Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2537/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRIỂN KHAI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1946/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ “KẾ HOẠCH XỬ LÝ, PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT TỒN LƯU TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC” GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Hóa chất ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 03 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước” giai đoạn 2010 – 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố;
- Lưu VT, TCMT (150).

BỘ TRƯỞNG




Phạm Khôi Nguyên

 

CHƯƠNG TRÌNH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1946/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ KẾ HOẠCH XỬ LÝ, PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG DO HÓA CHẤT BẢO VỆ THỰC VẬT TỒN LƯU TRÊN PHẠM VI CẢ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2010 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2537/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Kế hoạch. Mục tiêu từ năm 2010 đến năm 2025 hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn quốc nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho con người và môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Chương trình triển khai thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 – 2015 với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Triển khai, đồng bộ và hiệu quả Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước;

- Cụ thể hóa các nhiệm vụ giai đoạn 2010 – 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.

II. NỘI DUNG VÀ CÁC NHIỆM VỤ CHÍNH

1. Thành lập bộ phận chuyên môn quản lý, theo dõi và triển khai thực hiện Kế hoạch

Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập bộ phận chuyên môn đặt tại Tổng cục Môi trường để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và triển khai thực hiện Kế hoạch. Bộ phận chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ chính như sau:

- Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hằng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Bộ trưởng, trình Thủ tướng Chính phủ;

- Tổ chức hướng dẫn triển khai Kế hoạch, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

- Phối hợp với Vụ Kế hoạch thẩm định hồ sơ Dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 01 tháng 7 hàng năm để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;

- Đầu mối tổng hợp các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu mới phát sinh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Kế hoạch;

- Xây dựng cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu và các hướng dẫn thực hiện Kế hoạch báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.

- Phối hợp với Bộ ngành và địa phương trên cả nước trong việc xây dựng Kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu thuộc phạm vi quản lý của các Bộ;

2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật

Từ năm 2010 đến năm 2015, tập trung xây dựng và ban hành một số chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra. Cụ thể như sau:

- Xây dựng, ban hành hướng dẫn kỹ thuật và quy trình xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường;

- Xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực môi trường bị ô nhiễm, trong đó có các điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu;

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thông số hóa chất bảo vệ thực vật trong nước ngầm và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong nước mặt, đất thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Xây dựng và ban hành hướng dẫn đánh giá, phân loại khu vực môi trường bị ô nhiễm, trong đó có các khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra;

- Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm môi trường tồn lưu trong đó có điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn và nâng cao nhận thức

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg, các quy định pháp luật liên quan cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Xây dựng kế hoạch tăng cường năng lực cho cán bộ tại Trung ương và địa phương trong công tác quản lý, theo dõi, lập kế hoạch và triển khai công tác xử lý, phục hồi môi trường các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật;

- Tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

4. Tăng cường nghiên cứu khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế

- Xây dựng dự án hợp tác quốc tế nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tranh thủ nguồn tài trợ quốc tế cho việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra;

- Lồng ghép các nhiệm vụ, chương trình của Kế hoạch trong các dự án, nhiệm vụ đang triển khai có liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu, áp dụng công nghệ hiện đại cho việc điều tra, xử lý, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ.

5. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ của Kế hoạch

- Xây dựng và triển khai nhiệm vụ tăng cường năng lực cho Bộ phận chuyên môn quản lý, theo dõi và triển khai Kế hoạch (thực hiện nhiệm vụ số 7 tại Phụ lục III của Kế hoạch);

- Xây dựng dự án thí điểm áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường để xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu (thực hiện nhiệm vụ số 10 tại Phụ lục III của Kế hoạch);

- Điều tra, quy hoạch, lập dự án xây dựng Trung tâm xử lý chất thải nguy hại, hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tập trung, trình Thủ tướng phê duyệt (thực hiện nhiệm vụ số 13 tại Phụ lục III của Kế hoạch).

- Xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử quản lý hoạt động xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra (thực hiện nhiệm vụ số 15 tại Phụ lục III của Kế hoạch).

Để cụ thể hóa các nội dung và các nhiệm vụ chính nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Danh mục các nhiệm vụ triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn 2010 – 2015 tại Phụ lục I kèm theo Chương trình này.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN   

- Kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí đầy đủ và lấy từ các nguồn: sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học công nghệ cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Các chương trình, nhiệm vụ lồng ghép với các chương trình, dự án quốc tế, thu hút thêm nguồn vốn tài trợ quốc tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng cục Môi trường:

a) Là đầu mối triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình;

b) Giúp Bộ trưởng quản lý bộ phận chuyên môn; xây dựng quy chế hoạt động của bộ phận chuyên môn để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc và triển khai thực hiện Kế hoạch.

c) Dự thảo Quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật với các cơ quan nhà nước, đoàn thể nhân dân, hội và tổ chức phi Chính phủ, cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, giám sát thực hiện pháp luật về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật báo cáo Bộ xem xét, phê duyệt và ban hành.

d) Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ phận chuyên môn thực hiện Kế hoạch, trình Bộ trưởng phê duyệt vào tháng 6 năm 2011.

2. Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Vụ Kế hoạch

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường thẩm định các hồ sơ Dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 01 tháng 7 hàng năm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước;

- Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường xây dựng kế hoạch, dự án nhiệm vụ hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo đúng mục tiêu và tiến độ của Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Vụ Khoa học và Công nghệ: phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề tài khoa học, nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến cho công tác điều tra, xử lý, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu ra.

c) Vụ Hợp tác Quốc tế: phối hợp với Tổng cục Môi trường để tìm kiếm các cơ hội hợp tác quốc tế trong việc thu hút đầu tư, hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

d) Vụ Pháp chế: chủ trì, phối hợp với Tổng cục Môi trường xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật, triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg.

đ) Vụ Tài chính: chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch cân đối tài chính, phân bổ kinh phí hàng năm của Bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt.

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1946/QĐ-TTG NGÀY 21 THÁNG 10 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ GIAI ĐOẠN 2010 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2537/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

STT

Tên nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian triển khai

Dự kiến Kinh phí (triệu đồng)

Nguồn kinh phí

1

Thành lập Bộ phận chuyên môn quản lý, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước và Chương trình;

Tổng cục Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường/các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

6/2011

 

 

2

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai Quyết định số 1946/QĐ-TTg cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên toàn quốc

Tổng cục Môi trường

Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Vụ Khoa học và Công nghệ,…

2011

700

Sự nghiệp môi trường

3

Điều tra, khảo sát xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các khu vực tồn lưu hóa chất BVTV gây ô nhiễm môi trường.

Tổng cục Môi trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Quốc phòng; các đơn vị liên quan thuộc Bộ TN&MT

2011-2012

3.500

Sự nghiệp môi trường

4

Điều tra, khảo sát, lập quy trình và xây dựng Thông tư hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái môi trường, trong đó có các điểm tồn lưu hóa chất BVTV gây ô nhiễm môi trường

Tổng cục Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường/các đơn vị liên quan thuộc Bộ; Bộ Quốc phòng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2011-2013

6.000

Sự nghiệp môi trường

5

Xây dựng thông tư liên tịch giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Hướng dẫn quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

Tổng cục Môi trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính

2011-2013

350

Sự nghiệp môi trường

6

Rà soát sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản QPPL về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất, nước mặt, nước ngầm.

Tổng cục Môi trường

Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2010-2012

2.000

Sự nghiệp khoa học công nghệ

7

Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn việc đánh giá, phân loại rủi ro và ưu tiên xử lý khu vực môi trường bị ô nhiễm, bị ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có các khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu gây ra

Tổng cục Môi trường

Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2011-2012

2.500

Sự nghiệp môi trường

8

Tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; khảo sát, thẩm định hồ sơ dự án xử lý và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra trên địa bàn toàn quốc

Tổng cục Môi trường

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hàng năm

2.000

Sự nghiệp môi trường

9

Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện, phòng ngừa, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Tổng cục Môi trường

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hàng năm

1.500

Sự nghiệp môi trường

10

Xây dựng dự án thí điểm áp dụng các công nghệ thân thiện môi trường để xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu

Tổng cục Môi trường

Bộ Quốc phòng; Bộ Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

2012-2015

50.000

Đầu tư phát triển

11

Điều tra chất thải nguy hại, hóa chất bảo vệ thực vật; quy hoạch Trung tâm xử lý tập trung tại miền Trung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Tổng cục Môi trường

Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2011-2013

20.000

Sự nghiệp môi trường

12

Xây dựng Trung tâm xử lý chất thải nguy hại, hóa chất bảo vệ thực vật tập trung tại miền Trung

Tổng cục Môi trường

Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2012-2014

700.000

Đầu tư phát triển

13

Tăng cường năng lực quản lý xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu

Tổng cục Môi trường

Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế

2012-2015

100.000

Đầu tư phát triển

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2537/QĐ-BTNMT năm 2010 về Chương trình thực hiện Quyết định 1946/QĐ-TTg về Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn 2010 – 2015 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 2537/QĐ-BTNMT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/2010
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Phạm Khôi Nguyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản