Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2484/QĐ-UB

Bình Phước, ngày 30 tháng 12 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ, THỊ TRẤN Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ nhiệm vụ và Quyền hạn của Ủy ban Nhân dân Tỉnh được quy định trong Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp (sửa đổi) đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21/06/1994.

Căn cứ Nghị định số 50/CP ngày 26/07/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn.

Theo đề nghị của Trưởng ban Tổ chức chính quyền Tỉnh và Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá Tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, thị trấn ở tỉnh Bình Phước”.

ĐIỀU 2: Quyết định này thay thế Quyết định số 2112/QĐ-UB ngày 08/06/1996 của Ủy ban Nhân dân Tỉnh Sông Bé (đã được áp dụng tại Tỉnh Bình Phước năm 1997).

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

ĐIỀU 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Bùi Huy Thống

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ ĐỐI VỚI CÁN BỘ XÃ, THỊ TRẤN Ở TỈNH BÌNH PHƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2484/QĐ-UB, ngày 30/12/1997 của UBNd Tỉnh Bình Phước)

A. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG CỦA UBND XÃ, THỊ TRẤN

ĐIỀU 1: Xã, thị trấn (dưới đây gọi tắt là xã) là đơn vị hành chính cơ sở. Chính quyền xã là cấp chính quyền cơ sở trong hệ thống bộ máy hành chính Nhà nước 4 cấp của nước ta. Ủy ban Nhân dân xã là cơ quan chấp hành của Hội đồng Nhân dân xã đồng thời chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ủy ban Nhân dân cấp trên trực tiếp.

Ủy ban Nhân dân xã có chức năng quản lý hành chính Nhà nước về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng và chăm lo đời sống nhân dân trên địa bàn. Nhằm đảm bảo cho Hiến pháp và pháp luật được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh ở địa phương phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động, động viên mọi người công dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Cán bộ xã là những cán bộ được bầu cử theo nhiệm kỳ, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại xã và được hưởng chế độ sinh hoạt phí hàng tháng.

B. SỐ LƯỢNG CÁN BỘ CHO TỪNG LOẠI XÃ VÀ MỨC SINH HOẠT PHÍ

ĐIỀU 2: quy định số lượng cán bộ làm công tác Đảng, chính quyền ở xã hưởng sinh hoạt phí như sau:

- Xã loại 1 bố trí không quá 20 cán bộ.

- Xã loại 2 bố trí không quá 18 cán bộ.

- Xã loại 3 bố trí không quá 16 cán bộ.

- Xã loại 4 bố trí không quá 14 cán bộ.

Các xã biên giới bao gồm: Lộc Thành, Lộc Tấn, Lộc Hòa, Lộc An, Tân Tiến, Thanh Hòa, Thiện Hưng, Hưng Phước thuộc huyện Lộc Ninh và xã ĐakƠ thuộc huyện Phước Long được bố trí thêm 9 dân quân thường trực cho mỗi xã.

Riêng xã Thanh Lương thuộc huyện Bình Long được bố trí 7 dân quân thường trực.

Số lượng cán bộ quy định cho từng xã nêu trên tính cả cán bộ biệt phái do huyện điều về và chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (nếu có).

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tình hình đặc điểm cụ thể của xã để bố trí cán bộ hợp lý, đảm bảo hoàn thành mọi mặt công tác của xã. Không được bố trí số lượng cán bộ cao hơn quy định tại Điều 2 này.

ĐIỀU 3: Khu, ấp, thôn, sóc được phân loại và thống nhất tên gọi như sau:

1. Xã được phân thành 4 loại:

a) Xã loại 1 bao gồm:

- Các thị trấn trong Tỉnh, các xã biên giới, các xã có trên ½ dân số là đồng bào dân tộc các miền núi được quy định tại Quyết định số 21/QĐ – UB ngày 23/05/1997 và Quyết định số 68/UB-QĐ ngày 09/08/1997 của Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc và miền núi.

- Các xã có trên 9.000 dân.

b) Xã loại 2 bao gồm:

Các xã có từ 6.000 đến 9.000 dân.

c) Xã loại 3 bao gồm:

Các xã có từ 3.000 đến 6.000 dân.

d) Xã loại 4 bao gồm:

Các xã có dưới 3.000 dân.

2. Dưới xã có các khu , ấp, thôn, sóc nay thống nhất tên gọi như sau:

- Dưới thị trấn gọi là khu.

- Dưới xã gọi là ấp, những xã có số đồng bào dân tộc ít người mà trước đây tên gọi là sóc thì có thể được giữ nguyên tên gọi là sóc (dưới đây gọi tắt là ấp).

Ấp được phân chia thành 3 loại như sau:

+ Ấp loại 1: Gồm các ấp có trên 300 hộ.

+ Ấp loại 2: Gồm các ấp có từ 150 hộ đến dưới 300 hộ.

+ Ấp loại 3: Gồm các ấp có dưới 150 hộ.

ĐIỀU 4: Căn cứ vào số lượng cán bộ hưởng sinh hoạt phí được quy định tại Điều 2 nêu trên để bố trí vào chức danh như sau:

a) Hệ Đảng:

- Bí thư Đảng ủy xã (hoặc bí thư chi bộ nơi chưa thành lập Đảng ủy).

- Phó bí thư (hoặc Thường trực cấp ủy xã).

b) Hệ chính quyền:

+ Hội đồng nhân dân xã:

- Chủ tịch Hội đồng Nhân dân (có thể do đồng chí Bí thư kiêm nhiệm).

- Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng Nhân dân và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thực hiện theo Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp.

+ Ủy ban nhân dân xã: Thực hiện theo Nghị định 174/CP ngày 29/09/1994 của Chính phủ, cụ thể:

- Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách chung, kinh tế và đất đai.

- 01 Phó Chủ tịch phụ trách nội chính trực tiếp làm trưởng Công an hoặc phụ trách nông nghiệp, hoặc phụ trách khối văn xã.

- 01 Ủy viên Ủy ban Nhân dân phụ trách công tác quân sự trực tiếp làm xã đội trưởng.

- 01 Ủy viên Ủy ban Nhân dân phụ trách công tác tài chính, ngân sách, kế hoạch, thống kê, thương nghiệp, dich vụ.

- 01 Ủy viên Ủy ban Nhân dân phụ trách công tác văn hóa xã hội trực tiếp làm công tác môi trường, văn hóa thông tin – thể dục thể thao.

- 01 Ủy viên Ủy ban Nhân dân phụ trách công tác giao thông, xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- 01 Ủy viên Ủy ban Nhân dân phụ trách công tác văn phòng.

- 01 văn thư, đánh máy, lưu trữ, thủ quỹ.

- 01 cán bộ phụ trách Tư pháp, hộ tịch, hòa giải.

- 01 cán bộ phụ trách công tác thanh tra nhân dân.

- 01 cán bộ phụ trách công tác địa chính, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng, nhà đất.

- 01 cán bộ phụ trách công tác địa chính, sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng, nhà đất.

- 01 cán bộ phụ trách công tác lao động – TBXH và công tác BHXH.

- 01 cán bộ phụ trách công tác dân số KHHGD và bảo vệ chăm sóc trẻ em.

- 01 kế toán ngân sách.

- 01 Phó công an (hoặc cán bộ) giúp Trưởng công an thực hiện công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và an ninh trật tự địa phương.

- 01 xã đội phó (hoặc cán bộ) giúp xã đội trưởng thực hiện công tác quân sự địa phương.

Căn cứ vào tình hình đặc điểm cụ thể của từng xã, Ủy ban Nhân dân huyện hướng dẫn các xã bố trí số lượng cán bộ phù hợp với từng loại xã, đảm bảo hoàn thành mọi mặt công tác của xã.

ĐIỀU 5: Mức sinh hoạt phí hàng tháng đối với cán bộ làm công tác đảng, chính quyền, đoàn thể ở xã được thực hiện theo Nghị định 50/CP của Chính phủ và Tỉnh trợ cấp thêm, cụ thể:

- Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã: 200.000 đồng. Ngân sách Tỉnh trợ cấp thêm: 100.000 đồng.

- Phó Bí thư, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng Công an xã, Xã đội trưởng, Trưởng các đoàn thể như quy định tại Điều 7: 180.000 đồng. Ngân sách Tỉnh trợ cấpthêm: 70.000 đồng.

- Ủy viên Ủy ban Nhân dân xã, Trưởng đầu ngành, Phó Công an, Xã đội phó: 160.000 đồng. Ngân sách Tỉnh trợ cấp thêm: 40.000 đồng.

- Các chức danh chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân xã còn lại: 160.000 đồng.

- Dân quân thường trực các xã biên giới không hưởng sinh hoạt phí mà do Ngân sách Tỉnh trợ cấp hàng tháng: 100.000 đồng.

ĐIỀU 6: Mỗi ấp được bố trí 01 Trưởng ấp do nhân dân trong ấp chọn cử, Ủy ban Nhân dân xã quyết định. Nhiệm kỳ của Trưởng ấp là 2 năm rưỡi.

Mỗi ấp được hưởng chế độ công tác phí hàng tháng và ngân sách Tỉnh trợ cấp thêm phụ cấp khóan cho từng loại ấp như sau:

+ Ấp loại 1 được hưởng:

- Chế độ công tác phí: 40.000 đồng.

- Trợ cấp thêm: 160.000 đồng.

+ Ấp loại 2 được hưởng:

- Chế độ công tác phí: 40.000 đồng.

- Trợ cấp thêm: 130.000 đồng.

+ Ấp loại 3 được hưởng:

- Chế độ công tác phí: 40.000 đồng.

- Trợ cấp thêm: 100.000 đồng.

Ấp không phải là một cấp hành chính.

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ấp được thực hiện theo Quyết định 164/TCCP – CCVC ngày 29/06/1995 của Ban tổ chức – cán bộ Chính Phủ.

Việc tách, nhập ấp phải qua khảo sát thực tế và được thống nhất trước với ban Tổ chức chính quyền Tỉnh sau đó Ủy ban Nhân dân huyện ra quyết định.

ĐIỀU 7: Khoán kinh phí hoạt động hàng năm cho: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội chữ thập đỏ, Hội cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở xã như sau:

Mỗi đoàn thể: 200.000 đồng

ĐIỀU 8: a) Trường hợp Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân hoặc kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thì mỗi tháng được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm là 30.000 đồng (kể cả cán bộ biệt phái). Nếu là cán bộ biệt phái thì tiền lương và phụ cấp (nếu có) do cơ quan điều động chi trả (do ngân sách huyện hoặc ngân sách Đảng Huyện ủy).

Nếu 01 cán bộ kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau thì chỉ hưởng mức sinh hoạt phí chức danh có mức cao nhất.

b) Các chức danh hưởng sinh hoạt phí nêu tại Điều 5 Bản quy định này (kể cả Mặt trận và đoàn thể) nếu giữ cùng một chức vụ từ nhiệm kỳ 2 trở đi (sau 5 năm) thì được hưởng thêm mức phụ cấp hàng tháng bằng 5% mức sinh hoạt phí được quy định tại Điều 11 dưới đây.

ĐIỀU 9: a) Cán bộ xã nghỉ việc đang hưởng chế độ hàng tháng theo Quyết định số 130/CP. 111/HĐBT nay được hưởng mức trợ cấp hàng tháng kể từ ngày 01/07/1995 theo Nghị định 50/CP của chính phủ, cụ thể như sau:

- Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã: 100.000 đồng/tháng.

- Phó bí thư, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an, xã đội trưởng: 90.000 đồng/tháng

b) Trường hợp cán bộ xã đã nghỉ việc đang hưởng chế độ hàng tháng theo Quyết định 130/CP , 111/HĐBT ở các tỉnh khác di dân đến Bình Phước để lập nghiệp theo kế hoạch của Tỉnh, nếu có đầy đủ giấy tờ hợp lệ theo quy định thì Chủ tịch ủy ban Nhân dân huyện xem xét ra quyết định tiếp nhận và cho hưởng trợ cấp hàng tháng như cán bộ xã ở tỉnh đồng thời gửi 01 bản về Ban tổ chức chính quyền và 01 bản gửi về Sở Tài chính – Vật giá để theo dõi cấp phát.

ĐIỀU 10: a) Cán bộ xã (trừ cán bộ biệt phái) làm việc tại xã liên tục 5 năm trở lên, không vi phạm kỷ luật từ cảnh cáo trở lên hoặc bị bãi nhiệm, khi nghi việc được hưởng trợ cấp 01 lần. Cứ mỗi năm công tác được hưởng 01 tháng trợ cấp bằng mức sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định tại Điều 11 dưới đây. Đối với đối tượng được hưởng phụ cấp 5% (tại điểm b, Điều 8) được cộng thêm khoản phụ cấp này để tính trợ cấp nghỉ việc.

ĐIỀU 11: Mức sinh hoạt phí dùng để tính phụ cấp (Điểm b, Điều 8), trợ cấp nghỉ việc (Điểm a, Điều 10) thực hiện theo Nghị định 50/CP, cụ thể là:

- Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân: 200.000 đồng.

- Phó bí thư, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân, Trưởng Công an, xã đội trưởng, Trưởng các đoàn thể như quy định tại Điều 7 quyết định này: 180.000 đồng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện ra quyết định đối với các trường hợp cán bộ xã nghỉ việc được hưởng trợ cấp 01 lần và các khoản phụ cấp nêu tại Điều 8 Bản quy định này và chịu trách nhiệm về mọi sai sót khi ban hành quyết định đó, đồng thời gửi 01 bản về Ban Tổ chức chính quyền và 01 bản về Sở Tài chính – Vật giá để theo dõi cấp phát.

ĐIỀU 12: Đối với những người đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ theo chế độ trợ cấp 01 lần, nếu về xã làm cán bộ ở xã thì được hưởng mức sinh hoạt phí hàng tháng theo quy định tại Điều 5 Bản quy định này. Khi thôi làm công tác ở xã thì không được hưởng trợ cấp quy định tại Điều 10 Bản quy định này.

13: Cán bộ xã được cử đi học các lớp đào tạo, bồi dưỡng được đài thọ tiền tàu xe, tiền học phí, tiền ăn theo quy định của Tỉnh.

Cán bộ xã dược hưởng các chế độ khám chữa bệnh, thai sản, công tác phí, trợ cấp khó khăn và trợ cấp mai táng như công nhân viên chức Nhà nước.

14: Kinh phí chi trả mức sinh hoạt phí, phụ cấp, trợ cấp, công tác phí và các khoản khác theo chế độ cho cán bộ xã do ngân sách xã tự cân đối, nếu nguồn thu ngân sách xã theo quy định không cân đối được với chi thì ngân sách cấp trên bổ sung cho đủ.

15: Giao cho Trưởng Ban Tổ chức chính quyền cùng Giám đốc Sở Tài chính – Vật giá theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra các huyện, xã, thị trấn thực hiện theo đúng nội dung Bản quy định này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2484/QĐ-UB năm 1997 về Quy định chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, thị trấn ở tỉnh Bình Phước

  • Số hiệu: 2484/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/12/1997
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Bùi Huy Thống
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/12/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 08/08/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản