Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 249-CT

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 1992

 

CHỈ THỊ

QUYẾT ĐỊNH VỀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN THANH TOÁN NỢ GIAI ĐOẠN II 

Kết thúc công tác thanh toán nợ giai đoạn I, đã có trên 10 nghìn doanh nghiệp Nhà nước tham gia kê khai xác nhận 8.841 tỷ đồng tiền nợ, chiếm trên 80% tổng số công nợ trong cả nước; có 4.624 doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động được thanh toán số nợ 2.459 tỷ đồng, góp phần làm cho tình hình tài chính lành mạnh hơn, giải phóng được vốn và sản xuất, kinh doanh một bước được ổn định hơn.

Kết quả đạt được của công tác thanh toán nợ giai đoạn I là rất quan trọng, song mới chỉ giải quyết được các khoản nợ dây dưa, chiếm dụng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động, một bộ phận lớn nợ giữa các doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp đã giải thể, hoặc đã ngừng hoạt động vẫn còn tồn đọng chưa được thanh toán, xử lý.

Để tiếp tục thực hiện tổng thanh toán nợ đạt kết quả theo yêu cầu đã đặt ra, lập lại kỷ cương trật tự trong kinh tế, khắc phục triệt để tình trạng nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau tái diễn, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng các Ban, ngành ở Trung ương, Chủ tịch ủy ban Nhân dân các tỉnh và thành phố tiếp tục chỉ đạo công tác tổng thanh toán nợ trong thời gian tới như sau:

1. Tiến hành đánh giá đầy đủ, nghiêm túc mức độ nghiêm trọng của tình hình nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau giữa các doanh nghiệp thuộc Bộ, ngành và địa phương mình, xác định rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan như : do những sơ hở và buông lỏng quản lý, do yếu kém về năng lực và trình độ hiểu biết của cán bộ, đặc biệt là do cố ý làm trái để chiếm đoạt và làm thất thoát tài sản. Trên cơ sở đó đề ra các biện pháp nhằm chấn chỉnh quản lý, không để tình trạng nợ nần dây dưa, chiếm dụng vốn lẫn nhau tái diễn; đồng thời xác định hình thức và mức độ xử lý về hành chính, kinh tế và pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.

2. Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện đề án và kế hoạch triển khai thanh toán nợ giai đoạn II, với những nội dung sau đây:

- Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai nợ và xác nhận nợ một cách đầy đủ, trung thực, khách quan; phát hiện và kịp thời ngăn chặn các hiện tượng lẩn trốn, gian dối hoặc lợi dụng trong kê khai xác nhận nợ.

- Tiến hành đối chiếu, xác minh rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và quy trách nhiệm cụ thể đối với từng doanh nghiệp trong việc để nợ nần dây dưa, làm mất khả năng thanh toán, làm thất thoát tài sản.

Đối với các khoản nợ do nguyên nhân chủ quan gây nên, cần được xử lý nghiêm khắc cả về hành chính, kinh tế, pháp luật; thực hiện việc cưỡng chế, phong toả và phát mại tài sản, phong toả tài khoản, truy cứu trách nhiệm về hành chính và pháp luật, đồng thời buộc các doanh nghiệp và cá nhân (nếu có), phải thanh toán nợ đầy đủ theo đúng pháp luật.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật do Toà án Nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Trọng tài kinh tế Nhà nước ban hành các quy định và hướng dẫn việc cưỡng chế, phong toả, phát mại tài sản, truy cứu trách nhiệm, xử lý mợ theo đúng pháp luật.

Đối với những trường hợp do nguyên nhân khách quan, cần được xem xét cụ thể từng trường hợp, tập hợp đầy đủ hồ sơ tài liệu có sự xác nhận của các cơ quan chức năng và của Ban thanh toán nợ của Bộ, ngành chủ quản (nếu là doanh nghiệp Trung ương) hoặc Ban thanh toán nợ tỉnh, thành phố (nếu là doanh nghiệp địa phương) báo cáo về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để xem xét sử lý về mặt tài chính. Bộ tài Chính, Ngân hàng Nhà nước ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn việc xác định, kê khai, xử lý các loại nợ do nguyên nhân khách quan gây ra.

3. Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo thanh toán nợ ở các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, trưng tập và bổ sung thêm cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực để thực hiện đầy đủ các quy định của đề án và kế hoạch thanh toán nợ giai đoạn II.

Trong việc chỉ đạo kê khai thanh toán và xử lý nợ phải tập trung có trọng điểm, phân rõ trách nhiệm của từng cấp để vừa phù hợp với tình hình cụ thể từng nơi, vừa bảo đảm thực hiện được yêu cầu của giai đoạn II cả về nội dung và thời gian, không để chậm trễ hoặc kéo dài.

Do tính chất phức tạp của thanh toán nợ giai đoạn II, ngay từ đầu, Ban chỉ đạo thanh toán nợ các cấp, Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành và Chủ tịch ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố cần phải thực hiện ngay các biện pháp cưỡng chế quyết liệt, thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc chấp hành của các doanh nghiệp, kịp thời khen thưởng động viên những doanh nghiệp chấp hành tốt, phê bình, khiển trách và xử lý kỷ luật những đơn vị và cá nhân không chấp hành đầy đủ hoặc chậm trễ.

Từng thời gian (theo quy định) các bộ, ngành, và ủy banh Nhân dân các tỉnh, thành phố phải báo cáo kết quả triển khai của ngành và địa phương mình về Ban Thanh toán nợ Trung ương, tổng hợp báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để chỉ đạo.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 249-CT năm 1992 về việc chỉ đạo thực hiện thanh toán nợ giai đoạn II do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 249-CT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/07/1992
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 31/07/1992
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 17/07/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản