Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2466/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU THƯƠNG MẠI

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ và Thông tư số 02/2010/TT-BKHCN ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Viện Nghiên cứu Thương mại là tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc Bộ Công Thương, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phát triển thương mại và thị trường; xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển thương mại và thị trường; quan hệ thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam; đào tạo, tư vấn và thông tin khoa học về thương mại, thị trường theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.

Viện Nghiên cứu Thương mại là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập, có tư cách pháp nhân, được mở tài khoản tại ngân hàng, Kho bạc Nhà nước và sử dụng con dấu riêng theo quy định của pháp luật. Kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn khác theo quy định của Nhà nước.

Viện Nghiên cứu Thương mại có tên giao địch quốc tế bằng tiếng Anh: Vietnam Institute of Trade Research; Tên viết tắt: VIT.

Trụ sở chính của Viện đặt tại Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học trong các lĩnh vực thương mại và thị trường phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và phát triển thương mại bền vững của ngành Công Thương;

2. Nghiên cứu, xây dựng hoặc tham gia với các đơn vị có liên quan xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các chương trình, dự án, đề án phát triển thương mại và chính sách, phát triển thương mại theo phân công của Bộ trưởng;

3. Nghiên cứu quan hệ kinh tế, thương mại thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam;

4. Nghiên cứu tổng hợp, dự báo về thương mại và thị trường hàng hóa trong và ngoài nước, các vấn đề liên quan đến hoạt động thương mại của Việt Nam;

5. Đào tạo sau đại học về quản lý và kinh doanh thương mại; tổ chức đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thương mại và thị trường theo quy định của pháp luật;

6. Tư vấn về thương mại và thị trường cho các tổ chức và cá nhân liên quan có nhu cầu theo quy định của pháp luật;

7. Lưu trữ, phổ biến kiến thức, kết quả nghiên cứu khoa học, biên tập, xuất bản, phát hành các ấn phẩm, sản phẩm nghiên cứu khoa học về thương mại và thị trường;

8. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo về thương mại và thị trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật;

9. Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực hoạt động của Viện theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ;

10. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, viên chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ về thi đua, khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ;

11. Quản lý tài chính, tài sản, cơ sở vật chất kỹ thuật được giao, tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của Nhà nước và pháp luật;

12. Thực hiện chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết về hoạt động khoa học và công nghệ của Viện theo quy định của pháp luật và Bộ Công Thương;

13. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng Bộ Công Thương giao;

14. Viện Nghiên cứu Thương mại được thực hiện các quyền hạn của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, thực hiện việc đăng ký hoạt động và tổ chức hoạt động theo lĩnh vực khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Tổ chức bộ máy của Viện gồm:

1. Văn phòng;

2. Ban Nghiên cứu chiến lược và quy hoạch phát triển thương mại;

3. Ban Nghiên cứu chính sách phát triển thương mại;

4. Ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường;

5. Ban Nghiên cứu môi trường và phát triển thương mại bền vững;

6. Phòng Quản lý khoa học và Đào tạo;

7. Phòng Thông tin - Thư viện;

8. Tạp chí Nghiên cứu Thương mại;

9. Trung tâm Tư vấn và đào tạo kinh tế thương mại;

10. Chi nhánh Viện Nghiên cứu thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh;

11. Trung tâm Tham vấn về WTO.

Trung tâm Tư vấn và đào tạo kinh tế thương mại và Chi nhánh Viện Nghiên cứu thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch theo quy định của pháp luật.

Việc thành lập, sáp nhập hoặc giải thể các đơn vị thuộc Viện do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và quyết định theo đề nghị của Viện trưởng.

Điều 4. Lãnh đạo Viện

1. Viện Nghiên cứu Thương mại có:

a) Hội đồng quản lý Viện.

Việc thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng quản lý Viện do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định.

b) Viện trưởng và các Phó Viện trưởng.

Viện trưởng, các Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật theo quy định của pháp luật.

2. Viện trưởng có trách nhiệm xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành: điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện; quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Viện.

3. Viện trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện tại Điều 3 Quyết định này.

4. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Viện; Phó Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

Điều 5. Hiệu Iực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 71/TM-TCCB ngày 27 tháng 1 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Thương mại.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Các Đ/c Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Công đoàn, Đoàn TNCS HCM Cơ quan Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Đảng ủy Khối công nghiệp TP. Hà Nội;
- Đảng ủy Khối công nghiệp TP. Hồ Chí Minh;
- Đảng ủy Khối thương mại TP. Hồ Chí Minh;
- Các cơ quan có liên quan;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2466/QĐ-BCT năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu Thương mại do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 2466/QĐ-BCT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/04/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản