Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2472/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm tại Tờ trình số 01/TTr-HNN ngày 12 tháng 10 năm 2016 về việc phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung);

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng đã được Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ (2016-2021) của Hội thông qua ngày 07 tháng 10 năm 2016;

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm, và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, TKCT.

CHỦ TỊCH




Đoàn Văn Việt

 

ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

HỘI NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM/DIOXIN HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2472/QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG

Điều 1. Tên gọi

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Tên viết tắt: Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Bảo Lâm.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là hội) là một tổ chức xã hội, tập hợp những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và các tầng lớp nhân dân trong huyện tự nguyện tham gia đóng góp công sức, trí tuệ, tiền của để giúp đỡ các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/Dioxin có điều kiện chữa trị, có điều kiện hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế góp phần khắc phục hậu quả chất độc da cam trên địa bàn.

Hội giáo dục, động viên các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin phấn đấu vươn lên khắc phục khó khăn giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi công dân.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

Hội hoạt động theo nguyên tắc:

1. Tự nguyện, tự quản.

2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

3. Tự đảm bảo kinh phí hoạt động.

4. Không vì mục đích lợi nhuận.

5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ hội.

Điều 4. Địa vị pháp lý, trụ sở

1. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo qui định của pháp luật.

2. Hội là thành viên của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Lâm Đồng, thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bảo Lâm; Hội chấp hành Điều lệ Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam.

3. Trụ sở của hội: Đặt tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Điều 5. Phạm vi, lĩnh vực hoạt động

1. Hội hoạt động trong phạm vi huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

2. Hội chịu sự quản lý nhà nước của UBND huyện Bảo Lâm và các cơ quan có liên quan đến lĩnh vực hội hoạt động.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN

Điều 6. Nhiệm vụ

1. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống “Tương thân tương ái” đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin về vật chất và tinh thần. Động viên, tập hợp các nạn nhân chất độc da cam/Dioxin khắc phục khó khăn, phát huy khả năng tham gia các hoạt động xã hội, hòa nhập cộng đồng, chấp hành pháp luật nhà nước.

2. Phối hợp để bảo vệ quyền lợi của các nạn nhân chất độc da cam. Tiếp tục tổ chức các hoạt động để góp phần cùng với Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam đấu tranh buộc các Công ty hóa chất của Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do họ gây ra trong chiến tranh tại Việt Nam.

3. Tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ gây quỹ hội, nhằm bảo đảm kinh phí lâu dài cho hoạt động của hội theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các chương trình nhân đạo, từ thiện của hội trong phạm vi huyện; khi phát triển mạnh và có điều kiện, hội có thể giúp đỡ một số địa phương khác nhằm gây phong trào sâu rộng trong việc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam.

5. Xây dựng và phát triển tổ chức hội ngày càng vững mạnh.

Điều 7. Quyền hạn

1. Tham gia đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp về những vấn đề thực hiện chủ trương, chính sách về công tác chăm lo giúp đỡ cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.

2. Phối hợp với các đoàn thể, tổ chức xã hội chăm lo lợi ích của các nạn nhân chất độc da cam.

3. Được tổ chức các hoạt động tạo nguồn thu cho hội theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo kinh phí hoạt động của hội.

4. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 8. Hội viên, tiêu chuẩn hội viên

Hội viên chính thức: Người Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và công dân, tổ chức Việt Nam trên địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng tán thành Điều lệ hội, có đơn xin gia nhập thì sẽ được kết nạp vào hội. Việc kết nạp hội viên do Ban chấp hành hội cơ sở quy định, ở những nơi chưa có tổ chức hội cơ sở thì do Ban thường vụ huyện hội quyết định.

Hội viên danh dự: Những người tiêu biểu có công đóng góp lớn, liên tục cho hội được xét công nhận là hội viên danh dự. Hội viên danh dự không tham gia ứng cử, đề cử vào ban lãnh đạo, không tham gia giải quyết các vấn đề của hội.

Điều 9. Nghĩa vụ của hội viên

1. Chấp hành điều lệ và các nghị quyết, chương trình hoạt động của hội;

2. Tham gia các hoạt động và hoàn thành nhiệm vụ được hội phân công;

3. Tham gia đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ phục vụ cho mục đích, nhiệm vụ của hội; vận động các tập thể, cá nhân đóng góp, ủng hộ quỹ hội và phát triển hội về mọi mặt.

Điều 10. Quyền của hội viên

1. Được tham gia sinh hoạt hội, được thảo luận và biểu quyết các vấn đề liên quan trong hoạt động của hội và tham gia giám sát công việc của hội.

2. Được ứng cử, đề cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của hội.

3. Được hội bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng; được hội giúp đỡ để phát huy khả năng làm từ thiện và được giúp đỡ khi gặp khó khăn trong công tác từ thiện theo quy định của hội.

Chương IV

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Điều 11. Cơ cấu tổ chức hội

1. Đại hội.

2. Ban chấp hành.

3. Ban Thường trực.

4. Ban kiểm tra.

5. Các chi hội xã, thị trấn.

Điều 12. Đại hội

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên. Tùy theo số lượng hội viên để tổ chức Đại hội toàn thể hội viên hoặc Đại hội đại biểu. Đại hội thường kỳ được tổ chức 5 năm một lần, do Ban chấp hành đương nhiệm triệu tập. Đại hội bất thường do Ban chấp hành triệu tập khi có ít nhất 2/3 số ủy viên Ban chấp hành hoặc quá nửa (hơn 50%) số hội viên chính thức yêu cầu.

2. Nhiệm vụ của Đại hội:

a) Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ qua và quyết định phương hướng, nhiệm vụ công tác của hội nhiệm kỳ tới;

b) Thảo luận báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban chấp hành và Ban Kiểm tra;

c) Thảo luận và biểu quyết thông qua Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) nếu có;

d) Thảo luận và thông qua nghị quyết Đại hội;

đ) Bầu cử Ban chấp hành, Ban Kiểm tra, hình thức bầu do Đại hội quyết định;

e) Bầu đại biểu tham dự Đại hội cấp trên;

g) Các nghị quyết của Đại hội được thông qua bằng biểu quyết theo đa số trên 50% đại biểu dự họp.

Điều 13. Ban chấp hành

Ban chấp hành là cơ quan lãnh đạo hoạt động của hội giữa 02 kỳ Đại hội. Ban chấp hành do Đại hội bầu ra. Số lượng từ 15 đến 27 ủy viên. Cơ cấu, số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Đại hội ủy quyền cho Ban chấp hành khi cần thiết được cử thêm một số ủy viên Ban chấp hành, nhưng không quá 10% số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định. Hình thức bầu bổ sung do Ban chấp quyết định.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chấp hành.

1. Bầu Ban Thường trực gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên thư ký trong số Ủy viên Ban chấp hành. Bầu Trưởng ban, Phó ban và các Ủy viên Ban Kiểm tra. Số lượng các Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường trực, Ban Kiểm tra do Ban chấp hành quyết định.

2. Lãnh đạo thực hiện nghị quyết của Đại hội và các nghị quyết của Ban chấp hành, Ban Thường trực hội.

3. Giải quyết những vấn đề phát sinh qua hai kỳ Đại hội.

4. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác hàng năm và quyết định chương trình công tác năm tới của hội.

5. Bầu bổ sung Ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường trực, Ban Kiểm tra và Chủ tịch, Phó Chủ tịch khi có thay đổi nhân sự.

6. Thông qua báo cáo tài chính hàng năm và nhiệm kỳ việc tiếp nhận, sử dụng nguồn quỹ vận động và tài trợ.

7. Ban chấp hành sinh hoạt định kỳ 6 tháng 1 lần để xây dựng chương trình hoạt động của hội. Khi có yêu cầu đột xuất, Chủ tịch hoặc Ban Thường trực có quyền triệu tập cuộc họp đột xuất.

8. Quyết định bãi miễn các ủy viên Ban chấp hành, Ban Thường trực, Ban Kiểm tra, Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

9. Quyết định khen thưởng, kỷ luật và triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, hội nghị thường kỳ, hội nghị bất thường.

Điều 14. Thường trực hội

Ban Thường trực do Ban chấp hành bầu, là cơ quan lãnh đạo của hội giữa 2 kỳ họp Ban chấp hành. Cơ cấu, số lượng ủy viên Ban Thường trực do Ban chấp hành quyết định nhưng không quá 1/3 số ủy viên Ban chấp hành. Ban Thường trực gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Ủy viên Thư ký. Ban Thường trực họp định kỳ 3 tháng một lần hoặc họp bất thường theo đề nghị của Chủ tịch hoặc khi có trên 50% số ủy viên Ban Thường trực thống nhất.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực hội:

1. Thay mặt Ban chấp hành lãnh đạo mọi mặt công tác của hội giữa hai kỳ hội nghị Ban chấp hành, báo cáo kết quả công việc với Ban chấp hành trong kỳ họp gần nhất.

2. Chỉ đạo tổ chức, thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành hội.

3. Quyết định các biện pháp để kịp thời vận động, trợ giúp nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.

4. Chỉ đạo sự tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn tài trợ đúng mục đích cho các đối tượng.

5. Giữ mối liên hệ với các cơ quan liên quan và đại diện cho hội trong các quan hệ đối nội và đối ngoại.

6. Lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan hội, giải quyết các công việc hàng ngày của hội.

7. Quyết định các vấn đề về tổ chức và hội viên của hội.

Điều 15. Ban Kiểm tra

Ban kiểm tra có từ 03-05 ủy viên, do Ban chấp hành bầu. Hình thức bầu Ban kiểm tra do Ban chấp hành quyết định. Trưởng ban kiểm tra là ủy viên Ban chấp hành hội, các thành viên khác có thể là ủy viên ban chấp hành hoặc không phải là ủy viên Ban chấp hành.

Ban kiểm tra có nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Tham mưu cho Ban chấp hành và hướng dẫn về công tác kiểm tra, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên. Ban kiểm tra hoạt động theo quy chế do Ban chấp hành quy định.

2. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ hội; việc thu và sử dụng các nguồn tài trợ; hoạt động tài chính của hội.

3. Giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên thuộc hội.

4. Trưởng Ban kiểm tra được dự các cuộc họp của Ban chấp hành, Ban Thường trực hội.

Điều 16. Các Chi hội xã, thị trấn; Ban điều hành các Chi hội xã, thị trấn

1. Căn cứ vào số lượng hội viên, hội thành lập các Chi hội xã, thị trấn. Việc thành lập các chi hội xã, thị trấn được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Ban điều hành Chi hội các xã, thị trấn được thành lập căn cứ theo số lượng của hội viên cư trú tại mỗi địa bàn xã, thị trấn.

3. Ban chấp hành hội phân công các ủy viên trực tiếp tham gia điều hành Chi hội và cử 1-2 hội viên tại địa bàn cư trú tham gia Ban điều hành Chi hội.

4. Ban điều hành Chi hội có trách nhiệm thường xuyên duy trì sinh hoạt hội viên; có quan hệ gắn bó mật thiết với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong hệ thống chính trị tại địa bàn cư trú dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, thị trấn để triển khai các Nghị quyết, chương trình công tác của Ban chấp hành hội huyện.

5. Nhiệm kỳ của Ban điều hành các Chi hội theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành hội huyện; Ban điều hành các Chi hội được chỉ định bổ sung thay thế khi bị khuyết số lượng thành viên.

Điều 17. Chủ tịch, Phó chủ tịch.

1. Chủ tịch hội là đại diện pháp nhân của hội trước pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của hội. Chủ tịch hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành. Tiêu chuẩn Chủ tịch hội do Ban Chấp hành hội quy định.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch hội:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường trực hội;

b) Chịu trách nhiệm toàn diện trước cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập hội, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động chính của hội, trước Ban Chấp hành, Ban Thường trực hội về mọi hoạt động của hội. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của hội theo quy định của Điều lệ hội, Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường trực hội;

c) Chủ trì các phiên họp của Ban Chấp hành; chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Thường trực;

d) Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường trực ký các văn bản của hội;

đ) Khi Chủ tịch hội vắng mặt, việc chỉ đạo, điều hành giải quyết công việc của hội được ủy quyền bằng văn bản cho một Phó Chủ tịch hội.

3. Phó Chủ tịch hội do Ban Chấp hành bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành hội. Tiêu chuẩn Phó Chủ tịch hội do Ban Chấp hành hội quy định.

Phó Chủ tịch giúp Chủ tịch hội chỉ đạo, điều hành công tác của hội theo sự phân công của Chủ tịch hội; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch hội và trước pháp luật về lĩnh vực công việc được Chủ tịch hội phân công hoặc ủy quyền. Phó Chủ tịch hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường trực hội phù hợp với Điều lệ hội và quy định của pháp luật.

Điều 18. Chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể hội

1. Việc chia, tách; sáp nhập; hợp nhất; đổi tên và giải thể hội thực hiện theo quy định của Bộ Luật Dân sự, quy định của pháp luật về hội, Nghị quyết Đại hội và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Hội giải thể trong các trường hợp sau:

a) Tự giải thể:

- Theo đề nghị của trên 1/2 tổng số hội viên chính thức đồng ý đề nghị giải thể.

- Khi mục tiêu của hội đã hoàn thành.

b) Quyết định giải thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

- Hội không hoạt động trong 12 tháng.

- Hoạt động của hội vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

3. Trình tự thủ tục giải thể thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.

4. Trường hợp bị giải thể mà không đồng ý với quyết định giải thể thì hội có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật. Trong thời gian chờ giải quyết khiếu nại hội không được hoạt động.

Chương V

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN

Điều 19. Tài chính của hội

1. Nguồn thu gồm:

- Ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

- Hội phí của hội viên: Ban chấp hành hội quy định mức thu hội phí từng thời gian cho phù hợp với khả năng đóng góp của hội viên (không thu hội phí đối với hội viên là nạn nhân chất độc da cam);

- Các khoản thu do hoạt động từ thiện, tiền lãi gửi ngân hàng và các hoạt động sinh lợi của hội đem lại theo quy định của pháp luật;

- Các khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (nếu có).

2. Khoản chi:

- Chủ yếu chi hỗ trợ cho các nạn nhân da cam/Dioxin theo kế hoạch chương trình của hội;

- Chi cho các hoạt động thường xuyên và chi phí hành chính của hội; Chi lương, tiền công, phụ cấp, công tác phí cho cán bộ chuyên trách của hội;

- Chi trợ cấp, giúp đỡ cho các hội viên khi gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất;

- Chi mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho hoạt động chuyên môn; chi sửa chữa cơ sở vật chất;

- Chi khen thưởng.

3. Việc quản lý tài chính của hội theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Tài sản của hội

- Tài sản có được từ nguồn tài chính của hội đều là tài sản thuộc sở hữu chung của hội; được quản lý, sử dụng nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động của hội.

- Việc quản lý tài sản của hội theo quy định của hội và theo quy định của pháp luật.

Thường trực hội có trách nhiệm theo dõi thu, chi, công khai tài sản và tài chính của hội; báo cáo bằng văn bản trong các cuộc họp định kỳ của Ban chấp hành, Ban Thường trực và Đại hội của hội.

Chương VI

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 21. Khen thưởng

Tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả cho các hoạt động và sự phát triển của hội được xem xét biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng.

Điều 22. Kỷ luật

1. Tổ chức, cá nhân hội viên vi phạm pháp luật; vi phạm điều lệ, quy định, quy chế của hội tùy theo mức độ sẽ bị xử lý bằng các hình thức: khiển trách, cảnh cáo hoặc khai trừ ra khỏi hội. Việc xem xét xử lý kỷ luật do Ban chấp hành hội quyết định.

2. Ban chấp hành hội sẽ nhắc nhở hội viên tự ý bỏ sinh hoạt, hội viên không tham gia các hoạt động của hội từ 6 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng thì sẽ xóa tên ra khỏi danh sách hội viên. Các trường hợp khai trừ và xóa tên, Chi hội xem xét và báo cáo lên Ban chấp hành hội ra quyết định.

3. Trường hợp Ban chấp hành và người đứng đầu Ban chấp hành hội, chi hội lợi dụng danh nghĩa hội hoạt động trái với Điều lệ, vi phạm pháp luật hoặc cố ý kéo dài nhiệm kỳ Đại hội mà không có lý do chính đáng sẽ bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ hội phải được 2/3 số đại biểu có mặt tại Đại hội thông qua và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ này gồm 7 Chương, 24 Điều đã được Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm thông qua ngày 07 tháng 10 năm 2016 và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

2. Căn cứ các quy định pháp luật về hội và Điều lệ hội, Ban chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm có trách nhiệm hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Điều lệ này./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2472/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 2472/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Đoàn Văn Việt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản