Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2490/QĐ-BGTVT | Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2014 |
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (sau đây viết tắt là Chiến lược) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) là động lực then chốt để phát triển nhanh và bền vững ngành Giao thông vận tải (GTVT), phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ngành GTVT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
2. Phát triển KH&CN ngành GTVT phải phù hợp với Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam, quy hoạch GTVT các chuyên ngành, vùng lãnh thổ.
3. Phát triển thị trường KH&CN ngành GTVT theo hướng Nhà nước giữ vai trò định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và ứng dụng KH&CN mới; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực phát triển KH&CN ngành.
4. Ưu tiên tập trung nghiên cứu ứng dụng, chủ động tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, tiến tới nghiên cứu phát triển công nghệ mới.
5. Hoạt động KH&CN phải đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, gắn kết chặt chẽ với thực tế sản xuất và quản lý của ngành GTVT, đóng vai trò chủ đạo và là động lực mạnh mẽ nâng cao năng suất, chất lượng các công trình, sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp của ngành; tăng cường tiềm lực KH&CN ngành GTVT, chú trọng phát triển nguồn nhân lực; đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH&CN ngành GTVT.
6. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về KH&CN, tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến của thế giới phục vụ phát triển ngành GTVT.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2020, KH&CN ngành GTVT đạt trình độ ngang tầm khu vực ASEAN, một số lĩnh vực tiếp cận trình độ thế giới, có đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, làm chủ các công nghệ tiên tiến, hiện đại góp phần phát triển nhanh và bền vững ngành GTVT.
Đến năm 2030, KH&CN ngành GTVT hiện đại, thực sự trở thành động lực then chốt, đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy phát triển ngành GTVT theo hướng tiên tiến và hiện đại, đáp ứng tiến trình hội nhập. Sản phẩm KH&CN trong lĩnh vực GTVT có khả năng cạnh tranh cao, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và nhiều sản phẩm đạt trình độ thế giới.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn đến năm 2020
- Hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp dịch vụ KH&CN trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN ngành GTVT theo định hướng của Chính phủ.
- Giá trị sản phẩm KH&CN góp phần quan trọng trong sự tăng trưởng ngành, phấn đấu đạt khoảng 20% - 30% giá trị tổng sản phẩm Ngành, 100% đề tài nghiên cứu khoa học xuất phát từ nhu cầu thực tế và đáp ứng nhu cầu phát triển KH&CN của Ngành; xây dựng chiến lược và lộ trình đổi mới công nghệ của các đơn vị trong ngành GTVT, phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ, trang thiết bị đạt 10% - 15%/năm.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành GTVT theo tiêu chí phù hợp với điền kiện Việt Nam đồng thời hài hòa và hội nhập quốc tế, đáp ứng hiệu quả công tác quản lý của Ngành.
- Chủ động ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong tổ chức, quản lý và khai thác vận tải nhằm phát triển hệ thống GTVT an toàn, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và có chi phí hợp lý.
- Từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp ngành GTVT nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Tăng cường năng lực hoạt động KH&CN của các đơn vị trong ngành GTVT. Tiếp tục triển khai Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2020.
- Phấn đấu tổng mức đầu tư cho KH&CN đạt 1,5% - 2% đầu tư ngành GTVT.
b) Định hướng đến năm 2030
- Phấn đấu giá trị sản phẩm KH&CN đạt khoảng 30%-35% giá trị tổng sản phẩm Ngành; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt khoảng 20%/năm.
- Hoàn thiện, thường xuyên cập nhật hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
- Làm chủ công nghệ tiên tiến trong tổ chức, quản lý và khai thác vận tải nhằm phát triển bền vững hệ thống GTVT, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
- Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các công nghệ mới, làm chủ các công nghệ tiên tiến nhằm tăng khả năng và hiệu quả ứng dụng vật liệu mới, kết cấu mới trong xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì công trình giao thông, sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp Ngành.
III. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NGÀNH GTVT
1. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN
a) Sắp xếp kiện toàn các tổ chức KH&CN
- Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức của các tổ chức KH&CN theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; khuyến khích hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu phát triển tại các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, thân thiện với môi trường.
- Thống nhất quản lý hoạt động KH&CN, đảm bảo mối liên hệ từ cơ quan quản lý hoạt động KH&CN của Bộ GTVT đến các cơ quan quản lý hoạt động KH&CN của các Tổng cục, Cục, Tổng công ty, doanh nghiệp ngành GTVT, các Sở GTVT ở các địa phương.
b) Đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN ngành GTVT
- Đổi mới cơ chế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN trong ngành GTVT.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở bám sát yêu cầu của thực tế sản xuất, yêu cầu đổi mới công nghệ, trang thiết bị của các doanh nghiệp ngành GTVT; đổi mới và hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động KH&CN.
- Ưu tiên tuyển chọn và triển khai các nhiệm vụ KH&CN theo đơn đặt hàng của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp; các nhiệm vụ KH&CN gắn liền với chương trình đổi mới công nghệ, trang thiết bị của doanh nghiệp; các nhiệm vụ KH&CN có sự liên kết giữa đơn vị nghiên cứu với doanh nghiệp hay các tổ chức KH&CN quốc tế. Yêu cầu tất cả các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm phải có sản phẩm và địa chỉ ứng dụng cụ thể.
- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu phát triển, nghiên cứu ứng dụng giữa các tổ chức KH&CN, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong và ngoài Ngành, trong nước và quốc tế.
c) Đổi mới cơ chế tài chính thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trong ngành GTVT
- Đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính phù hợp với đặc thù các nhiệm vụ KH&CN ngành GTVT.
- Thực hiện phân cấp về quản lý tài chính; tăng tính chủ động cho các tổ chức KH&CN và cá nhân chủ nhiệm các đề tài, đề án, dự án trong việc sử dụng nguồn kinh phí được giao.
- Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp dành nguồn kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; khuyến khích triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo mô hình hợp tác công - tư.
2. Tăng cường tiềm lực KH&CN ngành GTVT
- Phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động KH&CN theo hướng đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành GTVT gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước và hội nhập quốc tế.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN ngành GTVT đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành theo từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm.
- Tiếp tục tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ nghiên cứu và phát triển KH&CN của các đơn vị, tập trung cho các Viện nghiên cứu, trường đại học trong Ngành. Tập trung ưu tiên đầu tư cho các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy các công trình, sản phẩm, đánh giá công nghệ mới, vật liệu mới.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dịch vụ KH&CN và các doanh nghiệp khác trong ngành GTVT đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào thực tế sản xuất.
3. Định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông
- Nghiên cứu đổi mới phương pháp lập quy hoạch hệ thống KCHT giao thông vận tải theo hướng hiện đại, đồng bộ, an toàn, bền vững, thân thiện môi trường.
- Đẩy mạnh nghiên cứu tăng cường liên kết và phát triển hợp lý, hài hòa các phương thức vận tải trên cơ sở phát huy tối đa ưu thế của từng phương thức.
- Chủ động tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, ứng dụng các vật liệu mới, kết cấu mới trong xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì công trình giao thông.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng, khai thác, bảo trì KCHT giao thông.
a) Công tác tư vấn đầu tư xây dựng hệ thống KCHT giao thông
- Nghiên cứu, làm chủ công nghệ khảo sát, thiết kế các công trình giao thông đảm bảo chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật cao, an toàn, bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế - kỹ thuật và phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất, khí hậu, thủy văn các vùng miền của Việt Nam.
- Làm chủ các công nghệ, phần mềm khảo sát thiết kế mạnh để khảo sát, thiết kế các công trình giao thông thuộc các lĩnh vực: đường bộ và đường bộ cao tốc, cầu, hầm, cảng biển, cảng hàng không - sân bay và nền móng công trình giao thông.
- Nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt, làm chủ các công nghệ thiết kế hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao.
- Hoàn thiện công nghệ thiết kế, phân tích kết cấu công trình giao thông phức tạp chịu tải trọng gió, động đất, thiết kế hệ thống quan trắc, hệ thống giao thông thông minh.
- Chú trọng công tác tổng kết, đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ mới, vật liệu mới để định hướng cho việc ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới, vật liệu mới đã thử nghiệm thành công, có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao vào thực tế.
- Củng cố nâng cao chất lượng hệ thống phòng thí nghiệm (LAS -XD) phục vụ việc kiểm soát, đánh giá chất lượng công trình giao thông.
- Đổi mới chương trình, nội dung, mô hình đào tạo nhằm tăng cường chất lượng đội ngũ thí nghiệm viên, tư vấn giám sát quản lý chất lượng xây dựng công trình giao thông
b) Lĩnh vực thi công xây lắp KCHT giao thông
- Hoàn thiện các công nghệ thi công xây lắp KCHT giao thông hiện đang áp dụng. Phát triển ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới tiên tiến trong xây dựng đường bộ, đường bộ cao tốc, cầu, hầm, cảng biển, cảng hàng không - sân bay, đường sắt và lĩnh vực xử lý nền móng công trình. Cụ thể:
+ Hoàn thiện công nghệ chống sụt trượt và kiên cố hóa công trình giao thông; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
+ Hoàn thiện việc làm chủ công nghệ xây dựng công trình giao thông như cầu bê tông dự ứng lực nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng, hầm đường ôtô và đường sắt, công trình ngầm, cảng nước sâu, đường bộ cao tốc, cảng hàng không - sân bay... các công trình sử dụng vật liệu và công nghệ mới.
+ Tập trung đầu tư công nghệ xây dựng cảng biển hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế đồng thời phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng sau cảng.
- Chủ động tiếp cận, từng bước làm chủ công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; công nghệ thi công xây lắp các công trình có ứng dụng kết cấu mới, vật liệu mới, xây dựng đường bê tông xi măng…
c) Lĩnh vực quản lý, khai thác, bảo trì KCHTgiao thông
- Hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý KCHT giao thông.
- Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đồng bộ từ khâu tổ chức, đào tạo, làm chủ các công nghệ, thiết bị thí nghiệm, phục vụ kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công trình, kiểm định công trình giao thông đang khai thác.
- Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tiên tiến vào quản lý, khai thác và bảo trì đối với mạng lưới đường bộ, hệ thống đường sắt (bao gồm cả đường sắt đô thị), hệ thống cảng thủy nội địa, cảng biển, cảng hàng không, sân bay.
- Ứng dụng mạnh mẽ hệ thống giao thông thông minh (ITS) trong tổ chức điều hành vận tải; đẩy mạnh triển khai ứng dụng KH&CN tiên tiến phục vụ kiểm soát tải trọng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường bộ và đường sắt; nghiên cứu phối kết hợp hệ thống cân tĩnh và cân động phục vụ đánh giá mức độ quá tải trên các tuyến đường bộ.
- Triển khai ứng dụng công nghệ mới bảo vệ chống ăn mòn kết cấu; đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi công nghệ cào bóc tái chế, công nghệ vật liệu mới, vật liệu chế sẵn, vật liệu thân thiện với môi trường.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến trong phòng, chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, các công nghệ chủ động quan trắc, cảnh báo sụt trượt, lở đất trên các tuyến giao thông.
- Ứng dụng KH&CN phục vụ nâng cao chất lượng bảo trì các hệ thống luồng hàng hải, tuyến luồng đường thủy nội địa.
4. Định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực vận tải
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải.
- Hoàn thiện và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics.
- Nghiên cứu đổi mới phương tiện vận tải nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ nhằm phát triển giao thông đô thị ở các thành phố lớn; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là các loại hình vận tải nhanh, khối lượng lớn. Ứng dụng KH&CN để kiểm soát và từng bước hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông tại các thành phố lớn.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực vận tải.
a) Lĩnh vực vận tải đường bộ
- Hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý vận tải đường bộ, các đối tượng khách hàng.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác hệ thống trung tâm điều hành vận tải, trạm dừng nghỉ, kiểm soát tải trọng xe, hệ thống giao thông thông minh, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe, triển khai đồng bộ thiết bị kiểm soát hành trình.
b) Vận tải đường sắt
- Ứng dụng KH&CN trong tổ chức điều hành vận tải, tăng năng lực thông qua và an toàn trên các tuyến cho cả tàu khách và tàu hàng, đặc biệt là tuyến Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu từng bước làm chủ, quản lý khai thác một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
- Nghiên cứu hoàn thiện, mở rộng hệ thống bán vé điện tử và dịch vụ thông tin khách hàng trên tất cả các tuyến đường sắt.
- Nghiên cứu đổi mới công nghệ khai thác đầu máy, toa xe và trang thiết bị xếp dở, hiện đại hóa công tác tổ chức chạy tàu.
c) Vận tải thủy nội địa
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao tốc độ chạy tàu, nâng cao năng lực xếp dỡ.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ để phát triển và nâng cao năng lực vận tải pha sông - biển, vận tải container, vận tải hàng siêu trường, siêu trọng.
- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác quản lý, cải tiến trang thiết bị báo hiệu đường thủy; xây dựng hệ thống bản đồ kỹ Thuật số chuyên ngành đường thủy nội địa.
d) Vận tải biển
- Ứng dụng và từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải như: tự động nhận dạng công-te-nơ, ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử hàng hải nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác luồng hàng hải, hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng hải; hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam; phát triển các hệ thống thông tin hỗ trợ hàng hải, quản lý và theo dõi tàu thuyền hoạt động trên biển; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin ngành hàng hải.
- Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thiết lập hệ thống các trạm quan trắc thủy hải văn tự động phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải tại các khu vực có mật độ lớn tàu thuyền và chế độ thủy hải văn phức tạp.
- Hiện đại hóa đội tàu tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải.
đ) Vận tải hàng không
- Tiếp tục hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động thương mại, kỹ thuật khai thác và quản lý như công nghệ tự động hóa, số hóa, công nghệ dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu thông qua vệ tinh.
- Nghiên cứu, làm chủ công nghệ quản lý, khai thác các tàu bay thế hệ mới và các vấn đề liên quan tới tự do hóa vận tải hàng không theo lộ trình khu vực và toàn cầu.
- Nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong quá trình khai thác phương tiện, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cảng hàng không.
5. Định hướng phát triển KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp GTVT
- Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN tiên tiến trong sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghiệp ngành GTVT theo hướng từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của khu vực và thế giới.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, định mức- kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành trong lĩnh vực công nghiệp GTVT.
a) Công nghiệp ô tô
- Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, lắp ráp các loại xe tải nhẹ, xe buýt, xe khách, một số loại xe con, xe chuyên dụng. Đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
- Tăng cường nghiên cứu, thiết kế và hợp tác với nước ngoài để sản xuất các chi tiết, linh kiện quan trọng như: bộ phận truyền động, hộp số, động cơ cho một số chủng loại xe có sản lượng lớn.
- Chủ động tiếp cận, hợp tác để sản xuất, lắp ráp các loại xe tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, sử dụng nhiên liệu hỗn hợp...
- Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các phương tiện vận tải hành khách phục vụ giao thông tiếp cận.
b) Công nghiệp đường sắt
- Từng bước làm chủ công nghệ lắp ráp đầu máy có công suất lớn (2000 CV trở lên). Chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị để lắp ráp đầu máy, sản xuất các loại toa xe hiện đại, toa xe chuyên dùng, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
- Tiếp tục đầu tư thiết bị, công nghệ để chế tạo phụ tùng, chi tiết đầu máy toa xe, phụ kiện đường sắt phục vụ sửa chữa đại tu phương tiện và cơ sở hạ tầng đường sắt. Chủ động nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao công nghệ bảo trì, khai thác và công nghiệp phụ trợ cho đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
c) Công nghiệp hàng hải
- Công nghiệp tàu thủy: làm chủ công nghệ thiết kế và đóng mới các nhóm tàu có trọng tải đến 100.000 DWT; tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ (tàu chở hàng tổng hợp, tàu chở dầu và tàu chở khí hóa lỏng, tàu công-te-nơ, tàu cá, tàu du lịch, tàu chuyên dụng phục vụ các lực lượng vũ trang, tàu công trình, tìm kiếm cứu nạn, tàu tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường...); sửa chữa tàu biển tập trung vào nhóm tàu có trọng tải đến 300.000 DWT. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.
- Về công nghệ chế tạo thiết bị báo hiệu hàng hải: đầu tư trang thiết bị, từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến để sản xuất thiết bị đèn biển, thiết bị báo hiệu vô tuyến điện RACON, AIS... đáp ứng nhu cầu trang bị cho Hệ thống báo hiệu hàng hải trên các luồng hàng hải.
d) Công nghiệp hàng không
- Từng bước làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa các loại máy bay và các thiết bị hiện đại của ngành Hàng không Việt Nam. Nghiên cứu công nghệ chế tạo phụ tùng, phụ kiện máy bay.
- Nghiên cứu triển khai các hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không theo tiêu chuẩn hệ thống CNS/ATM mới, công nghệ dẫn đường vệ tinh; phát triển các sản phẩm đèn hiệu phụ trợ dẫn đường sân bay ứng dụng công nghệ LED, năng lượng xanh.
- Nâng cao năng lực bảo dưỡng sửa chữa, lắp đặt trang thiết bị cảng hàng không; từng bước chế tạo từng phần trang thiết bị chuyên ngành và vật tư, phụ tùng thay thế, lắp đặt hoàn chỉnh một số dây chuyền công nghệ dịch vụ cảng hàng không.
e) Chế tạo thiết bị thi công và các sản phẩm điện - điện tử
- Đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cho các cơ sở sản xuất thiết bị thi công công trình nhằm sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao thay thế hàng nhập khẩu, có sản phẩm xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2020, làm chủ công nghệ để sản xuất, lắp ráp hầu hết các loại thiết bị thi công công trình đáp ứng nhu cầu trong nước.
- Tiếp cận, từng bước làm chủ các công nghệ chế tạo phụ kiện cho hệ thống giao thông thông minh, thẻ vé điện tử.
6. Định hướng phát triển KH&CN phục vụ giao thông nông thôn
- Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong xây dựng, quản lý, khai thác bảo trì giao thông nông thôn; duy trì, củng cố và nâng cấp mạng lưới giao thông hiện có theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn, đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn.
- Nghiên cứu sử dụng vật liệu, kết cấu và cấu kiện lắp ráp tại chỗ phù hợp với điều kiện và khí hậu của từng vùng.
- Sử dụng hợp lý phương tiện vận tải truyền thống, phát triển phương tiện cơ giới nhỏ phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và phù hợp với mức sống của đa số người dân.
7. Định hướng phát triển KH&CN phục vụ đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường giao thông vận tải
a) Về đảm bảo an toàn giao thông
- Ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý người điều khiển phương tiện vận tải; chất lượng kiểm định phương tiện cơ giới.
- Ứng dụng KH&CN trong giám sát, xử lý vi phạm về trật lự, an toàn giao thông, tăng cường khả năng cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
b) Về bảo vệ môi trường trong giao thông vận tải
- Ứng dụng công nghệ mới trong giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường trong các dự án xây dựng công trình và các cơ sở công nghiệp GTVT nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nhiên liệu, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho kết cấu hạ tầng GTVT và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
1. Các giải pháp về tổ chức quản lý và cơ chế chính sách
- Tiếp tục thực hiện sắp xếp, đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành các tổ chức tư vấn, các doanh nghiệp KH&CN trực thuộc các viện, trường, tổng công ty để sản xuất, thử nghiệm sản phẩm từ kết quả nghiên cứu.
- Đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN ở tất cả các công đoạn từ khâu đề xuất, tuyển chọn, đánh giá, nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN theo tiêu chí công khai, minh bạch, khách quan, đúng thực chất; nâng cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trong việc chuyển giao, áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế.
- Hoàn thiện cơ chế tài chính về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; cơ chế khoán kinh phí thực hiện các đề tài, dự án và đơn giản hóa thủ tục thanh toán, quyết toán kinh phí KH&CN.
- Thường xuyên tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm công nghệ tiên tiến, vật liệu mới để phổ biến, khuyến khích áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đã áp dụng thí điểm thành công, có hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao vào thực tế sản xuất của ngành GTVT.
2. Huy động các nguồn lực tham gia phát triển KH&CN
- Đảm bảo nguồn vốn đầu tư cho KH&CN từ ngân sách nhà nước.
- Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công - tư để huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển KH&CN; hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các hội, hiệp hội, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới.
- Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển KH&CN ngành GTVT nhằm tạo vốn và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học ngành GTVT. Thành lập và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN của các Tổng công ty, doanh nghiệp ngành GTVT có cổ phần của nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp không có cổ phần của nhà nước hình thành Quỹ phát triển KH&CN.
3. Tăng cường tiềm lực KH&CN
- Đầu tư trọng tâm trọng điểm cho các đơn vị nghiên cứu khoa học: thuộc Bộ GTVT, đặc biệt là các viện nghiên cứu đầu ngành, các trường đại học trọng điểm ngành GTVT. Đầu tư chiều sâu một số phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm thực nghiệm công nghiệp GTVT.
- Thực hiện đánh giá phân loại năng lực các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN liên quan đến ngành GTVT; có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, thường xuyên đổi mới công nghệ tham gia các dự án phát triển ngành GTVT.
- Xây dựng chính sách đào tạo và sử dụng cán bộ KH&CN, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao trong ngành GTVT; chú trọng phát triển lực lượng cán bộ KH&CN tại các Tổng công ty và các doanh nghiệp GTVT.
- Có chính sách trọng dụng, chế độ đãi ngộ đặc biệt đối với các cán bộ KH&CN đầu ngành được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN phức tạp cấp Bộ GTVT và cấp quốc gia.
4. Giải pháp về thông tin, truyền thông và phát triển thị trường KH&CN
- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến kịp thời các chủ trương, cơ chế chính sách về quản lý, phát triển KH&CN; thông tin về nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp đối với hoạt động KH&CN; thông tin về kết quả nghiên cứu KH&CN của các viện nghiên cứu, trường đại học, các Tổng công ty, doanh nghiệp...
- Xây dựng, phát triển thị trường KH&CN ngành GTVT, có các biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu các sản phẩm, công nghệ lạc hậu trong ngành GTVT.
- Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN ngành GTVT, bao gồm cả công nghệ, chuyên gia công nghệ, sở hữu trí tuệ ngành GTVT... Xây dựng Bộ chỉ số thống kê, đo lường kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN ngành GTVT.
5. Giải pháp về hợp tác quốc tế
- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về KH&CN; chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác về KH&CN với một số nước, tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh liên kết nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
- Tạo điều kiện cho các tổ chức KH&CN, các nhà khoa học ngành GTVT hợp tác với các tổ chức KH&CN của các nước và tổ chức khoa học quốc tế, tạo điều kiện phát triển và chuyển giao công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài.
- Thường xuyên tổng kết công nghệ trên cơ sở tiếp thu công nghệ mới, hiện đại từ các dự án đầu tư ODA; tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các nước có trình độ KH&CN tiên tiến nhằm định hướng nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới về xây dựng cầu, hầm, cảng, sân bay, đường sắt đô thị... Phối hợp với các đối tác nước ngoài thường xuyên tổ chức hội thảo khoa học quốc tế nhằm giới thiệu công nghệ, kỹ thuật hiện đại phù hợp với việc đầu tư xây dựng KCHT giao thông ở Việt Nam.
- Xây dựng chính sách thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN trong ngành GTVT.
- Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì tham mưu cho Bộ trong việc triển khai thực hiện, đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra của Chiến lược; chủ trì xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Chiến lược và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng; thường xuyên theo dõi, đánh giá để kịp thời cập nhật Chiến lược cho phù hợp với điều kiện thực tế.
- Vụ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị xây dựng dự án, bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến lược.
- Vụ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng và quản lý thực hiện dự toán kinh phí từ nguồn vốn Ngân sách nhà nước để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược.
- Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực; hoàn thiện mô hình hoạt động của các tổ chức KH&CN.
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, Sở GTVT các tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược.
- Các viện nghiên cứu, các trường đại học, trường cao đẳng nghề, các tổ chức nghiên cứu KH&CN, các Tổng công ty, doanh nghiệp ngành GTVT chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch nghiên cứu, đầu tư phát triển và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.
- Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên và lộ trình thực hiện giai đoạn 2014 - 2020 tại Phụ lục kèm theo Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu Lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Cục trưởng các Cục, Viện trưởng các Viện nghiên cứu, Giám đốc sở GTVT các tỉnh, thành phố. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| BỘ TRƯỞNG |
CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN (GIAI ĐOẠN 2014-2020)
(Kèm theo Quyết định số 2490/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
TT | Nội dung | Thời gian thực hiện | Cơ quan, đơn vị chủ trì | Cơ quan, đơn vị phối hợp |
A | Quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN | |||
1 | Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển KH&CN ngành GTVT. | 2015-2016 | Vụ Tài chính | Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, các doanh nghiệp |
2 | Rà soát, cập nhật, điều chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, công nghiệp GTVT. | 2014-2020 | Vụ KH&CN | Viện CL và Phát triển GTVT; Viện KH&CN GTVT, các Cục, Tổng cục; các trường, hội, hiệp hội GTVT |
3 | Nghiên cứu ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống giao thông vận tải. | 2014-2020 | Vụ Môi trường | Các Cục, Tổng cục, Viện CL&PT GTVT, Viện KH&CN GTVT, các trường, hội, hiệp hội GTVT |
4 | Xây dựng bộ chỉ số thống kê, đo lường kết quả và hiệu quả hoạt động KH&CN ngành GTVT; phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu KH&CN ngành GTVT (bao gồm cả công nghệ, chuyên gia công nghệ, sở hữu trí tuệ ngành GTVT...). | 2015-2020 | Viện CL&PT GTVT | Viện KHCN GTVT các trường, hội, hiệp hội GTVT |
5 | Xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2016-2020. | 2015-2020 | Vụ Tổ chức cán bộ | Các trường, các Viện, các hội, hiệp hội GTVT, các Tổng công ty, doanh nghiệp |
B | Lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông | |||
1 | Lĩnh vực tư vấn | |||
1 | Nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ thiết kế đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao. | 2014-2020 | Vụ KH&CN | Cục ĐSVN, TEDI, CTCP tư vấn ĐT và XD GTVT, TCT ĐSVN, Viện KH&CN GTVT |
2 | Triển khai ứng dụng thiết kế kết cấu mới cho công trình cầu hầm. | 2014-2020 | Vụ KH&CN | Tổng cục ĐBVN, Cục ĐSVN, TEDI, TCT ĐSVN, Viện KH&CN GTVT |
3 | Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt đường ô tô, trên mặt cầu thép, cầu BTCT. | 2014-2017 | Vụ KH&CN | Tổng cục ĐBVN, Viện KH&CN GTVT, TEDI, các trường đại học |
II | Lĩnh vực thi công xây dựng |
|
|
|
1 | Triển khai ứng dụng công nghệ vật liệu trong xây dựng đường bộ (bê tông nhựa rỗng, bê tông nhựa polime, bê tông nhựa có phụ gia…) | 2014-2020 | Vụ KH&CN | Tổng cục ĐBVN, Các TCT, các doanh nghiệp XDCTGT, Viện KH&CN GTVT, các Ban QLDA |
2 | Triển khai công nghệ lắp ghép dầm BTCT dự ứng lực, kết cấu Hybrid. | 2015-2020 | Vụ KH&CN | Tổng cục ĐBVN, Viện KH&CN GTVT, TEDI, các TCT XDCTGT |
3 | Tiếp nhận và triển khai công nghệ xây dựng đường sắt đô thị, nghiên cứu công nghệ xây dựng đường sắt tốc độ cao. | 2014-2020 | Cục ĐSVN | TCT Đường sắt Việt Nam, Vụ KH&CN, các hội, hiệp hội GTVT, Viện KH&CN GTVT |
4 | Ứng dụng KH&CN tăng cường năng lực quản lý tổ chức và chất lượng hoạt động tư vấn giám sát xây dựng công trình giao thông. | 2014-2016 | Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng CTGT | Tổng Cục ĐBVN, các Cục, Vụ KH&CN, Vụ KCHT, Viện KH&CN GTVT, các Ban QLDA, trường, hội, hiệp hội GTVT |
5 | Triển khai ứng dụng công nghệ xây dựng lớp phủ bê tông nhựa trên mặt đường ô tô, mặt cầu thép, cầu BTCT. | 2014-2020 | Vụ KH&CN | Tổng cục ĐBVN, các TCT XDCTGT, Viện KH&CN GTVT |
III | Lĩnh vực quản lý khai thác, bảo trì |
|
|
|
1 | Ứng dụng KH&CN tăng cường năng lực quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. | 2014-2020 | Vụ kết cấu hạ tầng | Tổng cục ĐBVN, các Cục quản lý chuyên ngành, Vụ KH&CN, Viện KH&CN GTVT |
2 | Nghiên cứu ứng dụng KH&CN nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành giao thông vận tải. | 2014-2020 | Vụ Môi trường | Viện KH&CN GTVT, Tổng cục ĐBVN, các Cục, Viện CL&PT GTVT các trường đại học |
3 | Nghiên cứu ứng dụng KH&CN nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. | 2014-2020 | Cục Đăng kiểm Việt Nam | Tỏng cục ĐBVN, Vụ Môi trường, Vụ KH&CN, các trường, hội, hiệp hội GTVT |
4 | Nghiên cứu triển khai hệ thống quan trắc liên lục (SMHS) cho các công trình cầu nhịp lớn, cầu treo, cầu dây văng. | 2014-2020 | Tổng cục ĐBVN | Vụ KH&CN, Vụ KCHTGT, Viện KH&CN GTVT, các trường, hội, hiệp hội |
5 | Hoàn thiện và triển khai hệ thống phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông. | 2014-2020 | Vụ KH&CN | Tổng cục ĐBVN, Viện KH&CN GTVT, các trường, hội, hiệp hội GTVT |
6 | Nghiên cứu triển khai các giải pháp công nghệ mới tăng cường an toàn giao thông. | 2014-2020 | Vụ ATGT | Ủy ban ATGTQG, Vụ KH&CN, Viện KH&CN GTVT, Viện CL và PT GTVT |
7 | Triển khai ứng dụng công nghệ mới bảo vệ chống ăn mòn kết cấu; đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi công nghệ cào bóc tái chế, công nghệ vật liệu mới, vật liệu chế sẵn, vật liệu thân thiện với môi trường. | 2014-2020 | Tổng cục ĐBVN | Vụ KH&CN, Viện KH&CN GTVT, Các trường; hội, hiệp hội GTVT |
8 | Nghiên cứu ứng dụng KH&CN GTVT về biển và hải đảo, vùng nước sâu, xa bờ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. | 2014-2020 | Cục Hàng hải VN | Trường Đại học; Hàng hải, các hội, hiệp hội GTVT |
C | Lĩnh vực vận tải | |||
1 | Nghiêu cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến, hệ thống giao thông thông minh trong quản lý điều hành, khai thác vận tải đường bộ (hệ thống trung tâm điều hành vận tải, trạm dừng nghỉ, kiểm soát tải trọng xe, hiện đại hóa thu phí đường bộ, thiết bị kiểm soát hành trình...). | 2014-2020 | Vụ Vận tải | Tổng cục ĐBVN, Vụ KH&CN, Các Cục, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT |
2 | Ứng dụng KH&CN trong tổ chức điều hành vận tải, thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe, dịch vụ vận tải ngành đường sắt (Hiện đại hóa công tác quản lý, Hệ thống tín hiệu tự động trong điều hành vận tải đường sắt quốc gia, Trung tâm điều hành vận tải; bán vé tự động; quản lý đường ngang, an toàn đối với đường sắt đô thị...). | 2014-2020 | Vụ Vận tải | Cục ĐSVN, Vụ KH&CN, TCT ĐSVN, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, các hội, hiệp hội GTVT |
3 | Nghiên cứu ứng dụng KH&CN nâng cao tốc độ khai thác phương tiện thủy nội địa, nâng cao năng lực xếp dỡ, phát triển hệ thống báo hiệu thủy phù hợp với tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. | 2014-2020 | Cục Đường thủy nội địa | Vụ KH&CN, Vụ Vận tải, các hội, hiệp hội GTVT |
4 | Ứng dụng KH&CN tiên tiến phục vụ khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải như: tự động nhận dạng công-te-nơ, ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử hàng hải nhằm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế. | 2014-2018 | Cục Hàng hải Việt Nam | Vụ KH&CN, Vụ KCHTGT, các hội, hiệp hội, TCT Hàng hải Việt Nam |
5 | Hiện đại hóa hệ thống báo hiệu hàng, hải; hệ thống các đài thông tin duyên hải Việt Nam; phát triển các hệ thống thông tin hỗ trợ hàng hải, quản lý và theo dõi tàu thuyền hoạt động ven biển; hệ thống công nghệ thông tin ngành hàng hải. | 2014-2020 | Cục Hàng hải Việt Nam | Vụ KH&CN, Vụ KHĐT, các TCT Bảo đảm an toàn hàng hải, TCT Hàng hải Việt Nam |
6 | Ứng dụng KH&CN tiên tiến, thiết lập hệ thống các trạm quan trắc thủy hải văn tự động phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải tại các khu vực có mật độ lớn tàu thuyền và chế độ thủy hải văn phức tạp. Hiện đại hóa hệ thống quản lý hàng hải: danh bạ điện tử, hệ thống CNTT ngành hàng hải... | 2014-2020 | Cục Hàng hải Việt Nam | Vụ KH&CK, Vụ KHĐT, Trung tâm CNTT-Bộ GTVT, TCT Hàng hải Việt Nam, các cảng vụ hàng hải, các TCT. Bảo đảm an toàn hàng hải, hội, hiệp hội GTVT. |
7 | Hiện đại hóa đội tàu tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam. | 2014-2018 | Cục Hàng hải Việt Nam | Trung tâm Phối hợp TKCN hàng hải Việt Nam, Vụ KH&CN, KHĐT, TCT Hàng hải Việt Nam |
8 | Nghiên cứu hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực hoạt động thương mại, kỹ thuật khai thác và quản lý như công nghệ tự động hóa, số hóa, công nghệ dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu thông qua vệ tinh. | 2014-2017 | Cục Hàng không Việt Nam | Vụ KH&CN, TCT Quản lý bay Việt Nam, các Viện, trường |
9 | Nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong quá trình khai thác phương tiện, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cảng hàng không. | 2014-2020 | Cục Hàng không Việt Nam | Vụ KH&CN, Viện CL và Phát triển GTVT, TCT Cảng hàng không Việt Nam |
D | Lĩnh vực công nghiệp GTVT | |||
1 | Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến hoàn thiện các dây chuyền sản xuất, lắp ráp các loại xe tải nhẹ, xe buýt, xe khách…; đẩy mạnh nghiên cứu thực nghiệm, phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các phương tiện đảm bảo phục vụ giao thông tiếp cận. | 2014-2020 | Vụ KH&CN | TCT Công nghiệp ô tô Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, các hội, hiệp hội GTVT |
2 | Nghiên cứu tiếp nhận và chuyển giao công nghệ bảo trì, khai thác và công nghiệp phụ trợ đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị. | 2014-2020 | Cục ĐSVN | Vụ KH&CN, TCT Đường sắt Việt Nam, các trường, hội, hiệp hội |
3 | Nghiên cứu thử nghiệm, thiết kế, chế tạo các sản phẩm như tàu chở hàng tổng hợp, tàu chở dầu và tàu chở khí hóa lỏng, tàu container, tàu đánh cá, tàu du lịch, tàu chuyên dụng phục vụ các lực lượng vũ trang, tàu công trình, tìm kiếm cứu nạn; tàu tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. | 2014-2020 | Cục Hàng hải Việt Nam | Vụ KH&CN, TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, các doanh nghiệp đóng tàu |
4 | Nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến sản xuất thiết bị đèn biển, thiết bị báo hiệu vô tuyến điện RACON, AIS… | 2014-2020 | Cục Hàng hải Việt Nam | Vụ KH&CN, KHĐT, các TCT Bảo đảm an toàn hàng hải. |
5 | Nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ bảo dưỡng sửa chữa các loại máy bay và các thiết bị hiện đại của ngành Hàng không Việt Nam. | 2014-2020 | Cục Hàng không Việt Nam | Vụ KH&CN, TCT Hàng không Việt Nam |
6 | Nghiên cứu công nghệ chế tạo phụ tùng, phụ kiện máy bay; sản xuất các hệ thống thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không. | 2014-2020 | Cục Hàng không Việt Nam | Vụ KH&CN, TCT Hàng không Việt Nam, TCT Quản lý bay VN |
7 | Dự án xây dựng Trung tâm thử nghiệm ô tô Việt Nam. | 2014-2020 | Cục Đăng kiểm Việt Nam | Vụ KH&CN, Vụ Kế hoạch - Đầu tư, TCT Công nghiệp ô tô Việt Nam |
8 | Nâng cấp máy móc, trang thiết bị để phục vụ thử nghiệm khí thải theo tiêu chuẩn Euro 5 và thử nghiệm khí thải các loại xe, động cơ đặc biệt. | 2014-2020 | Cục Đăng kiểm Việt Nam | Vụ KH&CN, Vụ Môi trường |
Ghi chú: Vụ KH&CN chủ trì tham mưu, điều chỉnh, bổ sung Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên và lộ trình thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.
- 1Quyết định 662/QĐ-BGTVT phê duyệt danh sách đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ thuộc Chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực an toàn giao thông và phòng chống sụt trượt năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Nghị quyết 133/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 3Quyết định 380/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 24/QĐ-BGTVT năm 2016 Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 5Công văn 1755/VPCP-CN năm 2018 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Quyết định 418/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị định 107/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
- 3Quyết định 662/QĐ-BGTVT phê duyệt danh sách đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ thuộc Chương trình phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ về lĩnh vực an toàn giao thông và phòng chống sụt trượt năm 2013 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 5Nghị quyết 133/2014/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- 6Quyết định 380/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 24/QĐ-BGTVT năm 2016 Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 8Công văn 1755/VPCP-CN năm 2018 về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
Quyết định 2490/QĐ-BGTVT năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Giao thông vận tải giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 2490/QĐ-BGTVT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2014
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Đinh La Thăng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra