Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 24/2009/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 24 tháng 11 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH VỀ QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP ĐÓNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 991/TTr-LĐTBXH ngày 02 tháng 10 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các ngành về quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thế Nhữ

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC NGÀNH VỀ QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP ĐÓNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-UBND ngày 24/11/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Nông)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vị điều chỉnh:

Quy chế này quy định những nguyên tắc, trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Theo chức năng quản lý Nhà nước được pháp luật quy định và sự phân cấp

của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quản lý người nước ngoài làm việc ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong phạm vi ngành mình phụ trách nhằm nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý người nước ngoài làm việc trong tỉnh. Theo thẩm quyền, các cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời, đúng pháp luật đối với người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm; kiến nghị với các cơ quan có trách nhiệm xử lý những vụ việc vượt thẩm quyền.

Điều 3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm chủ động phối hợp hoạt động với các cơ quan, đơn vị hữu quan để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan quản lý Nhà nước của tỉnh. Việc phối hợp được tiến hành trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan quản lý Nhà nước và yêu cầu của công việc quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo từng thời điểm và lĩnh vực cụ thể.

Điều 4. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động là người nước ngoài có trách nhiệm:

1. Chủ doanh nghiệp; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có người nước ngoài làm việc, chịu trách nhiệm về việc tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc phải có giấy phép lao động theo quy định; xuất trình hồ sơ của người lao động khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

2. Đối với người nước ngoài vào làm việc tại doanh nghiệp mà thuộc trường hợp không phải cấp giấy phép lao động, người sử dụng lao động phải lập danh sách trích ngang báo cáo về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh theo quy định tại Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư số 08/2008/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

3. Thực hiện việc thanh quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho người nước ngoài đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mình; đối với những trường hợp cá nhân người nước ngoài có thu nhập chịu thuế thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế theo quy định, tránh thu thuế 02 lần giữa Việt Nam và nước ngoài, vùng lãnh thổ khác.

Chương II

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP

Điều 5. Sở Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

1. Tiếp nhận và lưu trữ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động, hồ sơ đề nghị gia hạn giấy phép lao động và hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động.

2. Thực hiện cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động và cấp lại giấy phép lao động theo quy định.

3. Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn quản lý.

4. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và Thông tư số 08/2008/TT- BLĐTBXH ngày 10/6/2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ, quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

5. Thông báo cho cơ quan Công an danh sách người nước ngoài đã được cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động.

Điều 6. Công an tỉnh có trách nhiệm:

1. Thực hiện quản lý cư trú của người nước ngoài làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh.

2. Tham gia phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm của người nước ngoài làm việc tại tỉnh Đăk Nông.

3. Hướng dẫn theo thẩm quyền việc cấp, bổ sung, sửa đổi, gia hạn thị thực, cấp, gia hạn thẻ thường trú, thẻ tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam lao động, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

4. Hướng dẫn khai báo tạm trú của người nước ngoài và thực hiện quy trình truyền dữ liệu lưu trú qua đường truyền máy tính hoặc chuyển qua Fax của phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh.

5. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truyền nhận thông tin; lưu giữ thông tin người nước ngoài trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất khi vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam.

Điều 7. Sở Tư pháp có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến người nước ngoài nhập cảnh đến tỉnh và các tổ chức, cơ quan, đơn vị có chức năng trong việc quản lý, sử dụng lao động là người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

2. Trường hợp người nước ngoài hiện đã cư trú tại Việt Nam từ đủ 06 tháng trở lên thì Sở Tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người lao động để làm thủ tục xin cấp phép.

3. Công chứng, chứng thực giấy tờ liên quan cho người lao động nước ngoài (khi có yêu cầu) theo quy định.

Điều 8. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Thực hiện việc quản lý nhà nước về cấp bản sao từ bản gốc, chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ liên quan cho người lao động nước ngoài.

Ngoài các đơn vị đã được phân công trách nhiệm cụ thể nói trên, các cơ quan liên quan có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về quản lý người nước ngoài làm việc tại tỉnh theo thẩm quyền, nhiệm vụ của mình và theo các quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết các vấn đề, phải đảm bảo sự phối hợp theo quy định của Quy chế này.

Chương III

TỔ CHỨC PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC QUẢN LÝ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TRONG CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP

Điều 9. Nội dung và phương pháp phối hợp:

Các cơ quan quản lý Nhà nước, các ngành chức năng liên quan của tỉnh chủ động xác lập mối quan hệ, tổ chức phối hợp và tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau khi cần thiết, đảm bảo cho công tác theo dõi, kiểm tra, điều tra, phát hiện và xử lý các vi phạm trên địa bàn tỉnh có hiệu quả và đúng pháp luật.

Nội dung và phương pháp tổ chức phối hợp như sau:

1. Phối hợp trong việc xây dựng phương án, biện pháp quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đúng quy định. Nếu phát sinh những vấn đề có liên quan đến các cơ quan, ngành hoặc địa phương khác phải có sự trao đổi bàn bạc thống nhất với các cơ quan đó trước khi quyết định theo thẩm quyền, hoặc trình cấp trên quyết định, phê duyệt.

2. Phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về tình hình người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho lực lượng của từng cơ quan chức năng thực hiện việc theo dõi, quản lý, kiểm tra, điều tra và xử lý theo thẩm quyền của từng đơn vị.

3. Phối hợp chỉ đạo, tổ chức huy động lực lượng (khi cần thiết) của các cơ quan để tham gia thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động trái phép của người lao động nước ngoài.

Việc tổ chức phối hợp của lực lượng kiểm tra và xử lý theo từng vụ việc căn cứ vào nguồn thông tin và công tác điều tra của từng cơ quan phải do người đứng đầu cơ quan đó có yêu cầu bằng văn bản. Nghiêm cấm các cán bộ dưới quyền tự ý tổ chức sự phối hợp các cơ quan để tiến hành kiểm tra, kiểm soát trái quy chế này.

Điều 10. Thẩm quyền tổ chức phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành và triển khai công tác kiểm tra.

Kết thúc từng vụ việc, đoàn kiểm tra phải có báo cáo bằng văn bản trình UBND tỉnh, đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý theo đúng pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND tỉnh thống nhất chỉ đạo công tác quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp:

1. Chủ trì tổ chức việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý Nhà nước theo nội dung và biện pháp nói trên của quy chế này.

2. Đề nghị các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, báo cáo kịp thời về tình hình quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhằm phòng ngừa và xử lý các hoạt động trái phép, tổng hợp tình hình báo cáo UBND tỉnh.

3. Định kỳ 6 tháng tổ chức họp một lần giữa các cơ quan liên quan để đánh giá, rút kinh nghiệm và xây dựng phương hướng triển khai thực hiện trong thời gian tiếp theo.

Điều 12. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, thủ trưởng các Sở, Ban, ngành chức năng liên quan của tỉnh có trách nhiệm:

1. Phân công một đồng chí lãnh đạo (Phó Giám đốc Sở, Ban, ngành) phụ trách chỉ đạo thực hiện công tác quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

2. Cử cán bộ, chuyên viên của cơ quan mình tham gia giải quyết công việc chung khi phối hợp công tác theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Thực hiện chế độ thông tin thường xuyên hoặc đột xuất về tình hình có liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu có phát sinh, vướng mắc thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đúng quy định pháp luật./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp giữa các ngành về quản lý người nước ngoài làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

  • Số hiệu: 24/2009/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/11/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Đỗ Thế Nhữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2009
  • Ngày hết hiệu lực: 09/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản