Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2480/2016/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 08 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ GIAO KẾ HOẠCH VỐN THỰC HIỆN CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002; Nghị định số 60/2003/NĐ-NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT ngày 25/12/2014 của Bộ Giao thông Vận tải về việc ban hành “Hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”;

Căn cứ Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 của Bộ Giao thông Vận tải về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giao thông nông thôn (GTNT) Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Căn cứ Nghị quyết số 150/2015/NQ-HĐND ngày 11/12/ 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về cơ chế khuyến khích phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020;

Thực hiện Công văn số 292/CV-HĐND ngày 21/6/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tiêu chí giao kế hoạch vốn thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa tại Tờ trình số 2631/TTr-SGTVT ngày 28/6/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy định tiêu chí giao kế hoạch vốn thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển GTNT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. Nguyên tắc phân vốn:

1. Trên cơ sở kinh phí được Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao hàng năm; số km đường GTNT cần phải cứng hóa; số đơn vị hành chính của từng địa phương và kế hoạch mở mới đường thôn (bản) ở các xã thuộc vùng 3 của Tỉnh đoàn Thanh Hóa để phân bổ.

2. Vốn phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố được phân bổ ngay từ đầu năm để tổ chức triển khai thực hiện.

3. Đối với đường xã hỗ trợ không quá 10km/huyện/năm.

4. Đối với đường thôn (bản) không quá 20km/huyện/năm (đối với huyện đồng bằng), không quá 10km/huyện/năm (đối với huyện miền núi).

5. Những huyện đã đạt cứng hóa 85% đường xã, 75% đường thôn (bản), nhưng số km còn lại vượt số km quy định hỗ trợ tại mục 3 và mục 4 phần này sẽ được phân đều theo số năm của giai đoạn 2016 - 2020 còn lại để thực hiện.

II. Phân bổ vốn hàng năm:

1. Phân bổ 02 tỷ đồng/01 năm cho tỉnh đoàn thực hiện mở mới đường thôn (bản) trên địa bàn các xã thuộc vùng 3.

2. Phần kinh phí còn lại được bố trí cho các huyện theo tỷ lệ: 30% kinh phí phân bổ theo số đơn vị hành chính (không bao gồm các đơn vị phường, thị trấn); 70% phân bổ theo số km cần phải cứng hóa (bằng phương pháp tính điểm).

3. Các địa phương sau khi được phân bổ kinh phí thực hiện như sau:

a) Các huyện thuộc khu vực đồng bằng bố trí không quá 40% kinh phí tỉnh hỗ trợ cho các công trình thoát nước, kinh phí còn lại hỗ trợ cứng hóa đường GTNT.

b) Các huyện thuộc khu vực miền núi bố trí không quá 60% kinh phí tỉnh hỗ trợ cho các công trình thoát nước, kinh phí còn lại hỗ trợ cứng hóa đường GTNT.

III. Cách tính điểm phân bổ vốn:

1. Giao kế hoạch vốn theo đơn vị hành chính của từng địa phương: Căn cứ số đơn vị hành chính để thực hiện giao vốn hàng năm cho các huyện theo công thức sau:

K1 = B x (nhân với) tổng số xã của mỗi huyện.

Trong đó:

- K1 là kinh phí giao cho mỗi huyện;

- B là kinh phí cấp đều cho 01 xã: (30% kinh phí còn lại của năm kế hoạch/tổng số xã trên toàn tỉnh được hỗ trợ theo quy định).

2. Giao kế hoạch vốn theo số km đường cần phải cứng hóa: Căn cứ số km đường cần phải cứng hóa của từng địa phương để thực hiện giao kế hoạch vốn hàng năm thực hiện theo phương pháp tính điểm và công thức như sau:

a) Điểm quy đổi:

- Đường thôn (bản):

+ Đồng bằng: 1km = 1 điểm.

+ Miền núi: 1km = 1,5 điểm.

- Đường xã:

+ Đồng bằng: 1km = 2,1 điểm.

+ Miền núi: 1km = 2,85 điểm.

b) Công thức tính:

K2 = D x (nhân với) số điểm của từng địa phương.

Trong đó:

K2 là tổng kinh phí cho mỗi huyện

D là số tiền cho 1 điểm (70% vốn còn lại của năm kế hoạch/tổng số điểm của các huyện trên toàn tỉnh được hỗ trợ theo quy định)

3. Tổng vốn cấp hàng năm cho mỗi huyện là: K = K1 + K2.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải:

a) Tham mưu, đề xuất giao chỉ tiêu kế hoạch vốn hỗ trợ cho các đơn vị;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hỗ trợ đối với các dự án ở các địa phương bảo đảm đúng các tiêu chí theo quy định.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính:

Sở Tài chính có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các huyện và các Chủ đầu tư thực hiện việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí khuyến khích phát triển giao thông nông thôn theo chế độ quản lý tài chính hiện hành.

3. Trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã và chủ đầu tư công trình:

a) UBND cấp huyện, xã và chủ đầu tư công trình có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, tổ chức thực hiện các dự án, công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và thực hiện thanh, quyết toán theo đúng các quy định hiện hành.

b) UBND cấp huyện chủ động trong việc lập kế hoạch hỗ trợ các công trình dự kiến thực hiện trong năm sau trên cơ sở khả năng huy động nguồn đối ứng của địa phương và gửi về Sở Giao thông Vận tải (GTVT) trước ngày 30/11 của năm trước để tổng hợp.

c) UBND các huyện báo cáo kết quả thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển giao thông nông thôn trong năm gửi về Sở GTVT trước ngày 15/11 hàng năm để kiểm tra kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;

d) Trường hợp không thực hiện được việc xây dựng các công trình (vì lí do khách quan) muốn điều chuyển giữa việc cứng hóa mặt đường và xây dựng công trình thoát nước, UBND các huyện phải có báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7 trong năm kế hoạch, khi UBND tỉnh chấp thuận mới được thực hiện.

đ) UBND huyện không hoàn thành đúng yêu cầu đề ra thì Chủ tịch UBND huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và xem xét bị thu hồi phần kinh phí thực hiện sai, giảm trừ phần kinh phí được cấp vào năm sau.

e) Tổ chức thực hiện nghiêm theo quy định tại Quyết định số 80/2005/QĐ- TTg ngày 18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng; Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ về về giám sát và đánh giá đầu tư; Văn bản số 813-CV/TU ngày 20/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường công tác phối hợp giữa các chủ đầu tư với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 915/2013/QĐ-UBND ngày 21/3/2013 của UBND tỉnh về cơ chế khuyến khích phát triển đường giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2015.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở: Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Anh Tuấn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2480/2016/QĐ-UBND về quy định tiêu chí giao kế hoạch vốn thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển giao thông nông thôn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 2480/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/07/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản