Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2376/QĐ-BNN-QLCL | Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2009 |
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 34/2009/NQ-QH12 NGÀY 19 THÁNG 06 NĂM 2009 CỦA QUỐC HỘI KHÓA XII VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG, VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2376 /QĐ-BNN-QLCL ngày 21/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Cụ thể hóa các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài (đến 2015) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 ngày 19 tháng 06 năm 2009 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phân công rõ trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các tổ chức thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở địa phương để đảm bảo việc triển khai thực hiện Nghị quyết đồng bộ và có hiệu quả.
II. NỘI DUNG VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH
1. Các nhiệm vụ cấp bách trong năm 2009-2010:
Trong năm 2009 – 2010 tập trung các hoạt động giải quyết dứt điểm một số vấn đề còn nhiều tồn tại, bức xức trong quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản. Trọng tâm là các nhóm sản phẩm rau, thịt, thủy sản tiêu thụ nội địa. Nhiệm vụ trọng điểm là tăng cường các biện pháp kiểm soát tại một số khâu quan trọng, có rủi ro cao về ATTP trong chuỗi sản xuất. Các hoạt động cần triển khai cụ thể như sau:
1.1. Đối với nhóm sản phẩm rau:
- Tập trung chấn chỉnh việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đồng loạt kiểm tra, chấn chỉnh các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, kiên quyết xử lý các vi phạm dựa vào các quy định của Luật Hình sự, Pháp lệnh Bảo vệ thực vật.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách cho người trồng rau thông qua các hoạt động khuyến nông và hệ thống chỉ đạo của cơ quan nhà nước.
- Ưu tiên bố trí kinh phí khuyến nông hàng năm cho lĩnh vực trồng trọt để hỗ trợ các mô hình sản xuất rau, quả, chè an toàn theo VietGAP.
- Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức sản xuất rau an toàn, triển khai có hiệu quả Quyết định 107/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức đăng ký vùng sản xuất an toàn và đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Từ nay đến cuối năm 2009, tập trung chỉ đạo quyết liệt ở các vùng trọng điểm sản xuất rau: Đồng bằng sông Hồng, vùng “liên kết sông Tiền” và Lâm Đồng để tạo chuyển biến rõ rệt.
1.2. Đối với nhóm sản phẩm thịt:
- Rà soát lại các quy định về điều kiện của các lò mổ động vật, điều chỉnh cho phù hợp; ban hành các quy định về giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật theo hướng hạn chế và tiến tới cấm không cho kinh doanh các sản phẩm thịt ngoài chợ nếu không được kiểm soát về thú y;
- Kiến nghị Bộ Tài chính để có chính sách chuyển nghề, hỗ trợ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ ngừng hoạt động hoặc chuyển sang cơ sở giết mổ gia súc gia cầm tập trung
- Tăng cường kiểm tra việc sản xuất thức ăn chăn nuôi, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh cấm.
- Hướng dẫn việc tổ chức sản xuất tiến tới đăng ký vùng nuôi an toàn và đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Trước mắt chỉ đạo tại các đô thị ở các vùng trọng điểm: các tỉnh miền Bắc và các thành phố lớn.
1.3. Đối với nhóm sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa:
- Tập trung kiểm tra, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản ở cơ sở thu gom bảo quản và ở chợ.
- Hướng dẫn về phương pháp bảo quản sản phẩm sau thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra chất lượng thủy sản đánh bắt ngoài biển ngay khi tàu cập cảng cá.
- Chỉ đạo, hướng dẫn vấn đề kiểm soát ao nuôi và việc đăng ký địa điểm nuôi trồng thủy sản; hoàn thành đề án và triển khai hoạt động đăng ký, cấp mã số vùng nuôi cá tra và vùng nuôi tôm an toàn.
2. Các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2010-2015:
2.1. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:
- Tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng Luật An toàn thực phẩm và các Nghị định hướng dẫn thi hành.
- Rà soát, xây dựng lộ trình hoàn thiện đồng bộ hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật về ATTP trong phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT phù hợp Luật An toàn thực phẩm.
- Xây dựng Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn vệ sinh nông lâm thủy sản tại cấp huyện, cấp xã
- Xây dựng Thông tư liên tịch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Y tế - Bộ Công Thương - Bộ Nội vụ về phân công quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm .
- Xây dựng Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công quản lý nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản giữa các cơ quan thuộc Bộ .
- Rà soát, bổ sung, sửa đổi văn bản qui phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống qui chuẩn kỹ thuật về đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT.
2.2. Xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình
- Tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm 2011-2015
- Phê duyệt và triển khai Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến 2015, định hướng 2020.
- Xây dựng và triển khai Đề án quy hoạch hệ thống phòng kiểm nghiệm phục vụ công tác kiểm soát CL, VSATTP NLTS xuất khẩu, nhập khẩu, tiêu thụ nội địa.
- Xây dựng và triển khai Đề án xã hội hóa các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
2.3. Kiện toàn và ổn định bộ máy tổ chức, hệ thống thanh tra chuyên ngành từ trung ương đến địa phương
- Hoàn thành tổ chức và đưa vào hoạt động Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Chi cục Quản lý CLNLTS) tại 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
- Kiện toàn thanh tra chuyên ngành chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản tại các Cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT; hình thành lực lượng thanh tra, đào tạo nhân lực, khẩn trương triển khai hoạt động thanh, kiểm tra tại các Chi cục Quản lý CLNLTS tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
- Tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương theo hướng cơ quan Trung ương chỉ tập trung nhiệm vụ xây dựng chính sách quản lý vĩ mô, thanh tra kiểm tra và giải quyết các vấn đề đối ngoại, giải quyết các rào cản của thị trường. Cấp địa phương thực thi chủ yếu các nhiệm vụ quản lý trực tiếp, tổ chức việc kiểm tra, công nhận điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sở, vùng nuôi, trồng, thu hoạch, đánh bắt, giết mổ, vận chuyển, chế biến bảo quản nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp, kiểm tra, chứng nhận chất lượng, VSATTP nông, lâm, thủy sản tiêu thụ nội địa theo phạm vi quản lý được phân cấp.
2.4. Đầu tư xây dựng cơ bản và bổ sung cơ sở vật chất kỹ thuật
- Đầu tư nâng cấp và mở rộng trụ sở làm việc và phòng kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý chất lượng nông lâm thủy sản từ trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trang bị đồng bộ thiết bị kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nông lâm thủy sản cho các phòng kiểm nghiệm kiểm chứng quốc gia và khu vực.
- Đầu tư thiết bị kiểm nghiệm chất lượng cơ bản cho các Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cấp tỉnh. Đầu tư trang thiết bị kiểm tra nhanh hiện trường cho cấp huyện.
- Đầu tư bổ sung các thiết bị kiểm nghiệm đáp ứng phân tích 100% các chỉ tiêu trong các sản phẩm nông lâm sản (hàm lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất ô nhiễm môi trường, sản phẩm biến đổi gen …).
- Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở pháp lý đối với phòng kiểm nghiệm kiểm chứng cấp quốc gia và khu vực vào năm 2010. Chọn lựa và xây dựng khoảng 02 phòng kiểm chứng quốc gia đầu tư thành phòng kiểm chứng cấp khu vực.
2.5. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ
- Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, người nông dân, cơ quan địa phương áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, kiểm soát chất lượng, VSATTP nông lâm thuỷ sản trước mắt là sản phẩm rau, thịt, thủy sản.
- Chú trọng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ xử lý các vấn đề phát sinh, yêu cầu cấp bách của sản xuất về VSATTP, các quy trình, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và địa phương,...
2.6. Quy hoạch, xây dựng, phát triển các vùng sản xuất nông lâm thủy sản tập trung, quy mô lớn; khuyến khích hình thức trang trại đảm bảo an toàn VSTP.
- Chỉ đạo địa phương nhanh chóng hoàn thiện và ban hành quy hoạch các vùng chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng an toàn thực phẩm.
- Rà soát, sửa đổi bổ sung các chính sách khuyến khích sản xuất tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và an toàn môi trường theo quy trình VietGAP, GHP, GAqP.
- Hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở thu mua sơ chế…cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến áp dụng GMP, SSOP
- Xây dựng các mô hình sản xuất RAT cộng đồng theo GAP và gắn với công tác quản lý thuốc BVTV của chính quyền địa phương; xây dựng mô hình sản xuất rau, chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
2.7. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng các chương trình truyền thông về đảm bảo chất lượng, VSATTP nông lâm thủy sản, nâng cao nhận thức của người nông dân, người kinh doanh, người tiêu dùng. Phát hành ấn phẩm thực hành nông nghiệp tốt (sách, băng hình, truyền hình...), phổ biến đến các tỉnh, thành phố.
- Đào tạo, tập huấn cho các giảng viên là cán bộ chuyên môn địa phương; đẩy mạnh tập huấn, đào tạo giúp người dân mở rộng quy mô áp dụng các mô hình thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GMP,…) trong toàn bộ quá trình từ thu gom, bảo quản, sơ chế, chế biến đến trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
2.8. Xã hội hóa các dịch vụ về chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản; thu hút và nâng cao vai trò của các hội nghề nghiệp
- Ban hành chính sách, danh mục và lộ trình xã hội hóa các dịch vụ phục vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý, đánh giá, công nhận các tổ chức xã hội làm dịch vụ phục vụ quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản thuộc các thành phần kinh tế.
- Tổ chức đánh giá năng lực các tổ chức kiểm nghiệm, các tổ chức chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản hiện có để chỉ định các cơ sở đáp ứng yêu cầu tham gia kiểm tra, chứng nhận chất lượng VSATTP nông lâm thủy sản.
- Nâng cao vai trò cầu nối trong quản lý chất lượng, VSATTP nông sản của các hội, hiệp hội sản xuất. Thiết lập cơ chế hỗ trợ các hiệp hội nhà sản xuất, chế biến.
2.9. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
- Tăng cường tham gia các hoạt động của các tổ chức quốc tế FAO, IPPC, OIE, CODEX,...nâng cao vai trò và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế.
- Đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận song phương và đa phương với các nước, khu vực và vùng lãnh thổ theo hướng thừa nhận lẫn nhau.
- Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác khu vực, khai thác hiệu quả và hỗ trợ quốc tế về đảm bảo VSATTP nông lâm thủy sản.
1. Những nội dung công việc cần triển khai thực hiện các tháng cuối năm 2009 và đầu 2010.
1.1. Tham gia xây dựng Luật An toàn thực phẩm, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CL NLTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành
1.2. Xây dựng Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến 2015, định hướng 2020
- Thời gian trình: tháng 8/2009
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CL NLTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành
1.3. Triển khai thực hiện Đề án đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm các mặt hàng nông sản chủ lực (rau, chè, thịt) và Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm sản và thủy sản đến năm 2015 (kèm theo Quyết định số 111/QĐ-BNN-QLCL và Quyết định số 112/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/1/2009).
- Thời gian thực hiện: Tháng 11-12/2009
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CL NLTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành
1.4. Tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo CL, VSAT sản phẩm rau (kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc BVTV; hướng dẫn tổ chức sản xuất rau an toàn, tập trung chỉ đạo quyết liệt ở các vùng trọng điểm sản xuất rau: Đồng bằng sông Hồng, vùng “liên kết sông Tiền” và Lâm Đồng)
- Thời gian thực hiện: tháng 9-12/2009
- Cơ quan chủ trì: Cục BVTV
- Cơ quan phối hợp: Các Cục Trồng trọt, QLCL, CB,TM NLTS&NM
1.5. Tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo CL, VSAT sản phẩm thịt (ban hành các quy định kiếm soát thú y các hoạt động giết mổ động vật, kiểm tra, chấn chỉnh việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra trước mắt tập trung tại các tỉnh miền Bắc và các thành phố lớn)
- Thời gian thực hiện: tháng 9-12/2009
- Cơ quan chủ trì: Cục Thú y
- Cơ quan phối hợp: Các Cục Chăn nuôi, QLCL, NTTS, CBTM NLTS&NM
1.6. Tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo CL, VSAT sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa (tổ chức kiểm tra, kiểm soát VSATTP tại các cơ sở thu gom bảo quản, chợ; kiểm soát ao nuôi và việc đăng ký địa điểm nuôi trồng thủy sản)
- Thời gian thực hiện: tháng 9-12/2009
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CL NLTS, Cục NTTS
- Cơ quan phối hợp: Cục CB,TM NLTS&NM, Cục KT&BV NLTS
1.7. Tổ chức chiến dịch truyền thông về đảm bảo VSATTP nông lâm sản và thủy sản tập trung vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng 04 nhóm mặt hàng: rau, quả, thịt, thủy sản tiêu thụ nội địa (các vấn đề về sử dụng thuốc thú y, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc BVTV; thuốc bảo quản; xây dựng mô hình sản xuất thực hành nông nghiệp tốt…).
- Đối tượng tuyên truyền chính: người tiêu dùng, nông dân, ngư dân, chủ cơ sở giết mổ và đại lý, kinh doanh VTNN, nông lâm thủy sản
- Thời gian triển khai thực hiện: tháng 9-12/2009
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CLNLTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư, Đài Truyền hình Việt Nam, đài phát thanh địa phương, Báo Nông nghiệp Việt Nam…
2. Những nội dung công việc triển khai giai đoạn 2010 -2015
2.1. Tham gia xây dựng Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện một số điều của Luật ATTP
- Thời gian trình: tháng 10/2010
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CLNLTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành
2.2. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản QPPL, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm
- Thời gian trình: 2010
- Cơ quan chủ trì: Vụ Pháp chế, Vụ KHCN&MT
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành
2.3. Triển khai thực hiện các dự án trong Đề án tăng cường quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đến 2015, định hướng 2020
- Thời gian: 2011 - 2015
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CLNLTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành
2.4. Tổ chức triển khai Dự án đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông lâm sản TP và Dự án đảm bảo ATDB, ATMT và ATTP đối với SP thủy sản có nguồn gốc từ nuôi trồng thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về VSATTP
- Thời gian: hàng năm
- Cơ quan chủ trì: Các Cục chuyên ngành
- Cơ quan phối hợp: Các Chi cục/ Phòng Quản lý CL NLTS địa phương
2.5. Xây dựng mô hình quản lý vĩ mô trong lĩnh vực quản lý chất lượng, VSATTP nông lâm sản và thủy sản
- Thời gian trình: tháng 06/2010
- Cơ quan chủ trì: Cục Quản lý CLNLTS
- Cơ quan phối hợp: Vụ TCCB, Vụ Tài chính
2.6. Phát triển vùng sản xuất nông lâm thủy sản tập trung, quy mô lớn, khuyến khích hình thức trang trại, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thân thiện môi trường, gắn với phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn
- Cơ quan chủ trì: Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi, Cục NTTS
- Cơ quan phối hợp: Các Cục Quản lý CLNLTS, CB,TM NLTS&NM
2.7. Ký kết hiệp định song phương, đa phương công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm.
- Cơ quan chủ trì: Vụ HTQT
- Cơ quan phối hợp: Các Cục chuyên ngành.
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 và đề xuất các chương trình, đề án, dự án cụ thể trong kế hoạch hàng năm.
2. Định kỳ 6 tháng các đơn vị, địa phương, tổ chức, cơ sở liên quan báo cáo tình hình triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá và thông báo kết quả thực hiện chung trên phạm vi toàn quốc.
4. Giao Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản chủ trì, phối hợp với các Cục chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc theo dõi thực hiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết, định kỳ 6 tháng một lần Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Liên ngành Trung ương về VSATTP.
5. Khen thưởng và kỷ luật : Hàng năm Bộ NN&PTNT tổ chức sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tốt, có hình thức khen thưởng tổ chức, cá nhân đạt thành tích xuất sắc và xử lý trách nhiệm người đứng đầu không thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Bộ triển khai Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12./.
- 1Công văn 2620/BNN-QLCL năm 2013 trả lời kiến nghị liên quan đến thực hiện Luật an toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Kế hoạch 7607/KH-BNN-QLCL năm 2016 chuẩn bị và tổ chức thực hiện Nghị quyết 19/2016/QH14 về thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” của Quốc hội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 2250/QĐ-BNN-QLCL năm 2018 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 1Nghị định 01/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 2Quyết định 111/QĐ-BNN-QLCL năm 2009 Đề án đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rau, quả, chè và thịt giai đoạn 2009-2015 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Quyết định 112/QĐ-BNN-QLCL năm 2009 về Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn vệ sinh thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản đến năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Nghị quyết số 34/2009/NQ-QH12 đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Quốc hội ban hành
- 5Công văn 2620/BNN-QLCL năm 2013 trả lời kiến nghị liên quan đến thực hiện Luật an toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Kế hoạch 7607/KH-BNN-QLCL năm 2016 chuẩn bị và tổ chức thực hiện Nghị quyết 19/2016/QH14 về thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016” của Quốc hội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7Quyết định 2250/QĐ-BNN-QLCL năm 2018 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Quyết định 2376/QĐ-BNN-QLCL năm 2009 về Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết 34/2009/NQ-QH12 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 2376/QĐ-BNN-QLCL
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/08/2009
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Cao Đức Phát
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/08/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra