Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 25/2008/QĐ-UBND

Pleiku, Ngày 15 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

“VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI”

UỶ BAN NHÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về bổ sung, sửa đổi một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP Về việc chuyển công ty Nhà nước thành Công ty cổ phần;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư số 69/2006/TT-BTC ngày 02/8/2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ Về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư số 06/2007/TT-BTNMT ngày 15/6/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 14/2008/TTLT/BTC-BTNMT ngày 31/1/2008 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 84/ 2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 24/SXD-TT ngày 08/5/2008
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định cụ thể thực hiện một số Điều của các Nghị định, Thông tư hướng dẫn việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2. Quyết định này áp dụng cho việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích Quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng, mục đích phát triển kinh tế quy định tại Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, trên địa bàn Tỉnh Gia Lai.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngăy ký.

Điều 4. Các chính sách, đền bù của UBND tỉnh ban hành kèm theo các Quyết định số 124/2004/QĐ-UB ngày 18/11/2004; Quyết định số 97/2005/QĐ-UB ngày 04/8/2005; Quyết định số 08/2006/QĐ-UB ngày 24/02/2006; Quyết định số 91/2006/QĐ-UB ngày 03/11/2006; Quyết định số 04/2007/QĐ-UB ngày 15/01/2007; Quyết định số 479/2007/QĐ-UB ngày 26/9/2007, Quyết định số 100/2007/QĐ-UB ngày 29/11/2007 và một số quy định cụ thể khác của tỉnh tiếp tục thực hiện đối với các dự án đang triển khai cho đến khi hoàn thành dự án và hết hiệu lực.

Điều 5. Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành; Chủ tịch UBND các huyện, Thị xã, Thành phố; Trưởng ban Ban đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư tỉnh; Chủ đầu tư của các dự án và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Xuân Liên

 

QUY ĐỊNH

VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày 15 tháng 5 năm 2008 của UBND tỉnh Gia Lai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng.

Bản quy định này quy định cụ thể một số điều về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích Quốc phòng, an ninh, lợi ích Quốc gia, lợi ích công cộng, xây dựng khu kinh tế và thực hiện các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự án đầu tư khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2. Các trường hợp không thuộc phạm vi áp dụng quy định này.

1. Cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng dân cư theo quy hoạch bằng nguồn vốn do dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ.

2. Khi nhà nước thu hồi đất không thuộc phạm vi áp dụng tại Điều 1 của quy định này.

3. Các dự án mà nhà đầu tư tự thoả thuận đền bù với người sử dụng đất.

Điều 3. Đối tượng áp dụng.

1. Tổ chức, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai, bị Nhà nước thu hồi đất (gọi chung là người bị thu hồi đất).

2. Người bị thu hồi đất, bị thiệt hại tài sản gắn liền với đất bị thu hồi, được bồi thường đất, tài sản, được hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định này.

3. Khuyến khích người có đất, tài sản thuộc phạm vi thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quy định tại Điều 1 quy định này tự nguyện hiến tặng một phần hoặc toàn bộ đất, tài sản cho nhà nước.

Chương II

BỒI THƯỜNG VỀ ĐẤT

Điều 4. Quy định cụ thể Khoản 2, 5 Điều 10 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Khoản 2, 3, 4 Điều 43 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

1. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp được bồi thường bằng đất cùng mục đích sử dụng. Nếu không có đất để bồi thường thì bồi thường bằng tiền theo giá đất cùng mục đích sử dụng.

2. Đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đất vườn ao liền kề với đất ở trong khu dân cư, ngoài việc bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ bằng tiền; giá đất hỗ trợ bằng 50% giá đất ở theo từng vị trí, khu vực do UBND Tỉnh ban hành hàng năm, bao gồm các trường hợp sau:

a) Diện tích được tính hỗ trợ là toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở trong các khu vực sau:

- Trong phạm vi địa giới hành chính phường;

- Trong phạm vi khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn đã được xác định ranh giới theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Trường hợp khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn chưa có quy hoạch được xét duyệt thì xác định theo ranh giới của thửa đất có nhà ở ngoài cùng của khu dân cư.

b) Đối với diện tích đất vườn, ao thực tế đang sử dụng trong cùng thửa đất có nhà ở riêng lẻ, nhà ở dọc kênh mương, nhà ở dọc tuyến đường giao thông, không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này thì được tính hỗ trợ bằng tiền, diện tích được hỗ trợ bằng 5 lần hạn mức diện tích giao đất ở theo quy định của UBND Tỉnh nhưng không vượt quá diện tích thực tế thu hồi.

c) Đối với diện tích đất thuộc thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới các khu vực quy định tại khoản 2 Điều này thì được tính hỗ trợ bằng tiền, diện tích được hỗ trợ bằng 5 lần hạn mức diện tích giao đất ở theo quy định của UBND Tỉnh nhưng không vượt quá diện tích thực tế thu hồi.

3. Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng thì tuỳ vào thực tế quỹ đất của địa phương, mức giao đất mới cho mỗi hộ gia đình không vượt quá diện tích thu hồi và đảm bảo tổng diện tích đất nông nghiệp của hộ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá trị thấp hơn giá trị đất bị thu hồi, thì người bị thu hồi đất được bồi thường bằng tiền phần giá trị chênh lệch đó; Trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới có giá trị cao hơn giá trị đất bị thu hồi, thì bồi thường diện tích đất tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất của đất bị thu hồi.

4. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp đang sử dụng vượt quá hạn mức đất, thì việc bồi thường được thực hiện như sau:

a) Trường hợp đất vượt hạn mức do được thừa kế, tặng, cho, nhận chuyển nhượng từ người khác, tự khai hoang theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được bồi thường thiệt hại về đất.

b) Diện tích đất vượt quá hạn mức của các trường hợp không quy định tại điểm a khoản này thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

5. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp khi bị thu hồi đất nông nghiệp, không đủ điều kiện bồi thường về đất theo quy định này, mà sau khi bị thu hồi đất không còn đất để sản xuất nông, lâm nghiệp, thì Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ cho từng trường hợp cụ thể.

6. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do nhận giao khoán sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản (không bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí vào đất còn lại và được hỗ trợ theo quy định như sau:

a) Hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân nhận giao khoán đất là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã về hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.

b) Mức hỗ trợ bằng tiền, bằng giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp.

7. Đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ được giao đất nông nghiệp ở nơi khác để đảm bảo sản xuất và ổn định đời sống, nếu đất giao mới không đủ như diện tích đất thu hồi thì được bồi thường bằng tiền phần chênh lệch được xử lý như khoản 3 Điều này.

Điều 5. Quy định bổ sung Điều 14 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về xử lý một số trường hợp cụ thể về đất ở.

1. Trường hợp diện tích đất ở còn lại sau thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở mới theo quy định của địa phương, nếu chủ sử dụng đất có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được giữ lại, nhưng phải sử dụng theo quy hoạch. Trường hợp phần diện tích đất ở còn lại không đủ để xây dựng nhà ở hoặc hình thể lô đất không thể xây dựng nhà ở được thì khuyến khích họ chuyển nhượng cho hộ lân cận hoặc yêu cầu Nhà nước thu hồi phần diện tích này và khi Nhà nước thu hồi được bồi thường theo quy định.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sau khi tiến hành bồi thường giải toả mà có diện tích đất còn lại nhỏ hơn hoặc bằng 15 m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới nhỏ hơn 3m thì phải thu hồi bổ sung. Nếu phần diện tích còn lại từ 15m2 đến dưới 40m2 có chiều rộng mặt tiền 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng nhưng không quá 2 tầng (Quy định tại Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg, ngày 28/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ).

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nằm trong diện bồi thường giải toả nhưng có một phần diện tích đất nằm trong quy hoạch xây dựng các công trình khác hoặc nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ của các công trình thì tiến hành thu hồi, bồi thường giải toả luôn phần diện tích trên theo quy định.

Chương III

BỒI THƯỜNG VỀ TÀI SẢN

Điều 6. Quy định cụ thể Điều 24 Nghị định số 197/2004 NĐ-CP về bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi.

Mức bồi thường cụ thể đối với cây trồng, vật nuôi được xác định theo mức thiệt hại thực tế và áp dụng theo đơn giá của UBND tỉnh để xác định giá trị bồi thường.

Đối với hộ gia đình cá nhân sản xuất nông nghiệp, có sản phẩm chưa đến kỳ thu hoạch mà cần phải giải toả ngay thì được đền bù sản lượng, sản phẩm của kỳ thu hoạch đó theo năng suất bình quân trên một đơn vị diện tích, theo đơn giá tại thời điểm bồi thường do cơ quan chức năng công bố.

Chương IV

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 7. Quy định cụ thể khoản 1, 3 Điều 27, Nghị định số 197/2004 NĐ-CP về hỗ trợ di chuyển.

Hỗ trợ di chuyển :

1. Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở phạm vi trong tỉnh được hỗ trợ 3 triệu đồng, di chuyển chỗ ở sang tỉnh khác thì được hỗ trợ 5 triệu đồng, hộ di chuyển về phần đất còn lại (di chuyển lùi) được hỗ trợ 2 triệu đồng.

2. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi ở mới, trong thời gian tạo lập chỗ ở mới được bố trí vào nhà tạm cư hoặc được hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ 500.000đ/hộ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính từ thời điểm bàn giao mặt bằng cho đến 3 tháng sau thời điểm nhận đất tái định cư. Hộ gia đình, cá nhân phải di chuyển lùi được hỗ trợ tiền thuê nhà 3 tháng tính từ ngày bàn giao mặt bằng.

Điều 8. Quy định cụ thể Điều 28 Nghị định số 197/2004 NĐ-CP về hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất.

Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất:

1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp đang quản lý sử dụng trong vùng dự án có diện tích 1000m2 trở lên, được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 3 tháng nếu không di chuyển chỗ ở và 6 tháng nếu di chuyển chỗ ở. Nếu phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thì được hỗ trợ 12 tháng. Mức hỗ trợ cho 01 nhân khẩu/01tháng 30kg gạo tính bằng tiền theo thời giá trung bình tại địa phương.

2. Hộ gia đình, cá nhân là lao động phổ thông, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được UBND cấp xã xác nhận, thuộc diện di dời giải toả, được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 3 tháng đối với trường hợp không di chuyển chỗ ở và hỗ trợ 6 tháng đối với trường hợp di chuyển chỗ ở. Mức hỗ trợ bằng tiền tương đương 30kg gạo/01tháng/01 lao động. Giá gạo tính theo thời giá trung bình tại địa phương

Điều 9. Quy định cụ thể Điều 29, Nghị định số 197/2004 NĐ-CP về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo việc làm:

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp (được chính quyền địa phương xác nhận) khi bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp trong vùng dự án thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho ngưòi trong độ tuổi lao động (từ 18 đến 60 tuổi đối với nam, từ 18 đến 55 tuổi đối với nữ). Số lao động được hỗ trợ tuỳ thuộc vào diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi với định mức bình quân 500m2/01 lao động, nhưng không vượt quá số lao động thực tế hiện có của hộ. Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp là 600.000đ/01 tháng/01lao động với thời gian 12 tháng.

Điều 10. Quy định cụ thể Điều 32 Nghị định số 197/2004 NĐ-CP về chính sách hỗ trợ khác.

1. Hỗ trợ gia đình có người đang hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, trợ cấp xã hội của Nhà nước (có xác nhận của phòng Nội vụ, Lao động - Thương binh xã hội cấp huyện hoặc có giấy tờ chứng minh) phải di chuyển chỗ ở đến nơi ở khác được hỗ trợ một lần như sau:

1.1 Người hoạt động cách mạng trước 1945, Anh hùng lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động, thương binh, bệnh binh và người được hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động 81% trở lên, thân nhân liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

1.2 Thương binh, người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hoá học, người được hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% đến dưới 81% được hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ.

1.3 Thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 41% đến dưới 61% được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

1.4 Thân nhân liệt sĩ (quy định tại khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh người có công) người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh bị mất sức lao động từ 21% đến dưới 41%, người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, được hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

1.5 Những hộ gia đình, có người được hưởng trợ cấp xã hội khác của Nhà nước và các trường hợp đặc biệt khác hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

2. Đối với các hộ gia đình khi Nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở, hiện đang sử dụng điện thắp sáng, điện thoại, nước sinh hoạt, truyền hình cáp, internet mà có hợp đồng mua bán ký kết với các tổ chức kinh doanh cung ứng thì được hỗ trợ như sau: Lắp đường dây và di chuyển công tơ điện 1 triệu đồng/hộ, lắp đường ống và công tơ nuớc 1 triệu đồng/hộ, lắp đường dây điện thoại 1 triệu đồng/hộ, lắp đường dây truyền hình cáp 1 triệu đồng/hộ, lắp đặt internet 200.000đ/hộ.

3. Khen thưởng:

Những hộ gia đình, cá nhân thu hồi đất mà gương mẫu thực hiện bồi thường, gương mẫu di chuyển bàn giao mặt bằng cho đơn vị làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đúng tiến độ được thưởng: 5 triệu đồng/hộ (tiến độ do đơn vị làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng lập ra).

Điều 11. Quy định cụ thể khoản 3 Điều 4 Nghị định số 17/2006 NĐ-CP của Chính phủ.

Hộ gia đình, cá nhân có mức sống thuộc diện hộ nghèo (theo tiêu chí của Bộ Lao động - Thương binh xã hội) mà bị thu hồi đất thì được hỗ trợ như sau:

- Thời gian hỗ trợ 36 tháng kể từ ngày hoàn thành việc thu hồi đất.

- Mức hỗ trợ tính bằng tiền tương đương 30kg gạo/01 nhân khẩu/01 tháng theo thời giá trung bình tại địa phương.

Chương V

CHÍNH SÁCH TÁI ĐỊNH CƯ

Điều 12. Bố trí tái định cư.

1. Cơ quan (tổ chức) được UBND tỉnh giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, về dự kiến phương án bố trí tái định cư và niêm yết công khai phương án này tại trụ sở đơn vị, trụ sở UBND xã (phường) nơi có đất bị thu hồi và nơi tái định cư trong thời gian tối thiểu 20 ngày trước khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nội dung thông báo gồm: Địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, diện tích lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà, giá cho thuê nhà tái định cư, phân loại đường trong khu tái định cư.

2. Điều kiện để bố trí tái định cư:

Hộ gia đình, cá nhân có điều kiện sau đây được bố trí tái định cư:

- Phải di chuyển chỗ ở do bị thu hồi hết đất ở.

- Phải di chuyển chỗ ở do diện tích đất ở còn lại:

 + Dưới 40m2 hoặc trên 40m2 nhưng hình thể lô đất không thể xây dựng nhà ở.

 + Diện tích đất còn lại sau khi thu hồi không phù hợp quy hoạch xây dựng nhà ở.

 + Diện tích đất còn lại nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ;

- Có đất ở hợp pháp nay thu hồi tối thiểu 2/3 đất ở trở lên.

- Có nhà ở trên đất nông nghiệp nay Nhà nước thu hồi hết đất.

- Thu hồi hết nhà ở tập thể, nhà đang thuê thuộc sở hữu Nhà nước mà không còn chỗ ở nào khác trong địa bàn cấp huyện.

3. Điều kiện để được bố trí đất như tái định cư:

Hộ gia đình, cá nhân có một trong những điều kiện sau đây được bố trí đất trong các khu tái định cư:

- Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hết đất nông nghiệp trong vùng dự án thì được giao 01 lô đất tái định cư.

- Hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp thu hồi với diện tích:

 + Từ 1.000m2 đến dưới 5.000m2 được giao 01 lô tại khu quy hoạch tái định cư.

 + Từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2 được giao 02 lô tại khu quy hoạch tái định cư.

 + Trên 10.000m2 được giao 03 lô tại khu quy hoạch tái định cư.

- Hộ gia đình, cá nhân có đất làm trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh, trụ sở hoặc văn phòng giao dịch mà bị thu hồi thì tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất của từng cơ sở, Hội đồng đền bù cấp huyện đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết riêng từng trường hợp.

- Đối với những hộ gia đình thu hồi hết đất ở có nhân khẩu đông (trên 5 khẩu hoặc có 02 hộ gia đình ở chung trở lên) thì ngoài tiêu chuẩn tái định cư được giao thêm 01 lô đất tại khu tái định cư có thu tiền sử dụng đất.

Đối với hộ gia đình, cá nhân mà có nhiều tiêu chuẩn để bố trí tái định cư thì chỉ áp dụng tiêu chuẩn cao nhất.

Điều 13. Hỗ trợ tiền sử dụng đất và cho nợ tiền sử dụng đất tại khu tái định cư.

1. Nợ tiền sử dụng đất tái định cư:

Hộ gia đình, cá nhân chưa đủ khả năng nộp tiền sử dụng đất tái định cư thì được nợ tiền sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP, ngày 25/05/2007. Cụ thể là:

Hộ gia đình, cá nhân có nguyện vọng ghi nợ tiền sử dụng đất phải có đơn đề nghị được nợ tiền sử dụng đất. Khi thanh toán nợ người sử dụng đất phải trả theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

2. Hỗ trợ tiền sử dụng đất tái định cư:

- Hộ gia đình, cá nhân được bố trí đất trong khu tái định cư thuộc đối tượng nộp tiền sử dụng đất mà nộp tiền một lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đất, được hỗ trợ 20% tiền sử dụng đất theo giá Nhà nước quy định, chỉ phải nộp 80% tiền sử dụng đất (chỉ áp dụng 01 lô, từ lô thứ 2 nộp 100% tiền sử dụng đất theo giá Nhà nước quy định).

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đựơc giao đất, mua nhà, thuê nhà tại khu tái định cư phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê nhà, tiền mua nhà do UBND tỉnh quy định và được trừ vào tiền bồi thường, nếu có chênh lệch thì được thanh toán bằng tiền phần chênh lệch theo quy định.

- Tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có trách nhiệm mở sổ sách theo dõi tiền sử dụng đất, tiền mua nhà của người được bố trí tái định cư và quyết toán theo quy định hiện hành.

Điều 14. Nguyên tắc bố trí tái định cư.

1. Đảm bảo nguyên tắc tương xứng về vị trí trong bố trí tái định cư:

Hộ gia đình, cá nhân có nhà đất bị giải toả ở vị trí mặt đường có tên khi bố trí tái định cư ưu tiên vị trí thuận lợi ở khu tái định cư (lô 1, đường loại 1 khu tái định cư) và những lô thuận lợi tương đương. Việc bố trí tái định cư tổ chức bốc thăm công khai. Hộ gia đình, cá nhân có nhà đất bị giải toả ở vị trí đường hẻm bố trí tái định cư vào vị trí lô 2 trở lên (đường loại 2, loại 3... của khu tái định cư) việc bố trí tổ chức bốc thăm công khai.

2. Ưu tiên bố trí tái định cư.

Những hộ gia đình, cá nhân gương mẫu đi trước, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được ưu tiên bố trí tái định cư nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc tương xứng ở khoản 1 Điều này. Các hộ trong diện ưu tiên được phép lựa chọn lô đất tái định cư tương xứng với diện của mình mà không phải bốc thăm.

3. Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất để xây dựng khu tái định cư nếu đủ điều kiện tái định cư thì được bố trí tái định cư tại dự án đó.

4. Những trường hợp đặc biệt do UBND Tỉnh xem xét quyết định.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Điều khoản thi hành.

Đối với những dự án, hạng mục đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, những dự án đang triển khai thực hiện thì thực hiện theo các quy định đã ban hành. Quy định này áp dụng cho các dự án mới triển khai khi quy định có hiệu lực thi hành.

Các nội dụng không có trong quy định này thì thực hiện theo quy định tại các văn bản của Nhà nước hiện hành./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Gia Lai do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

  • Số hiệu: 25/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/05/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Đào Xuân Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản