Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2016/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 22 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC TRẦN THÙ LAO CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công chứng ngày 20 tháng 6 năm 2014;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 947/TTr-STP ngày 02 tháng 6 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định mức trần thù lao công chứng đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch (bao gồm soạn thảo, đánh máy, in ấn); đánh máy giấy tờ, văn bản; sao chụp (photocopy) giấy tờ, văn bản; dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; thực hiện công chứng ngoài trụ sở; công bố di chúc phải nộp thù lao Công chứng.

3. Mức trần thù lao công chứng được quy định cụ thể như sau:

a. Soạn thảo hợp đồng, giao dịch (bao gồm: soạn thảo, đánh máy, in ấn): 200.000đ/hợp đồng, giao dịch;

b. Đánh máy giấy tờ, văn bản (bao gồm in văn bản): 10.000 đồng/trang giấy A4;

c. Sao chụp (photocopy) giấy tờ, văn bản:

- Giấy A4: 500đ/trang

- Giấy A3: 1.000đ/ trang.

d. Dịch giấy tờ văn bản

+ Dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt

+ Dịch từ tiếng Anh hoặc tiếng của một nước khác thuộc nhóm EU sang tiếng Việt: 120.000đ/ trang/350 từ;

+ Dịch từ ngôn ngữ không phổ thông sang tiếng Việt: 150.000đ/trang/ 350 từ;

- Dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài

+ Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh hoặc tiếng của một nước khác thuộc nhóm EU: 150.000đ/trang /350 từ;

+ Dịch từ tiếng Việt sang ngôn ngữ không phổ thông: 170.000đ/trang/350 từ;

- Trường hợp dịch chưa tới ½ trang, mức thu được tính bằng ½ mức thu nêu trên; hơn ½ trang nhưng chưa đủ 01 trang, mức thu được tính bằng 01 trang;

- Các loại giấy tờ, văn bản đã được mẫu hóa như: Khai sinh, khai tử, kết hôn, phiếu Lý lịch tư pháp, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, học bạ và các loại giấy tờ có tính chất, đặc điểm tương tự thì từ trang thứ hai (02) trở lên sẽ tính bằng ba mươi phần trăm (30%) mức thu bản thứ nhất hoặc trang đầu; trừ các loại giấy tờ, văn bản mang tính chuyên ngành như: quyết định của Tòa án; bản tuyên thệ; di chúc; hợp đồng kinh tế, dân sự; bản án; các văn bản chuyên ngành y khoa, kỹ thuật và các loại giấy tờ, văn bản có hình thức tương tự.

đ. Công bố di chúc: 100.000đ/trường hợp;

e. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức yêu cầu thực hiện việc công chứng ngoài trụ sở thì phải nộp thêm khoản thù lao như sau:

- Trong phạm vi dưới 10 km: 200.000đ/hợp đồng, giao dịch.

- Trong phạm vi từ trên 10 km đến 50 km: 300.000đ/hợp đồng, giao dịch.

- Trên 50 km: 500.000đ/ hợp đồng, giao dịch.

(Mức thù lao nêu trên chưa bao gồm tiền tàu, xe đi lại)

g. Niêm yết thông báo hồ sơ khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, thì phải nộp thêm khoản tiền thù lao như sau:

- Trong phạm vi dưới 10 km: 200.000đ/hồ sơ.

- Trong phạm vi từ trên 10 km đến 50 km: 300.000đ/hồ sơ.

- Trên 50 km: 500.000đ/ hồ sơ.

(Mức thù lao nêu trên chưa bao gồm tiền tàu, xe đi lại).

Điều 2. Trách nhiệm của các tổ chức hành nghề công chứng

1.Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm quản lý, sử dụng thù lao công chứng theo quy định; thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước về khoản thu thù lao công chứng; lập hóa đơn tài chính cho đối tượng nộp thù lao công chứng theo quy định của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.

2. Xác định cụ thể mức thù lao đối với từng loại việc nhưng không vượt quá mức thù lao quy định tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định này, đồng thời niêm yết công khai các mức thù lao tại trụ sở của mình và thu thù lao theo đúng mức thù lao đã được niêm yết. Tổ chức hành nghề công chứng thu thù lao cao hơn mức trần thù lao và mức thù lao đã niêm yết thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Báo cáo Sở Tư pháp mức thù lao do tổ chức mình đã xác định.

Điều 3. Trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan

1. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát các tổ chức hành nghề công chứng trong việc thu các khoản thù lao công chứng. Trong trường hợp phát hiện tổ chức hành nghề công chứng thu cao hơn mức trần thù lao quy định tại quyết định này và mức thù lao đã niêm yết thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng trong việc quản lý và sử dụng thù lao công chứng quy định tại quyết định này.

3. Cục thuế Tây Ninh có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng trong việc sử dụng hóa đơn, chứng từ thu thù lao, đồng thời kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Cục thuế Tây Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Văn Thắng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2016/QĐ-UBND về quy định mức trần thù lao công chứng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh

  • Số hiệu: 25/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh
  • Người ký: Dương Văn Thắng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản