Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 243-CT | Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 1991 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI ĐỨC LIỄU TỈNH SÔNG BÉ
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Xét dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế mới Đức Liễu, tỉnh Sông Bé (tờ trình số 6-UB/TT ngày 27 tháng 4 năm 1991 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sông Bé);
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tờ trình số 27-LĐTBXH ngày 23-7-1991),
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng vùng kinh tế mới Đức Liễu theo các nội dung và mục tiêu chủ yếu sau:
1. Tên dự án: Vùng kinh tế mới Đức Liễu (huyện Bù Đăng) tỉnh Sông Bé.
2. Chủ quản đầu tư: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chủ đầu tư: Do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định, theo đề nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sông Bé.
3. Phạm vi vùng dự án:
Bao gồm địa dư của 3 xã: Nghĩa Trung, Ninh Hưng, Đoàn Kết và một phần của xã Thống nhất huyện Bù Đăng, tỉnh Sông Bé (kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/25.000).
Tổng diện tích tự nhiên của vùng: 35.040 hécta.
Trong thời kỳ 1991-1995 tập trung thực hiện tiểu vùng ngã ba Đức Liễu với diện tích tự nhiên: 8.750 hécta.
4. Mục tiêu, nhiệm vụ:
a) Toàn vùng (35.040 hécta) thực hiện đến năm 2000:
- Khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp 9.433 hécta để trồng mới 7.983 hécta điều, 480 hécta cao su, 270 hécta lúa, 700 hécta màu và cây công nghiệp ngắn ngày và có thể trồng dâu, trồng bông tuỳ chủ đầu tư lựa chọn.
- Bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng đầu nguồn và nguyên liệu giấy: 10.145 hécta.
- Phân bố lại lao động, dân cư: 3.800 hộ, 8.000 lao động, 20.000 nhân khẩu, trong đó đón dân ngoài tỉnh 3.500 hộ, 7.200 lao động, 18.000 nhân khẩu (gồm 500 hộ từ thành phố Hồ Chí Minh, 3.000 hộ từ các tỉnh phía Bắc).
- Giải quyết việc làm cho 1.150 lao động.
b) Tiểu vùng ngã ba Đức Liễu (8.750 hécta), thực hiện thời kỳ 1991- 1995:
- Khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp 3.090 hécta để trồng mới 2.294 hécta điều, 480 hécta cao su, 116 hécta lúa, 200 hécta màu hoặc loại cây khác có hiệu quả.
- Bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng đầu nguồn và nguyên liệu giấy: 2.610 hécta.
- Phân bố lại lao động, dân cư: 1.450 hộ, 3.594 lao động, 9.000 nhân khẩu, trong đó đón dân ngoài tỉnh 1.150 hộ, 2.300 lao động, 5.000 nhân khẩu (gồm 500 hộ từ thành phố Hồ Chí Minh, 650 hộ các tỉnh phía Bắc).
- Giải quyết việc làm cho 4.306 lao động.
5. Đầu tư cơ bản:
Ngoài các nguồn vốn liên doanh, liên kết, vốn tín dụng đầu tư, vốn viện trợ quốc tế, vốn của dân..., tổng số vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thời kỳ 1991 - 1995: 3.000 triệu đồng, bao gồm:
- Đầu tư hỗ trợ ban đầu cho khai hoang xây dựng đồng ruộng: 200 triệu đồng.
- Làm mới đường trục nội vùng (có 1 cầu và 4 cống qua đường): 500 triệu đồng.
- Xây dựng một hồ chứa nước tưới 50 hécta: 208 triệu đồng.
- Xây dựng một số chương trình phúc lợi công cộng gồm: 150 m2 trạm xá, 800 m2 trường học: 332 triệu đồng.
- Giếng nước sinh hoạt: 120 triệu đồng.
- Xây dựng hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt gồm: 16 km đường dây 35 KW từ Đông Xoài đến Bù Đăng và 1 trạm hạ thế 35/10 KV: 960 triệu đồng.
- Bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng đầu nguồn và nguyên liệu giấy 2.610 héc ta: 30 triệu đồng.
- Kinh phí sự nghiệp chuyển dân: 580 triệu đồng.
- Kiến thiết cơ bản khác: 70 triệu đồng.
6. Tiến độ dầu tư: Dự án đầu tư xây dựng trong 5 năm, bắt đầu từ quý IV/1991. Riêng năm 1991, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định số vốn đầu tư hỗ trợ dự án này lấy trong tổng số vốn kinh tế mới năm 1991 được duyệt.
Điều 2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiện chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện:
1. Tổ chức thiết kế, thi công các công trình theo dự án được duyệt phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và đạt hiệu quả kinh tế cao.
2. Tổ chức sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo kế hoạch hàng năm, đồng thời cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Sông Bé, các ngành có liên quan tổ chức sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khác đầu tư cho dự án này (vốn liên doanh liên kết, vốn viện trợ quốc tế, vốn tín dụng đầu tư, vốn của dân...).
3. Phối hợp với các ngành có liên quan: Thuỷ Lợi, Giao Thông, Năng Lượng, Y Tế, Giáo Dục và Đào tạo để thực hiện các hạng mục công trình chuyên ngành thuộc vùng kinh tế mới Đức Mỹ bảo đảm chất lượng, đúng thời hạn; đặc biệt coi trọng việc phòng, chống bệnh sốt rét.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan hệ với các tổ chức quốc tế để tranh thủ vốn viện trợ, các nguồn vốn khác bổ sung vốn đầu tư dự án này.
- Uỷ ban nhân dân tỉnh Sông Bé có trách nhiệm cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành có liên quan thực hiện tốt việc xây dựng vùng kinh tế mới Đức Liễu; đưa lao động đến khai thác phù hợp tiến độ nhằm tạo cơ sở ban đầu, sau đó mới chuyển hẳn gia đình đến; xây dựng vùng kinh tế mới Đức Liễu thành mô hình mẫu, rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
Điều 3. Bộ trưởng các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi, Giao thông vận tải và Bưu điện, Năng lượng, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sông Bé và Thủ trưởng các ngành, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Đồng Sĩ Nguyên (Đã ký) |
Quyết định 243-CT năm 1991 về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng vùng kinh tế mới Đức Liễu tỉnh Sông Bé do Chủ tịch bộ trưởng ban hành
- Số hiệu: 243-CT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/08/1991
- Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
- Người ký: Đồng Sĩ Nguyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 17
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra