Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2010/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 15 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HÐND & UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy và Chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Căn cứ Nghị định số 35/2003/NÐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Phòng cháy Chữa cháy; Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 72/2009/NÐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện;

Căn cứ Thông tư số 23/2009/TT- BCT ngày 11/8/2009 của Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp; Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ Công Thương về việc ban hành QCVN 02: 2008/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu huỷ vật liệu nổ công nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 551/TTr-SCT ngày 30/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này: “Quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành, thay thế Quyết định số 53/2005/QÐ-UBND ngày 27/7/2005 của UBND tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quản lý, cung ứng, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24 /2010/QÐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định đối với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (sau đây viết tắt là VLNCN), bao gồm: công tác quản lý nhà nước về VLNCN; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN; người làm việc liên quan trực tiếp đến VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Quy định này không áp dụng đối với hoạt động VLNCN phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng và trong các trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động VLNCN hoặc có liên quan tới VLNCN, không phân biệt thành phần kinh tế, người nước ngoài, nếu hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và Quy định này.

2. Các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại chương V của Quy định này thì được phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

3. Nghiêm cấm mọi hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng vật liệu nổ trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trái với quy định của pháp luật và Quy định này.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- “Vật liệu nổ công nghiệp” là thuốc nổ và phụ kiện nổ sử dụng cho mục đích dân dụng.

- “Thuốc nổ” là hoá chất hoặc hỗn hợp hoá chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hoá hoặc điện.

- “Phụ kiện nổ” là các loại kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, các vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc các loại thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

- “Sản xuất VLNCN” là quá trình tạo ra thuốc nổ, phụ kiện nổ, quá trình tái chế, đóng gói, dán nhãn sản phẩm VLNCN nhưng không bao gồm việc chia nhỏ theo nhu cầu nơi nổ mìn.

- “Bảo quản VLNCN” là hoạt động cất giữ VLNCN trong kho, trong quá trình vận chuyển đến nơi sử dụng hoặc tại nơi sử dụng.

- “Vận chuyển VLNCN” là hoạt động vận chuyển VLNCN từ địa điểm này đến địa điểm khác. Vận chuyển nội bộ là vận chuyển VLNCN bên trong ranh giới mỏ, công trường, hoặc cơ sở sản xuất.

- “Sử dụng VLNCN” là quá trình làm nổ VLNCN theo quy trình công nghệ đã được xác định.

- “Tiêu huỷ VLNCN” là quá trình phá bỏ hoặc làm mất khả năng tạo ra phản ứng nổ của VLNCN theo quy trình công nghệ đã được xác định.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Trách nhiệm quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp

1. UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VLNCN trên địa bàn tỉnh. Các Sở: Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, UBND các cấp tại địa phương, các ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về VLNCN trên địa bàn quản lý.

2. Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, chủ trì làm đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về VLNCN, có trách nhiệm:

- Tổ chức triển khai, thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam;

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về VLNCN và giám sát việc thực hiện. Hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng chỉ tiêu, định mức kinh tế - kỹ thuật trong sử dụng VLNCN tại địa phương nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả kinh tế và đảm bảo môi trường.

- Tiếp nhận hồ sơ xin sử dụng VLNCN của các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh, thẩm định và trình UBND tỉnh cấp mới, gia hạn, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN theo thẩm quyền được phân cấp;

- Kiểm tra hồ sơ, thực hiện việc đăng ký sử dụng VLNCN đối với các đơn vị do Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng VLNCN tại địa bàn tỉnh Quảng Nam theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức công tác huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn VLNCN cho chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, thủ kho và những người lao động làm công việc có liên quan tới VLNCN theo quy định của pháp luật;

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, cung ứng, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và Quy định này.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm theo dõi, tổng hợp về tình hình quản lý, cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn, báo cáo Bộ Công Thương và UBND tỉnh theo quy định của pháp luật;

3. Công an tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm:

- Tổ chức thực hiện các quy định về an ninh trật tự xã hội đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh có sử dụng VLNCN; hướng dẫn hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 72/NÐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ. Tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh

- Tổ chức thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy đối với các kho bảo quản VLNCN theo quy định của pháp luật và quy định này; theo dõi, cấp giấy phép vận chuyển VLNCN, giấy xác nhận tình trạng kho VLNCN cho các đơn vị có kho bảo quản và được phép cung ứng, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thực hiện chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng hướng dẫn, chỉ đạo và thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các biện pháp về an toàn lao động, vệ sinh lao động trong lĩnh vực sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh. Tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn lao động cho người lao động làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLÐ, VSLÐ liên quan đến VLNCN. Phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc đảm bảo các quy định của pháp luật về các điều kiện an toàn lao động có liên quan đến sử dụng VLNCN của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng liên quan ở địa phương và UBND các xã, phường theo dõi, giám sát quá trình lưu thông, cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn quản lý theo quy định của pháp luật. Xử lý vi phạm theo thẩm quyền được phân cấp hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng VLNCN do cơ quan nhà nước cấp trên cấp thì Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ra quyết định đình chỉ hành vi vi phạm và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép.

Điều 5. Nghĩa vụ của các đơn vị hoạt động VLNCN

- Tất cả các đơn vị sử dụng VLNCN, cung ứng, vận chuyển, dịch vụ nổ mìn hoạt động trên địa bàn tỉnh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng VLNCN hoặc giấy đăng ký sử dụng mới được phép hoạt động VLNCN và dưới sự giám sát của các Sở, ngành chức năng liên quan của tỉnh, UBND huyện, thành phố nơi diễn ra hoạt động vật liệu nổ công nghiệp;

- Chỉ được mua, vận chuyển, sử dụng và tổ chức quản lý số lượng VLNCN đã mua theo giấy phép được cấp tại kho bảo quản, công trường. Đơn vị phải tổ chức bộ máy nhân sự để quản lý nhằm chống thất thoát VLNCN, phải mở sổ theo dõi việc xuất, nhập VLNCN theo quy định tại Phụ lục E của QCVN 02: 2008/BCT;

- Định kỳ mỗi tháng một lần lãnh đạo đơn vị có trách nhiệm kiểm tra việc bảo quản, cấp phát, quy trình kỹ thuật khoan nổ mìn, an toàn lao động trong sử dụng VLNCN tại công trường, bãi nổ theo quy định tại QCVN 02: 2008/BCT và các quy định khác có liên quan đến VLNCN;

- Trước khi tiến hành nổ mìn ít nhất 10 ngày phải thông báo cho chính quyền và nhân dân địa phương biết về địa điểm, thời gian nổ mìn và có kế hoạch di dời người, thiết bị ra khỏi vùng bán kính nguy hiểm khi nổ mìn để phòng tránh tai nạn. Lập phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp và chủ động thực hiện khi có sự cố xảy ra;

- Ðịnh kỳ 6 tháng, hàng năm phải lập báo cáo về tình hình cung ứng, sử dụng VLNCN của đơn vị mình về Sở Công Thương và các ngành chức năng liên quan để theo dõi, quản lý.

- Ðơn vị xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN có trách nhiệm nộp lệ phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương III

KINH DOANH CUNG ỨNG VÀ VẬN CHUYỂN VLNCN

Điều 6. Điều kiện để kinh doanh cung ứng VLNCN

- Doanh nghiệp kinh doanh VLNCN phải có đầy đủ các điều kiện về năng lực pháp lý, cơ sở vật chất - kỹ thuật; điều kiện về kho, bãi phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định; đảm bảo môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định tại

Nghị định số 39/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 của Chính phủ về vật liệu nổ công nghiệp và Nghị định số 72/2009/NÐ-CP ngày 03/9/2009 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

- Là doanh nghiệp có chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ kinh doanh cung ứng VLNCN. Ðược Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp giấy phép kinh doanh, cung ứng VLNCN.

- Lãnh đạo quản lý, công nhân, người phục vụ liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về an ninh, trật tự; có trình độ chuyên môn tương xứng với vị trí, chức trách đảm nhiệm, được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố trong các hoạt động liên quan đến kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

Điều 7. Trách nhiệm của đơn vị kinh doanh cung ứng VLNCN

- Chỉ được phép bán VLNCN cho các đơn vị có giấy phép sử dụng VLNCN do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng VLNCN. Quá trình mua, bán VLNCN phải được thực hiện theo quy định của pháp luật thông qua ký kết hợp đồng mua bán;

- Phải đảm bảo cung ứng đầy đủ, ổn định về số lượng, đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng theo hợp đồng đã ký kết và đúng giá bán VLNCN tại thời điểm xuất hàng theo quy định của pháp luật;

- Phải mua lại VLNCN thừa, chưa sử dụng còn đảm bảo về chất lượng của các tổ chức sử dụng VLNCN hợp pháp có nhu cầu bán, sử dụng không hết;

- Phải có đủ hệ thống sổ sách ghi chép, lưu trữ chứng từ ban đầu, thẻ kho, phiếu xuất kho, hoá đơn kinh doanh, thống kê đầy đủ mọi hoạt động mua bán, tồn kho, tiêu huỷ VLNCN theo quy định tại QCVN 02: 2008/BCT. Các sổ sách chứng từ nêu trên phải được bảo quản, lưu giữ theo quy định hiện hành của nhà nước;

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm phải lập báo cáo thống kê tình hình cung ứng VLNCN của các đơn vị hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gửi Sở Công Thương để quản lý, theo dõi và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương.

Điều 8. Vận chuyển VLNCN

- Chỉ được vận chuyển VLNCN khi được Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy thuộc công an cấp tỉnh trở lên cấp giấy phép theo quy định của pháp luật;

- Việc vận chuyển VLNCN trong các trường hợp, trên các phương tiện giao thông phải đảm bảo các điều kiện và quy trình quy định tại QCVN 02:2008/BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy VLNCN” và các quy định khác về vận chuyển chất hàng nguy hiểm cháy nổ;

- Các đơn vị cung ứng, sử dụng VLNCN có thể tự vận chuyển hoặc thuê phương tiện vận chuyển VLNCN của đơn vị khác; các phương tiện vận chuyển phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật và an toàn theo quy phạm an toàn về bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổ và các quy định khác có liên quan. Chủ hàng và chủ phương tiện phải chịu toàn bộ trách nhiệm bảo đảm điều kiện an toàn của phương tiện và bảo quản VLNCN trong suốt quá trình vận chuyển;

- Cấm vận chuyển VLNCN bằng ôtô chạy bằng gaz, ôtô có vận tải hành khách, ôtô chạy bằng điện, khí và than, ôtô tự đổ, rơ móc do ôtô kéo. Cấm chở VLNCN cùng với chất dễ cháy, dễ phát lửa; cấm vận chuyển thuốc nổ cùng với phụ kiện nổ, với người và các loại hàng hoá khác trong cùng một toa tàu, ôtô.

Chương IV

BẢO QUẢN VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 9. Bảo quản VLNCN

Các đơn vị sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh phải có kho bảo quản VLNCN theo đúng quy định tại Phụ lục H của QCVN 02: 2008/BCT. Kho chứa VLNCN phải được các Sở, ngành chức năng liên quan nghiệm thu cho phép đưa vào sử dụng mới được chứa đựng VLNCN.

Trường hợp không có kho bảo quản, đơn vị sử dụng VLNCN được phép hợp đồng thuê kho với đơn vị có kho hợp pháp. Kho được thuê phải có lý lịch rõ ràng và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận còn đủ điều kiện đưa vào sử dụng.

Điều 10. Bảo quản tại kho VLNCN

- Kho VLNCN phải có thủ kho và bảo vệ kho theo quy định tại QCVN 02:2008/BCT.

- Người làm công tác thủ kho phải được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và được cấp giấy chứng nhận thủ kho VLNCN. Có nhiệm vụ mở sổ thống kê xuất, nhập, trả lại VLNCN sau mỗi đợt nổ.

- Người làm công tác bảo vệ kho phải có đủ năng lực về hành vi pháp lý, có thể lực tốt, được huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ bảo vệ, sử dụng thành thạo vũ khí, được huấn luyện cơ bản về VLNCN theo chương trình quy định. Bảo vệ kho VLNCN phải có ít nhất hai người, bố trí bảo vệ kho 24/24 giờ trong ngày. Biên chế đội bảo vệ kho VLNCN do thủ trưởng đơn vị quyết định thành lập.

- Bảo quản, sắp xếp VLNCN trong kho đảm bảo chống mất cắp, giữ được chất lượng, chống mối mọt và đảm bảo an toàn về cháy nổ. Cửa ra vào kho phải có 2 (hai) khoá được bảo vệ bằng hộp sắt chắc chắn nhằm chống cưa cắt. Chắn song cửa sổ, cửa thông khí phải bằng sắt tròn, đặc có đường kính tối thiểu 16 milimét, hàn ô vuông chắc chắn, gắn sâu vào trong tường.

Điều 11. Khi đơn vị không còn nhu cầu sử dụng VLNCN, số lượng VLNCN còn lại ở kho phải bán cho đơn vị cung ứng hoặc chuyển giao cho đơn vị được quyền sử dụng VLNCN hợp pháp khác quản lý, sử dụng. Việc chuyển giao này phải làm đúng thủ tục về hợp đồng mua bán và được phép của Công an tỉnh Quảng Nam.

Điều 12. Thủ tục về xây dựng kho tiêu thụ VLNCN

Xây dựng kho tiêu thụ VLNCN phải thoả mãn các điều kiện an toàn về cháy nổ và đảm bảo về an ninh trật tự xã hội và các điều kiện khác quy định tại Phụ lục H, QCVN 02:2008/BCT. Khoảng cách từ nhà kho đến các công trình, khu dân cư tập trung cần bảo vệ phải tuyệt đối an toàn khi có sự cố xảy ra. Địa điểm đặt kho phải được chính quyền sở tại đồng ý và cơ quan quản lý VLNCN chấp thuận. Tất cả các kho đều phải có hệ thống chống sét đánh thẳng theo quy định tại Phụ lục L, QCVN 02:2008/BCT (trừ kho tạm có sức chứa dưới 150 kg thuốc nổ). Hướng nhà kho bắt buộc theo hướng Bắc hoặc Nam để tránh ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào nhà kho. Trường hợp địa hình phức tạp thì được bố trí lệch các hướng nhưng không quá 15 độ. Nhiệt độ trong nhà kho luôn đảm bảo không quá 35oC.

Giao Sở Công Thương ban hành thiết kế kho mẫu theo quy định tại Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình để các đơn vị có nhu cầu áp dụng thực hiện, trên cơ sở tổng hợp các loại kho đã được xây dựng và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 13. Khi xây dựng kho xong, đơn vị sử dụng kho phải báo cáo về Sở Công Thương để chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức nghiệm thu kho. Trong trường hợp đạt yêu cầu về phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự xã hội và các điều kiện an toàn khác theo quy định tại QCVN 02: 2008/BCT thì cho phép đưa kho vào sử dụng.

Căn cứ vào biên bản nghiệm thu kho, đơn vị sử dụng kho phải lập lý lịch kho và gửi các cơ quan chức năng liên quan để theo dõi, quản lý và xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự xã hội tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về an ninh trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh Quảng Nam.

Chương V

SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP

Điều 14. Tất cả các doanh nghiệp, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế có nhu cầu sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải lập thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nộp đầy đủ hồ sơ tại các cơ quan chức năng liên quan theo quy định của pháp luật và Quy định này.

Đối với đơn vị do Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng VLNCN phải được Sở Công Thương Quảng Nam cấp giấy đăng ký mới được phép sử dụng.

Điều 15. Điều kiện để được sử dụng VLNCN

1. Điều kiện về chủ thể

- Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động những ngành nghề, lĩnh vực cần sử dụng VLNCN. Mục đích, lý do, địa điểm sử dụng VLNCN phải cụ thể, rõ ràng thông qua các văn bản của cấp có thẩm quyền ban hành hoặc các hợp đồng ký kết hợp pháp.

- Chỉ được tham gia hoạt động VLNCN khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn về VLNCN, phòng cháy, chữa cháy và các quy định liên quan đảm bảo an ninh, trật tự xã hội, an toàn lao động và môi trường sinh thái.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật

- Có kho bảo quản VLNCN được các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, nghiệm thu cho phép đưa vào sử dụng.

- Có thiết bị nổ mìn; công nghệ, phương tiện vận chuyển, dụng cụ phục vụ công tác sử dụng VLNCN thoả mãn các yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Trường hợp đơn vị sử dụng VLNCN không có kho, không có phương tiện vận chuyển thì được phép hợp đồng thuê của các đơn vị được phép thực hiện nhiệm vụ này.

3. Điều kiện về trình độ chuyên môn nghiệp vụ

a) Lãnh đạo và người lao động của đơn vị có liên quan tới VLNCN phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ tương xứng với chức trách đảm nhiệm.

b) Người chỉ huy nổ mìn do Thủ trưởng đơn vị sử dụng VLNCN ký quyết định bổ nhiệm, phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên một trong các ngành: khai thác mỏ, địa chất; xây dựng công trình giao thông, thuỷ lợi; vũ khí đạn, công nghệ hoá thuốc phóng, thuốc nổ và có thời gian công tác trong lĩnh vực sử dụng hoặc liên quan tới VLNCN ít nhất là 01 (một) năm đối với trình độ đại học, cao đẳng và 02 (hai) năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật.

- Trường hợp tốt nghiệp từ trung cấp trở lên các nghề kỹ thuật khác không liên quan tới VLNCN, nếu được bổ nhiệm làm người chỉ huy nổ mìn phải học tập để nắm vững kỹ thuật nổ mìn, quy phạm, quy chuẩn an toàn trong khai thác mỏ hoặc thi công công trình xây dựng tương ứng với lĩnh vực có sử dụng VLNCN; có thời gian làm việc trong lĩnh vực sử dụng VLNCN ít nhất 02(hai) năm đối với trình độ đại học, cao đẳng; 03 (ba) năm đối với trình độ trung cấp kỹ thuật và được Sở Công Thương huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và cấp giấy chứng nhận. Nội dung huấn luyện tại Phụ lục C của QCVN 02: 2008/BCT.

- Ðối với các đơn vị làm kinh tế tập thể hoạt động theo Luật Hợp tác xã, cho phép được bổ nhiệm người chỉ huy nổ mìn là thợ mìn đã được đào tạo ở các trường dạy nghề khai thác mỏ, có thời gian công tác nổ mìn ít nhất là 03 (ba) năm, được Sở Công Thương huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn VLNCN và cấp giấy chứng nhận. Nội dung huấn luyện tại Phụ lục C của QCVN 02: 2008/BCT.

c) Thợ mìn hoặc người lao động làm công việc có liên quan tới VLNCN như: Vận chuyển, bốc xếp, điều khiển phương tiện vận chuyển, áp tải, thủ kho, bảo vệ, phục vụ thi công bãi mìn, ngoài việc đào tạo và có chứng chỉ chuyên môn phù hợp với vị trí, chức trách đảm nhận, còn phải được Sở Công Thương huấn luyện, kiểm tra sát hạch về kỹ thuật an toàn và cấp giấy chứng nhận. Nội dung huấn luyện tại Phụ lục C của QCVN 02: 2008/BCT.

d) Định kỳ huấn luyện đối với lãnh đạo, quản lý đơn vị; thủ kho VLNCN (05) năm năm một lần; Chỉ huy nổ mìn, thợ mìn, người vận chuyển (02) hai năm một lần;

Thợ mìn hoặc người lao động làm việc có liên quan tới VLNCN tại các đơn vị quân đội làm kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng do hệ thống đào tạo về lĩnh vực vật liệu nổ trong quân đội tổ chức huấn luyện và cấp giấy chứng nhận.

4. Điều kiện pháp lý

Người lãnh đạo, người lao động liên quan tới sử dụng VLNCN phải đủ từ 18 tuổi trở lên và có đủ năng lực hành vi pháp lý, sức khoẻ theo quy định hiện hành đối với từng ngành, nghề cụ thể.

5. Điều kiện về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, ứng phó sự cố

Có phương án bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Có phương án, phương tiện thiết bị đảm bảo phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành. Có các biện pháp và phương tiện, trang bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và các giải pháp công nghệ xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Thành lập bộ phận và có phương án ứng phó hiệu quả khi có sự cố xảy ra.

Điều 16. Điều kiện để được tiến hành dịch vụ nổ mìn

Dịch vụ nổ mìn chỉ do những đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn tiến hành với các điều kiện sau:

1. Ðơn vị làm dịch vụ nổ mìn phải thoả mãn các điều kiện quy định tại Điều 15 của quy định này.

2. Phải đăng ký kinh doanh ngành nghề làm dịch vụ nổ mìn và được Bộ Công Thương cấp giấy phép dịch vụ nổ mìn theo quy định của pháp luật và phải đăng ký tại Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam trước khi sử dụng VLNCN.

Chương VI

HỒ SƠ, THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG VLNCN

Điều 17. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sử dụng VLNCN

Hồ sơ pháp lý gửi đến Sở Công Thương 02 bộ, gồm:

1. Ðơn đề nghị cấp giấy phép sử dụng VLNCN do Thủ trưởng đơn vị ký (mẫu 1a, Thông tư số 23/2009/TT-BCT).

2. Quyết định thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh (bản sao, công chứng);

3. Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động khoáng sản đối với đơn vị hoạt động khoáng sản; Quyết định trúng thầu thi công công trình hoặc hợp đồng nhận thầu; giấy uỷ quyền thực hiện hợp đồng thi công công trình đối với đơn vị thi công công trình.

4. Hợp đồng thuê đất mỏ đối với đơn vị khai thác khoáng sản (bản sao công chứng);

5. Hồ sơ thiết kế khai thác mỏ (đối với khai thác mỏ quy mô công nghiệp); Thiết kế thi công công trình xây dựng (đối với thi công công trình).

6. Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để kinh doanh các ngành nghề có điều kiện do Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh cấp (bản sao có công chứng);

7. Hồ sơ kho bảo quản VLNCN và biên bản nghiệm thu kho kèm theo giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy của Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy - Công an tỉnh cấp (bản sao có công chứng);

8. Quyết định cử người chỉ huy nổ mìn, danh sách thợ mìn, thủ kho, bảo vệ do Thủ trưởng đơn vị ký, kèm theo văn bằng, chứng chỉ đào tạo (bản sao công chứng).

9. Thiết kế nổ mìn đối với các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản quy mô công nghiệp. Phương án nổ mìn đối với các hoạt động khai thác tận thu khoáng sản. Trong đó phải xác định rõ số lượng VLNCN cần sử dụng. Thiết kế nổ mìn hoặc phương án nổ mìn do lãnh đạo đơn vị duyệt (Phương án nổ mìn theo hướng dẫn tại Phụ lục 5, thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 của Bộ Công Thương).

Trường hợp nổ mìn trong khu vực dân cư, khu vực có di tích lịch sử, văn hoá, công trình an ninh, quốc phòng hoặc các công trình quan trọng khác của quốc gia nằm trong phạm vi ảnh hưởng do nổ mìn, thiết kế nổ mìn (hoặc phương án nổ mìn) phải được cơ quan cấp giấy phép sử dụng VLNCN phê duyệt, cho phép.

10. Phương án giám sát ảnh hưởng nổ mìn thoả mãn yêu cầu của QCVN 02:2008/BCT đối với khu vực nổ mìn. Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố khẩn cấp đối với kho, phương tiện vận chuyển VLNCN.

Điều 18. Hồ sơ đề nghị cấp lại (hoặc gia hạn, bổ sung) giấy phép sử dụng VLNCN

Ba mươi ngày trước khi giấy phép sử dụng VLNCN hết hạn, đơn vị có nhu cầu cấp lại (hoặc gia hạn, bổ sung) giấy phép sử dụng VLNCN phải gửi hồ sơ đến Sở Công Thương 02 bộ, gồm:

1. Ðơn đề nghị cấp lại (hoặc gia hạn, bổ sung) giấy phép sử dụng VLNCN;

2. Giấy phép sử dụng VLNCN đã cấp và những bổ sung, thay đổi (nếu có);

3. Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng VLNCN của đơn vị đến thời điểm xin cấp lại (hoặc gia hạn, bổ sung).

4. Hồ sơ quy định tại Điều 17 của Quy định này (đối với đơn vị có thay đổi về đăng ký kinh doanh, địa điểm, quy mô hoặc điều kiện hoạt động).

Điều 19. Ðăng ký sử dụng VLNCN

Ðơn vị (tổ chức) được Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng VLNCN (kể cả đơn vị làm dịch vụ nổ mìn) hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải đăng ký sử dụng VLNCN tại Sở Công Thương để quản lý, theo dõi. Hồ sơ đăng ký gồm một bộ (bản sao công chứng) như sau:

1. Ðơn đăng ký sử dụng VLNCN do Thủ trưởng đơn vị ký. Trong đơn phải nêu rõ số lượng, địa điểm và thời gian sử dụng.

2. Giấy phép sử dụng VLNCN do Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp.

3. Các hồ sơ, văn bản liên quan quy định tại Điều 17 của Quy định này.

Điều 20. Thời hạn của giấy phép sử dụng VLNCN:

Thời hạn giấy phép sử dụng VLNCN quy định như sau:

1. Ðối với các đơn vị sử dụng VLNCN để phá dỡ, xây dựng công trình, dịch vụ nổ mìn phụ thuộc vào thời hạn thi công của dự án, nhưng không quá (02) hai năm.

2. Ðối với các đơn vị sử dụng VLNCN để khai thác khoáng sản phụ thuộc vào thời gian của giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng không quá (05) năm năm.

Điều 21. Thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng VLNCN

1. Sở Công Thương là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm thẩm định trình Chủ tịch UBND tỉnh cấp mới, cấp lại, gia hạn, bổ sung giấy phép sử dụng VLNCN đối với các tổ chức thuộc cấp tỉnh quản lý, các tổ chức kinh tế tập thể, các tổ chức kinh tế tư nhân.

Thực hiện đăng ký sử dụng VLNCN đối với các doanh nghiệp do Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp giấy phép theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp đơn vị có nhu cầu nổ mìn nhưng không tự thực hiện được, nếu thoả mãn điều kiện quy định tại điểm 2 và 3 Điều 17 của Quy định này thì đơn vị được quyền ký hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn hoặc đơn vị có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến VLNCN thực hiện. Hợp đồng thuê nổ mìn phải ghi rõ trách nhiệm của đơn vị nổ mìn và đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống cháy, nổ, an ninh trật tự xã hội, an toàn lao động và môi trường. Đơn vị trực tiếp thực hiện nổ mìn phải lập hồ sơ sử dụng VLNCN theo quy định tại Điều 17 của Quy định này.

Ðơn vị sau khi đã thuê dịch vụ nổ mìn không phải đề nghị cấp giấy phép sử dụng VLNCN và không được phép trực tiếp thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến VLNCN.

3. Trong thời gian 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương phải tiến hành kiểm tra, thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh cấp mới, cấp lại, gia hạn, bổ sung giấy phép sử dụng VLNCN theo thẩm quyền; Trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ Sở Công Thương cấp giấy đăng ký sử dụng VLNCN đối với đơn vị được Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp giấy phép sử dụng VLNCN.

Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc tiếp theo, UBND tỉnh xem xét, cấp giấy giấy phép sử dụng VLNCN do Sở Công Thương trình, hoặc trả lời cho đơn vị về việc giấy phép không được cấp và nêu rõ lý do.

Điều 22. Thủ tục đăng ký kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện

Hồ sơ đăng ký kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự gửi đến Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh Quảng Nam 01 (một) bộ, gồm:

1. Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự;

2. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh (đối với các chi nhánh của doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với tổ chức sự nghiệp có thu);

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy (bản sao);

4. Sơ đồ tổng mặt bằng có định vị khu vực sản xuất, khu vực nổ mìn, kho bảo quản VLNCN, các công trình xây dựng và nhà ở của nhân dân trong phạm vi bán kính an toàn;

5. Bản khai lý lịch của người đại diện hợp pháp theo pháp luật của chủ doanh nghiệp (có dán ảnh và xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan quản lý trực tiếp). Nếu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản khai nhân sự, bản photo hộ khẩu, bản phôtô thẻ cư trú (xuất trình bản chính để kiểm tra);

6. Danh sách người làm việc trong cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (theo biểu mẫu của Bộ Công an quy định);

7. Biên bản kiểm tra thực tế của các Sở, ngành chức năng liên quan về điều kiện phòng chống cháy, nổ của kho bảo quản VLNCN, vị trí nổ mìn của đơn vị.

Trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự cho doanh nghiệp đề nghị. Trường hợp không đủ điều kiện về an ninh trật tự thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do cho doanh nghiệp xin đăng ký.

Điều 23. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy gửi đến Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy gồm 01 bộ, gồm:

1. Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy (theo mẫu PC5 Phụ lục 1, Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an);

2. Giấy đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp (bản sao công chứng);

3. Bản sao hợp lệ giấy phép hoạt động khoáng sản đối với đơn vị hoạt động khoáng sản; Quyết định trúng thầu thi công công trình hoặc hợp đồng nhận thầu, giấy uỷ quyền thực hiện hợp đồng thi công công trình đối với đơn vị thi công công trình;

4. Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy (hoặc thiết kế mẫu do Sở Công Thương ban hành) kèm theo văn bản kiểm tra vị trí xây dựng kho, văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với kho VLNCN xây dựng mới; biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với kho VLNCN cải tạo; lý lịch kho VLNCN;

5. Bản thống kê các phương tiện phòng cháy và chữa cháy, phương tiện, thiết bị cứu người đã trang bị (theo mẫu PC6, Phụ lục 1, Thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an);

6. Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở kèm theo danh sách những người đã qua huấn luyện về phòng cháy và chữa cháy;

7. Phương án chữa cháy.

Trong thời gian 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy thuộc Công an tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm giải quyết cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp. Trường hợp không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy để cấp giấy chứng nhận thì phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do và yêu cầu khắc phục, bổ sung.

Điều 24. Thủ tục cấp giấy phép vận chuyển VLNCN

1. Điều kiện để được cấp giấy phép vận chuyển:

- Phải có giấy phép sử dụng VLNCN được cơ quan có thẩm quyền cấp. Trường hợp giấy phép sử dụng VLNCN do Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp phải có giấy đăng ký sử dụng VLNCN do Sở Công Thương Quảng Nam cấp.

- Phương tiện vận chuyển VLNCN phải tuyệt đối an toàn và giấy phép lưu hành phương tiện còn trong thời hạn sử dụng.

2. Thủ tục xin cấp giấy phép vận chuyển VLNCN gồm một bộ hồ sơ sau:

- Giấy đăng ký vận chuyển VLNCN. Nội dung phải ghi rõ họ tên người áp tải, người điều khiển phương tiện, số hiệu phương tiện, tuyến đường đi, thời gian và số lượng VLNCN cần vận chuyển (người áp tải và người điều khiển phương tiện phải có giấy chứng nhận đã học tập, đạt kết quả về an toàn có liên quan đến VLNCN và đăng ký lý lịch ở cơ quan Công an tỉnh, nơi cấp giấy phép vận chuyển VLNCN);

- Báo cáo VLNCN tồn kho tại thời điểm xin vận chuyển (trừ trường hợp xin vận chuyển lần đầu). Nếu kho VLNCN ở ngoài tỉnh phải có giấy xác nhận tình trạng kho VLNCN do Công an có thẩm quyền nơi đặt kho cấp;

- Giấy phép sử dụng VLNCN hoặc giấy đăng ký sử dụng VLNCN của cơ quan có thẩm quyền cấp (bản sao có công chứng);

- Hợp đồng mua bán VLNCN với đơn vị cung ứng;

- Lệnh xuất kho hoặc giấy báo hàng;

- Bằng điều khiển phương tiện và giấy phép lưu hành phương tiện còn trong thời hạn sử dụng.

Ðối với các đơn vị nổ mìn trực tiếp trong ngày, nổ mìn theo hộ chiếu không có kho bảo quản VLNCN thì ngoài những thủ tục nêu trên (trừ văn bản xác nhận về kho) phải có thêm hộ chiếu nổ mìn cho mỗi đợt nổ do lãnh đạo phụ trách kỹ thuật hoặc cấp tương đương của đơn vị duyệt. Nếu vụ nổ trong phạm vi bán kính vùng nguy hiểm phải được Sở Công Thương xem xét, chấp thuận.

3. Người đến xin cấp và nhận giấy phép vận chuyển VLNCN tại cơ quan Công an tỉnh phải có đầy đủ các giấy tờ sau :

- Giấy giới thiệu của cơ quan do Thủ trưởng đơn vị ký;

- Giấy chứng minh nhân dân.

4. Khi cần thiết chỉ có cơ quan cấp giấy phép vận chuyển mới được gia hạn thời gian và thay đổi tuyến đường đã ghi trong giấy phép vận chuyển.

5. Khi hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển, Thủ trưởng đơn vị phải chứng nhận ngày hoàn thành nhiệm vụ vào giấy phép vận chuyển và nộp tại cơ quan Công an nơi cấp giấy phép vận chuyển.

6. Trong thời hạn không quá 02 (hai) ngày làm việc, đơn vị xin cấp giấy phép vận chuyển VLNCN đã nộp đầy đủ giấy tờ theo quy định tại điểm 2 Điều này, cơ quan cấp giấy phép vận chuyển VLNCN phải kiểm tra hồ sơ, phương tiện vận chuyển và cấp giấy phép vận chuyển hoặc trả lời cho đơn vị về lý do không được cấp giấy phép vận chuyển VLNCN.

7. Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận tình trạng kho VLNCN một bộ, gồm:

- Tờ trình xin xác nhận tình trạng kho VLNCN;

- Báo cáo số lượng VLNCN tồn kho tại thời điểm xin xác nhận tình trạng kho VLNCN (trừ trường hợp xin xác nhận lần đầu);

- Giấy phép sử dụng VLNCN hoặc giấy đăng ký sử dụng VLNCN của cơ quan có thẩm quyền cấp (bản sao công chứng);

- Hợp đồng mua bán VLNCN với đơn vị cung ứng.

Người đến xin cấp giấy xác nhận tình trạng kho VLNCN phải có đủ các giấy tờ sau: Giấy giới thiệu của cơ quan do thủ trưởng đơn vị ký và giấy chứng minh nhân dân.

Điều 25. Hồ sơ đăng ký về an toàn lao động, vệ sinh lao động:

Trước khi tiến hành nổ mìn, tổ chức, cá nhân phải gửi hồ sơ liên quan đến VLNCN tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam để theo dõi, quản lý. Hồ sơ gồm 01 bộ (bản chính hoặc bản sao công chứng):

1. Quyết định thành lập hoặc đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân;

2. Giấy phép sử dụng VLNCN của cơ quan có thẩm quyền cấp. Đối với giấy phép do Bộ Công Thương hoặc Bộ Quốc phòng cấp phải kèm theo giấy đăng ký sử dụng VLNCN do Sở Công Thương Quảng Nam cấp;

3. Tờ khai đăng ký sử dụng kèm theo Phiếu kết quả kiểm định các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/02/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu có sử dụng);

4. Hồ sơ huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2005 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Các loại hồ sơ, văn bản được quy định tại điểm 2,3,4,5,6 Điều 20 của Quy định này.

Chương VII

KIỂM TRA, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 26. Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất những đơn vị có hoạt động cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh theo những nội dung chủ yếu sau:

- Kiểm tra hồ sơ, giấy phép của các đơn vị trong quá trình hoạt động cung ứng, vận chuyển, bảo quản, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra công tác quản lý, sử dụng VLNCN tại đơn vị, công trường.

- Kiểm tra việc chấp hành các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ trong quá trình cung ứng, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN.

- Kiểm tra việc bố trí, sử dụng cán bộ, công nhân viên vào làm việc tại đơn vị, công trường, khai trường, nơi nổ mìn.

- Kiểm tra việc chấp hành quy định xuất, nhập VLNCN, chế độ thống kê, chế độ kiểm tra, báo cáo định kỳ về VLNCN của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kiểm tra phát hiện thấy có hành vi vi phạm trong hoạt động VLNCN phải lập biên bản và đình chỉ hoạt động, đồng thời chuyển biên bản cho Thanh tra Sở Công Thương thực hiện quy trình xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 27. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vô tình hay cố ý có hành vi vi phạm quy định về quản lý, cung ứng, vận chuyển, sử dụng VLNCN theo quy định của pháp luật và quy định này trong mọi trường hợp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Sau thời hạn 45 ngày kể từ ngày ký ban hành, tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý, cung ứng, vận chuyển, bảo quản, sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện nghiêm túc Quy định này. Trường hợp không đủ điều kiện hoạt động theo Quy định này phải tạm đình chỉ để khắc phục.

Điều 29. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành Quy định này và những quy định tại QCVN 02: 2008/BCT và các quy định pháp luật khác có liên quan đối với đơn vị hoạt động VLNCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam./.

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/2010/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 24/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 15/10/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Đinh Văn Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/11/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản