Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2466/QĐ-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 6 năm 2008 |
VỀ QUY TRÌNH CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần;
Căn cứ Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố tại Tờ trình số 190/ĐMDN ngày 14 tháng 5 năm 2008 về hướng dẫn quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở - ban - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)
Căn cứ Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về việc phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước thực hiện trình tự và thủ tục chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần bao gồm các bước công việc như sau:
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN CỔ PHẦN HÓA
I. THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO CỔ PHẦN HÓA VÀ TỔ GIÚP VIỆC:
1. Tổ chức Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp.
- Thành viên Ban Chỉ đạo Doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:
a) Trưởng Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa:
- Là Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (hoặc ủy quyền cho Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố) đối với doanh nghiệp cổ phần hóa là các tổng công ty.
- Là Chủ tịch Hội đồng quản trị: tổng công ty, công ty (hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con) của thành phố (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa là thành viên trực thuộc tổng công ty và công ty).
- Là Lãnh đạo Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố (đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa trực thuộc Sở - ngành, quận - huyện, các công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con).
- Ủy viên Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa:
+ Đại diện Bộ Tài chính (đối với trường hợp cổ phần hóa các tổng công ty).
+ Chi cục Tài chính doanh nghiệp thành phố.
+ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố.
+ Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố (đối với doanh nghiệp thành viên độc lập trực thuộc tổng công ty và công ty)
+ Sở - ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận - huyện (đối với các doanh nghiệp độc lập trực thuộc Sở - ngành và quận - huyện).
+ Giám đốc (hoặc Phó Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa.
b) Sau khi dự kiến nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp như trên; các cơ quan, đơn vị báo cáo về Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để trình Ủy ban nhân dân thành phố ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp.
Thời gian báo cáo dự kiến nhân sự của các đơn vị không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định phê duyệt kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân thành phố về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của thành phố.
c) Tất cả các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đều phải thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp tại điểm a và b nêu trên. Quyết định thành lập này cũng là quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp.
d) Ngoài các thành viên Ban Chỉ đạo nêu trên, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp được mời thêm đại diện các Sở - ngành thành phố như: Sở Xây dựng thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, Sở Nội vụ thành phố, Cục Thuế thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố …và huy động các bộ phận chuyên môn trực thuộc có liên quan để phối hợp xử lý theo yêu cầu nội dung trong từng bước thực hiện theo trình tự thủ tục của quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
2. Tổ chức Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp:
a) Thành phần Tổ giúp việc bao gồm:
Tổ trưởng:
- Là Tổng Giám đốc, Giám đốc (hoặc Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc) doanh nghiệp cổ phần hóa.
Tổ viên:
- Kế toán trưởng (hoặc Trưởng Phòng Kế toán).
- Là một trong Trưởng Phòng - Ban chuyên môn: Kỹ thuật, Kế hoạch, Tổ chức, Lao động tiền lương.
- Mời Bí thư Cấp ủy và Chủ tịch Công đoàn tham dự.
- Cán bộ Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố, Chi cục Tài chính doanh nghiệp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Thời gian đề cử người tham gia không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp của Ủy ban nhân dân thành phố.
b) Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp phải ra quyết định thành lập Tổ giúp việc cổ phần hóa trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ danh sách dự kiến nhân sự của doanh nghiệp cổ phần hóa, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố, Chi cục Tài chính doanh nghiệp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
II. CÁC CÔNG VIỆC THỰC HIỆN QUY TRÌNH CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo Tổ giúp việc cùng với doanh nghiệp cổ phần hóa để tổ chức triển khai theo các bước của quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần như sau:
1. Chuẩn bị hồ sơ tài liệu:
Trong thời gian 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định thành lập Tổ giúp việc cổ phần hóa tiến hành:
1.1. Lựa chọn phương pháp, hình thức xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp theo quy định tại Phần II Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến cổ phần hóa.
1.2. Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu sau:
* Các hồ sơ pháp lý về thành lập doanh nghiệp (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).
* Các hồ sơ pháp lý về tài sản của doanh nghiệp (quyết định giao đất, cấp nhà, hợp đồng thuê đất, thuê nhà…).
* Hồ sơ công nợ (nợ tồn đọng, nợ đã xử lý theo chế độ trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp) - trong đó hồ sơ về nợ khó đòi phải có đủ chứng từ chứng minh nợ khó đòi.
* Hồ sơ về tài sản không cần dùng, vật tư, hàng hóa ứ đọng, kém mất phẩm chất (nếu có), tài sản hình thành từ nguồn quỹ khen thưởng phúc lợi.
* Hồ sơ các công trình xây dựng cơ bản dở dang (kể cả công trình đã có quyết định đình hoãn).
* Hồ sơ các khoản vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác (góp vốn: liên doanh, cổ phần, công ty TNHH và các hình thức khác).
* Báo cáo tài chính, quyết toán thuế đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
* Lập dự toán chi phí cổ phần hóa theo chế độ quy định (tại khoản 2 Phần VI Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính).
2. Kiểm kê xử lý những vấn đề về tài chính và tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp:
Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa lựa chọn (hoặc đấu thầu lựa chọn) tổ chức định giá để giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng định giá hoặc giao cho Tổ giúp việc tự xác định giá trị doanh nghiệp.
Trường hợp tổ chức định giá có các chức năng khác thì có thể thuê trọn gói: lập phương án cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, tổ chức bán cổ phần…
Tổ giúp việc và doanh nghiệp cổ phần hóa phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) tiến hành:
2.1. Lập thủ tục giao tài sản để tiến hành cổ phần hóa và xác định giá trị quyền sử dụng đất (nếu chọn phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp theo tài sản):
Trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày thành lập Tổ giúp việc, doanh nghiệp rà soát và lập công văn đề nghị giao các bất động sản hiện doanh nghiệp đang quản lý sử dụng đúng mục đích sản xuất kinh doanh, đã hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp và đã thực hiện sắp xếp, kê khai theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2006/TT-BTNMT ngày 25 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, để cổ phần hóa gửi cơ quan chủ quản.
Cơ quan chủ quản doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa căn cứ công văn đề nghị giao tài sản của doanh nghiệp, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp phải lập văn bản đề xuất cụ thể nêu rõ tài sản nào giao để cổ phần hóa và tài sản nào không giao để cổ phần hóa (đối với tài sản đề nghị không giao phải nêu rõ hướng đề nghị xử lý) gửi Thường trực Ban Chỉ đạo 09. Trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của cơ quan chủ quản doanh nghiệp nhà nước, Thường trực Ban Chỉ đạo 09 có ý kiến bằng văn bản đối với các mặt bằng giao cho doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa.
Giám đốc doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ công văn trả lời của Ban Chỉ đạo 09, yêu cầu công ty tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp (hoặc công ty tư vấn ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng) để thực hiện tiến hành đo vẽ hiện trạng nhà đất, xác định tỷ lệ % giá trị xây dựng còn lại của nhà cửa vật kiến trúc trên đất trong vòng 20 ngày làm việc.
Trên cơ sở này, lập hồ sơ xin giao tài sản cố định là nhà xưởng, kho bãi, vật kiến trúc để cổ phần hóa gửi Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.
Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố lập thủ tục trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét và ra quyết định giao tài sản cho doanh nghiệp cổ phần hóa trong vòng 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ giao tài sản theo quy định.
Căn cứ quyết định giao tài sản để cổ phần hóa của Ủy ban nhân dân thành phố, doanh nghiệp yêu cầu tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp tiến hành xác định lại giá trị quyền sử dụng đất theo cơ chế giá thị trường (để xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý hoặc để tính quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa). Sau đó gửi chứng thư thẩm định giá cùng các hồ sơ có liên quan về Sở Tài chính thành phố (Ban Vật giá).
2.2. Xử lý các vấn đề tài chính khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần:
- Doanh nghiệp phải tiến hành lập báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán thuế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, đồng thời phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm tài chính đó.
- Kiểm kê, phân loại tài sản, quyết toán tài chính, quyết toán thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý những vấn đề tài chính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Phần II Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính).
2.3. Ban Chỉ đạo thẩm tra kết quả kiểm kê, phân loại tài sản và kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định công bố giá trị doanh nghiệp (đồng gửi Bộ Tài chính).
Thời gian hoàn tất các công việc này (tại điểm 2.1, 2.2, 2.3 của Bước 1) không quá 90 ngày làm việc, kể từ ngày chuẩn bị xong hồ sơ tài liệu (đối với các tổng công ty, công ty mẹ), không quá 60 ngày làm việc (đối với các công ty thành viên tổng công ty, công ty).
2.4. Quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp:
Trong thời gian không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố duyệt và phát hành quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
3. Phương án lao động:
Căn cứ thời điểm quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ và Thông tư số 20/2007/TT-BLĐ-TBXH ngày 04 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Lập danh sách người lao động được mua cổ phần ưu đãi;
- Phương án sử dụng lao động;
- Giải quyết chính sách chế độ đối với người lao động…
4. Hoàn tất phương án cổ phần hóa:
4.1. Lập phương án cổ phần hóa:
Căn cứ quy định hiện hành và tình hình thực tế của doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo xem xét quyết định thuê tổ chức tư vấn hoặc giao cho Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập phương án cổ phần hóa với các nội dung chính sau:
a) Giới thiệu về công ty, trong đó mô tả khái quát về quá trình thành lập công ty, mô hình tổ chức của công ty, tình hình kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 3 - 5 năm liền kề trước khi cổ phần hóa.
Đánh giá thực trạng của công ty ở thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp bao gồm:
- Thực trạng về: tài sản (bao gồm cả diện tích đất được giao hoặc thuê), tài chính, công nợ, lao động, trình độ kỹ thuật của máy móc thiết bị và công nghệ và những vấn đề cần tiếp tục xử lý… trong đó phải xác định được giá trị thực tế của doanh nghiệp và vốn nhà nước thực tế sau khi đánh giá lại.
b) Phương án lao động (như mục 3)
c) Phương án sản xuất kinh doanh trong 3 - 5 năm tiếp theo sau khi cổ phần hóa, trong đó nêu rõ:
* Phương án cơ cấu lại doanh nghiệp khi chuyển thành công ty cổ phần:
- Sắp xếp lại các bộ phận trong doanh nghiệp.
- Đổi mới ngành nghề kinh doanh.
- Đầu tư mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh.
- Kế hoạch sản xuất kinh doanh của các năm tiếp theo về sản phẩm, sản lượng, thị trường, lợi nhuận, các giải pháp về vốn, nguyên liệu, tổ chức sản xuất, lao động, tiền lương, tỷ lệ chia cổ tức hàng năm, các dự án đầu tư khác…
- Dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh 3 năm tiếp theo.
d) Phương án cổ phần hóa:
* Hình thức cổ phần hóa theo quy định.
* Dự kiến mức vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ (ghi cụ thể số cổ phần, giá trị, mệnh giá 1 cổ phần):
+ Số cổ phần Nhà nước nắm giữ.
+ Số cổ phần bán ưu đãi người lao động (kèm danh sách đăng ký mua cổ phần của người lao động).
+ Số cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp.
+ Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (kèm theo danh sách ghi rõ tên đơn vị, địa chỉ trụ sở, ngành nghề kinh doanh - các hồ sơ thể hiện là nhà đầu tư chiến lược đối với doanh nghiệp như: hợp đồng cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, hồ sơ xác định năng lực về tài chính (vốn) và năng lực quản lý (các chứng chỉ ISO…).
+ Số cổ phần bán đấu giá cho các nhà đầu tư thông thường, nhà đầu tư nước ngoài (bán đấu giá công khai).
- Phương thức phát hành cổ phiếu theo quy định (đấu giá trực tiếp tại Công ty, hoặc đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian hoặc đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán).
e) Dự thảo điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần theo các quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản pháp luật hiện hành.
f) Việc triển khai các nội dung quy định tại điểm a, b, c, d và e của khoản 4.1 (Bước 1) được thực hiện song song với việc tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp và phải hoàn tất xong không quá 50 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc chuẩn bị
hồ sơ.
4.2. Hoàn thiện phương án cổ phần hóa và phê duyệt phương án cổ phần hóa:
a) Căn cứ quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của Ủy ban nhân dân thành phố, Tổ giúp việc cùng với doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) hoàn thiện phương án cổ phần hóa và gửi tới từng bộ phận trong công ty để nghiên cứu trước khi tổ chức hội nghị công nhân, viên chức (bất thường).
b) Tổ chức hội nghị công nhân, viên chức (bất thường) để lấy ý kiến của cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp để hoàn thiện phương án cổ phần hóa.
c) Sau khi hội nghị công nhân, viên chức, Tổ giúp việc, doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn (nếu có) hoàn thiện phương án cổ phần hóa và báo cáo Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp để tổ chức thẩm định cấp cơ sở.
d) Sau khi thẩm định, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (thông qua Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố) để ra quyết định chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.
Thời gian hoàn tất tại điểm 4.2 (Bước 1) không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
4.3. Phê duyệt phương án cổ phần hóa:
Ủy ban nhân dân thành phố xem xét ra quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban chỉ đạo.
1. Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa lựa chọn phương thức bán cổ phần theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ.
2. Tổ chức bán cổ phần
2.1. Tổ chức bán đấu giá cho các nhà đầu tư thông thường:
a) Trường hợp bán đấu giá trực tiếp tại doanh nghiệp: Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức bán đấu giá công khai cho nhà đầu tư.
b) Trường hợp bán cổ phần tại tổ chức tài chính trung gian (các Công ty Chứng khoán có chức năng):
- Ban Chỉ đạo lựa chọn tổ chức tài chính trung gian giao cho doanh nghiệp ký hợp đồng.
- Ban Chỉ đạo và doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tài chính trung gian thực hiện việc bán cổ phần theo quy định tại Mục B Phần V Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2007 của Bộ Tài chính.
c) Trường hợp bán cổ phần tại Sở Giao dịch chứng khoán:
Ban Chỉ đạo quyết định lựa chọn tổ chức bán cổ phần, đăng ký và phối hợp tổ chức thực hiện với Sở Giao dịch chứng khoán (đồng thời báo cáo Bộ Tài chính và Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố) .
2.2. Trên cơ sở giá đấu thành công bình quân của các nhà đầu tư thông thường - Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa chỉ đạo bán cổ phần ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp (nếu có).
Tiến hành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược hoặc thương thảo với các nhà đầu tư chiến lược đã được lựa chọn.
3. Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa báo cáo về Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định điều chỉnh quy mô, cơ cấu cổ phần của doanh nghiệp (đối với trường hợp doanh nghiệp bán cổ phần cho các đối tượng không đúng theo phương án đã được duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố).
Thời gian thực hiện Bước 2 không quá 3 tháng, kể từ khi có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa.
HOÀN TẤT VIỆC CHUYỂN DOANH NGHIỆP THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
1. Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất
+ Chuẩn bị tổ chức:
- Đối với trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa là tổng công ty hoặc công ty mẹ, các công ty độc lập (nếu Nhà nước có tham gia sở hữu cổ phần), doanh nghiệp gửi danh sách đề cử người đại diện phần vốn Nhà nước về Sở Nội vụ thành phố trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần. Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân thành phố. Trong vòng 7 ngày làm việc, Ủy ban nhân dân thành phố ra thông báo cử người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp.
- Đối với trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa là thành viên của tổng công ty hoặc công ty (hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con): Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp quyết định cử người đại diện phần vốn nhà nước (nếu Nhà nước có tham gia sở hữu cổ phần) trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định chuyển thành công ty cổ phần.
Sau khi hội đủ điều kiện về nhân sự (đã có quyết định cử người đại diện vốn nhà nước), về tài chính (đã thu xong tiền bán cổ phần) và các điều kiện khác về cơ sở vật chất, tài liệu, hồ sơ..., Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất để thông qua Điều lệ tổ chức và hoạt động, phương án sản xuất kinh doanh, bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát và bộ máy điều hành của công ty cổ phần.
2. Căn cứ kết quả Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất, Hội đồng quản trị công ty cổ phần thực hiện:
a) Đăng ký kinh doanh (Hồ sơ đăng ký kinh doanh công ty cổ phần gồm: giấy đề nghị ĐKKD, danh sách các cổ đông sáng lập (nếu có), điều lệ công ty cổ phần, quyết định chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, biên bản họp bầu Hội đồng quản trị (bầu các chức danh), bản chính giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, bản sao chứng minh nhân dân (hộ chiếu) của các cổ đông sáng lập, bản sao chứng chỉ hành nghề (nếu doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề phải có chứng chỉ ngành nghề theo quy định pháp luật), các bản sao phải có thị thực, (nếu cổ đông sáng lập là pháp nhân nộp kèm bản sao: điều lệ công ty, giấy chứng nhận ĐKKD, quyết định góp vốn và cử người đại diện theo ủy quyền). (Doanh nghiệp có thể tham khảo thủ tục ĐKKD tại trang web: http://www.dpi.hochiminhcity.gov.vn để in biểu mẫu đăng ký kinh doanh và được hướng dẫn cụ thể).
b) Nộp con dấu công ty cũ.
c) Khắc con dấu công ty cổ phần.
Thời gian để hoàn tất các nội dung tại điểm 1, 2 (Bước 3) không quá 30 ngày.
3. Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa chỉ đạo Tổ giúp việc và doanh nghiệp lập báo cáo tài chính tại thời điểm công ty cổ phần được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, thực hiện quyết toán thuế, quyết toán chi phí cổ phần hóa và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
Thời gian báo cáo tài chính trên trong vòng 30 ngày, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh lần đầu.
- Các cơ quan chức năng của thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra báo cáo tài chính trên của doanh nghiệp cổ phần hóa trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ tài chính.
- Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa trình Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định phê duyệt báo cáo quyết toán phần vốn của Nhà nước tại thời điểm đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra.
Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố chịu trách nhiệm trình ký và phát hành quyết định phê duyệt báo cáo quyết toán phần vốn của Nhà nước tại thời điểm đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa.
- Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện việc nộp tiền thu từ cổ phần hóa về: tổng công ty, công ty mẹ, công ty nhà nước hoặc quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (tiền chênh lệch khi quyết toán phần vốn nhà nước tại thời điểm đăng ký kinh doanh chuyển thành công ty cổ phần).
4. Công ty cổ phần mua hoặc in tờ cổ phiếu cấp cho các cổ đông theo quy định hiện hành.
5. Tổ chức ra mắt công ty cổ phần, bố cáo trên phương tiện truyền thông đại chúng theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp xác định sẽ thực hiện niêm yết ngay trên thị trường chứng khoán thì lập bộ hồ sơ xin cấp phép niêm yết gửi Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) theo quy định hiện hành.
6. Tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần
Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp chỉ đạo Giám đốc và Kế toán trưởng doanh nghiệp nhà nước tổ chức bàn giao cho Hội đồng quản trị Công ty cổ phần về hồ sơ lao động, tài sản, vốn… theo quyết định phê duyệt báo cáo quyết toán phần vốn của Nhà nước tại thời điểm đăng ký kinh doanh của công ty cổ phần và doanh nghiệp nhà nước tự giải thể.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời gian tối đa để hoàn thành các công việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần kể từ ngày có quyết định cổ phần hóa của Ủy ban nhân dân thành phố là 9 tháng. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn, phức tạp (tổng công ty, công ty mẹ…) thực hiện theo tiến độ cổ phần hóa do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
2. Trong quá trình thực hiện trình tự và thủ tục chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, có thể tiến hành đồng thời nhiều bước cùng một lúc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
3. Trong trường hợp Giám đốc doanh nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị không tích cực thực hiện trình tự và thủ tục quy định trên, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp báo cáo về Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố để trình Ủy ban nhân dân thành phố xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành của Nhà nước.
4. Giao Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cổ phần hóa cho các Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1Thông tư 09/2006/TT-BTNMT về việc chuyển hợp đồng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển công ty nhà nước thành Công ty cổ phần do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc Sở hữu nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần
- 4Thông tư 20/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành
- 5Thông tư 146/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
Quyết định 2466/QĐ-UBND năm 2008 về việc quy trình chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần do Chủ nhiệm Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 2466/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/06/2008
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Trung Tín
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 50
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra