Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2002/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 08 tháng 03 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐCGIA GIẢM NGHÈO VÀ VIỆC LÀM GIAI ĐOẠN 2002 - 2005

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND, UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Quyết định số 71/2001/QĐ-TTg ngày 4/5/2001 của Thủ tướng Chính phủ v/v Phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2001-2005;

- Căn cứ Quyết định số 143/2001/QĐ-TTg ngày 27/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ v/v Phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005;

- Căn cứ Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30/10/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng dài hạn, kế hoạch 5 năm 2001-2005 và những giải pháp cơ bản phát triển kinh tế xã hội vùng Tây nguyên;

Theo đề nghị của Sở Lao động TBXH Lâm Đồng tại Tờ trình số 873/TTr-LĐTBXH ngày 14 tháng 11 năm 2001 về đề nghị phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2001-2005 của tỉnh Lâm Đồng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều I: Phê duyệt chương trình quốc gia xóa đói giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2002-2005 của tỉnh Lâm Đồng gồm các nội dung sau đây:

1. Mục tiêu giảm nghèo:

Giảm tỉ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) đếm năm 2005 còn dưới 8%, bình quân mỗi năm giảm 1,5-2%, không còn hộ chính sách thuộc diện nghèo. Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống dưới 15%. Không còn xã có trên 30% hộ nghèo. Không để tái đói kinh niên, các xã nghèo có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu cơ bản (thuỷ lợi nhỏ, trường học, trạm y tế, đường dân sinh, điện, nước sinh hoạt, chợ) Trên 80% hộ nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo (đủ ăn, đủ ấm, nhà cửa không dột nát, ốm đau được chữa bệnh, trẻ em được đi học...)

2. Mục tiêu việc làm:

Mỗi năm phấn đấu giải quyết việc làm cho khoảng 16.000 đến 18.000 lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 3%; Nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn lên trên 85% vào năm 2005. Tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên trê 20%.

3. Nội dung và các hoạt động của kế hoạch thực hiện chương trình:

3.1. Nhóm các dự án giảm nghèo chung:

- Dự án Tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Dự án Hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

- Dự án xây dựng mô hình giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

3.2. Nhóm các dự án giảm nghèo cho các xã nghèo nằm ngoài chương trình 135:

- Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo.

- Dự án Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề ở các xã nghèo.

- Dự án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giảm nghèo và cán bộ các xã nghèo.

- Dự án ổn định dân di cư tự do và xây dựng kinh tế mới ở các xã nghèo.

- Dự án định canh định cư ở các xã nghèo.

3.3. Nhóm các dự án việc làm:

- Dự án đào tạo nghề.

- Dự án tổ chức cho vay vốn theo các dự án nhỏ giải quyết việc làm thông qua Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

- Dự án nâng cao năng lực và hiện đại hóa các Trung tâm dịch vụ việc làm.

- Dự án điều tra, thống kê thị trường lao động và xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động.

- Dự án Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giải quyết việc làm.

3.4. Ngoài ra, cần thực hiện tốt các chính sách và giải pháp sau:

- Chính sách hỗ trợ người nghèo về Y tế.

- Chính sách hỗ trợ người nghèo về giáo dục - đào tạo

- Chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo

- Chính sách an sinh, trợ giúp các đối tượng yếu thế

- Giải pháp hỗ trợ người nghèo về xây dựng và sửa chữa nhà ở

- Giải pháp về đất sản xuất cho người nghèo

- Các giải pháp về công tác động viên tư tưởng cho các hộ nghèo nỗ lực vươn lên vượt qua ngưỡng nghèo; về thay đổi phong tục tập quán nhận thức tự vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo và việc làm được xây dựng từ xã, phường, thị trấn bao gồm một số hoặc tất cả các nội dung trên. Kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo và việc làm của cấp huyện được tổng hợp từ cấp xã. Kế hoạch thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và việc làm của tỉnh và các ngành được tổng hợp từ kế hoạch của các huyện, thị xã, thành phố.

4. Nguồn vốn thực hiện chương trình bao gồm:

+ Ngân sách đầu tư (huyện, tỉnh, Trung ương).

+ Vốn vay (Ngân hàng người nghèo, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm).

+ Nguồn huy động cộng đồng:

- Lao động công ích đóng góp xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất, lợi ích công cộng.

- Giúp đỡ hỗ trợ nhau làm ăn thông qua vận động của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức từ thiện.

+ Lồng ghép từ các chương trình khác; Các nguồn khác.

Điều II: Phân công trách nhiệm các sở, ngành quản lý và thực hiện chương trình:

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh trong việc quản lý điều hành và tổng hợp chung tình hình kế hoạch thực hiện chương trình; Chủ trì và phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Dân tộc Miền núi, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP, TX quản lý, tổ chức thực hiện các dự án:

* Dự án đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo và cán bộ xã nghèo; Dự án đào tạo cán bộ, bồi dưỡng cán bộ làm công tác giải quyết việc làm.

* Dự án xây dựng mô hình giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

* Dự án tổ chức cho vay vốn theo các dự án nhỏ giải quyết việc làm thông qua Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

* Dự án Nâng cao năng lực và hiện đại hóa các Trung tâm dịch vụ việc làm.

* Dự án Điều tra, thống kê lao động và xây dựng hệ thống thông tin thị trường.

* Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các Sở, ban ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng Nhà tình thương cho người nghèo; Quỹ vì người nghèo...v.v.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động TB&XH, Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em, các Sở, ngành và các địa phương quản lý, tổ chức thực hiện các dự án:

* Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã nghèo.

* Dự án Hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề.

* Dự án Hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

* Dự án ổn định dân di cư và xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã nghèo.

* Dự án định canh định cư ở các xã nghèo.

3. Ngân hàng phục vụ người nghèo: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động TB&XH, các Sở, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện dự án Tín dụng cho hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

4. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động TB&XH, các Sở, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo, tổ chức thực nghiên cứu xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, trình UBND tỉnh Quyết định.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động TB&XH, các Sở, ngành liên quan và các địa phương chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo cho học sinh con em của các hộ nghèo, trình UBND tỉnh quyết định.

6. Sở Tài chính Vật giá: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định nguồn vốn ngân sách Nhà nước hàng năm đầu tư cho chương trình; Chỉ đạo và tổ chức việc cấp phát đầy đủ, kịp thời, đúng dự toán, đúng mục tiêu đã được duyệt.

7. Sở Kế hoạch và đầu tư: Chủ trì và phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá cấp đối kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp cho chương trình để trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu hàng năm cho các địa phương.

8. Uỷ ban Dân số gia đình và Trẻ em: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý, tổ chức thực hiện dự án ổn định dân di cư và xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã nghèo, công tác vận động kế hoạch hóa gia đình trong các hộ nghèo, vùng nghèo và các chương trình liên quan đến trẻ em thuộc các gia đình nghèo và khó khăn.

9. Ban Dân tộc và Miền núi: Phối hợp với các Sở, ngành liên quan trong việc quản lý, tổ chức thực hiện các dự án của chương trình.

10. Sở Văn hóa thông tin: Chủ trì xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo về văn hóa thông tin.

11. Sở Tư pháp: Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo.

12. Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng: Phối hợp với các Sở, ban ngành, các đoàn thể, các địa phương. Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo và việc làm, những mô hình giảm nghèo tốt ở các địa phương, mở các chuyên mục, trang tin về chương trình giảm nghèo và việc làm, tổ chức các đợt tuyên truyền theo yêu cầu nhiệm vụ của chương trình.

13. Các Sở, ban, ngành, các tổ chức sản xuất kinh doanh khác: Căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng chương trình phối hợp thực hiện các dự án giảm nghèo, giải quyết việc làm; mặt khác tiếp tục đỡ đầu các xã nghèo để nâng cao chất lượng đời sống dân cư và mở rộng đối tượng giúp đỡ.

14. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận TQVN, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng và các tổ chức xã hội khác:

Phối hợp với các Sở Lao động TB&XH, các Sở, ngành liên quan và các địa phương thực hiện dự án Hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, dự án Hỗ trợ sản xuất và Phát triển ngành nghề ở các xã nghèo, dự án Hướng dẫn cho người nghèo cách làm ăn, khuyến nông, lâm, ngư. Chú trọng đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng giúp cho các hộ nghèo nhận thức vươn lên thoát ngưỡng nghèo. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng Nhà tình thương cho người nghèo và "Quỹ vì người nghèo" và các chương trình khác theo giới và đối tượng đoàn viên, hội viên.

Điều III: Các ông, bà: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, thủ trưởng các cơ quan thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố ĐàLạt chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./-

 

 

TM. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Phan Thiên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 25/2002/QĐ-UB về Phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và việc làm giai đoạn 2002 - 2005 do Tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 25/2002/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/03/2002
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phan Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản