Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2471/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 27 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 512/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tng th phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 50/2015/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Công Thương Quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và thương mại;

Căn cứ Quyết định số 1348/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng phê duyệt đề cương chi tiết, dự toán kinh phí dự án Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Báo cáo số 1873/BC-SKHĐT ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo thẩm định Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2025 định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1885/TTr-SKHĐT ngày 02 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển công nghiệp (CN) gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), quy hoạch các ngành khác như nông lâm nghiệp, xây dựng (XD), giao thông của tỉnh cũng như của vùng và quy hoạch ngành công nghiệp vùng các tỉnh biên giới phía Bắc và các quy hoạch ngành công nghiệp cả nước.

- Gắn phát triển công nghiệp với việc hình thành các khu, cụm, điểm công nghiệp và hệ thống đô thị mới trên các trục đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ.

- Phát triển công nghiệp dựa trên cơ sở phát triển các thành phần kinh tế, chủ yếu là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và đầu tư nước ngoài. Coi trọng hàng đầu việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước.

- Phát triển công nghiệp bảo đảm giữ gìn, bảo tồn các di sản thiên nhiên, các công trình văn hóa, các di tích lịch sử, các ngành nghề thủ công, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, mở rộng các mặt hàng theo hướng sản xuất (SX) hàng hóa.

- Phát triển công nghiệp gắn liền với yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững và tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng an ninh.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tng quát

Phát triển công nghiệp tỉnh theo hướng phát triển bền vững, khai thác các lợi thế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên, từng bước hiện đại hóa, đồng bộ cơ sở hạ tầng, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ tốt yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ phát triển cho các lĩnh vực kinh tế xã hội khác và tăng cường củng cố an ninh quốc phòng.

- Giai đoạn 2016-2020: Thực hiện hiệu quả kế hoạch Tái cấu trúc SX ngành công nghiệp, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, đổi mới công nghệ, liên kết hợp tác giữa các cơ sở SX trong tỉnh và ngoài tỉnh, hoạt động hiệu quả, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

+ Các cơ sở chế biến nông lâm sản đáp ứng tốt và hỗ trợ hiệu quả đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh;

+ Các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được đầu tư xây dựng và hoàn thành vào SX phát điện theo đúng tiến độ trong quy hoạch điện lực đề ra;

+ Nhóm ngành luyện kim đen với sản phẩm chủ lực sắt thép bắt đầu tham gia phục vụ tốt nhu cầu thị trường và quốc phòng, mang lại GTSX cao cho công nghiệp tỉnh; các sản phẩm chế biến nông lâm sản thực phẩm xây dựng thương hiệu tỉnh; phát triển mới các sản phẩm tái chế phục vụ nhu cầu cuộc sống và cải thiện yếu tố môi trường (trước tiên gắn liền với xử lý các chất tro xỉ thải từ các khu SX luyện kim);

+ Thực hiện các dự án về thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxit theo chỉ đạo của Trung ương;

+ Các cơ sở công nghiệp chế biến đầu tư mới được định hướng đặt tại vị trí đất khu công nghiệp, CCN dự kiến, để các huyện, thành phố quản lý tốt hơn, đồng thời hình thành dần các điểm tích tụ CN tập trung thuận lợi cho công tác XD cơ sở hạ tầng kỹ thuật và quản lý của tỉnh.

- Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại, chuyên sâu tận thu các khoáng sản quý có giá trị cao (thiếc, chì, đồng, kẽm...) phục vụ đủ nhu cầu ngành luyện kim; giảm thiểu hao hụt trong sơ chế sản phẩm nông lâm sản; duy trì giữ vững và phát triển thương hiệu sản phẩm chế biến nông sản thực phẩm sạch của Cao Bằng; Liên kết chặt chẽ với các ngành chế biến luyện kim, chế tạo máy, chế biến nông lâm sản, hệ thống điện trong nước tăng thu ngân sách cho tỉnh; tiếp tục tạo điều kiện để thực hiện các dự án về thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxit theo chủ trương của nhà nước; tăng cường hoạt động SX tái chế xử lý rác thải, nước thải đảm bảo yếu tố môi trường trong SXCN cho sản phẩm năng lượng mới tái tạo, VLXD không nung, phân vi sinh... hướng tới phát triển công nghiệp xanh.

- Giai đoạn sau 2025 định hướng đến 2030: Tiếp tục phát huy mục tiêu phát triển trong giai đoạn trước, phấn đấu phát triển thêm sản phẩm luyện kim mới từ đầu tư dự án SX alumin, vật liệu mới hợp kim nhôm, SX nhôm thỏi trên địa bàn tỉnh theo chủ trương chỉ đạo của nhà nước. Nhóm ngành luyện kim tiếp tục đóng vai trò là nhóm ngành chủ lực cho phát triển CN tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Mức đóng góp ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế tỉnh: đến năm 2020, giá trị SXCN (giá quy đổi năm 2010) đạt gần 3.000 tỷ đồng và đóng góp trên 8% trong GDP tỉnh; đến năm 2025, giá trị SXCN (giá quy đổi năm 2010) đạt trên 4.500 tỷ đồng và đóng góp khoảng 9,5% trong cơ cấu GDP tỉnh. Tốc độ tăng trưởng giá trị SXCN bình quân năm trong giai đoạn đến năm 2025 đạt trên dưới 14%/năm; dự kiến định hướng đến năm 2030, ngành công nghiệp tỉnh đạt tăng trưởng từ 15%/năm và tăng mức đóng góp vào kinh tế tỉnh với tỷ trọng trên 14%.

- Cơ cấu ngành công nghiệp theo nhóm ngành:

+ Nhóm ngành công nghiệp chủ lực: Nhóm ngành công nghiệp cơ bản cơ khí luyện kim, sản xuất thiết bị điện, điện tử, hóa chất dược phẩm sẽ đóng góp chính và tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp, đến năm 2025, chiếm tỷ trọng trên 40% trong cơ cấu công nghiệp tỉnh;

+ Nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn: Nhóm ngành sản xuất và cung cấp nước, sản xuất tái chế, xử lý rác thải, nước thải và nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga được xác định ưu tiên đầu tư trước để phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất năng lượng mới, năng lượng tái tạo bảo đảm môi trường cho phát triển ngành công nghiệp hiện tại và tương lai, đến năm 2025, chiếm tỷ trọng trên 15% trong cơ cấu công nghiệp tỉnh;

+ Nhóm ngành công nghiệp nền tảng: Nhóm ngành công nghiệp khai khoáng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất than cốc, ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh và đảm bảo tăng trưởng cho ngành công nghiệp đồng thời với các ngành kinh tế khác (ngành nông lâm thủy sản, ngành xây dựng, ngành dịch vụ thương mại), đến năm 2025, chiếm tỷ trọng gần 40% trong cơ cấu công nghiệp tỉnh.

- Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cho ngành công nghiệp tính đến năm 2025, cần mức gần 20 nghìn tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 8.500 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 11.500 tỷ đồng. Dự kiến vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tập trung chủ yếu vào đầu tư cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 10%, còn lại là huy động vốn từ nguồn vốn vay, từ nguồn đầu tư của các doanh nghiệp, tư nhân và các nguồn khác.

- Dự báo nhu cầu lao động: Ngành công nghiệp phát triển, đến năm 2020, toàn ngành công nghiệp sẽ có 11-12 nghìn lao động làm việc và đến năm 2025, toàn ngành cần khoảng 13 nghìn lao động làm việc. Giai đoạn từ 2016-2025, sẽ đáp ứng việc làm cho thêm 3.000-4.000 người lao động. Đưa tỷ lệ lao động công nghiệp/dân số năm 2025 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015.

- Phát triển đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng 2-5 khu, cụm công nghiệp, thu hút được nhiều dự án đầu tư vào hoạt động SX chế biến, CN hỗ trợ; dự kiến đến năm 2025, các khu, CCN trên địa bàn đã XD cơ sở hạ tầng có tỷ lệ điền đầy lên trên 50%.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Công nghiệp chủ lực: Nhóm ngành luyện kim, khí, điện tử, hóa chất, hóa dược và dược

- Phát triển nhóm ngành luyện kim trên cơ sở phát triển các dự án luyện gang thép, luyện feromangan, dioxit mangan, chì, kẽm, đồng... đã đặt nền móng từ giai đoạn trước: Liên kết chặt chẽ với hệ thống ngành luyện kim sản xuất trong cả nước, để nâng cao năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, mở rộng thị trường, đáp ứng một phần nhu cầu cho công nghiệp chế biến chế tạo máy (công nghiệp hỗ trợ cơ khí chế tạo).

- Phát triển nhóm ngành cơ khí, điện tử: phát huy truyền thống sản xuất cơ khí, sửa chữa nhỏ trên địa bàn, đồng thời phát triển mới các cơ sở sửa chữa cơ khí giao thông, công trình xây dựng phục vụ tốt cho vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu theo các trục giao thông tới khu kinh tế cửa khẩu; tham gia ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí về chế tạo, đúc, rèn gia công chi tiết máy trước tiên phục vụ cho ngành công nghiệp khai khoáng, thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận và tiêu thụ sản phẩm thép chế tạo sản xuất trên địa bàn tỉnh; thu hút các dự án đầu tư sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp hàng điện tử tại khu kinh tế cửa khẩu.

- Nhóm ngành công nghiệp hóa chất, hóa dược và dược: Phát triển theo hướng cung ứng một số sản phẩm hóa chất là sản phẩm phụ từ công nghiệp luyện kim mầu; thu hút đầu tư các dự án sản xuất bao bì plastic đóng gói đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phẩm và nhu cầu đóng gói xuất khẩu tại các khu kinh tế cửa khẩu. Sơ chế dược liệu từ nguồn phát triển cây dược liệu có tiềm năng trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất thuốc đông dược, nam dược trên địa bàn tỉnh; khuyến khích phát triển các dự án sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nhu cầu sản xuất sản phẩm nông lâm nghiệp sạch.

- Giai đoạn đến năm 2025: Giá trị sản xuất của nhóm ngành đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 14%/năm; năm 2025, đóng góp khoảng 44% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh.

3.2. Nhóm công nghiệp mũi nhọn

3.1.1. Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga

- Phát triển ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện trên cơ sở thực hiện tốt định hướng và công trình phát triển nguồn và lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia và tỉnh giai đoạn đến 2025 và Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn.

+ Ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư phát triển nguồn SX và lưới điện đối với các dự án đang xây dựng, các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, và các dự án quốc gia theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia.

+ Đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động SX các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được quy hoạch trên địa bàn. Đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ môi trường đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ tăng lợi ích cho phát triển KT-XH, bổ sung nguồn điện cho địa phương.

+ Tiếp tục phát triển và cải tạo hệ thống cung cấp điện của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện. Ưu tiên phát triển lưới điện đến các khu vực có tính cấp thiết bao gồm: Khu vực biên giới, khu vực chưa có điện, khu vực nhu cầu sử dụng điện tăng cao (hệ số dự phòng thấp), khu vực có hoạt động công nghiệp tập trung cao.

+ Nghiên cứu khả năng phát triển năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn cấp điện cho tỉnh, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa, nơi mà điện lưới không thể vươn tới.

- Ưu tiên phát triển các cơ sở triết nạp ga có quy mô và đảm bảo môi trường an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở đầu tư sang triết nạp ga đã đăng ký đầu tư trên địa bàn vào hoạt động sản xuất, mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

- Giai đoạn đến năm 2025: Giá trị sản xuất của nhóm ngành đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 27%/năm; năm 2025, đóng góp trên 13% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh.

3.1.2. Công nghiệp sản xuất và cung ứng nước, sản xuất tái chế và xử lý rác thải, nước thải

- Cấp nước đô thị: Khai thác hợp lý, có hiệu quả công suất các nhà máy, trạm cấp nước hiện có và tăng cường đầu tư mở rộng, nâng cấp, đầu tư mới và đồng bộ hóa trên toàn mạng; nâng cao chất lượng nước sinh hoạt;

- Cấp nước nông thôn: Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các loại hình cấp nước nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đối với khu vực nông thôn vùng cao, đặc biệt là khu vực vùng cao núi đá là nơi có nguồn nước vào mùa khô rất khan hiếm, đầu tư mới và cải tạo các công trình chứa nước để dự trữ và cung cấp nước cho người dân.

- Cấp nước công nghiệp: Những khu, cụm công nghiệp nằm gần thành phố, các thị trấn sẽ được cung cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung tại các khu vực này. Đối với các khu, cụm công nghiệp nằm riêng lẻ sẽ đầu tư công trình cấp nước cục bộ, tùy theo nguồn nước từng khu vực để có những lựa chọn phù hợp.

- Ngành sản xuất tái chế và xử lý rác thải, chất thải: Thực hiện tốt nội dung quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cao Bằng đến năm 2025. Ưu tiên mọi nguồn lực cho đầu tư xử lý rác thải, chất thải trên địa bàn theo hướng xử lý triệt để nguồn rác thải, nước thải độc hại từ ngành y tế; tận thu, tái chế ra sản phẩm có ích như năng lượng, phân vi sinh, các sản phẩm tái chế khác cao su, plastic, vật liệu ... từ nguồn rác thải sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn, từ đó giảm tải và tăng hệ số sử dụng đất cho các bãi rác; thực hiện xử lý tập trung nước thải sinh hoạt và nước thải từ các khu, cụm công nghiệp, hoạt động SXCN trên địa bàn để đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường sống.

- Giai đoạn đến năm 2025: Giá trị sản xuất của nhóm ngành đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân trên 8%/năm; năm 2025, đóng góp trên 2% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh.

3.3. Nhóm công nghiệp nền tảng

3.3.1. Khai thác khoáng sản

- Thực hiện phát triển theo quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh phù hợp với Quy hoạch khoáng sản chung của cả nước và Quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản theo từng thời kỳ kế hoạch trong giai đoạn quy hoạch. Thực hiện định hướng phát triển theo Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh Cao Bằng, Quy hoạch phát triển VLXD tỉnh Cao Bằng.

- Tiếp tục thực hiện công tác thăm dò và thăm dò bổ sung để nâng cấp trữ lượng khoáng sản (nhất là khoáng sản kim loại) và khoáng sản quý hiếm, trên cơ sở chú trọng các phương pháp có độ tin cậy cao và có thể đánh giá ở các độ sâu lớn đối với các loại khoáng sản có tiềm năng trên địa bàn tỉnh quặng sắt, mangan, thiếc, vonfram, đồng, chì, kẽm trước mắt nhằm đáp ứng nhu cầu cho công nghiệp chế biến luyện kim và đáp ứng nhu cầu xây dựng của tỉnh; thực hiện thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxit theo chỉ đạo của Trung ương.

- Xây dựng hệ thống dữ liệu tài nguyên khoáng sản của tỉnh, kế thừa và lập chương trình đánh giá, thăm dò khoáng sản nhằm phát hiện các điểm mỏ mới và tăng trữ lượng khoáng sản, tạo cơ sở địa chất cho khai thác khoáng sản.

- Quản lý tốt việc cấp phép đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định. Chỉ cấp phép khi có kết quả đầu tư thăm dò, phê duyệt trữ lượng, và công tác thẩm định, đánh giá công nghệ nhằm thực hiện tốt yếu tố bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh, xã hội.

- Bố trí có điều tiết về vùng nguyên liệu cung ứng hợp lý quặng kim loại phục vụ chế biến, ưu tiên cho các dự án có quy mô sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, hoạt động sản xuất tốt trên địa bàn để nâng cao hệ số sử dụng hiệu quả khoáng sản.

- Rà soát các dự án chế biến sâu sử dụng quặng trên địa bàn tỉnh, sắp xếp lại các cơ sở sản xuất (lựa chọn cơ sở hoạt động có hiệu quả, có công nghệ tốt, không gây ô nhiễm môi trường) cùng với quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý đảm bảo cho hoạt động sản xuất khả thi. Loại bỏ các dự án sản xuất không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường hoặc đầu tư cầm chừng (thu hồi giấy phép, ưu tiên cho chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hợp tác liên kết đổi mới công nghệ sản xuất...).

- Phối kết hợp trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giữa các đơn vị sở, ban ngành của tỉnh và giữa tỉnh với cơ quan quản lý cấp trên, nhằm hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản của tỉnh có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên bền vững trong bối cảnh chung của cả nước.

- Giai đoạn đến năm 2025: Giá trị sản xuất của nhóm ngành đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 4-7%/năm; đóng góp khoảng 7% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh.

3.3.2. Ngành sản xuất vật liệu xây dựng và than cốc

- Định hướng phát triển của ngành sản xuất vật liệu xây dựng cần theo sát và cập nhật theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Cao Bằng và theo định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện tốt Kế hoạch chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và Thông tư số 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng.

+ Vật liệu xây, vật liệu lợp: Hạn chế phát triển sản xuất gạch nung nhằm bảo vệ nguồn đất nông nghiệp, giữ gìn cảnh quan môi trường, xóa bỏ hoàn toàn gạch thủ công; Phát triển nhóm ngành theo hướng tiếp cận công nghệ công nghiệp xanh tiên tiến hiện nay, hỗ trợ cải tạo môi trường trong phát triển ngành khai thác đá, cát, luyện kim: sản xuất vật liệu xây dựng không nung từ tận dụng nguồn đá mạt thải, cát, nguồn tro xỉ thải, xỉ thép tại các nhà máy luyện gang thép trên địa bàn, với sản phẩm đa dạng để thay thế một phần gạch nung, đáp ứng nhu cầu xây dựng; Theo nhu cầu thị trường, tiếp tục đầu tư sản xuất ngói nung tại các nhà máy gạch tuynel; Phát triển sản xuất các loại ngói xi măng - cát, nhằm thay thế và dừng sản xuất tấm lợp amiăng - xi măng để tránh ô nhiễm môi trường; Khuyến khích phát triển mới các cơ sở gia công tấm lợp kim loại, phát triển sản xuất loại 3 lớp cách âm, cách nhiệt.

+ Bê tông: phát triển sản xuất bê tông tươi thương phẩm để phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn, phát triển sản xuất các loại sản phẩm cột điện bê tông li tâm phục vụ nhu cầu điện khí hóa nông thôn mới và phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh và khu vực. Tạo điều kiện chuyển đổi sản xuất cho cơ sở sản xuất xi măng hiện có trên địa bàn nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo yếu tố môi trường cảnh quan.

+ Vật liệu trang trí hoàn thiện và các vật liệu khác: Khuyến khích phát triển các loại đá ốp lát, gạch trang trí, gạch ốp tường theo nhu cầu thị hiếu của thị trường trong và ngoài tỉnh. Nghiên cứu phát triển các sản phẩm vật liệu mới (vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt...), phục vụ ngành xây dựng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

- Sản xuất than cốc: Tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sản xuất than cốc đã đăng ký đầu tư trên địa bàn vào hoạt động sản xuất ổn định.

- Giai đoạn đến năm 2025: Giá trị sản xuất của nhóm ngành đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 22-23%/năm; Năm 2025, đóng góp từ 19% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh.

3.3.3. Ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản (CBNLS) thực phẩm và SX hàng tiêu dùng

Phát triển ngành gắn liền với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các dự án trọng điểm của ngành nông lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tăng tỷ lệ chế biến sâu, đặc biệt chú trọng chất lượng hàng hóa sản phẩm nông lâm nghiệp đặc sản chủ lực. Gắn liền XD và phát triển thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã vạch mã số sản phẩm hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ đ tăng giá trị khi tham gia vào thị trường. Khuyến khích liên kết giữa nhà SX và cung ứng nguồn nguyên liệu theo hướng cung ứng nguyên liệu đã qua sơ chế, hoặc chế biến thô cho cơ sở SX tiếp tục chế biến sâu và cung ứng sản phẩm ra thị trường. Nghiên cứu cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu, đáp ứng điều kiện lưu thông hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước, tăng dần lượng, mẫu mã và loại hàng hóa xuất khẩu. Nghiên cứu nhu cầu thị trường xuất khẩu, mở hướng phát triển mới về ngành da, giầy gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu. Duy trì SX quy mô hộ gia đình đáp ứng nhu cầu may mặc tiêu dùng trên địa bàn.

- Nhóm ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống: Duy trì và phát triển các mặt hàng sản vật của địa phương và đáp ứng nhu cầu chế biến gắn với định hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

+ Duy trì, khôi phục và hỗ trợ phát triển về công nghệ, thông tin công nghệ và chuyển giao công nghệ chế biến, thiết kế mẫu mã, đăng ký chất lượng, mẫu mã bao bì, mặt hàng để được bảo hộ sản xuất trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phát huy và khuyến khích mở rộng hình thức liên kết sản xuất theo công đoạn như nhà nông tham gia phần sơ chế, chế biến cung ứng nguyên liệu thô ban đầu, các doanh nghiệp tham gia kiểm nghiệm chất lượng, sản xuất chế biến tinh, bảo quản đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế mẫu mã bao bì, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

+ Trong giai đoạn đầu, hỗ trợ về thông tin thị trường, công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất chế biến tiên tiến trong nước cho quy mô vừa và nhỏ tham gia vào mạng lưới bán buôn, bán lẻ cho thị trường trong và ngoài nước.

+ Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến được xây dựng thương hiệu sử dụng nguyên liệu chế biến thô đầu vào như bánh đa, miến, bún, phở khô, kẹo, mật ong... Hương tới cung ứng thị trường thực phẩm dinh dưỡng trong và ngoài nước.

+ Khuyến khích các cơ sở sản xuất hiện có mở rộng đầu tư, đầu tư nâng cao chất lượng bảo quản các sản phẩm chế biến thực phẩm, giảm lượng hao hụt với các mặt hàng sơ chế quả, ngũ cốc, lạc...

+ Khuyến khích đầu tư phát triển, nâng cấp các cơ sở sản xuất chế biến chè hiện có, đầu tư mới nhà máy chế biến chè hiện đại trên địa bàn đáp ứng chế biến hết nguồn nguyên liệu chè sản xuất trên địa bàn theo hình thức hợp đồng, liên kết với cơ sở trồng chè, sơ chế chè theo thị hiếu, nhu cầu của thị trường hướng tới xuất khẩu.

+ Đầu tư phát triển mặt hàng chế biến thực phẩm tươi sống sạch trên địa bàn (cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm đông lạnh, các cơ sở cấp đông rau, quả) theo nhu cầu, với quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn, quy mô lớn tại khu kinh tế cửa khẩu để phục vụ xuất khẩu.

+ Đầu tư nâng cấp cơ sở SX thức ăn chăn nuôi, đầu tư mới cơ sở SX dầu lạc và chế biến thức ăn chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ sản phẩm lạc SX từ vùng trồng lạc (theo chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp) và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương pháp an toàn và giúp tiêu thụ hết nguồn lương thực dư thừa trên địa bàn.

+ Đầu tư phát triển thêm các dự án về đồ uống như nước khoáng đóng chai, nước tinh khiết, rượu bia theo nhu cầu phát triển khu kinh tế cửa khẩu và du lịch trên địa bàn.

- Nhóm ngành SX thuốc lá, thuốc lào: Tiếp tục hỗ trợ việc bảo quản sơ chế thu hoạch thuốc lá theo hợp đồng thu mua giữa hộ trồng và nhà SX thuốc lá. Thúc đẩy hoàn thành dự án đầu tư đang triển khai NM chế biến nguyên liệu thuốc lá đi vào SX.

- Nhóm ngành chế biến lâm sản, sản xuất giường tủ bàn ghế: Chuyển đổi sản xuất theo hướng chế biến sâu hơn với sản phẩm gỗ và lâm sản, đặc biệt đối với gỗ rừng trồng.

+ Hỗ trợ khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất từ gỗ rừng trồng, gỗ công nghiệp, gỗ ép, sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng từ gỗ, phát huy nghề truyền thống, tăng cường hoạt động sản xuất liên kết trong và ngoài nước hướng tới xuất khẩu.

+ Khuyến khích thu hút đầu tư nghiên cứu khai thác chế biến nguồn lâm sản ngoài gỗ như tinh, dầu quế, hồi, tinh chất dược liệu cung cấp nguyên liệu cho ngành hóa dược và hóa mỹ phẩm phù hợp với điều kiện phát triển nguồn nguyên liệu của địa phương.

+ Khuyến khích liên kết đầu tư dự án chế biến thạch đen từ vùng trồng cây thạch trên địa bàn (mở rộng thị trường vào khu vực phía Nam và xuất khẩu).

- Nhóm ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy: Khuyến khích sản xuất giấy bao bì đáp ứng nhu cầu bao bì theo mẫu mã tiêu thụ từng loại sản phẩm; phát triển đầu tư mới thêm các cơ sở sản xuất giấy vệ sinh, khăn ăn cao cấp theo nhu cầu của thị trường trong tỉnh.

- Nhóm ngành sản xuất tiêu dùng (SX dệt, may, da giầy): Nhóm ngành này hiện có quy mô rất nhỏ bé phát triển theo mô hình làng nghề, họ cá thể nhỏ lẻ, đáp ứng cho nhu cầu may mặc, giầy dép của địa phương. Theo nhu cầu thị trường, thu hút thêm dự án về SX giầy dép xuất khẩu tại khu kinh tế cửa khẩu.

- Giai đoạn đến năm 2025: Giá trị sản xuất của nhóm ngành đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân từ 6%/năm; năm 2025, đóng góp khoảng 13% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh.

3.3.4 Ngành sản xuất khác

Trong suốt giai đoạn quy hoạch, tiếp tục tạo điều kiện phát triển cho ngành in ấn chế phẩm phục vụ báo chí, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo... trên địa bàn, phát triển thêm các sản phẩm in ấn như in bao bì phục vụ đóng gói hàng hóa theo quy cách. Khuyến khích các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực sản xuất đồ dùng giảng dạy, giáo dục...

3.4. Định hướng phát triển công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp

Phát triển công nghiệp nông thôn gắn liền với chương trình XD nông thôn mới cùng với bảo tồn và phát triển các nghề thủ công. Khôi phục, duy trì các nghề truyền thống (dệt, may thổ cẩm, đan lát...), phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng với mục tiêu trước mắt là phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân, dần dần tiến tới xuất khẩu. Đồng thời cũng có hướng phát triển thêm một số nghề mới khai thác tốt những tiềm năng thế mạnh trên địa bàn như SX chè Ô Long, SX mật ong...XD thương hiệu sản phẩm gắn với SX tiểu thủ CN Cao Bằng như: sản phẩm rượu, miến dong, các loại bánh, lạp sườn, chè sạch... Nghiên cứu phát triển thêm mẫu mã sản phẩm du lịch.

Xác định ngành nghề và sản phẩm có ý nghĩa then chốt, xác định trọng tâm đầu tư: Phát triển mạnh các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trước tiên ở các xã được quy hoạch XD nông thôn mới. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông thôn như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản, các sản phẩm cơ khí đơn giản phù hợp với điều kiện sản xuất và đầu tư trên địa bàn huyện như: xe cải tiến, các nông cụ cầm tay, máy tuốt lúa, tạo điều kiện cơ khí hóa trong sản xuất nông nghiệp.

3.6. Định hướng không gian phát triển công nghiệp theo vùng

Định hướng phát triển các ngành công nghiệp phân bố theo vùng phù hợp định hướng phát triển kinh tế vùng theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và định hướng quy hoạch phát triển khu, CCN trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt, hoặc có chủ trương.

Thực hiện rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch KCN, CCN trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn quy hoạch. Từ đó làm cơ sở để đầu tư XD cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý rác thải, nước thải) cho các khu, CCN tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hiện đại tập trung. Định hướng trong giai đoạn đến năm 2025 đầu tư hạ tầng tối thiểu từ 2-5 khu, CCN trên địa bàn.

Định hướng không gian phát triển công nghiệp theo 3 vùng:

a) Vùng 1- Tiểu vùng giữa, được xác định là vùng trung tâm phát triển của tỉnh: Bao gồm thành phố Cao Bằng và các huyện Hòa An, Nguyên Bình và Hà Quảng, có chức năng: Là vùng trung tâm phát triển, được phát triển theo hướng vùng kinh tế mang tính tổng hợp và chất lượng cao với các chức năng cụ thể về công nghiệp bao gồm công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông sản với việc hình thành các khu, cụm công nghiệp đa nghề tập trung. Hình thành 1 khu và 5 cụm công nghiệp

b) Vùng 2 - Tiểu vùng phía Đông: Gồm các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa, Thạch An, có nhiều tiềm năng phát triển với đặc trưng là khu kinh tế cửa khẩu, thương mại dịch vụ và công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác và chế biến quặng mangan, quặng bauxit, sản xuất vật liệu chịu lửa, than cốc, chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất thủy điện của tỉnh... Đồng thời vùng cũng tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử dân dụng, cơ khí sửa chữa phương tiện vận tải tại khu kinh tế cửa khẩu.

c) Vùng 3- Tiểu vùng phía Tây: Bao gồm các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và Thông Nông. Khu vực này có mật độ dân cư và phát triển kinh tế thấp nhất tỉnh, giao thông đi lại khó khăn. Vùng 3 dự kiến chức năng phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và có chức năng phát triển công nghiệp về công nghiệp khai khoáng, chế biến nông lâm sản và sản xuất thủy điện vừa và nhỏ.

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (theo Phụ lục đính kèm Quyết định này)

5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch

5.1. Nhóm giải pháp trước mắt

- Tổ chức phổ biến thông tin thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, các chủ trương, chính sách và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh phát triển công nghiệp và dịch vụ..., làm tốt công tác tư tưởng tuyên truyền giáo dục để toàn thể nhân dân, cán bộ nắm rõ.

- Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Đặc biệt lưu ý hơn công tác đầu tư hạ tầng vào lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp. Khẩn trương xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Xây dựng phương án trình Trung ương giúp đỡ từ nghiên cứu đến thực thi các giải pháp khắc phục tình trạng hệ thống giao thông đến các cửa khẩu vẫn còn yếu kém, sớm cải thiện hạ tầng giao thông ba khu vực cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh, Sóc Giang. Tỉnh cần sớm xây dựng hành lang kết nối giao thông từ Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc, đi quốc tế thông qua cảng Hải Phòng.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại các cửa khẩu.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, thương nhân đầu tư, kinh doanh buôn bán các mặt hàng xuất khẩu của địa phương trong tỉnh, qua các cửa khẩu biên giới.

- Rà soát, bổ sung hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút đầu tư, kinh doanh thương mại. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến công, xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù phù hợp với điều kiện miền núi của Cao Bằng.

- Đẩy mạnh triển khai các đồ án quy hoạch Nông thôn mới cấp xã đã được phê duyệt, phấn đấu thực hiện các tiêu chí về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Triển khai tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên cơ sở công nghệ bảo vệ môi trường tạo nguồn nguyên liệu tốt cho công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

- Quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng quan hệ liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía bắc, dựa trên việc lồng ghép các chương trình, dự án phát triển KT-XH trong vùng, giữa các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn. Thu hút các nguồn hỗ trợ dưới nhiều hình thức khác nhau. Xây dựng tình đoàn kết, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, hỗ trợ tỉnh Cao Bằng trong quá trình phát triển.

5.2. Nhóm giải pháp lâu dài

a) Giải pháp về đầu tư và thu hút đầu tư

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục và thường xuyên quan tâm công tác phòng, chống tham nhũng, làm minh bạch các hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, đi đôi với cải cách thủ tục hành chính, điều hành linh hoạt và đáp ứng nhanh để hỗ trợ cho các dự án trọng điểm xây dựng và đưa vào sản xuất đúng tiến độ.

- Thành lập Ban Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp toàn tỉnh nói chung, trong đó có lĩnh vực công nghiệp. Hoàn thiện, đổi mới Website “Trang thông tin điện tử Doanh nghiệp và đầu tư Cao Bằng”, bổ sung mục Ý kiến của doanh nghiệp để XD môi trường đầu tư ngày càng tốt hơn;

- Các cơ quan Báo, Đài, Cổng thông tin điện tử tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.

- Ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh cho hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp, tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tại các trung tâm kinh tế lớn trong nước như Hà Nội và ngoài nước như Trung Quốc, các quốc gia mục tiêu trong khu vực Châu Á; tổ chức quảng bá, tuyên truyền, phát hành các ấn phẩm giới thiệu hình ảnh của tỉnh, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; tổ chức hội nghị, hội thảo đầu tư, gặp gỡ giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản và phát triển thủy điện.

- Thực hiện tốt việc hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trong công tác khảo sát địa điểm, giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà xưởng đúng kế hoạch đăng ký. Rà soát các dự án đầu tư SXCN chậm triển khai, chỉ rõ nguyên nhân để có biện pháp tháo gỡ hoặc tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

- Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng bên trong khu, cụm công nghiệp. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đưa Khu công nghiệp Đề Thám ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước và chuyển đổi một phần diện tích (20ha) thành cụm công nghiệp; bổ sung mới khu công nghiệp Chu Trinh, diện tích 80 ha vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của cả nước.

- Hỗ trợ thiết kế quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào, tăng tính hấp dẫn để doanh nghiệp đăng ký vào sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.

- Đối với các cụm công nghiệp ở các huyện, Thành phố, chú ý tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tiếp cận, hỗ trợ di dời ... thực hiện mục tiêu quy hoạch cụm công nghiệp của tỉnh.

b) Giải pháp phát triển khoa học công nghệ

- Tăng cường công tác thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư vào địa bàn theo quy định tại Thông tư 10/2009/TT-BKHCN hướng dẫn thực hiện Nghị định 133/2008/NĐ-CP của Chính Phủ.

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Cao Bằng đến năm 2020", hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào sản xuất. Lựa chọn doanh nghiệp SXCN đủ điều kiện tham gia vào dự án.

- Ưu tiên nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản lý, thông tin liên lạc, giao dịch, điều tra, quản lý dữ liệu về công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp theo định hướng chung của tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ xanh vào SX.

- Khuyến khích các dịch vụ tư vấn về đầu tư và chuyển giao công nghệ để đẩy nhanh và mở rộng áp dụng các kỹ thuật tiến bộ trong công nghiệp, đổi mới công nghệ và đưa nhanh các công nghệ hiện đại vào các ngành công nghiệp của tỉnh.

c) Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

- Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2020 đạt các mục tiêu về đào tạo nguồn nhân lực.

- Kết nối đơn vị bồi dưỡng, đào tạo và doanh nghiệp cùng XD nội dung chương trình đào tạo, truyền nghề, thực hành kỹ năng nghề... có hình thức và phương pháp phù hợp với văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các chương trình, kế hoạch triển khai đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư, kết nối cơ sở đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nhân lực nông thôn địa phương, vừa nâng cao cơ hội việc làm cho người lao động, vừa tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

- Sở Công Thương phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động tìm kiếm, tiếp xúc với các tổ chức trong và ngoài nước tại các chương trình dự án xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu, hỗ trợ vùng sâu, biên giới đưa lĩnh vực đào tạo ngành nghề trở thành một hợp phần trong các đề án của họ.

d) Giải pháp về thị trường

- Thực hiện có hiệu quả Chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt. Thường xuyên tổ chức và tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, các hoạt động kết nối thị trường, trong đó chú trọng đến các hội chợ quốc tế chuyên ngành. Liên kết các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh biên giới phía Bắc, hợp tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, tham gia các hoạt động phát triển thị trường thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia.

- Xây dựng Chương trình quản lý, khai thác thông tin xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu thông tin về xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu, dự báo, cung cấp các thông tin thị trường, tư vấn thị trường tiêu thụ sản phẩm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng xây dựng và điều hành chiến lược đầu tư, sản xuất kinh doanh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh, chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

e) Giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp

- Thực hiện các chương trình, kế hoạch để nâng cao năng lực cạnh tranh chung của tỉnh, thông qua các dự án "Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của tỉnh Cao Bằng đến năm 2020"; thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư đều đặn hàng năm; cải cách hành chính, ban hành cơ chế ưu đãi của tỉnh...

- Các doanh nghiệp chủ động tự nâng cao năng lực cạnh tranh, lựa chọn mô hình tổ chức, tạo sự gắn kết trong doanh nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác và huy động nguồn lực với các đối tác bên ngoài. Tăng khả năng liên kết và hợp tác giữa các doanh nghiệp.

- Các sở ban ngành cần tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở SXCN từng bước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu sản phẩm với chỉ dẫn địa lý.

f) Giải pháp về môi trường

- Tuyên truyền cho các doanh nghiệp nắm rõ các quy định của Nhà nước về môi trường, nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, phổ biến, áp dụng các mô hình, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm ô trường.

- Thực hiện đầu tư và đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và bãi tập kết chất thải rắn các khu, cụm công nghiệp, đảm bảo đến năm 2020, có khu, cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý chất thải, nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Cao Bằng. Triển khai thực hiện lộ trình di dời các cơ sở thường xuyên gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ các khu dân cư vào khu, cụm công nghiệp. Ưu tiên đầu tư các công trình sản xuất tái chế xử lý rác thải tại khu vực các bãi rác tập trung.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển SXCN nông thôn, áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đồng thời kết hợp với sản xuất nông lâm sản sạch an toàn (cung ứng nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp). Hạn chế tiếp nhận các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, hao tốn nhiều nguyên nhiên liệu, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

- Quy hoạch các khu chức năng, các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hợp lý, khoa học, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường xung quanh, đảm bảo tỷ lệ cây xanh theo quy định (10%). Nâng cao hiệu quả, chất lượng thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

g) Giải pháp nâng cao năng lực tổ chức, quản lý ngành

- Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện quy hoạch. Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị có liên quan, giữa tỉnh và huyện... để công tác quản lý nhà nước về công nghiệp ngày càng được tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung một cách bền vững.

- Tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, đơn giản bớt thủ tục, giấy tờ hành chính. Thực hiện tốt chính sách một cửa trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thành lập và đăng ký doanh nghiệp. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ công chức, từng bước thực hiện tiêu chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân một cách có hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Sở Công Thương

- Tổ chức công bố công khai, rộng rãi Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo quy định tại Điều 37, Điều 38 Thông tư số 50/2015/TT-BKHCN.

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố tổ chức quản lý, thực hiện tốt Quy hoạch.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh việc thực hiện các đề án quy hoạch phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng của ngành như: Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mạng lưới cơ sở nhà máy... để mạng lưới kết cấu hạ tầng công nghiệp phát triển một cách hài hóa, hợp lý, hiệu quả trên toàn địa bàn.

- Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương về tình hình thực hiện Quy hoạch trước ngày 10 tháng 12 hàng năm.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Công Thương, các sở ngành, địa phương liên quan, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua các đơn vị đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, trong đó ưu tiên mời gọi, lựa chọn những dự án đầu tư các ngành công nghiệp lợi thế của tỉnh.

3. Ban quản lý Khu Kinh tế

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện việc thu hút đầu tư và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện dự án đúng ngành nghề đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong các quyết định của chính phủ và tỉnh đã ban hành.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát quỹ đất, để triển khai quy hoạch công nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; hướng dẫn về thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các công trình, dự án.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường của các công trình, dự án theo quy định; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng đất và thực hiện các quy định về môi trường; Phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng các chính sách sử dụng đất phù hợp, tạo thuận lợi, tăng tính hấp dẫn cho phát triển công nghiệp dài hạn trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện việc hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các hoạt động về phát triển khoa học và công nghệ; tham mưu cho UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp áp dụng các công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

- Tăng cường công tác thẩm tra công nghệ các dự án đầu tư vào địa bàn theo các quy định hiện hành của Chính phủ và UBND tỉnh Cao Bằng về hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

6. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện việc hỗ trợ đối với các hoạt động về phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút lao động có trình độ cao, nhân tài vào ngành công nghiệp.

7. Sở Giao thông - Vận tải

- Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh.

- Trên cơ sở mạng lưới khu, cụm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp được quy hoạch, cần có kế hoạch triển khai hoặc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch giao thông của tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển mạng lưới công nghiệp và cho lưu chuyển lao động, nguyên vật liệu, sản phẩm, hàng hóa...

- Phối hợp với Công an tỉnh, thành phố và các huyện trên địa bàn cải tiến và hoàn thiện quản lý giao thông (đặc biệt đối với địa bàn đô thị) để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng, bốc dỡ và nhập xuất kho các hoạt động công nghiệp, đặc biệt trong các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Đề án Chính phủ điện tử; Đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; Hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; xây dựng phát triển các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; phối hợp Sở Công Thương hoàn thiện và phát huy Sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động hiệu quả.

- Chỉ đạo cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, đơn vị và người dân biết nhằm thực hiện tốt quy hoạch được duyệt.

9. Sở Xây dựng

Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển ngành sản xuất vật liệu xây dựng cho các đơn vị, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có liên quan; Định hướng và đảm bảo bố trí không gian và kiến trúc (nếu có) phù hợp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các loại hình cơ sở công nghiệp ở từng khu vực trên địa bàn.

10. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan, xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ và cân đối nguồn vốn thực hiện hỗ trợ theo các chương trình phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh về các quy định phí, lệ phí và chính sách về thuế để nuôi dưỡng nguồn thu và khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghiệp của tỉnh.

11. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện các dự án phát triển ngành hàng là nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến nông sản, phát triển phù hợp lộ trình đã có quy hoạch; phối hợp thúc đẩy phát triển các làng nghề, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp quy hoạch.

12. Sở Tư pháp: Chịu trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn.

13. Cục Thống kê: Chịu trách nhiệm thu thập, thống kê và cung cấp kịp thời các thông tin, số liệu về giá trị sản xuất, chỉ số phát triển, ... theo các nhóm ngành công nghiệp, đặc biệt có bổ sung phân tách số liệu phân cấp cho ngành công nghiệp hỗ trợ, để phục vụ đáp ứng công tác quản lý và hướng hỗ trợ phát triển trong giai đoạn quy hoạch.

14. UBND các huyện, Thành phố

- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp ngành công nghiệp trên địa bàn do địa phương quản lý, để có định hướng và kế hoạch phát triển SX kinh doanh phù hợp với mục tiêu, định hướng Quy hoạch.

- Cụ thể hóa Quy hoạch này vào kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, 5 năm của từng huyện, Thành phố.

- Chịu trách nhiệm thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư đúng tiến độ khi thực hiện các dự án đầu tư.

- Phối hợp với Sở Công Thương, các ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch được phê duyệt. Đảm bảo bố trí và sử dụng cán bộ có năng lực phù hợp, có trình độ chuyên nghiệp về quản lý công nghiệp; xây dựng phương thức linh hoạt hợp tác liên kết cùng phát triển với các tỉnh, thành phố trong nước.

- Kịp thời điều chỉnh, bổ sung các hoạt động phối kết hợp cho phù hợp trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, Thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- CV: TH, KT;
- Lưu: VT, CN.

CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 


PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ CHỦ YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2016-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2471/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2016 của UBND tỉnh Cao Bằng).

STT

Tên dự án

Vị trí

Quy mô

Vốn đầu tư (tỷ đồng)

Đơn vị

2016-2020

2021-2025

2016-2020

2021-2025

Công nghiệp luyện kim, cơ khí & điện tử, hóa chất, hóa dược và dược

1

NM cán thép*

TP Cao Bằng, huyện Hòa An

1000 tấn

200

200

 

1.000

2

Các cơ sở Luyện kim loại chì, kẽm thỏi*

Huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm

1000 tấn

5

5

 

 

3

NM SX antimoan thỏi*

Huyện Bảo Lâm

1000 tấn

10

20

40

30

4

Các cơ sở SX đồng, niken*

Huyện Bảo Lâm, Hòa An

1000 tấn

1,5

3

100

100

5

NM SX alumin khi có chủ trương*

Huyện Hòa An, Thông Nông

1000 tấn

 

 

 

5000

6

NM SX vật liệu mới hợp kim nhôm*

Huyện Hà Quảng, hoặc Trà Lĩnh

1000 tấn

 

 

 

1000

7

NM SX nhôm thỏi*

Huyện Hòa An

1000 tấn

 

 

 

 

8

Nâng cấp, đầu tư mới các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện giao thông trên các tuyến đường quốc lộ đi cửa khẩu

Các huyện

 

 

 

10

10

9

DA chế tạo đúc, rèn, dập một số chi tiết của các máy cơ khí phục vụ công trình khai thác và chế biến khoáng sản

TP Cao Bằng, huyện Hòa An

 

 

 

 

100

10

Nâng cấp các cơ sở rèn, đúc, sửa chữa cơ khí nhỏ

TP Cao Bằng, huyện Hòa An, Quảng Uyên...

 

 

 

1

2

11

Các DA SX linh kiện điện tử

Khu kinh tế cửa khẩu

 

 

 

 

200

12

Các DA lắp ráp hàng điện tử

Khu kinh tế cửa khẩu

 

 

 

50

50

13

NM SX bao bì plastic đóng gói hàng xuất khẩu

Khu kinh tế cửa khẩu

 

 

 

50

50

14

Cơ sở sơ chế, chế biến cung ứng dược liệu cho bào chế thuốc nam dược, đông dược

TP Cao Bằng, huyện Hòa An

 

 

 

 

50

Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, ga

1

NM Thủy điện Bảo Lâm 1

Xã Lý Bôn - H. Bảo Lâm

MW

30

30

915,2

 

2

NM Thủy điện Bảo Lâm 2

Xã Thượng Hà - H. Bảo Lạc

MW

30

30

604,2

 

3

NM Thủy điện Bảo Lâm 3

Xã Đức Hạnh - H. Bảo Lâm

MW

46

46

1.394

 

4

NM Thủy điện Bảo Lâm 3A

Xã Đức Hạnh - Bảo Lâm

MW

8

8

277

 

5

NM Thủy điện Khuổi Luông

Xã Cách Linh - H. Phục Hòa

MW

4,4

4,4

88,6

 

6

NM Thủy điện Hoa Thám

Xã Hoa Thám - H. Nguyên Bình

MW

5,8

5,8

116,8

 

7

NM Thủy điện Bảo Lâm 4 (Mông Ân)

TT Pác Miều - H. Bảo Lâm

MW

26

26

523,6

 

8

NM Thủy điện Hòa Thuận

Xã Hòa Thuận - H. Phục Hòa

MW

17

17

342,4

 

9

NM Thủy điện Hồng Nam

Xã Hồng Nam - H. Hòa An

MW

25,5

25,5

513,6

 

10

NM Thủy điện Tiên Thành

Xã Hạnh Phúc - H.Quảng Uyên, xã Tiên Thành- H. Phục Hòa

MW

15

15

302,1

 

11

NM Thủy điện Bản Chiếu

Xã Phan Thanh - H. Nguyên Bình

MW

5

5

101

 

12

NM Thủy điện Khuổi Ru

Xã Hưng Đạo - H. Bảo Lạc

MW

-

7,5

 

151,1

13

NM Thủy điện Bản Riển

Xã Hưng Đạo - H. Bảo Lạc

MW

-

5

 

100,7

14

NM Thủy điện Bạch Đằng

Xã Bạch Đằng - H. Hòa An

MW

-

5,2

 

104,7

15

NM Thủy điện Thân Giáp

Xã Thân Giáp - H. Trùng Khánh

MW

-

6

 

120,8

16

NM chiết nạp LPG

TP Cao Bằng

Tấn

300

500

20

30

Công nghiệp sản xuất và cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải

1

Đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống cung cấp nước sạch

Các huyện

1000 m3/nđ

34,41

53,02

 

 

2

NMN TT Trùng Khánh

Huyện Trùng Khánh

1000 m3/nđ

1,4

2,6

1

2,4

3

NMN TT Nước Hai

Huyện Hòa An

1000 m3/nđ

1,25

1,85

-

1,2

4

NMN TT Đông Khê

Huyện Thạch An

1000 m3/nđ

0,86

1,05

-

0,4

5

NMN TT Thanh Nhật

Huyện Hạ Lang

1000 m3/nđ

0,6

1,05

-

0,9

6

NMN TT Thông Nông

Huyện Thông Nông

1000 m3/nđ

1,24

1,24

-

-

7

NMN TT Xuân Hòa

Huyện Hà Quảng

1000 m3/nđ

0,6

1,1

0,5

1

8

NMN Sông Bằng 2

TP Cao Bằng

1000 m3/nđ

 

12

-

49

9

NMN TT Pác Miều

Huyện Bảo Lâm

1000 m3/nđ

1,2

1,65

4,9

0,9

10

NMN TT Bảo Lạc

Huyện Bảo Lạc

1000 m3/nđ

0,55

0,9

2,2

0,7

11

NMN TT Sóc Giang

Huyện Hà Quảng

1000 m3/nđ

0,41

0,75

1,7

0,7

12

NMN TT Hùng Quốc

Huyện Trà Lĩnh

1000 m3/nđ

1,05

1,4

4,3

0,7

13

NMN TT Đàm Thủy

Huyện Trùng Khánh

1000 m3/nđ

0,41

0,81

1,7

0,8

14

NMN TT Tà Lùng

Huyện Phục Hòa

1000 m3/nđ

1,65

1,9

6,7

0,5

15

NMN TT Hòa Thuận

Huyện Phục Hòa

1000 m3/nđ

0,66

1,05

2,7

0,8

16

NMN TT Nguyên Bình

Huyện Nguyên Bình

1000 m3/nđ

0,71

1,4

2,9

1,4

17

NMN TT Tĩnh Túc

Huyện Nguyên Bình

1000 m3/ng.đ

0,5

0,75

2

0,5

18

NMN TT Phia Đén

Huyện Nguyên Bình

1000 m3/ng.đ

0,12

0,32

0,5

0,4

19

Đầu tư XD mới và sửa chữa các công trình cấp nước nông thôn.

Khu vực nông thôn các huyện

 

 

 

20-50

20-50

20

Các cơ sở SX tái chế, xử lý chất thải ngành CN luyện kim (VLXD không nung, phân vi sinh...)

CCN

 

 

 

500

500

21

Các cơ sở xử lý tái chế rác thải, chất thải sinh hoạt (phân vi sinh, năng lượng điện, khí, nhựa...)

Các huyện

 

 

 

1000

1000

Công nghiệp khai khoáng

1

DA Thăm dò khai thác chế biến SX đá ốp lát

Bản Thần, Bản Khăm Đin, xã Vĩnh Quý, huyện Hạ Lang

ha

1000

 

 

 

2

DA Thăm dò khai thác chế biến SX đá ốp lát

Bản Nưa, Xã Cô Ngân, huyện Hạ Lang

ha

550

 

 

 

3

Các DA Tìm kiếm đánh giá, thăm dò, thăm dò bổ sung các điểm mỏ barit, đồng, chì - kẽm, mangan, sắt, thiếc volfam tại các huyện (theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản) phục vụ đáp ứng nhu cầu luyện kim và chế biến khoáng sản trên địa bàn*

4

Các DA Thăm dò khai thác các mỏ, điểm mỏ bauxit theo chỉ đạo của nhà nước* tại các huyện Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Phục Hòa, Trà Lĩnh

5

Các DA thăm dò, đánh giá và khai thác, mở rộng nâng công suất các mỏ đá

Các huyện

1000 m3

500-600

700-800

800

780

6

Các DA thăm dò, đánh giá và khai thác cát, sỏi

 

1000 m3

200-400

500

 

 

7

Các DA thăm dò, đánh giá và khai thác SX đá fenspat, đá silic

Huyện Nguyên Bình

1000 tấn

 

50

20

30

8

NM SX bột, tinh quặng chì - kẽm

Xã Sơn Lộ, Huyện Bảo lạc

1000 tấn

5

5

 

 

9

Nâng công suất chế biến bột barit (theo nhu cầu thị trường)

Huyện Bảo Lâm

1000 Tấn

 

80

 

 

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và than cốc

1

NM SX đá ốp lát

Huyện Hạ Lang

1000 m2

 

30

 

40

2

Các cơ sở SX gạch không nung

Các huyện

Triệu viên

100-130

130-150

100

50

3

NM SX gạch lát ngoài trời

TP Cao Bằng

1000 m2

60

100

15

15

4

NM SX bê tông thương phẩm, cột điện bê tông ly tâm

CCN Đề Thám

1000 m3

5

10

50

50

5

NM SX gạch chịu lửa*

Huyện Trà Lĩnh

Tấn/năm

 

100

 

120

6

NM SX than cốc (DA đã được cấp phép)

TP Cao Bằng

1000 tấn/năm

200-400

200-400

1500

 

Công nghiệp chế biến nông lâm sản thực phm và hàng tiêu dùng

1

Các cơ sở SX chè (chè ôlong, chè hữu cơ, chè xanh...)

Huyện Nguyên Bình, Thạch An

Tấn chè tươi

5000

5000

30

 

2

Dự án hỗ trợ đầu tư nâng cấp, liên kết các cơ sở SX vừa và nhỏ (xay sát chế biến ngũ cốc, bánh kẹo, rượu...)

Các huyện

 

 

 

1

1

3

Dự án NM đóng gói SX sản phẩm chế biến lương thực thực phẩm theo quy cách chất lượng, nguồn gốc tỉnh Cao Bằng

Tại các CCN

 

 

 

1

1

4

Nghiên cứu đầu tư triết suất tinh dầu quế, hồi, chế biến thảo dược

Huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An, Trà Lĩnh

 

 

 

 

 

5

Dự án khôi phục nghề dệt, may thổ cẩm, đan lát truyền thống và nghiên cứu thêm mẫu sản phẩm du lịch

Huyện Hà Quảng, Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thạch An...

 

 

 

1

1

6

Dự án Nâng cao năng lực SX các cơ sở chế biến miến dong

Huyện Nguyên Bình, Hòa An

Tấn

 

500

 

10

7

Kho lạnh bảo quản thực phẩm

Khu kinh tế cửa khẩu

 

 

 

 

 

8

NM chế biến đóng gói cà phê

Khu kinh tế cửa khẩu

1000 tấn

2

2

3.8 triệu USD

 

9

Dự án Nâng cao năng lực SX cơ sở chế biến tinh bột sắn

Huyện Hòa An

1000 tấn

 

 

 

 

10

NM SX nước khoáng đóng chai

Huyện Hòa An

1000 lít

 

 

 

 

11

Các cơ sở SX chế biến gỗ

Huyện Hà Quảng, Bảo Lạc

1000 m3

 

200

 

10

12

Dự án liên kết chế biến thạch đen

Huyện Thạch An

Tấn

 

 

 

 

13

NM SX giầy dép xuất khẩu

Khu kinh tế cửa khẩu

Triệu đôi

 

 

 

 

14

NM SX khăn giấy, giấy cao cấp

TP Cao Bằng, huyện Hòa An

Tấn

 

500

 

3

15

NM SX rượu, bia

TP Cao Bằng

Triệu lít

 

1

 

2,5

16

NM SX dầu lạc và chế biến thức ăn chăn nuôi

TP Cao Bằng

1000 tấn

 

3

 

10

Ghi chú: Quy mô công suất và vốn đầu tư của các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu theo nhóm ngành có tính định hướng và sẽ được cụ thể hóa khi dự án vào đăng ký đầu tư. Các dự án có dấu (*) là các dự án khai thác và chế biến đã có trong quy hoạch giai đoạn trước, được xem xét và nối tiếp sang giai đoạn Quy hoạch này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2471/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 do tỉnh Cao Bằng ban hành

  • Số hiệu: 2471/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hoàng Xuân Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản