Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2006/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 27 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ÁP DỤNG CÁC THÀNH TỰU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT CỦA TỈNH THÁI BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09/6/2000;

Căn cứ Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 2341/2000/TTLB/BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về 1 số chính sách khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất của tỉnh Thái Bình”.

Điều 2. Giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan triển khai và phổ biến, hướng dẫn thi hành quyết định này.;

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- VP Chính phủ;
- Bộ KN và CN;
- Cục KTVB QPPL-Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy,
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- Đ/c Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu Vt, CN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Việt

 

QUY ĐỊNH

VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ÁP DỤNG CÁC THÀNH TỰU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT CỦA TỈNH THÁI BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2006 của UBND tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này cụ thể hoá một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức kinh tế và cá nhân đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các tiến bộ Khoa học và Công nghệ (viết tắt là: KH và CN) để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ngành nghề mới, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá trên thị trường trong và ngoài nước thúc đẩy sự nghiệp phát triển Kinh tế - Xã hội của tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty Cổ phần, Công ty Trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân; Hợp tác xã, tổ hợp tác; Chủ trang trại và cá nhân (gọi tắt là các tổ chức kinh tế và cá nhân) đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không áp dụng chính sách khuyến khích tại quy định này.

Điều 3. Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách này trích từ kinh phí sự nghiệp KHCN hàng năm của tỉnh.

Chương II

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH HỖ TRỢ

Điều 4.

1. Hỗ trợ 1 lần tối đa 20 triệu đồng cho tổ chức kinh tế đã áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế tiên tiến được các tổ chức có thẩm quyền ở trong nước và nước ngoài cấp một trong những giấy chứng nhận sau:

a) Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9000.

b) Hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO - 14000.

c) Hệ thống tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm HACCP.

d) Hệ thống tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội SA 8000.

e) Hệ thống tiêu chuẩn về hướng dẫn thực hành sản xuất tốt GMP.

g) Hệ thống tiêu chuẩn về phòng thử nghiệm quốc gia ISO/IEC 17025.

2. Đối với tổ chức kinh tế sản xuất các sản phẩm thuộc lĩnh vực chế biến nông sản thực phẩm từ nguyên liệu chủ yếu được sản xuất trong tỉnh (chiếm 75% trở lên) và các sản phẩm làng nghề truyền thống của tỉnh được cấp một trong những giấy chứng nhận nêu ở khoản 1 điều này, được hưởng hỗ trợ 1 lần tối đa là 30 triệu đồng.

Điều 5.

1. Tổ chức kinh tế, cá nhân trong tỉnh xây dựng thương hiệu hàng hoá (Nhãn hiệu hàng hoá, Kiểu dáng công nghiệp) được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ, được hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng cho một Văn bằng.

2. Tổ chức kinh tế, cá nhân trong tỉnh có sáng chế và giải pháp hữu ích được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng bảo hộ, được hỗ trợ 1 lần tối đa là 30 triệu đồng cho một văn bằng.

Điều 6. Các doanh nghiệp và người sản xuất ký kết, thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá (trong đó có nội dung áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, phổ cập các loại giống mới để sản xuất hàng hoá tiêu thụ thông qua hợp đồng) với số lượng lớn (giá trị bằng tiền tối thiểu 1 tỷ đồng/năm) đã thực hiện ổn định liên tục từ 2 năm trở lên được hỗ trợ một lần tối đa 15 triệu đồng kinh phí chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, giống cây, giống con mới.

Điều 7. Hỗ trợ tối đa 05 triệu đồng cho trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản theo phương pháp công nghiệp quy mô lớn (Trên 3000 con gia cầm/năm; Trên 300 con gia súc/năm; Trên 5 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản) để đầu tư áp dụng các tiến bộ Khoa học và Công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý ô nhiễm môi trường.

Điều 8. Các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để thực hiện đề tài nghiên cứu đổi mới công nghệ thuộc những ngành nghề nhà nước ưu tiên (Ngành nghề ưu tiên được quy định tại Thông tư số 2341/2000/TTLB/BKHCNMT-BTC ngày 28/11/2000 của Liên Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP) ngày 18/9/1999 của Chính phủ, sau khi đề tai kết thúc, sản phẩm của đề tài được áp dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống được hỗ trợ tối đa không quá 30% tổng kinh phí do doanh nghiệp đầu tư để thực hiện đề tài.

Điều 9. Tổ chức kinh tế tham gia giải thưởng chất lượng Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức được khen thưởng các mức sau:

- Đạt giải “Giải thưởng chất lượng Việt Nam” được thưởng 05 triệu đồng.

- Đạt giải vàng “Giải thưởng chất lượng Việt Nam” được thưởng 07 triệu đồng.

- Giải thưởng chất lượng do Tổ chức có thẩm quyền Quốc tế (được nhà nước Việt Nam xác nhận) khen thưởng thì được thưởng 10 triệu đồng.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC KIỆN

Điều 10. Thủ tục đăng ký.

Hồ sơ đăng ký bao gồm: Đơn đề nghị xét hỗ trợ, xét thưởng; thuyết minh chương trình, đề tài, dự án (theo mẫu của Sở Khoa học và Công nghệ). Trên cơ sở đăng ký của các tổ chức cá nhân. Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp và chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan thẩm duyệt thuyết minh từng đề tài, trình UBND tỉnh phê duyệt tổng thể kinh phí sự nghiệp KHCN trong năm kế hoạch.

Điều 11. Thủ tục xét hỗ trợ, xét thưởng.

Việc xét hỗ trợ, thưởng chỉ được tiến hành khi tổ chức, cá nhân đăng ký thực hiện đề tài, dự án nộp đủ hồ sơ đề nghị xét hỗ trợ, xét thưởng và đề tài, dự án đã có sản phẩm cụ thể.

* Hồ sơ đề nghị xét hỗ trợ, xét thưởng.

Đối với các chương trình, đề tài, dự án thuộc Điều 4, Điều 5, Điều 9 của Quy định này, Hồ sơ gồm: đơn đề nghị xét hỗ trợ, xét thưởng; các bản sao văn bằng, chứng chỉ được tổ chức có thẩm quyền xác nhận (có công chứng của cơ quan có thẩm quyền); Biên bản thẩm định của Hội đồng Khoa học và công nghệ chuyên ngành.

Đối với các chương trình, đề tài, dự án thuộc Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Quy định này, Hồ sơ gồm: đơn đề nghị xét hỗ trợ, xét thưởng; Báo cáo kết quả thực hiện đề tài, dự án; Biên bản thẩm định của Hội đồng khoa học chuyên ngành.

Giao cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan thẩm duyệt kết quả thực hiện đề tài, dự án theo hồ sơ đã đề nghị.

Căn cứ vào kết quả thẩm định, hồ sơ đề nghị xét hỗ trợ, xét thưởng Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh ra Quyết định hỗ trợ cho những đề tài, dự án có mức kinh phí trên 50 triệu đồng. Những đề tài, dự án có mức kinh phí từ 50 triệu đồng trở xuống UBND tỉnh ủy quyền cho sở Khoa học và Công nghệ và Quyết định hỗ trợ.

Điều 11. Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, cân đối kế hoạch và ngân sách sự nghiệp KHCN hàng năm cho việc thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ các tổ chức kinh tế và cá nhân nghiên cứu phát triển Công nghệ, đầu tư đổi mới Công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá.

Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh những vấn đề bất hợp lý, cần phản ánh kịp thời về Sở Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu tổng hợp trình UBND tỉnh bổ sung điều chỉnh cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2006/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất của tỉnh Thái Bình

  • Số hiệu: 25/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
  • Người ký: Nguyễn Duy Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản