Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244 /QĐ-QLCL | Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2014 |
QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA PHÒNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THỦY SẢN
CỤC TRƯỞNG CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
Căn cứ Quyết định số 670/QĐ-BNN-TCCB ngày 4/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Cục và Trưởng phòng Quản lý chất lượng thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Phòng Quản lý chất lượng thủy sản (Phòng Chất lượng 1) là tổ chức thuộc Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng quản lý về công tác chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản trong phạm vi quản lý nhà nước của Cục.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Đề xuất, xây dựng hoặc tham gia xây dựng: các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, văn bản quy định kỹ thuật thuộc lĩnh vực do phòng phụ trách theo sự phân công của Cục trưởng.
2. Tham mưu thực hiện nhiệm vụ đầu mối tổ chức thực thi pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản trong phạm vi được phân công quản lý:
a) Tổ chức triển khai công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực thủy sản;
b) Thẩm định, trình phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm; triển khai công tác phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, thu hồi và xử lý thực phẩm thủy sản không bảo đảm an toàn theo quy định;
d) Tổ chức đánh giá, chỉ định, quản lý các tổ chức chứng nhận hợp quy về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định;
đ) Tổ chức thẩm tra hồ sơ đăng ký, kiểm tra hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu để công nhận, hủy bỏ công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nước ngoài xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thủy sản vào Việt Nam;
e) Thực hiện công tác đào tạo giảng viên quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định;
g) Tổ chức thực hiện việc xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm thủy sản cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất kinh doanh thủy sản.
3. Trong lĩnh vực phụ trách của phòng:
a) Trình Cục trưởng các quyết định quản lý hành chính và văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ;
b) Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt.
4. Tham mưu quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản:
a) Cập nhật các quy định của Việt Nam, quy định của các thị trường nhập khẩu thủy sản về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm thủy sản, phổ biến tới các đơn vị liên quan;
b) Hướng dẫn thống nhất nghiệp vụ: kiểm tra, công nhận điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản (cảng cá, tàu cá, chợ cá, cơ sở thu mua, vận chuyển, bảo quản, sơ chế, chế biến, chuyên kinh doanh thực phẩm thủy sản, cơ sở sản xuất nước đá cho chế biến thủy sản);
c) Tổ chức kiểm tra, chứng nhận, hủy bỏ chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản;
d) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản của các cơ quan chức năng theo phân cấp;
đ) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký công nhận, huỷ bỏ công nhận các cơ sở sản xuất kinh doanh thuỷ sản nước ngoài được phép xuất khẩu vào Việt Nam; đề xuất và tổ chức kiểm tra tại nước xuất khẩu đối với các cơ sở sản xuất đăng ký xuất khẩu thực phẩm thủy sản vào Việt Nam;
e) Định kỳ cập nhật, công bố danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Cục; cơ sở đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, cơ sở được phép xuất khẩu vào các thị trường theo quy định; cập nhật công bố danh sách các cơ sở nước ngoài được phép xuất khẩu thủy sản vào Việt Nam thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
5. Tham mưu quản lý hoạt động kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản, chứng nhận an toàn dịch bệnh thực phẩm thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu:
a) Cập nhật các quy định của Việt Nam, quy định của các thị trường nhập khẩu thủy sản về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản, kiểm dịch thực phẩm thủy sản, phổ biến tới các đơn vị liên quan;
b) Hướng dẫn thống nhất nghiệp vụ, kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm tra, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo quy định của Việt Nam, thỏa thuận song phương và yêu cầu của các thị trường nhập khẩu;
c) Tổ chức kiểm tra chứng nhận an toàn dịch bệnh thủy sản xuất khẩu, kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để chế biến tái xuất theo pháp luật Việt Nam, quy định của các tổ chức quốc tế hoặc thỏa thuận song phương với nước nhập khẩu;
d) Giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động kiểm tra chứng nhận chất lượng, kiểm dịch thực phẩm thủy sản (lô hàng bị cảnh báo về an toàn thực phẩm…);
e) Xử lý các thông tin lô hàng thủy sản nhập khẩu bị phát hiện vi phạm đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với các cơ sở sản xuất lô hàng tại nước xuất khẩu;
g) Đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm thủy sản;
h) Phối hợp kiểm tra hồ sơ, kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm các lô hàng thủy sản tại cửa khẩu biên giới, cảng biển, sân bay, bưu điện theo quy định của pháp luật Việt Nam, của các tổ chức quốc tế và nước nhập khẩu.
6. Tham mưu quản lý các chương trình giám sát quốc gia (giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản và sản phẩm thủy sản nuôi, chương trình giám sát an toàn thực phẩm vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; giám sát an toàn thực phẩm thuỷ sản sau thu hoạch…) và trực tiếp tổ chức triển khai khu vực phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra):
a) Cập nhật các quy định của Việt Nam, quy định của thị trường có liên quan đến giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản, sản phẩm thủy sản nuôi; nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; đề xuất bổ sung, điều chỉnh các chương trình giám sát phù hợp với thực tế sản xuất và quy định của Việt Nam và thị trường nhập khẩu;
b) Hướng dẫn xây dựng, tổng hợp, trình phê duyệt kế hoạch và hướng dẫn thực hiện thống nhất tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục, các địa phương;
c) Tổ chức kiểm tra, thẩm tra kết quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục và các địa phương;
d) Chủ trì tổ chức triển khai, tổng hợp thông báo kết quả giám sát hàng tháng tại khu vực phía Bắc; báo cáo tổng kết kết quả thực hiện hàng năm trong toàn quốc;
7. Quản lý chất lượng các sản phẩm thủy sản không dùng làm thực phẩm (phi thực phẩm):
a) Tham mưu, xây dựng các chương trình, chính sách, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản phi thực phẩm;
b) Đề xuất giám sát, thẩm tra và kiến nghị các giải pháp, biện pháp thực hiện bảo đảm chất lượng trong toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm thủy sản phi thực phẩm;
c) Đề xuất tổ chức kiểm tra, chứng nhận chất lượng đối với sản phẩm thuỷ sản phi thực phẩm nhập khẩu để chế biến và sản phẩm sản xuất trong nước trước khi xuất khẩu hoặc đưa ra tiêu thụ nội địa theo pháp luật Việt Nam, quy định của các tổ chức quốc tế hoặc thoả thuận song phương với nước nhập khẩu.
8. Tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản;
9. Thực hiện các nhiệm vụ khác:
a) Đề xuất kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản trong hệ thống Cục và các cơ quan chức năng địa phương;
b) Đầu tư - xây dựng: tham gia góp ý, đề xuất danh mục, thẩm định các chương trình, dự án quy hoạch, dự án đầu tư có liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thủy sản theo phân công của Cục trưởng;
c) Công tác điều tra, thống kê: chủ trì, phối hợp thực hiện công tác điều tra, thống kê và quản lý cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực phụ trách của phòng;
d) Về khoa học công nghệ: tham gia đề xuất các chương trình, kế hoạch, đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành, tiêu chuẩn, quy chuẩn; thực hiện thẩm định đề cương, đề tài nghiên cứu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản; đề xuất đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện theo phân công của Cục trưởng;
đ) Hoạt động khuyến nông/khuyến ngư: tham gia triển khai hoạt động khuyến ngư trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh thuỷ sản theo phân công của Cục trưởng;
e) Hợp tác quốc tế: phối hợp, tham gia đề xuất nội dung hợp tác với các nước, khối nước, tổ chức quốc tế; tổ chức thực hiện các nội dung đã ký kết trong các văn bản hợp tác; thực hiện các nội dung Hiệp định TBT/SPS thuộc lĩnh vực phụ trách của phòng theo phân công của Cục trưởng;
g) Cải cách hành chính: đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính trong lĩnh vực do phòng phụ trách theo chỉ đạo của Cục trưởng.
h) Quản lý nhà nước đối với các tổ chức thực hiện dịch vụ công: tham gia quản lý các tổ chức cung ứng dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thuỷ sản; tổ chức đánh giá trình cấp có thẩm quyền chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy về chất lượng, an toàn thực phẩm thuỷ sản; kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật của các tổ chức thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật.
i) Quản lý nhà nước hoạt động của hội, tổ chức phi Chính phủ: tham gia hướng dẫn, tạo điều kiện cho hội, tổ chức phi Chính phủ tham gia các hoạt động có liên quan lĩnh vực do Phòng phụ trách; tổ chức lấy ý kiến và tiếp thu việc đề xuất, phản biện của hội, tổ chức phi Chính phủ để hoàn thiện các quy định quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản; kiến nghị việc xử lý các vi phạm pháp luật của hội, tổ chức phi Chính phủ.
k) Tham gia kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của tổ chức, công dân và tham gia các đoàn thanh/kiểm tra liên quan đến lĩnh vực do phòng phụ trách theo phân công của Cục trưởng;
l) Xúc tiến thương mại: tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại có liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản theo phân công của Cục trưởng.
m) Tham mưu quản lý về công nghệ cao liên quan chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản;
n) Thực hiện chế độ báo cáo về chất lượng, an toàn thực phẩm thuỷ sản theo quy định.
10. Quản lý cán bộ, công chức, hồ sơ, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định.
11. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Cục trưởng.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Phòng
Lãnh đạo phòng có Trưởng phòng và các Phó trưởng phòng do Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và quy định của pháp luật.
Trưởng Phòng chỉ đạo, điều hành hoạt động của phòng, chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về hoạt động của phòng.
Các Phó trưởng phòng giúp Trưởng phòng theo dõi, chỉ đạo một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của Trưởng phòng và chịu trách nhiệm trước Trưởng phòng về lĩnh vực được phân công.
2. Các Tổ chuyên môn:
a) Tổ bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản (Tổ điều kiện sản xuất);
b) Tổ giải quyết các vấn đề thị trường liên quan chất lượng an toàn thực phẩm thủy sản (Tổ Thị trường).
Theo nhu cầu thực tế, Trưởng phòng đề xuất giao nhiệm vụ Tổ trưởng; quy định cụ thể nhiệm vụ của Tổ chuyên môn; bố trí cán bộ phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn, bản mô tả vị trí việc làm và nhiệm vụ được giao.
Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 426/QĐ-QLCL ngày 14/10/2010 của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản.
Chánh Văn phòng Cục, Trưởng phòng Quản lý chất lượng thủy sản, Trưởng các phòng thuộc Cục và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Cục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | CỤC TRƯỞNG |
- 1Quyết định 241/QĐ-QLCL năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Kế hoạch, Tổng hợp do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản ban hành
- 2Quyết định 246/QĐ-QLCL năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Cục do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản ban hành
- 1Quyết định 670/QĐ-BNN-TCCB năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 241/QĐ-QLCL năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Kế hoạch, Tổng hợp do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản ban hành
- 3Quyết định 246/QĐ-QLCL năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Cục do Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản ban hành
Quyết định 244/QĐ-QLCL năm 2014 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Phòng Quản lý chất lượng thủy sản do Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản ban hành
- Số hiệu: 244/QĐ-QLCL
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2014
- Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
- Người ký: Nguyễn Như Tiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra