Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2376/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH ĐỊA ĐIỂM LƯU GIỮ, CHÔN CẤT CHẤT THẢI PHÓNG XẠ ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 với những nội dung chính sau đây:

1. Phạm vi

Định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

2. Quan điểm

- Nhà nước thống nhất quản lý chất thải phóng xạ và đầu tư xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia.

- Địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam và các quy hoạch khác có liên quan.

- Địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ phải bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.

3. Mục tiêu

Định hướng quy hoạch địa điểm đạt tiêu chuẩn để lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ trên phạm vi toàn quốc nhằm bảo đảm việc quản lý an toàn chất thải phóng xạ, làm cơ sở để triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia.

4. Tiêu chí lựa chọn địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ

Các địa điểm được lựa chọn trên cơ sở kết hợp quy hoạch phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo đảm an toàn, an ninh và phù hợp với các chỉ tiêu cụ thể trong 5 nhóm tiêu chí sau:

- Nhóm các tiêu chí về điều kiện tự nhiên bao gồm: địa điểm để chôn cất nông chất thải phóng xạ phải có các điều kiện tự nhiên (khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chấn, địa chất và địa chất thủy văn) đảm bảo cho chất thải phóng xạ khi được đem chôn cất sẽ hoàn toàn được cách ly khỏi con người và môi trường trong suốt thời gian lưu giữ.

- Nhóm các tiêu chí về bảo vệ môi trường bao gồm: địa điểm lựa chọn cần đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường sinh thái; khoảng cách tối thiểu đến vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các công trình văn hóa, di tích lịch sử nhằm giảm thiểu nguy cơ làm giảm tính đa dạng của hệ sinh thái và giảm thiểu các tác động tới các khu vực nhạy cảm về môi trường.

- Nhóm các tiêu chí về điều kiện xã hội bao gồm: các tiêu chí phân bố dân cư và mật độ dân số, sự đồng thuận của cộng đồng địa phương; giảm thiểu tác động tới khu dân cư. Các tiêu chí này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng.

- Nhóm các tiêu chí về an ninh, an toàn bao gồm: cách biên giới quốc gia trên đất liền; cách xa các cơ sở quân sự, sân bay, quốc lộ có mật độ giao thông lớn và cách xa các nhà máy sản xuất, tàng trữ những vật liệu, hoá chất nguy hiểm không thể di dời. Việc đáp ứng các tiêu chí này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ nguồn phóng xạ.

- Nhóm các tiêu chí về kinh tế bao gồm: giá trị sử dụng, mục đích sử dụng đất (chất lượng đất, khả năng quỹ đất) và cơ sở hạ tầng (khả năng cung cấp hạ tầng kỹ thuật) nhằm góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư và xây dựng.

5. Phân loại chất thải phóng xạ:

a) Theo chu kỳ bán rã:

- Chất thải có chu kỳ bán rã ngắn: nhỏ hơn 100 ngày.

- Chất thải có chu kỳ bản rã trung bình: lớn hơn 100 ngày và nhỏ hơn 30 năm.

- Chất thải có chu kỳ bán rã dài: lớn hơn 30 năm, b) Theo hoạt độ phóng xạ:

- Chất thải có hoạt độ phóng xạ thấp và trung bình.

- Chất thải có hoạt độ phóng xạ cao và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

6. Phương pháp lưu giữ chất thải phóng xạ:

- Chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình có chu kỳ bán rã < 100 ngày được lưu giữ tại các kho chứa của cơ sở phát sinh cho đến khi tự phân rã và có thể thải vào môi trường tự nhiên như chất thải không nguy hại.

- Chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình có chu kỳ bán rã ≥ 100 ngày đến 30 năm được vận chuyển tới kho chôn cất, lưu giữ quốc gia để chôn cất nông (< 30 m).

- Chất thải phóng xạ, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có hoạt độ cao, chu kỳ bán phân huỷ dài được quản lý lưu giữ tập trung tại kho quốc gia.

- Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng được bảo quản, chờ xử lý tại bể làm mát của nhà máy trong thời gian 30 - 50 năm, chờ xử lý theo trình độ phát triển khoa học công nghệ hạt nhân thế giới và chính sách quản lý chất thải phóng xạ quốc gia.

7. Dự báo khối lượng chất thải phóng xạ phát sinh:

Căn cứ quy hoạch phát triển điện hạt nhân, lượng chất thải phóng xạ tăng dần theo tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành các nhà máy điện hạt nhân.

a) Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020:

Chất thải phóng xạ chủ yếu phát sinh từ các ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong lĩnh vực y tế, công nghiệp, nông nghiệp, các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và từ hoạt động của lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu; chưa phát sinh chất thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân.

Khối lượng chất thải phóng xạ thấp, ước tính khoảng 100 m3/năm. Bao gồm chất thải có hoạt độ phóng xạ thấp và trung bình và một số nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có hoạt độ cao, chu kỳ bán phân huỷ trung bình vài năm).

b) Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030:

Tổng lượng chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình phát sinh bởi nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ khoảng 3.500 m3 (lò áp lực - PWR) hoặc khoảng 9.600 m3 (lò nước sôi - BWR).

Lượng chất thải phóng xạ hoạt độ cao và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng khoảng 2.500 m3 (lò áp lực - PWR) hoặc khoảng 3.300 m3 (lò nước sôi - BWR).

c) Giai đoạn từ năm 2030 đến năm 2050:

Tổng lượng chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình phát sinh bởi nhà máy điện hạt nhân nước nhẹ khoảng 18.500 m3 (lò áp lực - PWR) hoặc khoảng 50.500 m3 (lò nước sôi - BWR).

Lượng chất thải phóng xạ hoạt độ cao và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng khoảng 15.500 m3 (lò áp lực - PWR) hoặc khoảng 20.700 m3 (lò nước sôi - BWR).

8. Quy mô của địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia:

- Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020: các chất thải phóng xạ phát sinh trong các lĩnh vực có ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ được lưu giữ tại các cơ sở hiện có.

- Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2050: khoảng 70 - 100 ha.

9. Địa điểm để lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia:

Định hướng địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

10. Lộ trình thực hiện:

a) Giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2015:

- Nhà nước đầu tư, nâng cấp kho lưu giữ tạm thời chất thải phóng xạ hiện có; tập trung thu gom, quản lý các nguồn phóng xạ hoạt độ cao đã qua sử dụng.

- Các cơ sở ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ tự tổ chức kho lưu giữ chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình, chu kỳ bán phân huỷ ngắn.

- Tiến hành khảo sát kỹ thuật tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ để đánh giá chi tiết và lựa chọn một địa điểm phù hợp nhất. Lập báo đầu tư xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia.

b) Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020:

Triển khai, thực hiện dự án đầu tư xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia đã được lựa chọn.

c) Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030:

- Vận hành kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia hoạt độ thấp và trung bình đáp ứng xử lý lượng chất thải phóng xạ phát sinh từ các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

- Tập trung quản lý nguồn phóng xạ đã qua sử dụng hoạt độ cao tại kho lưu giữ quốc gia.

d) Định hướng từ năm 2030 đến năm 2050:

- Vận hành kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia đối với chất thải phóng xạ hoạt độ thấp và trung bình, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng trong toàn quốc đáp ứng việc xử lý lượng chất thải phóng xạ phát sinh từ tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

- Hoạch định chính sách xử lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nghiên cứu khảo sát vị trí chôn sâu vĩnh viễn chất thải hạt nhân và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng có hoạt độ cao trong tầng cấu trúc địa chất thích hợp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Xây dựng:

Hướng dẫn địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành trên địa bàn phù hợp với định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ.

b) Bộ Khoa học và Công nghệ:

- Hướng dẫn đánh giá an toàn bức xạ và an toàn, an ninh hạt nhân đối với kho lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia và địa điểm chôn cất chất thải phóng xạ,

- Ban hành các văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia và các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

- Kiểm tra, giám sát việc đảm bảo an toàn bức xạ, an toàn, an ninh hạt nhân trong quá trình xây dựng và vận hành các kho chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án xây dựng kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ và thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc quản lý, sử dụng đất xây dựng bãi chôn lấp chất thải phóng xạ quốc gia theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.

d) Bộ Công Thương:

- Chỉ đạo chủ đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành kho lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ quốc gia.

- Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đầu tư xây dựng kho chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ quốc gia.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan cân đối các nguồn vốn để thực hiện Quy hoạch này.

e) Uỷ ban nhân, dân các tỉnh dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân và kho lưu giữ. chôn cất chất thải phóng xạ:

- Tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng các đô thị, các điểm dân cư nông thôn, quy hoạch chuyên ngành xây dựng bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đã được phê duyệt.

- Phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và tổ chức liên quan nhằm tạo nên sự hiểu biết cần thiết của nhân dân. Tiến hành công tác tuyên truyền cho cộng đồng nhằm tạo sự đồng thuận của công chúng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 2376/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Định hướng quy hoạch địa điểm lưu giữ, chôn cất chất thải phóng xạ đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 2376/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/12/2010
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Hoàng Trung Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản