Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 24/2006/QĐ-UBND

Tân An, ngày 16 tháng 6 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH 

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO TRÌNH TỰ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Chỉ thị số 06/2006/CT-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và chấp hành pháp luật lao động trong các doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tại tờ trình số 400/LĐTBXH ngày 14 tháng 4 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giải quyết các vụ đình công không theo trình tự quy định pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh Long An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu: VP, phòng NCTH, V.
QD-QCgiaiquyetDC

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
  CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ĐÌNH CÔNG KHÔNG THEO TRÌNH TỰ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
(kèm theo Quyết định số 24/2006/QĐ-UBND ngày 16/6/2006 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh:

Quy chế này quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp giữa Ban chỉ đạo giải quyết đình công của tỉnh, các Sở ngành liên quan, Tổ công tác liên ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc giải quyết các vụ đình công diễn ra không theo trình tự quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An (sau đây gọi tắt là các vụ đình công).

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện:

Việc giải quyết các vụ đình công không theo trình tự quy định của pháp luật lao động ở các tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh góp phần bảo đảm an ninh- trật tự, bảo vệ môi trường đầu tư, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động theo quy định của pháp luật.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT

Điều 3. Thành lập Đoàn công tác:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có trách nhiệm thành lập Đoàn công tác giải quyết các vụ đình công không theo trình tự quy định của pháp luật lao động (sau đây gọi tắt là Đoàn công tác) xảy ra tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, thị xã.

2. Đoàn công tác gồm Tổ công tác liên ngành của tỉnh và đại diện một số phòng, ban của huyện, thị xã như: Nội vụ- Lao động Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động, Công an, Tài chính- Kế hoạch… , chính quyền địa phương và Công an xã, phường, thị trấn nơi đang xảy ra đình công. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các thành viên tham gia vận động ổn định trật tự.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã làm Trưởng Đoàn công tác và chủ trì quá trình giải quyết các vụ việc đình công trên địa bàn.

Điều 4. Đoàn công tác có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

Đoàn công tác có trách nhiệm tập trung tìm giải pháp giải quyết ổn định vụ việc đình công trong thời gian sớm nhất, cụ thể:

1. Ổn định tình hình an ninh, trật tự giao thông, an toàn lao động tại doanh nghiệp và địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động xảy ra tranh chấp lao động.

2. Hướng dẫn và yêu cầu các bên tranh chấp lao động thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về lao động.

3. Đề nghị các phương án để giúp các bên thương lượng, thoả thuận trên tinh thần nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

4. Trong quá trình giải quyết các vụ đình công, các thành viên của Đoàn công tác trong chức trách, thẩm quyền được pháp luật quy định tiến hành lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật lao động của người lao động hoặc người sử dụng lao động và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử phạt theo Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.

5.Trường hợp vụ việc đình công diễn biến phức tạp, việc giải quyết của Đoàn công tác chưa đạt kết quả thì Đoàn công tác báo cáo đề nghị Ban chỉ đạo giải quyết đình công của tỉnh hỗ trợ.

Điều 5. Trình tự xử lý các vụ đình công không theo trình tự quy định của pháp luật lao động:

1. Đoàn công tác tiếp xúc với người sử dụng lao động hoặc người có thẩm quyền đại diện cho người sử dụng lao động.

2. Tiếp xúc với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở và Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (nếu có).

3. Tiếp xúc với tập thể người lao động hoặc đại diện người lao động, do tập thể người lao động đề cử (ở những nơi chưa có tổ chức Công đoàn).

4. Đề nghị người sử dụng lao động và người lao động cung cấp hồ sơ và các thông tin có liên quan vụ việc.

5. Xác định nguyên nhân xảy ra tranh chấp lao động, yêu cầu của tập thể người lao động và ý kiến của chủ doanh nghiệp.

6. Đưa ra giải pháp ổn định tranh chấp phù hợp tình hình thực tế và quy định pháp luật lao động.

7. Trao đổi, hướng dẫn, vận động người lao động và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên.

a. Trường hợp các bên tự hoà giải thành hoặc chấp thuận phương án hoà giải, giải quyết tranh chấp lao động của Đoàn công tác đề nghị, Đoàn công tác hướng dẫn các bên lập biên bản thoả thuận.

b. Trường hợp tập thể người lao động và người sử dụng lao động không thoả thuận được, Đoàn công tác hướng dẫn các bên tiến hành giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự quy định của pháp luật lao động hiện hành, gởi hồ sơ đến Hội đồng Trọng tài Lao động tỉnh (Mục II, Chương XIV của Bộ luật Lao động về giải quyết tranh chấp lao động tập thể).

c. Trường hợp nảy sinh tình huống quá phức tạp thì Đoàn công tác báo cáo ngay với Ban chỉ đạo giải quyết đình công của tỉnh để trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo. Ban chỉ đạo giải quyết đình công của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp và kịp thời.

8. Đoàn công tác giải quyết đình công của huyện, thị xã báo cáo kết quả giải quyết với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng Trọng tài lao động tỉnh.

Điều 6. Nhiệm vụ của thành viên Đoàn công tác:

1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã:

a. Khi xảy ra đình công không theo trình tự quy định của pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thông báo ngay với Tổ công tác liên ngành của tỉnh (thường trực là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) để tham gia thực hiện nhiệm vụ cùng với Đoàn công tác của huyện, thị xã.

b. Tổ chức ngay Đoàn công tác đến địa điểm xảy ra tranh chấp lao động; Chủ trì giải quyết đình công không theo trình tự quy định của pháp luật lao động.

c. Chỉ đạo Công an huyện, thị xã thực hiện ổn định tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông nơi xảy ra đình công; chỉ đạo phòng, ban liên quan của huyện, thị xã cử cán bộ tham gia Đoàn công tác.

d. Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn; đề nghị Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn và tổ chức thành viên tham gia ổn định trật tự trị an nơi đình công.

2. Tổ công tác liên ngành:

a. Tham gia tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và đại diện người lao động để xác định nguyên nhân xảy ra tranh chấp dẫn đến đình công không theo trình tự pháp luật lao động.

b. Xem xét các hồ sơ, sự việc có liên quan.

c. Hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tranh chấp lao động, trình tự, thẩm quyền và thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.

d. Các thành viên của Tổ công tác liên ngành trong phạm vi quản lý của ngành mình có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn công tác những thông tin, tình hình, đặc điểm của doanh nghiệp đang xảy ra đình công.

đ. Tư vấn về pháp luật lao động, đề xuất giải pháp hoà giải, giải quyết vụ tranh chấp.

3. Các thành viên khác của Đoàn công tác do Trưởng Đoàn phân công cụ thể.

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng lao động:

1. Người sử dụng lao động hoặc đại diện người sử dụng lao động trước hết có trách nhiệm báo cáo kịp thời cho UBND huyện, thị xã về việc đình công, đồng thời tích cực chủ động đề ra các giải pháp để giải quyết ổn định tình hình đình công, bãi công; cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ trung thực, khách quan; hợp tác với Đoàn công tác tiến hành giải quyết các vụ tranh chấp.

2. Cùng với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở thực hiện nghiêm túc những thoả thuận đạt được với người lao động trong quá trình hoà giải, giải quyết của Đoàn công tác.

Điều 8. Trách nhiệm của người lao động:

1. Chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự và an toàn công cộng, bảo vệ tài sản, máy móc, thiết bị lao động.

2. Cung cấp các thông tin trung thực, khách quan, các tài liệu mà mình biết được; Cử đại diện hợp tác với Đoàn công tác, tham gia tiến hành giải quyết các vụ tranh chấp dẫn đến đình công không theo trình tự quy định của pháp luật lao động.

3. Thực hiện đầy đủ các cam kết đã thoả thuận được với người sử dụng lao động và ổn định ngay sản xuất kinh doanh.

Điều 9. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo giải quyết đình công tỉnh:

1. Đối với những vụ đình công phát sinh tình huống quá phức tạp, trên cơ sở đề nghị của Đoàn công tác huyện thị, Ban chỉ đạo tỉnh kịp thời trực tiếp tham gia cùng huyện thị giải quyết, áp dụng các biện pháp tổng hợp cần thiết để sớm ổn định tình hình.

2. Sở Lao động- TBXH tỉnh là cơ quan tham mưu, thường trực Ban chỉ đạo giải quyết đình công, thường trực của Tổ công tác liên ngành tỉnh tham gia phối hợp hỗ trợ xử lý khi sự việc phức tạp theo đề nghị của huyện thị.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 10. Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các Sở ngành liên quan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Tổ công tác liên ngành tỉnh có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.

Điều 11. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh tình huống mới thì Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổng hợp, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 24/2006/QĐ-UBND ban hành Quy chế phối hợp giải quyết các vụ đình công không theo trình tự quy định pháp luật lao động trên địa bàn tỉnh Long An do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành

  • Số hiệu: 24/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 16/06/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Long An
  • Người ký: Dương Quốc Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản