Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/QĐ-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 02 năm 1982 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM SẢN PHẨM
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chánh các cấp ngày 27-10-1962 ;
- Căn cứ Nghị định 24/CP ngày 2-2-1976 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh trong lĩnh vực quản lý kinh tế ;
- Để tiến hành tổ chức hiệp tác sản xuất – kinh doanh theo ngành kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Công nghiệp thành phố trong tờ trình số : 1372 ngày 5-12-1981;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của nhóm sản phẩm.
Điều 2.- Bản quy định này áp dụng cho các nhóm sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp được tổ chức và hoạt động trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3.- Căn cứ vào bản quy định tạm thời này trong phạm vi Công nghiệp do địa phương trực tiếp quản lý, Sở Công Nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành cụ thể, tiếp tục theo dõi để bổ sung hoàn chỉnh bản quy định trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành chính thức.
Các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất các chế độ chính sách thích hợp đối với tổ chức và hoạt động của nhóm sản phẩm.
Điều 4.- Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Công nghiệp và Giám đốc các sở có quản lý xí nghiệp công nghiệp, Chủ nhiệm Liên hiệp xã Thành phố, Trưởng các ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và Chủ tịch các Ủy ban nhân dân quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM SẢN PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 24 /QĐ-UB ngày 18-02-1982 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)
Điều 1.- Nhóm sản phẩm là một tổ chức hiệp tác sản xuất kinh doanh theo ngành kinh tế - kỹ thuật hoặc theo mặt hàng giữa các đơn vị sản xuất – kinh doanh độc lập, thuộc những thành phần sở hữu và quan hệ trực thuộc khác nhau.
Việc tổ chức nhóm sản phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện nguyên tắc kết hợp quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, và được tiến hành theo hướng phân công sản xuất chuyên môn hóa kết hợp với hiệp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên trong mỗi nhóm, bảo đảm sử dụng hợp lý mọi tiềm năng về lao động, vật tư, thiết bị và tiền vốn, đẩy mạnh sản xuất và tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất – kinh doanh.
Điều 2.- Các đơn vị sản xuất – kinh doanh trên địa bàn thành phố cần được liên kết lại trong từng nhóm sản phẩm căn cứ vào sản xuất chính của chúng có những đặc điểm chung sau đây :
- Sản xuất ra sản phẩm giống nhau hoặc sản phẩm cùng loại.
- Có công nghệ cơ bản giống nhau.
- Sử dụng nguyên liệu chủ yếu giống nhau hoặc cùng loại.
- Sản xuất ra các bộ phận cấu thành của sản phẩm hoặc thực hiện từng công đoạn của một quá trình sản xuất thống nhất để làm ra sản phẩm cuối cùng là sản phẩm chung.
Điều 3.- Nhóm sản phẩm không phải là một đơn vị kinh tế mang tư cách pháp nhân, và không phải là một cấp quản lý.
Mọi hoạt động của nhóm sản phẩm phải quán triệt những nguyên tắc sau đây :
1. Bình đẳng trong quan hệ hiệp tác sản xuất – kinh doanh giữa các đơn vị thành viên. Đó là quan hệ giữa các đơn vị kinh tế độc lập, có tư cách pháp nhân, và theo luật hợp đồng kinh tế của Nhà nước.
2. Mọi nhiệm vụ trong chương trình hoạt động của nhóm đều phải thông qua bàn bạc để tập thể nhất trí, bảo đảm phù hợp với phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước, các chế độ, chính sách và luật pháp hiện hành. Trên cơ sở ấy, từng đơn vị thành viên độc lập giải quyết những nhiệm vụ được nhóm phân công với tinh thần tự chịu trách nhiệm.
3. Hiệp tác và giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở các bên đều có lợi, bảo đảm thống nhất lợi ích của mỗi đơn vị thành viên với lợi ích của toàn nhóm và của xã hội.
- Trong việc xây dựng phương án thành lập nhóm sản phẩm trên địa bàn thành phố phải căn cứ vào đặc điểm về kinh tế kỹ thuật, thành phần sở hữu, quan hệ trực thuộc và sự phân bổ theo lãnh thổ của các đơn vị sản xuất – kinh doanh trong từng ngành khác nhau để nghiên cứu lựa chọn đối tượng hiệp tác sản xuất – kinh doanh, xác định chức năng quản lý và địa bàn tổ chức hoạt động cho phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm. Trong điều kiện nền kinh tế còn 5 thành phần việc tổ chức nhóm sản phẩm cần hết sức linh hoạt, nâng dần theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và yêu cầu thực tiễn của sản xuất đề ra. Có thể tiến hành từ hẹp đến rộng về qui mô hiệp tác, từ thấp đến cao về yêu cầu quản lý, nhằm từng bước phát huy tác dụng của nhóm sản phẩm trong mọi tổ chức và quản lý sản xuất – kinh doanh theo ngành kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn thành phố.
Về đối tượng, có thể tiến hành hiệp tác sản xuất – kinh doanh trên một mặt hàng, một số hoặc toàn bộ các đối tượng sản xuất – kinh doanh trong danh mục mặt hàng thuộc ngành kinh tế - kỹ thuật đã được phân định, có thể hiệp tác trong việc khai thác vật tư, tận dụng phế liệu, phế phẩm, tổ chức thực hiện những dịch vụ phục vụ khách hàng.
Về chức năng quản lý, có thể tổ chức thực hiện từng chức năng hoặc một số chức năng quản lý trong quá trình hiệp tác sản xuất – kinh doanh, như các chức năng quản lý về kỹ thuật, kế hoạch, vật tư, tiêu thụ, lao động, tài chính, giá cả. Trong đó, quan trọng nhất là hợp tác và quản lý về kỹ thuật, thống nhất về thiết kế sản phẩm, phân công chuyên môn hóa sản xuất, thống nhất về tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tạo khả năng lắp lẫn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp đỡ nhau về thiết kế, chế tạo máy chuyên dùng, gá lắp, dụng cụ kiểm tra…
Về địa bàn tổ chức hoạt động, nhóm sản phẩm được thành lập trên địa bàn thành phố không phụ thuộc vào ranh giới lãnh thổ của các quận, huyện. Một nhóm sản phẩm có thể liên kết các đơn vị sản xuất – kinh doanh trên địa bàn toàn thành phố, trên một số quận, huyện, hoặc trong phạm vi từng quận, huyện.
Trong trường hợp xét thấy hợp lý về mặt tổ chức hiệp tác sản xuất – kinh doanh và có hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật, nhóm sản phẩm trên địa bàn thành phố có thể kết nạp những đơn vị sản xuất – kinh doanh ở các địa phương kế cận làm thành viên của nhóm, khi có sự nhất trí của cơ quan cấp trên của những đơn vị ấy.
Điều 5.- Để phát huy đầy đủ năng lực sản xuất và sở trường nhiều mặt của mình, một đơn vị sản xuất – kinh doanh có thể tham gia một số nhóm sản phẩm khác nhau, và có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ những quy định của các nhóm mà mình tham gia.
Việc các đơn vị sản xuất – kinh doanh gia nhập nhóm sản phẩm hoàn toàn không làm giảm trách nhiệm của các đơn vị ấy trước cấp trên trực tiếp của mình trong việc thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước được giao.
Điều 6.- Để tạo điều kiện cho sự hình thành nhóm sản phẩm và hiệp tác sản xuất – kinh doanh thực sự giữa các đơn vị ấy có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc chỉ đạo công tác nhóm sản phẩm. Sự phối hợp đó phải được tiến hành đều đặn theo chu kỳ kế hoạch, và trên một số dự án sau đây :
1. Dự án bố trí, sắp xếp các đơn vị sản xuất – kinh doanh vào các nhóm sản phẩm theo quy định ở điều 2 và tiến cử đơn vị chủ đạo trong nhóm (theo điểm 2, điều 10, chương III). Trên cơ sở ấy, hướng dẫn và động viên các đơn vị sản xuất – kinh doanh tham gia nhóm sản phẩm.
2. Dự án về tổ chức và phân công sản xuất chuyên môn hóa trong nhóm sản phẩm.
3. Dự án kế hoạch hiệp tác sản xuất – kinh doanh trong nhóm sản phẩm trên một số chỉ tiêu chủ yếu, trước hết là chỉ tiêu sản lượng sản phẩm chủ yếu và khối lượng vật tư được cân đối.
4. Dự án kế hoạch tiến bộ khoa học - kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm. Trong đó, đề ra các mức chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật để phối hợp hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện đối với các đơn vị tham gia nhóm sản phẩm.
Cơ quan chủ trì phối hợp là cơ quan cấp trên trực tiếp của đơn vị chỉ đạo trong nhóm sản phẩm.
NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN CỦA NHÓM SẢN PHẨM VÀ CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN
Điều 7.- Nhóm sản phẩm có những nhiệm vụ chính sau đây :
1. Căn cứ vào phương hướng phát triển và nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước của ngành, xây dựng các phương án kế hoạch hiệp tác sản xuất – kinh doanh và phân công sản xuất chuyên môn hóa, bảo đảm khai thác mọi tiềm năng và sở trường truyền thống của các đơn vị thành viên nhằm sử dụng một cách có hiệu quả nhất sức mạnh tổng hợp của toàn nhóm.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án hiệp tác về kỹ thuật và quản lý kỹ thuật trong nhóm, từ khâu thiết kế, qua quá trình công nghệ đến kiểm tra xuất xưởng đối với những sản phẩm hiệp tác sản xuất của nhóm ; phối hợp nghiên cứu phát triển mặt hàng mới, công nghệ mới, phát hiện và tận dụng các nguồn vật tư có trong nước để thay thế những vật tư nhập khẩu; thực hiện việc đăng ký sản phẩm của nhóm, nêu rõ quy cách, thành phần cấu tạo và các mức chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm ; tổ chức công tác kiểm tra kỹ thuật trong nhóm, bảo đảm thực hiện các định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng quy định.
3. Tổ chức việc phổ biến những kinh nghiệm về sản xuất và quản lý giữa các đơn vị thành viên, giúp nhau giải quyết những khó khăn về kỹ thuật, hỗ trợ chuyên gia và bồi dưỡng đào tạo cán bộ, công nhân.
4. Tổ chức việc phối hợp khai thác và cung ứng vật tư, xây dựng và cùng nhau thực hiện những định mức vật tư có căn cứ khoa học ; nhượng cho nhau những thiết bị, vật tư ứ đọng và phế liệu, phế phẩm theo đúng chính sách, chế độ và luật pháp của Nhà nước.
5. Tổ chức hợp lý các mối quan hệ về tiêu thụ sản phẩm, tiến hành nghiên cứu tìm hiểu nhu cầu của thị trường trong nước và ngoài nước, giới thiệu các loại mặt hàng của nhóm, và tổ chức các dịch vụ phục vụ khách hàng.
6. Xây dựng và thực hiện phương án hiệp tác về tiền vốn để đầu tư xây dựng, trang bị kỹ thuật và mở rộng sản xuất – kinh doanh.
7. Không ngừng phát triển và kiện toàn về tổ chức và hoạt động của nhóm, củng cố và hoàn thiện các mối quan hệ hiệp tác giữa các đơn vị thành viên, xây dựng nhóm thành một tổ chức hiệp tác sản xuất – kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Qua đó, kiến nghị với các cơ quan cấp trên cải tiến, đổi mới cơ chế quản lý hiện hành để thúc đẩy sản xuất – kinh doanh ngày càng phát triển.
Căn cứ vào mục tiêu hiệp tác sản xuất – kinh doanh trong từng kỳ kế hoạch và những chỉ dẫn vận dụng ở điều 4 chương I, những nhiệm vụ trên đây cần được cụ thể hóa thành chương trình hoạt động phù hợp với điều kiện của từng nhóm sản phẩm.
Điều 8.- Mọi đơn vị thành viên đều có nghĩa vụ góp phần xây dựng và củng cố nhóm sản phẩm, thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ được phân công theo nghị quyết của nhóm mà mình đã tham gia biểu quyết.
Điều 9.- Mọi đơn vị thành viên nhóm sản phẩm đều được hưởng các quyền lợi sau :
1. Được sử dụng thiết kế nhãn hiệu chung của sản phẩm do nhóm làm ra và được sử dụng các kết quả nghiên cứu chung của nhóm.
2. Được Nhà nước ưu tiên giao kế hoạch sản xuất, gia công đặt hàng và tùy khả năng cho phép được ưu tiên xét cung cấp trang thiết bị, vật tư kỹ thuật, năng lượng…
3. Được Nhà nước ưu tiên xét cấp vốn đầu tư xây dựng cơ bản, ưu tiên vay vốn ngân hàng, với lãi suất khuyến khích để tự trang tự chế thiết bị mở rộng sản xuất.
4. Được cử người tham gia đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, tham gia khảo sát và thực tập trong và ngoài nước theo kế hoạch chung của nhóm.
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NHÓM SẢN PHẨM
Điều 10.- Dựa vào dự án do các cơ quan chủ quản phối hợp chuẩn bị (theo điều 6 chương I), hội nghị toàn thể những người đứng đầu các đơn vị dự định là thành viên của nhóm sản phẩm được tổ chức để thảo luận và ra quyết định thành lập nhóm.
Nghị quyết thành lập nhóm sản phẩm phải định rõ phương hướng, mục tiêu, chương trình hoạt động, và cơ cấu tổ chức của nhóm phù hợp với những quy định trong bản quy định này.
Nghị quyết thành lập nhóm sản phẩm phải được toàn thể những người đứng đầu các đơn vị thành viên biểu quyết thông qua.
Điều 11.- Cơ cấu tổ chức của nhóm sản phẩm được quy định như sau :
1. Hội đồng những người đứng đầu các đơn vị thành viên của nhóm sản phẩm (gọi tắt là Hội đồng nhóm sản phẩm) là nơi quyết định toàn bộ chương trình hoạt động và các biện pháp quản lý của nhóm.
Hội đồng nhóm sản phẩm bầu ra Ban thường trực của Hội đồng gồm có Chủ tịch, một hoặc hai Phó Chủ tịch và một số ủy viên. Trong đó, Giám đốc hoặc Chủ nhiệm đơn vị chủ đạo là Chủ tịch nhóm.
2. Mỗi nhóm sản phẩm phải có một đơn vị chủ đạo là đơn vị đầu đàn trong nhóm về kinh tế, kỹ thuật, đội ngũ cán bộ và năng lực tổ chức quản lý, có khả năng thiết lập và điều phối các mối quan hệ trong phân công và hiệp tác sản xuất – kinh doanh giữa các đơn vị thành viên trong nhóm. Đơn vị chủ đạo có thể là xí nghiệp quốc doanh trung ương, xí nghiệp quốc doanh địa phương hoặc hợp tác xã khi trong nhóm chưa có xí nghiệp quốc doanh giữ vị trí chủ đạo.
- Đơn vị chủ đạo trong nhóm sản phẩm do các cơ quan cấp trên trực tiếp của các đơn vị thành viên nhất trí tiến cử.
3. Mỗi nhóm sản phẩm có một số ban chuyên môn (phối hợp kế hoạch, phối hợp cung tiêu, kỹ thuật, đào tạo…) tùy theo yêu cầu cần thiết của từng nhóm. Thành viên trong các ban chuyên môn là cán bộ kiêm nhiệm, được tiến cử từ các đơn vị thành viên, chủ yếu dựa vào đơn vị chủ đạo.
4. Đối với những nhóm sản phẩm hoạt động trên qui mô tương đối lớn, địa bàn rộng, trong mỗi nhóm có thể lập ra một số phân nhóm.
Điều 12.- Hội đồng nhóm sản phẩm mỗi năm họp đại hội 1 lần để tiến hành những công việc sau đây:
1. Kiểm điểm hoạt động của nhóm trong kỳ kế hoạch trước.
2. Thảo luận và kiến nghị lên cơ quan chủ quản và Ủy ban nhân dân Thành phố các phương án về đầu tư xây dựng và mở rộng sản xuất kinh doanh của nhóm trong kỳ kế hoạch tới, về phân công sản xuất, về những vấn đề trong cơ chế quản lý cần được hoàn thiện.
3. Thảo luận để xác định mục tiêu và thông qua chương trình hoạt động của nhóm trong kỳ kế hoạch tới.
4. Thỏa thuận trên nguyên tắc và hướng dẫn việc ký kết các hợp đồng kinh tế giữa các đơn vị thành viên trong hiệp tác sản xuất – kinh doanh.
5. Thảo luận và thông qua các biện pháp hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của nhóm, về quan hệ giữa các đơn vị thành viên, về kết nạp các thành viên mới…
6. Bầu các Ủy viên trong Ban Thường trực của Hội đồng nhóm sản phẩm và cử các ban chuyên môn theo nhiệm kỳ hai năm.
7. Duyệt quyết toán và dự toán kinh phí của nhóm.
8. Xét khen thưởng những đơn vị và cá nhân có thành tích trong công tác nhóm sản phẩm.
Ngoài cuộc họp đại hội hàng năm, tùy theo đặc điểm hoạt động của từng nhóm. Hội đồng nhóm sản phẩm có thể họp theo định kỳ sáu tháng hoặc hàng qúy để tiến hành những công việc ở các mục 1, 3, 4, 5 và 8 nói trên, và có thể triệu tập họp bất thường để giải quyết những công việc cấp thiết của nhóm khi đa số các thành viên yêu cầu hoặc Chủ tịch nhóm xét thấy cần thiết.
Điều 13.- Đơn vị chủ đạo trong nhóm sản phẩm có nhiệm vụ :
1. Chủ trì và là hạt nhân phối hợp với các đơn vị thành viên trong nhóm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hợp tác sản xuất – kinh doanh, và đảm nhận những nhiệm vụ then chốt trong chương trình hoạt động của nhóm.
2. Giúp đỡ các đơn vị thành viên trong nhóm giải quyết những khó khăn về phương tiện và kỹ thuật sản xuất, đào tạo cán bộ, công nhân, truyền thụ những kinh nghiệm về tổ chức quản lý, phát hiện và trợ giúp những tài năng, tay nghề truyền thống.. nhằm huy động mọi tiềm năng để phát triển sản xuất – kinh doanh, tăng thu nhập của các đơn vị thành viên và thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước.
Điều 14.- Ban Thường trực của Hội đồng nhóm sản phẩm có nhiệm vụ :
1. Thường xuyên theo dõi và điều hòa, phối hợp hoạt động của toàn nhóm trong thời gian giữa hai kỳ họp của Hội đồng nhóm sản phẩm.
2. Phân công chỉ đạo hoạt động của các phân nhóm và các ban chuyên môn.
3- Chuẩn bị báo cáo sơ kết hàng quý, sáu tháng và tổng kết hàng năm để Chủ tịch nhóm trình bày trước cuộc họp Hội đồng nhóm sản phẩm.
Điều 15.- Chủ tịch nhóm sản phẩm có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây :
1. Điều hành mọi hoạt động của nhóm theo Nghị quyết của Hội đồng nhóm sản phẩm.
2. Đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn các đơn vị thành viên thực hiện những nhiệm vụ được phân công theo Nghị quyết của Hội đồng nhóm sản phẩm.
3. Được sử dụng kinh phí của nhóm vào các mục đích và theo thủ tục đã được Hội đồng nhóm sản phẩm thông qua.
4. Đại diện cho nhóm trong các quan hệ giao dịch với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức sản xuất – kinh doanh theo ủy nhiệm của Hội đồng nhóm sản phẩm hoặc các đơn vị thành viên.
5. Chỉ định người trong Ban Thường trực thay thế mình khi vắng mặt. Người đuợc chỉ định thay thế có đầy đủ quyền hạn và nhiệm vụ như Chủ tịch nhóm sản phẩm.
6. Triệu tập các cuộc họp Hội đồng nhóm sản phẩm.
Điều 16.- Các Ban chuyên môn có nhiệm vụ :
1. Nghiên cứu giải quyết những vấn đề về kỹ thuật và tổ chức quản lý, về đào tạo cán bộ, công nhân theo yêu cầu của nhóm hoặc từng đơn vị thành viên.
2. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề để trao đổi kinh nghiệm, phổ biến những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất hoặc những thành tựu khoa học - kỹ thuật để vận dụng vào giải quyết những nhiệm vụ trong chương trình hoạt động của nhóm và của các đơn vị thành viên.
Điều 17.- Các cán bộ làm công tác nhóm sản phẩm, kể cả Chủ tịch nhóm, là cán bộ kiêm nhiệm, vẫn hưởng lương và các khoản phụ cấp do đơn vị quản lý những cán bộ đó đài thọ.
Hội đồng nhóm sản phẩm có thể quyết định trích kinh phí của nhóm để đài thọ thêm cho những cán bộ, nhân viên kiêm nhiệnm công tác nhóm sản phẩm và thưởng cho những người có nhiều thành tích.
Điều 18.- Kinh phí của nhóm sản phẩm chỉ để chi cho các hoạt động chung của nhóm như chi cho các hội nghị, mua sắm văn phòng phẩm, chi cho hoạt động của Chủ tịch nhóm, khen thưởng và đài thọ thêm cho những cán bộ, nhân viên kiêm nhiệm công tác nhóm sản phẩm.
Kinh phí của nhóm sản phẩm do các đơn vị thành viên đóng góp tương ứng với phần giá trị sản lượng của từng đơn vị thành viên trong tổng giá trị sản lượng sản phẩm hiệp tác của nhóm.
Điều 19.- Bản quy định này áp dụng cho các nhóm sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Dựa vào bản quy định này, mỗi nhóm sản phẩm cần xây dựng những quy định cụ thể cho phù hợp với đặc điểm của mình.
Điều 20.- Sau khi thành lập, Chủ tịch nhóm sản phẩm phải đăng ký tổ chức nhóm tại Sở Công nghiệp (hoặc Sở chủ quản) nếu đơn vị chủ đạo là Xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh hoặc đăng ký tại Liên hiệp xã Thành phố nếu đơn vị chủ đạo lả hợp tác xã, tổ sản xuất.
Điều 21.- Bản quy định này có hiệu lực từ ngày Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký quyết định ban hành.
Quyết định 24/QĐ-UB năm 1982 quy định tạm thời về tổ chức và hoạt động của nhóm sản phẩm do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 24/QĐ-UB
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 18/02/1982
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Võ Thành Công
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra