Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 237/2006/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 12 tháng 9 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THANH TRA SỞ THỦY SẢN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 01/2006/TTLT-BTS-BNV ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Thủy sản và Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Thanh tra Thủy sản địa phương;

Căn cứ Quyết định số 236/2006/QĐ-UBND ngày 12 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thành lập Thanh tra Sở Thủy sản trực thuộc Sở Thủy sản tỉnh Ninh Thuận;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thủy sản tại Tờ trình số 422/TT-STS ngày 30 tháng 8 năm 2006 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Phiếu trình số 406PT/SNV-TCCC ngày 07 tháng 9 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Thanh tra Thủy sản là cơ quan trực thuộc Sở Thủy sản (sau đây gọi tắt là là Thanh tra Sở) thuộc hệ thống Thanh tra Thủy sản; có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Thủy sản thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thủy sản trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở.

2. Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Sở Thủy sản; đồng thời chịu sự hướng dẫn về công tác và nghiệp vụ thanh tra hành chính của Chánh Thanh tra tỉnh, về công tác và nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Thủy sản; có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản để giao dịch, hoạt động theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành về thủy sản trình Giám đốc Sở phê duyệt và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch đó.

2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính (thanh tra về thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Sở):

a) Thanh tra, kết luận, quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị có quan có thẩm quyền quyết định xử lý;

b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính theo hướng dẫn của Thanh tra tỉnh.

3. Thực hiện thanh tra chuyên ngành thủy sản theo Điều 14 Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thủy sản:

a) Thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 128/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 10năm 2005 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các quy định khác của pháp luật;

b) Ra quyết định và thành lập các Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra chuyên ngành thủy sản theo chương trình, kế hoạch và quyết định thanh tra do Giám đốc Sở phê duyệt;

c) Cử người tham gia Đoàn thanh tra chuyên ngành thủy sản khi có yêu cầu của Thanh tra Bộ.

4. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo:

a) Chủ trì hoặc tham gia tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật;

b) Giúp Giám đốc Sở giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

c) Theo dõi, kiểm tra các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Sở trong việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra của đơn vị thuộc Sở thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

6. Thực hiện công tác phòng ngừa, chống tham nhũng trong lĩnh vực thủy sản ở địa phương theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.

7. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành hoặc hủy bỏ những quy định trái với các văn bản pháp luật của Nhà nước hoặc trái với các văn bản pháp luật chuyên ngành do Bộ Thủy sản ban hành.

8. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành thủy sản và giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Sở.

9. Phối hợp với thanh tra Bộ Thủy sản tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành cho Thanh tra viên, cộng tác viên Thanh tra Thủy sản.

10. Phối hợp với thanh tra các ngành, chính quyền cấp huyện, cấp xã và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền trong quá trình thanh tra đối với các vấn đề có liên quan đến thủy sản và trong việc phòng ngừa, ngăn chặn đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật.

11. Quản lý tổ chức, biên chế, tài sản và kinh phí phục vụ hoạt động của Thanh tra Sở theo quy định của pháp luật.

12. Báo cáo định kỳ (hoặc đột xuất) về tình hình tổ chức hoạt động của đơn vị với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; các công việc khác do Giám đốc Sở Thủy sản giao.

Điều 3. Tổ chức bộ máy, biên chế và kinh phí hoạt động.

1. Tổ chức bộ máy

a) Lãnh đạo: Chánh Thanh tra và từ 01 đến 02 Phó Chánh Thanh tra.

- Chánh Thanh tra Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc Sở về toàn bộ hoạt động của đơn vị;

- Phó Chánh Thanh tra Sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chánh thanh tra về nhiệm vụ được phân công;

b) Các bộ phận giúp việc Chánh Thanh tra Sở:

- Đội Hành chính - Tổng hợp;

- Đội Thanh tra hành chính;

- Đội Thanh tra chuyên ngành (gồm có các Tổ Thanh tra theo lĩnh vực chuyên ngành).

2. Biên chế:

Biên chế của Thanh tra Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ hàng năm trên cơ sở khối lượng, tính chất và đặc điểm cụ thể công tác thanh tra thủy sản sản trên địa bàn tỉnh.

3. Kinh phí hoạt động:

Kinh phí hoạt động của Thanh tra Sở do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quản lý công chức, người lao động

1. Chánh Thanh tra Sở và Phó Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở Thủy sản bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ và Chánh Thanh tra tỉnh và theo quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ hiện hành của tỉnh.

2. Đội trưởng, Đội phó do Chánh Thanh tra Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Thủy sản và theo quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ hiện hành của tỉnh.

3. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, người lao động; khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ chính sách đối với công chức, người lao động của Thanh tra Sở theo quy định của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành.

1. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; bãi bỏ những quy định trước đây trái với Quyết định này.

2. Chánh Thanh tra Sở có trách nhiệm:

a) Căn cứ Nghị định số 107/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ và Quyết định này quy định nhiệm vụ cụ thể cho các đội; ban hành quy chế hoạt động của Thanh tra Sở và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả.

b) Trong quá trình thựvc hiện Quyết định này nếu có vấn đề phát sinh, không hợp lý thì tổng hợp và báo với Giám đốc Sở Thủy sản để thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung.

3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Thủy sản, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Chánh Thanh tra Sở Thủy sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 237/2006/QĐ-UBND về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Sở Thủy sản tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 237/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 12/09/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Hoàng Thị Út Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản