Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 240-HĐBT

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, hơn 3 năm qua, nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhiều khó khăn và đã giành được một số tiến bộ bước đầu quan trọng, đưa tình hình kinh tế - xã hội từng bước phát triển và đi dần vào ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực và cố gắng của toàn Đảng, toàn dân để đạt được những tiến bộ quan trọng thì trong đời sống xã hội, đặc biệt trong nhiều cơ quan, xí nghiệp... của Nhà nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tệ tham nhũng dưới nhiều hình thức, gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, trong việc xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân, gây nên sự bất bình trong nhân dân, sự bất công trong các tầng lớp xã hội và làm giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong không ít trường hợp, hành vi tham nhũng đã gây tác hại như một tội ác hay một hành vi phá hoại.

Chúng ta đã nhiều lần lên án và tiến hành nhiều biện pháp để đấu tranh và ngăn chặn, nhưng ít hiệu quả. Tệ tham nhũng dưới nhiều hình thức không những không bị ngăn chặn mà còn có chiều hướng nghiêm trọng hơn.

I- TÌNH HÌNH TRÊN DO NHỮNG NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU SAU ĐÂY:

1- Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội còn lỏng lẻo, kỷ cương xã hội, pháp chế Nhà nước không nghiêm, công tác kiểm tra, thanh tra không thường xuyên và triệt để nên không ngăn chặn và phát hiện kịp thời các hành vi tiêu cực.

2- Trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý cũ (quan liêu, bao cấp) đang được xoả bỏ, nhưng cơ chế quản lý mới chưa hình thành một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đặc biệt vấn đề phân phối thu nhập của người lao động giữa cơ sở này và cơ sở khác, giữa ngành này với ngành khác; giữa trung ương với địa phương đang có sự chênh lệch quá đáng, sự bất hợp lý đã tạo nên những kẽ hở cho các phần tử thoái hoá biến chất, cho những cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước phẩm chất xấu, chạy theo lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi dụng xoay xở để tham ô, ăn hối lộ, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tập thể và của người lao động.

3- Để tình trạng tham nhũng kéo dài và nghiêm trọng trước hết là do sự chỉ đạo của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở nói chung chưa thấy hết trách nhiệm và chưa kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng trong phạm vi ngành, địa phương và cơ sở mình phụ trách. Trong nhiều trường hợp còn có biểu hiện nương nhẹ, nể nang với người phạm tội, thậm chí, một số người có cương vị lãnh đạo còn đồng loã, tiếp tay, bao che cho phần tử xấu.

Quyết định này là tiếp tục thực hiện "Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội" theo Nghị quyết số 4-NQTU ngày 12 tháng 9 năm 1987 của Bộ Chính trị và tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhất là chống tham nhũng mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (khoá VI) đã đề ra.

II- YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU CHỐNG THAM NHŨNG

Đấu tranh chống tham nhũng, ngăn chặn và xoá bỏ tệ tham nhũng là một trong những vấn đề nóng hổi hiện nay đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của Hội đồng Bộ trưởng, của các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị, và sự giám sát của nhân dân nhằm làm trong sách bộ máy Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trong quản lý và sử dụng vật tư, tiền bạc của nhà nước, tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xã hội từng bước lập lại trật tự, kỷ cương, pháp luật, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

Trước mắt, mục tiêu đấu tranh chống tham nhũng cần tập trung vào chống tệ tham ô, hối lộ, cố ý làm trái chính sách, pháp luật và sử dụng lãng phí tiền bạc, tài sản Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải được tiến hành thường xuyên, rộng khắp ở tất cả các tổ chức kinh tế, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, không loại trừ cơ quan, đơn vị nào, đặc biệt là tập trung vào một số đường trọng điểm là các cơ quan, đơn vị quản lý nhiều tiền, hàng vật tư quý hiếm, ngoại tệ, sử dụng nguồn vốn lớn và những nơi đang có biểu hiện tham ô, hối lộ, lãng phí, làm thất thoát lớn tài sản xã hội chủ nghĩa.

Các mục tiêu cụ thể là:

- Chống mọi hành vi lợi dụng chức trách, quyền hạn dưới mọi hình thức trá hình liên doanh, liên kết, môi giới, dịch vụ, lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý, lợi dụng khi chia tách, sáp nhập, giải thể cơ quan đơn vị, lợi dụng chủ trương ưu tiên cấp vốn vật tư... của nhà nước đối với công trình nghiên cứu, sản xuất đặc biệt v.v... để tham ô chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

Chống mọi hành vi hối lộ dưới mọi hình thức trong tất cả các khâu: tiêu thụ sản phẩm, buôn bán vật tư, tài sản cố định, chuyển đổi tiền, cho vay, cấp vốn, cấp đất, cấp nhà, cấp đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xuất nhập khẩu, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng hàng hoá, xét miễn giảm thuế, tuyển dụng lao động, xét duyệt người đi nước ngoài...

- Chống các hành vi cố ý làm trái chính sách, pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản xã hội chủ nghĩa, như kế toán, hạch toán không trung thực, gian lận sổ sách, chứng từ, lập quỹ trái phép, dấu nguồn thu, trốn lậu thuế, rút tiền, rút hàng của Nhà nước để làm ăn phí pháp...

- Chống việc tuỳ tiện đặt ra chế độ, tiêu chuẩn ngoài quy định hiện hành của Nhà nước như về nhà ở, xe cộ, chỉ tiêu; sử dụng công quỹ lãng phí vào liên hoan, hội nghị, tiệc tùng.

Hội đồng Bộ trưởng quyết định tập trung lực lượng làm chuyển biến một bước tình hình để tạo đà cho các bước đấu tranh chống tham nhũng tiếp theo.

Trước mắt, khẩn trương xử lý các vụ tham ô, hối lộ đã được kiểm tra, thu lý. Tội trạng đã rõ đến đâu thì xử lý đến đó cho kịp thời, sau này nếu phát hiện thêm sẽ xử lý tiếp.

Thái độ đối với tệ tham nhũng phải nghiêm khắc đối với mọi tội phạm, thể hiện sự bình đẳng thật sự của mọi công dân trước pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ.

III- CÁC BIỆN PHÁP ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG:

1- Trước hết, quyết định về đấu tranh chống tham nhũng phải được quán triệt sâu rộng trong lãnh đạo các ngành, các cấp, cán bộ, công nhân, nhân viên và nhân dân, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để tiến hành đấu tranh chống tham nhũng kiên quyết, liên tục và gắn với cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự.

2- Từng ngành, từng cấp, từng cơ sở phải có kế hoạch chống tham nhũng trong nội bộ ngành và cấp mình, cơ sở mình. Lãnh đạo các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục có trách nhiệm chỉ đạo chung toàn ngành hoặc lĩnh vực trong cả nước; Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo trong phạm vi quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương; Thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức kinh tế, xã hội, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân chỉ đạo trong cơ quan và đơn vị mình. Không một cơ quan, đơn vị nào được đứng ngoài cuộc.

Cán bộ lãnh đạo ở mọi ngành, mọi cấp, trước hết phải chăm lo đời sống cán bộ, công nhân và nhân dân lao động; sắp xếp lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, quản lý chặt chẽ các đối tượng lao động trong ngành mình, địa phương mình, cơ sở mình, bản thân phải gương mẫu trong việc chấp hành quyết định, tự kiểm tra mình, tự giác nhận khuyết điểm (nếu có), tự giác sửa chữa và trực tiếp chỉ đạo quần chúng trong ngành, địa phương mình tiến hành đấu tranh chống tham nhũng.

3- Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu để hình thành và hoàn thiện cơ chế phân phối thu nhập hợp lý trong các tổ chức kinh tế, các xí nghiệp, công ty, công trường, cửa hàng, bổ sung chế độ kế toán, hạch toán, chính sách điều tiết thu nhập... trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

Các Bộ, Uỷ ban, Tổng cục rà soát lại các quy định quản lý hiện hành của ngành, trước hết là các quy định về quản lý vật tư, tài chính; phát hiện những thiếu sót, sơ hở và bổ sung, sửa đổi kịp thời làm cho cơ chế quản lý kinh tế nói chung được đồng bộ và hoàn chỉnh một bước. Công khai hoá các quy chế, chế độ tài chính, các hợp đồng kinh tế giữa các tổ chức, xí nghiệp, cửa hàng... để cán bộ, công nhân, xã viên và nhân dân giám sát, kiểm tra, ngăn chặn và phát hiện các hành vi tiêu cực.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, phối hợp tổ chức nghiên cứu những vấn đề quan trọng cần thể chế hoá thành văn bản pháp quy Nhà nước, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

4- Đi đôi với đấu tranh chống tham nhũng, phải cọi trọng việc chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức, rà soát đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý các cơ sở kinh tế, kịp thời thay thế những cán bộ xét thấy không còn đủ tin cậy, chỉnh đốn công tác bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, kho tàng... chọn người có đủ phẩm chất và tinh thần trách nhiệm làm những công việc này.

5- Tăng cường hoạt động thanh tra thường xuyên và đột xuất, đề cao trách nhiệm kiểm tra giám sát tại chỗ của Hội đồng nhân dân các cấp với hoạt động của lực lượng thanh tra nhân dân; đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành chế độ, chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước, nhằm phát hiện và xử lý những hành vi sai trái, thu hồi kịp thời tiền của và tài sản bị thất thoát. Mặt khác, phải chấn chỉnh và tăng cường tổ chức bộ máy thanh tra, làm trong sạch đội ngũ cán bộ thanh tra.

6- Về biện pháp xử lý:

Tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở, các tổ chức kinh tế có trách nhiệm phát hiện sớm các hành vi tham nhũng và xử lý kịp thời. Đối với những vụ vi phạm đã phát hiện, nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa đến mức truy tố trước pháp luật thì phải xử lý hành chính. Khi cần thiết có thể áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác.

Đối với những vụ có dấu hiệu phạm pháp hình sự thì không được giữ lại để xử lý nội bộ mà phải xử lý theo pháp luật.

Đối với những người tự giác khai báo và bồi hoàn tài sản đã chiếm đoạt của Nhà nước, của tập thể và công dân thì có thái độ khoan hồng.

Các ngành nội chính cần có kế hoạch phối hợp công tác chặt chẽ trong quá trình điều tra, kết luận, truy tố và xét xử để bảo đảm cho việc xử lý các vụ việc được nhanh chóng, và chính xác. Các cơ quan pháp luật phải thực hiện đúng chức trách theo luật định, tham gia tích cực vào công việc chung, có thái độ nghiêm minh đối với các hành vi phạm lỗi.

Cùng với việc xử lý kỷ luật, cần coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, nhân viên Nhà nước, biểu dương người tốt, việc tốt trong đấu tranh chống tệ tham nhũng; khuyến khích thích đáng bằng vật chất và bảo vệ an toàn cho những người có công phát hiện hành vi tham ô, hối lộ.

7- Các cơ quan báo chí ngôn luận cần hướng dẫn dư luận đấu tranh kiên quyết bảo vệ tài sản của Nhà nước, bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, phê phán mạnh mẽ, sâu sắc các hiện tượng tiêu cực, tuyên truyền phổ biến pháp luật, cổ vũ các nhân tố tích cực để động viên phong trào chung. Cần hết sức cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng đả kích chế độ và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, việc đưa tin cần bảo đảm chính xác, đúng người, đúng việc, giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước điều tra, xét xử nhanh chóng, thuận lợi.

8- Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện Quyết định này trong ngành mình, địa phương mình cho đến tận cơ sở. Các cơ quan Nhà nước phải chủ động phối hợp với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động và các đoàn thể quần chúng khác trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Qua từng thời gian, cần rút kinh nghiệm chỉ đạo dể hướng cuộc đấu tranh đi vào nền nếp thường xuyên.

9- Thanh tra Nhà nước chủ trì cùng Bộ Nội vụ và các ngành có liên quan giúp Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này ở các cấp, các ngành.

 

 

Đỗ Mười

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 240-HĐBT năm 1990 về việc đấu tranh chống tham nhũng do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 240-HĐBT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/06/1990
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Đỗ Mười
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 11/07/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản