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng Kế hoạch chi tiết của Đoàn Luật sư trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược và Kế hoạch này; định kỳ hàng năm, từng giai đoạn xây dựng Báo cáo về tình hình triển khai Chiến lược gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp, báo cáo Bộ Tư pháp.

- Chỉ đạo các tổ chức hành nghề luật sư trong phạm vi trách nhiệm của mình phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này; đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền triển khai có hiệu quả.

II. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này bao gồm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và kinh phí đóng góp, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư và các nguồn thu hợp pháp khác.

2. Các sở, ngành, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các nội dung Kế hoạch này, căn cứ vào nội dung, tiến độ thực hiện của các hoạt động và chế độ chỉ tiêu hiện hành xây dựng dự toán kinh phí hằng năm gửi Sở Tài chính xem xét, bố trí theo quy định của pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 254/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 254/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/04/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản