BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 248/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2015 |
CÔNG BỐ CÁC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ TUYỂN SINH VÀO CÁC TRƯỜNG TRONG QUÂN ĐỘI
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Nghị định số 35/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 03/2014/TT-BQP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Bộ Quốc phòng về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội;
Xét đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng tại Tờ trình số 1784/TTr-TM ngày 31 tháng 10 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công bố kèm theo Quyết định này các thủ tục hành chính về tuyển sinh vào các trường trong Quân đội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổng Tham mưu trưởng, Chỉ huy các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
(Ban hành kèm theo Quyết định số 248/QĐ-BQP ngày 27 tháng 01 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
STT | Tên thủ tục hành chính | Lĩnh vực | Cơ quan thực hiện |
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP TỈNH | |||
1 | Thủ tục tuyển sinh theo chế độ cử tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp | Tuyển sinh quân sự | Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh |
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN | |||
1 | Thủ tục tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy | Tuyển sinh quân sự | Ban chỉ huy quân sự cấp huyện |
2 | Thủ tục tuyển sinh đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở | Tuyển sinh quân sự | Ban chỉ huy quân sự cấp huyện |
1. Thủ tục tuyển sinh theo chế độ cử tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp
Trình tự thực hiện:
1. Căn cứ chỉ tiêu cử tuyển do Bộ Quốc phòng giao, Ban Tuyển sinh quân sự và cơ quan chức năng các quân khu hoặc tương đương phân bổ chỉ tiêu cho các đơn vị, địa phương trực thuộc và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, chỉ tiêu phải bảo đảm đúng cơ cấu vùng miền.
2. Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh và tương đương tổ chức sơ tuyển và hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ theo mẫu quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
3. Ban Tuyển sinh quân sự các cấp xét duyệt, thông qua cấp ủy cùng cấp và báo cáo đề nghị với các trường.
4. Hội đồng tuyển sinh các trường thẩm định, báo cáo đề nghị với Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (qua Cơ quan Thường trực).
5. Cơ quan Thường trực chủ trì, phối hợp với Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị, Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu thẩm định và đề xuất danh sách đủ tiêu chuẩn cử tuyển xong trước ngày 10 tháng 8; tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Cách thức thực hiện: Thí sinh làm hồ sơ theo mẫu quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng nộp cho Ban Tuyển sinh cấp sư đoàn, cấp tỉnh và tương đương.
Thành phần hồ sơ:
1. 03 phiếu đăng ký dự thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng;
2. 01 phiếu khám sức khỏe;
3. 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên đối với những thí sinh thuộc diện ưu tiên;
4. 06 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 cm theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 Thông tư này.
5. Bản sao giấy khai sinh.
6. Bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đối với thí sinh chưa được cấp bằng tốt nghiệp).
7. Bản sao học bạ trung học phổ thông.
8. Các giấy chứng nhận đối tượng mà thí sinh được hưởng ưu tiên xét cử tuyển.
9. Giấy xác nhận hộ khẩu thường trú do Trưởng Công an xã, phường, thị trấn có thẩm quyền cấp (phải ghi rõ thời gian từ khi đến cư trú tại địa phương).
10. Bản sao (không công chứng) quyết định và trang tên địa phương nơi thí sinh cư trú thuộc vùng được cử tuyển;
Trường hợp xã mới chia tách hoặc sáp nhập phải có bản sao quyết định của cấp có thẩm quyền, đồng thời ghi rõ vào phần ghi chú trong danh sách đề nghị của đơn vị.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết:
1. Tổ chức sơ tuyển và thí sinh làm hồ sơ, thực hiện xong trước ngày 25 tháng 6 hằng năm.
2. Xét duyệt và báo cáo đề nghị với các trường trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.
3. Hội đồng tuyển sinh các trường thẩm định, báo cáo đề nghị với Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng trước ngày 15 tháng 7 hằng năm.
4. Thẩm định và đề xuất danh sách đủ tiêu chuẩn cử tuyển xong trước ngày 10 tháng 8; tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định trước ngày 30 tháng 8 hằng năm.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
1. Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Trưởng ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
2. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.
3. Cơ quan trực tiếp thực hiện: Ban Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, sư đoàn và tương đương.
4. Cơ quan phối hợp: Cục Cán bộ/Tổng cục Chính trị, Cục Quân lực/Bộ Tổng Tham mưu.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Quyết định vào học của Trưởng Ban tuyển sinh Bộ Quốc phòng.
Lệ phí: Không
Tên mẫu đơn, tờ khai:
1. Phiếu đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự. Mẫu biểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hằng năm;
2. Phiếu đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự Mẫu biểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hằng năm;
3. Phiếu đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự Mẫu biểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hằng năm;
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
1. Yêu cầu
a) Đối tượng
- Căn cứ vào tiêu chuẩn và chỉ tiêu được giao, các đơn vị lựa chọn đề nghị cử tuyển tập trung ưu tiên cho đối tượng là thiếu sinh quân, con em dân tộc thiểu số, hạ sĩ quan, binh sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa và các đảo được hưởng chính sách như đảo Trường Sa, thanh niên có hộ khẩu thường trú ở phía Nam (đối với những chuyên ngành thiếu cán bộ do chưa tuyển sinh được), nhưng tổng số người dân tộc Kinh không được vượt quá 15% tổng chỉ tiêu được giao;
- Phải có hộ khẩu thường trú liên tục cùng gia đình 5 năm trở lên (tính đến năm tuyển sinh) tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc;
- Trường hợp số thí sinh đăng ký xét cử tuyển ít hơn chỉ tiêu được giao, có thể bổ sung thêm các đối tượng là người dân tộc thiểu số Việt Nam mà dân tộc đó chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thường trú ở Khu vực III, II (có thể xét cả đối tượng ở Khu vực I trong trường hợp dân tộc đó có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp so với số dân của dân tộc đó trong phạm vi cả nước hoặc việc cử tuyển đối với các đối tượng này ở Khu vực III, II không đủ chỉ tiêu được giao.
Khi đã xét các đối tượng trên, nếu số thí sinh đủ điều kiện xét cử tuyển vẫn ít hơn chỉ tiêu được giao sẽ không xét thêm;
- Trường hợp số thí sinh đăng ký xét cử tuyển nhiều hơn chỉ tiêu được giao, thì thực hiện xét theo thứ tự ưu tiên trước hết là học sinh thuộc các dân tộc chưa được cử tuyển hoặc đã được cử tuyển nhưng số lượng rất ít thì thực hiện xét từ Khu vực III, II, I;
Ưu tiên xét thí sinh là con liệt sỹ, con thương binh, con của người được hưởng chính sách như thương binh (xếp từ người có mức độ thương tật cao trở xuống);
Ưu tiên học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, xếp loại học lực, hạnh kiểm cao hơn.
b) Vùng tuyển
- Các địa phương được công nhận là các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, thuộc diện hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ;
- Các địa phương được hưởng chính sách cử tuyển vào học các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân theo các quyết định của Ủy ban Dân tộc và Chính phủ.
2. Điều kiện
Đối tượng được xét cử tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong Quân đội phải qua sơ tuyển, có đủ các tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, sức khỏe, độ tuổi, vùng tuyển và phải có đủ các điều kiện sau:
a) Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, hiện tại không thuộc diện biên chế Nhà nước.
b) Xếp loại hạnh kiểm năm cuối cấp (hoặc xếp loại rèn luyện năm cuối khóa) đạt loại khá trở lên.
c) Xếp loại học tập năm cuối cấp: Tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp đối với thí sinh đạt trung bình trở lên đối với người dân tộc thiểu số và loại khá trở lên đối với người dân tộc Kinh.
d) Tuổi đời, từ 17 đến 25 tuổi (tính đến năm tuyển sinh).
đ) Được Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh, sư đoàn và tương đương sơ tuyển, báo cáo Ban Tuyển sinh quân sự cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng đề nghị; Hội đồng tuyển sinh các trường thẩm định, đề nghị; được Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng quyết định vào học.
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính
1. Luật Giáo dục năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009;
2. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014.
3. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1990, năm 1994, năm 2005.
4. Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
5. Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Thông tư số 03/2014/TT-BQP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội.
1. Thủ tục tuyển sinh đào tạo trình độ đại học, cao đẳng quân sự hệ chính quy
Trình tự thực hiện:
1. Thí sinh tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký dự thi và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi cho Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện; Khi đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh phải mang theo Giấy chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để đối chiếu.
2. Ban Tuyển sinh cấp huyện tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe (do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện): Khám lâm sàng và kết luận sức khỏe theo tám chỉ tiêu quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP ngày 17/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự); Trường hợp trúng tuyển, trong hồ sơ nhập học ngoài phiếu sức khỏe phải có đủ các loại xét nghiệm (được làm tại trung tâm y tế cấp huyện trở lên) gồm: Phim X - quang chụp tim, phổi thẳng; kết quả điện tim; kết quả xét nghiệm HIV, ma túy; Protein và đường nước tiểu.
3. Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện tổ chức xác minh chính trị, gồm: Tình hình kinh tế, chính trị của gia đình; tình hình bản thân thí sinh; người cung cấp lý lịch. Xét duyệt hồ sơ đăng ký dự thi kết luận cụ thể những trường hợp đủ tiêu chuẩn và những trường hợp không đủ tiêu chuẩn; tổng hợp số đủ tiêu chuẩn được dự thi theo từng trường, nộp hồ sơ và danh sách về Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh; trường hợp không đủ tiêu chuẩn dự thi phải thông báo lý do cụ thể tới thí sinh.
4. Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh xét duyệt kết quả đề nghị của cấp huyện; tổng hợp, bàn giao hồ sơ, danh sách thí sinh đăng ký dự thi cho các trường và báo cáo về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.
5. Các trường tổ chức thẩm định và xét duyệt hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi:
a) Thành phần tổ xét duyệt do Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường quyết định, gồm: Cán bộ ngành bảo vệ, thanh tra và các cơ quan chức năng của trường;
b) Tổ chức xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, kiểm tra ảnh, lý lịch chính trị gia đình, kết quả khám sức khỏe, chính sách ưu tiên và các nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh, đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định để kết luận thí sinh đủ tiêu chuẩn hay không dự thi;
Không nhận hồ sơ không đúng quy định, như: Xác minh do người đăng ký dự thi tự khai, tự xin xác nhận của cấp ủy địa phương; cấp ủy địa phương kết luận không rõ về lý lịch chính trị và điều kiện phát triển vào Đảng Cộng sản Việt Nam; hồ sơ không dán ảnh, không đóng dấu hoặc đóng dấu không rõ;
Trường hợp có nghi vấn, hoặc có nội dung chưa rõ phải yêu cầu địa phương, đơn vị đăng ký dự thi làm rõ.
c) Tổng hợp báo cáo kết quả xét duyệt về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng và thông báo cho các địa phương trước ngày 20 tháng 5; gửi phiếu báo thi cho thí sinh đủ điều kiện dự thi trước ngày 27 tháng 5 hằng năm.
d) Trường hợp thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đã nộp hồ sơ đăng ký dự thi, qua xét duyệt các trường kết luận không đủ tiêu chuẩn dự thi, các trường phải thông báo cho Ban Tuyển sinh quân sự nơi thí sinh đăng ký dự thi và thí sinh biết;
Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh đăng ký dự thi (nhất là với những thí sinh chỉ đăng ký dự thi một trường duy nhất), các trường vẫn bố trí cho thí sinh được dự thi tại trường (nếu thí sinh có nguyện vọng);
Khi thí sinh đến làm thủ tục dự thi, phải tự nguyện làm cam kết dự thi để lấy kết quả thi xét tuyển vào các trường khác không phải hệ quân sự đào tạo cho quân đội.
Cách thức thực hiện: Thí sinh trực tiếp đăng ký tại Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện.
Thành phần hồ sơ:
1. 03 phiếu đăng ký dự thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng;
2. 01 phiếu khám sức khỏe;
3. 01 bản thẩm tra, xác minh chính trị;
4. 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên đối với những thí sinh thuộc diện ưu tiên;
5. 06 ảnh chân dung cỡ 4x6 cm theo quy định tại Khoản 3, Điều 17 Thông tư này.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thời hạn giải quyết:
- Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký dự thi vào 02 đợt:
Đợt 1 vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 hằng năm;
Đợt 2 từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 4 hằng năm.
- Kết quả xét duyệt về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng và thông báo cho các địa phương trước ngày 20 tháng 5; gửi phiếu báo thi cho thí sinh đủ điều kiện dự thi trước ngày 27 tháng 5 hằng năm.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân.
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính
1. Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Hội đồng Tuyển sinh các học viện, trường sĩ quan.
2. Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.
3. Cơ quan trực tiếp thực hiện TTHC: Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện.
4. Cơ quan phối hợp: Không.
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Phiếu báo thi cho thí sinh.
Lệ phí: Thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh thực hiện theo Quyết định số 2180/QĐ-BQP ngày 21/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc Ban hành Quy định thu và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trong Quân đội; Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 11/02/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ thu và sử dụng phí dự thi dự tuyển (lệ phí tuyển sinh) đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, cụ thể:
1. Phí sơ tuyển: 50.000 đồng/hồ sơ. Riêng sơ tuyển các ngành năng khiếu: 120.000 đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).
2. Phí đăng ký dự thi: 60.000 đồng/hồ sơ.
3. Phí dự thi: 45.000 đồng/hồ sơ. Riêng dự thi năng khiếu: 300.000 đồng/hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).
4. Phí xét tuyển hoặc tuyển thẳng: 30.000 đồng/hồ sơ.
Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai:
1. Phiếu đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự Mẫu biểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hằng năm;
2. Phiếu đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự Mẫu biểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hằng năm;
3. Phiếu đăng ký dự thi tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự Mẫu biểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng hằng năm;
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
1. Về chính trị, đạo đức: Lý lịch chính trị gia đình và bản thân rõ ràng, đủ điều kiện để có thể kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam theo Điều lệ Đảng, không vi phạm các điểm nêu trong Điều 2 Quy định số 57-QĐ/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị - Khóa X và Hướng dẫn số 11/HD-BTCTW ngày 24/10/2007 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện Quy định số 57-QĐ/TW “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” và “Một số điểm trong công tác quản lý cán bộ” của Quân đội; Phẩm chất đạo đức tốt, là Đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Trên cơ thể không có hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm.
2. Về văn hóa, độ tuổi
a) Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung học nghề, trung cấp nghề; Người tốt nghiệp trung cấp nghề phải là người tốt nghiệp trung học cơ sở, đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa trung học phổ thông đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
b) Độ tuổi, tính đến năm dự thi: Thanh niên từ 17 đến 21 tuổi; Quân nhân đã xuất ngũ từ 18 đến 23 tuổi; Thiếu sinh quân từ 17 đến 23 tuổi.
3. Tiêu chuẩn về sức khỏe: Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt sức khỏe loại 1 ở các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt, tai - mũi - họng, hàm - mặt; được lấy những thí sinh đạt sức khỏe loại 2 về răng.
Được tuyển những thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị hoặc viễn thị không quá 3 đi - ốp; kiểm tra thị lực qua kính đạt mắt phải 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên;
- Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 03 năm trở lên thuộc khu vực 1 hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự thi vào các trường: Được lấy đến sức khỏe loại 2 về thể lực (cả nam và nữ) nhưng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên;
Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thi vào Trường Sĩ quan Chính trị được lấy chiều cao từ 1,60 m trở lên (các tiêu chuẩn khác thực hiện theo quy định)
Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung;
Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không - Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện dự thi vào đào tạo phi công quân sự.
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
1. Luật Giáo dục năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009.
2. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014.
3. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1990, năm 1994, năm 2005.
4. Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
5. Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Thông tư số 03/2014/TT-BQP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội.
2. Thủ tục đăng ký tuyển sinh đào tạo cán bộ ngành quân sự cơ sở
Trình tự thực hiện:
1. Thí sinh dự thi đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở hệ chính quy đăng ký dự thi riêng theo chỉ tiêu đã phân bổ cho các quân khu.
2. Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện: Trực tiếp phổ biến quán triệt trách nhiệm, quyền lợi của thí sinh thực hiện nhiệm vụ đào tạo; hướng dẫn thí sinh làm hồ sơ theo mẫu quy định của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng; tiếp nhận hồ sơ, tổ chức sơ tuyển, thẩm tra xác minh chính trị thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh: Thẩm định hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi; thông qua Ban Chỉ đạo đào tạo cùng cấp, báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách thí sinh đủ tiêu chuẩn dự thi về Ban Tuyển sinh quân sự quân khu;
4. Ban Tuyển sinh quân sự quân khu, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Tổ chức thẩm định, xét duyệt thông qua Ban Chỉ đạo đào tạo cùng cấp; báo cáo danh sách thí sinh đăng ký dự thi về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (qua Cục Nhà trường, Cục Dân quân tự vệ); bàn giao danh sách, hồ sơ thí sinh về Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2; báo cáo danh sách thí sinh và hồ sơ đề nghị cử tuyển về các trường.
5. Hội đồng tuyển sinh Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2: Tổ chức xét duyệt hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi; báo cáo kết quả xét duyệt về Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo đào tạo Bộ Quốc phòng; thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội.
6. Căn cứ vào quy định điểm chuẩn của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, hiệu trưởng các trường thông báo kết quả thi và danh sách thí sinh trúng tuyển tới các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh báo cáo với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh danh sách thí sinh trúng tuyển và đề nghị Ủy ban nhân dân ra quyết định cử thí sinh trúng tuyển đi đào tạo đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở.
Cách thức thực hiện: Trực tiếp đăng ký tại Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
Thành phần hồ sơ:
1. 03 phiếu đăng ký dự thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Quốc phòng;
2. 01 đơn đăng ký dự thi của thí sinh.
3. 01 bản sao giấy khai sinh.
4. 01 bản sao bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời đối với thí sinh chưa được cấp bằng tốt nghiệp); nếu là thí sinh dự thi đào tạo liên thông có thêm bản sao bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng; thí sinh xét tuyển thẳng và cử tuyển có thêm bản sao học bạ trung học phổ thông.
5. 01 phiếu sức khỏe tuyển sinh quân sự.
6. Xác nhận của cấp ủy Đảng cấp xã là cán bộ trong nguồn quy hoạch cán bộ Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đề nghị trên xét đi đào tạo và hướng sử dụng sau đào tạo;
Trường hợp thí sinh xét cử tuyển có thêm bản sao hộ khẩu và giấy xác nhận thường trú đủ 05 năm liên tục tính đến năm tuyển sinh do công an cấp xã xác nhận; bản sao (không công chứng) quyết định và trang tên địa phương nơi thí sinh cư trú thuộc vùng được cử tuyển; với những xã mới chia tách hoặc sáp nhập phải có bản sao quyết định của cấp có thẩm quyền, đồng thời ghi rõ vào phần ghi chú trong danh sách đề nghị của đơn vị.
7. Các giấy tờ chứng nhận là đối tượng chính sách ưu tiên (nếu có).
8. 06 ảnh chân dung cỡ 4 x 6 cm (ảnh chụp quy định theo kiểu chứng minh thư, phải rõ, cùng kiểu, cùng loại và mới chụp).
9. 01 phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc; khi nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính học bạ trung học phổ thông và các văn bằng tốt nghiệp để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu theo quy định.
Số lượng hồ sơ: 02 bộ
Thời hạn giải quyết:
1. Ban Tuyển sinh quân sự cấp huyện tiếp nhận hồ sơ, tổ chức sơ tuyển, thẩm tra xác minh chính trị trước ngày 15 tháng 4 hằng năm;
2. Ban Tuyển sinh quân sự cấp tỉnh:
- Thẩm định hồ sơ thí sinh đăng ký dự thi xong trước ngày 25 tháng 4 hằng năm;
- Báo cáo và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách thí sinh đủ tiêu chuẩn dự thi về Ban Tuyển sinh quân sự quân khu trước ngày 30 tháng 4 hằng năm; riêng hồ sơ thí sinh cử tuyển xong trước ngày 20 tháng 6 hằng năm.
3. Ban Tuyển sinh quân sự quân khu, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội bàn giao danh sách thí sinh và hồ sơ đề nghị cử tuyển về các trường trước ngày 30 tháng 6 hằng năm.
4. Hội đồng Tuyển sinh Trường sĩ quan Lục quân 1, 2 thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội trước ngày 27 tháng 5 hằng năm.
Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân
Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
- Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Hội đồng Tuyển sinh Trường sĩ quan Lục quân 1, Trường sĩ quan Lục quân 2.
- Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được ủy quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không.
- Cơ quan trực tiếp thực hiện: Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
- Cơ quan phối hợp: Không
Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ.
Lệ phí: Không
Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
1. Đối tượng
a) Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở chính quy và cử tuyển đại học:
- Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chưa qua đào tạo;
- Cán bộ chỉ huy, chiến sĩ dân quân tự vệ nòng cốt đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tham gia dân quân tự vệ nòng cốt;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nghĩa vụ phục vụ tại ngũ;
- Sĩ quan dự bị chưa xếp vào các đơn vị dự bị động viên;
- Cán bộ chỉ huy, chiến sĩ dân quân tự vệ nòng cốt;
- Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên đang công tác tại cơ sở;
Đối tượng là cán bộ chỉ huy, chiến sĩ dân quân tự vệ nòng cốt đang công tác phải có thời gian tham gia ít nhất 6 tháng; cán bộ đảng viên, đoàn viên thanh niên công tác tại cơ sở phải có thời gian ít nhất 1 năm trở lên.
b) Tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng hình thức vừa làm vừa học: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và các đối tượng là nguồn cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đã có bằng trung cấp ngành quân sự cơ sở;
c) Tuyển sinh đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học hình thức vừa làm vừa học: Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và các đối tượng là nguồn cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đã có bằng cao đẳng ngành quân sự cơ sở.
2. Tiêu chuẩn
a) Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở hệ chính quy:
- Tuổi đời: Không quá 31 tuổi (tính đến năm tuyển sinh);
- Sức khỏe: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Riêng tiêu chuẩn về thể lực chung và răng được lấy đến loại 4.
- Trình độ văn hóa: Đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên.
- Chính trị, phẩm chất đạo đức: Là đảng viên hoặc có đủ điều kiện phát triển thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; được cấp ủy, chính quyền cấp xã xác định là nguồn cán bộ quân sự cơ sở trong quy hoạch của địa phương; thông qua quy trình xét tuyển, trúng tuyển được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử đi đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo.
b) Tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học hình thức vừa làm vừa học:
- Tuổi đời: Trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở từ trên 22 tuổi đến 45 tuổi; cao đẳng ngành quân sự cơ sở lên đại học ngành quân sự cơ sở từ trên 24 tuổi đến 45 tuổi;
- Sức khỏe: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Riêng tiêu chuẩn về thể lực chung và răng được lấy đến loại 4;
- Học viên tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng ngành quân sự cơ sở đạt loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm công tác tại cơ sở mới được tham gia dự tuyển;
- Có phẩm chất đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
- Được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định trong quy hoạch nguồn cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; thông qua quy trình xét tuyển, trúng tuyển được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử đi đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo.
c) Tuyển sinh cử tuyển đào tạo đại học:
- Độ tuổi: Không quá 31 tuổi tính đến năm tuyển sinh;
- Sức khỏe: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự. Riêng tiêu chuẩn về thể lực chung và răng được lấy đến loại 4; Thí sinh cử tuyển vào học dự bị đại học, cao đẳng và trung cấp quân sự, các trường thực hiện khám tuyển sức khỏe cho thí sinh như vào học chính khóa; những trường hợp mắc bệnh nhẹ, cấp tính có thể chữa khỏi hoàn toàn trong thời gian ngắn các trường cho đi chữa bệnh theo tuyến của đơn vị; những trường hợp có thể lực chung chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng có khả năng sau 1 năm học dự bị sẽ phát triển đủ tiêu chuẩn được giữ lại để học tập, rèn luyện đến khi vào học chính khóa tổ chức khám kiểm tra lại, nếu vẫn không đủ mới thực hiện trả về đơn vị cũ trước khi cử đi học;
- Chính trị, phẩm chất đạo đức: Là đảng viên hoặc có đủ điều kiện phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
- Thí sinh phải có hộ khẩu thường trú liên tục 5 năm trở lên (tính đến năm tuyển sinh) tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định sau:
Các địa phương được công nhận là các thôn, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, thuộc diện hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 của Chính phủ;
Các địa phương được hưởng chính sách cử tuyển vào học các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân theo các quyết định của Ủy ban Dân tộc và Chính phủ.
- Được cấp ủy, chính quyền cấp xã xác định là nguồn cán bộ quân sự cơ sở trong quy hoạch của địa phương; thông qua quy trình xét tuyển theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử đi đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo.
Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
1. Luật Giáo dục năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009.
2. Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014.
3. Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1981 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1990, năm 1994, năm 2005.
4. Luật Dân quân tự vệ năm 2009.
5. Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
6. Thông tư số 03/2014/TT-BQP ngày 16 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong Quân đội.
- 1Quyết định 02/2006/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 180/1998/QĐ-TTg về việc giao nhiệm vụ đào tạo bậc Đại học cho các trường sĩ quan trong quân đội do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 638/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh tại các nhà trường quân đội giai đoạn 2009 - 2015 và những năm tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Văn bản 09/TSQS-NT năm 2016 thông tin tuyển sinh đại học, cao đằng vào các Trường Quân đội năm 2016 do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng ban hành
- 5Thông tư 42/2017/TT-BQP sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 6Thông tư 24/2018/TT-BQP về sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội và Thông tư 42/2017/TT-BQP sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 7Quyết định 6184/QĐ-BQP năm 2019 công bố bộ thủ tục hành chính hiện hành thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Quốc phòng
- 1Quyết định 02/2006/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 180/1998/QĐ-TTg về việc giao nhiệm vụ đào tạo bậc Đại học cho các trường sĩ quan trong quân đội do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 3Quyết định 638/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh tại các nhà trường quân đội giai đoạn 2009 - 2015 và những năm tiếp theo do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính
- 5Nghị định 48/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính
- 6Thông tư 03/2014/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng ban hành
- 7Văn bản 09/TSQS-NT năm 2016 thông tin tuyển sinh đại học, cao đằng vào các Trường Quân đội năm 2016 do Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng ban hành
- 8Thông tư 42/2017/TT-BQP sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 9Thông tư 24/2018/TT-BQP về sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội và Thông tư 42/2017/TT-BQP sửa đổi Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào trường trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
Quyết định 248/QĐ-BQP năm 2015 công bố thủ tục hành chính về tuyển sinh vào các trường trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- Số hiệu: 248/QĐ-BQP
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/01/2015
- Nơi ban hành: Bộ Quốc phòng
- Người ký: Phùng Quang Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/01/2015
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết